NHỮNG SINH THỂ VĂN CHƯƠNG VIỆT NHÌN TỪ NHIỀU PHÍA - Tác giả: Bùi Việt Thắng (Hà Tĩnh)

Leave a Comment

 

NHỮNG SINH THỂ VĂN CHƯƠNG VIỆT

NHÌN TỪ NHIỀU PHÍA

*

Đọc Những sinh thể văn chương Việt, tập tiểu luận - phê bình của Lý Hoài Thu, Nhà xuất bản Văn học, 2018

 

1. Sức bền của ngòi bút - người sống với văn chương cùng thời

(Tác giả Bùi Việt Thắng)

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thuộc chuyên ngành lí luận - phê bình không ít (gần một trăm người), nhưng viết phê bình chuyên nghiệp, chuyên chú và thủy chung lại không nhiều, có thể tính đếm trên mười đầu ngón tay. Người nữ viết phê bình và để lại dấu ấn trên văn đàn đương đại thì lại càng hiếm hoi.

Có gần ba mươi năm cầm bút viết phê bình, đến nay Lý Hoài Thu đã là tác giả của bốn công trình được dư luận đánh giá cao: Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám - 1945 (chuyên luận, Nhà xuất bản Giáo dục, 1997), Đồng cảm và sáng tạo (tiểu luận - phê bình, Nhà xuất bản Văn học, 2006), Văn nhân quân đội (tiểu luận - phê bình, Nhà xuất bản Văn học, 2015) và Những sinh thể văn chương Việt (tiểu luận - phê bình, Nhà xuất bản Văn học, 2018). Đây là những tác phẩm “chính chủ” của Lý Hoài Thu, còn những tác phẩm mà chị tham gia viết chung thì áng chừng hơn hai mươi đầu sách.

Trừ những nghiên cứu, phê bình về văn học Việt Nam trước 1945, về căn bản cái viết của Lý Hoài Thu tập trung theo sát diễn trình văn học đương đại (từ sau 1975). Chỉ cần nhìn tiêu đề các tiểu luận - phê bình của Lý Hoài Thu đủ biết chị đeo bám sát sao thời sự văn chương nước nhà, cả trong nước và hải ngoại. Văn chương viết về chủ quyền quốc gia trên biển đảo quê hương cũng là đối tượng phê bình của chị.

Phê bình của Lý Hoài Thu có diện “phủ sóng” rộng, cập thời vụ, có chiều sâu trí tuệ của khoa học, có sự mẫn cảm và tinh tế, bao dung và đằm thắm của nghệ thuật thẩm bình văn chương. Tôi lấy làm mừng khi đồng nghiệp của mình cứ say sưa bền bỉ viết với tất cả tình yêu văn chương Việt, không cần để tâm đến việc cái viết của mình thuộc ô mục phê bình nào theo cách định danh, phân loại, tranh cãi của mấy người rỗi việc.

 

2. Những sinh thể văn chương Việt nhìn từ nhiều phía

Nhìn từ nhiều phía những sinh thể văn chương Việt là cách nhìn “lập thể” đối tượng khảo sát, thẩm bình. Trong hai mươi tư bài viết được đưa vào sách Những sinh thể văn chương Việt có bảy bài viết về tác giả, tác phẩm thơ trước 1945; bảy bài về tác giả, tác phẩm, vấn đề của thơ ca đương đại; mười bài về các thể loại văn chương khác (tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, kí) và các vấn đề vĩ mô của tiến trình lịch sử văn chương Việt hiện đại. Nhìn dọc/ lịch đại, Lý Hoài Thu xuất hiện và phát ngôn với tư cách của một nhà viết sử văn, sử thơ, kết nối quá khứ với hiện tại, làm rõ diện mạo văn chương Việt trong tiến trình vượt rào hai thế kỉ qua những tác giả, tác phẩm tiêu biểu (từ Xuân Diệu đến Lưu Quang Vũ đến Hồ Thế Hà). Nhìn ngang/ đồng đại, Lý Hoài Thu đưa ra những đối chiếu, so sánh tác giả, tác phẩm, trào lưu, phương pháp cùng một không-thời gian nghệ thuật (giữa Xuân Diệu và Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử và Đoàn Văn Cừ). Sinh thể văn chương Việt còn được Lý Hoài Thu nhìn từ loại hình nhà văn, phong cách, thể loại, thi pháp. Phương pháp loại hình giúp nhà phê bình tránh được cái nhìn xã hội học để hướng cái nhìn vào bản chất đối tượng đã được “mô hình hóa” (Cuộc tranh luận Thơ mới, thơ cũ - nhìn từ đương đại, Truyện ngắn Nam Cao - nhìn từ thi pháp, Cây như là sinh mệnh thứ hai của thơ Hữu Thỉnh, Không gian Trường Sơn và những giai điệu tình yêu trong thơ Phạm Tiến Duật, Vấn đề trào lưu và phương pháp sáng tác trong đời sống văn học Việt Nam, Lưu Quang Vũ và chặng đường kịch Việt Nam cuối thế kỉ XX, Tiểu thuyết hải ngoại - tha hương và thân phận...).

 

3. Văn phê bình Lý Hoài Thu

Sinh thời nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh hay chia sẻ và nhắc nhở đồng nghiệp trẻ tuổi phải cố gắng viết phê bình cho hay, cho “có văn”. Đọc phê bình của Lý Hoài Thu tôi hay viện câu “văn là người” để so chiếu. Thấy đúng. Người thì rõ ràng là đằm thắm, nền nã, khoáng đạt, mẫn cảm, bặt thiệp, tinh tế. Nên văn cũng thế. Thời cơ chế thị trường sinh ra lắm mẹo mực viết, mà giật “tít” là một trong số đó. Lý Hoài Thu cũng quan tâm tới “tít” bài, nhưng không rơi vào mẹo vặt vãnh. Mỗi nhan đề được tác giả đặt, như tôi thấy, là sự ấp ủ ý tưởng, sự chiêm nghiệm đối tượng, sự trải nghiệm nghề văn, sự hối thúc nội tâm. Và thực sự ở đó neo đậu tình yêu văn chương của Lý Hoài Thu. Những “Gái quê” và những tín hiệu thẩm mĩ trong thơ Hàn Mặc Tử, Ấn tượng thị giác từ “Thôn ca” của Đoàn Văn Cừ, Thơ Nguyễn Bính - từ kí hiệu sinh thái đến không gian tự tình, “Tầm xuân nhớ nắng” - hoa hay phận người, Cây như là sinh mệnh thứ hai của thơ Hữu Thỉnh, Không gian Trường Sơn và những giai điệu tình yêu trong thơ Phạm Tiến Duật, Thơ Lưu Quang Vũ - “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, Từ mặt đất đến “Thuyền trăng”, Biển đảo trong sinh thể thơ ca Việt, Tiểu thuyết hải ngoại - tha hương và thân phận... Tôi nghĩ, không bỗng chốc mà tác giả ngồi “chế” nhanh ra được những nhan đề gợi tứ, gợi cảm, gợi tình, gợi ý như thế nếu không có lao động nghệ thuật chữ kì khu. Một đối tượng thẩm bình rất khó viết như văn thơ về biển đảo, dễ bị coi là tuyên truyền, nhưng vào tay Lý Hoài Thu thì trở thành máu thịt từ cái nhìn, từ cách cảm xúc đến cách thể hiện tình, lí. Lý Hoài Thu viết phê bình luôn đề cao cái đẹp trước cái đúng, cái tình trước cái lí. Vì thế những bài như Cây như là sinh mệnh thứ hai của thơ Hữu Thỉnh được chị viết rất “thăng”, như nhập vào đối tượng: “Bằng những trải nghiệm cá nhân, những buồn đau thành thật của người cầm bút, Hữu Thỉnh đã đưa đến những suy cảm mang tính chiêm nghiệm sâu sắc. Viết về cây, tác giả luôn có sự chuyển hóa, đổi ngôi thay vai giao tiếp một cách linh hoạt: từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba, từ vị trí chủ thể sang đứng chỗ ngang hàng hoặc cao hơn chủ thể. Song, dù vị trí nào, dù diễn ngôn của cây là độc thoại hay đối thoại thì đó vẫn là những thân phận người, đa sầu đa cảm và mang gánh nặng đa đoan của kiếp người”. Viết phê bình được như thế, tôi nghĩ, Lý Hoài Thu giống như một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa đã bắt được thần thái của đối tượng, và cắt cúp khuôn hình cân đối, hài hòa, sáng sủa. Đây là một trích đoạn trong Cái cô đơn mang tên Xuân Diệu: “Một tuổi thơ không yên ả với sự thiếu vắng tình mẫu tử. Một thân phận tình yêu chứa đầy bi kịch bởi cả đời thêu gối cưới nhưng chưa bao giờ được làm cô dâu. Một tâm hồn thi sĩ bẩm sinh: đa sầu, đa cảm, dễ bị tổn thương và chịu nhiều mất mát. Một trực giác quá nhạy bén với những ấm lạnh bất thường... Những ô màu lập phương khác nhau đó đã giúp chúng ta hình dung đủ đầy chân dung con người Xuân Diệu. Người thơ ấy mà không chịu cô đơn mới thực lạ lùng”. Mặc dù đã đọc rất nhiều những gì người đời viết về Xuân Diệu, nhưng khi đọc phê bình Lý Hoài Thu tôi vẫn thấy “khoái”. Nhà phê bình nữ này sử dụng lối viết “thi thoại”, nghĩa là không chỉ chú mục vào tính tự trị khép kín của văn bản tác phẩm, mà còn chú ý đến yếu tố tiểu sử, cá tính, ngoại cảnh, tâm linh, số phận… của văn nhân.

Có thể “bắt lỗi” Những sinh thể văn chương Việt như thế nào? Theo tôi là cấu trúc sách chưa thật cân đối. Phần một - Thơ gồm mười bốn bài tỏ rõ sở trường của người viết. Có thể nói, qua mười bốn bài viết về thơ hiện đại, độc giả tri nhận được những đường nét cơ bản của nó trong tiến trình vắt qua hai thế kỉ, qua sự tiếp nối của nhiều thế hệ thi nhân, qua nhiều cá tính và phong cách thơ tiêu biểu. Phần hai - Một số vấn đề lí luận và các thể loại khác gồm mười bài chưa thật ăn nhập, chưa nhịp nhàng, hòa nhuyễn với tựa sách “Những sinh thể văn chương Việt”. Những vết hàn nối còn lờ mờ hiện lên chứng tỏ chủ nhân chưa thật cao tay trong tổ chức cấu trúc sách. Mặc dầu vậy, nhìn tổng thể, Những sinh thể văn chương Việt của Lý Hoài Thu vẫn là một cuốn sách có thể mang lại không ít nhã thú văn chương cho độc giả hôm nay - những người thông minh, khó tính và đôi khi... đỏng đảnh nhất thời.

*.

BÙI VIỆT THẮNG

Địa chỉ: Phòng 1403, tòa nhà Hacisco, số 15,

ngõ 107, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Email: vietthangbui1951@gmail.com 

Điện thoại: 090.320.25.55.

 

 

 


.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn gửi ngày 10.12.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét