“BI, HOAN, TUYỆT... CA” - Chùm thơ: Đỗ Doãn Phương (Hà Tây)

1 comment
(Nhà thơ Đỗ Doãn Phương ; Nguồn ảnh: internet)
“BI, HOAN, TUYỆT... CA”
Chùm thơ: Đỗ Doãn Phương
*
Sinh

Như mặt đất khô nức nở bởi mưa
Tôi nức nở trên mặt đất
Bởi Thiên Nhiên bủa vây tứ phía
Và sự lặng ngắt của nó
Hoá thân thành vạt rừng, đồi

Trong lặng ngắt, nó tuôn vào tôi như suối
Và làm tan rã bản thể tôi
Chỉ còn cảm thấy tim mình đập trên mặt đá sỏi
Và thoi thóp trên lớp vỏ cây

Những cái cây cắm xuống đất như bị đem chôn
Trong tĩnh lặng tột cùng
Thiên Nhiên mở ra vòm tử cung của Bà mẹ
Đón tôi trở ngược vào
Để được phục sinh!

Bài ca về một con mương

Lặng lẽ tránh đôi bàn chân tôi
Con mương nước ngầu đỏ tiếp tục đi về cánh đồng khát
Để dựng dậy ruộng lúa xanh

Tôi tự hỏi bởi dục lực nào?
Đã trải ra giữa đất trời sinh thể mềm mại ấy?
Tôi tự hỏi bởi tình yêu nào?
Đã nẩy ra tiếng ca róc rách ấy?

Tôi miên man ngược theo dòng nước
Tìm về chốn khởi đầu của sự sống mảnh mai
Và tôi chợt sững sờ: nơi khởi phát
Chính là chiếc gầu sòng của chú bé tát ao.

Lại chiêm bao thấy bà ngoại

Thường thấy bà áo manh nón lá
Khuôn mặt già tiều tụy khổ sở
Lần nào cũng khóc lóc, thở than
Lần xin quần áo, lần kêu đói.

Cuộc đời bà cả khi ra đồng thành nấm đất
Vẫn đi vào cháu giấc mơ rầu.

Đêm qua chợt mơ thấy bà cười
Mặt hồng hào trẻ hơn trên bàn thờ
Mặc bộ đồ sa tanh thêu hoa bóng
Bà sửa soạn xốn xang, đi lại hỏi chào

Cháu tỉnh dậy, ứa ước mắt
81 năm trên đời khổ nhọc
Thêm 14 năm trong nấm đất
Giờ bà mới tới thiên đàng chăng?

Không lời

Một sớm mưa trên đầu, không sấm
Cơn gió về chân trời tắt ngóm
Mưa cưỡng đoạt thế gian
Bằng những ngón tay ngắn

Trên một hàng cây già bạc phếch
Mưa ngấm dần thành vệt màu đen
Mặt đường nhựa nhòe nhoẹt loáng lênh
Chầm chậm một chiếc lá nhểu giọt

Ở sớm mưa thế này
Ân tình thấm khỏi bàn tay
Chầm chậm không kìm nổi
Chầm chậm dịch chân mây

Cơn mưa đau trên nước mắt
Sự lặng lẽ gầm vang
Nhốt chặt trong từng cuống họng
Của chiếc lá, cuống đứt lìa bẹp dúm
Của hơi men tỏa lan
Mạnh hơn nỗi đau vật chất

Một sớm mưa thế này
Ân tình bong bóng nổi
Trên khô cạn chân mây

Bóng hình

Sực ngoảnh lại đã chín năm
Mà thời gian còn trôi nữa

Đã đi lên núi cao
Đã đi ra biển lớn
Lên gác chuông vắng vẻ nhà chùa
Chìm vào ồn ào cửa chợ

Đã qua những ngày cùng tháng tận
Cuối năm âm, đầu năm dương
Tháng thừa thiếu bù nhau, ngày Đông, Hạ đổi chỗ
Mà nhìn đâu cũng ứa nước mắt
Thấy hình bóng đi theo

Nhìn phía trước là 10 năm
Mà thời gian còn trôi nữa…

Sự thực về giấc mơ

Buổi sáng, anh và em vẫn dậy sớm
vẫn vươn vai, vẫn chải tóc, soi gương
Vẫn chạy tập thể dục về phía bờ sông
 vẫn ngắm bình minh lên rạng rỡ
Rồi chúng ta cùng trở về, như thường lệ, 
                                          anh lại kể cho em nghe
Những giấc mơ đêm qua, đẹp hoặc buồn,
                                  hoặc vẩn vơ không đâu không cuối
Những giấc mơ, bao giờ cũng thế, khiến em run sợ
                                            hoặc phá lên cười thích thú
Và anh vẫn thế, vừa kể vừa lặng lẽ mỉm cười

Chỉ mình anh biết, những giấc mơ, anh vừa kể em nghe
Không một giấc mơ nào là mơ thật
Vì suốt đêm qua, anh không hề chợp mắt
Em đã nghe từ anh tất cả những ý nghĩ thật trong đầu.

Thằng bé đẹp xinh

Người ta ngắm nghía xuýt xoa và  hỏi: 
                                 Thằng bé này từ đâu ra?
Nó là con ai, sao nó đẹp xinh, ngộ nghĩnh?
Bởi ai mà có nó?
- Xin trả lời các ông bà, nó là con chúng tôi
Do chúng tôi đẻ ra nuôi nấng
Nhưng chính chúng tôi cũng không biết
Làm sao lại tạo được hình hài này?

Chúng tôi đã ngắm nó từ lúc sinh ra 
                                         và vẫn băn khoăn câu hỏi:
- Từ đâu mà có nó ở đời? 
Làm sao sự ăn ở vụng dại của vợ chồng tôi
                                  lại kết thành sự hoàn hảo của nó?
Làm sao những đam mê mờ mịt của chúng tôi
                               lại nẩy ra tinh thần sáng láng của nó?
Làm sao chúng tôi có thể sáng tạo ra một thứ lớn hơn mình?

Nó là con chúng tôi
Nhưng chính Người mới sinh ra nó
Từ chỗ Không của chúng tôi, chính Người đã làm nên "Có"
Từ sự lẻ loi của chúng tôi, chính Người đã làm cho tràn ngập
Bằng sự hiện diện của Người.

Những ngày tháng ấy

Những ngày tháng điên dại ấy, có thể hỏi lại ai được không?
Hỏi nàng nàng đã quên
Hỏi con nàng, thằng bé ngẩn ngơ như 
                                  hỏi về người cha tiền kiếp
Hỏi con chó con lông xù của nàng, nhưng nó đã bị mù và chết
Hỏi lọ hoa trên bàn, nhưng nó đã vỡ và thành tủy tinh tái chế
Hỏi ngọn cây ngoài cửa sổ, nhưng nó đã cao bổng lên mái nhà
Hỏi tiếng ồn ào vọng vào từ sân chơi,
                                         nhưng bầy trẻ năm xưa đã lớn
Hỏi căn phòng nhà nàng, thì căn phòng đó đã bán
Hỏi khu tập thể nhà nàng, thì tiếp đó nó đã bị đập đi xây

Những ngày tháng điên dại ấy, có thể hỏi lại ai được không?
Ta lục lại túi trong túi ngoài, rồi vào khỏa thân trong nhà tắm
Những ngày đó không nằm ở đâu 
                                      trong mắt mũi môi, mông, bụng
Không có trong miệng khi tự khạc ra,
                            không có trong tay khi tự cào chảy máu
Nhưng tại sao, tại sao, ta vẫn cảm thấy

Căn phòng nàng lơ lửng trong khu chung cư mới xây lên
Con chó lông xù đứng nhìn tiền kiếp 
                                     của nó chưa mù, ốm, chết
Con nàng ngẩn ngơ đứng chờ thời khắc nó sẽ được sinh ra
Còn chồng nàng thì lặng lẽ nhìn nàng
                      đang sống nốt những tháng năm thì con gái
Cái cây cúi xuống thân mình để tìm nơi từng là ngọn

Đó là tại sao, tại sao, ta mãi cảm thấy
Những ngày đó ở trong mình

Mời thư giãn với nhạc phẩm THÓI ĐỜI
của Trúc Phương, qua tiếng hát Chế Linh và Đan Nguyên:
                  
*.
ĐỖ DOÃN PHƯƠNG
Địa chỉ: Làng cổ Đường Lâm,
quận Sơn Tây, thành phố Hà Nội.





…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: ngocthai1948@gmail.com gửi ngày 21.03.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét: