(Tiếng khóc thống thiết của người dân Thủ Thiêm với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ; Nguồn ảnh: internet) |
(Tác giả Nguyễn Bàng) |
Là một
người một đời làm nghề gõ đầu trẻ, rất thích nghe ca nhạc nhưng quá nửa đời
người chỉ được nghe những ca khúc qua những chiếc loa treo trên đường phố nào
đâu biết đến nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng là gì.
Bởi vậy,
thoạt đầu, nghe tin Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa thông qua chủ
trương xây nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch hơn 1.500 tỷ đồng ở Khu đô thị
mới Thủ Thiêm, mình thấy vui và nghĩ, nếu trời cho sống được dăm bảy năm nữa
chắc chắn mình sẽ cố chí ít một lần mua vé vào cái nhà hát 1500 tỷ này để biết
cái mặt mũi dàn nhạc giao hưởng ra sao và để nghe cái âm nhạc xa lạ đó thế nào.
Nhưng
mấy ngày sau nghe rộ lên ý kiến đa chiều về nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm thì
tự nhiên cái vui ban đầu ấy biến mất để nhường chỗ cho, trước hết là một nỗi sợ
hãi và sau đó là một nỗi xấu hổ.
Trước
hết là sợ hãi, vì thấy hàng ngàn ý kiến xem Nghị quyết về “Nhà hát Giao hưởng,
Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm là quyết định “nhảy múa trên oan khiên”, “hoan
ca trên những xác người” vì Thủ Thiêm là nơi có những người chết trong uất hận,
có những người sống không bằng chết và đến giờ Thủ Thiêm vẫn là nơi đẫm nước
mắt hờn căm, uất hận và đầy những mảnh đời rách nát, chưa thấy ánh sáng công
lý. Nếu mình mong chí ít một lần được nghe nhạc giao hưởng ở cái nhà hát 1500
tỷ trên vùng đất dân oan ấy thì rõ ràng mình là kẻ đã sống không chỉ quá
thờ ơ và vô cảm mà còn sống vô trách nhiệm nhiệm nữa.
Sau đó
là xấu hổ khi nghe tin giới nghệ sĩ lên tiếng ủng hộ xây nhà hát Thủ Thiêm, trong
đó có một gáo nước lạnh dội vào mặt cộng đồng khi phát ngôn ra vẻ bề trên có
học thức “Nếu Việt Nam không có tầng lớp tinh hoa, quý tộc có hiểu biết và nếp
sống văn minh như người dân các nước phát triển, thì ai sẽ là người dẫn dắt dân
tộc Việt trở thành quốc gia giàu có, văn minh, sánh vai với các nước trong khu
vực và thế giới”. Theo phát ngôn này thì nhà hát giao hưởng ngàn tỷ này là dành
cho giới tinh hoa quý tộc. Nếu vậy, mình có ý nghĩ sẽ chí ít một lần được đến
nhà hát Thủ Thiêm nghe nhạc Giao hưởng, thì chả hoá ra mình đòi ngồi ngang hàng
với giới tinh hoa quý tộc đó trong khi mình chỉ là một dân thường ngồi bệt đất.
Để nhẹ
cái thân già, cố xóa đi mấy tiếng Nhà Hát Giao Hưởng, Nhạc và Vũ kịch Thủ Thiêm
trong đầu óc bằng cách mở một CD bình thường ra nghe lại bản nhạc Đôi bờ, một
tình ca Nga vượt qua thế kỷ.
Tại sao
không là một ca khúc nào khác mà lại là bài hát Đôi bờ của Nga? Ấy là vì tự
nhiên nhớ lại một thời khổ ải, muốn nghe hát mà không có phương tiện gì để nghe
ngoài các bài hát được phát trên các loa công cộng. Giữa khi ấy, một hôm, cô
giáo Liên, phụ trách thư viện của trường khoe với mấy người trong đó có mình
rằng chồng cô đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô mới về và thân tình mời mấy anh tối
đến nhà cô chung vui.
Sau khi
mời mọi người uống trà pha bằng nước đun xôi từ chiếc ấm Samovar bằng bạc có
khảm hoa văn ngoài thành ấm mà anh Bài, chồng cô giáo Liên bảo đó là nét khảm
phản ánh truyền thống và tâm hồn Nga, anh ta mời mọi người nghe nhạc Nga với
chiếc máy hát hiệu Tuổi Trẻ mới đem từ Liên Xô về rồi đặt vào máy một chiếc đĩa
than và nói:
- Âm
thanh của đĩa than hầu như không bị làm giả và luôn thật như cô gái mặt mộc.
Rồi lại
tiếp:
- Tối
nay, tôi mời các anh nghe một số bài hát Liên Xô nổi tiếng mà bài đầu tiên là
Đôi bờ, một bài hát Nga, lời của Grigory Mikhailovich Pozhenyan, phần nhạc do
Andrey Yakovlevich Eshpai viết cho bộ phim Khát năm 1960 với tên gọi nguyên
thủy là Em và anh, đôi bờ. Câu chuyện “Khát”. Trong bộ phim ấy rất nổi tiếng ở
Liên Xô nhưng không được truyền bá Việt Nam vào thời điểm “xét lại” khá nhạy
cảm những năm 60 đã qua.
"Khát"
có nghĩa là khát nước chứ không phải là khao khát cái gì đâu ạ! Truyện phim kể
về một đơn vị hồng quân phải bảo vệ nguồn nước cho bà con trong thành phố trước
sức công phá của kẻ thù nhằm cắt đứt sự sống của người dân. Tình yêu đã nảy nở
giữa người thiếu nữ đi lấy nước và một chàng trai trong đơn vị đó. Kết thúc
phim, cả đơn vị đều hi sinh để đổi lại người dân có nước nghĩa là có sự sống.
Cô gái mất người yêu rất đau đớn song niềm tin bất diệt nơi cô vẫn da diết vang
lên thành những giai điệu êm đẹp “đôi bờ đâu cách xa”.
Rồi
chiếc đĩa than cất lên tiếng hát thật là quyến rũ không chỉ vì giai điệu mà còn
bằng những lời ca như những vần thơ đầy chất tự sự, khiến ta nghe nhạc mà không
thể không muốn hiểu lời…Như hiểu nổi tâm trạng ấy, anh Bài khẽ dịch những lời
thơ tự sự trong bài hát khiến chúng tôi đã hiểu lời rồi thì đắm chìm trong ý
nghĩa của câu chuyện trong bài ca để khi đã cám ơn vợ chồng cô giáo Liên ra về
mà nhớ mãi không quên bài ca Đôi bờ, đặc biệt là mấy tiếng “Đôi bờ đâu cách
xa”.
Gần hai
chục năm sau ngày vợ chồng cô giáo Liên cho nghe bản nhạc Đôi bờ, mình đã có
thể thường xuyên nghe lại bài bài hát đó qua những băng cat sét, những đĩa CD
rồi xem và nghe cả trên những clip video hiện đại và vẫn đọng lại trong mìn câu
hát “Đôi bờ đâu cách xa”.
Nhưng
không hiểu sao hôm nay cái câu “Đôi bờ đâu cách xa” ấy đã nhẹ bay đi đâu mất để
cho câu “Thiên nga đùa trên sóng” chiếm chỗ khiến tâm trí mình lại đắm chìm
trong hình ảnh những con thiên nga, từ những con thiên nga trong thiên nhiên
thường kết đôi suốt đời, thung thăng bơi lội trên các vùng hồ nước
Iceland và các vùng gần cực bắc châu Âu và châu Á, di cư sang châu Âu và châu Á
ôn đới trong mùa đông. Rồi bầy chim thiên nga trong truyện cổ An đéc Xen và rồi
Odette, một nàng công chúa bị phù phép thành thiên nga trong Hồ Thiên nga, vở
ballet số 20 của Tchaikovsky, sáng tác khoảng năm 1875-1876 dựa trên
những truyện cổ tích Nga cũng như một truyền thuyết xa xưa của Đức.
Lan man
hết xa rồi lại gần, bỗng dưng nhớ ra những con thiên nga người ta mới mua về
Việt Nam, ban đầu thả ở Hồ Gươm sau dời về hồ Thiền Quang. Những năm niên thiếu
học ở Hà Nội mình và mấy bạn thân thường ra bơi hồ vào các buổi chiều. Dạo ấy
nước hồ sạch và mát lắm. Giờ những con thiên nga thả ở đó không biết nước hồ có
còn sạch và mát hay không? Nhưng nghe nhiều người nói người ta phải có biện
pháp khóa cánh để nó vỗ cánh mà không bay lên được, chứ để nó tự do thì có mà
giống anh đi mua vịt giời. Lại cũng nghe nói, hết giờ rồi thì bảo vệ phải lùa
những con thiên nga đó về chuồng thì mới bảo vệ được. Hồi mới đầu, phải mấy
chục người canh gác suốt ngày đêm, nay thì, đâu chỉ còn hai bảo vệ ngày, hai
bảo vệ đêm...
Bất giác
nghĩ, thế thì chúng còn đâu tự do nhỉ? Cánh đã bị khoá, chúng không còn mồi tự
nhiên mà phải ăn thức ăn do con người chế biến và cung cấp và sẽ phải ở mãi một
nơi tù tù túng, buồn tẻ và luôn bị đe dọa bởi bọn trộm cắp. Thế thì, mùa đông,
chúng làm sao có thể tự do bay về phương Nam ấm áp?
Có người
bảo, chúng là những tên tù hết đời, những tên tù không bị tra tấn đánh đập
nhưng phải diễn để mua vui cho khách tham quan. Hơi ác khẩu nhưng thật không
sai.
Từ những
con Thiên nga thả trong hồ Thiền quang lại bất giác nghĩ, nếu cái nhà hát Giao
hưởng, Nhạc và Vũ kịch được xây dựng thật trên đất Thủ Thiêm trong bối cảnh còn
có rất nhiều những nhu cầu dân sinh thiết thực khác cần phải được ưu tiên đầu
tư, đó là y tế, giao thông, thoát nước, thực phẩm sạch, nước sạch, cứu hỏa, cứu
hộ…và trong bối cảnh, nghệ thuật giao hưởng Việt Nam còn như một hài nhi còn đỏ
hỏn trong làng nhạc Việt Nam thường xuyên mời chỉ huy và các nghệ sĩ độc tấu
nổi tiếng trên thế giới đến để học hỏi. Lại thêm thực tế Xã hội Việt Nam bây
giờ tầng lớp tinh hoa thì cũng có nhưng rất ít như lá mùa thu ngoài một số bọn
nhà giàu mới nổi tự ngộ nhận mình là tầng lớp trí thức, tinh hoa quý tộc…Nếu
thật thế, thì cái nhà hát 1500 tỷ ở Thủ Thiêm rồi sẽ ra sao nhi?
Một câu
hỏi vu vơ nên đành mình hỏi thì mình đành tự trả lời:
Nó cũng
sẽ giống như những nhà hát opera nổi tiếng thế giới như La Scala ở Ý, Sydney
Opera House ở Úc, Paris Opera ở Pháp, Vienna Staatsoper ở Áo, The Bolshoi ở
Nga... Khi ở nước người chúng không chỉ là những công trình kiến trúc tuyệt mỹ,
nơi trình diễn các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao mà còn là những điểm du lịch
hút khách. Nhưng nếu đem chúng về Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, chúng sẽ
trở thành những nhà hát có số phận những nhà hát ngàn tỷ ở Hà Nội đang bị bỏ
hoang như nhà hát Hoa sen ở Cầu Giấy, nhà hát Thăng Long ở hồ Tây, nhà hát
Opera Đầm Trì hồ Tây…Ở Thành phố Hồ Chi Minh cũng có một số nhà hát long đong
như thế như nhà hát Trần Hữu Trang xây xong rồi bỏ trống đã nhiều năm nay.
Phải! Nó
cũng giống như những con thiên nga mà khi ở xứ người thì chúng được nô đùa trên
sóng của dòng sông mà về xứ mình thì lại bị khoá cánh thả trong hồ tù. Vậy
thôi!
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐƯỜNG VỀ QUÊ HƯƠNG
của Lam Phương, qua tiếng hát Đan Nguyên:
*
Sài Gòn, tháng 10.2018
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
.
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác
giả gửi qua email ngày 16.10.2018.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét