LÊ THIÊN MINH KHOA, THƠ GĂM KỶ NIỆM, THƠ LÀ CUỘC VUI - Tác giả: Hoàng Quý (Vũng Tàu)

Leave a Comment
(Bìa tập thơ LẶNG LẼ TÔI của Lê Thiên Minh Khoa)

LÊ THIÊN MINH KHOA,
   THƠ GĂM KỶ NIỆM, THƠ LÀ CUỘC VUI
*
 1.
(Nhà thơ Hoàng Quý)
Một sáng nắng nóng, Lê Thiên Minh Khoa tới thăm tôi. Chưa kịp tắt máy và dựng xe cho ngay ngắn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cười một nụ bắt mắt, Khoa nói “quấy anh đây”. Khoa hấp tấp moi trong bao xốp một tập giấy đóng bìa nghiêm ngắn, rồi bảo: “Em sẽ in tập thơ mới (*), anh giúp em vài dòng”. Sao lại giúp. Với Lê Thiên Minh Khoa dễ gì từ chối được. Thực thì, giữa tôi và Lê thi sĩ nói rất thân thì chưa hẳn, nhưng tôi yêu quý Khoa bởi cái tâm tính cởi mở, cái tình yêu văn chương hơi hơi cuồng si, cái cách yêu bạn, yêu người ngất ngư như rượu nóng, và, những bài thơ hồn hậu găm đầy kỷ niệm, đặc biệt những bài lục bát ngẫu cảm rất nhiều đặc sắc, rất… Lê Thiên Minh Khoa.
Tôi vẫn nhớ cái ngày anh Xuân Sách giới thiệu các tác giả chuyển sinh hoạt về Hội Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu từ Đồng Nai. Khoa ngồi lặng yên giữa những Dương Cao Tần, Trường Thanh, Phạm Thị Nguyệt Cầm và hơn chục cây bút khác. Cái “thằng chả” đầu tóc bù rối như tổ quạ, đánh một bộ sơ mi khá bảnh mà xem chừng cứ lôi thôi ngượng nghịu thế nào, chỉ được nụ cười là đáng kể. Thế mà, cũng đã ngót nghét hai mươi năm chúng tôi từ biết tên, chào hỏi e dè đến a lô luyên thuyên với nhau quên cả vợ sẽ nhăn nhó trả tiền điện thoại.
Tháng 7 năm 2011, Hội Văn nghệ BR-VT tổ chức chuyến đi Đất Mũi. Cái đêm dừng nghỉ ở một khách sạn cáu cạnh, xây trên vùng lấn biển Kiên Giang, tôi và Trịnh Sơn được bố trí ở chung trong một phòng góc, lầu 7. Cái phòng góc bé bằng hộp diêm chỉ kê vừa cái giường gọi là giường đôi vì chắc chắn nó chỉ nhin nhỉnh hơn cái giường một và cái bàn hai ghế vuông hoành tráng. Chả biết Lê Thiên Minh Khoa ở phòng nào. Mà ở phòng nào, ở với ai chắc gì hắn đã nhớ. Hắn qua “ở trọ” phòng chúng tôi trọn đêm, chuyện giời chuyện bể hồn nhiên, phun khói thuốc mù mịt và say lãng đãng. Đêm ấy tôi mới biết nơi sinh Khoa là làng Trung An, Gio Sơn, Gio Linh, Quảng Trị. Có lẽ tôi quý Khoa nhiều hơn từ đêm ấy. Quảng Trị - những năm lửa cháy tôi từng có lần bị bom và đạn pháo vùi. Nhiều đồng đội tôi đã nằm xuống đó. Và cũng ở đó tôi sống được nhờ các mẹ, các chị bới tìm trong mấy lớp cát đất của một trận pháo bầy.
Nhưng thôi, “day đi dứt lại” có khi buồn hơn, có khi đối mặt cái hiện hữu dành giật, thực dụng, quay quắt, trí trá, trợn bợm… mà chìm lặng trong bấu níu xa xăm cũng chẳng để làm gì. Ấy thế mà Khoa đã đọc thơ tôi, đọc cả một seri làm tôi hết sức cảm động, cảm động đến sửng sốt suốt trắng đêm anh “ở trọ”, đọc bằng ngữ điệu Quảng Trị nằng nặng, đọc cay mắt và trầm tư: “...Bao đồng đội tôi đã nằm trong mồ/ Đêm đêm hiện hồn về gõ cửa/ Đạn găm đầy hình hài/ Nỗi đau không nói được/ Bông cúc ta từng hái ở mùa thu/ Khô xác gần ba mươi năm trong ba lô cóc cũ/ Ta cầm lại tên tay như cầm lửa chiến tranh/ Chả vàng được cho ai - Hoa cúc!”. Bạn yêu tôi đến thế, viết thế nào cho tập thơ mới của bạn đây? Hồi cố cái đêm Khoa đọc thơ tôi trong căn phòng bé bằng hộp diêm rả rích mưa tháng bảy tôi biết rằng cái sự Khoa đường đột yêu cầu viết lời mở cho tập mới cùa anh làm tôi nhiều đắn đo, lo lắng và ngại ngần, rằng có thể vài dòng tản mạn tôi viết về thơ bạn sẽ không thấu đáo.
2.
Tập thơ Lặng lẽ tôi  Lê Thiên Minh Khoa chia thành 3 phần, gồm: Lặng Lẽ. Lãng Đãng và Tri Âm.
Ngọai trừ các nhạc phẩm của các nhạc sĩ bạn hữu phổ thơ Lê Thiên Minh Khoa được Khoa chọn in đan xen lưu làm kỷ niệm, phần Lặng Lẽ gồm 54 bài thơ tự do mà Khoa gọi là THƠ ĐỜI THƯỜNG, phần Lãng Đãng 34 bài lục bát, phần Tri Âm gồm những chọn lọc từ nhiều lời bình hoặc bài phê bình của các tác giả viết về thơ Lê Thiên Minh Khoa. Mở đầu cho phần đầu-  Lãng Đãng:
“Trở về thành phố cũ tìm em
Lặng lẽ mưa bay về ngôi nhà cổ
Phải phiêu bạt qua bao mùa dâu bể
Em sang ngang đã mấy chuyến đò rồi!...

Trở về thành phố cũ tìm nhau
Như Từ Thức trở về cố xứ
Bạn học cũ đứa chân trời góc bể
Đứa tuổi xuân cát bụi lâu rồi!...”
                                   (Lặng lẽ tôi)
Bài mở đầu cũng là bài mang tên tập. Tôi bị cuốn vào cái cảm giác se se từng gặp trong thi tập Thị trấn tôi (NXB Thanh Niên) mà Khoa đã viết và in 16 năm trước, năm 2002. Vẫn một giọng kể ấy, trầm lắng không ồn ào, hằng quen mà rất nhiều xúc động:
“Chỉ còn tìm đến giáo đường xưa
Mưa tháng bảy lạnh hơn ngày trước
Không có em, liễu rủ hoa tái nhợt
Thánh giá nghiêng buồn trong tiếng chuông nghiêng!...”
                                  (Lặng lẽ tôi)
Dường như trong thơ Lê Thiên Minh Khoa, vài nét găm người bạn anh trọng thị, một góc vườn xưa cô vắng rơi hoa, một thoáng tái tê người văn bóng khuất, một bâng khuâng chưa rõ hình hài… đều tô điểm cho thơ Khoa, và, Khoa chỉ có thể dụng thơ, mượn thơ như cách duy nhất để gọi tên những nỗi niềm thi sĩ:
“Người đi không ngoái
Bụi mờ tóc râu
Môi hồng bỗng nhợt
Mắt huyền xa ơi!…”
                                   (Biệt ly)
“Khóc Nguyệt Cầm thấm thía câu thơ:
“Phong vận kỳ oan ngã tự cư”
Nguyệt ơi, Trăng lạnh chừ khuất núi
Vàng khô ở lại nhớ xanh xưa!
                                   (Khóc Nguyệt Cầm)
Đây nữa:
“Tôi trở lại vườn hoa trắng ấy
Khu vườn xưa hoang lạnh bóng người
Chỉ hoa trắng gieo buồn tuyết điểm
Người xưa sang vườn khác lâu rồi
                                  (Trăng xưa)
Rồi đây nữa:
“Suối lặng lẽ chảy vào mù sương
Sương lững lờ trôi theo gió thổi
Anh lặng lẽ chảy về em mòn mỏi
Em thành mù sương…
                                 bay…
                                             trôi…”
                                    (Mù sương)
Cái âm hưởng dìu dịu tràn chảy trong mục phần Lặng Lẽ đậm dấu ấn trong nhiều bài thơ cảm thức cố nhân, vết chấm phá quá vãng mơ mê không mặc định, như đứng ngoài sự sắp đặt. Có lẽ
bởi thế, nó tạo cho thơ Khoa một cách diễn đạt mềm mại, một bút pháp trữ tình nhiều bản năng, những thoảng buồn ướp men, giọng du dương tự sự dễ chịu, nhi nhiên, giản dị, êm đềm:
“Em áo tím phượng chiều thu tím
Anh bâng khuâng năm ngả bâng khuâng
Bằng lăng tím nhòa bên hồ vắng
Mấy ngả đường hoa tím mù sương”
                                     (Đà Lạt tím)
“Chưa bao giờ anh làm thơ tặng em
Nhưng không một lần nghe lời hờn trách
Vì người đẹp trong vần thơ anh viết
Có bóng hình thời con gái của em!...”
                                     (Đồng điệu)
Lê Thiên Minh Khoa cũng giới thiệu những thử nghiệm khác của anh ngay trong phần Lặng Lẽ của thi tập. Anh thử nghiệm Thơ Ba Câu trong các bài “Động viên”, “Đêm và gió”, “Chẳng lẽ”, “Trăng, em và tôi”. Anh cũng lại thử nghiệm một số bài thơ có sắc thái chính luận hoặc thơ văn xuôi như “Điệp khúc Nhân dân”, “Lời nguyền của người ở ngoài vùng phủ sóng” v.v.. Tuy nhiên, tôi có cảm giác loạt bài thơ này đang là sự tìm tòi và chỉ mới manh nha một khởi đầu. Các bài thơ tạo nên dư ba là những bài Khoa viết bằng nhịp thơ đã nhuần nhuyễn với cảm xúc gây men, bằng điệu hồn thúc bách. Vượt thoát cái hằng quen để bước đến những không gian khác của thi ca luôn luôn là mong mỏi, là ý thức của nhiều nhà thơ. Tất nhiên.
3.
Những bài thơ hớp hồn tôi nhất là Lục Bát Lê Thiên Minh Khoa! Có một chút gì đó như biến ứng mà tôi gọi là “Từ điển ngôn ngữ Bùi Giáng bắc sang Lục Bát Lê Thiên Minh Khoa” mà vẫn là Khoa, rất… Khoa:
“Và anh uống rượu bây giờ
Là trăm năm rớt bên bờ tử sinh
Và anh uống rượu một mình
Là anh uống với bóng hình em thôi
Và anh chén rượu mồ côi
Là tôi cộng lại với tôi hai người
Và anh chén rượu em mời
Là em cộng với tôi rồi bằng không

Và anh ngó em tắm rằm
Xiêm y rớt xuống, bóng trăng say mèm”
                                            (Và anh…)
Giời ạ. Bài lục bát hay ngất ngư tôi không còn biết diễn đạt tâm trạng mình khi được thưởng thơ thế nào. Thì đấy, cái váng vất “Từ điển ngôn ngữ Bùi Giáng” phiêu trong từng câu tượng hình ngay kia Khoa đã dụng dụng thành. Nó “ngon, thơm, đê mê” như một ly cocktail pha theo cách Lê Thiên Minh Khoa bằng tinh liệu chắt gạn trong kho hương ngôn Bùi Giáng và hương ngôn họ Lê. Hình như không chỉ Khoa, nhiều thi bản tôi đã đọc của thi sĩ A Khuê và các thi sĩ cùng thời với ông đều có dư vang âm hưởng thiên bẩm họ Bùi. Tôi coi đấy là tiếp nối tinh hoa được bắc tới từ người xưa. Cái khó là khi tiếp nối các tài nhân anh dụng thế nào?!
Hình như, cứ với lục bát là Lê Thiên Minh Khoa thăng hoa, là lơ lửng say, là không “lành” được nữa trước thói người, thói đời:
“Rồi Tiên cũng bỏ Ta bà
Phòng văn còn một Ta và Ma thôi
Đầu hè một Quỷ lơi bơi
Phật vỗ vai Chúa trốn đời đi hoang”
                               (Còn lại)
Khi xưa Tiên ở trên trời
Yêu người trần thế Trời dời xuống đây
Người trần khi tỉnh khi say
Nên Tiên chán ngán lại bay về trời
                                (Còn lại 2)
“Là ai tâm Phật thân Ma
Nhập nhòa một bóng chợt xa, chợt gần
Chợt phong vân, chợt phù vân
Thương đời, đời loạn, thương thân, thân nhàu!
                                 (Là ai)
34 bài lục bát trong phần thứ 2: Lãng đãng, Khoa chỉ coi như những bài thơ viết trong những khoảnh khắc hoa ngôn, những khoảnh khắc tài tử, những khoảnh khắc phóng bút. Nhưng với tôi, 34 bài lục bát trong tập này của Khoa là tinh hoa thơ Lê Thiên Minh Khoa. Chỉ với lục bát hồn Khoa, hoạt ngôn Khoa, thi ảnh, thi hình, tư tưởng, chất giang hồ tài tử mới phát lộ, nhiều bài phong nhiêu liêu trai. Buồn tanh mà cao ngạo đấy. Êm ái mà sóng ngầm. Đùa cười mà rớt lệ giữa cuộc vui:
“Đôi khi bỏ bể về rừng
Ngó anh cọp ốm, chợt lòng từ tâm
Nửa chừng sương rót lâm râm
Một, hai, ba, bốn, năm châm giọt buồn!...”
                                 (Đôi khi)
“Và em
Và tôi
Và thơ
Và dăm ly rượu
Và chờ đêm qua

Và Không
Và Phật
Và Ma
Hội nhau trong cõi ta – bà
Rong chơi

Và em
Và tôi
Và ai
Và trăm năm
Vẫn nhớ hoài ngàn năm
Và ngàn năm
Nhớ xa xăm
Và xa xăm nhớ lầm
Than kiếp người…
                             (Và em…)
Còn xưa mây thả lưng đồi
Còn em mấy độ thu rồi chưa bưa
Nghe chừng ngượng ngập chân đưa
Nghe nay nằng nặng, nghe xưa nhẹ hều!…
                             (Còn xưa)
Có khi, đọc Lục Bát Lê Thiên Minh Khoa chả cần lời bình. Tôi những muốn thưa rằng có một vườn Lục Bát Lê Thiên Minh Khoa tươi an nhiên trong cánh đồng Thơ Việt. Vườn lục bát của họ Lê luôn luôn hiện lộ và tỏa hương sắc riêng. Thứ hương thơm ấy có quyền dán nhãn  Made in Lê Thiên Minh Khoa!
                                                     
----------------
 (*): LẶNG  LẼ TÔI (Lê Thiên Minh Khoa- tập thơ- NXB Hội Nhà Văn- tháng 6.2018). 
           
Mời thư giãn với nhạc phẩm NỬA VẦNG TRĂNG
của Nhật Trung, qua tiếng hát Như Quỳnh:
            
*.
Vũng Tàu, tháng 6/2018
HOÀNG QUÝ
Địa chỉ:  Đường Cô Bắc, phường I,
tp Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu.
Email: voongaquynv@yahoo.com.vn


  


…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 18.06.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

0 comments:

Đăng nhận xét