THƯỢNG THƯ, NGỰ SỬ, thầy giáo VŨ CÔNG ĐẠO - Tác giả: Nguyễn Xuân (Hưng Yên)

Leave a Comment
(Làng Mộ Trạch, quê hương của danh nhân Vũ Công Đạo ; Nguồn ảnh: internet)
THƯỢNG THƯ, NGỰ SỬ,
thầy giáo VŨ CÔNG ĐẠO
*
Danh nhân Vũ Công Đạo (1629 - 1714), là người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Hồi trẻ ông nổi tiếng là người học rộng biết nhiều. Năm 1659 ông đi thi và đỗ Tiến sĩ. Sau đó ông được vua Lê bổ làm quan. Ông đã từng đi sứ sang Trung Quốc, làm Đốc đồng tỉnh Sơn Tây, sau lại thăng lên làm Thượng thư bộ Hộ. Có một thời ông được giao chức ngự sử trong triều. Với tính tình cương trực ông đã thẳng thắn can gián vua chúa. Chúa ham chơi chọi gà, ông dâng biểu can chúa. Có lần vì can không được ông đã thẳng tay bóp chết con gà của chúa. Lần khác, vì bảo vệ một vấn đề chính nghĩa ông đã đập đầu vào cột để phản đối các ý kiến sai lầm. Vì vậy vua đã bãi chức cho ông về quê. Ít lâu sau vua lại cho gọi ông ra làm ngự sử vì chỉ có ông mới là vị quan chân chính. Trong thời gian làm quan ông đã nghiêm khắc cảnh cáo những kẻ đưa lễ vật đến cầu cạnh.
Với tư cách là một thầy giáo, ông là người xuất sắc. Dù làm chức quan gì thì ông vẫn kiêm việc giảng dạy trong cung. Khi về quê ông mở trường dạy học và đào tạo được khá nhiều nhân tài như Phạm Quang Trạch, Vũ Thạnh... Về sau Vũ Thạnh cũng là một thầy giáo xuất sắc và đào tạo được nhiều thế hệ học trò khác.

* Viếng tang thầy của tôn sư
Nghe tin quan Thượng thư Vũ Công Đạo qua đời, gia đình Vũ Thạnh vội vàng thu xếp về quê để chịu tang thầy. Vũ Công Đạo là một người thầy có tài năng, có danh vọng nên được triều đình và nhân dân kính nể. Vũ Công Đạo có rất nhiều học trò trong đó có mấy cha con, anh em Vũ Thạnh. Vũ Thạnh đang sai gia nhân chuẩn bị hành trang thì có một thư sinh bước vào. Vũ Thạnh nhận ra đó là Nguyễn Tông Khuê, học trò của mình. Ông cất tiếng hỏi:
- Anh Khuê đấy à? Anh đến có việc gì vậy?
Nguyễn Tông Khuê cung kính đáp.
- Thưa thầy! Con được tin hôm nay thầy về Đường An dự tang lễ đại tôn sư nên con muốn được theo gót.
Vũ Thạnh đáp lời:
- Cảm ơn tấm thịnh tình của anh, nhưng đường sá xa xôi, anh đi lại làm gì cho vất vả. Thầy biết lòng anh là được rồi.
Nguyễn Tông Khuê lại cố gắng cầu xin.
- Thưa thầy, từ đây về Đường An cũng chẳng lấy gì làm xa xôi. Vả lại con cũng lao động quen rồi, không ngại vất vả. Xin thầy cứ cho con theo đám gia nhân để con được thoả lòng.
Khâm phục trước tấm lòng của học trò, Vũ Thạnh gật đầu cho phép anh cùng đi. Dọc đường đi, những lúc kiệu đi thong thả, thầy Vũ Thạnh lại kể cho trò Khuê nghe về người thầy Vũ Công Đạo. Thầy Vũ Công Đạo là người đạo cao đức trọng, trong triều ngoài nội ai cũng biết. Bản thân thầy Vũ Thạnh cũng theo học thầy Vũ Công Đạo từ khi còn nhỏ. Vũ Thạnh nhà nghèo nên được thầy Vũ Công Đạo tận tình giúp đỡ. Càng ngày Vũ Thạnh càng tỏ ra xuất sắc khiến nhiều học trò khác ghen tị. Biết chuyện, thầy Vũ Công Đạo đã sai người gọi những học trò xấu tính kia lại để giảng giải cho họ nghe về đạo lý. Từ đó trở đi Vũ Thạnh được yên ổn học tập và đã thi đỗ đến chức Thám Hoa. Thầy Vũ Thạnh còn kể cho trò Khuê nhiều chuyện về thầy giáo Vũ Công Đạo. Càng nghe trò Khuê càng tự hào vì anh đã được học một vị Thám Hoa đạo cao đức trọng, vị Thám Hoa đó lại là học trò của một người thầy không kém phần nổi tiếng. Như vậy, bản thân Nguyễn Tông Khuê đã tiếp thu được một truyền thống Nho môn thật đáng tự hào.
Về đến quê của thầy Vũ Công Đạo, Nguyễn Tông Khuê mới biết được rằng vị đại tôn sư ấy còn có rất nhiều trò giỏi khác như Phạm Quang Trạch, Nguyễn Danh Dự... Hơn nữa, trò Khuê còn rất ngạc nhiên trước truyền thống học hành gia tộc của vị đại tôn sư này. Cả gia tộc họ Vũ có nhiều người đỗ Tiến sĩ như Vũ Cầu Hồi, Vũ Bật Hài, Vũ Duy Đoán, Vũ Công Lượng, Vũ Huyền, Vũ Huy... Xem xong gia phả của dòng họ Vũ, Nguyễn Tông Khuê thầm nghĩ: "Thật may mắn khi được biết về các vị tôn sư. Mình phải cố gắng học tập nền nếp của họ mới được...".
Lễ viếng quan Thượng thư Vũ Công Đạo được tổ chức trọng thể. Câu đối, trướng phúng viếng của triều đình, của các quan lại, của học trò, của dân làng... trắng xoá cả cánh đồng. Người ta lần lượt vái lạy trước linh cữu. Và thật là xúc động khi có một người thư sinh ở chốn xa xôi cũng quỳ lạy để viếng tang. Một cụ già nhìn Nguyễn Tông Khuê rồi nói:
- Thật quý hoá! Biết ơn thầy lại còn biết ơn thầy của thầy. Thật xứng đáng với thể thống Nho môn. Cậu này về sau ắt sẽ có phúc lớn.
Lời tiên đoán đó quả không sai. Năm 1721, Nguyễn Tông Khuê đã đỗ Tiến sĩ. Tiếp nối truyền thống Nho môn, ông cũng mở trường dạy học và đào tạo được những học trò xuất sắc như Lê Quý Đôn, Phan Kính.
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.





  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 20.06.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét