MỘT VÀI CHIA SẺ NHÂN DỊP KHAI GIẢNG - Tác giả: Dương Quốc Việt (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
MỘT VÀI CHIA SẺ
NHÂN DỊP KHAI GIẢNG
*

Những ngày này, theo truyền thống từ năm 1945, là mùa khai giảng của người Việt. Một năm học mới bắt đầu! Không phải chỉ có người học nô nức đến trường, mà đằng sau họ còn biết bao cặp mắt dõi theo, những hy vọng, những lo toan, những gửi trao của các thế hệ cha anh. Và còn có phải chăng, sự bừng tỉnh muộn mằn trước những ánh sáng văn minh, sức mạnh của trí tuệ, hay mối lo về sự tụt hậu, đã khiến người ta như muốn "ăn sống nuốt tươi" cái kho tàng tri thức của nhân loại!? Cũng có phải vì thế, mà cái sự dạy và học - vốn chỉ là cái bản năng tự nhiên của muôn loài, đã khiến đâu đó, con người đã làm cho nó trở thành mất tự nhiên, thậm chí xa lạ - dị dạng. Vậy rút cục con người cần học để làm gì?

(Tác giả Dương Quốc Việt)
Trước hết học để chung sống
Tạo hóa sinh ra muôn loài, và không chỉ có con người, mỗi loài trước hết đều truyền dạy cho thế hệ sau những điều cần phải duy trì - gìn giữ để chung sống. Loài chuột vốn được con người nhìn nhận với nhiều tính xấu. Nhưng với hai con chuột từng ở chung một lồng, người ta để một con ở trong lồng kính, còn con kia được thả tự do, thì con chuột được tự do bắt đầu cố gắng tìm mọi cách để giúp con kia thoát ra ngoài, thậm chí còn quên không cả ăn khẩu phần của mình. Rồi đến khi bạn được thả, nó đã cho bạn cùng ăn khẩu phần thức ăn của mình. Điều này cho thấy, chuột có một sự đồng cảm rất lớn, cũng như sẵn sàng chia sẻ thức ăn với đồng loại đang gặp hoạn nạn. Voi và chó sói thường bị mất ngủ - trở mình, thậm chí còn biết tránh không di qua cái vị trí mà bạn chúng yên nghỉ. Đặc biệt, khi một con sói chết, cả đàn sẽ di chuyển chậm chạp hơn, không khí cả đàn trở nên ảm đạm. Còn voi thì biết chạm vào xác của con đã chết như muốn nói một lời vĩnh biệt, thậm chí còn dùng vòi ôm lấy chiếc ngà của kẻ xấu số, đứng đó hàng giờ để canh không cho linh cẩu đến gần.
Cũng như nhiều thuộc tính quý giá khác, mà ngay cả loài vật cũng luôn được cha mẹ và bầy đàn của chúng răn dạy, lưu giữ trong thế giới tự nhiên. Ngày nay có không ít người gặp bi kịch bởi con em của họ. Cái bi kịch là ở chỗ, họ đúng là người đã dành hết sức lực, tài sản cho cái sự học của con cái, theo cái nghĩa "hy sinh đời bố củng cố đời con", nhưng kết cục chỉ thu được những "tác phẩm" dị dạng, khác lạ, ngoài mong đợi. Những đứa trẻ bị tách ra khỏi môi trường tự nhiên thông thường, ăn-ngủ - chơi..., là điều hết sức nguy hiểm. Có nhiều thuộc tính quý giá mà một cá nhân trưởng thành trong một môi trường phi tự nhiên, có thể bị mất đi. Thử hỏi một cá nhân sẽ còn ý nghĩa gì, nếu họ mất đi khả năng đồng cảm cũng như sẵn sàng chia sẻ, hay những phẩm chất mà ngay cả loài voi và chó sói cũng cần phải được lưu giữ như đã đề cập ở trên!?

Những kiểu dạy và học hủy diệt
Đơn cử như việc giải một bài tập toán học, mà một trong những hệ quả quan trọng nhất thu được, là rèn luyện khả năng tư duy và lao động độc lập. Việc tìm ra lời giải hay không, không hẳn đã quan trọng, vấn đề chính là trẻ được tập luyện, vận dụng kiến thức đã học, vào giải quyết một vấn đề cụ thể. Nhưng người lớn chúng ta, đã làm hỏng quy trình này bởi rất nhiều nguyên nhân và quy cách khác nhau. Để rồi người ta không chỉ tước đi thời gian được suy nghĩ độc lập của con trẻ, mà còn đưa trẻ vào cuộc chạy đua, biến đầu óc chúng thành những cái túi chứa đầy những bài tập cùng lời giải, và những bài văn mẫu...
Người ta nói nhiều đến các phương pháp giảng dạy, nhưng tất cả đều vô nghĩa, nếu những bài giảng thiếu vắng cảm xúc của người giảng. Hướng dẫn cho học sinh về một bài văn viết, hay một lời giải cho một bài tập toán, sẽ không thể hiệu quả, nếu chính người giảng, đã không hề tự làm, cũng như làm tốt những bài đó. Câu chuyện về những bài tập mà cả thầy và trò đều không làm, mà họ chỉ xem đáp án, hay những bài mẫu từ các cuốn sách, để rồi vẫn giảng, vẫn chữa, vẫn thi..., là một thực tế đau lòng. Vì người ta không tự làm, nên cũng không biết nó khó đến đâu, cũng như có ý nghĩa gì. Bởi vậy mà công chúng được chứng kiến những bài tập quá khó, quá xa lạ với trình độ của cấp học, cũng như sự vô nghĩa của nó. Một nền giáo dục mà thầy trò chỉ ra sức chạy đua tích cóp những dạng mẫu - hình thức, chuyển tải những "mẹo vặt" của con người, rõ ràng là một kiểu giáo dục lừa dối và hủy diệt!

Đừng bắt trẻ học vì khát vọng của người khác
Thật nguy hại cho phát triển của một đứa trẻ, nếu chúng được nuôi dưỡng, lớn lên trong những sức ép nặng nề bởi những khát vọng chủ quan, phi nhân tính, phi khoa học của cha mẹ, hoặc thầy cô. Giấc mơ con cái trở thành những kẻ nổi trội, hay thần đồng, đã khiến không ít gia đình đã đầu tư thời gian, tiền của và sức lực vào những đứa trẻ, khiến tuổi thơ của trẻ chỉ còn là một chuỗi ngày bơi trải mông lung. Chúng ta đã từng nghe những câu chuyện đau lòng về những học sinh, không sao đáp ứng nổi tham vọng của cha mẹ. Họ không cần biết năng lực thực tế của con trẻ đến đâu, mà chỉ nhất nhất bắt trẻ học ngày học đêm, học thêm để phải đạt giải, phải vào đại học tốp đầu, làm rạng danh gia đình, họ hàng.
Trong bài báo "Thần đồng và cái giá cho thành công sớm" - đăng trong Zing VN - ngày 05/01/2016, người đọc sẽ thấy những bi kịch, thậm chí những cuộc tự tử của những thần đồng có chỉ số IQ rất cao, bởi những sức ép lên họ. Hãy lắng nghe thần đồng nổi tiếng Alissa Quart chia sẻ: "Bố dạy em rất nhiều. Nếu em ngoan ngoãn ngồi im, chỉ đọc sách, làm thơ, mọi chuyện sẽ ổn. Ông luôn muốn con gái xuất sắc hơn. Em buộc phải tiếp nhận những bộ phim kinh điển, những cuốn tiểu thuyết khó hiểu, vượt quá tầm nhận thức của một đứa bé. Kế hoạch của bố thành công ở mức độ nào đó nhưng nó biến con thành đứa trẻ nhà kính." Không ít người có chỉ số thông minh cao, bị ép sớm thành công, sớm trưởng thành, nên đã phải tiếp nhận những vấn đề vượt qúa độ tuổi, làm thiếu hụt nhiều kỹ năng mềm. Vì thế họ rất khó thành công trong sự nghiệp, hay thuận lợi trong cuộc sống. Thực tế, có không ít thần đồng không thành công khi trưởng thành. Thậm chí còn có những người không xác định được hướng đi cho bản thân hay có một công việc ổn định. Nhà Tâm lý học Ellen Winner-giáo sư đại học Boston - Mỹ đã có tổng kết với nội dung rằng: “Không phải mọi thần đồng đều trở thành thiên tài. IQ cao giúp các em tiếp nhận kiến thức do người đi trước để lại nhanh và dễ dàng hơn, nhưng không đồng nghĩa việc họ có đủ khả năng để sáng tạo, phát hiện cái mới."
*       *
*
Trong những năm qua, không ít học sinh phổ thông, phải hứng chịu nhiều sức ép nặng nề trong học tập. Mà nguyên nhận chủ yếu là do sức ép từ phụ huynh. Không ít người, đã vô tình biến con cái mình thành "vật hi sinh" cho cái thể diện của mình. Những bậc cha mẹ cần phải tỉnh ngộ ra rằng, chính cái tham vọng của họ - đè nặng lên cuộc đời con trẻ, rất có thể sẽ hủy hoại tương lai của chúng, thậm chí đẩy chúng vào cái hố sâu tuyệt vọng. Những nỗ lực của ngành Giáo Dục, nhằm chấm dứt nhiều tệ nạn, chỉ có thể thành công, nếu các bậc cha mẹ có nhận thức đầy đủ về việc học tập của con trẻ.
Con người sinh ra vốn cần được nuôi dạy, để trưởng thành trong xã hội của mình, mặc dù tạo hóa sinh ra vốn là những cá thể khác biệt. Nhưng cái mặt bằng chung nhất của mỗi cá nhân trong xã hội, trước hết trong tất cả, là cần phải được răn dạy để phát triển bình thường - như bản tính tự nhiên của muôn loài. Và trên cái mặt bằng chung ấy, con người mới có thể tự khẳng định "cái tôi" chính đáng của mình - thông qua con đường học tập, theo những tiêu chí mà tổ chức Unesco đã khởi xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.”


Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐI HỌC của Bùi Đình Thảo,
phổ thơ Hoàng Minh Chính, qua tiếng hát bé Nhật Lan Vy:
*
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ:  Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.






....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 27.08.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

0 comments:

Đăng nhận xét