CON VỀ NGÕ NHỎ CỦA NGỌC MAI - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương (Bắc Ninh)

Leave a Comment

CON VỀ NGÕ NHỎ
CỦA NGỌC MAI
*
CON VỀ NGÕ NHỎ

Con về ngõ nhỏ thoảng hương
lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
đâu rồi bóng mẹ liêu xiêu
đâu rồi dải yếm rất nhiều gió hong
Còn đâu chổi quét lá bòng
còn đâu bông bưởi trắng trong rụng đầy
chẳng còn hoa khế tím cây
chẳng còn vai mẹ hao gầy gió sương
Mơ màng khói bếp còn vương
thoáng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào
gạo khuya ai giã đêm sao
thèm nghe tiếng mẹ ho bào canh thâu
Trăng non khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng!
*.
NGỌC MAI
LỜI BÌNH:
(Tác giả Nguyễn Xuân Dương)
Con về ngõ nhỏ là một bài thơ viết về mẹ của Ngọc Mai mà tôi nghĩ rằng hễ ai đã đọc nó sẽ thấy lòng mình ngấn lệ và nước mắt thì nhạt nhòa. Tất cả chúng ta đều thấy bóng dáng của mẹ mình đẫm nét qua từng câu từng chữ thơ Ngọc Mai. Dù rằng bóng dáng của người mẹ ở đây chỉ được lưu giữ trong tâm thức nhà thơ chứ không phải người mẹ bằng xương bằng thịt trong đời. Cái ngõ nhỏ ngày xưa ấy, cái ngõ nhỏ của mẹ giờ con đã trở về đây. (Một cái ngõ ở vùng quê Thiên Thai heo hút ấy chắc vẫn vẹn nguyên như ngày nào). Nhưng với con khi không còn mẹ nữa ở trên đời cái ngõ nhỏ biết bao hương sắc cảnh vật đã gắn với cuộc đời của mẹ giờ không tồn tại. Nhà thơ cứ thế kiếm tìm trong vô thức những kỷ niệm đã gắn với cuộc đời của mẹ:
Con về ngõ nhỏ thoảng hương
lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
Đúng như tôi đã dự đoán cái ngõ nhỏ đó vẫn vẹn nguyên và đẹp biết bao nhiêu. Không phải cái ngõ được lát bằng những thứ gạch thông thường mà được lát bằng một thứ vật liệu hư ảo nhất: Nắng chiều vàng ươm. Và mùi hương của quê hương mẹ vẫn cứ như còn thoang thoảng đâu đây. Tôi nghĩ những cái ngõ nhỏ như thế chỉ có thể tồn tại trong thi ca và trong tâm hồn đa cảm của nhà thơ Ngọc Mai. Đẹp đến nao lòng! Thế nhưng:
đâu rồi bóng mẹ liêu xiêu
đâu rồi dải yếm rất nhiều gió hong
Một câu hỏi xé lòng thi nhân và xé cả lòng ta. Bóng mẹ mới ngày nào còn liêu xiêu trong ngõ nhỏ giờ có còn đâu. Mẹ đã đi đâu về đâu và cả cái vạt yếm đã hong bao nhiêu gió nắng của cuộc đời giờ cũng đi đâu về đâu?
Còn đâu chổi quét lá bòng
còn đâu bông bưởi trắng trong rụng đầy
chẳng còn hoa khế tím cây
chẳng còn vai mẹ hao gầy gió sương
Cái chổi là dụng cụ tạm thời có thể thời gian đã hủy hoại. Còn tại sao những bông bưởi trắng trong và hoa khế tím cũng lại không còn? Không còn mẹ hoa bưởi ngát thơm cho ai, trắng trong cho ai và hoa khế nữa hoa biết tím cho ai bây giờ khi “chẳng còn vai mẹ hao gầy gió sương”. Còn con thì xa quê biền biệt không về …
Mơ màng khói bếp còn vương
thoáng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào
gạo khuya ai giã đêm sao
thèm nghe tiếng mẹ ho bào canh thâu
Đọc khổ thơ như xát muối như dao cứa vào lòng ta. Tất cả chỉ tồn tại trong mơ màng của ký ức. Một giải khói bếp vương chiều, hương nước lá vối của mẹ còn vương đâu đây vẫn ngọt ngào như ngày còn mẹ. Tiếng chày giã gạo đêm sao cứ thình thịch, thình thịch nện vào trong trái tim đứa con gái bé bỏng của mẹ. Con thèm nghe cả tiếng mẹ ho “Ho bào” là ho liên tục ho bào cả gan, bào cả ruột, bào cả phổi ra, ho khản cả tiếng mất cả hơi. Dù vậy con vẫn thèm nghe để khẳng định mẹ đang tồn tại. Nhưng tất cả đã không tồn tại nữa. Mẹ ơi! Nơi vĩnh hằng xa thẳm mẹ có nghe con đang gọi mẹ. Mẹ ơi!
Trăng non khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng!
Đến đây thì nhà thơ đã hoàn toàn chìm trong vô thức. Hay đúng hơn nhà thơ đã nhìn thấy mẹ mình hiện hữu khi nhìn thấy giàn trầu của mẹ. Mẹ không còn nữa giàn trầu giờ cũng côi cút cô liêu đến nỗi trăng non thương quá giàn trầu của mẹ rồi khóc. Lệ trăng đã ướt đầm lá trầu của mẹ và mẹ đã hiện về dưới ánh trăng khuya. Trăng thương lá trầu mà khóc. Còn mẹ thương trăng mẹ lại chải đầu cho trăng. Những thi ảnh ở đây phi lí hư ảo đến tận cùng và có một ma lực siêu phàm ám ảnh tim ta ám ảnh đời ta. Thử hỏi có gì nhân nghĩa hơn thế khi thiên nhiên và con người nơi đây cứ hòa quyện cứ đùm bọc chở che nhau trong vòng tay nhân ái dịu dàng?
Đọc hai câu kết tôi cứ nghĩ vùng đất nghèo áo cơm nhưng giàu nhân nghĩa và mẹ không chỉ nuôi Ngọc Mai khôn lớn thành người mà còn bồi đắp tâm hồn Ngọc Mai trở thành thi sỹ. Một thi sỹ giàu yêu thương và nhân hậu với mẹ, với quê hương, với cuộc đời.
Cảm ơn Ngọc Mai đã tạo dựng một pho tượng đài bất tử về người mẹ trong thế giới thi ca để mỗi chúng ta đều cảm nhận được bóng dáng thân yêu của mẹ mình khi đọc bài thơ Con về ngõ nhỏ./.
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.                                         



…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 25.03.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét