SỬ LIỆU TRONG VĂN HỌC
*
(Tác giả Kiều Mai Sơn) |
1/
Tuần vừa qua, tôi viết các tút phê phán nhà văn Thiên Sơn thiếu kiến thức lịch
sử trong tiểu thuyết Gió bụi đầy trời
(Nhà xuất bản Hội Nhà văn - Công ty sách Nhã Nam, 2021) đồng thời cũng là phê
phán 3 nhà phê bình văn học đã quá lời khen cho tác phẩm này: Giáo sư, Nhà giáo
Nhân dân Trần Đình Sử - nguyên Trưởng khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà
Nội, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Phó
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chú Phạm Xuân Nguyên và tôi đã có
cuộc nói chuyện qua zalo sáng sớm. Chú Nguyên cười:
- Cháu phê Thiên Sơn mà tỉa sang
cả chú rát quá.
Tôi cũng cười vui vẻ đáp lại:
- Cháu chỉ kể lại chuyện bác Ngô
Thảo nói đùa rằng chú "cướp cơm chim" của bác ấy khi viết bài khen
cuốn sách và chuyện cháu hỏi chú chưa đọc hết sách mà cũng khen.
Chú Nguyên vẫn vui vẻ: - Thì cũng
như đọc Truyện Kiều đấy, hai câu hết Kiều.
Tôi và chú trò chuyện thêm một
lát, chú Nguyên chốt hạ:
- Kiều Mai Sơn đúng. Chú tiếp thu
và rút kinh nghiệm.
Tôi biết tính chú Phạm Xuân
Nguyên từ trước, là người quảng giao, hoạt ngôn, và cũng là người thẳng thắn,
cầu thị. Qua việc này, tôi càng thấy quý trọng chú. Một người thầy của thế hệ
chúng tôi mà thẳng thắn nhận sai - điều này ít ai làm được như chú Phạm Xuân
Nguyên.
2/ Có
người gửi cho tôi tút của Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Bình trên Facebook cá nhân anh.
Anh cho biết đã đọc tiểu thuyết Gió
bụi đầy trời từ bản thảo và khen ngợi nó. Tôi sẽ tạm dẹp sang chuyện sử
liệu chỉ mong muốn đề nghị Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Bình chỉ ra giúp tôi chuyện văn
chương của tiểu thuyết này:
Một là, tư tưởng chủ đạo xuyên
suốt Gió bụi đầy trời hấp dẫn bạn đọc
là cái gì? Anh Bình chỉ giúp cho. (Nhà văn Thiên Sơn khi trả lời Nhà báo Đỗ
Hiền - bút danh Tần Tần - trên báo điện tử Zing đã nhấn mạnh tác phẩm văn học
không có tư tưởng thì chỉ là trò giải trí).
Hai là, nghệ thuật xây dựng nhân
vật trong Gió bụi đầy trời của nhà
văn có gì khác lạ, cuốn hút bạn đọc? Anh Bình lấy dẫn chứng trong tác phẩm để
chứng minh.
Ba là, Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Bình
trích dẫn cho bạn đọc một vài đoạn văn hay và lạ trong Gió bụi đầy trời mà anh tâm đắc.
Tôi thấy có một điều lạ, Tiến sĩ
Nguyễn Cảnh Bình khen Gió bụi đầy trời
như vậy, đã đọc từ bản thảo, lại là sếp của mấy công ty xuất bản (Alpha book,
Omega book, Sống) mà anh không mua bản quyền tác phẩm xuất bản, để cho Nhã Nam
mua. Như thế chẳng hoá ra không biết nâng niu và trân trọng vật quý?
Nhà văn Thiên Sơn nghe đâu cũng
vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ 2, Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Bình nên mạnh dạn
mua bản quyền và sớm cho ra sách, tôi sẽ mua sách về đọc và viết phê bình luôn
trong 10 ngày sau khi sách có lệnh phát hành. Nếu anh Cảnh Bình mua bản quyền
cả 5 cuốn tiểu thuyết của anh Thiên Sơn để xuất bản thì tôi cũng đọc từng cuốn
để viết phê bình trong thời gian sớm nhất.
Thậm chí, Tiến sĩ Nguyễn Cảnh
Bình hoàn toàn có thể tổ chức Hội thảo khoa học mời các nhà nghiên cứu và phê
bình văn học khắp 3 miền về tham dự để đánh giá tiểu thuyết Gió bụi đầy trời, tôi sẵn sàng có tham
luận và tranh luận cùng các nhà phê bình tại Hội thảo.
Có một chi tiết Tiến sĩ Nguyễn
Cảnh Bình đã đọc không kỹ. Tôi viết: NẾU ĐỂ VIẾT PHÊ BÌNH MÀ CHỈ RA ĐẦY ĐỦ CÁC
LỖI SAI TRONG SÁCH GIÓ BỤI ĐẦY TRỜI CỦA NHÀ VĂN THIÊN SƠN THÌ PHẢI IN CẢ MỘT
CUỐN SÁCH DÀY TƯƠNG ĐƯƠNG (500 trang).
Đọc không kỹ cho nên anh Bình cho
rằng tôi bới móc tiểu tiết và lấy ví von nhầm rằng một căn hộ chung cư có hỏng
cái khoá thì không ai đánh giá thấp tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Điều ấy đúng một
vế. Nếu ông Vượng không khắc phục cái khoá hỏng ấy thì con mắt người tiêu dùng
và xã hội nhìn sẽ khác. Cũng như có lần tôi đã phê bình cuốn sách Đất nước Việt
Nam qua các đời của Học giả Đào Duy Anh do Alpha book (mà Tiến sĩ Nguyễn Cảnh
Bình làm ông chủ) phát hành ra thị trường LỖI NHIỀU NHƯ TRẤU. Với một ấn phẩm
như vậy, thử hỏi rằng anh Bình có dám mang đi làm quà tặng những người CÓ CHỮ
không? (Tôi nói người CÓ CHỮ, tôi không nói đến những cái mác tiến sĩ giả cầy
hay giáo sư giả hiệu).
3/ Về
mối quan hệ giữa sử liệu và văn học, cả người cầm bút và bạn đọc đều quan tâm.
Nhưng người cầm bút sẽ phải trăn trở hơn cả. Bởi vì bạn đọc chỉ là người thưởng
thức, người tiếp thu sản phẩm, còn người cầm bút là người sáng tạo. Có người
cầm bút khi sử dụng sử liệu đã như con tằm ăn lá dâu nhả ra những sợi tơ vàng
óng dệt nên những tấm vải lụa. Mà cũng có người cầm bút ngồi trên đống tư liệu
ăn cả đống lá dâu nhưng đầu ra vẫn là cả đống lá.
Giai đoạn lịch sử mà Gió bụi đầy trời phản ánh nhà văn
phải xử lý hàng núi tư liệu của các nhân vật lịch sử trong cuộc - những người
làm nên lịch sử. Chưa nói các sách nghiên cứu, chỉ riêng hồi ký của các nhân
vật cũng đã ngợp.
Có sử liệu rồi, lại phải thẩm
định. Ví dụ, đọc hồi ký Con rồng An
Nam của Bảo Đại đấy nhưng cũng phải đọc các bài phê phán của Phạm Khắc
Hoè (Đổng lý Ngự tiền Văn phòng của vua Bảo Đại). Ừ thì có người nói những từ
không hay về cụ Hoè trong mối quan hệ vua - tôi với cụ Bảo Đại. Vậy thì đọc
tiếp cụ Hà Phú Hương đã viết phê phán những điều bịa đặt về chuyến công tác ở
Trùng Khánh (1946-1947) của Cố vấn Vĩnh Thụy để mà biết. Nhân đây, tôi cũng nói
luôn: Cụ Hà Phú Hương là thành viên trong chuyến sang Trùng Khánh của Cố vấn
Vĩnh Thụy (1946) cùng Thứ trưởng Ngoại giao Nghiêm Kế Tổ và Giám đốc Sở Tuyên
truyền Bắc Bộ - Nguyễn Công Truyền (em ruột Nguyễn Công Viễn - Lâm Đức Thụ).
Hoặc là khi viết về cụ Phạm Quỳnh
phải đọc hồi ký Quê hương và Cách mạng
của cụ Hoàng Anh, hồi ký Nhớ lại một thời của cụ Tố Hữu, hồi ký Bước qua đầu
thù của cụ Trần Hữu Dực... Nhà văn Thiên Sơn mà đọc các hồi ký này, nhất là hồi
ký cụ Dực, chắc chắn anh không dám hư cấu cho các nhân vật Nguyễn Chí Thanh, Tố
Hữu, Trần Hữu Dực ngồi cùng nhau để bàn về khởi nghĩa Huế (8-1945). Khi viết về
Ngô Đình Diệm, nếu Thiên Sơn đọc hồi ký Vũ Đình Hoè chắc chắn anh cũng không
dám múa bút mà làm vài trang đối thoại giữa Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm. Bởi
vì không có cuôc gặp nào giữa Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm, mà chỉ có Hồ Chí
Minh lệnh cho cấp dưới thả Ngô Đình Diệm ra mà thôi. Tương tự, Hồ Chí Minh cũng
không gặp cụ Trần Trọng Kim mà chỉ cử Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ Hoàng Minh
Giám đi gặp nhưng cụ Lệ Thần từ chối hợp tác...
Nhà văn Thiên Sơn hư cấu cuộc gặp
gỡ, đối thoại giữa Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm đó là anh đọc tài liệu trôi nổi
không có nguồn gốc xuất xứ trên mạng internet.
Một sự kiện khác được tác giả hư
cấu đó là chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khởi nghĩa ở Huế, về vua Bảo
Đại... Nếu anh dành thì giờ vào Thư viện Quốc gia, mượn báo chí đương thời
(1945) ra đọc tin đăng trên nhật báo, anh sẽ không dám múa bút liều lĩnh như đã
viết.
Về ngày 19-8-1945 ở Hà Nội, nếu
có đọc hồi ký cụ Nguyễn Xuân Chữ thì còn phải đọc hồi ký cụ Nguyễn Xiển, hồi ký
cụ Lê Trọng Nghĩa, hồi ký cụ Nguyễn Quyết, hồi ký cụ Vũ Oanh... Viết về các cụ
Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần... ngoài đọc hồi ký cụ Nguyễn
Tường Bách là em trai út cụ Nguyễn Tường Tam, còn phải đọc sách của nhà văn
Nguyễn Mạnh Côn...
Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Bình có đặt
câu hỏi: Biết thế nào là đúng trong sử liệu? Tôi không nghĩ trình độ của một
tiến sĩ mà hỏi một câu ngớ ngẩn đến thế. Người viết lịch sử, người viết văn học
sử và cả người viết tiểu thuyết về lịch sử phải biết đến thao tác giám định sử
liệu (còn gọi là biện ngụy tư liệu). Chứ không phải như ngày nay nhiều anh chỉ
biết hóng theo như nhìn biển số hoặc như xem tát ao. Cho nên mới có những bậc
cao thủ ngửi văn. Họ ngửi ra Hồng Lâu Mộng vì thấy mùi phấn sáp. Họ ngửi ra
Thủy Hử vì thấy mùi binh đao. Và nếu có đưa văn Thiên Sơn ra họ cũng ngửi được.
Trong văn chương không ai cấm nhà
văn hư cấu. Vấn đề là tài năng hư cấu của nhà văn đến đâu. Lẽ ra, Thiên Sơn có
thể chỉ sử dụng bối cảnh lịch sử là Cách mạng tháng 8-1945, còn xây dựng hàng
loạt nhân vật hư cấu như Bình Thanh Chương, như Cố Viên... là những bậc kỳ nhân
thời đó, chả ai ý kiến gì. Đằng này, Thiên Sơn cho dàn hàng một loạt nhân vật
lịch sử tên tuổi rõ ràng, toàn vào hàng khai quốc nguyên huân: Hồ Chí Minh,
Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng,
Phạm Khắc Hoè, Tôn Quang Phiệt... Thiên Sơn xây dựng nhân vật Tôn Quang Phiệt
như anh thư lại hèn kém. Thiên Sơn xây dựng Phạm Khắc Hoè như một tên lưu manh.
Tôi lấy ví dụ, bây giờ mà có ai viết tiểu thuyết, hư cấu nhân vật Nguyễn Cảnh
Bình là "giai làng Tó" ở Alpha book, cắm nhầm phích xin tý khí ở ổ
điện nào đó, kiểu như vụ Bí thư Cô Tô vừa rồi, gia đình người bị nêu tên có
nhảy dựng lên không? Và tiến sĩ có thản nhiên cho đấy là hư cấu văn học được
không?
Tôi viết đến đây cũng dài rồi,
mỏi tay nữa, xin dừng tại đây. Tút này cũng là khép lại cuộc phê bình Gió bụi đầy trời trên Facebook. Xin
dành thời gian trên mặt báo cho chính thống./.
--------
P/s:
Sau khi đăng tút này, tôi nhận được phản hồi ở các bình luận cho biết anh
Nguyễn Cảnh Bình chưa phải tiến sĩ. Đã từng tham dự một số hoạt động của Alpha
book trước đây, tôi thấy người ta giới thiệu tiến sĩ Nguyễn Cảnh Bình nên viết
theo. Vậy xin cứ giữ nguyên trong nội dung và có lời thưa cùng mọi người, mong
được thông cảm.
*
KIỀU MAI SƠN (tên thật Kiều Văn Khải)
Địa chỉ: Tòa soạn Báo Nông nghiệp Việt Nam
14
Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai
ngày 11.12.2021.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Cám ơn tác giả vì bài viết hữu ích với bạn đọc
Trả lờiXóaNHÀ VĂN CẦN HỌC SỬ
Trả lờiXóaĐọc ĐƯỜNG VỀ THĂNG LONG tiểu thuyết lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà tôi cứ cười khùng khục. Lấy ví dụ 1 trang này, tác giả Nguyễn Thế Quang hư cấu về gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầu năm 1955 tại Hà Nội. Ngộ nhất là cảnh cậu bé Võ Điện Biên biết sà vào lòng bà ngoại.
Chắc nhà giáo Nguyễn Thế Quang cứ nghĩ cụ Võ Điện Biên u70 bây giờ khi đó đã biết đi, biết chạy mà quên mất rằng đầu năm 1955 thì em bé Võ Điện Biên chưa đầy năm!
Các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử hiện nay mang trong đầu tinh thần hư cấu hừng hực nhưng quên mất rằng viết tiểu thuyết lịch sử phải nắm rất chắc biên niên. Viết về các nhân vật và sự kiện giữa thế kỷ 20 thì lại càng phải nắm chắc lý lịch đến từng tháng.
Do không nắm chắc biên niên cho nên tác giả Nguyễn Thế Quang mở đầu đã cho đầu năm 1946 Võ Nguyên Giáp vào Huế gặp Phan Anh. Thực tế thì Phan Anh đã rời Huế và có mặt ở Hà Nội từ đầu tháng 9-1945!
Rồi cho Bộ trưởng Phan Anh mời Hà Văn Lâu đi dạy trường Thanh niên tiền tuyến, một sự việc cụ Lâu chẳng hề có mặt... Hoặc tác giả gọi "cụ Trịnh Văn Bô" lo đồ lễ cho "anh Võ Nguyên Giáp" đi viếng mộ chị Quang Thái. Mà "cụ Bô" còn đẻ sau "anh Giáp" 3 năm!
Tác giả cũng nhầm nhọt sang trồng trọt khi viết đoạn đối thoại giữa Võ Nguyên Giáp với Hoàng Hữu Nam nói chuyện dạy học ở trường Thăng Long rồi rời trường vào năm 1940.
Tóm lại, những lỗi về biên niên sử kiểu trông gà hoá cuốc thế này trong ĐƯỜNG VỀ THĂNG LONG phải dùng xe chở.
Các nhà văn khi viết tiểu thuyết lịch sử cần học sử cho vững đã rồi hãy viết. Bây giờ, các nhà phê bình cánh hẩu họ thấy tác giả là thầy của quan chức đương triều thì họ khen vung vãi lên vậy thôi./.