‘GẠC MA, ƠI GẠC MA’ - MỘT BÀI VIẾT GƯỢNG GẠO, SÁO RỖNG - Tác giả: Đỗ Hoàng (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)

GẠC MA, ƠI GẠC MA - MỘT BÀI VIẾT
GƯỢNG GẠO, SÁO RỖNG
*
GẠC MA, ƠI GẠC MA
Nghiêng mình tưởng nhớ các chiến sỹ Gạc Ma
(14/3/1988 - 14/3/2016)

Những làn đạn 28 năm về trước
Vẫn tươi nguyên và máu chảy ròng ròng
Sách chưa ghi nhưng lòng người đã tạc
64 tên người vào gấm vóc non sông

Gạc Ma ơi, trong nỗi đau nước Việt
Có linh hồn xương thịt của Gạc Ma
Người ngã xuống để tươi xanh trỗi dậy
Tỏa bóng chở che cho Tổ quốc ta

Xin được hòa mình vào mênh mông biển cả
Hát ru người yên giấc ngủ ngàn thu 
64 người hy sinh triệu người thức tỉnh
Trái tim đập dồn về phía Trường Sa

Đất nước ơi bao thân người đã ngã
Máu của người thăm thẳm tím biển Đông
Ta quỳ xuống nâng trên tay giọt biển
Nghe trên môi tiếng Việt rực hồng”
*
NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
BÌNH GIẢNG:
Bài in trên báo Văn nghệ số 14 (ngày 2 - 4- 2016)

(Tác giả Đỗ Hoàng)
Nguyễn Phan Quế Mai làm rất nhiều thơ Vô lối như “chạm môi vào Thăng Long nghìn tuổi” cùng với những cây bút nữ vô lối khác: Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Phan Thị Vàng Anh, Giáng Vân... “góp phần” làm hư hỏng thơ Việt và tiếng Việt, nay chị lại làm một bài thơ Gạc Ma ơi Gạc Ma theo truyền thống thơ Việt, loại thơ nhiều khổ với vần baca, nhưng rất kém, nó không phải thơ. Nó là một loại đại ngôn, đại sáo, đại rỗng. Vô cùng nhạt nhẽo, lên gân một cách giả tạo, nói theo cách nói Nam Bộ là quá “Sến”!
Vào bài là hai câu không biết nói về phe nào:
“Những làn đạn 28 năm về trước
Vẫn tươi nguyên và máu chảy ròng ròng”.
Những người lính chúng tôi và văn học Việt Nam đều cho “làn đạn” thường là hay nói phe địch. Như: “làn đạn địch”. Dưới làn đạn trung liên trong boongke lính lê dương bắn như vãi trấu, Phan Đình Giót vẫn bò lên” (Đánh lấn - Hồi ký Điện Biên Phủ). Phía Pháp và ngụy quân họ cũng nói: “Dưới làn đạn Vẹm, quân Bảo vệ Quốc gia vẫn hùng dũng xông lên”. Mà nếu làn đạn của phe mình đi nữa thì không người Việt nào nói làn đạn vẫn tươi nguyên. Tươi nguyên thường dùng nói về thực phẩm. Như thịt chó bỏ trong tủ lạnh một tuần vẫn tươi nguyên, rau củ quả để trong tủ lạnh cả tháng vẫn tươi nguyên... Không biết bên Mỹ, bên Úc, Nguyễn Phan Quế Mai học người xứ ấy gọi sắt thép là thực phẩm tươi nguyên hay sao (!)
Còn nói:
“Những làn đạn 28 năm về trước
Vẫn tươi nguyên và máu chảy ròng ròng”
Nghe nó tanh tưởi thế nào!
Tiếp đến là hàng loạt câu ồn ào, vô bổ, kêu gào một cách nhạt nhẽo, vô tri, vô cảm, lạnh lùng, sơ sài của một kẻ đứng ngoài cuộc “xui chó bụi xờm”, không một gam phân tử yêu thương:
“Gạc Ma ơi, trong nỗi đau nước Việt
Có linh hồn xương thịt của Gạc Ma
Người ngã xuống để tươi xanh trỗi dậy
Tỏa bóng chở che cho Tổ quốc ta”
Trong thơ Việt hiện đại không có câu nào dở, kém hô khẩu hiệu như câu này:
“Người ngã xuống để tươi xanh trỗi dậy
Tỏa bóng chở che cho Tổ quốc ta”
Thơ cổ động thời trước đã viết quá nhiều rồi:
“Người ngã xuống cho người sau đứng dậy
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua”
(Thơ chống Mỹ)
Rồi lại uốn éo, cải lương lại ba voi không ngọt bát xáo. 
“Xin được hòa mình vào mênh mông biển cả
Hát ru người yên giấc ngủ ngàn thu 
64 người hy sinh triệu người thức tỉnh
Trái tim đập dồn về phía Trường Sa”
Những câu đại ngôn và sáo rỗng, hô khẩu hiệu như thế này thường xuất hiện vào thập kỷ 50 , 60 thế kỷ trước. Thời mà ta nước ta nghèo nhỏ phải đánh với một đế quốc giàu mạnh nhất hành tinh, ai cũng gồng mình lên:
“Ta lại viết tiếp bài thơ báng súng
Con lớn lênviết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua!”
(Thơ chống Mỹ)
Rồi cả dân tộc phải hò, hét, hát, ca, phải véo von để xua đi sợ hãi khi chạm trán với quân thù giàu và mạnh và hình thành một đội ca học, hát học, hét học, véo von học. Tất cả phải em hot, ai em hat (Imhot, Im singer).
“Thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hót
Ca ngợi nghìn lần Tổ quốc của ta”
(Tố Hữu)
“Súng chỉa vào căn phòng ta ở
Dao cứa trên cổ họng ta ca”
(Chế Lan Viên)
Sau hơn nữa thế kỷ Nguyễn Phan Quế Mai lại lập lại điệu hát, ru, ca giả dối, ngoài cuộc:
“Xin được hòa mình vào mênh mông biển cả
Hát ru người yên giấc ngủ ngàn thu”
Đến đây làm chúng ta nhớ lại thời trước các cô văn công đứng trong hầm kiên cố hát cổ động cho bộ đội ngoài chiến hào bắn giặc: “Khi trên bầu trời xanh có tiếng máy bay lượn quanh/ Chúng rải chất độc xuống quê ta, chúng bắn giết người lương thiện/
Dù dưới mưa bom, tay súng sẵn sàng này/ Ngắm cho trúng đầu máy bay,/ Ta bắn cho chúng nhào lăn quay, lăn quay
Rối các cô làm động tác đặc công, tuốt lê gỗ sơn vôi trắng loáng, ôm súng gỗ lộn mấy vòng, lộn xong đứng lên hát tiếp: “Ta bắn cho chúng nhào lăn quay, lăn quay, lăn quay...”. Bà con nông dân vỗ tay rầm rầm.
Các mụ tra (bà già) quê tôi nói: - Bắn máy bay như rứa, mụ tra đây cũng bắn được!
Trong bài thơ ngắn này Nguyễn Phan Quế Mai rất lạm dụng thán từ “Ơi”. Động đến cái gì cũng ơi! “ Gạc Ma ơi,” “Đất nước ơi”. Tựa đề: “Gạc Ma ơi Gạc Ma”. Rất à ơi mà chả có “ơi” tí nào! Vừa “ơi” xong là lại lạm dụng động từ “quỳ” - “Ta quỳ xuống nâng trên tay giọt biển”. Hô khẩu hiệu thế nhưng trong tâm thật biết có thật quỳ khấn các chiến sỹ bỏ mình vì nghĩa lớn không? Hay quỳ giả vờ trong thơ để tỏ ra với chính thể đang cầm quyền “Ta đây cũng yêu nác lắm”?. Không có một từ, một câu, một dấu phẩy nào ngân lên và làm rung động tấc lòng người đọc. Viết về sự hy sinh cho Tổ quốc của những người lính biển, những người giữ phần đất đai máu thịt của non sông, người ta viết hay hơn, xúc động hơn vạn lần Nguyễn Phan Quế Mai:
VĂN TẾ 74 TỬ SĨ TRONG TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA
ngày 17 – 19.01.1974

Hỡi ơi!
Nhẹ tựa lông hồng,
Nặng tày non Thái.
Những cái chết đã đi vào quốc sử, con cháu nghe mà xót dạ bàng hoàng,
Bao con người vì gánh vác giang sơn, cây cỏ thấy cũng chạnh lòng tê tái.
Anh linh kia hoài phảng phất thiên phương,
Chính khí đó sẽ trường tồn vạn tải.

Mới hay,
Giòng giống Việt luôn còn nòi nghĩa dũng, thịt tan xương nát sá chi,
Trời đất Nam đâu thiếu bậc anh hùng, máu đổ thây rơi nào ngại.
Kính các anh vị quốc thân vong
Bày một lễ thâm tình cung bái.
Nhớ các anh xưa,
Tuổi trẻ thanh xuân,
Khí hùng chí đại.
Thời binh hỏa đâu màng gì nhung gấm, chọn tri âm tri kỷ chốn sa trường,
Thuở can qua há tiếc chút bình an, nguyền báo quốc báo dân nơi hiểm ải.
Một tấc đất vẫn là cương thổ, ông cha xưa bao đời gầy dựng, sao cam lòng để vuột mất đi.
Dăm hòn đảo ấy vốn bản hương, anh em nay mấy độ canh cày, quyết tận sức ra gìn giữ mãi.
Từ Chúa Nguyễn sách văn1 chép rõ, nhân dân Nam từng khai thác làm ăn,
Đến Pháp Thanh công ước2 còn ghi, chủ quyền Việt chẳng luận bàn tranh cãi.
San Francisco hội nghị3, mừng biết bao, thấy thế giới đồng lòng,
Việt Nam Quốc gia chính quyền4, vui xiết kể, đón sơn hà trở lại. ...
*.
Huế ngày 18 - 01 - 2014
NGUYỄN PHÚC VĨNH BA
Đấy là chưa kể tổ tiên nhân loại ngày xưa viết về các trận chiến ái quốc đau thương đầy cảm hứng bi hùng sâu sắc:
BI TRẦN ĐÀO

“Mạnh đông thập quận gia tử
Huyết tác Trần Đào trạch trung thủy
Dã khoáng thiên thanh vô chiến thanh
Tứ vạn nghĩa quân đồng nhật tử

Quân Hồ quy lai huyết tẩy tiễn
Nhưng xướng Hồ ca ẩm đô thị
Đô dân hồi diện hướng bắc đề
Nhất dạ cánh vọng quan quân chí”
(Đỗ Phủ)

THƯƠNG TRẬN TRẦN ĐÀO (*)

Tháng mười, tài trai trong mười quận
Máu thành ao Trần Đào đặc quánh.
Đồng hoang, trời trong không tiếng gươm.
Một ngày bốn vạn lính tan xương!
Quân Hồ về tên dây đầy máu,
Ăn uống ca ồn ỹ phố làng
Dân kinh thành nhìn bắc trông ngóng
Mong quân mình tới diệt Hồ gian!

(Đỗ Hoàng dịch thơ - Cao điểm chốt 176 - Biên giới Việt - Lào tháng 12 năm 1972)
(*) Ở phía đông Hán Dương, nơi đại quân Phòng Quán, tế tướng Đường Túc tông bị quân của An Thủ Trung, tướng của An Lộc Sơn phá tan. Một ngày chết mất 4 vạn lính
Gạc Ma, ơi Gạc Ma là một bài thơ cũ kỷ, hời hợt nông cạn, sáo mòn, hô khẩu hiệu suông, lên gân không phải lối. Hết sức giả dối. Nó không có một tâm thế thi ca, không có tầm trí tuệ thi tứ. Nó chỉ ở đắng cấp con hát, sơ sài, nhạt nhẽo, có phần đồng bóng, láu cá vặt... Nó không đưa lại một cái mới gì cho thơ ca nước Việt.

  
Mời thư giãn với nhạc phẩm NƠI ĐẢO XA
của Thế Song, qua tiếng hát Trọng Tấn:
           
*.
Hà Nội, 16.04.2016
ĐỖ HOÀNG
Quê quán: Cao Vân, Lệ Thủy, Quảng Bình.
Hiện sống và làm việc tại Hà Nội.
Email: donguyenhn@yahoo.com
Điện thoại: 091.336.96.52
.





  ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 19.06.2019
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét