ĐỌC: “QUÊ TRONG PHỐ” CỦA NGUYỄN XUÂN MÔN - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

1 comment
(Nguồn ảnh: internet)
ĐỌC:QUÊ TRONG PHỐ
CỦA NGUYỄN XUÂN MÔN
*
(Tác giả Đặng Xuân Xuyến)
Lang thang dạo facebook, tôi “gặp” “Quê Trong Phố” của nhà thơ Nguyễn Xuân Môn. Bài thơ chỉ sau vài ngày “xuất xưởng” đã nhận được lời tán thưởng và chia sẻ của nhiều bạn đọc trên facebook: 892 lượt thích, 166 bình luận (hầu hết là lời ngợi khen) và 8 lượt chia sẻ. Những con số thật ấn tượng.
Phần vì tò mò, phần vì cũng đã từng đọc và thích thơ của ông nên tôi chầm chậm đọc để hiểu “Quê Trong Phố” của Nguyễn Xuân Môn.
QUÊ TRONG PHỐ

Văng sang từ phía nhà bên 
Tiếng gà gáy vỡ toác đêm thu tàn
Sớm mai tia sáng nằm ngang
Khói bay nghiêng sợi khẽ khàng luồn sương

Ánh đèn đêm phố còn vương
Còi xe đã xé rách đường tả tơi
Lắng tai nhặt tiếng chim rơi
Tiếng kêu của là úa rời cành đau

Nhớ quê sân thượng trồng cau
Trầu… không: Vẫn thả dây trầu “neo” quê
Thích "hương"… bùn - mặc người chê
Cá kho niêu, vại cà thề hợp ngon

Quê từ cha “nhiễm” sang con
Trát ngoài “phấn” phố vẫn còn quê trong
Người quê ở phố, quê… bong?
Tôi "quê" trong phố bởi lòng có quê!
*.
Tháng 10 năm 2018
NGUYỄN XUÂN MÔN
Ngay từ những câu thơ đầu, nhà thơ đã sử dụng từ ngữ, hình ảnh “độc đáo” và táo bạo, không nền nã như "tạng" của thể thơ lục bát:
Văng sang từ phía nhà bên 
Tiếng gà gáy vỡ toác đêm thu tàn
"văng" tiếng gà gáy làm "vỡ toác đêm thu tàn".
Là "văng" chứ không phải là "vẳng", là thô ráp, trần trụi của “vỡ toác đêm” chứ không phải là trong trẻo của một sớm mai yên bình, tinh khiết. Một sự “thưởng ngoạn” tiếng “gà gáy sáng” rất khác lạ.
Và hình ảnh "sớm mai" cũng trái ngược với lẽ thường, vì người ta hay nói "tia nắng xiên xiên", còn nhà thơ Nguyễn Xuân Môn thì viết: “Sớm mai tia sáng nằm ngang”. Một “sớm mai” thật khác lạ! Bởi, thường thì “tiếng gà gáy” sáng chỉ có ở thôn quê nên “tia sáng nằm ngang” - tia sáng được khúc xạ bởi một góc nghiêng chừng 30 độ so với phương nằm ngang - nghe chừng không hợp lý. Thế nhưng tiêu đề bài thơ là "Quê Trong Phố" thì đích thị "tiếng gà gáy" ở trong thành phố. Có lẽ là ở vùng giáp ngoại ô? Sở dĩ tôi nêu những thắc mắc như vậy là vì mấy chục năm sống ở thành phố Hà Nội, tôi không hề nghe được "tiếng gà gáy sáng". Mà đã là "tiếng gà gáy" sáng ở thành phố thì "tia sáng nằm ngang" có thể chấp nhận vì tính hợp lý: ánh sáng được khúc xạ bởi những ngôi nhà cao tầng.
Hình ảnh "Khói bay nghiêng sợi khẽ khàng luồn sương" của một "sớm mai" yên bình và mộng mơ đã bị phá vỡ bởi những vội vã, cấp tập của cuộc sống nơi đô hội, thị thành:
Ánh đèn đêm phố còn vương
Còi xe đã xé rách đường tả tơi
Lắng tai nhặt tiếng chim rơi
Tiếng kêu của lá úa rời cành đau
Phải thừa nhận ở khổ thơ này (và cả ở khổ thơ đầu), nhà thơ Nguyễn Xuân Môn đã bỏ ra khá nhiều công sức cho việc tìm tòi, sáng tạo ngôn từ để có được những câu thơ gợi cảm, hình ảnh độc đáo, thể hiện sự nghiêm túc trong lao động và sáng tạo, nhưng có là quá lời chăng khi người đọc lại cảm thấy dù nhà thơ đã cố gắng thể hiện nỗi lòng bằng những câu thơ kỳ công trau chuốt thì những câu thơ đó cũng chỉ như những vật trang sức bóng bảy, phù phiếm vì chúng lạc lõng, chẳng hề ăn nhập với cấu tứ của bài thơ:
Lắng tai nhặt tiếng chim rơi
Tiếng kêu của lá úa rời cành đau
Nếu đấy là nói về sự đô thị hóa đã tàn phá làng quê, “hồn” quê, “chất” quê thì tâm trạng ấy, đau xót ấy hợp lẽ, hợp cảnh nhưng đây là những hoạt động thường nhật ở nơi phố xá, thị thành thì sự náo nhiệt, hối hả, thậm chí là xô bồ, đôi khi đến nghiệt ngã hơn thế cũng là phải, cũng là điều dễ hiểu. Đâu cần nhà thơ phải nức nở, đớn đau như thế?! Vô tình, ở những câu thơ này, nhà thơ Nguyễn Xuân Môn đã đẩy tâm trạng xót xa của “nhân vật trữ tình” quá lên, chẳng hề ăn nhập gì với cấu tứ bài thơ, khiến người đọc thơ cho là sáo rỗng, phù phiếm, thậm chí còn thốt lên: Thật chẳng đâu vào đâu.
Hai khổ thơ cuối được viết với kết cấu lỏng lẻo, ý tứ nhạt nhẽo, nhất khi ông cố dụng tâm “chơi chữ” ở khổ thơ kết, nhằm làm nổi bật tình yêu quê hương sâu đậm trong tim:
Quê từ cha “nhiễm” sang con
Trát ngoài “phấn” phố vẫn còn quê trong
Người quê ở phố, quê… bong?
Tôi "quê" trong phố bởi lòng có quê!
nhưng cách sử dụng từ ngữ cẩu thả, thiếu cân nhắc, việc chọn lựa hình ảnh cũng hời hợt, tùy tiện,... đã khiến dụng tâm của ông thất bại. Đơn cử, tình quê hương là thiêng liêng, là sâu lắng trong trái tim mọi người, nhưng đọc câu: “Quê từ cha “nhiễm” sang con”, người đọc cảm thấy ớn lạnh khi nghĩ đến nghĩa của những cặp từ: lây nhiễm, truyền nhiễm, ô nhiễm... Khiến người đọc nghi ngại đặt dấu hỏi: Yêu quê sao lại rẻ rúng tình quê như thế? Nếu ông cẩn thận một chút, chả cần cầu kỳ đến mức trau chuốt như khi ông chọn lựa ngôn từ, hình ảnh cho mấy khổ thơ đầu, chỉ đơn giản là ví dụ ông dùng từ “thấm” hoặc từ ngấm” thay cho từ “nhiễm”: “Quê từ cha “thấm” (ngấm) sang con”, là được.
Thơ của ông tôi đã đọc và cũng thích một số bài nhưng những câu thơ nhạt nhẽo, thô kệch như: “Quê từ cha “nhiễm” sang con/ Trát ngoài “phấn” phố vẫn còn quê trong”, hay: “Thích “hương”... bùn mặc người chê/ Cá kho niêu, vại cà thề hợp ngon”... đã ít nhiều giảm sự yêu thích thơ ông trong tôi và khiến “Quê Trong Phố của ông, của nhà thơ Nguyễn Xuân Môn thành...  kém duyên.

  
Mời thư giãn với nhạc phẩm XIN LÀM NGƯỜI HÁT RONG
của Trần Long Ẩn, qua tiếng hát Phương Thanh:
            
*
Hà Nội, chiều 21 tháng 10 năm 2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
         .

1 nhận xét:

  1. Bài bình công tâm, thẳng thắn và rất đúng. Nhưng giá như đoạn kết:
    “Thơ của ông tôi đã đọc và cũng thích một số bài nhưng những câu thơ nhạt nhẽo, thô kệch như: “Quê từ cha “nhiễm” sang con/ Trát ngoài “phấn” phố vẫn còn quê trong”, hay: “Thích “hương”... bùn mặc người chê/ Cá kho niêu, vại cà thề hợp ngon”... đã ít nhiều giảm sự yêu thích thơ ông trong tôi và khiến “Quê Trong Phố” của ông, của nhà thơ Nguyễn Xuân Môn thành... vô duyên.”
    viết nhẹ đi thì hay hơn.

    Trả lờiXóa