CÀNH MAI VÀNG
*
Hai mươi chín tết Loan về đến nhà. Ô tô đi
mất một ngày một đêm, người cô phờ phạc, riêng cành mai vàng vẫn tươi roi rói.
Mẹ và con gái Loan, mừng rở chạy ra tận ngỏ đón. Đứa con gái lên ba ôm lấy hai
chân mẹ. Trao cành mai cho mẹ, Loan bế xốc đứa bé lên hôn tới tấp. Mẹ Loan bảo,
con về ăn tết là vui rồi, mua cành mai làm gì, phải nâng niu suốt dọc đường cho
vất vả. Nhà đã có cành đào, người ta mang từ ngoài Bắc vào bán, người bán bảo
đây là đào Nhật Tân ngoài Hà Nội. Loan cười, cành mai này là bố cháu mua ở chợ
hoa Sài Gòn bảo con mang về tặng mẹ và con gái. Nghe vậy, đứa bé rối rít hỏi,
ba đâu không về hả mẹ. Bà xoa đầu cháu, năm nay ba bận, tết năm sau ba mới về.
Nói rồi bà cụ giục Loan đi rửa chân tay vào thắp nhang gia tiên rồi ăn cơm. Bấy
giờ đã hơn chín giờ Loan hạ ba lô xuống, lôi ra bao nhiều là quà : khăn nhung
cho mẹ, quần áo mới cho con gái. Cháu bé líu lo : Quần áo của con ba mua phải
không mẹ. Loan ừ à cho xong chuyện và rơm rớm nước mắt.(Tác giả Xuân Đài)
Chuyện ba cháu thật khó nói. Cách đây ba năm,
Loan bế đứa bé đỏ hỏn về làng bà con lối xóm đã xôn xao bàn tán, không thấy đám
cưới hồi nào, tự dưng có con mang về. Lúc Loan viết thư cho mẹ báo tin có bầu,
bà cụ nghĩ ra cách mang trầu cau đến tận từng nhà trong gia tộc, từng nhà trong
làng báo tin Loan đã được công ty tổ chức đám cưới trong Đồng Nai. Dân quê vốn
là những người thích tò mò, thích buôn chuyện, chả mấy người tin là có đám cưới
thật. Người ta buôn chuyện là có cái lý của họ
Lúc Loan bỏ quê vào Nam làm công nhân lúc
cô đã hai sáu tuổi. Ở tuổi này dân quê người ta đã yên bề gia thất, con đàn con
đúm. Loan được coi là gái ế mới bỏ làng ra đi. Hoàn cảnh Loan, không giống các
cô gái trong làng. Bố chết vì tai nạn ô tô lúc Loan chưa đầy mười tuổi. Hai mẹ
con đùm bọc nuôi nhau. Những ngày nông nhàn mẹ lên thị xã làm thuê, Loan ở nhà
lủi thủi một mình, tự lo cơm nước và cắp sách đến trường. Loan là đứa học giỏi,
mỗi năm lên một lớp cho đến tận lớp 12. Mẹ bảo Loan ở nhà phụ mẹ, chớ có thi
đại học, đậu thật mẹ cũng chẳng có tiền đâu lo cho con vào tận Sài Gòn nhập
học. Loan cãi, lúc sống ba dặn con cố gắng vào đại học cho bằng chị bằng em,
làm sáng danh dòng họ… Bây giờ con không thi thì nói sao với hương hồn của ba
hả mẹ. Mẹ thủ thỉ, vậy thì con cứ thi, thi hai trường đậu cả hai cho cả làng
sáng mắt ra. Nhưng liệu mi có thi đậu hay không ? Loan nói cứng, con đã thi là
đậu, mẹ biết đấy, con là học sinh giỏi của trường, thi tốt nghiệp, năm môn con
đạt 46 điểm, mẹ coi lại giấy khen của ty giáo dục cấp cho những học sinh tốt
nghiệp với những điểm cao trong tỉnh thì biết. Con nói thật, vào tận Sài Gòn
thi cũng tốn kém lắm chứ không phải chuyển đùa đâu mẹ ạ. Tốn khoảng bao nhiêu,
mẹ gặng hỏi. Ít nhất cũng phải có mười triệu, tiền làm mấy bộ hồ sơ, tiền tàu
xe, tiền ở trọ ăn ở trong đó một tuần. Liệu mẹ có lo được không ? Tau lo dược
bằng cách bán hết lúa dự trữ trong nhà chỉ sợ mi thi trượt thì coi như thóc lúa
đổ hết xuống sông.
Loan tin ở mình, cô nộp hồ sơ thi cả hai
khối A và B, Toán, Lý Hóa, Sinh, cả bốn môn của lớp 12 cô đều đạt loại giỏi.
Khối A cô nộp hồ sơ cho trường Bách Khoa, khối B cô nộp vào trường Dược. Thi
xong, như nhiều học sinh khác, trở về làng. Loan là một trong những em, mang
khuôn mặt hớn hở, đi khắp làng trên xóm dưới. Bà Tư Quý có thằng con trai cũng
học lớp 12 với Loan ở trường Huyện, cũng vào Sài Gòn thi đại học, nghe đâu ở
khối C, thi xong về nhà mặt buồn rười rượi, hỏi Loan: liệu con có đậu không,
còn thằng con nhà dì chắc là đạp vỏ chuối rồi, gặng hỏi nó chẳng chịu mở miệng.
Loan cười, con ấy à,nếu khoa con thi chỉ lấy hai đứa thì chắc con trượt, họ chỉ
cần lấy đến đứa thứ 3 là con đậu. Loan cười toe toét sau câu nói nửa đùa nửa
thật. Chỉ gần nửa tháng sau, anh văn thư ủy ban xã nhắn mẹ Loan lên lấy giấy
báo của mấy trường đại học gửi từ trong Sài Gòn ra. Loan đậu cả hai trương thật.
Mẹ Loan bảo, tao tính cho mi học một trường, tính đi tính lại, nát cả óc cũng
không xoay đâu ra tiền, nghe người ta nói, học đại học tốn kém lắm, nhà mình
chỉ có hai sào ruộng, tháng ba ngày tám lên thị xã làm thêm, công việc thất
thường, chẳng kiếm được bao nhiêu. Mi đã đậu cả hai trường là làm sáng danh
dòng họ rồi, ba mi ở dưới suối vàng chắc vui, chắc thanh thoát, thế là đủ. Bây
giờ mi ở nhà phụ má, sau đó là lo chuyện chồng con. Từ đó Loan ở nhà chứ chả có
cách nào vào Sài Gòn nhập học như con nhà người ta. Bốn năm sau, Loan cũng
chẳng có mối tình nào vắt vai vì lý do rất đơn giản, trai làng lớn lên lớp đi
bộ đội, lớp ra Bắc vào Nam tìm công ăn việc làm. Vả lại Loan tuy học giỏi ăn
nói có duyên nhưng khuôn mặt không được đẹp, da lại đen xạm, đứa xấu mồm gọi
Loan là Loan nhọ. Nghe vậy Loan phớt lờ, không thèm giận.
Ở quê vất vả, Loan xin mẹ vào Nam làm công
nhân. Mẹ bằng lòng, chỉ dặn đi dặn lại, con gái có thì, vào trong đó kiếm lấy
một tấm chồng. Lúc này Loan đã hai sáu tuổi, công ty may của cô ở Đồng Nai, nơi
cô xin được việc làm, con gái con trai đều xấp xỉ tuổi hai mươi, làm sao bọn
trẻ này trở thành một nửa của cô được. Cô ế dài dài. Có một anh quê ở Tiền
Giang, ngoài ba mươi làm bảo vệ, mỗi lần gặp cô là tủm tỉm cười, trò chuyện
thăm hỏi từ công việc ở xưởng đến việc đồng áng quê cô ngoài trung. Không biết
ai nói với anh cô mồ côi cha chỉ có hai mẹ con sống với nhau, mà lần nào thăm
hỏi anh cũng chỉ có mấy chuyện đó đề nói. Hai người bén duyên nhau lúc nào
không biết, cô tự nói với lòng mình, đó là số phận trời sắp đặt…
Ngày cô bế đứa con gái đỏ hỏm về làng, bà
con lối xóm đến thăm hỏi, mười người có đến chín người bình luận, không giống
mẹ chắc là giống cha. Cứ nhìn khuôn mặt con bé thì biết cha nó đẹp trai…
Đêm ấy ba bà cháu nằm với nhau. Để bé con
ngủ ngon, mẹ mới tì tê, bố đứa bé là ai, quê ở đâu, thư từ mi gửi về không đar
động gì đến những việc này, không có lễ chạm ngõ, không có lễ cưới hỏi gì cả,
mẹ mới phải nghĩ ra cái trò phân phát trầu cau cho đẹp mặt gia đình. Con biết
đấy, dân làng mình họ từng trải, nói theo cách của mấy tờ báo mẹ thường đọc là
gì nhỉ, mẹ già rồi đọc trước quên sau. Lúc sau sực nhớ ra bà kêu khe khẽ, nhớ
rồi họ gọi là nhạy cảm. Dân làng mình vừa thông minh vừa nhạy cảm, ai cũng là
“bà tám” cả. Nằm nghĩ ngợi mông lung, cuối cùng Loan nói thật tất cả với mẹ :
Anh ấy quê ở miền tây đã có một vợ hai con, chị ấy buôn bán vặt vãnh ở chợ
huyện, anh lên Đồng Nai làm bảo vệ, trực theo ca, khi không trực anh chạy xe ôm
kiếm thêm tiền gửi về nuôi vợ con. Nhiều lần anh đưa tiền cho con, bảo là góp
tiền nuôi bé gái, con đều lắc đầu từ chối, bảo với anh, lương em không những đủ
mà thừa sức nuôi hai mẹ con, anh giành tiền gửi về quê để chị nuôi các cháu.
Nói thực với mẹ, con chỉ xin anh ấy đứa con, chứ không bao giờ phá hoại hạnh
phúc đang yên ổn của gia đình người ta. Nhiều lần anh ấy năn nỉ con đưa anh ấy
ra quê thăm con bé, con đều từ chối vì không muốn giữa hai người sâu đậm tình
cảm làm tổn thương đến vợ con anh ấy. Con rất hiểu tấm lòng của anh đối với đứa
con gái ruột thịt của mình, thương lắm, nhưng phải chối từ. Mẹ Loan đột nhiên
hỏi, vậy bố con bé có biết quê quán nhà ta không? Loan lại thủ thỉ, nhiều lần
ảnh hỏi rất kỹ tên xã tên huyện của nhà mình, cuối cùng anh chỉ biết quê con ở
Khánh Hòa thôi, con không hé răng tên làng tên xã để gây rắc rối sau này. Muốn
bảo vệ hạnh phúc cho gia đình anh ấy, buộc con phải kín miệng, má thấy con làm
vậy có đúng không ? Con nói thêm điều này cho má biết, tháng tư năm sau, hết
hợp đồng với công ty là anh về quê phụ giúp vợ trông gian hàng ở chợ huyện mà
vợ anh vừa sang lại. Nghe đâu là bán tạp hóa, thế là chúng con không gian díu
với nhau nữa. Còn con, ăn tết xong, trở lại công ty là con xin thôi việc để
tính chuyện tương lai.Trước đây hàng tháng, ngoài tiền gửi về cho má để hai bà
cháu sinh sống, con cũng giành dụm được ít nhiều để lậnglưng. Như má đã biết,
con vừa mua được xe máy, mua lại của một bác già vừa về hưu với giá rẻ, bác bán
như cho, bác mua mười tám triệu, chạy gần hai năm mà chưa đến một nghìn cây số,
bán lại cho con có năm triệu.
Ôm chặt con gái vào lòng, bà già tỉ tê :
Mi nói tình chuyện tương lai là tính làm sao, nói tau nghe coi ? Loan từ tốn,
lẽ ra ngày trước, con cứ vào đại học vẫn được vì trong Sài Gòn nhiều việc làm
thêm lắm, làm gia sư này, rửa chén bưng bê ở các quán ăn này, còn bao việc làm
khác mà nông dân như má con mình thì có ngại ngần chi. Chuyện đã qua rồi, hối
tiếc cũng đã muộn, bây giờ con phải làm lại từ đầu, hè này con sẽ thi đại học,
thi vào trường y làm bác sỹ để lo tương lai cho hai mẹ con con. Bà già bổng kêu
lên thảng thốt, mi gần bốn mươi tuổi rồi, bỏ học hơn mười năm còn bày chuyện
thi với cử, mi có khùng không đó ! Loan nhấc bổng đứa con gái đang nằm ở giữa
vào phía sát tường cạnh cô, thủ thỉ nói với mẹ : những ngày ở Đồng Nai con vẫn
dạy kèm cho các em từ lớp 10 đến lớp 12 là con em của các công nhân lớn tuổi
trong công ty. Dạy các cháu cũng là cách con ôn lại bài vở thời trung học, nói
theo cách nói của các nhà giáo là con không hề bị hỏng kiến thức, có nói ra má
cũng không hiểu hết, các môn thi ngành y là Toán , Hóa , Sinh con đều nắm rất
chắc, không phải tự kiêu đâu má ơi, con đã thi là đậu, má tin con đi. Còn ở
tuổi con vẫn thi đại học, chẳng có gì lạ, năm kia có bác già thi vào khoa tiếng
Nga của trường đại học nhân văn, bác đậu với điểm cao. Má biết, lúc đó bác ấy
bao nhiêu tuổi không, 64 tuổi đó má ạ. Bác trả lời phỏng vấn trên một tờ báo,
bác là thương binh, có lương hưu, học tiếng Nga không phải để xin việc làm mà
để đọc sách văn học Nga nguyên bản. Năm vừa rồi lại có một bác 58 tuổi thì vào
trường đại học xây dựng, cũng không hề đạp võ chuối. Tuổi con đã lấy gì làm
cao, sau sáu năm học con trở thành bác sỹ, biết đâu làm ở bệnh viện lại kiếm
được chồng ngon lành cũng nên. Nói đến đó Loan rúc ríc cười. Mẹ Loan vuốt tóc
con, chửi yêu, tổ cha cô, tính toán như bà cố, để coi rồi cô có làm được không
?
Sau cái tết đầy đủ của ba bà cháu cả về
vật chất và tinh thần, Loan bế con vào Đồng Nai để cho bố cháu được gặp mặt con
gái. Việc này, sau tết Loan đã bàn bạc với mẹ, mẹ bằng lòng với điều kiện là
chỉ được ở trong ấy cho đến khi Loan thôi việc, chuẩn bị cho việc thi cử, phải
đưa cháu ngoại về cho bà.
Mọi người trong công ty,nhất là những
người quê ở Khánh hòa mấy tháng trước đã biết rõ tính toán cho tương lai của
Loan, họ đều tin Loan sẽ đậu đại học y khoa vì ai cũng biết Loan là người học
giỏi, có ý chí.
Mồng 6 tết, bà già tiển hai mẹ con ra ga
tàu hỏa ( không đi ô tô như lần về) xuôi Nam, đứa bé nhất định đòi bà cho cháu
cầm cành mai vào chơi với bố. Bà ngoại chiều cháu trong ràn rụa nước mắt
Phía trước là mùa xuân của hai mẹ con. Một
mùa xuân khởi đầu cho tính toán của Loan. Sẽ vất vả đấy để tự kiếm tiền theo
học một ngành mà thời gian lâu nhất của các trường đại học. Ai cũng tin vào ý
chí của người nông dân ở một vùng quê nghèo khổ và hiếu học sẽ thực hiện được
ước mơ của mình.
Cây mai vàng và chuyến tàu vun vút chạy
vào Nam trong đêm xuân đưa hai mẹ con vào mơ ước của đời mình. Mơ ước có thật,
chứ không phải ảo tưởng.
Cây mai vàng sẽ tươi mãi cho đến khi chị thực hiện được ý định của mình. Mai vàng ơi, nhớ trở lại vào các mùa xuân của cuộc đời hai mẹ con chị Loan nhé.
Mời thư giãn với
nhạc phẩm ĐI BÊN ANH MÙA XUÂN
của Lê Quang, qua tiếng hát Mỹ Tâm:
*
XUÂN ĐÀI
Địa chỉ: Chung
cư Nguyễn Biểu
quận 5, thành phố Sài Gòn.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ
email quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 27.12.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng
ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét