THẾ NÀO LÀ TÌNH YÊU ĐẸP - Tản văn Chử Văn Long (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
THẾ NÀO LÀ
TÌNH YÊU ĐẸP
*
(Nhà thơ Chử Văn Long và
phu nhân: nhà thơ Quỳnh Hoa)
 Là nhà thơ, tôi đã được đọc những câu thơ Diễm Lệ, những trang văn mô tả những mối tình đời mơ mộng đắm say đã mê hoặc biết bao người... vẻ đẹp của những đôi lứa trong những thiên tình sử ấy còn sống mãi với thời gian, sánh ngang cùng với bất tử thánh thần! Nhưng bây giờ nếu có ai hỏi tôi: "Thế nào là tình yêu đẹp sẽ đem đến hạnh phúc cho cuộc sống mỗi người?". Chắc chắn tôi sẽ lúng túng, sẽ phải mượn những câu thơ tôi viết từ thuở đầu đời cầm bút, thuở cuộc sống còn rất trong lành, trai gái yêu nhau khi làm đám cưới, chọn được ngày lành tháng tốt có thể cùng tổ chức chung một phòng cưới, cô dâu chú rể từng đôi ngồi đối diện, qua một dãy bàn kế hai hàng ghế băng chạy song song hai bên, mặt bàn phủ những tấm ni lông màu sắc sặc sỡ, trên bàn đặt mấy lọ hoa nở chung cho ngày vui của các lứa đôi... ít là 2 đôi, nhiều là 10 cặp chồng vợ diễn ra tươi vui, ríu rít như những đôi chim đang dìu nhau vỗ cánh dưới trời xanh. Thuở ấy làm gì có váy áo cùng phấn son trang điểm... mà môi má cô dâu nào cũng ửng đỏ như những trái đào, làm say lây sang cả những người tới mừng đôi lứa trăm năm... may thay, đời cầm bút tôi đã ghi lại được xúc cảm của chính lòng mình thuở đó:
Anh yêu em một tình yêu nhỏ bé
Như bao điều nhỏ bé ở xung quanh
Không mong ước lớn lao, không mơ gì vĩ đại
Ngoài đơn sơ mái ấm nhà tranh...
Chút ước mơ bé nhỏ, bình thường là vậy mà đâu có được, tôi đã bị hút vào dòng thác lý tưởng lớn lao mơ mộng một thời, lên rừng, xuống bể, rồi bom đạn chiến tranh đẳng đẵng gần tròn 10 năm... khi được về lại cái "mái tranh nhỏ bé của mình", nhìn nét mặt, làn da, mái tóc vợ tôi ngày xưa như bông hoa rực rỡ nhất làng, sau 10 năm gồng gánh gia cảnh một mình giờ như một nhành mai yếu đuối, gầy guộc... Tôi cố gắng bao nhiêu vất vả thay nàng, để an ủi, để bù đắp nhưng không chuộc lại được những mộng mơ tuổi trẻ... vợ tôi qua đời, hàng ngày con cháu vẫn ở bên, bạn bầu vẫn lui tới, mà tôi thấy đời bơ vơ quá đỗi; tôi đã viết những câu thơ: "Anh còn sống trên đời làm gì nhỉ/ Không còn em tất cả đã là không". Giữa lúc như người chết đuối bởi buồn đau, tôi nhận được lá thư của người con gái làm thơ miền Trung, nàng nói, tình cờ được đọc một tập thơ tôi, với những bài thơ sao nhiều buồn thương khao khát của cuộc sống con người, như có phần viết cho đời mình! Rồi nàng tâm sự: "Em viết văn, làm thơ nhưng thiếu sách báo tài liệu... Nếu có thể mong được anh giúp đỡ..”. khi biết tin vợ tôi qua đời, Tôi đang đau buồn tàn tạ, nàng gửi thư nhận lỗi vì đã có thư gửi tới tôi lúc này... Như có trời đất xui khiến, qua thư đi từ lại, biết hoàn cảnh hai người cũng đơn chiếc, chúng tôi đã ngỏ lời thương nhau, mong được đỡ tựa vào nhau đoạn đường còn lại. Thời gian vụt qua 3 năm chưa nói được cùng gia đình, họ hàng, bầu bạn... với người khác thì đâu có khó gì. Thu xếp đôi mâm cỗ, nhờ nội ngoại hai bên vài người đại diện gặp gỡ, thắp nén hương tổ tiên... Nghèo thì tút thuốc lá, chục quả cau, lá trầu, gói chè thơm ra mắt người thân với những lời thưa gửi là xong. Nhưng với tôi, từ sâu thẳm lòng mình, mặc dù đã có niềm an ủi của người con gái từ  phương trời xa, lòng vẫn chưa nguôi thương nhớ người xưa. Tôi hình dung nếu cưới cheo gặp gỡ ra mắt, những đứa con tôi dù đã trưởng thành có vợ có chồng, nhưng đã quen cảnh ấm êm đi về cha mẹ... làm sao chúng có thể "vui" khi nhìn thấy bố đứng thưa thốt bên một người phụ nữ khác mẹ mình... chỉ vì điều ấy, mãi tôi mới nghĩ ra tham khảo ý kiến bạn bè. Trong số bạn gần gũi có Nguyễn Thanh Lâm, một nhà thơ trẻ làm nghề tử vi, dùng dịch học lấy lá số nổi tiếng ở Hà Nội. Anh bảo tôi: "đến tuổi anh chị, theo tôi, anh có thể làm được bài thơ nói về đám cưới của chính mình, sẽ nhận được cảm tình của người đọc, làm một tấm thiệp cưới đúng khuôn khổ, bìa màu nâu nhạt, gợi sự giản dị, thủy chung... Trước khi in bài thơ, có mấy lời thưa gửi... rồi in trọn vẹn bài thơ, dưới ký tên (anh - Hà Nội ) (chị - Hà Tĩnh), đem in nguyên khuôn khổ nội dung lên một tờ báo là sang nhất! Bởi chưa có ai làm được vậy bao giờ" được kế sách của bạn giúp cho, tôi vui như mở cờ trong dạ. Chiếc xe Honda 81 lâu nay chỉ đi quanh Hà Nội đã cùng tôi vi vu vượt qua hơn 350 cây số vào Nghi Xuân, Hà Tĩnh để bàn thêm với nàng, bởi dẫu sao với người con gái được tiếng đi lấy chồng sợ làm đơn giản em buồn! Gặp nhau nghe tôi bàn vậy, nàng vui vẻ: "Anh làm sao cho vui, cho hạnh phúc là em vui; là người làm thơ em cũng hiểu lòng anh, ta mới có duyên gặp gỡ!" Rồi nũng nịu: "Lần này ra Hà Nội, anh phải đưa em đi hiệu may nổi tiếng, may cho em bộ đồ cưới thật đẹp, thật sang, để kỷ niệm ngày đi lấy chồng là một nhà thơ.". Tôi giơ cả hai tay: - Đồng ý!
Mấy ngày sau ngồi bên ngọn lửa ấm nồng của những thanh củi cháy nỏ nàng bắc để nấu nồi rượu đã chín men. Bài thơ định viết vẫn không xong, tôi đến bên nàng thủ thỉ: "Đề tài tưởng dễ thế mà khó". Nàng nhìn tôi hồi lâu rồi nói ra ý mình: "anh có nhớ lần trên đường thiên lý Hà Nội vào Vinh, nhìn qua cửa sổ con tàu, hình ảnh những xóm làng, đồng ruộng, núi non trải ra tít tắp như trải thảm, cài hoa, những đoàn xe nối đuôi nhau vào ra bên cạnh con tàu đang lăn bánh xập xình... anh hình dung như là đoàn rước dâu của đám cưới chúng mình..”. gợi ý ấy đã giúp tôi gỡ bí, chỉ buổi chiều hôm ấy tôi đã viết xong bài thơ:
ANH LÀM ĐÁM CƯỚI VỚI EM

Anh làm đám cưới với em
Đẹp sao là buổi hợp duyên chúng mình
Đường dài Hà Nội vào Vinh
Đón dâu đâu chỉ mình anh lên đường 
Đất trời, mây gió tỏa hương 
Cỏ cây, sông núi yêu thương đi cùng,
Con tàu lăn bánh song song 
Dòng xe nườm nượp lượn vòng vào ra
Ruộng đồng trải thảm cài hoa
Núi cao khép cửa, mây xa buông rèm...
Anh làm đám cưới với em
Đắm say mơ mộng thần tiên giữa đời!
*.
Nghi Xuân, ngày 14 tháng 3 năm 2002
Nếu không có ba năm thương nhớ đi về thương nhau thật lòng thật dạ, chắc tôi không thể viết được bài thơ. Hai chúng tôi đọc lại, cười mãi, nhìn vào mắt nhau mà rưng rưng giọt lệ đỏ hoe ...
 Hôm sau tôi lại cùng chú ngựa sắt Honda rong ruổi về Hà Nội, lên ngay tờ báo mình đang công tác nhớ người bạn thân là Toàn đang phụ trách xưởng in. Toàn rất vui đã cho công nhân trình bày nội dung mấy dòng tâm sự và bài thơ, dưới cùng một bên ghi (Chử Văn Long Hà Nội) một bên (Quỳnh Hoa Hà Tĩnh) rồi in tặng chúng tôi 100 tấm thiệp màu nâu thật đẹp, gọi là quà mừng hạnh phúc lứa đôi. Toàn còn dặn khi in lên báo anh để ý giữ nguyên khuôn khổ, màu sắc nom sẽ sang lắm! 
  Tôi nghĩ ngay tới tờ báo Văn Nghệ nơi nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn kiêm Tổng biên tập, bầu bạn từ thuở cầm bút đầu đời, người dễ thông cảm chắc sẽ giúp tôi in tấm thiếp này. Hữu Thỉnh xem xong vui vẻ bảo tôi: "Đã qua tuổi tri Thiên mệnh mà ông ngây thơ quá, ông đã thấy ở đâu in thiệp cưới lên báo? Mừng hạnh phúc của ông nhưng tôi không thể giúp ông, việc cổ kim chưa thấy bao giờ"
  Tôi ra về như người tỉnh mộng, tìm đến "thầy kinh dịch" đã bày ra chuyện làm tấm thiệp cưới: "ông đùa tôi hay sao,tôi hi vọng tờ văn nghệ có Hữu Thỉnh thân nhau sẽ giúp, nhưng Hữu Thỉnh từ chối, giờ ông bảo tôi đem tới đâu in?". "Thầy dịch học" điềm tĩnh bảo tôi về xem trong tập "nhà văn hiện đại" ngày tháng, năm sinh của nhà thơ Bế Kiến Quốc vừa chuyển về làm tổng biên tập Tờ báo "Người Hà Nội" của hội văn nghệ, tôi đang giữ chức biên tập trang thơ, chưa thân gì với Bế Kiến Quốc nên ngại ngần. Không ngờ khi nghe tôi điện thoại ngày tháng, năm sinh của Bế Kiến Quốc "thầy dịch học" reo lên, hai người rất hợp, mai anh lên sớm bàn với Bế Kiến Quốc, việc nhất định xong! Sáng hôm sau tôi lên sớm chờ Kiến Quốc tới, anh đọc xong tấm thiếp cười rất vui và nói: "Tản Đà xưa làm bài thơ (muốn ăn "Rau Sắng chùa Hương đem in báo. Người con gái bên dòng suối Yến cạnh chùa đã gửi tặng nhà thơ một bó  "rau sắng", đã làm nên câu chuyện tình sử trong thơ ca... Em sẽ in tấm thiệp này, tòa soạn sẽ tặng anh 200 tờ báo biếu người thân, bạn bè.”
Trò chuyện thêm một lúc, nhà thơ Bế Kiến Quốc cho gọi trưởng ban trị sự sang, dặn tôi về xem giờ lành để gọi cho báo khởi động in lấy may. Rồi Bế Kiến Quốc bàn thêm với trị sự: “anh chị đều nghèo, ngoài hai trăm số báo tặng, ta chuẩn bị một tiệc cưới ngọt hay mặn để mời các cơ quan thành phố cùng bầu bạn, có chút quà nào để tặng anh chị làm vốn sau này!”. Tôi cảm động không nói được ra lời, không ngờ Bế Kiến Quốc quá ân tình đến vậy. Tôi chỉ muốn được in tấm thiếp để lòng mình nhẹ nhõm, gia cảnh yên vui...
Sắp tới ngày vui, tôi điện nàng ra Hà Nội, đi tìm sắm "áo cưới" ở phố Khâm Thiên, lúc ấy là phố có nhiều cửa hàng quần áo may sẵn. Đi dọc phố nhìn ngắm, đến một cửa hàng thấy trưng nhiều thứ dễ ưa, chúng tôi vào ướm thử và mua cho nàng được bộ đồ kí giả mùa hè màu sữa, giá 100.000 đồng, mặc vào nhìn nàng đẹp sang trọng hẳn lên trong nét dịu dàng từ nụ cười bước đi tươi tắn.
Hôm sau chúng tôi mua hộp bánh, hộp chè, phong kẹo và chai rượu lên cơ quan, gọi là quà của chú rể cô dâu, để xin nhận báo về tặng họ hàng bầu bạn. Đến nơi mới biết anh Bế Kiến Quốc phải đi cấp cứu tối qua ở viện Sanh Pôn. Vợ chồng tôi tới viện, anh đang nằm thở ôxi, thấy chúng tôi, anh ra hiệu đến ngồi bên, rồi lấy bút, giấy viết: "việc tổ chức bữa tiệc tiếp khách, em đã dặn lại tòa soạn, anh chị bố trí thì giờ thông báo lại, sức khỏe em chắc chưa thể ra viện, ngày một, ngày hai để mừng hạnh phúc anh chị được!" Tôi cố cầm nước mắt nói cùng Bế Kiến Quốc, chờ anh khỏi bệnh về làm chủ hôn cho ngày vui chúng tôi thêm nặng tình, nặng nghĩa. Cứ cách ngày chúng tôi lại vào viện thăm anh; sức khỏe Quốc hồi phục nhanh, chỉ hơn một tuần sau anh được ra viện.
 Vợ chồng tôi lên đường về quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh, mang theo báo in thiếp cưới ghé tặng bầu bạn từ Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa... Dọc đường thật vui, đến nỗi đêm ngủ nhờ ở huyện T đất Thanh, số tiền gom nhặt có được rơi mất cả. Tôi quá hốt hoảng nhưng nàng đã nhỏ nhẹ bảo rằng anh đừng buồn, em còn chỉ vàng treo nhẫn, đến hiệu vàng ta bán chi tiêu, khi nào có được ta mua! Bán vàng xong vào đổ thêm xăng trả tờ bạc 50.000 đồng. Cô bán xăng soi ánh điện bảo tiền giả, chúng tôi quay lại hiệu vàng, họ từ chối rằng tiền anh chị đã mang ra khỏi quầy... tôi ấm ức, lại được nghe lời động viên của nàng: Làm đám cưới không một miếng trầu, điếu thuốc cũng phải tốn kém chút gì đó, hạnh phúc mới được bền lâu.
 Thời gian qua vùn vụt đã gần trọn hai mươi năm chồng vợ, hoàn cảnh riêng không cùng chung dưới mội mái nhà, vẫn hai phương trời thương nhớ đi về. Khi nàng ra giỗ mẹ hoặc chia vui với con cháu tôi ở ngoại thành Hà Nội, lúc tôi vào giỗ cha, mừng mẹ của nàng thêm tuổi trời đất ban cho. Kinh tế thật hạn hẹp, gia tài ngoài cái tủ sách xếp đầy,những trang thơ in báo khắp Nam Bắc đó đây để vui cùng nghề mình đã chọn,thêm những đồng nhuận bút chi tiêu, mua quà con cháu những khi vào ra ... Chắc không mấy người tin giữa cuộc sống đầy ắp thông tin, có lẽ không còn ai không dùng điện thoại để nhận tin nhau, nhưng có những nỗi lòng không thể nhờ qua điện thoại, chúng tôi đã lưu lại chồng thư viết cho nhau, có tới hàng nghìn phong bì thư, nhiều nét chữ đã nhạt bởi thời gian nhưng nỗi nhớ thương nhau vẫn canh cánh bên lòng...
 Người Việt Nam ta ngày xưa trai gái yêu nhau, từng có tục "buộc chỉ cổ tay" để gìn giữ tình yêu bền chặt. Bây giờ không còn ở đâu buộc chỉ cổ tay, nên đã có bao đôi lứa yêu nhau, lấy nhau và sớm chia lìa... Tôi nghĩ tới "Đám cưới thơ" của chúng tôi vừa đấy đã hai mươi năm qua vút, nếu buộc chỉ cổ tay, chắc chẳng có loại chỉ nào không mục nát rã rời. Có lẽ sợi chỉ của chúng tôi đã biến thành vàng ròng mới giữ được thời gian bền chặt là vậy...
Tết vừa qua, thu xếp được cửa nhà, lần đầu vợ tôi ra ăn cái tết đầu tiên quê chồng, cũng chỉ được dăm hôm lại khăn gói về Hà Tĩnh...
 Chuyện riêng đời mình tôi kể ra đây mong góp chút gì chăng cho những lứa đôi hôm nay, mai sau, yêu nhau, thương nhau thêm gắn bó thiết tha, vượt qua mọi gian nan vất vả, tìm được hạnh phúc bền lâu mà sống trên đời./.

      
Mời thư giãn với nhạc phẩm NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦU
của Tiến Minh, qua tiếng hát Lam Anh và Bằng Kiều:
             
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.       
Điện thoại: 035.881.82.63
Email: haicv08@gmail.com       






  ...............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 05.10.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét