NHẠC NHẸ VIỆT CHÍNH THỐNG ĐƯƠNG THỜI (1986 - 2018) - Tác giả: Lê Thiên Minh Khoa (Vũng Tàu)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
NHẠC NHẸ VIỆT CHÍNH THỐNG
ĐƯƠNG THỜI (1986 - 2018)
*
(Tác giả Lê Thiên Minh Khoa)
Ca nhạc Việt giai đoạn đương đại (1975 - 2018) tồn song song  tại 2 loại nhạc: ca nhạc quốc nội và ca nhạc  hải ngoại. Ca nhạc quốc nội giai đoạn nầy được phân kỳ rất tách bạch thành 2 thời đoạn với những đặc trưng rất riêng biệt, rõ ràng: Thời đoạn nhạc hậu chiến 1975-1985 và thời đoạn đương thời 1975 - 2018. Riêng ca nhạc Việt trong thời đoạn đương thời lại gồm 2 dòng nhạc cùng hiện hữu: nhạc nhẹ chính thống và nhạc nhẹ thị trường.
Người viết gọi đây  là nhạc nhẹ chính thống là muốn nói đến những ca khúc nhạc nhẹ đương thời có giá trị nghệ thuật- tư tưởng, có cảm thụ thẩm mỹ đúng đắn, lành mạnh, được sáng tác bởi các nhạc sĩ tài năng và để phân biệt với dòng nhạc nhẹ thị trường bị thương mại hóa hiện nay, mặc dù dòng nhạc nhẹ chính thống nầy cũng tham gia sâu rộng vào thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay.
Sau Đổi mới (1986), ca khúc trữ tình lên ngôi với những cái tên được nhắc nhiều trong mảng “nhạc nhẹ”. Ngoài Thanh Tùng, người được coi là khởi đầu cho dòng nhạc nhẹ phía Nam và Trần Tiến, người được xem là mở màn cho nhạc nhẹ ở  phía Bắc có thể nêu thêm nhiều tên tuổi nhạc nhẹ khác: Phú Quang (Em ơi Hà Nội phố, Thương lắm tóc dài ơi, Đâu phải bởi mùa thu…); Dương Thụ (Lắng nghe mùa xuân về, Vẫn hát lời tình yêu, Điều còn mãi…); Bảo Chấn (Tình thôi xót xa, Nỗi nhớ dịu êm, Hoa cỏ mùa xuân, Bên em là biển rộng, Đêm nay anh mơ về em…); Phạm Đăng Khương (Con đường đến trường, Như cơn gió vô tình, Tình yêu trở lại, Chia tay chiều mưa...); Nguyễn Ngọc Thiện (Chia tay tình đầu, Kỷ niệm mùa hè, Cô bé dỗi hờn, Nếu em là người tình, Thôi anh hãy về…), v.v..
Trong mảng tình ca có sự góp mặt của nhiều thế hệ nhạc sĩ: các nhạc sĩ cao niên như Huy Du, Hoàng Hà, Nguyễn Đức Toàn, Thuận Yến, Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Chu Minh, Phan Nhân, Văn Ký, Lư Nhất Vũ, Hồng Đăng, Trương Quang Lục, Trần Quang Huy, Trần Hoàn, Hoàng Hiệp, Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu…, cùng với những tác giả thuộc lớp sau (sinh vào thập niên 40-50) rất đông như: Phạm Minh Tuấn, Diệp Minh Tuyền, Từ Huy, Trần Quang Lộc, Ngọc Đại, Bảo Chấn, Trọng  Đài, Tôn Thất Lập, Quỳnh Hợp, Thanh Tùng, Dương Thụ, Trương Quí Hải, Quốc Dũng, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Hoàng, Bùi Thanh Hóa, Trần Tích, Phó Đức Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Thế Hiển, Việt Hùng, Trương Minh, Nguyễn Phú Yên, Võ Công Diên,  Đặng Hữu Phúc, Hữu Du, Phạm Đăng Khương, Nguyễn Đình Bảng, Trương Ngọc Ninh, Nguyễn Cường, Trần Mai, Hoài Nhơn, Phan Thành Liêm, Phan Thiết, Hồng Vân, Trần Tiến, Bùi Công Thuấn, Lê Văn Lộc, An Thuyên, Hoàng Lương (Hà Nội), Hoàng Lương (Bà Rịa - Vũng Tàu), Vy Nhật Tảo, Trọng Vĩnh, Võ Lê, Phan Long, Văn Thành Nho...
Những năm sau này còn thêm lớp nhạc sĩ trẻ, sinh từ thập niên 1960 về sau như: Phương Uyên, Trần Quế Sơn, Quốc Trung, Ngọc Châu, Võ Thiện Thanh, Việt Anh, Huy Tuấn, Tống Duy Hòa, Huyền Vũ, Anh Quân, Lê Minh Sơn, Tiên Cookie, Duy Long, Vĩnh Trí, Giáng Son, Xuân Phương, Đỗ Bảo, Lưu Hà An, Hồ Hoài Anh, Lưu Hương Giang, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Hồng Sơn, Lê Nhật Linh, Lê Vĩnh Phúc, Trần Minh Phi, Trần Thanh Sơn, Lê Chí Thành, Lê Quốc Thắng, Ngô Tùng Văn, Lê Cát Trọng Lý, Phạm Toàn Thắng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn, Lưu Thiên Hương, Thiên Toàn, Vĩnh Trí, Đức Nghĩa… Điều này chứng tỏ ý thức nhập cuộc của giới sáng tác được nối tiếp không ngừng giữa các thế hệ.
Từ thập niên 90, nhạc nhẹ chiếm lĩnh trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Đề tài- chủ đề cũng chuyển đổi. Hình tượng, nhân vật trung tâm trong ca khúc không còn là người lính, những hồi ức, kỷ niệm, dư âm của chiến tranh vọng lại trong lòng con người, những đổi mới trên quê hương được giải phóng, những công trình trình xây dựng như ca khúc thời đoạn hậu chiến nữa, mà giờ đây chủ đề- đề tài nói về thân phận con người, ngợi ca tuổi trẻ, thiên nhiên, hướng tới những giá trị nhân văn và hầu hết tập trung vào quê  hương, đất nước và tình yêu đôi lứa.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ âm nhạc Trần Quang Hải trong một công trình quá dày công và rất tâm huyết “Lịch sử Tân nhạc Việt Nam - phần 1” thì  nhạc nhẹ Việt Nam lúc nầy phát triển theo hai khuynh hướng: vận dụng ngôn ngữ  âm nhạc cổ điển Âu châu và vận dụng âm nhạc dân gian, dân tộc. Xin dẫn ra tên tuổi một sồ nhạc sĩ và vài ca khúc tiêu biểu của họ thuộc từng khuynh hướng:

1. Khuynh hướng dùng ngôn ngữ  âm nhạc cổ điển Âu châu.
Nhạc sĩ Thanh Tùng qua để tài tình yêu (Mưa ngâu, Giọt nắng bên thềm) và nhiều nhạc sĩ đi theo khuynh hướng này với những tìm tòi và sáng tạo khác nhau như Nguyễn Đình Bảng (Cơn mưa em bất chợt); Từ Huy (Những lời em hát); Phú Quang (Em ơi, Hà Nội phốĐâu phải bởi mùa thu); Nguyễn Ngọc Thiện (Như khúc tình ca); Dương Thụ (Tiếng sóng biểnLắng nghe mùa xuân về, Điều còn mãi); Đặng Hữu Phúc (Ru con mùa đông);  Bảo Chấn (Tình thôi xót xa, Nỗi nhớ dịu êm, Hoa cỏ mùa xuân); Phạm Trọng Cầu (Tiếng hát cho em), v.v…

2. Khuynh hướng vận dụng âm nhạc dân gian, dân tộc.
Các nhạc sĩ đã có nhiều sáng tạo và thể hiện rõ phong cách sáng tác của mình theo xu hướng hiện đại, dân tộc, (dân tộc hóa nhạc nhẹ) bằng việc sử dụng kết hợp với những mô típ, chất liệu từ âm nhạc dân gian của các vùng miền... Các nhạc sĩ  Lư Nhất Vũ (Bài ca đất phương Nam - lời Lê Giang); Nguyễn Cường (Đừng sánh em với mặt trời, Một nét ca trù mùa xuân, Em muốn sống bên anh trọn đời, Đôi mắt Pleiku); Trần Tiến (Tùy hứng ngựa ô, Tiếng trống BaranưngNgẫu hứng sông Hồng, Sao em nỡ vội lấychồng, Quê nhà); Phó Đức Phương (Huyền thoại hồ núi Cốc, Chảy đi sông ơi, Trên đỉnh Phù Vân, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Không thể và có thể); Nguyễn Phú Yên (Gởi Huế thân yêu - thơ Tạ Nghi Lễ); Trương Ngọc  Ninh (Vòng tay Đam San); Trần Hoàn (Lời Bác dặn  trước lúc ra đi - 1989); Thuận Yến (Miền Nam trong tim Bác- 1998); Vũ Đức Sao Biển (Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Điệu buồn phương Nam); Nguyễn Trọng Tạo (Khúc hát sông quê - thơ Lê Huy Mậu)… sáng tác theo chiều hướng này và trở thành những tên tuổi đã chinh phục được công chúng nhiều tầng lớp, lứa tuổi. Ban nhạc nhẹ của nhà hát Tuổi Trẻ do nhạc sĩ  Đỗ Hồng Quân phụ trách đã đưa các nhạc khí dân tộc, cũng như cách phối âm phối khí, trình diễn, sáng tác theo chiều hướng nhạc dân gian.
Các nhạc sĩ chuyên nghiệp Việt Nam thực hiện việc tiếp thu và chuyển hóa nhạc Pop, Pallat, Rock…  quốc tế cho phù hợp với thói quen thẩm mỹ của công chúng Việt Nam. Tiếp nhận và chuyển hóa trước hết trong sáng tác và cả trong biểu diễn bằng cách tăng cường âm hưởng dân gian - dân tộc trong giai điệu, hòa thanh và tiết tấu. Không thể phủ nhận nhạc trẻ, nhạc nhẹ giai đoạn nầy mang lại một làn gió mới cho đời sống âm nhạc và trong số những bài hát nặng tính thị trường vẫn có những tác phẩm được đánh giá cao khiến không chỉ giới trẻ mà người lớn tuổi cũng quan tâm ủng hộ. Nhiều thế hệ nhạc sĩ cùng góp công sức, tâm huyết tạo nên thành tựu đó. Có những nhạc sĩ thuộc lớp sau và lớp trẻ hiện nay đam mê dòng nhạc quê hương. Nhiều bài hát được viết về quê hương với ca từ giản dị, mộc mạc, khi thì mềm mại, sâu lắng như: Giấc mơ màu trắng do nhóm The Bell thể hiện, lúc lại cao trào, mạnh mẽ như: Dòng máu Lạc Hồng, Bản hùng ca chim lạc của Lê Quang. Phổ biến hơn là đề tài quê hương lồng vào chủ đề tình yêu, lúc man mác ngọt dịu như Phố núi của Hoàng Lương; lúc trong trẻo, hồn nhiên như Cánh cò trên sông của Trọng Vĩnh; lúc tha thiết yêu thương như Thành phố ngàn hoa của Nguyễn Hồng Sơn; lúc nhẹ nhàng tình cảm như Chợt nhớ quê xưa (thơ Hồ Đắc Thiếu Anh), Trăng bên sông của Nguyễn Phú Yên; lúc tâm tình trìu mến như Tình biển hoàng hôn hay tình cảm tha thiết như Đà Lạt tím (thơ Lê Thiên Minh Khoa) của Bùi Thanh Hóa; lúc da diết xốn xang như Em gái quê mình của Trần Quế Sơn; lúc tình cảm sâu lắng như Lặng lẽ tôi của Trần Tích; lúc đằm thắm nhớ mong như Chiều trên núi Tao Phùng của Trương Minh; lúc dịu dàng thanh thoát như Mùa xuân em về của Bùi Công Thuấn; lúc yêu thương tự hào như Địa đạo lòng dân của Võ Lê; lúc yêu thương lạc quan như Tình ca quê hương của Bùi Công Thuấn; lúc buồn thương thiết tha như Phố núi chiều mưa hay lắng sâu tiếc nhớ như Lối xưa của Lê Nhật Linh; hoặc vẽ nên một bức tranh thủy mạc sống động về quê hương như bài hát Giấc mơ trưa của Giáng Son và Nguyễn Vĩnh Tiến, Phố cổ  của Nguyễn Duy Hùng, v.v
Nhiều ca khúc nhạc nhẹ viết về tình cảm gia đình được đánh giá cao như: Bà tôi của Nguyễn Vĩnh Tiến; Mẹ tôi của Nguyễn Trọng Tạo; Mẹ của Phan Long; Chị ơi!của Võ Công Diên, Bóng mẹ quê nhà (thơ Phạm Thanh Chương); Ơi mẹ mến yêu của Nguyễn Phú Yên; Cõng mẹ đi chơi của Trần Quế Sơn; Con ơi hãy ngủ của Hoàng Tuấn- Đỗ Bảo. Lối cũ ta về của Thanh Tùng viết trong hoài niệm về người vợ đã mất. Mẹ yêu của Phương Uyên được viết để dành cho bà nội những tình cảm chân thành, nhẹ nhàng và sâu lắng nhất. Hai ca khúc cùng tên Chị tôi của Trần Tiến và Thanh Tùng đã phản ánh phẩm chất thảo hiền, hy sinh cao cả của người phụ nữ. Mừng tuổi mẹ của Trần Long Ẩn đã đi sâu vào lòng người bao thế hệ, từng lời, từng chữ đều thấm đượm tình yêu thương, biết ơn mà ông dành cho mẹ...
Đáng trân trọng là năm 2017, lúc đang lâm bạo bệnh, nhân mùa báo hiếu, Trần Quang Lộc vẫn sáng tác và phát hành CD Khóc Mẹ trên đời gồm 8 ca khúc về mẹ được nhạc sĩ và các danh ca thể hiện: Thư cho Mẹ, Khóc Mẹ trên đời, Tình Mẹ (thơ NP Nhật Nam), Nơi ấy (thơ Thu Nguyệt), Bến đợi đời con, Vầng trăng của Mẹ, Trở về với Mẹ ta thôi (thơ Đồng Đức Bốn), Mẹ và đôi gánh (thơ Chiêu Tuệ).
Một đề tài mới lạ của nhạc nhẹ Việt trong giai đoạn nầy là viết về đời thường của người hùng, tạo nên những ca khúc làm chảy nước mắt. Người nghe xúc động, tôn kính trước giai điệu trìu mến về hình ảnh thường ngày “Mái tóc mẹ bạc phơ và ánh mắt mẹ như mơ/ Là biết mấy chờ mong mỏi mòn từng đứa con  ra đi không bao giờ trở lại/ Chỉ câu hát ru con bên nôi, chỉ câu hát cuộc đời mẹ ru” trong Mẹ Việt Nam anh hùng của An Thuyên, giải nhất của Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hoặc cảm phục, thương quý trước giai điệu nhẹ nhàng, yêu thương về hình ảnh đời thường rất thực: trong trắng, vô tư, hồn nhiên, mơ mộng của người nữ anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu: “Vào tuổi mười lăm, có những chiều mây gió ngẩn ngơ/ cỏ cây lá hoa có những đêm chập chờn giấc ngủ/ như đêm trăng rằm cho nụ hoa lê- ki- ma” trong ca khúc Còn mãi tuổi mười lăm của Trọng Vĩnh, giải nhất ca khúc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2006. Và người nghe không thể cầm được nước mắt khi nghe đến ca từ đầy xúc động nhắc lại đời thường của 10 cô gái đã hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước trong ca khúc Ngã ba chiều (thơ Trần Sỹ Tuấn) của Đỗ Hồng Quân: Thương mái tóc chị dầy/ Khi các chị ngã xuống/ Tuổi xanh chưa biết yêu…”
Bên cạnh đó, còn nhiều ca khúc viết về tình yêu rất thành công  như: Hãy trả lời em của Tuấn Nghĩa, giai điệu nhẹ nhàng, lời ca giản dị mà rất đỗi dễ thương; Nơi tình yêu bắt đầu  của Minh Tiến, ngọt dịu và truyền cảm; Một thời của Nguyễn Hồng Sơn da diết, luyến tiếc; Miên khúc của Lê Nhật Linh buồn thương, day dứt;  Phượng hồng (thơ Đỗ Trung Quân) của Vũ Hoàng hoài niệm, luyến tiếc; Và em của Hoàng Lương, giai điệu thanh thoát, ca từ lãng đãng, phóng khoáng tâm tình; Lỗi tại tôi của Hoàng Thi Tâm, dịu dàng, tình tứ. Ba tình ca chỉ được viết trong một năm (1994) của Nguyễn Phú Yên: Vẫn ngày xưa ấy, vui tươi, linh hoạt; Hỡi người tình nhỏ, nhẹ nhàng, trìu mến; Khúc giao duyên, tươi trẻ, nhanh vui… Rồi Sông và trăng, Mây và núi của Vĩnh Tâm, ca từ và giai điệu của hai ca khúc nầy đều khá hay với nội dung viết về một tình yêu lãng mạn, được hình tượng hóa thành mây và núi, sông và trăng. Ca khúc Tâm tưởng chiều của Bùi Công Thuấn. giai điệu dặt dìu mà tiếc nhớ, với lời có ngôn từ như thơ, có cái tứ của thơ, có diễn biến tâm trạng cái tôi trữ tình trong thơ, tình yêu và nỗi nhớ được ẩn dụ hóa trong hình ảnh thiên nhiên: nắng, trời, mây, sông, cây cỏ và “trong mưa nhạt nhòa”, làm người nghe xúc động khi hoài nhớ lại “dấu tích thương yêu” mà trong đời ai cũng từng trải qua. Còn Phượng hồng (thơ Đỗ Trung Quân)  của Vũ Hoàng ghi điểm trong lòng khán giả bởi giai điệu da diết, nồng nàn, lời ca day dứt, luyến tiếc về mối tình đầu thầm kín của tuổi học trò gắn liền với hình ảnh “phượng hồng” đầy lưu luyến, v.v…
Nhạc sĩ lão thành Hoàng Hà trong thời đoạn nầy ngoài chủ đề truyền thống là sở trường của tác giả Đất nước trọn niềm vui, đã có một “bước chuyển” trong tâm cảm âm nhạc. Lúc nầy, ông viết nhiều ca khúc về tình yêu và phận người, với giai điệu dịu dàng hơn, day dứt hơn, ẩn chứa niềm khắc khoải về “nỗi người”. Chiều nay mùa thu là cảm xúc lãng đãng, khoáng đạt trước vẻ đẹp mùa thu thanh tao, thư thái. Mang theo mùa đông, ca khúc đoạt giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1997, là nỗi nhớ day dứt về một mùa đông đã xa. Đây là hai trong khoảng 10 ca khúc ông phổ thơ của nhà thơ Hoàng Quý, người thâm giao, tri âm cùng ông từ năm 1985, khi ông vào Vũng Tàu cho đến lúc mất (04.9.2013). Cũng hoài niệm mùa đông, nhưng Du ca mùa đông của Hoàng Quý được Nguyễn Chính phổ nhạc với giai điệu dìu dặt, lắng sâu hòa quyện với ca từ cùng biểu hiện nỗi sầu mênh mang, nỗi nhớ tiêu dao một mùa đông xòe tay ướt khói sương trời: “Ai hát khúc du ca mùa đông/ Cô xót cả vòm trời cám dỗ…/ Thương tóc tiếc một đời rũ gội/ Buồn thơm thảo sấu chua ơi!
Điều đáng mừng nhưng không có gì phải ngạc nhiên là trong ca khúc đương đại có những nhạc phẩm của các nhà thơ. Đáng mừng vì đó là những nhạc phẩm thành công, nhiều ca khúc của họ được công chúng yêu thích. Không ngạc nhiên vì theo lý luận văn nghệ cổ điển thì “thi trung hữu nhạc”, còn lý luận văn nghệ hiện đại thì hai loại hình nầy đều thuộc loại thể trữ tình (biểu hiện bức tranh tâm trạng của nhân vật trữ tình một cách trực tiếp). Thơ và nhạc gần gũi, thân thiết nhau, nhất là đối  với các nghệ sĩ đa tài. Văn Cao vừa nhạc sĩ, vừa thi sĩ. Trịnh Công Sơn âm nhạc đầy chất thơ. Nguyễn Đình Thi là nhà thơ, nhà văn lớn, nhà soạn kịch, nhà phê bình văn học, bên cạnh những ca khúc nổi tiếng như: Diệt phát- xít, Trường ca Người Hà Nội. Trong những nhà thơ viết nhạc, phải kể đến hai nghệ sĩ thành công với  nhiều ca khúc nổi tiếng: Nguyễn Trọng Tạo và Đynh Trầm Ca Nguyễn Trọng Tạo quả là một nghệ sĩ đa tài Thi Nhạc Họa, đoạt được những giải thưởng xứng đáng; có nhiều ca khúc nở hoa thơm, kết trái ngọt trong vườn âm nhạc Việt đương đại. Cho tới nay, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết gần 100 ca khúc, trong đó có nhiều bài nổi tiếng: Làng Quan Họ quê tôi (thơ Nguyễn Phan Hách)Khúc hát sông quê (thơ Lê Huy Mậu), Đôi mắt đò ngang, Non nước Cao Bằng, Mẹ tôi, Đồng Lộc thông ru, Tình ca hạt giống vàng, Trống hội cổng làng, Tình Thu, Tình Đông, Tình Xuân, Tình Hạ (Tứ bình), Mưa, Tình ca hoa cúc biển, Con dế buồn, Tình ca hạt giống vàng… Đặc biệt, hai bài Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê đã khiến công chúng đôi khi nhớ đến Nguyễn Trọng Tạo với vai trò một nhạc sĩ nhiều hơn, vì hai bài hát nầy của anh đã quá nổi tiếng, dù anh là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ Việt đương đại. Làng quan họ quê tôi từng được hãng JVC Nhật Bản chọn vào đĩa karaoke 100 bài hát Việt Nam và dàn nhạc giao hưởng Leipzig trình tấu trong Tuần Văn hóa Việt Nam tại Đức. Khúc hát sông quê (thơ Lê Huy Mậu) của anh được công chúng trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích, thuộc nằm lòng. Gần đây, 2017 và 2018, hai “Đêm nhạc Nguyễn Trọng Tạo diễn ra tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và Thành Phố Vinh thành công ngoài mong muốn, được đông đảo công chúng hâm mộ.
Còn nhà thơ Đynh Trầm Ca, ngoài những bài thơ được phổ nhạc, như: Tình yêu mắt nai,  Mắt Huế xưa (nhạc Quốc Dũng), Nỗi buồn chim sáo (nhạc Huỳnh Ngọc Đông), Xa rồi hạnh phúc gian nan (nhạc Tiến Luân)…, ông viết hơn 100 ca khúc đã ra mắt ừ trước 1975, sau Thống nhất vẫn viết nhạc đều đặn. Người yêu âm nhạc dành tình cảm sâu đậm với những ca khúc như Ru con tình cũ, Sông quê, Bay đi những cơn mưa phùn (thơ Hoàng Lộc), Phượng ca, Mưa La Qua mưa Vĩnh Điện… từng được các ca sĩ nổi danh như Khánh Ly, Lệ Thu, Hồng Nhung, Phương Hồng Quế, Phi Nhung… trình bày trên các sân khấu trong và ngoài nước hoặc trên các đĩa CD mấy chục năm qua.
Có thể nói cả hai khúc “sông quê” của hai nhà thơ- nhạc sĩ nầy là nhạc phẩm thành công nhất của họ và có nhiều điểm giống nhau: cùng là giai điệu trữ tình thấm đẫm chất dân ca: ở Khúc hát sông quê là dân ca Nghệ Tĩnh, ở Sông quê là dân ca Nam bộ, và đều có sức hút mạnh mẽ trong lòng công chúng nhiều thế hệ, đã vang lên khắp thôn cùng, xóm nhỏ.
Trong dòng nhạc nhẹ thời đoạn nầy, nhiều nhạc sĩ định hình được phong cách riêng. Chẳng hạn, trầm lắng, sâu sắc là Phó Đức Phương, Hoàng Tạo; sôi nổi và nhạy bén là Nguyễn Cường, Trần Tiến; sang trọng và tình cảm là Phú Quang, Dương Thụ; nhịp nhàng, uyển chuyển là Trương Ngọc Ninh, An Thuyên, đằm thắm và ngọt dịu là Hoàng Lương (Bà Rịa - Vũng Tàu)), Trọng Vĩnh, v.v…
Các ca sĩ  nổi tiếng  càng ngày càng nhiều như Ánh Tuyết, Thanh Lam, Hồng Nhung, Hồng Hạnh, Cẩm Vân, Cẩm Ly, Phương Thanh, Vân Khánh, Thanh Thúy, Lam Trường, Đan Trường, Quang Linh, Bảo Yến, Khắc Dũng, Thanh Long, Mỹ Linh, Tam Ca Áo Trắng, Duy Minh, Thanh Phong, Cao Thi, Minh Chuyên, Ngọc Quỳnh, Trang Nhung, Hồ Lệ Thu, Nguyên Vũ, Hiền Thục, Tạ Minh Tâm, Quang Thọ, Lê Dung (đã mất), Trần Thu Hà, Bằng Kiều… Hai ca sĩ sau đã sang định cư ở Mỹ.

CA KHÚC VỀ BIỀN ĐẢO TỔ QUỐC TỪ THẬP  NIÊN 90.
Nếu trong thời đoạn hậu chiến (1975-1985), ca khúc chính trị (thực chất là nhạc trẻ, nhạc nhẹ), nhất là về đề tài thanh niên xung phong  và chống xâm lược, bảo vệ biên giới Tổ quốc được giới trẻ và công chúng yêu thích, thì trong thời đoạn nầy, biển đảo Tổ quốc là đề tài được nhiều nhạc sĩ khai thác và sáng tác nên những giai điệu trầm hùng, thỏa mãn được nhu cầu tình cảm bức thiết (yêu nước) của công chúng và làm mê say, xúc động lòng người.
Theo nhạc sĩ  Cát Vận, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong bài viết: Đề tài biển đảo trong âm nhạc cách mạng Việt Nam”: “Đề tài về biển đảo từ rất lâu đã xuất hiện trong âm nhạc, vốn là đề tài rất dễ cảm xúc, tạo “thi hứng” và “nhạc hứng” cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ nên đã có nhiều tác phẩm thành công trong tuyến đề tài này”. Ông phân giải rất rạch ròi tiến trình phát triển đề tài biển đảo trong âm nhạc Việt Nam. Theo đó, Côn Đảo của nhạc sĩ  Đỗ Nhuận viết năm 1943, 20 năm sau, nhạc sĩ lại có bài Lớn lên trên biển cả cùng với quyết tâm giữ gìn biển đảo quê mình. Rồi Hải quân Việt Nam của nhạc sĩ Văn Cao viết  năm 1945-1946 trước khi Quân chủng Hải quân ra đời. Năm 1958, nhạc sĩ Thế Dương viết Lướt sóng ra khơi, đã  trở thành bài hát chính thức của quân chủng Hải quân Việt Nam. Và Tiếng hát trên tiền tiêu Tổ quốc của Thái Quý, một khúc nhạc đầy yêu thương, thơ mộng đối với biển đảo quê nhà.
Bước vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, đề tài về biển đảo đã được định hình qua nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ: Huy Du với Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi (1965); Lương Ngọc Trác với Bài ca gửi đất liền (lời Phan Ngạn). Và Đỗ Nhuận với Tình ca biển cả là người đầu tiên đưa được khẩu hiệu của Hải quân nhân dân“Tàu là nhà, biển cả là quê hương” vào ca từ, v.v…
Sau đó, trong những năm tháng cả nước chống Mỹ, nhiều bài hát về đề tài biển đảo liên tục được các nhạc sĩ quan tâm sáng tác. Những bài hát về đề tài này đã được phổ biến rộng rãi như: Thái Văn A đứng đó của Văn An; Gửi anh chiến sĩ thông tin trên đảo của Hồ Bắc; Khúc hát đảo quê hương, Những thành phố bên bờ biển cả(thơ Huy Cận) của Phạm Đình Sáu, v.v...
Những ca khúc trên, theo nhạc sĩ  Cát Vận (tài liệu đã dẫn),  đã trở thành “cột mốc”, “điểm tựa” cho những bài hát mới về đề tài này ra đời sau đó, như: Thư ra đảo của Văn Dung; Chiều Cát Bà của Văn Lương;  Tình yêu Cát Bà của Cát Vận; Nếu em đến đảo của  Trọng Loan;  Biển gọi của Nguyễn Kim;  Sao biển của Phạm Minh Tuấn; Trên biển quê hương của Đức Minh; Tình em biển cả của Nguyễn  Đức Toàn; Bến cảng quê hương tôi của Hồ Bắc, v.v...
Trong những năm cuối thập niên 70 và đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, đề tài biển đảo đã được khai thác khá  đậm, ca khúc nhạc nhẹ viết về biển đảo đã xuất hiện ngày một nhiều, trong đó có những bài tình ca viết về biển, những bài hát trẻ trung viết về ngành dầu khí, viết về các  đảo, vịnh, cảng… của các tỉnh, thành phố ven biển: Phú Quốc, Hạ Long, Cát Bà, Côn Đảo, Lý Sơn… Nhiều ca khúc được công chúng yêu thích, như Biển hát chiều nay (1980) của Hồng Đăng; Chút thơ tình người lính biển (thơ Trần Đăng Khoa - 1981) của Hoàng Hiệp; Đất nước bên bờ sóng (1980) của Thái Văn Hóa; Gần lắm Trường Sa ơi! (1982) của Huỳnh Phước Long, v.v…
Một tác phẩm nổi bật trong thời đoạn này là Nơi đảo xa (1979) của nhạc sĩ Thế  Song. Phút xuất thần trong những giây phút đi thực tế với các chiến sĩ Hải Quân đã tạo cho ông có một tác phẩm để đời, vang mãi trong trái tim những người yêu biển đảo quê nhà. Ông còn viết một loạt ca khúc khác về đề tài sở trường là biển đảo và những người lính đảo, như: Ngôi nhà lính đảo, Biển mưa, Biển chuyện tình hóa đá, Hoa hồng biển đảo, Mênh mang Trường Sa, Tình em theo cánh sóng, Hát từ vùng gió xoáy, Hòn mưa, Sóng ru, Vũng Tàu tình yêu biển, Cát Bà tình em, Biển hẹn Cà Mau, v.v…
Đặc biệt, Nguyễn Trọng Tạo từ giữa thập niên 80, đã viết một loạt ca khúc về biển đảo ấm nóng lòng người: Lời biển quê hương, Tình ca hoa cúc biển, Nghe ru biển đêm, Cảm xúc bển quê…, trong đó có một ca khúc về Trường Sa: Trường Sa làng ta. Riêng về đề tài Trường Sa, Hoàng Sa phải đến những năm 90 của thế kỷ trước mới xuất hiện phổ biến qua nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc, cuộc thi sáng tác ca khúc về biển đảo, những chuyến đi thực tế biển đảo do Bộ tư lệnh Hải quân, Ban Tuyên giáo Trung ương,  Đài Tiếng nói Việt Nam, VTV, báo điện tử Việt Nam … tổ chức. Lần đầu tiên trên làn sóng quốc gia, thính giả mới được nghe hai tiếng Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu qua các giai điệu đủ sắc màu từ trữ tình, lãng mạn đến khỏe khoắn, mạnh mẽ. Đó là các bài Gần lắm Trường Sa của Huỳnh Phước Long; Quần đảo đồng đội của Hoàng Tạo; Làng lính trên đảo của Doãn Nho; Trường Sa chiều biển nhớ của Vũ Trọng Tường; Màu xanh Trường Sa của Lương Minh; Đợi mưa trên đảo (thơ Trần Đăng Khoa) của Nguyễn Thịnh, v.v…
Vào thập niên đầu của thế kỷ XXI, kỷ nguyên của biển và đại dương, âm mưu và tham vọng của nước lớn lộ rõ khi liên tục lấn chiếm biển đảo với thủ đoạn tinh vị, đề tài về biển đảo lại “nóng” với nhiều ca khúc xuất sắc  được phổ biến rộng rãi trong công chúng: Trụ biển của Đỗ Hoà An; Giữa biển Đông nghe khúc Tiến quân ca của Vũ Trung; Lá phong ba, lời độc thoại của Ngọc Anh; Chiến sĩ nhà giàn của Hồng Vân; Hải đội Hoàng Sa của Trần Bắc Hải; Lính đảo về phố của Ngọc Hoà; Lời ru Trường Sa của Vũ Việt Hùng; Phút lặng im trên biển của Nguyễn Hồng Sơn; Nơi ấy Trường Sa của Xuân Nghĩa; Tổ quốc nhìn từ biển của Quỳnh Hợp - Nguyễn Việt Chiến; Thức anh cùng sóng biển của Hoàng Hà; Ngôi nhà trên biển, Một dãi sơn hà của Phan Thiết; Điệu nắng, điệu gió Trường Sa của Đức Nghĩa; Ru đảo của Lê Tịnh; Ánh trăng nhà giàn của Hoàng Lương; Lời gọi biển Đông của Bùi Công Thuấn; Trường Sa thân yêu của Nguyễn Tôn Nghiêm… Điểm sáng trong thập niên nầy hai bài hát của nhạc sĩ Vũ Thiết: Khúc tráng ca Biển và Lời sóng hát đều phổ thơ của Trịnh Công Lộc.
Tiếp tục dòng chảy ấy, rất đáng mừng là trong các năm đầu thập niên thứ hai nầy, nhiều nhạc sĩ đã đã viết những sáng tác nóng hổi thời sự mà có giá trị nghệ thuật về Trường Sa: Võ Công Diên với Trường Sa gọi (2015); Vũ Duy Cương với Phía ấy Trường Sa; Nguyễn Phú Yên với Hoàng Sa- Trường Sa - Việt Nam; Lê Minh Sơn với Này là Biển của ta; Nguyễn Văn Hiên với Thương lắm Trường Sa; Nguyễn Cường với Trống quân lính đảo, Sóng xô Trường Sa; Cát Vận với Mơ thanh bình sóng biển Việt NamNghe tiếng A di đà ở Trường Sa; Quỳnh Hợp với Làng đảo (thơ Nguyễn Hữu Quý); Trần Ngọc Lâm với Hành trình xanh Trường Sa; Nguyễn Việt Hùng với  Mênh mang biển đảo quê hương; Thiên Toàn với Hát về Hoàng Sa - Trường Sa; Dương Toàn Thiên với Gửi Trường Sa..
Nổi bật nhất trong thời đoạn nầy là Tổ quốc gọi tên mình (thơ Nguyễn Phan Quế Mai) của Đinh Trung Cẩn đoạt 4 giải thưởng văn nghệ, trong đó có giải A  của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2011.
Đáng quý là hòa cùng tiếng hát vệ quốc trong nước, nhiều nhạc sĩ hải ngoại đã viết những ca khúc chống xâm lấn biển Đông, như: Anh Bằng và Lê Dinh với Phải lên tiếng, Cả nước đấu tranh (2012); Nguyễn Văn Đông với Trường Sa lương tri thế giới (2014), v.v…
Ở một hướng khác, nhiều nhạc sĩ khai thác đề tài tình yêu trong không gian nghệ thuật biển cả và tạo ra những ca khúc rất được mến chuộng từ nhiều giới, như: Thanh Tùng với Chuyện tình của biển; Đăng Quang với Biển và Bờ; Phú Quang với Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh); Lê Hựu Hà với Nắng vàng, biển xanh và anh; Bùi Thanh Hóa với Tình biển hoàng hôn (thơ Bình Diệp); Võ Lê với Biển chiều nhớ em (thơ Phạm Minh Châu), Tình biển (thơ Trần Minh Ngọc), Biển cho em; Võ Thanh Sơn với Sóng ru;  Huy Tuấn với Giữ lại mùa hè; Khánh Vân với Biển thức (thơ Vũ Thanh Hoa), Biển quê hươngHoàng Hà với Dong khơi (thơ Hoàng Quý), Tiếng rừng dương; Hoàng Lương với Nhớ biển, Tình em với biển; Hoàng Hiệp với Thương nhớ ngoài khơi (thơ Đỗ Đức Yên); Hữu Du với Biển tháng năm; Trương Ngọc Ninh với Biển khát; Mạnh Hùng với Biển vổ sóng về đâu; Phan Thiết với Hoàng hôn trên phố biển, Điểm hẹn tình yêu; Phan Trọng với Tình ca phố biển (thơ Trần Tư Ngoan); Trương Minh với Về biển (thơ Hữu Thỉnh); Việt Hùng với Sóng ru biển hát; Kim Tuấn với Biển cạnLê Vinh với Biển đêmDuy Thái với Tìm tên anh trên bờ cátTuấn Phương với Biển chiềuHồng Nhung với Biển ngày mưaDương Thụ với Ru em bằng tiếng  sóngHoàng Lương với Xuân phố biển, Hàng Dương ngày trở lại, Điệu hò trên biển đêmQuỳnh Hợp với Về thăm biển quê em; Vĩnh Trí với Vầng sáng trên biển khơi, Biển (thơ Xuân Diệu); Trọng Vĩnh với Giàn khoan và hoa lửa; Trần Quang Lộc với Biển chờ ru tôi;  Phan Thành Liêm với Thành phố biển quê em; Phan Long với Có một chiều vàng và một chiều mưa (thơ Hoàng Quý); Hồng Vân với Ra khơiDuy Long với Tình ca miền biển xanhBiển hát cho em; Trần Tích với Biển và Em, Vũ Thanh và Trần Quang Huy trong hai ca khúc cùng tên: Vũng Tàu biển hát, v.v
Thành công hơn cả trong không gian nghệ thuật nầy có lẽ là Tiếng rừng dương của Hoàng Hà, giải nhất ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2002, với giai điệu mênh mông, hoài niệm và ca từ  “trong veo” mà hàm súc, tác giả viết về biển đảo nhưng lại thổ lộ “niềm khắc khoải về nỗi đời, phận người”.
Hai năm trở lại đây, chủ đề biển đảo và người lính bảo vệ Tổ quốc lại được các nhạc sĩ dự Trại sáng tác Vũng Tàu quan tâm và thể hiện thành công: Biển hát (thơ Triệu Nguyên Phong) của Minh Tiến; Hiên ngang Hoàng Sa - Trường Sa của Nguyễn Văn Đại, Bản hùng ca người lính của Lương Hoàng Minh; Hoa lồng đèn Côn Đảo của Hoàng Mạnh Toàn, v.v..
Gần đây nhất, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn đã sáng tác  một chùm 10 ca khúc về các chiến sĩ nhà giàn DK1: Tâm tình người chiến sĩ canh giữ biển dầu, Màu xanh nhà giànKhoảng sân, Không nơi nào đẹp thế đâu em, Thư đêm dàn khoan, Hát qua bộ đàm…, trong đó nhiều ca khúc được phát trong chương trình giao lưu văn nghệ "Nhịp cầu tri âm" phát sóng ngày 14/5/2018 gây xúc động cho khán giả.
Trước đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cũng viết nhật ký bằng ca khúc về hành trình ra Trường Sa và tập hợp 21 ca khúc sáng tác trong chuyến đi  thành cuốn sách Thương lắm Trường Sa với ca từ của anh hoặc thơ của các tác giả: Nguyễn Thị Quyết Tâm, Thanh Chín, Mạnh Hà được công chúng vừa mê thích, vừa mến phục… Còn nhạc sĩ Thế Hiển, con của nhạc sĩ Thế Song, tác giả Nơi đảo xa, ca khúc về biển nổi tiếng trong thời đại chúng ta với ca từ rạo rực tình yêu Tổ quốc và biển đảo quê hương, đã có 6 bài hát về Trường Sa gồm: Nỗi nhớ đảo xa (thơ Lê Xuân Bắc), Vỏ ốc biển, Khúc hát tự hào HQ- 561, Tiếng hát trên đảo Sơn Ca (phổ thơ Phan Hoàng), Biên cương biển đảo biên phòng và Lính đảo Trường Sa.
Cho đến nay có thể nói, đề tài Trường Sa, Hoàng Sa đã trở thành một tuyến đề tài định hình, có sức hấp dẫn cao đối với các nhạc sĩ cùng công chúng yêu nhạc và yêu nước. Đề tài này đã sáng lên như một cột mốc chủ quyền, như một ngọn hải đăng trước sóng gió biển khơi, nó gợi mở cho các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam và những người yêu âm nhạc, yêu biển đảo đi tiếp, viết tiếp, sáng tạo tiếp về một tuyến đề tài luôn tạo ra những nguồn cảm hứng vô tận. Với đà nầy, chắc sẽ có những tác phẩm lớn, bề thế, hoành tráng tương xứng với vị trí của Biển đảo Việt Nam trong kỷ nguyên mới, góp một tiếng nói vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của chúng ta.
Dù lảnh đủ nhiều hạn chế do hệ lụy của một nền âm nhạc thị trướng bị thương mại hóa, nhưng công bằng mà nói, âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập với âm nhạc các nước trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, cuối năm 2014, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp Hội các nhà soạn nhạc châu Á - Thái Bình Dương- ACL.
-----------
(Trích trong “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC  VIỆT NAM” - 
nghiên cứu, phê bình - Lê Thiên Minh Khoa, xuất bản năm 2018).

      
Mời thư giãn với nhạc phẩm KHÚC HÁT SÔNG QUÊ của
Nguyễn Trọng Tạo, thơ Lê Huy Mậu, qua tiếng hát Anh Thơ:
          
*.
LÊ THIÊN MINH KHOA
Địa chỉ: 117, Cách Mạng Tháng 8, phường Long Hương,
thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu.
Email: lethienminhkhoabr@gmail.com
Điện thoại: 0908.274.494




…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 08.10.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.   

0 comments:

Đăng nhận xét