NHỚ CHIỀU KHOAI NƯỚNG
CỦA NGỌC MAI
*
Nhóm chiều nướng củ
khoai lang
ngồi bệt đất đợi
khói lan đầy trời
vom vem bỏng vạt áo
rồi
phù phù vừa thổi
vừa cời nhọ nhem
Ơ kìa có đứa chết
thèm
đứng trông mà mắt
ướt nhoèn đòi ăn
thế là trâu tớ cậu
chăn
nửa củ khoai đổi
bài văn cậu làm
…
Hết rồi bữa ấy ăn
tham
trâu còn gặm cụt
chiều tàn nắng mơ
bài văn lấm suốt
tuổi thơ
mà sao khoai nướng
bây giờ xa nhau
*.
NGỌC MAI
LỜI BÌNH:
(Tác giả Nguyễn Xuân Dương) |
Bài thơ rất độc đáo rất trong sáng ngộ nghĩnh.
Phải có tài năng mới biết khám phá chắt chiu những thi ảnh độc đáo trong sáng
và ngộ nghĩnh ấy để lan tỏa và thẩm thấu được trong lòng người đọc, làm sống
dậy những kỷ niệm của quá khứ xa xôi. Chắc chắn trong mỗi chúng ta đã có rất
nhiều, rất nhiều những buổi chiều khoai nướng như Ngọc Mai. Bài thơ được viết
ra từ một tâm hồn trẻ trung thơ ngây và vì thế nó mang một vẻ đẹp cũng thơ ngây
trẻ trung hồn nhiên của những thiên thần
Nhóm chiều nướng củ
khoai lang
ngồi bệt đất đợi
khói lan đầy trời
vom vem bỏng vạt áo
rồi
phù phù vừa thổi
vừa cời nhọ nhem
Mở đầu là cái cảnh nướng khoai có điều gì vừa
chân thực dí dỏm nhưng cũng chứa đựng yếu tố phi lí. Câu thơ mở đầu chính là sự
phi lí nhất của những gì gọi là phi lí. Chỉ có Ngọc Mai mới có thể nhóm được
buổi chiều mà thôi. Thực ra đây là một câu thơ tả thực. Tức là nhóm lửa nướng
củ khoai lang trong một buổi chiều quê trên cánh đồng làng.
Chính cách nói ngược lại đã làm cho bài thơ có
sức mạnh cuốn hút người đọc. Cảnh nướng khoai thật ngộ nghĩnh. cô bé nhõ nhem,
nhõ thỉu ngồi nướng độc nhất một củ khoai lang đến bỏng cả vạt áo, thế mà:
Ơ kìa có đứa chết
thèm
đứng trông mà mắt
ướt nhoèn đòi ăn
thế là trâu tớ cậu
chăn
nửa củ khoai đổi
bài văn cậu làm
Bốn câu thơ đọc lên ta thấy vui lây về cách xưng
hô với cậu bạn trai cùng trang lứa. Thấy được chỗ yếu của đứa bạn cô gái nướng
khoai đã đưa ra những điều kiện trao đổi. Muốn ăn nửa củ khoai nướng thì cậu
phải chăn trâu cho tớ và không chỉ thế cậu phải làm bài văn cho tớ. Một cái giá
tôi nghĩ là quá đắt nhưng đứa con trai đã đồng thuận.
Không hiểu trong sự đồng thuận ấy chỉ vì nửa củ
khoai nướng hay có một điều gì đó lớn lao hơn giá trị nửa củ khoai lang. Tôi
tin vào điều đó và vì thế mới dẫn đến:
Hết rồi bữa ấy ăn
tham
trâu còn gặm cụt
chiều tàn nắng mơ
bài văn lấm suốt
tuổi thơ
mà sao khoai nướng
bây giờ xa nhau
Chỉ thế thôi mà nó đã trở thành kỷ niệm hằn in
trong tâm khảm cho hết một kiếp người. Chẳng hiểu ai ăn tham ở đây? Có thể là
cả hai đứa vì mải ăn nửa củ khoai và có lẽ còn mải nhìn nhau, ngắm nhau khúc
khích, để đến nỗi: “Trâu còn gặm cụt
chiều tàn nắng mơ” Trâu không gặm cỏ mà gặm chiều tàn, gặm nắng mơ. Câu thơ
thật đẹp thật mộng mơ. Trâu còn mộng mơ như vậy huống gì đôi trẻ. Thi ảnh đó đã
nói lên cả hai đứa chỉ nghĩ về nhau mà quên đi cái nhiệm vụ chăn trâu. Hai con
trâu đã bị buộc chặt vào hai cái cọc ở đâu đó. Bài văn đã đi cùng tuổi thơ của
đứa con gái. Bài văn lấm có nghĩa là đã có nỗi ân hận vì cái giá của nó chỉ là
nửa củ khoai và hơn thế đó là chuyện học hành lười nhác chểnh mảng. Kỷ niệm đầu
đời là thế cứ tưởng rồi họ lớn lên sẽ gắn bó với nhau suốt đời. Nhưng nào ngờ
họ lại phải xa nhau.
Chỉ mấy cặp lục bát đã làm sống dậy trong ta cả
một miền dĩ vãng thơ ngây để rồi nó sẽ cùng ta đi hết cuộc đời đầy gió bụi./.
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 25.03.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét