CÁCH LUẬN TUẦN TRIỆT - Tác giả: Đằng Sơn (Hoa Kỳ)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
CÁCH LUẬN TUẦN TRIỆT
*
- Bạn đọc tham khảo thêm ở 2 bài viết:

Bạn đọc thắc mắc:
Ông bảo ông đã nghiên cứu Tử Vi nhiều năm, vậy ông đã tìm ra một phương pháp khoa học để luận Tuần Triệt hay chưa? Chia sẻ được chăng?
Tiến sỹ Đằng Sơn trả lời:
Như tôi đã trình bày ngay khi vào đề từ mấy bài trước là về Tuần Triệt hiện tôi có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Thế nhưng, việc xem số không thể chờ đợi đến khi mọi câu hỏi đều được trả lời thỏa đáng, nên tôi phải buộc lòng dựa vào kinh nghiệm và tư duy cá nhân suy diễn thêm để trám vào những lỗ hổng của cái lý khoa học. Hiển nhiên những điều mà tôi gọi là suy diễn chưa thỏa đòi hỏi của lô gích theo ý tôi mong muốn. Chúng có thể đúng mà cũng có thể sai, hy vọng rồi thời gian sẽ sớm trả lời.
Biết rằng khoa học là một diễn trình tiệm tiến, tôi mong mỏi những vị khác sẽ sửa sai hoặc đắp bồi thêm vào những suy luận của tôi để một ngày nào đó ở tương lai Tuần Triệt trở thành kiến thức thông dụng thay vì vẫn là một bí mật của Tử Vi như hiện tại.
Về việc chia sẻ, tôi chẳng có gì để mà dấu nghề. Hy vọng của tôi là sau khi đọc sách này độc giả sẽ biết tất cả những gì tôi biết, tức là cộng với những kiến thức có sẵn thì các độc giả chăm đọc sẽ hiểu biết khoa Tử Vi hơn tôi (và trong số đó biết đâu có người có phát kiến mới, lại viết sách cho tôi có dịp học hỏi!) Phải như thế mới mong Tử Vi mãi mãi tiến bộ như các ngành khoa học khác.

Bạn đọc thắc mắc:
Khi xem Tuần Triệt ông xét yếu tố nào đầu tiên?
Tiến sỹ Đằng Sơn trả lời:  
Đầu tiên tôi xem Tuần Triệt đóng ở cung nào. Tuần Triệt có tính “bất thường” nên tôi dựa một phần vào sách cổ mà suy diễn ra rằng chúng án cung nào khiến cá tính của cung đó có tính “bất thường”; ta có thể tùy cá tính của cung mà suy ra phần nào ảnh hưởng bất thường đó.
“Cá tính” đây ám chỉ, mệnh, phụ mẫu, phúc đức v.v… Như Tuần Triệt cư mệnh thì chính bản thân ta có sự bất thường. Cư các cung người còn lại, gồm “huynh đệ, phụ mẫu, phúc đức, nô bộc, phu thê, tử tức” luận tương tự, tức là đều “bất thường” cả. Chẳng hạn như Tuần Triệt cư huynh đệ thì hoặc anh em của ta có người bất thường, hoặc liên hệ giữa ta với anh em của ta có sự bất thường; Tuần Triệt cư phụ mẫu thì cha mẹ ta có sự bất thường, hoặc liên hệ giữa ta và cha mẹ ta có sự bất thường v.v… Còn lại các cung điền quan di tật tài cũng cứ dùng lý “bất thường” mà luận.
Bất thường đây không nhất thiết là có nghĩa xấu, mà chỉ có nghĩa là có một hoặc nhiều sự phát triển (hoặc thiếu phát triển) lạ lùng nào đó khác với thường tình. Như thường tình của đời hiện đại là một vợ một chồng, có ly dị cũng một hai lần mà thôi; nên người không bao giờ lập gia đình hoặc người thay vợ đổi chồng như cơm bữa đều có thể ứng với Tuần Triệt án ở phu thê. Lại như người rất ít bệnh hoặc bệnh tật triền miên đều có thể ứng với Tuần hoặc Triệt án ở cung tật ách. (Chú ý: Cách xem này là kết quả suy diễn của tôi, có khác với sách vở. Nếu độc giả cho rằng có thể đúng cũng đừng vội vàng áp dụng mà hãy chứng nghiệm trước đã.)
Còn chi tiết của sự bất thường là gì thì thực hành thường dễ hơn giải thích. Luật chung là phải dựa vào mệnh thân phúc v.v… để có một hình ảnh khái quát về lá số trước đã, khi xem vào chi tiết thì sự bất thường sẽ tự lộ ra.
Đại hạn cũng thế. Tôi cho rằng đại hạn hễ có Tuần Triệt là có sự bất thường cái đã, mọi chuyện khác tính sau.

Bạn đọc thắc mắc:
Nghĩa là mặc dù theo ông tuổi già ảnh hưởng của Triệt không đáng kể nữa, nếu vào đại hạn Triệt vẫn có sự “bất thường”?
Tiến sỹ Đằng Sơn trả lời:
Chính thế! Ấy bởi vì tôi suy diễn thế này: Tuần Triệt là hai loại ảnh hưởng trong cung (như hai loại động đất có tác dụng tương tự dù sự hiển thị và cường độ khác nhau). Tuần thì tương đối dễ hiểu rồi, vì ta đều có thể công nhận là nó có tác dụng trọn đời. Về Triệt, hãy thử tưởng tượng một trận động đất có cường độ trên 7, khi hết động đất rồi ta có dám nói là hoàn cảnh trở lại bình thường hay không? Tôi nghĩ là không. Vào đại hạn có Triệt ở tuổi già cũng như đến một nơi đã từng trải qua một trận động đất kinh khủng, cảnh tàn phá chết chóc tất nhiên khiến người ta phải chấn động. Đó là chưa kể trong cảnh hỗn mang như vậy mọi trật tự và giá trị đều bị đảo lộn, ai dám chắc là người mới tới không bị nó ảnh hưởng?
Với người quyền biến cảnh hỗn mang có thể là tai họa rủi ro mà cũng có thể là cơ hội ngàn vàng, họa phúc khó lường. Nhưng với người tuổi già sức yếu tôi e trong tám chín mươi phần trăm trường hợp gặp cảnh hỗn mang chỉ chuốc lấy họa mà thôi. Bởi vậy theo cách xem của tôi người già đến hạn Tuần Triệt phải hết sức cẩn mật đề phòng. Nhất là mệnh hạn gặp cảnh “Triệt Tuần tháo gỡ”, bởi “tháo gỡ” đây cũng có thể là tháo gỡ khỏi nợ đời, cho hồn phách tự do chu du về nơi tiên cảnh.
Còn người chưa cao tuổi mà công danh lận đận, cơm áo ngược xuôi, theo tôi đừng vội thấy đại hạn đến Tuần Triệt mà sợ hãi như các sách cổ đã ghi. Nhiều khi đây là thời điểm đổi thay, là khúc quanh dẫn đến sự huy hoàng ở tương lai đó.
Dĩ nhiên đây chỉ là yếu tố thêm vào mà thôi. Vận không thể quá mệnh, nên phải xem cách cục nguyên thủy ra sao, lại phải phối hợp với cách cục của cung đại hạn rồi hãy luận hạn Tuần Triệt là tốt hay xấu.

Bạn đọc thắc mắc:
Rốt ráo thì vấn đề vẫn là xác định cung có Tuần Triệt tốt hay xấu. Đây là điểm rất lờ mờ của Tử Vi, các sách không nói rõ. Ông có phương pháp suy luận nào rõ nét chăng?
Tiến sỹ Đằng Sơn trả lời:
Cách xem Tuần Triệt của tôi dựa nhiều vào suy diễn cá nhân nên hai chữ “phương pháp” không dám nhận.
Như đã trình bày nhiều lần, luật chung mà tôi áp dụng cho cung bị chính Tuần án ngữ là uy lực của các sao bị giảm 50%, chính Triệt 80-90%. Phụ Tuần phụ Triệt tôi sẽ bàn sau; tạm thời khi tôi nói Tuần tôi ám chỉ “chính Tuần”, Triệt ám chỉ “chính Triệt”.
Tuần làm giảm 50%, nghĩa là tính chất tốt cũng như xấu của sao bị giảm nhưng vẫn còn phát huy được một phần nào. Tác dụng của Tuần lâu dài nên lý tính này không đổi (trừ trường hợp vào hạn Triệt như đã trình bày ở trên). Triệt làm giảm 80-90%, nghĩa là tính chất của sao bị đè nén không phát huy được, nhưng tác dụng của Triệt ngắn hạn nên sự đè nén này không có tính vĩnh viễn. Những điều này đã trình bày nhiều lần trong các bài trước, ở đây tôi chỉ nhắc lại để khỏi mất công lục tài liệu cũ.
Vì ảnh hưởng các sao bị giảm thiểu, Tuần và Triệt khiến cho tính chất của mọi cách cục đều bị thay đổi; nhưng không nhất thiết đảo lộn tốt thành xấu, xấu thành tốt… Vậy làm sao phân biệt xấu tốt? Xin thưa tôi chưa có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này trong mọi trường hợp. Tôi chỉ xin đề nghị vài điều, và ghi rõ độ khả tín của các điều này:
1.- Coi nhẹ ngũ hành: Tôi cho rằng ta không nên dựa vào lý ngũ hành sinh khắc để luận tác dụng của Tuần Triệt trên các sao, bởi sẽ có khi đúng khi sai.
Lời đề nghị này khả tín, vì như trình bày trong bài trước, lý ngũ hành của các sao không phải là kết quả của một bài toán nhất quán mà mỗi nhóm sao được suy bằng một hệ thống lý luận khác nhau, nên không thể nhất luật áp dụng lý sinh khắc với Tuần Triệt mà suy ra tốt xấu cho mọi sao được.
Mà thiết nghĩ luật sinh khắc của ngũ hành không cần thiết, vì ta đã biết tác dụng tổng quát của Tuần Triệt trên các sao như tôi đã trình bày nhiều lần. (Trừ một vài ngoại lệ tôi sẽ bàn sau).
2.- Phân định hoàn cảnh của chính tinh ngộ Triệt:
Xem Tuần Triệt như hai loại động đất xảy ra ở trong cung, tôi phân biệt theo ảnh hưởng ra hai loại chính tinh: Năm sao Âm Dương Tử Phủ Tướng một nhóm, nhóm kia gồm 9 chính tinh còn lại.
Luận Âm Dương và Tử Phủ Tướng trước. Trong TỬ VI HOÀN TOÀN KHOA HỌC 1 tôi gọi Tử Phủ Âm Dương là 4 đế tinh. Cách gọi này đã gây nhiều phản kháng; thực ra điểm chính tôi muốn nói là Tử Phủ Âm Dương có vai trò lãnh đạo nên khác với 10 sao còn lại. Điểm này hết sức quan trọng, hiểu nó rồi thì sẽ giải thích được tại sao Tử Phủ Âm Dương có những cách cục khác hẳn các sao khác.
Riêng sao Thiên Tướng có một vai trò rất lạ lùng trong Tử Vi. Như đã trình bày trong TỬ VI HOÀN TOÀN KHOA HỌC 1, theo lý hình thành thì Thiên Tướng là sao yếu đuối nhất trong nhóm động (tức nhóm 8 sao Tử Phủ Vũ Tướng Sát Phá Liêm Tham), nhưng vì lý vận hành mà Tướng được vĩnh viễn tam hợp với Phủ, tạo thành cặp quý tinh Phủ Tướng. Có thể nói Tướng là một loại “nửa ông nửa thằng” (theo ý nghĩa tốt), chẳng thể kể là thuộc giai tầng lãnh đạo, nhưng lại được hưởng nhiều quy chế đặc biệt dành riêng cho cấp lãnh đạo.
Tuần Triệt như hai loại động đất. Tác dụng của chúng là giảm thiểu tín hiệu của các sao, nên các nhân vật lãnh đạo đang ở ngôi cao (tốt) tất bị sụt xuống thấp (bớt tốt), các nhân vật đang ở chức quá thấp so với khả năng (xấu) có thể được trung ương cứu xét để thăng lên chức gần với khả năng hơn (bớt xấu). Thế nhưng từ quan điểm chủ quan thông thường của giới lãnh đạo thì từ ngôi cao sụt xuống không phải là bớt tốt mà là xấu, tương tự đang ở chức quá thấp mà được cứu xét là có hy vọng lên chức gần hơn với khả năng của mình, nên không phải bớt xấu mà là tốt. Dùng lý tương ứng ta suy ra:
Tử Phủ Tướng không có hãm địa nên gặp Tuần Triệt ví như ở ngôi cao sụt xuống ngôi thấp, gặp Tuần Triệt là hung hiểm (riêng Mão Dậu là hai cung yếu nhất của ba sao này thì lại có thể hưởng phúc của kẻ tu hành, như đã luận trong bài trước).
Âm Dương miếu vượng gặp Tuần Triệt ví như lãnh chúa ở ngôi cao sụt xuống ngôi thấp, hiểu lẽ tiến thủ thì vẫn hơn người; thế nhưng hiểu lẽ tiến thủ là ngoại lệ, nên đa số trường hợp là xấu.
Âm Dương hãm địa gặp Tuần Triệt ví như nhân tài đang ở vị trí quá thấp so với tài nghệ của mình bỗng được nâng lên một vị trí cao hơn (mặc dù vẫn là thấp so với tài nghệ). Rõ ràng là một tiến bộ, nhưng công tâm mà xét thì vẫn là chưa đạt hết tiềm năng. Bởi vậy Âm Dương hãm địa gặp Tuần Triệt là có cơ hội tốt để thành công, nhưng khó thành công lớn được.
Trường hợp Âm Dương cùng cung ở Sửu Mùi gọi là “đắc địa” vì lý do đặc biệt xin xem phần hỏi đáp.
Chín chính tinh còn lại tôi phân ra các sao vũ dũng, thư sinh, và làng nhàng. Vũ dũng có Liêm Vũ Sát Phá Tham, thư sinh có Cơ Lương, làng nhàng có Đồng Cự.
Vũ dũng gặp Tuần Triệt lý tính giảm đi, nhưng vẫn còn tàn tích, không hết hẳn được. Như Phá Quân chủ phá hoại, gặp Tuần Triệt khuynh hướng phá hoại giảm đi, có thể thành ra thích sửa đổi. Như Vũ Phá cư Hợi là hãm địa, ngộ chính Triệt ở đây không có nghĩa trở thành tốt, mà chỉ là đỡ xấu đi thôi. Lại như Tham Lang cư Tý gặp Kình là cách “phiếm thủy đào hoa”, thường lông bông lãng đãng thích trăng hoa; nếu sinh trong tuần từ Giáp Dần đến Quý Hợi tất ngộ Tuần, có thể nhờ vậy mà không tỏ ra lông bông lãng đãng hoặc trăng hoa, nhưng khuynh hướng này vẫn tồn tại ở mức thấp và phải được thể hiện ra ở đâu đó (chẳng hạn là văn sĩ hoặc diễn viên, sở trường diễn tả các vai lãng tử).
Thư sinh gặp Tuần Triệt thì thay đổi hoàn cảnh. Tốt thành xấu, xấu đỡ hơn, chưa tốt hẳn dễ thành ra tốt. Hai sao Cơ Lương thỏa tính “thư sinh” nên miếu vượng ngộ Tuần Triệt ví như học trò giỏi giang nhưng chẳng may thi rớt nên giảm hẳn nhuệ khí, biến thành ra xấu. Cơ Lương hãm gặp Tuần Triệt như học trò nghèo được nhờ hoàn cảnh đổi thay mà tìm được việc dạy kèm trẻ kiếm tiền dằn túi, hoặc như học trò dở nhưng may nhờ thang điểm đổi mà đậu vớt kỳ thi cuối khóa; tốt đấy, nhưng chẳng thể nói là huy hoàng. Riêng Cơ Tý Ngọ và Lương cư Sửu (cách “nhật nguyệt tịnh minh”) là các trường hợp thiên về tốt nhưng không rõ nét lắm thì ví như người học trò tự xem mình quá thấp, cứ làm những việc lận cận đâu đâu; gặp Tuần Triệt ví như may nhờ gặp biến cố mà vỡ lẽ ra. Vỡ lẽ ra rồi thì chuyên tâm học tập thành tài, nên dễ tốt vậy.
Sao làng nhàng thì gặp Tuần Triệt chẳng hại gì, lại thường có lợi. Bởi thế chẳng sách nào nói Đồng sợ Triệt Tuần, các sách lại hay nói đến cách to là “thạch trung ẩn ngọc”, tức Cự Môn Tý Ngọ đắc Triệt Tuần.
3.- Định hoàn cảnh chung của các sao ngộ Tuần Triệt:
Tuần Triệt không làm các sao biến mất, chúng vẫn tồn tại trong cung, nhưng thể hiện ra ở một mặt khác.
Chẳng hạn trường hợp mệnh vô chính diệu, lại gặp hung tinh khắc mệnh rất nguy hiểm. Sách viết là cần có Triệt án ngay cung để hóa giải. Ảnh hưởng hóa giải của Triệt trong trường hợp này dĩ nhiên có, nhưng đồng thời cần ghi nhận rằng hung tinh ấy vẫn hiện hữu trong cung. Đây hung tinh ngộ Triệt ví như gã ăn cướp bị giam lỏng; có thể là mối họa của ta sau này (nhưng cũng có thể là thiện duyên, nếu ta ra công cải hóa được gã ăn cướp ấy về đường chính đạo). Bởi vậy cung có hung tinh khắc mệnh ngộ Triệt khác với cung trống ngộ Triệt. Ngược lại, cũng mệnh vô chính diệu, nhưng có quý tinh Khôi hoặc Việt thủ ngộ Triệt (can Canh hoặc Nhâm) thì ví như quý nhân bị hãm hại ngay trong nhà của ta, xấu hơn hẳn trường hợp cung trống ngộ Triệt. Xin nhớ đây chỉ là đề nghị của tôi, không dám nói là hoàn toàn khả tín, nhưng thiết nghĩ có phần nào cơ sở.
Phối hợp ba luật này với những gì đã biết về cách cục, thêm sự hiểu biết rằng khi cung gặp Tuần Triệt thì ảnh hưởng của tam phương tứ chính mạnh hẳn lên, tôi nghĩ rằng hai người khác nhau có thể luận ra cùng kết quả về ảnh hưởng tốt xấu của các cung trong đa số trường hợp. Thiểu số trường hợp còn lại thì mỗi người một ý, nhưng đó là hiện trạng của Tuần Triệt; khi có thêm đột phá thì tỷ lệ các trường hợp đồng thuận sẽ tăng lên theo.
Đó là mới nói chính Tuần, chính Triệt. Phụ Tuần và phụ Triệt tôi chỉ coi là yếu tố “giọt nước tràn ly”. Cách xem của tôi là trước hết bỏ Tuần Triệt ra không tính, sau khi định cách cục tốt xấu rồi thì cân lượng xem độ tốt xấu bao nhiêu. Nếu rất tốt thì giảm tốt đi (nhưng vẫn tốt), hơi tốt hoặc thành trung tính hoặc hơi xấu; trường hợp rất xấu và hơi xấu ngược lại; trung tính thì không có ảnh hưởng.
Theo cách xem này, khác biệt quan trọng giữa chính Triệt Tuần và phụ Triệt Tuần là chuyện xấu thành tốt tốt thành xấu xảy ra rất thường khi năm sao Âm Dương Tử Phủ Tướng gặp chính Tuần chính Triệt, nhưng rất hiếm khi chúng gặp phụ Tuần phụ Triệt.

VÀI CỘNG HƯỞNG ĐẶC BỆT CỦA TUẦN TRIỆT
Bạn đọc thắc mắc:
Có sao nào là ngoại lệ của Tuần Triệt hay chăng? Rõ ràng hơn, có sao nào bị Tuần Triệt ảnh hưởng nặng nề hơn bình thường hoặc nhẹ hơn bình thường hay chăng?
Tiến sỹ Đằng Sơn trả lời:
Trước khi trả lời câu này, cần nói rõ là –theo tôi- những trường hợp gọi là “ngoại lệ” của Tuần Triệt là vấn đề của ngôn từ hơn là hiện tượng.
Ta có thói quen gọi mọi thứ được an trên lá số Tử Vi là “sao”; nhưng theo suy luận của tôi Tuần Triệt không phải là sao, mà là hai ảnh hưởng trong các cung chúng đóng.
Ngoài Tuần Triệt ra, theo tôi vòng Thái Tuế và tứ Hóa cũng không phải là sao.
Vòng Thái Tuế chỉ giản dị là 12 phương vị phản ảnh tính thiên văn được áp đặt lên địa bàn nhờ có tính phù hợp tình cờ. Vai trò của vòng Thái Tuế ví như 12 bảng chỉ phương hướng, cho ta biết cung nào được hưởng địa lợi, cung nào phải đấu tranh, cung nào chậm trễ, cung nào dễ lỗ lã v.v… Tóm lại, vòng Thái Tuế đánh dấu đặc tính của các cung.
Vòng Thái Tuế dĩ nhiên ứng với đơn vị năm nên tôi cho rằng vòng này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Tuần vì Tuần ứng với đơn vị năm. Nhưng không phải là Tuần làm giảm ảnh hưởng của vòng Thái Tuế mà là Tuần và vòng Thái Tuế cộng hưởng với nhau. Từ cộng hưởng này không thôi ta đã có thể làm vài dự trắc. Chẳng hạn gặp trường hợp Bạch Hổ ngộ chính Tuần, ta phối hợp tính đấu tranh quyết liệt của Bạch Hổ với ảnh hưởng giảm thiểu của Tuần, đoán được là xác xuất thành công thấp hơn bình thường, bởi kẻ quyết liệt muốn thành công thì phải mong đợi vào biến chuyển cực đoan, nhưng gặp Tuần thì các yếu tố cực đoan trong cung đã bị giảm thiểu.
Có người sẽ bảo cách xem này chẳng có gì lạ, vì cho rằng Tuần giảm tác dụng của Thái Tuế cũng ra kết quả tương tự. Điểm khác ở đây là ảnh hưởng của Triệt. Như đã trình bày ở trên, Triệt giảm 80-90% tác dụng của các sao; nhưng vì nó ứng với tháng nên không có ảnh hưởng đáng kể gì với lý tính của các sao trong vòng Thái Tuế.
Tôi biết có người sẽ nói rằng cách Bạch Hổ ngộ Triệt rõ ràng là bị phá cách. Thế nhưng tôi cho rằng đây chỉ là một sự lầm lẫn giữa bản chất với hiện tượng mà thôi. Rõ ràng hơn, nếu tôi gặp số cung mệnh có Bạch Hổ ngộ Triệt tôi vẫn đoán người ấy cá tính thích đấu tranh quyết liệt (tức là bản tính không đổi của Bạch Hổ), còn chuyện “phá cách” thì lý vẫn như trường hợp Tuần, chẳng phải là Bạch Hổ bị giảm tác dụng mà là các yếu tố cực đoan mà Bạch Hổ cần để chiến thắng đã bị Triệt phá hủy, nên Bạch Hổ khó đạt mục tiêu.
Có người sẽ hỏi nếu vòng Thái Tuế ứng với chi năm không bị Triệt ảnh hưởng thì tại sao Đào Mã Cái Sát là bốn sao tam hợp hành của chi năm lại chịu ảnh hưởng của cả Tuần lẫn Triệt. Tôi xin trả lời rằng Đào Mã Cái sát là kết quả phối hợp của chi năm với ngũ hành, vòng Thái Tuế thì không; đó là một khác biệt hết sức quan trọng.
Kế tiếp xin vắn tắt về tứ Hóa. Độc giả hẳn đã nghe những câu như “Kình Dương hóa Hình, Đà La hóa Kỵ”; tức là trong cảnh cực đoan Kình Dương sẽ biểu lộ tính “hình” (sát khí), còn Đà La biểu lộ tính “kỵ” (đố kỵ, ngăn trở v.v…) Theo tôi tứ Hóa ý nghĩa cũng tương tự như thế. Nói cách khác, tứ Hóa không phải là 4 sao mà là bốn trạng thái biến đổi của mà chính tinh và Xương Khúc Tả Hữu có thể trải qua. Như năm Giáp, ta biết hóa Lộc được cư trong cung có Liêm Trinh, hóa Lộc cung có Phá Quân, hóa Khoa cung có Vũ Khúc, hóa Kỵ cung có Thái Dương. Ấy bởi vì “năm Giáp Liêm Trinh hóa ra Lộc”. Tương tự, “Phá Quân hóa ra Quyền”, “Vũ Khúc hóa ra Khoa”, “Thái Dương hóa ra Kỵ”. Quan điểm này có thể lạ với làng Tử Vi Việt Nam, nhưng là cách nhìn tiêu chuẩn ở Đài Loan cũng như Hồng Kông trong hiện tại.
Chấp nhận như vậy thì sẽ thấy tứ Hóa không phải là bốn sao theo nghĩa bình thường, nên chẳng có lý do gì để chúng bị Tuần Triệt làm giảm ảnh hưởng.
Có người sẽ hỏi “Vậy tại sao cho rằng tứ Hóa bị Tuần Triệt ảnh hưởng có vẻ cho kết quả đúng trong nhiều trường hợp”. Tôi sẽ trả lời rằng đây lại là một trường hợp lầm lẫn giữa bản chất với hiện tượng. Hóa Lộc tượng mùa xuân, ta có câu tục ngữ “một con én không làm nổi mùa xuân”, nay giả như hoàn cảnh của cung bị Tuần Triệt án ngữ chẳng lấy gì làm đẹp (nhưng không đủ xấu để thỏa lý “tuyệt xứ phùng sinh”), thì một tính “Lộc” được chính tinh biến hóa ra làm sao đổi được tình trạng ấy? Cái lý cho Quyền, Khoa, Kỵ đại khái cũng thế.
Có người sẽ hỏi “Cho rằng tứ Hóa không bị Tuần Triệt ảnh hưởng có công dụng gì trong việc xem số?” Tôi sẽ trả lời rằng cách này có công dụng trong nhiều trường hợp, trong đó có các trường hợp gọi là “tuyệt xứ phùng sinh” mà tôi sẽ trình bày trong tập 3 của sách này nếu tôi có duyên viết đến tập ấy. Nhưng hãy đưa một thí dụ dễ hiểu để thấy sự khác biệt giữa cách xem này với cách xem truyền thống. Giả như ta xem một lá số thấy rằng nếu tính hóa Lộc từ cung xung chiếu về thì tốt, nhưng cung xung ngộ Triệt. Nếu cho rằng hóa Lộc bị Triệt phá hủy (như truyền thống) thì phải luận là xấu, theo cách mà thôi đề nghị thì vẫn luận là tốt như thường.
Ngoài ra, còn có một điểm tưởng là không liên hệ đến tác dụng giữa Tuần Triệt và tứ Hóa nhưng theo tôi cần ghi nhận làm dữ kiện tham khảo. Như tôi đã trình bày nhiều lần trong loạt bài này, đa số các sách Tử Vi ở Đài Loan bây giờ không xem Tuần Triệt là quan trọng. Dĩ nhiên họ làm thế là từ kinh nghiệm. Làng Tử Vi Việt Nam càng lúc càng trọng Tuần Triệt, dĩ nhiên cũng vì kinh nghiệm. Hai bên cùng theo kinh nghiệm cả, tại sao một bên trọng một bên khinh Tuần Triệt?
Tôi cho rằng sở dĩ có hiện tượng này là vì Tử Vi Đài Loan trọng tứ Hóa hơn thần sát, Tử Vi Việt Nam (tối thiểu trong giai đoạn hiện tại) dĩ nhiên ngược lại. Từ đó suy ra có một lời giải giả định nhưng giải thích được tại sao cả hai bên đều đúng mặc dù cách xem khác nhau, đó là tứ Hóa không bị Tuần Triệt ảnh hưởng!

Bạn đọc thắc mắc:
Âm Dương Sửu Mùi ngộ Tuần (hoặc Triệt) hóa Kỵ được nhiều sách gọi là “kỳ cách”; có lý hay chăng?
Tiến sỹ Đằng Sơn trả lời:
Tôi cho rằng khi truyền lại cách này, người xưa đã dấu một phần bí quyết. Ta thử tái khám phá bí quyết này xem sao.
Trước hết muốn có Kỵ đóng cùng Nhật Nguyệt ở Sửu Mùi thì chỉ có 4 trường hợp sau đây:
Sinh năm Giáp: Liêm hóa Lộc, Phá hóa Quyền, Vũ hóa Khoa, Nhật hóa Kỵ. Tức là song Lộc ở tật, Quyền ở tử, Khoa ở bào. Tín hiệu rõ nhất là quan gặp cặp song Hao hãm địa, ngoài ra không có cách cục gì đặc biệt.
Sinh năm Ất: Cơ hóa Lộc, Lương hóa Quyền, Tử hóa Khoa, Nguyệt hóa Kỵ. Tức là Lộc cư Phúc được Lộc Tồn ở tài xung chiếu, Quyền cư quan, Khoa cư Điền.
Sinh năm Tân: Cự hóa Lộc, Nhật hóa Quyền, Khúc hóa Khoa, Xương hóa Kỵ. Tức là song Lộc cư Phúc, mệnh đắc Khoa Quyền. Ngoài ra, muốn Xương Khúc cư cùng Nhật Nguyệt thì phải sinh giờ Mão hoặc Dậu, đều là thân cư thiên di vô chính diệu được song Lộc Khoa Quyền hội họp.
Sinh năm Kỷ: Vũ hóa Lộc, Tham hóa Quyền, Lương hóa Khoa, Khúc hóa Kỵ. Tức là Khoa cư quan, mệnh ngộ hoặc xung Kình đắc địa và giáp Quyền Lộc. Ngoài ra, cũng như trường hợp năm Tân, thân cư thiên di vô chính diệu, nhưng kém trường hợp năm Tân vì không được tam Hóa hội họp.
Có thể thấy rằng sinh năm Ất, Tân, Kỷ đều có điểm đặc biệt khác người, nhưng năm Giáp thì phải đặt câu hỏi, bởi cách cục không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là dưới trung bình.
Vậy ta tạm kết luận muốn thành cách phải sinh các năm Ất, Kỷ, Tân. Nhưng tại sao lại cần phải có thêm điều kiện là Tuần hoặc Triệt án ngữ? Thưa, vì Âm Dương như hai lãnh chúa, ở cùng nơi tất sinh xung đột. Tác dụng của Tuần Triệt là chiết giảm hoặc triệt tiêu sự xung đột đó. Xung đột giảm thiểu hoặc biến đi rồi các cách kể trên tự nhiên sẽ thành hình.
Có thể thấy rằng các cách trên tốt không phải vì Kỵ, mà vì những cộng hưởng đi đôi với Kỵ. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng người xưa đã giữ lại “bí quyết” khi truyền cách này cho chúng ta.

Bạn đọc thắc mắc:
Còn Không Kiếp, Thiên Không cũng thường được coi là có tính không vong, gặp Tuần Triệt phải luận làm sao?
Tiến sỹ Đằng Sơn trả lời:
Thiên Không luôn luôn chiếm một vị trí cố định trong vòng Thái Tuế (trước Thái Tuế một cung), nên lời giải của tôi y hệt như trường hợp vòng Thái Tuế ở trên (không bị Triệt ảnh hưởng, cộng hưởng với Tuần thay vì bị Tuần ảnh hưởng). Nhưng chú ý rằng Thiên Không luôn luôn ở vị trí phụ Triệt nên ảnh hưởng của Tuần ở đó không mạnh.
Còn cặp Không Kiếp vốn thỏa mọi điều kiện của sao nên muốn nhất quán tất nhiên phải cho rằng chúng bị Tuần giảm 50% dài hạn, Triệt giảm 80-90% ngắn hạn.

Bạn đọc thắc mắc:
Cuối cùng, có người nói xem hạn phải thêm lưu Tuần lưu Triệt mới chính xác, đáng tin cậy chăng?
Tiến sỹ Đằng Sơn trả lời:
Ly kỳ làm sao, mới vài ngày cách đây vấn đề này đã được đặt ra ở trên một mạng mệnh lý có uy tín. Phải chăng đây là một trong những diễn biến tưởng là tình cờ của cuộc đời mà thực ra đã được ông trời sắp xếp trước, vì khi bắt đầu viết loạt bài về Tuần Triệt hơn tháng trước tôi chẳng thể ngờ khá nhiều vấn đề tương tự lại được người khác đặt ra sau đó.
Trở lại câu hỏi. Khi xem hạn năm chúng ta lưu rất nhiều sao, như Tuế Tang Hổ Khốc Hư Lộc Kình Đà Thiên Mã. Tử Vi Đài Loan, Hồng Kông lưu thêm tứ Hóa (và nhiều người coi chúng quan trọng hơn hết). Đó đều là các sao thuộc đơn vị năm. Tuần mười năm chuyển động một lần, Triệt chuyển động một lần mỗi năm. Hiển nhiên có thể coi Triệt là sao năm, và nếu nghĩ rằng nó có tín hiệu mạnh thì lưu nó là hợp lý (chữ nếu ở đây rất quan trọng, xin xem thêm ý kiến riêng của tôi ở cuối). Nhưng đã lưu Triệt mà không lưu Tuần e không ổn. Thành thử đã lưu thì phải lưu cả hai sao.
Tử Vi Đài Loan có một điều tôi học được là họ phân ra “tầng ảnh hưởng” dựa theo khác biệt của đơn vị thời gian. Như cách cục nguyên thủy tất nhiên ảnh hưởng đại hạn, đại hạn tất nhiên ảnh hưởng niên hạn (tiểu hạn hoặc lưu niên, tùy phái), niên hạn tất nhiên ảnh hưởng nguyệt hạn, nguyệt hạn tất nhiên ảnh hưởng nhật hạn, nhật hạn tất nhiên ảnh hưởng thời hạn. Thế nhưng cách cục nguyên thủy chưa chắc có ảnh hưởng trên niên hạn, đại hạn chưa chắc có ảnh hưởng trên nguyệt hạn v.v… Theo quy luật đó, thêm lý giản dị của “dao cạo Occam” thì khi luận niên hạn, nguyệt hạn, thời hạn; nếu xét Tuần Triệt thì chỉ xét lưu Tuần, lưu Triệt mà thôi.
Chữ “nếu” ở đây rất quan trọng; thật tình là tôi chưa kiểm chứng đủ để định tầm quan trọng của lưu Tuần Triệt, do đó vì lý giản dị tôi đã luôn luôn lờ hẳn chúng đi cho khỏi rối trí.

Mời thư giãn với nhạc phẩm KHÚC HÁT SÔNG QUÊ
của Nguyễn Trọng Tạo, thơ Lê Huy Mậu qua tiếng hát Anh Thơ:
*.
ĐẰNG SƠN (tên thật: Trần Đằng Sơn)
(bút danh khác: Thanh Y cư sĩ)
Địa chỉ: San Jose, California, Hoa Kỳ






…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email tranchicuong27@yahoo.com.vn gửi ngày 25.06.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét