(Đặng Xuân Xuyến: 1996, 1999, 2001, 2002) |
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ
Truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến
Diễn đọc: KHỀ KHÀ TRUYỆN
Hắn không biết bây giờ
đã mấy giờ, càng không nhớ hắn đã nốc bao nhiêu ly rượu. Hắn không nhớ mà cũng
chẳng cần nhớ điều đó làm gì. Mọi người nhìn hắn như nhìn một quái vật. Không
sao, chẳng nghĩa lý gì với hắn. Đời mà. Phù thịnh chứ ai phù suy. Hắn đã từng
vụt sáng, chói lóa trong mắt mọi người, và bây giờ, hắn tiều tụy, thảm thương
còn hơn mèo đi kiết. Hắn không nuối tiếc thời vàng son oai liệt, cũng chẳng ân
hận những việc đã làm. Với hắn, cuộc đời như một manh chiếu bạc, người thắng kẻ
thua là chuyện thường tình. Thằng nào ngu thì chết. Vậy thôi. Hắn ngu thì phải
thua cuộc. Trách ai? Hận ai? Giờ đã là kẻ thất thế, có nói cũng chẳng ai tin,
chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ. Hắn không thích phân trần, càng không thích
nhận ở thiên hạ lòng trắc ẩn, sự ban ơn, thương hại. Hắn còn nhiều việc phải
làm, đâu rảnh rang mà ngồi oán thán thiên hạ...
Chiều nay, hắn mới ngộ
ra một điều: Không phải sự thật bao giờ cũng được trân trọng. Không phải lòng
tốt bao giờ cũng được đáp đền bằng tình nghĩa. Vì thế, hắn thề sẽ không bao giờ
tốt với ai nữa, sẽ không bao giờ tin ai cả. Cái giá hắn phải trả đã quá đủ để
cạch đến già tính thương người, lòng trắc ẩn đến dớ dẩn của hắn.
Chiều qua, hắn tìm
thằng bạn nối khố để đòi lại số tiền hắn cho vay mấy năm trước. Thằng bạn nhướng
đôi lông mày thô đậm, xoăn tít, nhìn hắn từ đầu xuống chân rồi hô hố cười, bảo
hắn là thằng khùng, nếu đói quá, không có chỗ xoay sở thì cầm lấy vài chục
nghìn mà đắp đổi qua ngày, việc gì phải diễn trò ngớ ngẩn như thế. Hắn nóng mặt
mắng thằng bạn là đồ đểu... Thằng bạn trề môi, lu loa: - Bà con vào đây mà xem,
một thằng đến đôi dép cũng không có mà đi lại đòi là chủ nợ của tôi cơ đấy?
Khốn nạn thân hắn. Đã
cố phân trần, cố giải thích đầu đuôi câu chuyện nhưng chẳng ai thèm tin lời
hắn. Thiên hạ đâu có dở hơi? Họ còn thừa quá nhiều minh mẫn để tranh nhau chỉ
ra ngữ hắn chỉ là thằng Chí Phèo hiện đại. Trắng đen quá rõ. Một ông chủ giàu
có nhất vùng mà lại nợ tiền thằng cha căng chú kiết? Chỉ có thằng điên mới tin điều
ấy, mà bọn này đâu có điên?! ..
Được thể, thằng bạn
hất hàm về phía tủ bát, bảo hắn đập ra lấy vài mảnh mà rạch mặt.... Hắn tím mặt
vì tức. Hắn sấn đến túm ngực, tưởng sẽ đấm nát cái mũi ngắn và thấp tè của kẻ
“xôi thịt” cho hả giận, nhưng không, hắn chỉ khạc bãi đờm rồi nhổ tọt vào mõm
thằng bạn. Đúng, hắn sẽ chẳng làm được gì thằng bạn. Hắn không có giấy thằng
bạn nhận nợ. Hắn không có người làm chứng. Hắn chỉ có niềm tin vào tình người -
mà thứ đó thì giá lại quá rẻ rúng, cũng đảo điên bát nháo khó lường. Vì thế, đương
nhiên hắn phải thua thằng bạn.
Đến đầu ngõ, vợ thằng
bạn đứng đợi sẵn, năn nỉ xin hắn bỏ qua chuyện vừa rồi vì “thời gian qua nhà em
gặp nhiều chuyện buồn quá.”. Hắn sẵng giọng: - “Chuyện nó vay tiền của tôi cô
cũng biết, sao lúc nó chửi tôi cô lại lảng tránh như vậy? Hay là cô với nó rắp
tâm chiếm đoạt?”. Người đàn bà ấy chỉ biết cúi đầu, ngân ngấn nước mắt: - “Ơn
của anh lớn như trời biển. Số tiền đó, em hứa sẽ lựa lời để chồng em thu xếp
trả. Thực ra, anh ấy đâu phải loại người như thế...”. Hắn cười gằn và định nói
toẹt ra chuyện thằng chó chết ấy đã bỏ hàng lậu vào kho hàng của hắn rồi ngầm
báo công an để hắn thành kẻ vỡ nợ, tù tội nhưng nhìn thấy khuôn mặt vàng ủng,
nhàu nát như quả táo héo của vợ thằng bạn, hắn thấy nao lòng. Người ta cũng
chẳng sung sướng gì khi phải làm vợ thằng mất dạy ấy. Cũng tủi nhục lắm chứ.
Cũng ê chề lắm chứ..... Nghĩ thế, hắn đành ngậm miệng mà quay lưng rảo bước.
*
Hắn đi nhưng chẳng
biết sẽ đi đâu, về đâu? Liệu hắn còn chỗ nào để tá túc?
Có đấy. Hắn vẫn còn
ngôi nhà nho nhỏ ở ngoại ô, trước khi “nhập trại” hắn đã giao cho thằng em kết
nghĩa trông coi, giờ hắn có thể đường đường chính chính về ngôi nhà của mình
nhưng chiều qua, hắn nghe phong phanh ngôi nhà đã đổi chủ. Mọi người không biết
chủ mới là ai nhưng thằng em kết nghĩa thì vẫn sống ở đó.
Nghĩ tới thằng em kết
nghĩa, hắn nhoẻn miệng cười. Hình ảnh thằng bé đánh giày nhem nhuốc, ngập ngừng
đưa trả ví tiền nhặt được làm lòng hắn ấm lại. Hắn rút ví thưởng cho nó trăm
nghìn nhưng thằng bé khăng khăng không nhận. Nhìn khuôn mặt thông minh lanh lợi
của nó, nhất là khi hiểu rõ hoàn cảnh gia đình thằng bé, hắn nảy ý định nhận nó
làm em kết nghĩa. Ngoài việc chu cấp tiền ăn học, thi thoảng hắn lại dúi cho
thằng em ít tiền gửi về đỡ đần bố mẹ. Thằng em cũng ngoan, ham học và chịu khó
phụ việc trong nhà nên hắn thương, hắn chiều hết mực. Nhiều lần chứng kiến cảnh
thằng bé chăm bẵm, chiều chuộng hai đứa con của hắn như người chú ruột, hắn mỉm
cười, hài lòng với quyết định của mình.
Hắn đã vui trở lại. Dù ngôi nhà vì lý do nào
đó đổi chủ thì hắn vẫn tin thằng em kết nghĩa sẽ nhảy cẫng lên khi nhìn thấy
hắn. Với niềm tin ấy, hắn phấn chấn rảo bước.
Chạy ra đón hắn không
phải là thằng em kết nghĩa mà là con “Tình Nghĩa”. Thấy bóng người lạ, nó lao
vút ra và ông ổng sủa. Hắn khẽ quát: - “Hư nào. Quên tao rồi sao Tình Nghĩa?”
Con chó khựng lại rồi vẫy đuôi rối rít. Hắn lẩm bẩm: - “Thế chứ, phải nhận ra
chủ cũ chứ. Bõ công tao yêu thương chăm sóc mày.”. “Tình Nghĩa” có vẻ mừng lắm,
cứ chạy loăng quăng quanh hắn, thi thoảng lại nhoài hai chân về phía trước, cúi
xuống ngửi ngửi rồi liếm liếm bàn chân lấm lem của hắn.
Một cảm giác thật dễ
chịu.
Hắn cúi xuống, vuốt
nhẹ hàng lông đen mượt, vỗ vỗ vào lưng “Tình Nghĩa”, nựng nó như nựng một người
bạn: - “Vui lắm hả? Thế chủ của mày đâu? Chắc vẫn còn đang ngủ chứ gì? Thôi,
vào đánh thức chủ mày dậy, bảo rằng tao đã về.”. “Tình Nghĩa” nằm im, đuôi ve
vẩy ra chừng mừng lắm rồi chạy tót lên trước. Được một đoạn lại vòng lại rúc
rúc đầu vào chân hắn, rồi lại vọt lên trước như giục hắn nhanh bước vào nhà.
Nhìn lướt căn phòng.
Hắn ngạc nhiên vì sự thay đổi. Bức chân dung của hắn đã bị tháo bỏ, thay vào đấy
là bức họa thằng em đang phì phèo điếu thuốc. Hắn khẽ thở dài.
Hắn ngồi quãng nửa
tiếng đồng hồ thằng em mới uể oải ngồi dậy. Khuôn mặt của nó vẫn hồng hào béo
tốt nhưng dưới mắt, nơi ngọa tàm thì thâm quầng, đen kịt, dấu hiệu của những
ngày ăn chơi trác táng. Hắn lại khẽ thở dài.
Vươn vai. Lững thững
ra bể nước súc miệng òng ọc rồi nhổ toẹt một cái, thằng em mới thủng thẳng: -
“Anh về bao giờ vậy? Mà sao anh lại ăn mặc bô nhếch bô nhác thế. Thiên hạ người
ta cười chết.”.
Hắn thật thà: - “Ừ,
biết thế nhưng hoàn cảnh của anh giờ bi đát quá nên đành vậy. Mà... Em có khỏe
không? Thời gian qua em sống tốt chứ?”
Thằng em vắt chân ngồi
xuống ghế, ngáp một cái rõ dài rồi mới nhát gừng từng chữ: - “Cũng tàm tạm.
Chắc thời gian qua anh sống sung túc nhỉ!”
Hắn bực. Hắn định bạt
tai thằng em kết nghĩa nhưng nghĩ tới hoàn cảnh hiện tại, hắn bấm bụng cố nhịn.
Hắn hiểu, thằng em đã thay đổi, cũng rặt phường giá áo túi cơm. Hắn tặc lưỡi: -
“Thôi thì cũng là do số phận. Cung nô của hắn chẳng ra gì thì đành chấp nhận. Đã
Tham Lang hãm địa lại đồng cung với Thiên Diêu hãm địa thì đời hắn tàn vì chữ
tình là phải.”. Hắn yêu và gìn giữ thằng em còn hơn một báu vật. Hắn yêu sự
“tinh quái” rất trẻ thơ của nó mà vắt mình ra để chằm bặp, dạy bảo. Đời hắn đã
thiếu thốn tình cảm nên hắn dồn cho thằng em kết nghĩa đến cạn kiệt chữ tình.
Vậy mà .... Hắn đã lầm, đã sai, giờ có ân hận cũng chẳng làm được gì.
Nghĩ cho cùng thì cũng
tại hắn. Ngay ngày đầu “lượm” thằng em về nhà, vợ hắn đã cảnh cáo: - Anh thương
người vừa phải thôi, kẻo lụy đến thân đấy. Em nhìn thằng này sẽ không có trước
có sau. Đàn ông gì mà ngồi nói chuyện mắt cứ cụp xuống, không dám nhìn thẳng
vào người đối diện. Lông mày lại thưa, sống mũi lại nghiêng lệch thì tử tế sao được.
Hắn ôm vai vợ, cười ngất và quả quyết thằng bé sẽ ngoan, sẽ nên người, hắn
không thể nhầm được... Cũng từ đó, nhà hắn thưa dần rồi mất hẳn nụ cười hạnh
phúc của người vợ.
Đã ngán ngẩm về chuyện
“ông em chồng” từ trên trời rơi xuống, vài tháng sau, vợ hắn càng thêm bực khi
hắn lù lù dẫn vợ chồng thằng bạn về nhà tá túc. Tiền ăn đã không đóng một xu mà
bữa nào thằng bạn cũng ỉ ôi cơm canh không vừa miệng. Vợ hắn cằn nhằn thì hắn
lại nói câu cửa miệng: - Người ta có khó khăn mới phải ăn nhờ ở đậu. Em để ý
làm gì. Vì giữ thể diện cho chồng, vì nấn ná giữ mái ấm gia đình nên vợ hắn
nuốt giận. Tưởng vậy là đủ, ai dè hắn lại cao hứng lôi tiền ông nội để lại cho
bọn nhỏ đưa thằng bạn vay mua nhà, mở xưởng. Không chịu được cái kiểu thương người
một cách lập dị của chồng, vợ hắn nằng nặc nộp đơn ly dị. Hắn cố níu kéo nhưng
không được. Vợ hắn đã hết khả năng chịu đựng. Hắn đành gom góp mua ngôi nhà
này, để lại căn nhà của tổ tiên cho vợ con ở. Từ đó, hắn trở thành người độc
thân bắt buộc. Từ đó, thằng em càng được hắn cưng chiều...
Đợi thằng em uống xong
chén nước, hắn vào thẳng vấn đề:
- Chú à. Hoàn cảnh
hiện tại của anh ...
Thằng em khoát tay
ngắt lời:
- Thôi, khỏi cần. Em
biết anh sẽ nói những gì. Vâng, nhà này mua bằng tiền của anh nhưng em đã làm
sổ đỏ đứng tên là chủ sở hữu rồi. Anh khỏi bận tâm về ngôi nhà nữa. Còn số tiền
em thu nợ giúp anh, em dùng để nuôi Tình Nghĩa ba năm cũng vừa vặn hết. Em cũng
muốn trả Tình Nghĩa cho anh nhưng thấy tội nghiệp nó. Nếu theo anh, nó sống
bằng gì. Em biết anh đang khốn quẫn nên em gửi anh 300 USD coi như trả nghĩa
anh nuôi em ăn học nên người. Ôi! Mệt quá! Em đi ngủ đây. Xin lỗi anh. Em không
tiễn anh được.
Kỳ lạ. Lúc trước hắn
có vẻ bực bội, vậy mà giờ nghe những lời đểu giả của thằng em, hắn lại thản
nhiên gõ gõ ngón tay xuống bàn, rồi nhếch miệng cười - Nụ cười vẫn vẹn nguyên nét
kiêu bạc ngày nào.
Cầm vài tờ Mỹ kim
thằng em vừa đưa, hắn xoè ra châm lửa đốt. Thằng em nhảy chồm lên giật lại: -
Ông bị điên à?
- Ừ! Tao đang điên đây.
Tao điên bởi nhân tình thế thái bạc hơn vôi.
Hắn cười khanh khách,
cười như bị ma làm và bước thấp bước cao ra cửa. Tình Nghĩa nhìn theo hắn rồi hướng
ánh mắt ai oán vào thằng em kết nghĩa. Thuận chân, thằng em đạp Tình Nghĩa văng
ra cửa, chửi đổng: - Đồ chó. Biến theo chủ của mày đi cho có bạn. Tình Nghĩa
chồm dậy, tru lên đau đớn rồi vọt nhanh ra cửa....
*
Hắn lại gọi rượu.
Không biết ly này là thứ mấy? Hắn không biết say? Hay nỗi đau quá lớn không thể
làm say hắn được? Kể cũng lạ, người khác uống rượu thì sắc mặt thay đổi, vậy mà
hắn nốc tưng đấy ly rượu mà sắc mặt vẫn không thay đổi, trông có vẻ còn lãng tử
hơn lúc chưa uống rượu.
Kéo cổ áo, hắn rúm ró
người khi nghe tiếng chép miệng của cậu bé bán rượu: - Khổ thân. Tử tế đến ngu
dại...
Hắn dướn mắt nhìn và
cầm ly rượu.
Một bàn tay khẽ khàng đặt
lên vai hắn.
Một giọng nói nhẹ như
gió thoảng:
- Về nhà đi em. Khuya
lắm rồi.
Nâng ly rượu, hắn
nhếch miệng cười ruồi:
- Về ư? Về đâu? Có nhà
đâu mà về?
- Về nhà anh.
- Nhà anh? Ha...
ha...ha....Nhà anh.... Ừ, về nhà anh.... Ha...ha...ha...
Hắn cười.
Nghe buốt lạnh.
*
- Vào đi! Mẹ kiếp, còn
cái đếch gì để mà cao đạo? VIP đấy. Phục vụ đến nơi đến chốn nghe không!
Bình thản. Hắn lướt
nhìn ả trút bỏ quần áo. Cơ thể ả lộ dần. Trắng phau. Không tỳ vết.
Mẹ kiếp. Con đàn bà
thối thây. Hắn lầm bầm trong miệng rồi lạnh lùng nhìn ả như nhìn một đồ vật. Ừ.
Khuôn mặt đẹp, da lại trắng hồng nhưng nhiều tàn nhang thế kia thì đĩ là phải.
Tội nghiệp thằng chồng, đẹp trai và tài giỏi mà cam chịu để vợ cắm sừng. Nhưng
cũng tại cả thằng chồng. Đàn ông gì mà mắt cứ lúng la lúng liếng, lại ướt át như
mắt con gái, khuôn mặt lại đượm nét buồn thì cái chuyện vợ chồng có vấn đề là
phải. Chả trách con vợ đĩ lên đĩ xuống, đĩ ngang đĩ dọc mà thằng chồng cấm dám
ho he.
Hắn nhổ nước bọt rồi
kéo ả vào lòng. Bàn tay hắn từ từ xục xạo. Đôi môi hắn điệu nghệ lướt trên cơ
thể của ả. Từng thớ thịt của ả giật giật. Cơ thể ả nóng hổi. Bầu vú ả căng
cứng. Mùi của lá sả, mùi của giống cái hòa quyện làm hắn chơi vơi. Một cảm giác
thèm muốn trỗi dậy. Hắn muốn làm nhanh, thật nhanh cho đã cơn bức bối nhưng lời
dặn của thằng dẫn mối buộc hắn gồng mình chống đỡ. Hắn phải cố kéo dài thời
gian để ả bị kích thích sự thèm muốn. Ả là khách sộp, là kẻ lắm tiền nên ả có
những sở thích quái đản. Ả trả tiền mua vui không theo kiểu bóc bánh trả tiền
mà theo thời gian hành sự và sự lão luyện của thằng điếm đực bán mình. Thằng đàn
ông bán thân nuôi miệng như hắn không được phép làm cho ả mất hứng. Muốn giữ được
con mồi, hắn phải tạo được sự lão luyện hơn hẳn những thằng điếm khác.
Lảng tránh ánh mắt đờ
đẫn, hoang dại của ả, hắn chợt thấy kinh tởm. Hắn kinh tởm ai? Kinh tởm con đàn
bà đĩ thõa đang lên cơn động đực? Hay kinh tởm kiếp trai nhục nhã của kẻ bán
mình? .... Mẹ kiếp. Con đàn bà mắc dịch. Con quỷ cái khoác bộ mặt xinh đẹp. Cái
loại trốn chúa lộn chồng như mày đáng phải đem bỏ rọ trôi sông. Hắn chửi thầm
trong bụng và bàn tay lấn sâu vào vùng nhạy cảm quyết liệt, thô bạo. Ả rú lên đau
đớn và nhìn hắn bằng ánh mắt trách giận. Hắn chùng lòng, với bao thuốc và lập
bập châm lửa...
Ả đẹp. Hắn cũng thích.
Nhưng ả đĩ quá, dơ bẩn quá. Ả giàu tiền nhưng lại nghèo nhân cách. Ả được mẽ người
nhưng nhân phẩm lại te tua, nhàu nát. Hắn khinh thường những kẻ như ả. Hắn
không thích cuộc chơi này nhưng hắn không còn sự lựa chọn... Hắn cần tiền. Hắn
cần tạo dựng lại cơ nghiệp. Hắn cần được tung hô, cần được trọng vọng như ngày
trước. Đời hắn không thể thiếu thứ hàng xa xỉ đó. Hắn đã quen thế rồi. Hắn thề
khi kiếm đủ tiền làm vốn, hắn sẽ hoàn lương, sẽ từ bỏ nghề nhục nhã, nhơ nhuốc
này....
Bàn tay hắn lại nhẹ
nhàng mơn trớn. Ánh mắt hắn lại lẳng lơ, vung vẩy. Và môi hắn, lại điệu đà đĩ
bợm...
Ả rướn người, vít cổ
hắn xuống và ngấu nghiến hôn. Đôi môi ả tham lam, nhích dần xuống vùng bụng săn
chắc của hắn. Mồ hôi hắn rịn ra. Cơ thể hắn căng cứng. Bàn tay ả lập cập... Ả
trườn người và cúi xuống... Hắn vội đẩy ả ra và hổn hển thở.
Ả cau mày khó chịu.
Một bàn tay nặng trịch
ấn hắn ngồi xuống.
Một giọng nói sắc gọn,
rờn rợn vang lên:
- Làm bổn phận đi.
Muốn chết à?
Hắn cúi mặt.
Cánh cửa sau lưng bập
khóa.
*
Quán đã vắng
người.
Hắn uể oải ngồi xuống
và gọi rượu.
Hắn muốn mượn rượu để
quên đi tất cả.
Đời thật chó! Đã cướp
đi tất cả những tốt đẹp của hắn. Canh bạc này, hắn thua đậm quá! Thằng bạn nối
khố, thằng em kết nghĩa và cả con bồ của hắn... tất cả đều giả dối. Tất cả đều
lợi dụng hắn, rồi đạp hắn lún sâu vào dòng xoáy nhơ bẩn. Hắn hận những kẻ đó!
Hắn thề, ngày vinh quang trở lại, sẽ thẳng tay với những kẻ đã đẩy hắn vào thảm
cảnh này. Hắn đau lắm! Trước kia, hắn là ông chủ thành đạt, sang trọng, giờ hắn
là thằng điếm rẻ tiền, nhớp nháp. Tất cả đều do lũ dạ thú mặt người đó gây ra.
Hắn tự nguyền rủa mình
vì hắn đã thay đổi nhiều quá. Đến cả nụ cười, ánh mắt của hắn cũng bị biến
dạng. Hắn thấy nhục nhã và sợ hãi chính sự thay đổi ấy.
Những mất mát quá lớn
đã bóp nghẹt trái tim của hắn. Hắn không tin ai được nữa. Hắn không thể yêu ai
được nữa. Hắn cảm thấy trái tim của hắn hình như đã bị tê liệt mọi cảm xúc, mặc
dù có đôi lúc, hắn vẫn thấy trỗi dậy sự ham muốn với một ai đó, nhưng chuyện đó
rất ít, chỉ thoảng qua như cơn gió lạ trái mùa.
Đâu phải giờ trái tim
hắn chai lì cảm xúc mà bảo đời hắn sẽ bình lặng theo năm tháng? Không biết và
cũng không thể nói trước điều gì vì cuộc đời này khác gì một "con
điếm". Hắn biết, giờ hắn đang được cung phụng, được chiều chuộng bởi những
kẻ rửng mỡ, lắm tiền mà thiếu tình vì mẽ người và nghệ thuật làm điếm của hắn
đã điêu luyện thuộc hàng cao thủ. Hắn cũng cảm thấy muối mặt, nhục nhã khi bị
mọi người nhìn ngó bằng ánh mắt soi mói, khinh bỉ. Nhưng hắn cần tiền. Hắn cần
sống để làm lại cuộc đời. Hắn phải cho lũ chó sáng mắt ra rằng hắn không dễ ngã
gục. Tình yêu ư? Nhân cách tốt đẹp ư? Hắn cóc cần. Những thứ đó đã hủy hoại đời
hắn, xô đẩy hắn xuống tận đáy vũng bùn nhơ nhớp. Thôi. Vái chào những thứ phù
phiếm chỉ trưng bày làm hàng mẫu. Hắn đếch cần những thứ đó.
Hắn gọi rượu, nhấp môi
và vô thức thở dài.
Một ánh mắt đăm đăm
nhìn hắn.
Một cảm giác rất lạ
nhen nhúm trỗi dậy.
Hắn thót người lại, sợ
có điều gì không ổn sắp sảy ra.
Giả bộ kéo lại chiếc
mũ, chỉnh lại dáng ngồi, hắn liếc thật nhanh về phía ánh mắt đang đăm đắm ánh
nhìn.
Ai nhỉ? Hắn đâu có
biết người này? Nhưng mà khuôn mặt ấy, ánh mắt ấy trông quen lắm? Hình như đã
gặp ở đâu mà hắn chưa nhớ ra? ... Hắn nhếch miệng cười ruồi: - Đuỵt mẹ! Giờ hắn
đã nghèo, đã hèn, không muốn bị người khác coi thường, rẻ rúng nên rất sợ gặp
những người quen cũ...
- Anh trai. Em ngồi
cùng được không?
Hắn liếc nhìn. Một gã
thư sinh với nụ cười đàng điếm đang ngập ngừng bước tới. Ồ! Một thằng bóng.
Trông cũng đẹp trai, ra vẻ con nhà tử tế đấy chứ. Tiếc thật... Dạo này sao lắm
đồng cô thế? Mẹ kiếp. Đến thằng bạn nối khố, đầy nam tính, thay người yêu như
thay áo cũng bỗng dưng chuyển hệ...
Không trả lời. Hắn
lẳng lặng nâng ly rượu và nhếch miệng cười khẩy. Gã thư sinh khẽ khàng kéo ghế
ngồi xuống, gượng gạo bắt chuyện:
- Anh... có chuyện
buồn à? Chuyện tình cảm phải không? ... Em cũng đang thất tình đây… Muốn có
người tâm sự quá....
Hắn nhướng mắt nhìn gã
trai như nhìn vật thể lạ, rồi hất hàm, giọng khinh khỉnh:
- Gay à? Lại cái à?
Đuỵt mẹ, đéo phải khẩu vị của anh mày! Lượn ngay cho nước trong!
Gã trai tái mặt,
thoáng chút bối rối, gượng cười, giọng mềm như bún:
- Anh nhầm rồi. Em
cũng đang thất tình như anh nên muốn có bạn rượu để tiêu sầu... Cho em được mời
anh bữa rượu này nhé. Nào, uống đi anh! Không say không về...
Ô hố! - Hắn chửi thầm
- Mẹ thằng lại cái này còn thích làm trò! Cái kiểu ăn mặc bóng bẩy và ánh mắt
nhìn giai ướt át của mày thì chệch đếch đi đâu được? Thất tình? Muốn có bạn
rượu để tiêu sầu? Nghe mùi mẫm cứ như phim Hàn Quốc! Kệ mịa mày! Ừ thì uống. Ừ
thì không say không về. Xem ngữ mày chịu được mấy “phát” mà đòi nhắng
nhít?
Hắn chỉ chiếc ghế, rồi
hất hàm ra hiệu bảo gã trai ngồi xuống.
Cầm chai rượu, rót đầy
2 ly, hắn hất hàm:
- Thích xỉn à? Gọi
thêm vài chai đi. Chén một, chén một được chứ?
Gã trai hớn hở:
- Dạ! Được! Được ạ!
- Nào thì uống! Nào
thì không say không về!
Thế là cả hai, cứ chén
một, chén một, cứ như uống nước cho đã cơn khát.
Càng uống hắn càng
thấy gã trai này lạ lắm, quen lắm. Hắn cứ nhìn, nhìn chằm chằm làm gã trai đỏ
mặt, bối rối. Hắn thấy tiếc cho gã trai trẻ thật nhiều. Hình thức, tri thức và
văn hóa ứng xử ăn đứt khối thằng, vậy mà lại gay... Hắn không còn giữ khoảng
cách nữa mà kéo ghế xích lại gần rồi choàng tay qua người gã, cử chỉ có phần
thân tình, hơi ngả ngốn:
- Này... Anh thấy mày
quen lắm. Không lẽ anh đã lên giường với mày... Không thể! Uầy... Nhưng mà sao
nhìn mày anh cứ thấy quen quen, không biết đã gặp ở đâu...
Đẩy gã trai trẻ ra xa,
hắn dụi mắt, nhìn rất kỹ rồi lại lẩm bẩm:
- Không thể!...
Nhưng... rõ ràng là quen lắm...
Gã trai hơi biến sắc
mặt, vội nâng ly rượu, choàng tay qua người hắn, bả lả cười:
- Nào anh... trăm phần
trăm để sáng mai đón ngày mới hưng phấn hơn...
Hắn nâng chén rượu,
nheo nheo mắt, cụng với gã trai rất tình tứ:
- Anh thích mày rồi
đấy! Nào rót tiếp đi! Uống nữa đi! Không say không về!
Lại uống! Lại cứ chén
một, chén một! Lại nói, mà toàn nói những chuyện từ ngày xưa, ngày hắn còn ở
trên đỉnh vinh quang đã cưu mang, giúp đỡ bao người... Rồi hắn bật khóc, khóc
rống lên như một đứa trẻ. Gã trai ôm hắn thật chặt, giọng cũng ngân ngấn lệ:
- Em biết... Em biết
mà... Anh cứ khóc đi... Khóc cho vơi uất ức...
Hắn đẩy gã trai ra,
giọng đứt ruột:
- Anh không ngờ đời
anh lại có ngày phải làm một thằng điếm...
Hắn bật cười chua
chát.
Rồi hắn líu lưỡi, lắp
bắp mãi mới xong một câu.
Rồi hắn gục mặt xuống
bàn.
Gã trai choàng tay xốc
hắn đứng dậy, giọng hụt hơi, lí nhí:
- Anh... về nhà chứ?
Hắn lắc đầu, yếu ớt
đẩy gã trai bằng giọng nhừa nhựa của thằng say:
- Không được. Thằng
lại cái. Biến đi để tao được yên.
Gã trai dúi vào tay
hắn một xấp tiền.
Hắn khẽ dướn mắt nhìn
xấp tiền rồi lảo đảo ra xe cùng gã.
Trời sắp đổ mưa thì
phải...
*
Hắn tỉnh giấc. Một cảm
giác thật lạ. Không như những lần đi khách khác, tỉnh giấc là thấy đầu nặng
chịch, mồm miệng đắng ngắt, người bải hoải, rã rời... lần này, tâm trạng hắn
thật thư thái, sảng khoái. Có cái gì đó rất yên tĩnh, rất ấm áp, rất khác
thường. Hắn khoái với cảm giác này.
Cố nằm. Hắn cố nhớ đêm
qua đã làm những gì với gã trai trẻ nhưng thật lạ, khó khăn lắm, hắn mới mang
máng nhớ được là hình như lúc kéo gã trai trẻ vào lòng, định đặt nụ hôn lên môi
gã theo thói quen “nghề nghiệp” thì hắn bị gã đẩy ra, đổ oặt xuống giường. Và
hình như, gã trai trẻ đã đứng dậy, ân cần đắp chăn cho hắn, vỗ về hắn bằng
giọng trìu mến: - “Ngủ đi anh! Ngủ đi ân nhân của em!”, rồi khép cửa, bước ra
ngoài.
Hắn cố nhớ nhưng chỉ
nhớ được vậy. Rượu đã làm hắn quên? Hay cuộc chơi đêm qua tẻ nhạt hơn mọi bận
nên hắn không nhớ?
Hắn kéo chăn lên cao,
liếc vội vào bên trong. Hắn ngạc nhiên vì chăn gối rất thơm tho và ấm hơi
người... Tuyệt nhiên không thấy dấu vết của cuộc “vật lộn” “mua bán cuộc tình”:
Chăn chiếu không nhầu nhĩ, xô lệch và cũng không có mùi ngai ngái, nồng nồng
khó chịu như mọi bận. Hắn nhắm mắt lại, hít thật sâu rồi từ từ thở thật nhẹ để
tận hưởng giây phút sảng khoái thật hiếm hoi trong kiếp đĩ đực bán mình.
Chuông đồng hồ điểm
chín tiếng bính boong, bính boong...
Hắn hất chăn, ngồi
dậy. Hắn dụi mắt vì thấy cảnh vật rất quen thuộc. Tiến lại bức chân dung gã
trai với nụ cười đàng điếm, kiêu bạc treo phía cầu thang, hắn dụi mắt thêm lần
nữa. Hắn loạng choạng, loạng choạng, rồi ngồi bệt xuống cầu thang. Hắn không
tin vào mắt mình. Rõ ràng là bức chân dung của hắn. Bức chân dung mà thằng em
kết nghĩa đã thẳng tay vứt bỏ. Hắn cố suy đoán nhưng không thể đoán được gã
trai trẻ là ai? Sao gã lại đưa hắn trở về ngôi nhà của hắn? Sao gã biết mà
trang trí lại ngôi nhà hệt như thời hắn chưa gặp nạn? Còn thằng em kết nghĩa
thì sao? Chẳng lẽ ngôi nhà này đã thuộc quyền sở hữu của gã trai trẻ? Đây là mơ
hay là thực? Cúi xuống, thấy “Tình Nghĩa” đang liếm liếm bàn chân, ngoe nguẩy
đuôi nhìn hắn tỏ vẻ mừng rỡ, hắn ôm lấy “Tình Nghĩa” rồi òa khóc tức tưởi như
một đứa trẻ...
Lá thư từ trong túi áo
rơi ra. Hắn cúi xuống nhặt, rồi chậm rãi đọc.
“Anh!
Ân nhân của em!
Cám ơn Trời Phật đã cho em tìm được anh, đã cho em cơ hội
trừng trị những kẻ vong ân bội nghĩa, hãm hại anh, đẩy anh xuống cảnh đời không
khác gì địa ngục.
Em là cậu bé ở Hưng Yên của 12 năm trước, trong một lần
mải chơi, lạc đường về nhà, may gặp được anh thương tình chở về tận nhà...”
Hắn ngừng đọc và lần
lần về ký ức, nhớ lại chuyện của 12 năm trước…
Hôm ấy, sau khi làm
việc với mấy đại lý ở Hải Phòng, lẽ ra hắn về thẳng Hà Nội nhưng nghĩ sao hắn
lại rẽ vào Hải Dương gặp gỡ đại lý mới. Tàn cuộc nhậu cũng đã hơn 10 giờ đêm,
hắn giục lái xe phóng nhanh về Hà Nội. Khi gần đến thị trấn Bần Yên Nhân (Hưng
Yên), hắn bảo tài xế dừng xe để hắn tranh thủ “giải quyết nỗi buồn”. Giật mình
khi thấy một đứa trẻ đang ngồi thu lu dưới gốc cây, hắn đến bên đứa trẻ, nhẹ
nhàng hỏi:
- Sao cháu lại ngồi
đây đêm hôm thế này?
Đứa trẻ có vẻ cảnh
giác, lấm lét nhìn hắn, không trả lời. Hắn phì cười, vỗ vai đứa trẻ:
- Chú không phải là
người xấu, cháu à. Nếu cháu tin chú, cho chú biết địa chỉ, chú sẽ đưa cháu về
tận nhà.
Đứa trẻ vẫn cảnh giác
nhìn hắn, không nói.
Hắn rảo bước ra xe.
Khi mở cửa lên xe, đứa trẻ mới giật giọng:
- Chở cháu về nhà
với...
Hắn nhớ, dọc đường,
đứa trẻ ấy luôn quay đầu giấu mặt, chỉ cho biết tên làng xã và khi đến đầu
làng, nhất quyết đòi xuống, không chịu để ô tô đưa vào làng.
Hắn cúi xuống đọc
tiếp:
“Và em cũng là cậu bé của 8 năm trước, trong một lần về Hà Nội thăm
người bạn đang nằm viện, bị kẻ gian giật trộm đồ....”
Hắn chau mày cố nhớ
cậu bé của 8 năm trước bị mất đồ là ai trong vô số những người hắn đã gặp? Hắn
chịu! Hắn không nhớ được.
Hắn cúi xuống đọc
tiếp:
“Khi những người khác giương mắt đứng nhìn thì không biết
anh ở đâu, phóng xe đuổi theo và lao vào tên cướp, lấy lại đồ cho em. Dù bị
rách quần áo, trầy xước cả hai tay nhưng anh vẫn tươi cười vỗ vai em, ân cần
nhắc nhở: - Ra thành phố, cẩn thận giữ đồ, thanh niên à. Rồi lên xe phóng đi,
không chờ câu cám ơn của em.
Sững người khi nhận ra ánh mắt trìu mến, giọng nói ấm áp
của vị ân nhân 4 năm trước, em chạy đuổi theo nhưng không kịp. Anh lẫn vào dòng
người tấp nập của phố thị nhanh quá. Em cầu Trời Phật cho em được gặp lại vị ân
nhân để nói câu cám ơn. Em hy vọng, Trời Phật sẽ chứng cho lòng thành của em,
sắp xếp cơ duyên để em gặp lại vị ân nhân đặc biệt của mình.
Cách đây 4 năm, vâng, đúng ra là hơn 4 năm anh ạ.
Một lần vào TÌNH NHÂN QUÁN, em vô tình nghe anh chủ quán
rượu kể chuyện về cuộc đời một vị khách đặc biệt, một “điếm đực nổi tiếng” đất
Hà thành, bằng thái độ xót thương, quý trọng. Tò mò, em cố ngồi đợi xem vị
khách đặc biệt đó là người thế nào? Và đêm đó, em bàng hoàng khi biết anh chính
là vị khách đặc biệt của TÌNH NHÂN QUÁN. Em đau xót cho ân nhân của mình và lên
kế hoạch âm thầm thay ân nhân trừng trị bọn vong ân bội nghĩa, bọn lừa thầy
phản bạn, đòi lại sự công bằng cho ân nhân của mình.
Ngôi nhà này, em đã lấy lại giấy tờ đầy đủ từ tay thằng
em kết nghĩa của anh. Nó thua bạc, gán nhà trả nợ theo đúng kịch bản mà em cùng
nhóm bạn thân dàn dựng. Giờ nó đã được trả về với cái nghề mà ngày xưa anh đã
nhặt nó lên, cưu mang nó, cho nó thành người tử tế. Anh mở ngăn kéo tủ, giấy tờ
nhà đất và cả sợi dây chuyền “bảo bối” mà anh rất quý, bị thằng bạn nối khố của
anh chiếm đoạt, em để cả trong đó.
Số tiền thằng bạn nối khố lừa đảo, em cũng đã đòi lại và
chuyển vào tài khoản cá nhân của anh. Em không đủ lòng nhân ái để nương tay với
kẻ đã đẩy ân nhân của mình vào tù, hòng chiếm đoạt tài sản của ân nhân, nên sau
khi dùng các chứng cứ phạm pháp “uy hiếp”, bắt tên khốn kiếp phải trả lại anh
số tiền đã chiếm đoạt, bọn em đã chuyển cho nhà chức trách những bằng chứng
phạm pháp của nó, bắt nó phải trả giá cho những tội ác đã gây ra. Em tin, anh
sẽ mỉm cười, gật đầu với những việc bọn em đã làm.
Anh!
Ân nhân của em!
Thực lòng, em rất vui và thấy thú vị khi vào vai diễn
cùng anh đêm qua. Có lẽ đấy sẽ là một kỷ niệm đẹp, khó quên vì rất đặc biệt của
em với ân nhân của mình. Em tin, chắc chỉ anh em mình mới có kỷ niệm đặc biệt
đó. Tiếc là lúc này, khi anh đang đọc lá thư của “gã trai đẹp gay nặng”, em lại
không được trực tiếp nói với anh câu:
- Ân nhân! Em cám ơn anh nhiều, nhiều lắm!
Giờ, khi anh đang đọc lá thư này, có lẽ em đã ở sân bay
Nội Bài, chuẩn bị sang đoàn tụ cùng vợ con bên Nhật.
Vâng! Nhất định khi trở về Việt Nam em sẽ đưa vợ con đến
chào anh. Lúc bấy giờ, em sẽ thoải mái được nói lời cám ơn anh, cám ơn vị ân
nhân đặc biệt của mình.
p/s: Anh!
Chị vẫn còn yêu anh nhiều lắm. Hãy đến làm lành với chị
để các cháu được sống trong vòng tay yêu thương của cả bố, cả mẹ.
Em!
Người chịu ơn anh cả đời!”
Hắn bước ra sân, ngước
mắt nhìn bầu trời xanh ngắt. Tiếng họa mi nhà ai lảnh lót làm hắn lặng người,
rồi bất chợt hắn mỉm cười....
Không hiểu sao, hắn
cười mà khóe mắt lại cay cay, rưng rưng lệ...
*
Hà Nội, mùa hè năm
2006.
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Trong số những lời khen, chê truyện ngắn CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ trên trang facebook của tác giả Đặng Xuân Xuyến, tôi ấn tượng với 2 commnet nên copy dán vào đây:
Trả lờiXóa- Nhà văn Phạm An Hòa:
Văn phong rất đời, câu chuyện có hậu đến khó tin trong thời buổi của sự đốn mạt đã lên ngôi này! Nhưng chẳng lẽ không thể tin được tình người ư? Đọc xong câu chuyện bỗng thấy mình sao quá bi quan vậy? Phải tin vào con người, một loại chúng sinh mà dẫu trong tận cùng của sự băng rả vẫn còn lấp lánh chất người được trân trọng viết hoa chứ!
Cám ơn tác giả đã ít nhiều gì đó, bằng tấm lòng và nghệ thuật dẫn chuyện, đã cho mình một thoáng tin yêu vào cuộc sống!
- Nhà văn Sơn Bùi Thị:
Cám ơn bạn Trần Hải Sơn đã gửi cho tôi xem truyện ngắn tuyệt vời này của Đặng Xuân Xuyến. Thú thật, hôm qua tôi bấm theo đương link của bạn hai lần mà không thể vào được trang blog của Đặng Xuân Xuyến, sáng nay thử lần nữa vẫn không vào được. Vừa xong, tôi vào google tìm được rồi bạn à. Vừa đọc truyện, tôi đã bi cuốn hút ngay bởi cách viết hiện thực trần trụi như môt tác phẩm hiện thực phê phán. Đời chó má thật. Những kẻ vong ân bội nghĩa xử sự còn kém xa một con chó! Tôi đang bị thất vọng vì Đặng Xuân Xuyến nhìn đời bi quan u ám quá. Cái kết bất ngờ, đầy tính nhân văn đã khiến tôi xúc động ghê gớm. Có thế chứ. Đặng Xuân Xuyến ơi, tôi chưa biết bạn là ai mà rất cảm phục bạn bởi nội dung và cách bạn viết truyện ngắn này! Vi tính của tôi bị lỗi nên tôi phải thay rất nhiều dấu cảm thán bằng dấu chấm đấy bạn ạ. Tôi bị ngã bong gân nằm trên giường chíṇ ngày nay rồi, tôi cũng mệt mỏi nên không có thời gian đi thăm, giao lưu với bạn bè trên faceboook và trên blog, nhưng thực sự đọc truyện của Đặng Xuân Xuyến tôi vui lắm. Cám ơn bạn Trần Hải Sơn và bạn Đặng Xuân Xuyến đã đem đến cho tôi niềm vui lớn này nhé.