(Nguồn ảnh: internet) |
LUẬN BÀN VỀ MÔN
TỬ
VI ĐẨU SỐ
*
(Tác giả Thiên Việt) |
Lâu nay khoa Tử Vi có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều
tầng lớp người, do nhiều người muốn có một lá số để dự đoán mệnh
vận, vì chỉ cần một lá số là có thể đoán được số mệnh trong một
khoảng thời gian, như xem trọn đời, xem đại hạn, xem tiểu hạn, xem
nguyệt, nhật và thời hạn, mà không dùng đến lịch vạn sự.
Có phải môn Tử Vi là một thuật toán
có cơ sở khoa học hơn những môn bói toán khác, khi trong lá số có
các phương trình hàm số, nếu lý giải được những hàm số, môn Tử Vi
chắc sẽ giúp ích cho các dự đoán thêm tính chính xác hơn chăng?
Hi Di Trần Đoàn ông tổ môn Tử
Vi là ai ?
Hiện nay nhiều người lập số và giải
đoán Tử Vi, nhưng ít người hiểu môn Tử Vi này đã sai trên mấy trăm năm
nay qua, nên việc giải đoán khó có thể được xem là chính xác. Vì kể
cả nơi xuất xứ của môn Tử Vi, cũng không có được bản gốc của môn
thuật toán này, như ông Vũ Tài Lục từng viết trong cuốn “Tử
Vi Đẩu Số Toàn Thư”:
- “Chỉ biết từ
đời Gia Tỉnh thuộc Minh triều có lưu truyền cuốn Tử Vi Đẩu Số Toàn
Thư do La Hồng Tiên biên soạn… trong lời tựa, La Hồng Tiên nói tác giả
của bộ mệnh thuật này là của Hi Di Trần Đoàn.
“La Hồng Tiên viết tiếp: – Thường nghe nói cái lý
của số mệnh rất huyền vi, ít ai biết cho tường tận để mà thuận thụ
coi công danh phú quý trên đời, vì ai cũng có số mệnh cả.
“Tôi vì muốn biết, nên đã tới tận núi Hoa Sơn chỗ
ông Trần Đoàn đắc đạo, để chiêm bái nơi thờ tự của bậc đại hiền.
Lúc ra về thấy một vị cao niên, thái độ ung dung chân thực đưa cho tôi
cuốn sách mà bảo – đây là Tử Vi Đẩu Số toàn tập của Hi Di tiên sinh.
“Mang về mở ra xem, ban đầu các sao mang nghĩa lý
thật ảo diệu, càng đọc thấy lời bàn luận xác đáng…
“Bởi thế tôi
muốn được đem những lời dạy của Hi Di tiên sinh mà phổ biến cho khắp
thiên hạ …”
Như vậy theo phân tích, tác giả La Hồng
Tiên chỉ là người chấp bút, phổ biến môn Tử Vi Đẩu Số vào dân gian,
còn tác giả chính danh là Hi Di Trần Đoàn. La Hồng Tiên sống vào
thời Minh triều (cùng nhóm tượng số với Thiệu Khang Tiết, vào thế
kỷ 14 – 17), tức sau đời nhà Tống đến vài thế kỷ, mà cuốn Tử Vi
Đẩu Số ông ta nhận được có đúng là của Hi Di Trần Đoàn hay không,
đến nay vẫn còn là ẩn số.
Nhiều người cho rằng, những năm từ thế
kỷ thứ 10 đến thế kỷ 17, 18, việc bảo quản tư liệu còn rất hạn
chế, nhất là sách viết tay nằm trong dân giả, đã qua vài trăm năm
cuốn sách này e không còn nguyên vẹn để ông La Hồng Tiên đưa ra phổ
biến trong dân gian !?
Những bậc lão thành chuyên nghiên cứu
các môn mệnh thuật trong lịch sử Trung Hoa cũng cho biết, trong lịch sử
văn hóa Trung Hoa không có sách nào nói đến tên Trần Đoàn, nhưng trong
truyền thuyết dân gian thì có đề cập đến, nên không ai rõ thân thế
của Hi Di Trần Đoàn là ai.
Trong truyền thuyết có kể mơ hồ về thân
thế của Hi Di Trần Đoàn như sau:
– Từ thời hậu Đường chuyển qua nhà
Tống, đất nước Trung Quốc bấy giờ đã trải qua nhiều biến chuyển về
chính trị. Trần Đoàn được sinh ra trong thời gian này (cuối thiên niên
kỷ thứ nhất), ông lớn lên trong hoàn cảnh loạn lạc, là một nho sinh
cảm nhận nổi đau đớn của sự thăng trầm trong xã hội, đã bỏ đời lên
núi tu tiên tránh họa (tức lên Hoa Sơn).
Trên Hoa Sơn, Trần Đoàn gặp được một dị
nhân không tên, không tuổi, chỉ có biệt danh là Ma Y đạo giả. Trong
thời gian này Trần Đoàn được dị nhân truyền cho các lẽ huyền vi của
tạo hóa qua thuật xem Bát Quái, Âm Dương Ngũ Hành (theo Cổ nhân danh
số kỳ mộng cho là học được sách của Nam Hoa tiên ông, mà Ma Y đạo
giả thuộc hàng hậu bối mấy mươi đời truyền lại), nên ông hạ sơn với
ý đồ qua các học thuật đã học từ Ma Y đạo giả, đì tìm người anh
hùng có chân mạng thiên tử để ra mặt an giặc chăn dân.
Khi Trần Đoàn xuống núi, ông gặp một
bà lão đang gánh thúng, mỗi thúng có một đứa bé đang ngồi bên trong.
Khi xem qua tướng mạo hai đứa trẻ, Trần Đoàn biết đã tìm thấy minh
quân, nên có bao nhiêu tiền liền đem tặng hết cho bà lão, và báo cho
bà ta biết hai đứa bé này sau lớn lên sẽ làm vua, vậy nên cố gắng
nuôi chúng thành người.
Sau đó từ đời hậu Chu là Chu Thế Tôn,
người đi bước đầu trong việc thống nhất đất nước, vì từ thời Hậu
Đường đến đời hậu Chu, đất nước Trung Quốc đang chia năm xẻ bảy, mỗi
anh hùng cát cứ một phương coi như giang sơn riêng của mình. Chu vương
chỉ mới gồm thu đất nước nhưng chưa bình định, trong thời gian 5 năm
thì mất.
Đến cuộc chính biến tại Trần Kiều do
hai anh em ruột Triệu Khuông Dẫn và Triệu Khuông Nghĩa lãnh đạo, đánh
dẹp nốt các phương các trấn, bấy giờ Trung Quốc mới mở ra trang sử
mới, đất nước thống nhất. Hai anh em họ Triệu lập ra nhà Tống.
Triệu Khuông Dẫn xưng đế là Tống Thái
Tổ. Sau khi Tống Thái Tổ băng hà, Triệu Khuông Nghĩa lên nối ngôi xưng
đế là Tống Thái Tôn.
Hai vị vua đời Tống đó chẳng ai khác
hơn là hai đứa bé ngồi trong thúng, được Trần Đoàn nhận ra tướng
mệnh thiên tử. Trong truyền thuyết còn nói, vua Tống Thái Tổ có cho
người lên Hoa Sơn mời Trần Đoàn ra làm quan nhưng ông từ chối, sau này
lên tìm một lần nữa thì không gặp.
Vua Tống được Hoàng Thái Hậu kể lại
chuyện xưa, nên phong tặng Trần Đoàn danh hiệu Hi Di (có nhiều sách
còn viết ngoài hiệu Hi Di, Trần Đoàn còn có hiệu là Đồ Nam).
Nói như thế ông tổ của môn Tử Vi là Hi
Di Trần Đoàn chỉ do truyền thuyết, còn lịch sử văn hóa Trung Hoa không
có tên ông trong mọi phương diện hay góc độ nào.
A/- MỨC ĐỘ CHÍNH XÁC CỦA TỬ VI
Muốn chấm một lá số Tử Vi, chúng ta
phải đổi ngày tháng năm và giờ sinh ra âm lịch. Nhưng khi đổi ngày
giờ ra âm lịch như thế nào mới gọi là đúng ?
– Hiện nay có người cứ tra lịch 100 năm
(lịch thế kỷ XX : 1901 – 2000 hay XXI : 2001 – 2100) để đổi từ ngày
dương lịch ra âm lịch, và giờ thì tính từ 23g hôm trước đến 01giờ
sáng hôm sau là giờ Tý …cho đến 21 g – 23 g là giờ Hợi.
Nhưng nhiều người lại tính chi li theo
lối Bát Tự :
– Nếu ai sinh gần đầu tháng, nên xem
ngày giao tiết.
Thí dụ: sinh ngày 3 tháng 4 năm 1998,
lúc đối chiếu nhằm ngày mùng 7 tháng 3 năm Mậu Dần. Nhưng tiết Thanh
Minh đến vào ngày 9/3 năm Mậu Dần, và theo các nhà chiêm tinh khi vào
tiết Thanh Minh mới gọi là tháng 3, vì thế lá số sẽ ghi ngày tháng
là: mùng 7 tháng 2 năm Mậu Dần, thay vì ghi mùng 7 tháng 3. Theo cách
này, nếu gặp tháng nhuận năm 13 tháng cũng không ảnh hưởng đến tháng
sinh.
– Còn giờ, thí dụ sinh lúc 03g10 phút,
có người cho đó là giờ Dần (từ 03g đến 05g), nhưng tính toán theo
vòng quay trái đất với mặt trời, tháng 2 giờ Dần bắt đầu từ 03g15
đến 05g15, vậy 03g10 vẫn còn trong giờ Sửu.
Trên đây mới nói đến 2 hình thức thay
đổi ngày giờ từ dương lịch qua âm lịch; và theo thí dụ còn những
người sinh trong thời gian trước ngày 3 tháng 2 năm 1998 như sau : Theo
lệ thường sẽ tính sinh vào năm Mậu Dần, nhưng theo cách tính theo
Tiết khí như đã nói, năm sinh trên đây vẫn thuộc năm Đinh Sữu, và là
tháng 12 âm lịch. Vì ngày 4 tháng 2 mới vào tiết Lập xuân, mới kể
là tháng giêng năm Mậu Dần.
Vậy từ các đầu mối này cho thấy khoa
Tử Vi không nhất quán một hệ thống hoán chuyển ngày tháng năm và
giờ sinh như thế nào cho đúng, mỗi thầy lập số tính theo cách của
mình và bảo lưu tập quán đó, như người đã đọc qua môn Bát Tự Hà
Lạc thấy cách tính âm lịch theo Tiết Khí là đúng hơn cả, vì hai môn
Tử Vi và Hà Lạc đều do Trần Đoàn biên soạn, không lẽ ông lại có hai
cách tính âm lịch khác nhau qua chính hai môn thuật số của mình ?
Trên thực tế các cách trên đều sai. Do
môn Tử Vi được khai sinh từ thời nhà Tống vào thế kỷ thứ 10. Trong
thời gian này đất nước Trung Hoa vừa yên nội loạn sứ quân, Triệu
Khuông Dẫn mới bắt đầu bình định đất nước lên ngôi xưng đế, đất nước
lúc đó vẫn chưa có người phương Tây đặt chân đến để có dương lịch 365
ngày trong một năm 12 tháng, mà chỉ có lịch Can Chi Tiết Khí: Ngày
Giáp Tý, tháng Canh Ngọ, năm Mậu Dần, giờ Đinh Sữu v.v…, không có
ngày 7, tháng 2 … như môn Tử Vi khi lập số.
Nếu môn Tử Vi có từ thời nhà Tống,
vậy cách tính ngày giờ của môn thuật toán này vào lúc ấy hẳn không
giống bây giờ tính bằng các con số, và hoán đổi ngày giờ theo những
cách đã nói trên.
Còn khoa Tử Vi lúc khởi thủy được tính
ngày tháng năm và giờ sinh như thế nào, đến nay nhiều người còn tìm
hiểu. Nếu quả thật môn Tử Vi là của Hi Di Trần Đoàn thì cách lập
số không phải như bây giờ, còn nếu không môn Tử Vi Đẩu Số chỉ là
sách đời sau mượn danh Trần Đoàn mà thôi.
B/ – LẬP ĐƯỢC BAO NHIÊU LÁ SỐ
Môn Tử Vi có những giới hạn rất rõ
rệt, theo cách lập trình của vi tính, môn này chỉ lập không đầy
518.400 lá số cho trên hơn 7 tỷ người trên trái đất. Tức tỷ lệ gần
0,8/10.000 %.
Khi lập trình tổng quát, sẽ có các số
liệu như sau :
– Số năm = 60 (Lục thập hoa giáp)
– Số năm nam và nữ : 60 x 2 = 120
– Số tháng: 12 tháng x 120 lá số
= 1.440
– Số ngày: b/q 30ngày/tháng x 1.440 =
43.200
– Số giờ: 12 giờ âm lịch x 43.200 =
518.400
Nếu tính đúng tính đủ chỉ có 512.640
lá số.
Cho thấy một lá số Tử Vi không hoàn
toàn dành cho một người mà cả chục ngàn người, tính chính xác không
thể gọi là cao vì xác suất quá thấp.
Lá số Tử Vi cũng không thể nói lên
được việc song sinh mỗi người sẽ có một lá số riêng, những người ái
nam ái nữ, dị dạng, thân thể dính nhau, không thể lập thành một lá
số v.v… Tử Vi hạn chế nhiều mặt như đã nói, nhưng nhiều người vẫn
cho rằng môn này có thể áp dụng để xem mệnh vận cho cả một tập
thể, như dùng ngày thành lập để chấm số như môn Mai Hoa ?! Chính các
lẽ trên mà môn Tử Vi sau này bế tắc.
Những người nghiên cứu Tử Vi, nhận xét
môn thuật toán này chỉ đúng từ 60 đến 70% vào giai đoạn chưa lập
thân, tức sống còn dựa vào gia đình, khi ra đời xác suất chỉ ở mức
từ 40 đến 50%, khi lập gia đình chỉ đúng khoảng trên 30%, do môn Tử Vi
ở thế TĨNH, mọi tên tinh đẩu khi tọa thủ trên lá số là bất di bất
dịch không dời đổi, mà theo thuyết Âm dương Ngũ hành thì mọi vật đều
có sự chuyển đổi, biến hóa không ngừng, không ở một nơi, không có gì
nhất định, chỉ có biến hóa mới thật có vận khí của trời !
Những cái khác biệt của môn Tử Vi không
rõ có từ bao giờ, khi đúc kết có những cái sai cơ bản như đã trình
bày, nên sự lệch lạc trong phần lấy lá số là thế, còn phần giải
đoán số lại càng làm mọi người không nắm được mục đích cuối cùng
của ý nghĩa của từng tên tinh đẩu. Bởi các tên tinh đẩu hiện nay
được thêm bớt quá nhiều.
Và khi người chấm số đi vào phần ghi
đại hạn 10 năm, tiểu hạn 1 năm, nguyệt hạn, nhật hạn và thời hạn,
thì lá số trở thành “cuộc chiến giữa các vì sao”.
Người cần mẫn còn ghi phần Âm dương Ngũ
hành cho từng tinh đẩu, vị trí miếu hãm trên các cung. Còn người chỉ
lợi dụng môn bói toán làm kế sinh nhai, chẳng ai chú thích những vị
trí và sự biến đổi âm dương trên từng tinh đẩu đó.
Nhiều người cứ giải đoán theo 14 chính
tinh tọa thủ trên lá số, mà không cộng hưởng những gì từ trung tinh
đến bàng tinh làm ảnh hưởng đến độ số. Cứ xem có Tử Phủ Vũ Tướng
là số quý cách; có Liêm Trinh là người có tình dục mạnh mẽ, đa dâm,
háo sắc; có Cự Môn thì hay gặp lời tiếng thị phi, khẩu thiệt; có
Thiên Tướng nếu làm văn phòng thì giữ chức vị cao, trong quân đội
chức nhỏ cũng từ cấp tá v.v..
Xem số Tử Vi là phải nắm rõ biện
chứng Âm Dương tiêu trưởng, Ngũ hành sinh khắc, độ số từng tinh đẩu
tọa thủ, nhưng có mấy ai nắm hết các thông số này, để loại trừ tăng
giảm cho nhau ?!
.
Mời thư giãn với nhạc
phẩm MỘT CÕI ĐI VỀ
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Trịnh Công Sơn:
*.
THIÊN VIỆT (tên thật Nguyễn Văn Việt)
Địa chỉ: 119D, KP3 Mai Chí Thọ, An Phú,
Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh
Email: nguyenviet168@yahoo.com.vn
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 15.11.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét