THẦN ĐỒNG TRẦN ĐĂNG KHOA: NÓI DỐI CHO LÀ THẬT, NÓI THẬT CHO LÀ CUỘI - Tác giả: Đỗ Hoàng (Hà Nội)

Leave a Comment

 

THẦN ĐỒNG TRẦN ĐĂNG KHOA:

NÓI DỐI CHO LÀ THẬT, NÓI THẬT CHO LÀ CUỘI

*

(Tác giả Đỗ Hoàng)

Trần Đăng Khoa là một nhà thơ khá đặc biệt. Anh nổi tiếng rất sớm và bền bỉ đi trên con đường thơ. Điều ấy những người cùng nổi tiếng với anh thuở nào không làm được. Họ đã rơi rụng đi đâu mất. Đây nói về văn chương. Còn nhiều tác giả nhỏ thời ấy tuy không sáng tác thơ nữa nhưng họ làm khoa học hoặc làm doanh nghiệp cũng thành công.

Khi những bài thơ đầu tiên của Trần Đăng Khoa được in và được dư luận chú ý, không ít người đã lặn lội về Hải Dương, quê anh để tìm hiểu xem tác giả nhỏ tuổi ra sao. Họ ngắm nghía, vạch tóc xem khoáy đầu, xem tai, thậm chí có người còn bắt anh vạch bụng ra để xem rốn! Ngay từ khi mới xuất hiện trên thi đàn, Trần Đăng Khoa đã được người đời gọi là thần đồng thơ. Nhưng càng lớn lên, càng trải nghiệm nhiều, càng được hưởng những thành quả tuy nhỏ nhoi nhưng cũng được cuộc đời ban phát thì thần đồng buổi nọ cũng đã lu mờ đi nhiều, chỉ còn vang bóng một thời mà thôi. Chàng thi sỹ trưởng thành Tràn Đăng Khoa viết ít hẳn và cũng sút hẳn và đọc giả đón chào cũng ít đi.

Nhưng quay lại thời vang bóng thì có thể nói Trần Đăng Khoa là một thần đồng về sáng tác thơ. Việc này từ giới phê bình cho đến giới sáng tác và công chúng độc giả đều công nhận. Năm 1968, mới 10 tuổi Khoa đã có bài thơ “Mưa”: “Sấm ghé xuống sân/ Khanh khách cười/ Bố em đi làm đồng về / Đ ội nước / đội cả trời mưa..” và bài thơ “Cây Dừa” với những câu thơ xuất thần: “Cây dừa tỏa bóng nhiều tàu/ Dang tay đón gió gật đầu gọi trăng/ Thân già bạc phếch tháng năm/ Quả dừa như lợn con nằm trên cao/ Hoa dừa nở lẩn cùng sao/ Lá dừa chiếc lược chải vào mây xanh/ Ai mang nước ngọt, nước lành /Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa/ Đứng canh trời đất bao la/ Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi”. Chưa đầy 10 tuổi, Khoa đã có tập thơ “Góc sân và khoảng trời”, không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng cả thế giới. Trong lúc đó những đứa bé lứa tuổi như Khoa, có đứa còn mù chữ, đang cưỡi trâu ra đồng. Thậm chí một ông Tổng biên tập một tờ báo tỉnh mà năm 1971 gần 40 tuổi vẫn còn mù chữ, sau thời gian Khoa viết bài thơ Cây Dừa là 3 năm, vì ông đang phải làm du kích chiến đấu. Còn tôi lúc ấy đã gần 20 tuổi, chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 10 (phổ thông trung học ngày nay). Lúc đó, tôi chưa có một bài thơ nào được in, dù là trên một tờ báo địa phương. Và tìm lại mình có sáng tác sớm không? Thì quả thật nếu tính thời gian làm thơ trong sổ tay tôi đúng 17 tuổi mới viết mấy câu thượng lục hạ bát mà vẫn không nên vần nên điệu gì. Vậy thì Khoa thần đồng là quá xứng rồi. Nói như nhà thơ Nguyễn Hữu Quý khi viết chân dung Trần Đăng Khoa là không ai ghen tỵ, không ai dám canh nạnh việc này.

Thơ Trần Đăng Khoa vẫn là một miền riêng, không trộn lẫn. Giống như ca khúc Trịnh Công Sơn, giai điệu bài hát khi cất lên, dù nghe ở đâu vẫn nhận ra chất nhạc của riêng một người. Đóng góp của Trần Đăng Khoa còn là chỗ ấy nữa. Viên Mai từng nói: “Làm người thì nên không có cái tôi; có cái tôi thì hay mắc bệnh kiêu căng, cậy tài... Nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi. Không có cái tôi thì dễ mắc tật cóp nhặt, phô diễn...”.

. Nhà văn chỉ có thể đóng góp cái gì đó cho nền văn học khi họ có cái gì đó là của riêng mình. Trần Đăng Khoa có cái bản ngã của riêng mình trong thơ.

Thơ Trần Đăng Khoa dung dị chân chất trung thành với một lối nói, một lối diễn. Thơ anh chân quê, giống như cô gái làng mộc mạc, không son phấn, không giả vờ ưỡn ẹo làm duyên làm dáng phô khoe cơ thể, nhưng là một thứ duyên thầm đằm thắm, nền nã, nhiều nét đồng bãi. Vẻ đẹp toả ra một cách tự nhiên, hồn hậu, chân chất, thuần khiết, đằm lắng...

Đã ngủ rồi hả trầu?/ Tao đã đi ngủ đâu /Mà trầu mày đã ngủ/ Bà tao vừa đến đó/ Muốn xin mấy lá trầu/ Tao chẳng phải ai đâu/ Đánh thức mày để hái / Trầu ơi hãy tỉnh lại / Mở mắt xanh ra nào / Lá nào muốn cho tao / Thì mày chìa ra nhé../ Tay tao hái rất nhẹ/ Không làm mày đau đâu/ Đã dậy chưa hả trầu? (Đánh thức trầu- 1966). Cơn giông bỗng cuộn giữa làng/ Bờ ao lở. Gốc cây bàng cũng nghiêng/ Quả bòng chết chẳng chịu chìm/ Ao con mà sóng nổi lên bạc đầu...( Cơn giông - 1972)

Người xưa quan niệm, thơ không nhất thiết cầu kỳ. Thơ cần nhất sự dung dị và cái tình. Lục Du nói: “Công phu thâm xứ thi bình dị” ( Thơ hay nhất là thơ bình dị). Lưu Đại Khôi đã nói: “Văn chương quý ở sự giản dị. Phàm viết văn, làm thơ, những cây bút già giặn thì giản dị, ý chân thực thì giản dị, vị thanh đạm thì giản dị, khí đầy đủ thì giản dị, thần cao xa mà hàm chứa khôn cùng thì giản dị. Vì vậy, giản dị là cảnh giới tận cùng của văn chương vậy”.

Bởi giản dị và không cầu kỳ, câu chữ lại khúc triết, ý tứ thì sâu xa hàm chứa khôn cùng mà thơ Đường hàng ngàn năm nay vẫn tồn tại, vẫn lan toả, vẫn làm say người đọc và vẫn không hề cũ!

Thơ Trần Đăng Khoa không cầu kỳ rắc rối, không làm xiếc chữ nghĩa, không dao to búa lớn, không dài dòng văn tự, đại ngôn, ba hoa chích chòe, thơ anh đằm thắm chân tìn: Lá trầu khô giữa cơi trầu/ Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay/ Cánh màn khép lỏng cả ngày/ Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa/ Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan... (Mẹ ốm -1970)

Tôi nhớ một lần vào quảng tháng ba, tháng tư gì đó của năm 1968 thế kỷ trước, tại nơi học sơ tán xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình giáp giới với tỉnh Hà Tỉnh, khi chúng tôi chuẩn bị sang học kỳ 2 năm lớp 10, rục rịch chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông thì có đoàn cán bộ của Ty giáo dục Quảng Bình ra thăm trường cấp ba A Lệ Thủy (buổi đó không gọi Sở Giáo dục mà gọi là Ty Giáo dục). Học sinh 2 lớp 10 được ngồi vào phòng học lớp 10 A để nghe các thầy cấp trên thay thầy tực tiếp dạy văn mình nói chuyện. Đền giờ tôi vẫn còn nhớ thầy đến nói chuyện buổi đó tên là Hồng, nguyên thầy giáo dạy văn, Trưởng phòng phổ thông của Ty giáo dục Quảng Bình.

Thầy Hồng người tầm thước, thấp và nhỏ nhưng giọng rất âm vang, không khèn khẹt giống như giọng của nhiều ca sỹ bây giờ. Đúng là giọng của thầy giáo dạy văn có tiếng. Thầy giáo dạy văn chúng tôi là thầy Phan Ngọc Thu đã làm mê hoặc chúng tôi hai năm nay, giờ thầy Hồng còn thôi miên chúng tôi hơn cả thuốc lú.

Thôi thì quên cả xuống hầm, quên cả tiếng máy bay gầm rú quanh vùng Thác Nậy, đèo Mồng Gà, đường 12 A, chúng tôi như nuốt từng lời của thầy Hồng.

Thầy thuyết giáo: “Hôm nay thầy sẽ cho các em biết một mặt trời thi ca Việt Nam vừa mới mọc. Mặt trời thi ca đó là Trần Đăng Khoa. Trần Đăng Khoa là một thiên tài văn chương của Việt Nam:

Thiên tài văn chương của Trần Đăng Khóa trước hết là thiên tài ngợi ca Đảng, Bác, lòng kính yêu lãnh tụ, kính yêu Bác Hồ. Bác Hồ chúng ta ai cũng kính yêu, ngay quân thù cũng ca ngợi Bác. Còn lãnh tụ của chúng, chúng đâu có ca ngợi .

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết những câu thơ hết sức thấm thía chan chứa tình kính yêu đối với Bác Hồ

Nhà em treo ảnh Bác Hồ, Bác lo bao việc trên đời/ Hàng ngày Bác vẫn mím cười với em!”

Sau nhà thơ Tố Hữu thì Trần Đăng Khoa viết về Bác Hồ là hay nhất. Trong lúc ốm em không hề nhớ bố, nhớ mẹ mà mơ đến Bác Hồ, Bác đến xoa đầu em, hỏi em khi có máy bay có xuống hầm không. Chỉ có Bác Hồ, chỉ có lãnh tụ của chúng ta mới để muôn tình thương cho thiếu nhi, nhi đồng, nhân dân như vậy! Chỉ có Bác Hồ, nhi đồng Việt Nam mới kính yêu đến như vậy.

Thầy Hông đọc tiếp bài thơ : Ó , ò, o!

Ó, ò, o/ Tiếng gà giục trái na mở mắt/ Giục buồng chuối trổi hoa/ Giục con trâu ra đồng/ Giục, giục, giục …

Sau đó là bài thơ “Nửa đêm tỉnh giấc” :

Nửa đêm em tỉnh giấc/ Ra sau vườn em nghe/ Nghe tiếng sương đọng mật/ Đọng mật trên cành tre/ Nghe ra rả tiếng sâu / Nó đang thở cuối tường/ Nghe rì rào rặng liễu/ Đang ẩn mình trong sương/… Một tiếng gì không rõ/ Xôn xao cả đất trời!”.

- Tiếng gì đó các em? - Thấy Hồng hỏi chúng tôi nhưng câu hỏi không cần người trả lời, thầy tiếp - Tiếng của thời đại, tiếng của thời đại Hồ Chí Minh anh hùng, đánh Mỹ và thắng Mỹ. Nhà thơ đã nói thay cho cả dân tộc. Một cánh chim báo thức hùng hồn. Putskin mất, người ta nói mặt trời thi ca Nga đã lặn, nhưng không mặt trời thi ca Việt Nam đã kịp thời xuất hiện tỏa sáng trên đầu nhân gian. Nghìn năm dân tộc ta mới xuất hiện một thiên tài như thế này các em ạ. Các em có biết thiên tài này mấy tuổi không? 8 tuổi, 6 tuổi. Thật là kỳ diệu! Kỳ diệu!”

Thôi thì không có mỹ từ nào về ngợi ca như: tuyệt bút, tuyệt trần, vô song, hy hữu, tuyệt luân, độc nhất vô nhị… mà thầy Hồng không thôi miên bọn tôi.

Tôi, Ngô Minh Khôi (nhà thơ Ngô Minh), Trần Văn Hải (nhà thơ Hải Kỳ), Lâm Thị Mỹ Dạ (nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ) và nhiều bạn viết khác hết sức kính phục thiên tài Trần Đăng Khoa mà thầy Hồng vừa thổi “thuốc mê” vào, đồng thời ai cũng bần thần nhìn lại mình, thấy mình không là cái gì cả. Ngay với Lâm Thị Mỹ Dạ đã có bài thơ “Nón chị” in ở Văn nghệ Quảng Bình cũng xẹp như con gián.

Không chỉ Trần Đăng Khoa, một thế hệ nhi đồng làm thơ thời đó như: Hoàng Hiếu Nhân, Nguyễn Hồng Kiên, Chu Hồng Quý… cũng được ca ngợi như các anh hùng Lê Mã Lương, NguyễnVăn Bé, Bùi Ngọc Đủ, Trịnh Tố Tâm… đang đánh giặc ngoài chiến trường.

Thế là từ đó khi đọc sách báo thấy bài nào của Khoa là tôi đọc ngay và thuộc ngay. Tôi thấy Khoa có nhiều bài rất tài, có nhiều câu rất tài mà tôi và bạn thế hệ tôi nhiều người không làm được “Trăng bay như quả bóng/ Bạn nào đá lên trời/… “Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng/ Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Trỉa bao mưa nắng đã thành quê hương.”

Sau này Trần Đăng Khoa không công nhận cấu thơ trên là câu thơ hay của anh. Anh cho rằng do cô giáo gà học sinh làm văn miệng nên anh mới nghĩ ra cách nói vậy. Có hay thì chỉ hay chữ “mỏng”. Tôi nghĩ thế cũng là hay rồi! Nghệ thuật cũng có khi là sắp xếp cảm giác cho hợp lý. Sau này nhà thơ Trần Đăng Khoa có hỏi nhà thơ Tố Hữu có biết và có đi Điện Biên Phủ không, thì Tố Hữu bào không biết Điện Biên Phủ và không đi Điện Biên Phủ, không có tiếng loa, không có ánh đuốc sáng rừng .Nhưng trong bài thơ “Hoan hô chiến sỹ Điên Biên” thì có cả. Đấy là sáng tạo của thi sỹ mà hợp lý được đọc giả chấp nhận.

Văn kiến kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, như tâm lý chung, tôi cũng muốn xem người Trần Đăng Khoa như thế nào mà tài vậy. Nhưng buổi đó không phải như bây giờ, chẳng có sách báo nào in ảnh mà cũng chẳng có sách báo mà đọc. Không bù cho bây giờ, máy ảnh chụp rất nhiều truyền hình phát lên cũng rất kịp thời, tha hồ mà xem chân tay mặt mũi người mình hâm mộ! Thưở ấy, đến tấm ảnh Trần Đăng Khoa in lên sách báo cũng không có.

Thơ hay như thế chắc là người thơ phong vận như thơ ấy. Tôi tưởng tượng Trần Đăng Khoa sẽ mảnh mai, thanh tú, quần xanh, áo sơ mi trắng, cổ quàng khăn đỏ…

Mãi đến tháng 5 năm 1985, khi tôi lều chõng ra Hà Nội thi vào Trường viết văn Nguyễn Du khóa 3, tôi mới thấy thần đồng Trần Đăng Khoa. Khoa đã tốt nghiệp khóa 2 Nguyễn Du đang gói gém áo quần lên đường, nhường chỗ cho học viên mới vào ôn tập để thi.

Trần Đăng Khoa ngoài đời không phải là thần đồng Khoa trong trí tưởng tượng của tôi mà là một anh bộ đội Trần Đăng Khoa (Khoa đi học khi ở bộ đội Hải quân) thầp lùn, to đậm, da dẻ ngăm ngăm, dáng đi lụ khụ, cái nhìn không ra lạnh lùng, không ra cởi mở, không ra kín đáo. Khoa không mặc sắc phục hải quân mà mặc áo quần bộ binh, vải xanh Tô Châu đã bạc màu, chân đi dép râu, hai tay áo xắn lên như chuẩn bị đi làm ruộng. Trông Khoa thật không khác gì mấy lão nông phu vai u thịt bắp bốc vác ở quê tôi. Nhỏ hơn tôi 10 tuổi mà cuộc sống người lính làm cho Khoa rất phong trần, già trước tuổi. Thơ ca và ngoại hình thật là khác nhau một trời một vực.

Sau này khi đã quen biết và thỉnh thoảng nói chuyện với nhau thì tôi thấy Khoa khác hẳn thời tôi gặp năm 1985. Khoa vẫn béo đậm như vậy nhưng cười rất có duyên và nói chuyện rất hấp dấn, không thua nhà văn Đỗ Chu là mấy.

Khoa là người thẩm thơ rất nhạy và rất tinh tế. Trần Đăng Khoa nói là Khoa rất thích thơ ám ảnh và giản dị.

Lúc tôi đang làm ở Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, một lần tôi đến nhà riêng của anh ở đường Lý Nam Đế xin bài thơ “Người lính trẻ” vê in trên Tạp chí số đặc biệt về Quân đội.

Tôi thấy trên bàn Khoa có tập thơ “Sóng reo” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi vừa tặng. Trần Đăng Khoa mới được vinh dự này, còn bọn tôi và những người khác làm dưới trướng ông Thi, hàng ngày xin bài ông về in, chẳng mấy ai được ông tặng thơ. Tôi đã xem sơ qua tập này. Nó thường thường bậc trung, yếu là đằng khác. Thấy tôi lật qua lật lại tập thơ, Khoa nói ngay: “Tập này của ông Thi dở quá, thơ khô không khốc, không tình cảm gì cả”. Tôi hưởng ứng ngay: “Anh Khoa nhận xét rất chính xác. Tồi đồng ý với ý kiến của anh”.

Khoa nói rất thật suy nghĩ của mình. Ở đời này nói thật rất khó và rất khó nói thật, nhất là những người nổi tiếng, những người được cộng đồng để tâm, chú ý như Trần Đăng Khoa.

Nhà thơ Nga Ép tu sen cô đã viết: “Ở cái đời này, trung thực với chính mình cũng đủ là dũng cảm.” Biết bao nhiêu người không trung thực với ngay cả chính mình? Nhiều người nói và viết không thật như lòng mình. Ấy là các nhà thơ nổi tiếng khi phải khen những tập thơ và những bài thơ không ra gì nhưng bị người ta nhờ vả. Có một lần tôi nói với nhà thơ nổi tiếng trong thời chống Mỹ, Phạm Tiến Duật khi khen một người công tác ở ngân khố xuất bản tập thơ mới.

- Thơ thế mà anh khen – Tôi nói.

Anh Duật chau mày:

- Người ta nhờ cậy biết làm thế nào!

Đúng là khó cho những người nổi tiếng khi xử sự.

Và từ đó tôi mới để ý sao người ta hay nói “Khoa Cuội”- Khoa nói dối. Ở ta “cuội” là từ danh từ đã chuyển qua tính từ để chỉ nói dối.

Một lần về công tác Quảng Ninh, tôi cùng đi thực tế với nhà thơ Trần Nhuận Minh, anh ruột Trần Đăng Khoa. Tôi hỏi anh Minh nhiều việc về Trần Đăng Khoa. Trước hết là hỏi Khoa có phải sinh năm 1958 hay năm 1956. Trong lý lịch Đảng Cộng sản thì Khoa khai sinh năm 1956. Anh Minh bảo là Khoa sinh đúng năm 1958 nhưng vì hồi ấy bé quá nên phải khai thêm hai tuổi. - Trong những bài thơ Khoa viết hồi đang tuổi nhi đồng anh có hướng dẫn bài nào không? – Tôi hỏi thân tình

Anh Minh nói rằng anh không hướng dẫn gì cả. Những bài Cây Dừa, Hạt gạo làng ta, Ó, ò, o, Mưa, Nửa đêm tỉnh giấc…và một vài đoạn trong những bài khác thì ai mà gà được. Đó là cảm xúc thi hứng của một tâm hồn nhạy cảm, tài trí của trẻ thơ mới làm được.

Anh Minh ngậm ngùi một lúc rồi trầm giọng:

- Cuộc đời nó rắc rối lắm anh Hoàng ạ! Khi Khoa đã nổi tiếng rồi thì ai cũng “quan tâm” nhất là lúc sáng tác và khi đi nói chuyện. Cán bộ dìu dắt phải chỉ cách cho Khoa nói, Khoa đọc, hướng dẫn ý tứ cho Khoa sáng tác. Thậm chí họ viết sẵn cho Khoa để Khoa lên phát biểu cho hợp gu của Đảng, ý Đảng lòng dân mà. Dần dần Khoa nói và viết không hồn nhiên như trước, không thật lòng mình như trước. Mà phải nói và viết theo định hướng. Nói và viết như thế mới được vỗ tay hoan hô, mới được cấp trên thương yêu; gia đình bố mẹ, anh em mới được làng nước sẻ chia nâng niu. Trần Đăng Khoa mới xứng là nhà thơ có tính chiến đấu cao, nhà thơ viết có tầm thời đại, là thần đồng thi ca của buổi đất nước có Đảng, có Bác Hồ sáng soi. Khoa nói dối nhưng ai ai cũng tin là Khoa nói thật! Thế mới buồn cười.

Qua chuyện trò với anh Minh tôi mới hiểu thêm những điều tôi băn khoăn cả mấy chục năm nay là vì sao nhiều bài thơ rất hay của Khoa lại chêm vào những khổ, đoạn không hồn nhiên chút nào. Như bài “Kể cho bé nghe”: Hay nói ầm ỹ / Là con vịt bầu / Hay hỏi đâu đâu là con chó vện / Hay chăng dây điện / Là con nhện con/ Ăn no quay tròn / Là cối xay thóc / Rồng phun nước bạc / Là chiếc máy bơm / Người em yêu thương/ Là anh bộ đội / Bé mà hay hỏi / Là bạn thiếu nhi / Ngu xuẩn nhất, nhì / Là tổng thống Mỹ!

Nhiều lần in lại sau này hai câu “Ngu xuẩn nhất nhì /Là tổng thống Mỹ” được bỏ đi để thay hai câu khác. Bài thơ “Đi tàu hỏa” là một bài thơ rất hay cũng bị chêm vào như vậy. “Con tàu hỏa rất dài/ Bánh không săm, không lốp / Chạy đều trên đường ray / Đêm ngày không bị trượ t/ Tau giật mình đột ngột / rồi hoảng hốt rời ga / Dòng sông và con đường/ Quay như cái com pa…/ Em ngổi trên giông bão/ Đang chuyển dười gầm tàu… Bên em bạn thiếu nhi/ Ngực đeo ảnh Bác Hồ/ Bạn làm nghìn việc tốt / Hôm nay về Thủ đô / Bên em chị xung phong/ Áo bạc màu nắng gió / Chị nhìn ra xa xăm / Hát bài gì không rõ. Bên em…”

Bên em có anh bộ đội và có đủ cả công nông binh trong một chuyến đi tàu hỏa. Đúng là Khoa khi sáng tác cũng có người dìu dắt chỉ dẫn viết kẻo sai đường lối.

Bài thơ mà tôi cho Khoa viết không thật “nói dối” mà mọi người tin thật là bài “Em gặp Bác Hồ”. Trần Đăng Khoa có nhiều bài viết về Bác Hồ rất khá, thể hiện cảm xúc chân thành của tuổi nhi đồng đối với lãnh tụ mà cả dân tộc kính yêu. Nhưng bài “Em gặp Bác Hồ” là một bài giả. Tháng 9 năm 1969, Khoa đau mắt nặng phải lên bệnh viện mắt Trung ương ở Hà Nội để chữa trị. Hồi ấy bom đạn là thế, giao thông, xe cộ không thuận tiện như bây giờ là thế. Gia đình Khoa là gia đình nông dân nghèo khổ lo cho con đi chữa mắt tốn bao nhiêu tiền bạc công sức của bố mẹ. Đêm đêm mắt bị bưng kín, ngồi bên mình, bón cơm cháo, đắp chăn cho mình là mẹ, là bố hoặc là anh em, người thân. Cái ấy mới đúng. Nhưng Khoa tưởng tượng ra, ừ thì tưởng tượng vẫn được, nhưng tưởng tượng phải có lý, phải thật chứ tưởng tượng ngồi bên Khoa, đắp chăn cho Khoa là Bác Hồ thì điều ấy không thật, rất khiên cưỡng!

Có ai se sẽ ngồi đầu giường/ Đưa bàn tay mát như kem sữa/ Xoa lên trán em đang dịu lửa/ Vuốt lên mắt em đang bớt mờ/ A! Bác Hồ. Bác Hồ ta đó/ Bác mặc tấm áo ka ki/ Bàng bạc sương rừng Pắc Pó/ Trên trán Bác có ngôi sao/ Thảo nào Bác đi trong đêm không lạc. Bác ơi! Bác!

Bác cười rung chòm râu/ Mắt Bác sao mà thương thế/ Tóc Bác thơm lừng gió bể/ Thơm nắng đường xa/ Bác cho em nhiều quà/ Và khen em dạo này béo khỏe/ Hơn ngày xưa nhiều/ Cúc áo em bị đứt từ chiều/ Đêm phanh ra hở ngực/ Bác đắp vào cho em/ Rồi Bác ra rất êm/ Bác ơi! Bác đi rồi!/ Em bỗng òa lên khóc! (Viện mắt phố Bà Triệu đêm 9 - 9 - 1969)

Thế rồi Khoa cứ theo thói quen sáng tác và nói dối như thế mà ai cũng tin là Khoa nói thật, viết thật.

Còn bây giờ khi đã có tiếng tăm, có vị trí xã hội, có uy tín, Trần Đăng Khoa đủ can đảm để nói thật. Trong nhiều bài viết và diễn giảng nhất là ở tập chân dung và đối thoại - “Người gặp thường ngày”, Trần Đăng Khoa đã phần nào nói thật nhiều việc. Ví như Khoa cho văn Nguyễn Khải đầy chất thông tấn, thơ Tố Hữu nặng về tuyên tuyền: “Thơ ông dường như chỉ có một giọng, đó là giọng hát tưng bừng ngợi ca Cách mạng. đọc ông bất cứ hoàn cảnh nào, tâm trạng nào, ta cũng phấn chấn, cũng náo nức như đi trẫy hội. Đến đâu cũng vang vọng tiếng trống, tiếng kèn” (Chân dung và đối thoại - Tố Hữu với bài thơ Hoan hô chiến sỹ Điện Biên) thì người ta bảo Khoa nói dối, Khoa không thật lòng, là Khoa “Cuội”.

Anh Minh lại chua chát - “Cuộc đời là thế đấy anh Hoàng ! Bầy giờ Khoa nói thật không nói dối nữa thì họ bảo Khoa như thế.”

Cha ông ta nói: “Thiếu niên đăng khoa, nhất bất hạnh giả”. Nghĩa là người sớm đỗ đạt, sớm có tiếng tăm thì cũng là người bất hạnh nhất. Về cấp sắc nhà nước, đời sống gia đình thì Trần Đăng Khoa không đến nỗi bất hạnh. Giã từ cấp thượng tá quân đội có hàm mà không có chức, anh về làm Trưởng ban Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam, hàm tương đương Vụ trưởng. Nhiều nhà văn có tham gia quản lý cũng chưa được thế. Đại hội 4 Hội nhà văn Việt Nam, khi giã từ chức Tổng thư ký sau 27 năm đảm nhiệm, bị anh em la ó cho Nguyễn Đình Thi tham quyền cố vị, hưởng bỗng lộc nhà nước thì nhà văn Nguyễn Đình Thi nói ngay trên ghế Đoàn chủ tịch: - Chức vụ Tổng ký Hội Nhà văn của tôi ngang Vụ trưởng, tuy nhiên đãi ngộ thì không bằng. Bây giờ nghe nói chức Chủ tịch Hội Nhà văn có hơn một chút.

Như vậy Trần Đăng Khoa cũng đã ở vào vị trí khá trong bộ máy quyền lực của Cách mạng.

Nhưng về sáng tác, sáng tạo thì Trần Đăng Khoa đúng là người bất hạnh thật. Với tài thần đồng như thế thì đến 20 tuổi hoặc chạm 30 tuổi, Trần Đăng Khoa sẽ nhà thơ vỹ đại nhất thế giới. Nhưng không phải như vậy. Sau tập thơ lừng danh “Góc sân và khoảng trời” đến tập thơ “Bên cửa sổ máy bay” thì không ai đọc nữa. Nó chẳng hay nên người ta chẳng nhớ. Hầu như thời thanh niên và đến bây giờ Khoa không viết được bài thơ hay, tập thơ nào xứng với tài của anh!

Đời đã cho anh nhiều lợi lộc thì thần thấnh lấy bớt phần thần đồng của anh. Nói như dân gian anh “Được mùa cau thì đau mùa lúa, được mùa lúa thì úa mùa cau” Thơ người lớn của anh đầy tiếng cười. Cuộc đời đầy tiếng cười thì rất hạnh phúc, nhưng thơ đầy tiếng cười thì lại là một điều bất hạnh:

Con trở về/ Sưởi ấm trong tình thương đôi mắt mẹ/ Gió lạnh tan đi/ Tràn đầy niềm tin và nghị lực/ Con lại cười vang như sóng dưới bầu trời (Thư viết bên cửa sổ máy bay)

Về Trần Đăng Khoa tôi hay nghĩ đến truyện “Con gà đẻ trứng vàng” của Lép Tônxtôi sáng tác dựa theo truyện dân gian Nga. Chuyện thế này: “Một gia đình nọ có con gà đẻ trứng vàng. Gia đình sung sướng quá. Bao nhiêu thóc lúa, sắn khoai đều dồn cho nó ăn, thậm chí còn cho nó ăn cả thịt để nó đẻ quả trứng vàng to hơn. Ai ngờ con gà ăn nhiều quá, nó quá béo và không bao giờ đẻ được trứng nữa, dù là trứng vỏ đá vôi.”

Trần Đăng Khoa đang sống hồn nhiên giữa miền quê cảnh, thế rồi anh đi bộ đội. Đi bộ đội anh cũng làm lính cậu. Anh viết bài “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” một bài thơ chẳng ra lính, chẳng ra dân, mặc dù nó được trao giải nhất của cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 78-79 gì đó. Người ta tặng cho anh chắc không phải vì thơ mà là vì danh Trần Đăng Khoa, vì anh là người xung phong đi bộ đội. Có thể nói phần thơ trận mạc của Trần Đăng Khoa quá bình thường, anh làm anh bộ đội như cài cái cành nguyệt quế lên ve áo làm cho quân hàm người lính thêm tươi xanh lên một tí. Không chỉ có anh, nhiều nhà thơ, nhà văn quân đội cũng làm cái cành nguyệt quế trang sức như anh.

Đang đi bộ đội, anh được đi học Trường Viết văn Nguyễn Du. Học xong anh lại được qua Học viện văn Goóc ki (Nga) học bốn năm nữa. Như vậy anh được 10 năm đi học liên tục. Nhiều người mơ việc này. Kiến thức thì đi lên mà sáng tác thì đi xuống. Một nghịch lý có thật trong lao động nghệ thuật. Trần Đăng Khoa học tiếng Nga cũng được nhưng chưa đến như Đoàn Tử Huyến, Thúy Toàn, Thái Bá Tân…

Về khả năng tiếng Nga, nhà thơ Trần Đăng Khoa thật thà tâm sự: "Mình nói tiếng Nga không hay. Nó ra ngay một "thằng bồi". Nhưng được cái mình diễn đạt được đúng điều mình nói. Ngữ pháp mình dùng không phải ngữ pháp người Nga. Người Nga bảo: - Anh nói tôi biết hết, nhưng người Nga chúng tôi không nói như thế. Nói mình lõm bõm tiếng Nga thì không đúng. Nếu chỉ biết như thế thì làm sao mình có thể tốt nghiệp loại xuất sắc. Như chuyến đi Đức cách đây mấy năm, mình giao tiếp, làm việc tất tần tật bằng tiếng Nga đấy chứ.”

Về nước anh lại công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng là làm lính cậu. Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi đào luyện nhiều tài năng văn chương nổi tiếng, nhưng cũng là nơi làm lu mờ bao tài năng văn chương nếu họ không trường sức, trường tài. Nhà thơ Trần Đăng Khoa ở vào vế thứ hai. Công bằng mà nói, Trần Đăng Khoa sáng tác thơ bây giờ cũng không phải là dở. Anh có nhiều bài thơ hay Hoa Lư, Qua Bôroniô, Bài ca người lính thời bình…

Đất nước không bóng giặc/ Tưởng về gần lại xa/ Vẫn gian nan làm bạn/ Vẫn gió sường làm nhà/ Trước giặc là lính cựu/ Sau trâu là tân binh/ Cái nghèo và cái dốt/ Bày trận giữa thờ bình ( Bài ca người lính thời bình)

Sau hậu chiến thơ anh đầy cảm khái, nhưng những bài như thế ấy không nhiều:

Thả hồn quê lên trời/ Chợt nhớ Đinh Bộ Lĩnh/ Chẳng thấy một nhành lau/ Tôi cúi đàu kính cẩn/ Vái mấy ngài chăn trâu (Hoa Lư)

Nhưng với cái thần đồng của anh người đọc đòi hỏi anh cao hơn những nhà thơ bình thường khác là đúng. Thế là uổng cả một đời tài hoa “Hồn thơ khép lại chân giường / Thôi thì nhận chức văn chương qua ngày

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Đỗ Hoàng0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Đăng Khoa0

- Các bài viết của (về) tác giả Hữu Thỉnh0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Bình Phương0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

*

ĐỖ HOÀNG

Địa chỉ: số nhà 77, tổ 3, Bằng A, Hoàng Liệt.

quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Email: donguyenhn@yahoo.com

Điện thoại: 091.336.96.52

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.06.2021

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét