(Nguồn ảnh: internet) |
Chiều qua sông Vàm Nao
Lòng bỗng thấy nao nao
Ôi bầy sóng lưỡi búa
Bửa nát những phận bèo.
Chiều qua sông Vàm Nao
Tặng Lê thị Thu
Cúc ấp Mỹ Hóa 3 xã Hòa Hảo quận Tân Châu
Chiều qua sông Vàm Nao
Trong tiếng gió lao xao
Nghe tiếng trâu rừng chạy (1)
Nghe tiếng voi rừng kêu
Nghe tiếng quân hò reo.(2)
Chiều qua sông Vàm Nao
Lòng bỗng thấy nao nao
Ôi bầy sóng lưỡi búa
Bửa nát những phận bèo.
Chiều qua sông Vàm Nao
Trông về hướng Doi Lửa (3)
Tìm kiếm cặp ngỗng thần
Trong mịt mù quá khứ.
Chiều qua sông Vàm Nao
“…sông nước chảy vòng cầu” (4)
- ông già mù đọc giảng-
“…sau có việc thảm sầu…”
Chặt chuối rừng làm phao (5)
Người xưa vượt Vàm Nao
Cá dữ và nước xoáy
Hồn xưa đi về đâu.
Hai trăm năm trôi xuôi
Bao sông lở cát bồi
Hờn sưu dân còn đó
Cá dữ tuyệt chủng rồi.
Chiều qua sông Vàm Nao
Biệt tăm cá bông lau (6)
Nhìn mây bay nước chảy
Bây giờ em ở đâu?
Ta rời bến Thuận Giang
Chiều bủa khói mênh mang
Mặc ghe thuyền xuôi ngược
Sông vẫn cứ thênh thang.
--------------
1)Tương truyền, thuở xa xưa, sông này là con
đường của những đàn voi và trâu rừng đi, lâu ngày thành con rạch nhỏ, rồi dần
dần bị áp lực nước của sông Tiền chảy xiết về sông Hậu, mà thành một con sông
rộng lớn ngày nay.
(2) Tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1834),quân Việt
đánh bại quân Xiêm la tại con sông nầy.
(3) Khúc sông có truyền thuyết về hiện tượng
sóng to gió lớn nổi lên nhận chìm tất cả thuyền bè qua lại sau khi có sự xuất
hiện của cặp ngỗng thần.
(4) "Con sông nước chảy vòng cầu/Ngày
sau có việc thảm sầu thiết tha"... Sấm giảng thi văn (quyển 1)của Đức
Huỳnh Giáo Chủ. Đoạn giảng có liên quan đến truyền thuyết"Ông Năm
Chèo"đang trầm mình dưới đáy sông Vàm Nao đợi ngày nổi lên ăn thịt người
hung ác.
(5) Vàm Nao là một nhánh sông ăn thông giữa
Tiền và Hậu Giang,giữa địa giới Long Xuyên-Châu Đốc,nơi từng chứng kiến biết
bao thảm kịch lịch sử trong thời chiến tranh Xiêm Việt,chiến tranh Miên
Việt.Một nơi nước xoáy cuộn vòng cầu,đánh đắm biết bao thương thuyền.Vào năm
1700 nó từng được Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tứ danh là “Thuận Vàm”với ước mong
tai nạn nhân dân được giảm thiểu. Sông Vàm Nao hồi ấy hẹp,nhưng độ sâu đáng
sợ.Cá mập tránh sóng to ở đại giang vào trầm mình ở đó vô số.Sưu dân đào kênh
Vĩnh Tế đa số là người ở miệt dưới,tức Sa Đéc,Long Hồ,Trà Vang…Họ muốn trốn
phải về đường đó,vì đường đó rừng bụi nhiều và là nẽo tắt cách xa đường dịch
trạm(tức công lộ),không có đồn ải ngăn chặn.Người ta đợi giữa đêm khuya,họp
thành đàn cho đông,mỗi người ôm một cây chuối để làm ống nổi rồi nhảy ào xuống
nước mà lội để cho cá không ăn kịp.Họ tính cao như vậy mà khi đáo bỉ ngạn mười
người chỉ còn sống sót được có năm ba và có khi tay chân còn bị cụt mất nữa là
khác.
- Theo “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá
miền Hậu Giang”của cố Giáo Sư Nguyễn Văn Hầu.
(6) Đặc sản của sông Vàm Nao,hiện đánh bắt
được rất ít,ngư dân đa số phải bỏ nghề.
*
HUỲNH LONG SƠN
Địa chỉ: 771 ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B
huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp
Email: huynhlongson@gmail.com
Điện thoại: 0125.850.5646
.
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 17.06.2017
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét