Từ ngày đồn chợ Cầu Đông có viên sĩ quan chỉ huy mới, dân quanh vùng qua
lại có cảm giác thanh bình hơn trước. Bọn lính trong đồn cũng không thấy mò
xuống chợ hay vào xóm thôn xin xỏ, quấy nhiễu và trêu chọc đàn bà con gái. Nghe
bọn chúng kháo nhau, viên trung úy đồn trưởng này là một nhạc sĩ còn rất trẻ,
đối xử với binh lính dưới quyền rất hiền lành tử tế nhưng cũng rất nghiêm minh
trong công việc. Ông ta đã có cả chục nhạc phẩm được các danh ca đương thời
hát, thu đĩa và phát nhiều lần trên sóng đài phát thanh Hà Nội và đài Pháp Á.
Người dân sống gần đồn còn thấy một sự khác lạ. Đó là cái tầng 2 của lô cốt,
xung quanh có những lỗ châu mai và lỗ thông hơi nhìn ra khắp hướng, mọi ngày
rờn rợn hiện lên trước mắt mọi người một không gian tối đen chật hẹp đầy ma
quái thì giờ đây trên mái nóc của nó thường về đêm những đẹp trời luôn ngân lên
những ca từ và nhạc điệu du dương, êm đềm tưởng như đi vào tận ngóc ngách trong
lòng dễ khiến người ta chỉ muốn nhắm mắt lại để được nghe thâu đêm suốt sáng.
Bọn lính trong đồn còn kháo thêm, những ca từ và nhạc điệu du dương êm đềm đó
được phát ra từ cái máy hát của xếp đồn. Nó không phải là cái máy hát quay tay
lên dây cót hiệu Tiếng Chủ (La Voix de Son Maitre) cổ xưa vẽ một con chó ngồi
trước cái loa đồng mà là một cái máy hát tân thời với các động cơ điện chạy ắc
quy, có thể chồng 10 đĩa liền, hát hết đĩa này đĩa khác sẽ rơi xuống chạy tiếp
luôn.
Năm ấy tôi 12 tuổi, học lớp Nhất trường Cầu Đông. Đường đến
trường phải đi
ngang qua cái đồn ấy nhưng chỉ nghe biết tên mà chưa bao giờ nhìn thấy mặt viên
trung úy nhạc sĩ chỉ huy đó. Một buổi, cả lớp đang giờ tập viết ám tả thì người
loong toong đem đến một tờ thông báo. Thầy giáo cho chúng tôi tạm dừng viết để
nghe đọc thông báo. Nội dung của nó là, với mục đích vui đón Tết Trung thu, Đồn
trưởng đồn Cầu Đông phối hợp cùng các trường tiểu học địa phương sẽ tổ chức
cuộc thi đơn ca cho thiếu niên học sinh vào đêm Rằm tới. Em nào muốn dự thi
trực tiếp ghi tên tại trường đang học.
(Nhà văn Nguyễn Bàng) |
Tôi về nhà hỏi chị tôi xem có nên dự thi không vì tôi là đứa hay hát những
lúc cùng chị làm các việc lặt vặt và được chị khen là nghe hay đấy,
nhưng tôi chưa bao giờ hát ở trường lớp hoặc ở chỗ đông người. Chị tôi hơn tôi
ba tuổi, vì là con gái nên chỉ được học hết lớp Hai, biết đọc biết viết thì
phải nghỉ ở nhà phụ giúp công việc với u và bà nội. Nghe tôi nói, chị tôi bảo:
- Mấy khi có cuộc thi như thế này, em phải thi chứ.
Tôi hỏi:
- Vậy chị bảo em chọn bài gì để hát?
Chị tôi ngẫm nghĩ một chút rồi nói:
- Tất nhiên bài gì mà em thích và cảm thấy mình hát hay. Nhưng chị nghĩ,
người đứng ra tổ chức là ông đồn trưởng, một nhạc sĩ tài hoa, em nên chọn hát
một ca khúc do ông ấy sáng tác thì chắc sẽ chiếm được thiện cảm của ông ấy.
Tôi reo lên:
- Ý của chị hay thật đấy.
Hôm sau tôi xin phép bà nội và u tôi cho hai chị em tôi đi xe điện ra hiệu
sách Bờ Hồ tìm mua nhạc phẩm của ông đồn trưởng và sau một hồi xem mấy chục tờ
nhạc của ông ấy, tôi đã chọn mua tờ “Nắng Thu” bìa hai
màu vẽ theo lối tả chân, rất trang nhã. Về nhà tôi tập ngày tập tối,
bắt chị tôi nghe và cho nhận xét. Và kết quả không ngờ, giải nhất đơn ca đêm
Rằm Trung thu đó đã thuộc về tôi. Rồi tôi còn không ngờ hơn, ông đồn trưởng
bước lên cái sân khấu lán tre dựng giữa khu bãi chợ chìa tay ấm áp cho tôi
bắt và trực tiếp trao giải thưởng cho tôi với danh nghĩa ông là trưởng ban giám
khảo thay mặt cho 4 thành viên khác trong ban gồm hai anh lính trong đồn và hai
thầy giáo ở trường làng được mời lên.
Tôi ôm cái hộp đựng giải thưởng cùng chị tôi rảo cẳng như chạy về nhà ngay
để khoe với bà nội và u tôi, trong lòng tiếc ngẩn vì thầy tôi đang đi làm xa
không có mặt ở nhà đêm ấy. Bà nội tôi vội thắp thêm hai ngọn nến bên cái đèn
dầu để nhìn cho rõ mọi vật do hai chị em tôi mở hộp phần thưởng lấy ra đặt lên
tấm phản kê dưới bàn thờ ở gian nhà giữa: Một hộp bánh trung thu hiệu Đông Hưng
Viên Hàng Buồm, 20 tờ nhạc của các nhạc sĩ nổi danh như Thẩm Oánh,Văn cao, Phạm
Duy, Đoàn Chuẩn…, 10 quyển vở bìa in hình Đông du, 1 cuốn truyện “Không Gia
Đình” của văn hào Pháp Hector Malot, 2 tập “Cổ Học Tinh Hoa” do hai nhà nho Ôn
Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân biên khảo và cuối cùng là một cái ô
tây, tán ô, khung ô và cán ô đều một màu thiên thanh đẹp mượt mà. Bà nội tôi
nhìn đống quà và bảo, những thứ này đều có ý nghĩa cả đấy, bánh Trung thu để
trông trăng, các tờ nhạc để tập hát, sách vở để học tập còn cái ô này để cho
người được thưởng có cái che nắng che mưa trên đường đi học, cháu phải cố gắng
chăm chỉ học tập thêm lên nhé. Nói xong, bà tôi cầm cái ô lên, bật mở cho tán ô
xòe ra, ngắm nhìn rồi nói:
- Ngày xưa bà cũng mua cho thầy các cháu một cái ô tây. Đến nay nghĩ lại bà
vẫn còn ân hận về việc làm ấy.
Tôi không hiểu sao bà nói vậy, bèn hỏi:
- Bà ơi, cái ô tây đi học thì đẹp chứ sao mà bà phải ân hận?
Bà tôi khẽ thở dài, cụp cái ô màu thiên thanh lại :
- Tiện hôm nay cháu bà được thưởng cái ô này, bà kể lại cho u con các cháu
nghe…
Bà là con gái đầu lòng một nhà phú hộ ở xóm bên, làm bạn với ông nội các
cháu năm bà tròn 20 tuổi. Bà hơn ông 2 tuổi, đẹp đôi đúng với mong mỏi của dân
gian “Gái hơn hai trai hơn một”. Nhà ông không khá giả bằng nhà bà nên ngay từ
năm đầu chung sống, bà đã đem mấy món đồ trang sức bằng vàng là của hồi môn mua
cho ông cái chức phó lý để được miễn sưu dịch và có chỗ ngồi ở chốn hương thôn.
Mọi việc trong nhà bà đều thu xếp nhanh và đẹp như vậy. Nhưng ông bà lại
hiếm muộn về đường con cái. Mãi năm 24 tuổi, bà mới sinh con đầu lòng nhưng
hình như trời chỉ cho đứa bé này mượn cửa đầu thai vì mới vừa hết cữ 10 ngày
thì đã ra đi vì cơn sài uốn ván. Ba năm sau, bà mới lại sinh con lần thứ hai,
cũng một bé trai nhưng người này chỉ đem hạnh phúc làm thầy u cho ông bà được 6
năm thì cũng đi nốt vì một trận đậu mùa khủng khiếp quét qua làng. Năm ấy ông
nội các cháu mới ngoài 30 còn bà đã 33, qua cái tuổi gái đang về già rồi mà
mong đêm đợi ngày mãi mấy năm sau vẫn không có dấu hiệu gì của sự sinh nở mới
khiến cả dòng họ lo lắng chi nhà ông nội sẽ tuyệt tự. Bạc lớn bạc con hết ông
lang này đến ông lang khác, may sao năm ông nội 40 tuổi, bà lại có mang lần thứ
ba và sinh ra thầy các cháu bây giờ. Hai ông bà chăm chút đứa con coi như ơn
trời ban cho từng thìa cơm miếng sữa, từng bước đi bước chạy… Khi đứa con hiếm
muộn ấy biết đi biết nói, ông nội sáng chiều nào cũng dắt hay cõng con
dạo khắp đường làng vừa để hóng mát vừa như để khoe con với dân
làng. Năm thầy các cháu sắp lên chín, ông nội vẫn cho con ngồi trên vai,
hai chân quàng cổ bố để bố kiệu đi chơi.
Nhưng những năm tháng hạnh phúc ấy của người cha muộn mằn cũng
chẳng kéo dài được bao lâu. Thầy các cháu vừa sang tuổi lên chín thì
ông nội qua đời, hưởng dương tròn nửa thế kỷ. Ngôi nhà cột gỗ lim lợp lá
gồi ba gian hai chái của hai mẹ con nhuốm màu quạnh hiu ảm đạm quanh năm bốn
mùa.
Bà làm hàng xáo, mua thóc bán gạo khắp chợ hàng tổng và ra cả
ngoài tỉnh, đi đó đây nhiều nên cũng có ít lưng vốn và chút hiểu biết về
xã hội.
Không phải là nhà giàu sang quyền quý nhưng tất cả những gì thầy các
cháu muốn mà có thể mua được bằng những đồng tiền dắt trong cái thắt
lưng bao nhiễu tím của bà là có ngay. Ở làng bấy giờ chỉ có mỗi một
ông giáo già dạy cả lớp Năm và lớp Tư, lên lớp Ba thì phải xin lên
trường phủ. Mà cũng không có mấy nhà đủ lực cho con học tiếp trên trường phủ.
Vì thế, năm thầy các cháu lên 10, bà đã chạy vạy xin cho con vào ngay
trường phủ từ lớp Năm. Quần áo dép giày đi học của cậu con trai bà phó lý
mua làng Đông không khác gì của học trò con nhà giàu ngoài tỉnh.
Quần áo thì, mùa nào hợp với màu sắc của mùa ấy: Mùa rét dạ đen,
mùa thu tropican xanh, mùa hạ đũi, hoặc vải tây trắng. Giày dép cũng hợp thời
như vậy: Nóng thì xăng đan trắng, lạnh thì xăng đan nâu với bít tất bọc
chân, tất cả bao giờ cũng phải sạch bóng. Sau 4 năm, cả trường đã quen
mắt với quần áo đẹp, đúng mùa đúng kiểu của anh học trò làng Đông
thì vào đầu năm lớp Nhất, họ bỗng chói mắt thấy cậu đội cái ô tây đến
trường trong khi các trò khác chỉ đội mũ cát, thậm chí nhiều người vẫn còn đội
nón.
Ô tây là cái ô của người tây dùng che đầu, sau những người An nam
giàu có cũng học theo. Đàn ông con trai thường dùng ô to lợp vải trắng,
đàn bà con gái thì dùng ô nhỏ thanh mảnh đủ các màu đẹp mắt. Nó không như cái
ô ta gọi là ô lục soạn lợp vải đen với tất cả nan gọng cũng màu đen
trông rất thô kệch. Ấy vậy nhưng cái ô ta từ bao thời đã là một thứ sang
trọng đúng như câu ca: "Cái ô lục soạn cầm tay/ Cái khăn xếp nếp, cái dây
lưng điều" vì thời ấy, người An nam mình hầu hết chỉ đội nón. Nhưng
để có một cái nón lá già mầu nâu sậm xâu xấu nhưng rẻ tiền nhất lại dùng
cũng bền nhất, nhiều người cũng không mua nổi. Dân làng mình hầù hết ra
đường với cái nón mê cũ và rách nát. Đếm đầu ngón tay mới có một vài
người đội ô ta, đó là những người khá giả hay có chức sắc trong làng.
Nhiều người không có ô, khi có việc phải lên huyện phủ xa thường phải đi mượn.
Cũng không biết trong dân gian ai đã dạy trẻ con bài đồng dao lý
thú này để mỗi khi thấy ai đội cái ô ta đi đường, chúng bảo nhau hát váng
lên:
“Ông Lý Toét mà cắp cái ô
Đi lên phố gặp lúc mưa to
Có bác Xã Xệ mà muốn đi nhờ
Này ông Lý, tổng nhĩ hay sao?
Gọi như thế mà chẳng xem sao!
Giá có cút rượu thì đến xơi liền
Đi nhờ một tị mặt cứ vênh lên”.
Ông lý ra tỉnh, có cái ô lục soạn đen nhưng sợ hỏng thường chỉ cắp
nách, khi nào mưa lớn nắng to mới dám bỏ ra đội. Thế mà mặt đã vênh lên
tự mãn như thế đấy.
Còn về cái ô tây, có câu thơ này của ông Tú Xương, người thành Nam hơn bà
mấy tuổi nức danh giỏi thơ và cũng nức tiếng sành ăn chơi:
Hôm qua anh đến chơi đây
Giày giôn anh dận ô, tây anh cầm
Bà không biết tiếng tây nhưng ra tỉnh bà đã thấy một số người
chân dận cái thứ giày giôn màu vàng, tay cầm cái ô tây đắt tiền kiểu
ấy. Trông họ thật là sang trọng.
Cái ô tây của thầy các cháu là bà mua ở chính phố Hàng Đào. Phải mất gần
nửa buổi ra vào mấy cửa hiệu ngắm nghía chán rồi bà mới chọn được cái ô từ tán
đến khung và tay cầm đều một màu trắng sáng mượt mà. Nhìn thầy các cháu đội cái
ô tây trông ra dáng thư sinh con nhà giàu lắm khiến trong lòng bà nở từng khúc
ruột vui sướng.
Thế rồi một buổi đi học về, thấy thầy các cháu đầu trần, bà hỏi
ô đâu thì nói mải cùng bạn ra về đến nửa đường mới biết quên mất ô ở lớp,
vội quay lại nhưng chiếc ô đã không còn. Chạy xuống phòng người gác trường hỏi
thì ông ta lắc đầu không biết. Bà tiếc của lắm nhưng không một lời trách
mắng con mà chỉ hứa sẽ mua cho con chiếc ô khác.
Nhưng ô mới chưa kịp mua thì mấy ngày sau, thầy các các cháu đi
học về, vứt cặp sách xuống phản và buông gọn một câu “Con không đi
học nữa đâu, u ạ!”. Bà sửng sôt hỏi vì sao thì cậu con kể có thằng bạn ở gần
nhà thầy hiệu trưởng mách là nhìn thấy anh con trai thầy đội chiếc ô của con
lên phố phủ. Nó lân la hỏi thì anh ta bảo mua rẻ của thằng con lão gác
trường. Ức quá, con gặp ngay lão gác trường đòi lại thì lão ta mắng con là
đồ vu khống. Con lên thưa chuyện thầy hiệu trưởng thì thầy hỏi chứng cớ
đâu, con không dám nói tên thằng bạn vì sợ liên lụy đến nó. Rồi thầy đe dọa
con, cẩn thận không bị đuổi học vì nói năng bậy bạ đấy. Rõ ràng ông ta là một
người xấu, học cái trường do ông ta làm hiệu trưởng thì học làm gì, thà ở nhà
xay lúa giã gạo cho u còn hơn.
Nói là làm, hôm sau thầy các cháu không đi học nữa mặc cho bà nước mắt ngắn
nước mắt dài van vỉ. Thầy các cháu tự chấm hết tuổi học trò năm mới già
mười lăm tuổi. Chỉ cần học hết năm lớp Nhất ấy thôi là có cái bằng
Khóa Sanh còn gọi là bằng Xéc danh giá nhất làng và cả thôn cũng đã có được
một bữa ăn khao.
Bà nội tôi lại thở dài lần nữa:
- Sai lầm lớn nhất của đời bà là đã quên mất lời dạy trong sách
Gia Huấn Ca. Sách dạy rằng:
Mùa đông tháng hạ thích thường,
Đừng ôm ấp quá, đừng suồng sã con
Và rằng:
Giàu sang cũng chớ khoe ngông,
Miễn mình ấm phận chớ lòng khinh ai
Bà đã quá yêu chiều thầy các cháu. Nó là đứa sáng dạ, học đâu hiểu đó
vậy mà vì cái ô tây nó đã đánh mất tương lai làm người có học thức của nó. Bà
không chỉ mất cái ô tây và mất rất nhiều nước mắt không thể đong đo
nổi mà còn đánh mất tương lai tốt đẹp của một đứa con độc nhất. Mà đâu
chỉ mình bà bị mất, xét cho cùng, bây giờ u con các cháu cũng bị mất
theo.
Thế rồi sợ thầy các cháu ở nhà lêu lổng chơi bời a dua rượu chè cờ bạc, bà
tậu cho thầy các cháu một cái xe ngựa. Nghề đánh xe ngựa vất vả, nắng mưa khô
rạc ngựa gầy nhưng cũng kiếm ra tiền. Mấy năm sau, nhờ thầy các cháu cũng có
chút ít chữ nghĩa, bà chạy xin cho cái chân cai lục lộ ngoài tỉnh. Nghề phu
đường dãi nắng dầm mưa cũng cơ cực lắm nhưng làm cai mát mặt hơn nhiều mà lương
bổng cũng tốt.
Sau câu chuyện cái ô tây của thầy tôi bà nội kể đêm trung thu ấy,
một chuyện thật tình cờ đến ngạc nhiên bỗng dưng đến ngay ngày hôm sau. Ấy
là thầy tôi từ tỉnh về với một điệu bộ rất lạ, đầu không đội mũ cát mà thay vì
là một cái ô cũ nát, cán làm bằng tre, tán vải màu cháo lòng vàng bẩn và loang
lổ đầy vết ẩm mốc trông méo mó vì bị hỏng mấy cái gọng.
Sau khi cất lời chào bà nội tôi và gật đầu chào u con tôi, thầy tôi đặt cái
ô đó lên tấm phản tối hôm qua tôi vừa đặt cái ô phần thưởng màu thiên thanh óng
mượt rồi hỏi bà tôi:
- U có nhận ra đây là cái ô tây u đã mua cho con 20 năm về trước không?
Cả nhà tròn mắt trước câu hỏi ấy. Bà tôi cầm cái ô cũ nát đưa lên trước
mắt, hết nhìn lại sờ nắn suốt từ tán ô đến khung ô và cái tay cầm bằng tre rồi
nói với thầy tôi:
- U chịu không nhận ra đây lại là cái ô ngày trước u đã mua cho anh. Nếu
đúng nó thì sao lại tang thương đến nông nỗi này?
- Vâng, U để con thưa chuyện.
Thầy tôi nói rồi chậm rãi kể:
- Mấy bữa nay trông coi phu lục lộ sửa con đường Miếu Cổ, con thường thấy
một người đàn ông đã có tuổi đội cái ô này đến cạnh miếu để xem tướng số cho
người qua lại. Con cũng không biết vì sao, khi nhìn thấy cái ô cũ nát của ông
ta, trong đầu con lại bật lên một giọng nói thì thầm “Cái ô ngày xưa của anh
đấy!”. Tò mò xem thực hư cái ảo thanh liêu trai ấy ra sao, con lại bên ông ta
nhờ xem cho một quẻ về đường công danh rồi tìm cách làm quen và hỏi sao ông ta
lại có cái ô cán tre kỳ dị vậy. Ông ta nói:
- Trước kia nó là cái ô đẹp và đắt tiền lắm đấy cậu ạ.
- Thế ông đã mua nó bao nhiêu tiền?
- Tôi không mua mà nó là của gán nợ cờ bạc cho thằng con trai tôi trị giá
10 đồng. Thằng thua bạc kia là con ông hiệu trưởng trường Phủ Đông hồi đó. Nó
cùng thằng con tôi với mấy đứa con nhà khác hay tụ tập đánh bạc với nhau. Nghe
nói, ông hiệu trưởng đã bị về vườn sớm mấy năm chỉ vì thằng con ấy bị bắt về
tội tổ chức đánh bạc. Thằng con tôi đem cái ô về cho tôi, nó bảo:
- Thầy cầm lấy mà che mưa che nắng, con hầu như chỉ đi lại ngoài đường lúc
đêm tối, đem nó theo thêm nặng chân tay.
Mới đầu tôi nâng niu gìn giữ cái ô này như một vật quý. Nhưng một hôm trên
đường về nhà, tôi bị một con chó thả rông đuổi cắn. Tôi sợ cuống lên, vội cụp
cái ô lại vụt lia lịa vào con chó. Nhưng con chó không trúng đòn vì cái ô của
tôi chỉ toàn vụt xuống mặt đường làm gẫy vụn cái cán săt. Tiếc của, tôi kiếm
thanh tre vót làm cái cán như thế này và từ đó chán, bạ đâu dựng vứt đó nên nó
mới tã bẩn ra thế. Mà cậu ạ, cũng đã mười mấy năm trôi qua, người như tôi cũng
đã ốm yếu mỏi mệt rồi, đồ vật như nó, có giữ gìn thì cũng tàn tạ như người vậy.
Cái đáng quý nhất trong nhà là con cái thì tôi đã để nó theo chân bác thằng
bần. Giờ nó cũng đã bị cho chân vào tù rồi vì tội đâm chém nhau trên chiếu bạc.
Một ý độc ác chợt lóe lên trong đầu con: Phải mua cái ô này để trả thù ông
hiệu trưởng cũ bằng cách đem nó đến nhà ông ta cho ông ta nhìn lại nó tận mắt
và nghe tận tai con nói lại những lời của ông thầy tướng để ông ta đau khổ và
sẽ phải sống tủi nhục suốt những ngày còn lại của cuộc đời.
- Ông có muốn đổi cái ô này lâý chút tiền không?- Con nói với lão thầy
tướng.
- Cậu đùa tôi làm gì, ai thèm đổi cái ô đánh không nổi con chó này?
- Thế tôi muốn đổi thì sao?
- Cậu lại đùa dai tôi rồi.
- Tôi không đùa mà nói thật lòng đấy vì tôi thấy ông đã đoán cho tôi một
quẻ rất hay. Thế này nhé, tôi sẽ đưa ông số tiền đủ mua một cái ô lục soạn mới
còn ông trao lại tôi cái ô cán tre kia để tôi làm kỷ niệm chờ ngày vận phát như
ông đã đoán.
Lão thầy tướng sướng như mơ bắt được vàng. Nhưng khi đã cầm được trên tay
cái ô này, trong lòng con bỗng tan hết ý nghĩ trả thù ông hiệu trưởng cũ vì con
nhớ lại lời u thường nói: Oán trả oán, oán chồng chất. Con sẽ giữ nó làm một
vật kỷ niệm mà thôi.
Ngay sau đó thầy tôi treo cái ô cán tre lên cột hiên trong
hiên phía trước ngôi nhà gỗ ba gian hai chái để đi về đều nhìn thấy
nó. Tôi cũng bắt chước, đem cái ô mới được thưởng tối hôm qua treo bên cạnh cái
ô cán tre đó. Chị tôi hỏi:
- Thế em không đem ô đi học à?
Tôi đáp:
- Em không muốn ở trường nói mình khoe khoang sĩ diện và cũng muốn học lời
bà đã nhắc nhở:
Giàu sang cũng chớ khoe ngông,
Miễn mình ấm phận chớ lòng khinh ai
&
Năm sau, tôi ra tỉnh trọ học lên Trung học. Gần đến Tết Trung thu, chị tôi
nhắn ra, ông trung úy nhạc sĩ đồn trưởng đồn Cầu Đông lại tổ chức cuộc thi đơn
ca lần thứ hai cho thiếu niên học sinh vào ngày Rằm tới, em có về xem để chị ra
đón. Tôi muốn về lắm nhưng bài vở đầu năm học ngập mắt nên đành chịu, nhắn lại
cho chị tôi, chị đi xem đi, có gì chị kể cho em nghe sau nhé.
Nhưng thật bất ngờ, sau đêm Rằm Trung thu, khi tôi đang chuẩn bị đi học
sáng thì chị tôi xuất hiện ở nhà trọ, nghẹn ngào báo tin:
- Ông đồn trưởng chết rồi!
Tôi cuống lên hỏi vì sao thì chị tôi với đôi mắt ngấn lệ kể lại:
- Tối qua, khi cuộc thi hát vừa mới bắt đầu thì bỗng nghe tiếng lựu đạn nổ
vang ném vào phía đồn bốt và rồi tiếng súng nổ ran từ trong đồn bắn trả ra. Ông
nhạc sĩ đồn trưởng vội kêu gọi mọi người giải tán về nhà, vẫy tay gọi hai anh
lính trong ban giám khảo rồi tức tốc chạy trước về đồn và bất ngờ bị trúng
thương, tử vong ngay tại chỗ. Cuộc công đồn của liên quân du kích địa phương
không thành, hai bên đều không có thương vong ngoài cái chết của ông đồn
trưởng. Sáng nay lính trong đồn kháo nhau ngoài chợ, khi khiêng xác chỉ huy của
họ vào đồn thấy túi áo ngực của ông ấy gài chiếc bút máy Parker, trong túi có
một tờ giấy kẻ khuông nhạc đang viết dở một nhạc phẩm có tên là “Giấc Mơ Hòa
Bình”.
Nước mắt tôi tuôn trào theo từng lời chị tôi kể và trong khoảng sáng nhỏ bé
nhạt nhòa nước mắt ấy, tôi bỗng thấy hiện lên rõ từng nét hình ảnh ông trung úy
nhạc sĩ đồn trưởng trong đêm thi hát Trung thu năm trước chìa bàn tay ấm áp ra
cho tôi bắt rồi trao phần thưởng cho tôi. Tôi bảo với chị tôi:
- Ngày mai chị đem ra cho em cái ô màu thiên thanh và xin thầy cho em cả
cái ô cán tre của thầy đem ra cùng nhé.
- Em định làm gì
- Em sẽ treo chúng bên bàn học để luôn nhìn thấy chúng. Cái ô cán tre của
thầy thì chị biết rồi, nó sẽ nhắc em nhớ lời bà nội dạy. Còn cái ô
màu thiên thanh, để em nhớ tới ông trung úy nhạc sĩ đồn trưởng tài hoa, yêu
trẻ, yêu hòa bình, nguyện cầu cho ông ấy được mát lành nơi Chín Suối và hoàn
thành bản nhạc “Giấc Mơ Hòa Bình” còn dang dở trên trần thế.
*
Mời thư giãn với nhạc phẩm NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI
của Phạm Thế Mỹ qua tiếng hát Duy Khánh:
*
Sài Gòn 10 Tháng Trung Thu 2017
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của
tác giả gửi qua email ngày 29.09.2017
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét