VÀI SUY NGẪM VỀ “CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI” CỦA NGUYỄN KHÔI - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương (Bắc Ninh)

1 comment
(Nguồn ảnh: internet)
VÀI SUY NGẪM VỀ CHÂN DUNG
99 NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
CỦA NGUYỄN KHÔI
*
(Tác giả Nguyễn Xuân Dương)
Nói là mini nhưng để có được tập thơ mini khắc họa 99 chân dung nhà văn Việt Nam đương đại đòi hỏi tác giả phải vô cùng kỳ khu nghiêm cẩn. Tôi kính cẩn trước sức đọc của nhà văn Nguyễn Khôi. Để có được 99 phác thảo bằng ngôn ngữ ông đã phải đọc không chỉ 99 nhà văn nhà thơ mà phải hàng trăm, hàng nhiều trăm các nhà văn nhà thơ Việt Nam đương đại. Rôi từ đó phải chắt lọc ra những nét đặc trưng tiêu biểu nhất mà không chỉ riêng ông mà cho tất cả những ai đã đọc tác phẩm của nhà văn, nhà thơ đó đồng cảm sẻ chia. Chỉ bằng bốn câu, nói đúng hơn là chỉ vài chục từ mà một chân dung khá đa dạng của một nhà văn, nhà thơ đã như đang đứng trước mặt ta.
Tôi chỉ xin trích một số chân dung trong cuốn sách để minh họa cho những gì mình đã viết.

CHÂN DUNG PHẠM TIẾN DUẬT:
“Đường ra trận…đẹp lắm”
Lừa mị lũ trai làng
Chết hồn kết “Vòng trắng”
Đưa thơ về Trường Sơn
Đọc chân dung Phạm Tiến Duật với câu thơ đã một thời cứ hát cứ ca mãi không thôi. Tôi bỗng nhớ đến trong một bài phê bình tiểu luận Nhà văn Hoài Thanh đã cực lực lên án câu thơ “Thây rơi như cánh hoa đào”. Ví cái chết ngoài chiến địa đẹp thế chắc ai cũng muốn chết! Và rồi hình như Phạm Tiến Duật không đọc sách khi làm thơ nên đã ca ngợi con đường đi vào đạn bom chết chóc vào chỗ bắn giết đồng loại là con đường đẹp lắm. Đúng như Nguyễn Khôi đã viết “Lừa mị lũ trai làng”. Chỉ một câu ấy thôi Nguyễn Khôi đã xóa sổ tất cả những bài thơ viết về Trường Sơn của Phạm Tiến Duật. Nhưng ông không chỉ lên án Phạm Tiến Duật mà ông lại ngợi ca khi Phạm Tiến Duật đã thức ngộ để có những bài thơ trong thời hậu chiến “Vòng Trắng”…

CHÂN DUNG HỮU THỈNH:
“Thư mùa đông” cho lính
Thơ xoàng xĩnh lên ngôi
Điếu văn “hót” tới đỉnh
Trơ ghế cao anh ngồi.
Tôi chưa hiểu thật sâu xa bức chân dung này vì tôi ít được đọc thơ Hữu Thỉnh. Phải chăng thơ Hữu Thỉnh xoàng xĩnh hay Hữu Thỉnh đề cao loại thơ xoàng xĩnh. Thế nhưng với câu thơ “Điếu văn “hót” tới đỉnh” thì chính xác đến từng mi li mét. Đọc những bài điếu văn của Hữu Thỉnh ai cũng phải ngưỡng mộ tài năng của ông khi ca ngợi các nhà văn, nhà thơ đã được Chúa Trời, Đức Phật vời về cõi vĩnh hằng. Thiết nghĩ khi họ sống ông chỉ cần 1/10 câu chữ ấy thôi viết về họ chắc họ cũng hả lòng.
Đọc điếu văn của ông tôi bỗng nhớ đến câu nói của nhà văn Hoài Thanh khi viết về Hàn Mạc Tử: “Giờ chết rồi xúm lại khen chê. Theo tôi khen hay chê bây giờ đều là bất nhẫn”... Các nhà văn, nhà thơ đã quy tiên được nghe điếu văn của ông Hữu Thỉnh chắc họ sẽ cảm thấy được bình an trên cõi vĩnh hằng. Tôi nghĩ nếu tập hợp các bài điếu văn của ông Hữu Thỉnh thì có thể được coi là một cuốn kỷ yếu giàu xúc động về những nhân vật trong văn chương Việt Nam hiện đại. Còn câu “Trơ ghế cao anh ngồi” là câu thơ phạm húy đấy ông Nguyễn Khôi ạ. Vì suy cho cùng ở Việt Nam hiện tại không ai xứng đáng hơn ông Hữu Thỉnh ở chức vụ này. Hơn nữa sau khi đã “THƯƠNG LƯỢNG VỚI THỜI GIAN” thì thời gian dù khắc nghiệt cũng đã đồng ý để ông tại vị trên ghế cao ấy cho đến chung thân.

CHÂN DUNG TỐ HỮU:
Tự nhận mình là Lành
Mọi người thấy rất dữ
mác lê bọc bằng thơ
Đã đâm chỉ có “tử”

Tung hoa máu xung trận
là hịch chống xâm lăng
lời thề với Đảng, Bác
“Từ ấy” “Sáng tháng năm”
(Ghi chú: chữ viết hoa, viết thường ở đây đều sao y bản chính.)
Chỉ có 8 câu thơ hay nói đúng hơn là 40 từ mà tóm gọn cuộc đời của một nhà thơ Mác xít Lê nin nit. Ngay từ cái tên Lành đã gợi ý thêm về một vụ án văn chương tàn độc gần như Nhân văn giai phẩm: Truyện ngắn CÂY TÁO ÔNG LÀNH. Vì truyện ngắn này mà nhà văn Hoàng Cát bị treo bút nhịn đói, nhịn khát. Cái tài hoa và có cả sức chiến đấu khi Nguyễn Khôi không viết hoa những từ phải viết hoa: mác lê - Tên một chủ nghĩa, một hệ thống triết học không viết hoa lại trở thành một công cụ để chém giết. Có gì độc đáo hơn không các bạn? Chỉ chừng ấy thôi, tôi cho Nguyễn Khôi là một trong những bậc thượng thừa của ngôn ngữ.
Cuối cùng thì nhà thơ đã “Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều” trái tim của mình khi không thể cất lên cái giọng ca vàng một thời là “HỊCH” giờ lại muốn “Thành người hát rong của nhân dân”!!!

CHÂN DUNG HUY CẬN:
Tắt: Lửa Thiêng “đón”mỗi ngày lại sáng”
“Con cá song lấp lánh đuốc đen hồng”
Thằng con cả bùng tuốt sang Mỹ sống
Chết đã lâu mãi chẳng có tên đường
Chân dung về Huy Cận bỗng nhiên gợi lại cái vụ án 24 Cột Cờ. Vì căn nhà đó chắc ai cũng biết. Chỉ vì cái căn nhà mà mất tình cha con, mất tình nghĩa phụ tử chỉ bằng một câu mà gợi lên sự xót đau bất lực trước sự tha hóa của tiền bạc “Thằng con cả bùng tuốt sang Mỹ sống”. Đúng danh bất hư truyền, Nguyễn Khôi thật tài hoa khi chỉ dùng có 8 chữ thôi làm đau nhói bao trái tim cõi người. Ngọn lửa thiêng thì vùi dập cho tắt ngấm. Sao Huy Cận không hiểu rằng chính Ngọn lửa thiêng đã làm cho tên tuổi của ông tồn tại được trong thế giới thi ca với “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” lại đi đánh đổi lấy thứ ánh sáng ma mị “Con cá song lấp lánh đuốc đen hồng”. Câu hỏi mà Nguyễn Khôi nêu lên cho những ai yêu văn chương trong cõi người này “Chết đã lâu mãi chẳng có tên đường”. Ông có biết vì sao không? Vì lấy tên đường gán cho chức thứ trưởng bộ văn hóa thì không được. Nhưng thi ca thì sao? Tôi vẫn nghĩ có tay nào trong nhóm phê bình chỉ điểm lại bới lông tìm vết nâng quan điểm với hai câu thơ:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa”
Trong “Trời mỗi ngày lại sáng” mà lại viết hai câu thơ như thế. Hòn lửa mà xuống biển thì hòn lửa tắt ngấm còn đâu. Đã tắt ngấm rồi còn bị đêm sập cửa và sóng cài then thì vạn đời mặt trời không ngoi lên được.
Các bạn tự tìm hiểu nhé, tôi không bình luận hai câu thơ này nữa .

CHÂN DUNG PHÙNG CUNG:
Con ngựa già phủ Chúa
Mười hai năm tội đồ
“Xem đêm” còn giật thột
Quất “bã chè” thành thơ
Phùng Cung là nhà văn trong kháng chiến chống Pháp. Ông có mặt trong nhóm Nhân văn giai phẩm và bị tù 12 năm vì truyện ngắn CON NGỰA GIÀ CỦA CHÚA TRỊNH. Sau khi ra tù bạn bè ông như Phùng Quán và đặc biệt là Nguyễn Hữu Đang bỏ tiền ra in tập thơ “Xem đêm”. Trong tập “Xem đêm” ông có bài TRÀ như sau:
“Quất mãi nước sôi
Trà đau nát bã
Chẳng đổi giọng Tân Cương ”
Theo tôi bài thơ là sự khẳng định bản ngã thi nhân của mình chứ chưa hẳn như Ông Nguyễn Khôi đã viết “Quất bã chè thành thơ
Các bạn có thể vào Google đọc truyện ngắn CON NGỰA GIÀ CỦA CHÚA TRỊNH để thấy được những nhà phê bình chỉ điểm tàn bạo đến mức nào không chỉ trước đây mà bây giờ vẫn vậy.

&
Thưa các bạn!
Trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khôi, khắc họa 99 CHÂN DUNG NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI. Nhưng với tôi, khả năng tiếp nhận rất hạn chế, vì vậy, tôi chỉ bình luận chân dung những nhà văn tôi đã được đọc tác phẩm của họ. Đây cũng chỉ là những suy ngẫm dựa vào văn bản của nhà văn Nguyễn Khôi. Nếu có gì sai sót mong được các bạn lượng thứ.

       
Mời thư giãn với clip: ÔNG ĐỒ
thơ Vũ Đình Liên, qua diễn ngâm của Nghệ sỹ Quốc Anh:
           

           Mời nhấp chuột vào hàng chữ phía dưới để đọc:
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 0167.224.23.92
                                          



.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 30.07.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

1 nhận xét:

  1. Nhân tiện bác Nguyễn Xuân Dương nhắc đến Cù Huy Hà Vũ, con trai của nhà thơ Cù Huy Cận, xin chia sẻ thêm một status của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến về nhà dận chủ cuội này:
    Trước, năm 1998, mấy lần chị (Đoàn Thị Đặng Hương) cùng chị Đoàn Thị Lam Luyến đến Nhà sách Bảo Thắng chơi. Rất ấn tượng với giọng khàn khàn đặc trưng và phong cách tomboy của chị. Ngày đó, mình mới tuyển soạn cuốn XUÂN DIỆU - HOÀNG TỬ CỦA THI CA VIỆT NAM HIỆN ĐẠI (lấy tên một bài viết của chị làm tên chung cho tập sách) nên dè dặt đặt vấn đề gửi chị tiền nhuận bút, chị cười từ chối (theo lệ lúc đó là 50.000đ/bài và 01 cuốn sách tác giả), đại khái là bài viết được nhiều người đọc là chị vui rồi.
    Cũng cuốn sách đó, Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ, điện yêu cầu mình phải mang 2.000.000 tiền nhuận bút (tuyển chọn 20 bài thơ của cố thi sĩ Xuân Diệu in ở phần Phụ lục) đến nhà và đe sẽ kiện mình ra tòa vì tự ý in tác phẩm của nhà thơ Xuân Diệu khi chưa được người thừa kế hợp pháp là ông Cù Huy Hà Vũ cho phép. Cầm 2 triệu mình đưa, anh Vũ rướn khuôn mắt hơi nhỏ mà dài, vỗ vai mình, rất ngọt: - “Đấy là anh thương mày là thằng nhà quê nên mới lấy nhuận bút tượng trưng, chứ mày là thằng khác anh tính gấp đôi, gấp ba...”. Ngày đó mới vào nghề, tuổi còn ít nên cứ dạ dạ rối rít. Miệng cười tươi chào anh Cù Huy Hà Vũ ra về mà đứt ruột vì bị “nẫng” mất gần nửa cây vàng (giá lúc bấy giờ, cuối năm 1997).
    Mấy hôm nay, nghe mọi người xúm vào “chửi” chị trên mạng xã hội ghê quá, thấy thương chị nhiều. Không chơi với chị, chỉ tình cờ biết chị qua chị Đoàn Thị Lam Luyến nhưng mình quý chị vì cảm nhận chị là người thẳng ngay, tốt tính.
    Ai chẳng có lúc sơ xuất, vạ miệng nên mong tai nạn sẽ nhanh qua với chị.

    Trả lờiXóa