VÔ LỐI NGUYỄN QUANG THIỀU - Tác giả: Đỗ Hoàng (Hà Nội)

1 comment
(Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều)

VÔ LỐI NGUYỄN QUANG THIỀU
*
(Nhà thơ Đỗ Hoàng)
Vô lối là một loại viết có từ thập kỷ 60 thế kỷ trước và bùng phát nhiều nhất từ thập kỷ 90 thế kỷ trước đến hôm nay. Nó càng bùng phát hơn nữa khi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 trào giải cho tập “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều và vừa rồi (năm 2011 - 2012), Hội Nhà văn Việt Nam lại tiếp tục trao giải cho cả 4 tập của các tác giả Mai Văn Phấn, Từ Quốc Hoài, Đỗ Doãn Phương, Định Thị Như Thúy, kiểu viết như Nguyễn Quang Thiều nối dài.
Điển hình của Vô lối là triệt tiêu một trăm phần vần điệu, xóa bỏ cách nghĩ, cách cảm của ông cha và thơ ca truyền thống dân tộc và thế giới, tắc tỵ, rắc rối, tù mù, dài dòng văn tự, dây cà ra dây muống, nhạt nhẽo, đánh đố mình, đánh đố người đọc, dung tục, tình dục bệnh hoạn, sính dùng chữ nước ngoài một cách tùy tiện, tuỳ hứng…
Vô lối có một đặc điểm nữa là không thể đọc nổi vài ba dòng.
Nguyễn Quang Thiều cũng là một trong những đại biểu của Vô lối ấy vừa được các báo chí chính thống, các vụ viện chính thống, các học giả, nhà phê bình, giáo sư đại học, cánh hẩu viết bài lắng xê, ca ngợi hết lời. Họ coi đó là sự là “Hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều và lộ trình cách tân”, Thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn từ mẫu gốc” (Tạp chí Nhà văn số 6 - 2012); “Hộp đen” Nguyễn Quang Thiều – Báo Văn nghệ số 17 + 18 tháng 4 – 2012...
Cách tân tức là làm mới không chỉ ở thơ ca mà trong cuộc sống muôn loài cũng phải luôn luôn đổi mới để phát triển tồn tại. Thế hệ sau tiến bộ hơn thế hệ trước thì muôn loài, muôn vật, xã hội mới phát triển, không thì chỉ dừng lại và đi đến triệt tiêu!
Nhưng làm mới như thế nào? Tôi đã nhiều lần nói về việc làm mới. Làm mới – cách tân chứ không phải cách mạng. Đến như cách mạng lật đổ hoàn toàn quá khứ mà người vẫn còn giữ gìn và tiếp thu những ưu tú của đời trước để lại, huống hồ cách tân - làm mới, phải có kế thừa và phát huy cái hay, cái đẹp của dân tộc, của nhân loại. Nhà bác học Lê Quý Đôn nói: “Người tài giỏi hơn hết một thời, cũng không được phá bỏ đời trước
Những người tìm tòi đổi mới thơ ca là đáng trân trọng. Nhưng lấy cớ tìm tòi đối mới để phá bỏ, đạp đổ những chuẩn mực, những tinh hoa của cha ông từ muôn đời để lại là một ý nghĩ, hành động điên rồ.
Hàn Mặc Tử có nói: “Vẫn biết thơ ca phải tân kỳ (mới và lạ), song thơ ta là thơ quốc âm, người phương Đông chuộng nỗi đau thâm trầm, nỗi buồn kín đáo. Ta phải thể hiện cái tinh thần phương Đông ấy.”
Nhưng những người viết hôm nay và nhất Nguyễn Quang Thiều không theo tiêu chí ấy mà đi tìm một cách viết rất chi là Vô lối.
Nguyễn Quang Thiều cố tìm một cách nói, cách lập ngôn như việc đặt tên tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” – (Hỏa đích bất thụy sự), đã thể hiện cách ấy. Đọc thấy lạ tai, không theo cách nói cách viết thuần Việt, nó như là cách viết của Tây, nhưng Tây người ta không viết thế. Câu thơ, câu văn của Tây dài nhưng phải chính xác, không thừa chữ, không thừa ý và phải thuần chủng ngôn ngữ. Đằng này Nguyễn Quang Thiều cố tạo ra cách viết lạ nhưng lại vừa dùng chữ nước ngoài, vừa không theo cách cảm cách nghĩ của dân tộc. Cách này cũng đã có người trước Nguyễn Quang Thiều viết như “Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai” (Liên khúc những bài thơ tình thời cách xa – Thanh Tâm Tuyền)
Chữ sự nguyên là chữ Hán đã tương đối Việt hóa. Nó có ba nghĩa : 1- việc, 2 - làm việc, 3 - thờ. Không hiểu sự mất ngủ của lửa ở đây là việc, làm việc hay là thờ? Suy đoán trong bài hiểu theo nghĩa Hán “Hỏa đích bất thụy sự” thì có thể là việc. Dịch ra là “Việc mất ngủ của lửa” chắc là đúng ý tác giả!
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
(Hồ Chí Minh)
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
(Xuân Thủy dịch)
Thời Nguyễn Đình Chiểu, cũng là thời Hán học đang thịnh hành, cụ Đồ Chiểu còn đi thi tú tài Hán học, thế nhưng thơ Cụ, văn tế, phú của Cụ thì rất Việt hóa.
Việc cấy, việc cày việc bừa tay vốn làm quen
Tập khiên, tập súng, tập cớ mắt chưa từng ngó
(Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc )
Nếu viết như Nguyễn Quang Thiều và Thanh Tâm Tuyền là phải:
Sự cấy, sự cày, sự bừa tay vốn làm quen
Tập khiên, tập súng, tập cờ mắt chưa từng ngó
Lại bàn về mất ngủ. Mất ngủ chỉ một trạng thái tâm lý của con người do lao lực, do nghĩ ngợi đau khổ nhiều, thần kinh yếu, do chấn động thân kinh, do chấn thương sọ não …nên dẫn đến mất ngủ. Nói chung nó là một trạng thái bệnh lý nhiều hơn. Còn người khỏe mạnh, thần kinh vững vàng thì khó có thể mất ngủ.
Cảnh khuya như vẻ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
(Hồ Chí Minh)
Người khỏe mạnh, cứng rắn, người ta chưa ngủ hoặc người ta không ngủ để lo quốc gia đại sự, chứ họ không bị chứng bệnh mất ngủ!
Vì vậy việc đặt tên tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” vừa không Việt hóa, vừa thừa chữ, thừa lời, vừa không ổn trong nhận thức. Có thể đặt theo cách thuần Việt “Lửa mất ngủ” hoặc “Lửa thức”…
Cách đặt tựa đề, đặt câu này Nguyễn Quang Thiều lặp đi lặp lại ở nhiều bài khác như: “Sự ấm áp gối chăn đã giữ chặt tôi” (Tiếng vọng) – In trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 tập một, tháng 1 năm 2011.
Cách viết của Nguyễn Quang Thiều đa phần dài dòng văn tự. Viết ngắn viết dài tùy theo cảm xúc, suy nghĩ, tùy theo mức độ tình cảm của tác giả. Cái đáng viết dài thì viết dài, cái đáng viết ngắn thì viết ngắn. Có cái không đáng ba dòng tác giả lại kéo ra tràng giang đại hải
“Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái.
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Những người đàn bà xuống gánh nước sông
Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt
Một bàn tay họ bám vào đầu tròn gánh bé bỏng chơi vơi”
(Những người đàn bà gánh nước sông)
Hay:
“Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy 
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn dụa nước mưa sông.“
(Sông Đáy)
Nên nhớ rằng “Đoản thi tối hảo phá” (Thơ ngắn có sức mạnh vô biên). Ngay phương Tây cũng có nói phải cô níc (viết ngắn).
Bác Hồ cũng đã từng nói: “Bác ít có thi giờ xem văn nghệ, nhưng khi xem thì thấy nó dài dòng, dây cà ra dây muống, hình như người viết cố viết dài ra để lấy nhuận bút. Rồi lại sính dùng chữ nước ngoài. Chữ ta có thì nên dùng chữ ta, chữ ta không có mới mượn chữ nước ngoài.” – theo “Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt – Sửa đổi lề lối làm việc)
Có nhiều bài viết vừa dài, vừa lập luận thừa thải. Điển hình là bài “Những người đàn bà gánh nước sông” (đã trích dẫn ở trên). Ví dụ câu:
"Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy”.
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy, thì cần gì phải kể đến từng chặng một thời gian như vậy. Kể thế sao cho hết. Nếu kể thế thì phải viết cho đủ: Đã một năm, đã hai năm, đã ba năm… đã và đã, thì đến bao giờ mới kể xong. Viết chỉ ngắn gọn là “nửa đời tôi thấy” thì vừa đầy đủ, vừa chính xác. Còn có những người, họ chỉ sống 50 tuổi , 40 tuổi, 30 tuổi thì sao?
Mỉa mai thay bài này đã được chọn in trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX(!)
Cách nghĩ và cách viết không chính xác, viết lấy được của Nguyễn Quang Thiều còn nhiều nhiều. Như bài “Trong quán rượu rắn”. Người ngồi trong quán rượu rắn, chắc là không uống rượu nên tỉnh bơ, như uống nước chai lave “Đêm vĩ đại chôn vùi trong quán nhỏ/ Rừng mang mang gọi từng khúc thu vàng”. Người đọc tưởng tác giả đang đi dạo rừng thu bạch dương ở bên Nga!
Những con rắn bị thủy táng trong rượu". “Thủy táng” là chôn nước. Táng - nguyên chữ Hán là chôn, vùi đã tương đối Việt hóa. Khi người chết, nhất là người thân, người ta dùng chữ táng cho nhẹ đi, đỡ đau hơn nếu dùng chữ Việt là chôn hoặc vùi. Từ cổ đến nay có nhiều cách táng: thổ táng, hỏa táng, thủy táng, mộc táng, điểu táng, thạch táng, cẩu táng, điện táng… “Những con rắn bị thủy táng trong rượu” – Tức là những con rắn chôn nước trong rượu. Thật ra rượu là nước có nồng độ men cao, cũng như nước biển có nồng độ muối cao mà thồi. Những người đi biển khi chết được đem bỏ xuống biền và nói như cách nói của Nguyễn Quang Thiều: “Những con người bị thủy táng trong biển”. Nó vô lý và buồn cười, đau xót biết bao cho cách lập câu, cách viết như thế này.
Cha ông ta đã có cách nói rất hay khi đem bỏ thảo quả và động vật quý làm thuốc vào rượu và gọi là “ngâm rượu”: táo ngâm rượu, cam ngâm rượu, lê, mận ngâm rượu, bìm bịp ngâm rượu, rắn độc ngâm rượu… Nếu nói cho có hình ảnh mượn chữ Hán thì có thể nói “những con rắn bị đem tửu táng”!
Cách viết của Nguyễn Quang Thiều rất kém thi pháp (nghệ thuật thơ), lạm dụng nhiều chữ nhiều từ như: khóc, vỹ đại, lạm dụng từ Hán Việt chưa được Việt hóa…
Những con cá thiêng quay mặt khóc 
………
Và cá thiêng lại quay mặt khóc
(Những người đàn bà gánh nước sông – đã dẫn).
Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi 
Tôi quì xuống vốc cát ấp vào mặt 
Tôi khóc. 
(Sông Đáy)
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo gọi Nguyễn Quang Thiều là “nhà khóc học” thật không sai! 
Đêm vĩ đại chôn vùi trong quán nhỏ
(Trong quán rượu rắn)
Cha ông ta có những phép tu từ rất diệu nghệ, người ta không hề nói đến một chữ khóc mà đời nào nghe cũng rưng rưng:
Cơm người khổ lắm mẹ ơi!
Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi, vừa ăn
Hay:
Chiều chiều ra đứng ngõ chiều
Nhìn lên mả mẹ chín chìu ruột đau!
(Ca dao)
Bạn về chẳng có chi đưa
Có hai lọn nếp mà chưa lặt lòn!…
(Ca dao)
Rồi mùa toóc rạ rơm khô
Bạn về quê bạn biết mô mà tìm
(Ca dao)
Ở đây Nguyễn Quang Thiều và nhiều người viết khác dùng vô thiên lũng chữ “khóc”, người ta gọi là các “nhà khóc học” mà chẳng làm một ai mủi lòng! Thật là tại hại!
Nguyễn Quang Thiều hay viết về quê hương mình, vùng làng Chùa, sông Đáy là xứ Đoài xưa nhưng không hề thầy bóng dáng “Xứa Đoài mây trắng” ở đâu, không thấy áo lụa Hà Đông ở đâu, không thấy Hà Tây quê lụa ở đâu? Một miền cội nguồn dân ca Bắc Bộ, một miền hát xoan, ghẹo biến mất trong cách viết của Nguyễn Quang Thiều!
Mà Xứ Đoài không chỉ người con của xứ sở ấy máu thịt mà cả dân tộc, thậm chí cả châu Á, châu Âu cũng có trong hồn của họ.
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Lên núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuy khoắt thổi đêm trăng
(Quang Dũng)
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt nhớ
Bởi vì em mặc áo lụa Đông
(Nguyên Sa)
Bóng chiếc thoi đưa, ánh mắt long lanh, trời đất Hà Tây
                                                                        quê em dệt lụa
Mây trắng Ba Vì…hồn thơ Nguyễn Trãi
(Hà Tây quê lụa – Nhật Lai)
Một lần trò chuyện với nhà văn Trung Quốc Trịnh Bá Nông nguyên Tổng biên tập báo Văn Nghệ Trung Quốc tại Bắc Kinh, ông nói: “Ở việt Nam tôi yêu thích nhất là Ca dao và Quan họ Bắc Ninh”. Trong khi đó các nhà thơ, nhạc sỹ nước mình đi tìm con cáo lông đen (ý của Gam zatop) ở đâu đâu.
Viết ngắn, viết giản dị mới khó. Đông Tây, kim cố gì cha ông cũng đã dạy
Rien n’est plus dificille que d’ecrire ficille - Không có gì khó bằng viết dễ hiểu – Châm ngôn Pháp. "Công phu thâm xứ thi bình dị" - Thơ hay nhất là thơ dễ hiểu – Lục Dụ đời Tống, Trung Quốc.
Điển hình cho sự dài dòng văn tự, tắc tỵ lố bịch, quái dị của Nguyễn Quang Thiều là bài “Lịch sử tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ”.
(Trích)
"Người hướng dẫn : Được dệt thủ công bởi một người
                                                                  đàn bà Thổ Nhĩ Kỳ
"Người mua : Mua lại từ một ông già da đen Cuba
                                                          ở Havana năm 1986
"Chủ nhân : Qùa tặng của con trai tôi. Được treo
                                                    trên bức tường này 21 năm
Lúc gần sáng tiếng những cành khô gãy
Những con nai cái mùa động đực
Chủ nhân bức thảm 87 tuổi tỉnh giấc uống trà nguội
Những con nai đực ngùn ngụt
Ngôi nhà như không bao giờ mở cửa
Một bà già đi tiểu lần thứ 5 nói: "Mẹ đau lắm"…
Kịch không ra kịch, đối thoại không ra đối thoại, tế không phải tế, cáo không phải cáo, điếu văn cũng không ra điều văn, kể chuyện học sinh cũng không ra kể chuyện học sinh, nhật ký cũng không phải nhật ký, hát ru bà, hát ru ông cũng không phải… Nó là một thứ ba đầu sáu tay, quái thai văn chương. Thế rồi nó lại còn dung tục: “Một bà già đi tiểu 5 lần nói: “Mẹ đau lắm!”. Trong bệnh viện khoa dưỡng lão, các bác sỹ ghi bệnh án còn sạch sẽ hơn nhiều cái gọi là thơ này!
Thơ hậu hiện đại có thể lược bỏ vần điệu, coi nhẹ vần điệu nhưng ý tứ phải sâu sắc, hình ảnh phải mới lạ, độc đáo, tình cảm phải dạt dào rung động người đọc mới chấp nhận:
Thời gian ơi, xin hãy đừng trôi nữa
Đó là lời khẩn cầu
Của những kẻ đang yêu
Tại sao các vị lại không khẩn cầu ngược lại
Tình yêu hãy ở bên các người mãi mãi
Còn thời gian thì:
Cứ kệ nó trôi đi…
(Thời gian và tình yêu – Ion Milos – Nhà thơ Thụy Điển – Thơ hậu hiện đại – Phạm Viết Đào dịch)
Hay:
Người đẹp 
Ai viết tên em bằng ánh sáng
Ai vẽ hình em bằng ánh trăng
(Dân ca Dáy)
Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào thấy mát
Người không khát - nhìn người đẹp cũng khát
Người không đói - nhìn người đẹp cũng đói
Người muốn chết- nhìn người đẹp lại không muốn chết nữa
Ơ! Người đẹp là ước mơ
Treo trước mắt mọi người! 
(Lò Ngân Sủn)
hay:
Hôm qua sáu giờ năm mươi phút
Đồng chí Lê nin từ trần
Năm này chứng kiến một lần
Điều bất hạnh trăm năm không thấy nửa
Ngày ngày muôn thuở
Sẽ là truyền thuyết đau thương
Tin kinh hoàng
Sắt thép bất tiếng kêu than
Sóng nức nở trên những người cộng sản
Sức nặng đè ghê gớm
Không lê nổi chân đi
Biết thế nào đây và làm gì nữa!
Nhà hát lớn trôi trên đường phố
Nỗi buồn như một cỗ xe tang
Nỗi vui bò như ốc như sên
Nỗi buồn chạy như điên như dại
Không ánh mặt trời
Không ánh băng sang dọi
Tất cả đã rắc một lớp tuyết đen
Sàng qua báo chí
Tin ập tới
Người công nhân trước máy
Như một chén lệ đổ xuống bàn dụng cụ
Trẻ nhỏ bỗng nghiêm trang như các cụ già
Các cụ già khóc như trẻ nhỏ!...
(Trường ca Vladimia Ilích Lê nin – Maiacop xki
– Trần Dần dịch)
Hay:
Sầm phu tử
Đan Khâu sinh
Tương tiến tửu
Bôi mạc đình
Thỉnh quân ca nhất khúc
Vị ngã khuynh nhĩ thinh
Chung cổ soạn ngọc bất túc quý
Đã nguyện trường túy bất nguyện tinh
Cổ lai thánh hiền giai tỉnh mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh
(Tương tiến tửu – Lý Bạch)
Sầm Phu tử
Đan Khâu sinh
Sắp mời rượu
Đừng có sai
Mời anh ca một khúc
Vì tôi nghe mầy bài
Rượu tiệc ngon giữa trống chiêng nào có đáng quý
Không muốn tình cứ say sưa mãi hoài
Xưa nay thánh hiền có ai tên tuổi
Chỉ kẻ uống rượu là lưu danh muôn đời
(Sắp mời rượu – Đỗ Hoàng dịch)
Nói vậy, chứ tiếng Việt lược bỏ hoàn toàn vần điệu rất dễ chuốc lấy thất bại thảm hại. Vì tiếng Việt hoặc tiểng phương Đông là xỉ âm – phát ra từ răng, phần nhiều một âm tiết, không như tiếng các Âu – Mỹ - đa âm tiết, một từ nói đã có tính nhạc trong đó ví dụ như bữa ăn sáng (phiên âm): bờ rét phát, đẹp - bui ti phul (Anh ), đẹp - kờrát xvưi (Nga)…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và một số nhà thơ, người làm thơ khác cũng có công cố gắng tìm tòi, đấy là điều đáng trân trọng. Nhưng theo quan điểm và cách thưởng thức, thẩm định của tôi thi những gì họ viết ra không phải thi ca, văn chương. Họ hoàn toàn thật bại một trăm phần trăm.
Người viết ra loại Vô lối thật đáng trách, người tung hô, in ấn lăng xê càng đáng trách hơn, tố chức nào đó trao tặng giải thưởng, khuyến khích cổ vũ thì đáng trách vô cùng. Những người này nếu được đề bạt quản lý cầm cương nảy mực nền văn nghệ nước nhà thì văn chương Việt đi đến đâu? Nhãn tiền ấy mọi người đã rõ!

   
Mời thư giãn với nhạc phẩm THƯƠNG CA TIẾNG VIỆT
của Đức Trí, lời Hà Quang Minh, qua tiếng hát Mỹ Tâm:
             
*.
Hà nội ngày 01 tháng 06 -2012
ĐỖ HOÀNG
Quê quán: Cao Vân, Lệ Thủy, Quảng Bình.
Hiện sống và làm việc tại Hà Nội.
Email: donguyenhn@yahoo.com
Điện thoại: 091.336.96.52





  ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 10.07.2017
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.  

1 nhận xét:

  1. Thật sự là không thể tiêu hóa được thơ của mấy ông Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Doãn Hoàng Phương... Họ phá tiếng Việt chứ cách tân làm mới cái gì.

    Trả lờiXóa