(Nguồn ảnh: internet) |
ĐÓNG GÓP
(Tác giả Nguyễn Anh Tuấn) |
Xóm Đồn như cái búp
đa cong cán, nổi lềnh bềnh giữa một bên là ao làng (Dấu tích của sự đổi dòng),
một bên là sông Nghĩa Trụ. Xưa kia Nghĩa quân Bãi Sậy đã lập đồn trú ở đây để
lại những rặng tre hóa gai mọc ken dầy thành lũy dọc theo doi đất chừng nửa
dặm.
Vợ chồng lão Thỉn
sống trong túp lều xiêu vẹo dưới những khóm tre nơi đầu doi đất. Túc tích ở đây
hơn bốn mươi năm rồi. Con cái chưa có. Chồng đóng khố bện, cởi trần, suốt ngày
kín nước, gánh phân thuê, ngày mưa gió khoáy cái rế kiếm được năm ba chinh thêm
thắt mua khoai mua sắn. Vợ mắt toét nhoèn, quanh năm đỏ mọng vì lông quặm, chả
làm được gì ngoài việc ra đồng quờ quạng bắt con cua, con ốc, hái nắm rau tập
tàng ăn qua quéo hằng ngày. Chợ Chè chỉ cách cây cầu mà chưa bao giờ thấy vợ
chồng lão có mặt. Những ngày hội hè ngoài đình lão vẫn gánh phân. Hình như
những tiếng mõ rao “Chiềng làng! Chiềng chạ!..” lão bỏ ngoài tai. Riêng khoản
“thuế thân” khi tuần đinh tới tróc, lão chỉ trông cậy vào Bá Trại (chủ lúc còn
bé đi ở) lấy tiền nộp rồi xin làm công trừ nợ để được yên thân.
Tre xòa xuống ao,
tre phủ kín mái lều nhưng không ai tơ hào được một cái vè bừa, một cái roi
trâu. Cả xóm chẳng ai thích chơi với
người độc vãi máu. Cũng nhiều người thấy hoàn cảnh “Cây khô không lộc, người
độc không con” mà thông cảm cho vợ chồng có:
“Một mái lều tranh, hai trái tim vàng”.
Những đêm có sao,
có trăng, người làng Mãn ở bờ ao bên này thấy tiếng bì bũng, sóng lăn tăn
truyền ra trong đám ngọn tre nhà lão xòa xưống ao làng là họ lại thì thào:“Vợ
chồng lão Thỉn đang tắm đấy!”. Tối nào cũng thế, hai vợ chồng lão đều tụt xuống
rệ ao kỳ lưng cho nhau.Vợ rũ cái váy đụp cho hết bùn đất, chồng vò cái khố đay
bện cho sạch phân gio. Tắm xong, phơi lên cái duỗi trước của lều cho ráo nước
ngày mai lại mặc. Cánh thợ cầy gợi chuyện:
- Sao vợ chồng bác đêm nào cũng tắm!
- Các bác thấy đấy,
tôi mồ hôi dầu, bà ấy hôi lách. Tắm xong còn phải quạt hàng trăm nhát cho khô,
chứ cứ lên chõng ngay có mà nồng nặc, muỗi rãn cũng không bay được!
- Thảo nào người ta
đồn bác là người, cẩn thận nhất làng!
- Thế mà Trời Phật
đã thấu cho đâu!?
Chuyện lão Thỉn cẩn
thận thì ai cũng biết! Riêng chuyện mỗi lần bỏ một chinh vào hũ thì đến vợ lão
cũng không hay! Làm thuê được mấy chinh tối về lão bớt lại một chinh. Vợ kỳ kèo lão bảo: “Phải dành dụm để sau này nuôi con và phòng
khi trái gió, giở giời”. Lão tìm nhặt được cái hũ sứt miệng ở bờ tre nhà Bá
Trại mang về, úp cái bát đàn mẻ lên trên, đào chôn xuống nền lều, đè thêm hòn
gạch rồi đặt chân chõng lão vẫn nằm lên. Lão nghĩ: “Dùng ngô hay đỗ dễ bị mối mọt, hay mục nát lại khó dấu vợ! Lão bằng
lòng với cách “tích của” cẩn thận của mình.”
Ngày độc lập đầu
tiên dân làng nhà nào cũng đi dự mít tinh, tổ chức ăn mừng. Lão Thỉn bóc được
vài vỏ đay từ mấy hôm trước, mang về cạo vỏ, luộc kỹ cho mềm, xe thành sợi dây
thật săn, thật dài. Từ sáng sớm lão đã giục vợ ra đồng: “Đi quá mái trưa đừng về. Cơm nước ở nhà đã có tôi”. Vợ đi rồi lão
đóng cửa lều, ngó ngang, ngó dọc rồi mới
quay vào moi cái hũ lên. Gần 50 năm vợ chồng ăn ở với nhau tích lại cũng
gần đầy hũ…! Lão Sáng mắt cẩn thận đếm đếm, xâu xâu…Cứ 10 chinh lại thắt một
nút (một xu). Đủ 10 lần thắt một nút, lão thắt 2 nút (một hào). 10 lần thắt 2
nút lão thắt 3 nút là được một đồng. Cả thẩy có 18 lần thắt 3 nút còn dư ra 7
chinh. Chưa được một phần ba quan tiền mà sợi dây đã thấy dài dằng dặc. Lão nhẹ
nhàng cho xâu tiền vào hũ... Tiền đầy đến miệng. Lão cũng không quên xâu nốt
mấy chinh lẻ vào đầu dây. Nhìn hũ tiền Lão mơ … Một ngày kia con lão được học
hành tử tế…Vợ lão được ở trong cái nhà gỗ có cửa bức bàn…được mặc cái váy không
còn vá chằng, vá đụp…Lão thiêm thiếp đi…
Vợ lão về nhà nhìn
qua khe liếp thấy lão đang ngáy khồng khộc trên cái chõng kê xộc xệch, chân co
chân duỗi, hai tay ôm lấy cái hũ sứt miệng, lòi ra sợi dây…Thị liền quay ra lên
tiếng bằng cách đổ ốc ra sóc. Thấy động, lão bật dậy, cất vội cái hũ tiền vào
chỗ cũ, rồi mới mở cửa
- Chết rồi! Nắng
xiên khoai mà tôi còn chưa cơm nước gì!
- Không sao! Mát
giời chợp mắt được một giấc càng khỏe quân. Tôi đã vặt được quả bầu đèo bên
cổng bà Phó Tạn, ông nhặt nắm tép đi rồi nấu canh mà chan.
Hai tháng sau, ngày
nào lão đi thì chớ, hễ về nhà lại soi xem có mất dấu hòn gạch kê chân chõng
không? Vẫn y nguyên! Lão tự nhủ: “Mình có
phúc lấy được cô vợ tuy chậm đường đẻ đái nhưng lại hiền lành lúc nào cũng tin
yêu chồng!”
Chiều ngày áp tết,
Bá Trại trả công cho lão gánh phân bằng thứ tiền giấy! Lão trợn tròn mắt. Chủ
giải thích tai này lão nghe sang tai khác:
- Độc lập rồi. Tiền
“bảo vệ” mới thay cho tiền Bảo Đại cũ. Bây giờ không ai tiêu thứ tiền chinh nữa
đâu!
Lão im lặng đi về.
Tức bực! Nghi ngờ! lão gieo mình. Cái chõng tre kêu
cọt kẹt. Vợ lão nằm ở cái chõng đầu bên này sốt ruột nhưng vẫn nhỏ nhẹ:
- Từ ngày làm bạn
với nhau, tôi chưa thấy ông nhắc nhở gì tới giỗ tết cả. có lẽ vì thế mà Tổ Tiên
phạt vợ chồng mình chăng? Gần ngày giỗ cụ rồi, lại tết nhất chẳng còn mấy nữa
đâu!
- Còn ba chinh bán
rế tháng trước bà sang chợ mua quả trứng về thắp hương!
- Tiền ấy của ông
ma nó lấy!
Lão bật dậy nhìn
chân cái chõng đang nằm. Hòn gạch kê chân mất dấu? Mở cái bát đậy, chỉ còn hũ
không. Lão rít lên từng tiếng qua kẽ răng:
- Bà phá hết cơ
nghiệp của tôi rồi
- Chính ông mới là
người phá! Người ta gánh tiền Cụ Hồ đi đổi từ 1-12-1945! Ông cứ chúi đầu vào
phân gio có biết gì đâu! Sáng nay đã là mồng 5. Hết hạn rồi! Tôi vào nhìn hũ
tiền vẫn còn đầy ắp. Điên tiết, tôi đổ hết đi rồi!
- Bà đổ ở đâu? Bảo
tôi? cho tôi xin lại!
- Lấy lại để làm
gì?
- Tôi …t…ôi…
- Ở cái nồi hông
đầu nhà trùm gio lên đấy!
Lão chạy vội ra chỗ
cái nồi hông vẫn đựng nước đái, thục tay vào lôi dây tiền lên. Nước tiểu với
gio làm dây tiền sáng ánh đồng, hết xỉn. Lão mừng, run run, lí nhí trong cuống
họng, dằn từng tiếng “Người…
đâu…lại…có…cái…thứ…người…!”… Lão xách từng lọ
nước lên thau cho hết gio trấu và bớt mùi khai, lão thấy càng thau tiền càng sáng lên! Ôm dây tiền vào trong nhà
kiểm lại. Lão lẩm nhẩm: “Cộng với 13
chinh mới xiên vào là hai mươi chinh. Tức là hai xu. Vị chi ta có 18 đồng không hào
hai xu.”
Không thiếu một
chinh! Lão thở phào nhẹ nhõm. Dù chưa biết phải làm gì nhưng lão vẫn cất hũ
tiền vào chân chõng rồi đi ra
- Ông ở nhà ăn cơm
rồi còn đi tắm?
- Tôi đến Ký Lãng
để hỏi binh tình đã!
- Rõ “Mất bò mới lo
chuồng”! Vợ lão trách thế nhưng lại thương!
Tháng 8-2946 cán bộ
Nguyễn Công Chỉnh (Quê Trà Bồ, nhà ở trên đất làng Mãn) dẫn mấy người công binh
ở chiến khu về bằng một chiếc thuyền đinh theo dòng Nghĩa Trụ. Thuyền được ém
sát đất nhà thờ họ Nguyễn Đình ven sông. Phủ bèo ngụy trang rồi mà Bếp Nhự bên
Trà Bồ vẫn tăm được. Lính Cao Xá lên. Làng Mãn đã phá cầu, rào làng nên giặc
không giám lội sông sang. Từ chỗ Văn Chỉ bên kia, bắn súng đại liên và mooc -
chê vào thuyền đến khi đầu máy bốc cháy, mạn bẹp rúm, vỡ toác mới thôi.
Kế hoạch chở đồng
lên chiến khu phải chuyển hướng. Mọi người dân đều góp sức, góp công. Người nào
cũng hồ hởi ủng hộ kháng chiến. Giàu như Bá Sủng góp vài cái nồi, thau, mâm (cũ
hỏng). Bá Trại có cái nồi 12 thủng toang đáy vì nấu cám khê. Nghèo như Nhiêu
Thử, Nhiêu Hảo cũng góp cái nồi đồng điếu…đang dùng thổi cơm.
Trăng chưa vượt
ngọn tre mà các vật dụng của dân đã chất đầy lều Nhiêu Hảo ở Đa Quán. Tự vệ
khênh vác chuông, đồ thờ: hạc, đài nến, cây đèn… ở Đình, chùa, nhà thờ đạo ra.
Cả tượng bằng đồng đen tạc “Thành Hoàng làng” ở Đình cũ cũng được huy động cho
bằng hết.
Lão Thỉn tìm khắp nhà
không có cái gì bằng đồng, toàn là niêu đất, bát đàn.Vợ lão gợi ý: “Hay ông
mang góp cái hũ của ông…”
Lão như bừng tỉnh,
ôm hũ tiền chạy một mạch. Đến nơi, mọi người đang chuẩn bị đưa các thứ quyên
góp được lên hàng Đoàn Khi (giáp cánh đồng làng Vươn).
Anh em quân khí
dùng bễ lò rèn thổi chẩy đồng thành thỏi cho việc vận chuyển dễ dàng
Lão vừa thở vừa nói:
- Cho tôi góp với!
Cho tôi đóng góp!
Có người ngăn lão
lại: “Không nhận đồ sành!”
- Tiền đấy! 18 đồng
hai xu chẵn! Nói rồi lão lôi cả một dây tiền từ trong hũ ra... Ánh đồng vàng
lấp lánh dưới trăng, tiếng va đập kêu xủng xoảng làm cho mọi người tưởng lão có
phép tiên.
Anh quân giới cắt
dây dồn những đồng chinh lại, cân lên và xướng: “Năm cân bốn lạng mốt! Đây là người Làng Phú Mãn đóng góp nhiều nhất cho
chiến khu”.
Cả làng vỗ tay!
Lão Thỉn run lên!
Không hiểu tai mình đã nghe được những gì?!
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐƯỜNG VỀ QUÊ HƯƠNG
của Lam Phương, qua tiếng hát Đan Nguyên:
*
NGUYỄN ANH TUẤN
(Bút hiệu Đồ Cóc)
Địa chỉ: 63 K2 thị trấn Trần Cao
huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Email: nguyenanhtuanhydc@gmail.com
.Điện thoại: 0167.832.17.75
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 18.08.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm
của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét