Tặng tác giả: “NƯỚC MẮT TRONG NGÀY ĐẠI LỄ” - Tạp bút Dương Quốc Việt (Hà Nội)

Leave a Comment
(Chùa Nôm, Hưng Yên ; Nguồn ảnh: Thảo Chi)
Tặng tác giả:
“NƯỚC MẮT TRONG NGÀY ĐẠI LỄ”
*
Một nữ văn nhân không hề quen biết với tôi, đã viết một bài trong blog của mình cách đây bốn năm rất xúc động, nhân  dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm văn hiến. Vì thế  tôi đã viết cảm xúc của mình ngay sau khi đọc bài viết đó, và cũng như để chia sẻ-đồng cảm với  tác giả bài viết: “Nước mắt trong ngày đại lễ”.      
Đọc bài viết của bà, nhất là trong cái bối cảnh:
Mũ áo cân đai tràn xứ sở
Quốc hồn, ôi! sao vẫn u hoài
Vang danh kẻ sĩ, thân rơm cỏ
Nước non này trông cậy vào ai?
Hỡi ôi hào khí hồn sông núi
Đang tụ nơi nao chẳng thấy về.
Cũng như nó đã được mô tả khá bản chất trong: trí thức thời nay, khiến tôi không thể không ngạc nhiên và không thể không cảm động về phẩm chất trí thức - óc phản biện mạnh mẽ và tâm huyết trong bà. Qua bài viết, bà đã cho tôi thấy đất nước này, vẫn còn có những trái tim và những khối óc đáng yêu, đáng kính như bà! Mặc dù có thể bà đã quá lo xa như tâm tính thường tình của kẻ sĩ - điều cũng dễ thông cảm, vả lại bởi bà còn là một con dân của một dân tộc đã chịu bao cảnh tang tóc đau thương. Môt cảm xúc dâng trào trong tôi, và tôi yêu bà, vì nhân cách và trí tuệ sắc xảo của bà thể hiện qua bài viết. Tôi thương bà, vì trái tim bao la và hồn hậu đầy nhậy cảm của bà, có thể sẽ khiến  bà luôn dằn vặt  khổ đau trước nhân tình thế thái. Tôi nể bà, vì sự gai góc của bà. Tôi hình dung  bà đẹp kiêu sa, cái kiêu sa của vẻ đẹp trí tuệ, mẫn cảm. Tôi trọng cái kiêu đáng kính thể hiện trong văn phong của bà, và hy vọng sẽ làm cho lũ tiểu nhân - bọn kẻ sĩ mang thân rơm cỏ và bọn chỉ quen vơ vét danh lợi, lũ chỉ mong “đục nước béo cò”…, càng thêm muôn phần nhỏ bé trước con mắt của cộng đồng.
Tôi hiểu bà đang xót xa cho đất nước như thế nào, xót xa tới  mức để rồi nhìn biển màu đỏ bao la, thấy như “biển máu”?! “Biển máu” trong và ngoài biên ải, như dự cảm cảnh nước mất nhà tan luôn có thể ập đến. Bà xót thương và thông cảm sâu xa với nỗi lòng con dân đất Việt, dự cảm một nỗi uất hận trong họ, khiến “lệ khô, tiết máu đào”. Phải chăng bà còn ứa lệ - phẫn uất cho một dân tộc, bằng ấy bài học và trải nghiệm đau thương-xơ xác trải suốt chiều dài lịch sử, mà hình như vẫn còn chưa đủ để ngấm đòn, để thức tỉnh - để nhận ra mình - để bớt đi thói xấu và biết cùng nỗ lực như thế nào để tồn tại trong thế giới này sao?! Dù có thể sự tưởng tượng và dự cảm của bà đã vượt hơi xa với hiện thực, thực tế có thể không đến nỗi như thế, nhưng ở một đất nước đã từng trải qua biết bao tai  họa thù trong giặc ngoài, có biết bao bài học như “Mỵ Châu - Trọng Thủy” thì  dẫu có quá một chút chắc cũng chẳng thừa?!
Bà đã khóc - khóc thực sự, khóc vang những tiếng khóc bi ai - cho những đau thương mất mát trong suốt chiều dài lịch sử của xứ sở này, bằng cả trái tim nhân văn cao cả. Phải chăng bà đã khóc để xót thương cho quốc hồn - quốc tuý, để thức tỉnh  muôn dân hãy hết mình vì đất nước, hay đề  muôn dòng lệ cuốn đi cảnh lố bịch ngập tràn. Hay bà khóc để người người oà khóc, khỏi phải buồn trộm khóc thầm, hay khóc: vì ngàn năm văn hiến Thăng Long - mà sao không đủ văn minh làm kẻ thù kia khiếp nhược - từ bỏ dã tâm xâm lược, hay còn  khóc cho niềm tự hào ngớ ngẩn “Người Hà Nội”, cho một thủ đô liên miên chịu đòn thù không dứt?? Hay có phải bà đã khóc cho bốn ngàn năm đất Việt, hết chiến tranh, lại mơ mộng, cậy công, quá đỗi tự hào (xem:  Có nên quá đỗi tự hào?) - với tất cả những ưu điểm của con người: về trí thông minh, về lòng nhân đạo, về tính cần cù-sáng tạo-đoàn kết, rồi giỏi cả chịu khổ cực, chịu đựng để “đất hóa thành thơ”, mà sao vẫn chưa thấy hóa rồng?!  Hay khóc vì xót đau cho con dân đất Việt, dại chợ khôn nhà, háo danh - thiển cận, kèn cựa hại nhau - hủy hoại nhân tài, kéo nhau xuống kiếp tôi đòi.
Nhưng tôi vẫn hiểu một cách lạc quan rằng, bà khóc không phải vì tuyệt vọng, mà khóc vì sự thức tỉnh, khóc vì xót xa tiếc nuối cho những điều có thể làm tốt đẹp hơn lên, khóc vì niềm tin vào dân tộc này - hoàn toàn có thể khắc phục những nhược điểm không đáng có để vươn lên, mà sao vẫn còn phải gánh chịu nhiều cơ cực!?
Đâu văn minh Sông Hồng? Đâu hào khí Đông A? Đâu chí khí Miền Trung? “Sông Hồng chảy về đâu và lịch sử?” (thơ cụ Chế). Và  thấu chăng:
Đây xứ sở dệt thêu bao huyền thoại
Ngút khói hương bao chốn vô thường
Nơi hoang vu hằng mơ miền cực lạc
Phủ ánh lung linh lên những kiếp điêu tàn
Sông Hồng sục sôi cùng Sông La Sông Mã
Hào khi Đông A hay chí khí Miền Trung
Đất Thăng Long ôm mộng đổi đời
Hằng chiếm đoạt công danh bằng mọi giá!
Tôi còn muốn viết dài và rất dài, về văn hoá, về con người, về cả nhân cách đương thời, những thứ mà bà đã đề cập, nhưng biết bao nhiêu cho đủ!?  Liệu có hoang tưởng không, khi ao ước về một ngày nào đó -không hẳn phải đối mặt với họa xâm lăng, ngày của thời bình, nhưng dân tộc này ngộ ra được chính mình, để cả dân tộc hòa cùng một nhịp bước trong xây dựng đất nước, biết tự lựa chọn cho mình một quỹ đạo riêng, phù hợp với quy luật sinh tồn trong thế giới nghiệt ngã này. Và mọi dòng sông sẽ hòa cùng biển lớn.
Cảm ơn tấm chân tình của bà với đất nước!

Mời thư giãn với nhạc phẩm GIỮA MẠC TƯ KHOA NGHE CÂU HÒ NGHỆ TĨNH
của Trần Hoàn, qua tiếng hát Lê Sang:

*
Hà Nội, ngày 05.10.2010
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ:  Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn

.




....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.06.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét