LẮC LƠ MIỀN THƯƠNG NHỚ CỦA NGUYỄN NGỌC HƯNG - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương(Bắc Ninh)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
LẮC LƠ MIỀN THƯƠNG NHỚ
CỦA NGUYỄN NGỌC HƯNG

*
LẮC LƠ MIỀN THƯƠNG NHỚ


Cây chùm ruột trưa hè nghiêng nghiêng bóng
Mùi dạ lý hương ngõ vắng thơm thầm
Quả trứng cá xoe xoe tròn đỏ mọng
Rơi trước hiên nhà sáng cả tiết trời râm.
Hồn quê đấy, tuổi thơ mình vẫn đấy
Như cánh cò thấp thoáng vẫy trong thơ
Hai màu tóc biết không còn trẻ dại
Vẫn thương lắm lời ru mẹ ầu ơ.
Con cún nhỏ mười năm sau hóa lão
Gửi vào đêm thê thiết giọng tru buồn
Nắng đã vắt tơ vàng lên bờ giậu
Em có ngồi đan áo mỗi chiều buông?
Đểnh đoảng quá bao lời ta định nói
Chợt rơi đâu khi thoáng má em hồng
Nay nhìn lại túi hành trang ít ỏi
Bỗng ngậm ngùi thương mấy ngón tay không...
Hồn quê đấy, tuổi thơ mình vẫn đấy
Như bóng cây chùm ruột nắng nghiêng chiều
Quả trứng cá, mùi dạ hương vẫn vậy
Mà xa rồi, xa quá một thời yêu!
*.
NGUYỄN NGỌC HƯNG
LỜI BÌNH:
Sao không là giản đơn cho một cái tên bài thơ Miền thương nhớ vì bài thơ đầy ắp những kỷ niệm của một miền thương nhớ mà lại là Lắc lơ miền thương nhớ? Điều này chỉ tác giả mới giải thích được ngọn ngành cặn kẽ. Còn tôi có bình luận thì cũng chỉ là những gì thuộc về võ đoán mà thôi. Phải chăng miền thương nhớ không thuộc vào một khoảng nhỏ không gian ba chiều này mà nó ở đâu đó xa lắc xa lơ ngoài kia thuộc về không gian ngoài không gian… Cũng có thể đó là một miền thương nhớ mỏng manh xa lắc xa lơ cả về thời gian, cả về không gian vì thời gian thì vô hạn còn không gian hiện hữu của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng lại vô cùng nhỏ hẹp chỉ là một không gian khi nào cũng đối diện với bốn bức tường để mà tự vấn và cũng để mà sáng tạo. Một nhà thơ không có khả năng vận động thân thể để đươc giao tiếp với thế giới bên ngoài. Trong một bài thơ anh đã viết:
Chỉ nhỉnh hơn mười cây số
Mà sao xa ngút ngàn xa
Me ơi lòng con như xé
Mỗi khi giỗ mẹ giỗ bà
Chỉ mười cây số thôi mà nhà thơ không thể trở về. Vâng đó là một miền thương nhớ cứ lắc lơ cứ cợt đùa với khát vọng của nhà thơ.
Tôi nghĩ để có được bài thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã huy động hết tất cả mọi giác quan, cảm xúc và trí tuệ. Những kỷ niệm của miền thương nhớ ở đây mới đẹp làm sao, mới lung linh kỳ ảo làm sao. Chính điều đó đã làm cho tôi và tất cả các bạn những ai đã đọc bài thơ đều bồi hồi xúc động rồi trào dâng một nỗi niềm tiếc nuối về những kỷ niệm của tuổi thơ ở một miền thương nhớ xa lắc xa lơ đâu đó mà ta không thể nắm cầm. Chỉ có trí tưởng tượng và nỗi nhớ hằn in trong tâm trí nhà thơ mới tái tạo được. Tôi cứ muốn lần theo những thi ảnh đẹp mê hồn của tuổi thơ Nguyễn Ngọc Hưng. Ở đó là:
Cây chùm ruột trưa hè nghiêng nghiêng bóng
Mùi dạ lý hương ngõ vắng thơm thầm
Quả trứng cá xoe xoe tròn đỏ mọng
Rơi trước hiên nhà sáng cả tiết trời râm.
Tất cả đều thân thương gần gũi với tuổi thơ. Một bóng cây chùm ruột nghiêng nghiêng che mát một vùng đất nhỏ nhoi nhưng chỉ thế thôi cũng đủ che mát cho tuổi thơ ta để cho ta đùa giỡn trong những ngày hè. Hương dạ lý cứ thương thầm ngõ vắng mà không dành cho riêng ai. Cái ngõ vắng được ấm áp thanh bình thêm hơn vì cái hương vị rất đặc trưng về đêm của một miền thơ ấu. Vẫn chưa hết những quả trứng cá đỏ mọng tròn xoe cũng chỉ lặng lẽ rơi thế mà vẫn đủ làm sáng lên khi mặt trời khuất bóng mây che. Quả trứng cá vừa ngọt vừa thơm cho tuổi thơ ta trèo hái. Tất cả cứ dồn tụ về cho ta thêm háo hức rồi tiếc nuối. Vẫn chỉ là kỉ niệm:
Hồn quê đấy, tuổi thơ mình vẫn đấy
Như cánh cò thấp thoáng vẫy trong thơ
Hai màu tóc biết không còn trẻ dại
Vẫn thương lắm lời ru mẹ ầu ơ.
Chỉ có thế thôi mà đã là hồn quê đã là tuổi thơ của mình. Vâng đối với tuổi thơ ta ngày xưa chỉ có vậy. Thế mà nhà thơ không thể kìm lòng. Đó không phải là một điều nhỏ nhặt vô nghĩa mà đó là cánh cò đã chắp cánh cho một thế giới thi ca của Nguyễn Ngọc Hưng tồn tại trong cõi người này. Mới đâu đó thôi mọi kỷ niệm còn trinh nguyên mà mái tóc nhà thơ đã sợi đen chen sợi bạc. Chẳng còn trẻ dại gì nữa sao vẫn khát thèm vẫn nhớ thương tiếng ầu ơ của mẹ ru ta giữa những trưa hè.
Đến đây giọng của nhà thơ trầm hẳn xuống có điều gì thê thiết lắm:
Con cún nhỏ mười năm sau hóa lão
Gửi vào đêm thê thiết giọng tru buồn
Nắng đã vắt tơ vàng lên bờ giậu
Em có ngồi đan áo mỗi chiều buông?
Hình ảnh con cún nhỏ sau mười năm đã già đi đã hóa lão cứ mỗi đêm về cái giọng buồn thê thiêt và hình như nó cũng biết tiếc nuối tuổi xuân thì. Tôi cảm thấy lòng mình chát nghẹn khi nhà thơ đặt vào đây hai hình tượng đối nghịch: Con chó già thê thiết gửi vào đêm những giọng tru buồn và khi nắng vàng đã vắt ngang bờ giậu, em có ngồi đan áo nữa như ngày xưa trong những chiều đông cũng buồn thê thiết như tiếng tru của con chó già nua. Đã có điều gì đó âm thầm và tuyệt vọng về hình tượng người con gái ngồi đan áo như Nàng Bân trong huyền thoại. “Nàng Bân xưa may áo ấm cho chồng. Áo may xong không còn mùa lạnh nữa (thơ Tế Hanh). Còn em, em cứ ngồi đan áo mãi cho ai, cho anh ư? Anh không thể đáp đền tình yêu của em được nữa. Thật vô vọng nhuốm mùi đắng cay sầu tủi. Chó già nua, em cũng hết xuân thì.
Đểnh đoảng quá bao lời ta định nói
Chợt rơi đâu khi thoáng má em hồng
Nay nhìn lại túi hành trang ít ỏi
Bỗng ngậm ngùi thương mấy ngón tay không...
Đọc khổ thơ này lòng tôi cứ rưng rưng rồi nhòa lệ. Chỉ mấy câu thôi mà khắc họa đủ đầy về thân phận nghiệt ngã của nhà thơ. Tự trách móc hay tự thán? Tôi nghĩ là cả hai. Thời cơ của hạnh phúc, của tình yêu chỉ là khoảnh khắc mà anh đã đểnh đoảng đánh rơi nó chỉ vì em bỗng dưng rực rỡ trước đời anh. Giá như đôi má của em đừng hồng lên như thế biết đâu ta đã có nhau trong đời!!! Giờ thì anh chẳng còn gì nữa để cho em. Tất cả đã thuộc về sự già nua phai tàn. Túi hành trang của anh bây giờ chỉ còn lại những câu thơ đầy tiếc nuối. Anh thương cả những ngón tay mình giá như ngày xưa ấy anh không đểnh đoảng mà nắm chặt lấy bàn tay nhỏ nhắn ấm áp của em thì giờ đây bàn tay anh đã không cô đơn trơ trọi giữa trần gian.
Hồn quê đấy, tuổi thơ mình vẫn đấy
Như bóng cây chùm ruột nắng nghiêng chiều
Quả trứng cá, mùi dạ hương vẫn vậy
Mà xa rồi, xa quá một thời yêu!
Khổ thơ nhắc lại những kỉ niệm như khổ đầu dụng ý của tác giả muốn khẳng định thêm một lần nữa tất cả chỉ có thế thôi, rất gần gũi, rất giản đơn nhưng đó là tất cả. Là tuổi thơ ta là hồn vía của quê hương xứ sở. Đó là miền thương nhớ. Tất cả vẫn vẹn nguyên, nhưng theo tôi chỉ là vẹn nguyên trong ký ức. Nhưng - một chữ nhưng làm tan nát lòng ta:
Mà xa rồi, xa quá một thời yêu

 
Mời thư giãn với nhạc phẩm HOA TÍM NGƯỜI XƯA
của Thanh Sơn, qua tiếng hát Dương Hồng Loan:
          
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.                                         


.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 16.11.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét