VÀI NÉT VỀ THUYẾT NGHIỆP CỦA ĐẠO
PHẬT
TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM
Thuyết nghiệp (Karma hay Kamma) bắt nguồn từ đâu?
Không ai rõ cả, nhưng vào thời Đức Phật, thuyết nghiệp đã được chấp nhận rộng
rãi, hầu như bởi tất cả các tôn giáo và triết phái ở Ấn Độ (trừ phái Duy vật
còn gọi là Carvaka hay Lokayata).
Thuyết nghiệp như là đáp án lô-gích duy nhất, có
sức thuyết phục nhất đối với mọi bất công, sai biệt trong đời sống của con
người. Theo các nhà Ấn Độ học như Zimmer và Basham người Đức đều cho rằng là
ngay trước khi người Aryan vào Ấn Độ, những người thổ dân Dravidien vốn đã có
các khái niệm về nghiệp, yoga, luân hồi, giải thoát v.v...
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi trình bày
đôi nét về thuyết nghiệp của đạo Phật và sự ảnh hưởng của nó trong văn hóa Việt
Nam để người đọc có thể tìm hiểu thêm về thuyết nghiệp của đạo Phật trong tâm
thức của người Việt.
Vài nét về thuyết Nghiệp của đạo Phật
Từ Pāli kamma hay từ Sanskrit karma (từ
gốc từ kr là làm), Hán dịch là nghiệp, có nghĩa là “hành động”,
“làm”. Nhưng theo thuyết nghiệp của đạo Phật, nó có một nghĩa đặc thù: nó chỉ
cho “hành động có tác ý” (volitional action), chứ không phải tất cả mọi hành
động1. Nghiệp của đạo Phật không có tính chất cơ giới và định mệnh luận. Nó đề
cao ý chí tự do của con người, đề cao nỗ lực bản thân. Thuyết nghiệp của đạo
Phật tạo ra tính bình đẳng cho tất cả mọi người và chúng sinh. Mỗi người là chủ
nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Mỗi người tự tạo ra nghiệp, vẽ nên cuộc
đời mình và thọ lãnh những gì mình đã tạo ra. Đạo Phật cho rằng, nghiệp dù là
nghiệp thiện hay nghiệp ác chỉ có thể hình thành trên cơ sở động cơ tâm lý của
đương sự, tức là có dụng tâm của đương sự mà Phật giáo gọi là tác ý (cetana).
Nói cách khác, tác ý (cetana) chính là nghiệp, nếu không có tác ý thì
không có nghiệp.
Như vậy, đạo Phật xem nghiệp là bất định, tức là
có thể thay đổi được theo chiều hướng tốt hay xấu tùy theo đương sự tạo nghiệp.
Nếu đương sự tạo ra nhiều nghiệp lành, nghiệp thiện thì nghiệp này có thể giúp
cải tạo đời sống của đương sự theo chiều hướng tốt. Ngược lại, đương sự tạo ra
nhiều nghiệp ác, nghiệp dữ thì nghiệp sẽ hủy diệt đời sống của đương sự.
Theo Giáo sư Minh Chi, đạo Phật đề cập tới hai loại
nghiệp quan trọng quyết định hướng tái sinh và cuộc sống của chúng sinh đó
là dẫn nghiệp và mãn nghiệp:
Dẫn nghiệp: còn gọi là tái sanh nghiệp (preproductive
karma) là nghiệp dẫn dắt, quyết định hướng tái sinh của chúng sinh vào một
trong sáu cõi: cõi Trời, cõi A-tu-la và cõi Người (ba cõi thiện), cõi Súc sinh,
cõi Quỷ đói và cõi Địa ngục (ba cõi ác). Đây là loại nghiệp có cường độ rất mạnh.
Mãn nghiệp hay còn gọi là năng trì
nghiệp (supportive karma), là nghiệp sai biệt làm cho mọi chúng sinh có
sai biệt không ít thì nhiều; không có hai con người giống nhau hoàn toàn (do
nghiệp của họ tạo ra không hoàn toàn giống nhau). Mãn nghiệp giải thích được
tại sao ở đời này có người hạnh phúc, người bất hạnh, người giàu sang, kẻ nghèo
hèn, người có uy tín nói ra ai cũng tin, người nói rất giỏi nhưng không ai tin,
người có dung nhan đẹp đẽ, kẻ có thân thể xấu xí, có người mới sinh ra mắc phải
những dị tật, hay những chứng nan y khó chữa v.v… Tất cả những sai biệt đó, tuy
cùng là một thân phận người, nhưng do họ tạo nghiệp quá khứ, ngay cả hiện tại
khác nhau cho nên chịu thọ nghiệp khác nhau.
Ngoài ra, đạo Phật còn đề cập tới một số loại
nghiệp khác2 như:
Năng tiêu nghiệp (countereractive karma,
impeding karma) là loại nghiệp tùy vào tình hình mà có thể tốt hay xấu! Chẳng
hạn, một người được hưởng phước báo, sống trong một gia đình giàu sang, nhưng
người này không lo học hành, không giữ lối sống đạo đức mà ngược lại chỉ biết
ăn chơi trác táng, phá sản, rốt cuộc trở thành kẻ nghèo, đi ăn xin. Nghiệp mà
anh ta đã tạo ra như vậy là loại năng tiêu nghiệp tiêu cực. Ngược lại, có người
sinh ra trong một gia đình nghèo nàn, phải lao động cực khổ, nhưng anh ta cố
gắng làm việc, học hành, sống lối sống đạo đức, giúp người khác. Kết quả, anh
ta vươn ra khỏi cảnh nghèo, có uy tín có học vấn, được mọi người tôn trọng.
Nghiệp mà người ấy tạo ra như vậy là năng tiêu nghiệp tích cực.
Năng hủy nghiệp (destructive karma) là loại
nghiệp được con người tạo ra trong đời sống quá khứ hay hiện tại, có cường độ
rất mạnh có thể hủy đi dẫn nghiệp một cách bất ngờ. Nó giải thích được là vì
sao con người chết đột tử hay chết bất đắc kỳ tử như chết vì thiên tai, chết vì
tai nạn, chết vì chiến tranh. Năng hủy nghiệp tiêu hủy thân phận người ngay khi
người đó đang có sống bình thường. Sách Phật thường ví con người sống như chiếc
đèn dầu đang cháy. Khi nào chiếc đèn cạn dầu, cháy hết bấc là lúc thọ mạng của
người ấy đã hết. Năng hủy nghiệp tác động như một cơn gió thổi tắt vụt ngọn
đèn, tuy đèn còn nhiều dầu và chưa cháy hết bấc như những trường hợp con người
chết đột tử, cuộc sống đột ngột chấm dứt. Sách Phật thường nói có năm trường
hợp con người tạo ra nghiệp cực ác phải lãnh hậu quả là bị đọa vào cõi địa ngục
sau khi mạng chung như giết cha, giết mẹ, giết một vị A-la-hán, cố ý làm
chảy máu Phật, phá hòa hợp Tăng chúng.
Cộng nghiệp (collective karma): là loại
nghiệp chung được tạo ra của cùng một nhóm người, một cộng đồng, một loại chúng
sinh hay nhiều loại chúng sinh cùng phải chịu chung hoàn cảnh. Chẳng hạn, một
dân tộc bị chiến tranh liên miên, bao nhiêu người phải cầm vũ khí ra chiến
trường mà giết hại lẫn nhau. Hoàn cảnh mà cả dân tộc ấy đang phải chịu cảnh
chiến tranh đó là cộng nghiệp, tức nghiệp chung cho mọi người trong cộng đồng
dân tộc đó.
Biệt nghiệp (individual karma) là loại
nghiệp riêng biệt của từng chúng sinh, nghiệp này không ai giống ai. Chẳng hạn,
người thân của chúng ta chịu bệnh tật giày vò rất đau khổ, chúng ta rất muốn
chia sẻ nỗi đau khổ đó với họ nhưng không làm được.
Cận tử nghiệp (approximate death karma):
người gần chết không đủ sức hành động bằng thân, thậm chí bằng lời nói, do đó
nghiệp của đương sự khi sắp mạng chung là ý nghiệp, được tạo ra bằng ý nghĩ của
họ. Nghiệp này có cường độ rất mạnh, có thể quyết định hướng tái sinh của đương
sự trong tương lai. Chúng ta có thể minh họa tầm quan trọng của cận tử nghiệp
bằng rất nhiều ví dụ, chúng tôi xin lấy ví dụ điển hình trong kinh Phật, truyện
vua Asoka (A Dục).
Vua Asoka được đánh giá là một trong những vị vua
hiền minh nhất trong lịch sử nhân loại. Ông đối đãi với tất cả các tôn giáo hết
lòng, hết sức và bình đẳng. Ông là một Phật tử thuần thành, yêu thương hết thảy
mọi loài một cách sâu sắc. Một đấng quân vương như ông, đã tạo ra cho chính bản
thân ông nhiều thiện nghiệp. Một chuyện kỳ lạ xảy ra là, trước khi lâm chung,
có chuyện không đâu làm cho nhà vua giận dữ, nghiệp ác dẫn ông tái sanh thành
một con mãng xà lớn. Em ông là Đại đức Tissa biết vậy bèn đến bên nhà vua (lúc
đó đã biến thành con rắn) nói những lời từ ái, khuất phục nó, khiến cho con
mãng xà phút chốc lột xác, tái sanh vào cõi thiện lành.
Câu chuyện cho chúng ta thấy cận tử nghiệp là rất
mạnh, đặc biệt nó chỉ được tạo ra bằng ý nghĩ. Theo tôi, câu chuyện trên thật
có ý nghĩa nhân bản về nghiệp của đạo Phật. Kinh Pháp cú(Dammapada) có
nhiều ẩn dụ về nghiệp rất hay, xin trích dẫn ra đây một vài bài để minh họa cho
nghiệp theo quan điểm của đạo Phật:
“Không trên trời dưới biển,
Không lánh vào động núi,
Không nơi nào trên đời,
Tránh được quả ác nghiệp”.
“Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Tránh khỏi tay thần chết”
(Kệ 127 & 128, Thích Minh Châu, 2000: 39)
Ảnh hưởng của thuyết nghiệp trong văn hóa Việt
Nam
Đạo Phật được truyền bá vào nước ta khoảng đầu
TL, đến nay đã hơn 2.000 năm. Dưới thời phong kiến, từ vua chúa, quan lại đến
người bình dân, từ các tác phẩm văn thơ bác học đến các tác phẩm văn học dân
gian đều nhuốm màu Phật giáo. Có nhà nghiên cứu còn cho rằng chính đạo Phật đã
góp công lớn trong việc chiến thắng quân Mông-Nguyên ba lần sang xâm lược nước
ta3. Ở đây, chúng tôi chỉ xét riêng thuyết nghiệp mà chúng tôi tin rằng nó có
ảnh hưởng sâu rộng trong tâm thức của người Việt Nam.
Thế kỷ XIII là thế kỷ oai hùng của dân tộc Việt
Nam. Ông cha chúng ta đã ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên-Mông một cách
oanh liệt. Vua Trần Nhân Tông, sau khi lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng giặc
Nguyên-Mông, ngài truyền ngôi cho con và lên làm Thái thượng hoàng. Và sau khi
sắp xếp việc triều chính ổn thỏa, ngài đã xuất gia và trở thành vị Tổ sáng lập
ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài vân du khắp nơi trong dân gian, khuyến
khích dân chúng phá bỏ dâm từ, thực hành mười điều thiện.
Nghiệp, Trung Hoa dịch từ chữ Karma hay Kamma có
nghĩa là hành động có dụng tâm. Ra đường chúng ta thường thấy những cảnh thương
tâm như tai nạn giao thông, người ăn xin, người gặp cảnh ngộ éo le, chúng ta
thường buông câu nói tội nghiệp để tỏ ý thương hại cho những người đó. Ít người
quan tâm đến nguyên nghĩa của từ tội nghiệp ban đầu có nghĩa là gì. Theo chúng
tôi biết, tội nghiệp có nghĩa là nghiệp có tội. Nghiệp của những người lúc
trước làm ra nhiều tội lỗi cho nên bây giờ họ mới chịu hậu quả xấu, gặp báo ứng
ngày nay. Một số câu thơ trong Truyện Kiều nói về nghiệp như các
câu:
“Số còn nặng nghiệp má đào,
Người dầu muốn quyết trời nào đã cho” .
(câu 997-998)
Sư rằng: “Song chẳng phận gì,
Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn
nhiều”.
(câu 2679-2680)
“Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,
Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm”.
(câu 2681-2682)
“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” .
(câu 3249-3250)
Thúy Kiều còn nặng nghiệp má đào, cho nên dù Kiều
có muốn quyên sinh, chết đi cho xong cũng không được vì Trời chưa cho. Trời
chưa cho là theo cách nghĩ của cụ Nguyễn Du, còn chúng tôi hiểu rằng đây
là nghiệp báo, nghiệp lực của Thúy Kiều chưa hết nên chưa thể chết được. Nàng
Kiều phải tiếp tục sống để trả hết “nghiệp má đào” cái đã. Xét trong tội nghiệp
Thúy Kiều là câu nói của nhà sư Giác Duyên cho nên câu này mang nghĩa từ nguyên
(tội nghiệp là nghiệp có tội hay nghiệp mang tội lỗi mà kiếp trước Thúy Kiều đã
gây ra). Đã mang lấy nghiệp vào thân thì cũng đừng có trách lẫn trời gần trời
xa, vì nghiệp là do bản thân mình tạo ra, có trách ai được. Trách trời cũng vô
ích vì trời không giúp được gì.
Câu nói dân dã phổ biến của người Việt “gieo gió
gặt bão” chính là thuyết nghiệp của nhà Phật đã thấm sâu vào văn hóa dân gian
Việt Nam. Người Trung Hoa có câu cách ngôn: “Tích thiện chi gia tất hữu dư
khương, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương” [Kinh Dịch - Quẻ Thuần
Khôn]4. Tạm hiểu là: Một nhà tích chứa điều tốt sẽ có thừa điều lành; một nhà
tích chứa điều ác tất có nhiều điều dữ. Câu tư tưởng này không thuộc về đạo
Phật nhưng nghĩa lý rất tương đồng với nghiệp, nghiệp báo.
Người đời thường nói “lời nói gió bay”. Đạo Phật
không cho rằng như vậy vì lời nói cũng là một dạng tạo nghiệp (khẩu nghiệp),
cho nên không thể xem thường được. Ta thấy trong đời sống thường ngày, nhiều
trường hợp lời nói tuy trên hình thức gió thổi đi mất nhưng người nói nhiều khi
phải trả giá ngay tức khắc, có khi là bằng mạng sống của mình vì hành vi khẩu
nghiệp của mình. Hay một lời nói tốt đẹp có thể cứu một mạng người, hoặc mang
lại hạnh phúc, an lành cho người khác thì chúng ta không thể không cẩn thận khi
phát ngôn.
Nghiệp được ghép với một từ nữa chỉ cho kết quả
của hành động trong từ ngữ nhà Phật rất nhiều như: nghiệp duyên, nghiệp chướng,
nghiệp báo, nghiệp đạo, nghiệp lực, nghiệp quả, nghiệp nợ, nghiệp miệng (khẩu
nghiệp) v.v…
“Tiền sanh nghiệp chướng có dầy,
Cho nên trời mới đem đày nhân gian”.
(Quan Âm Thị Kính)
“Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa
đắng cay”.
(Trần Nhân Tông - Cư trần lạc đạo phú)
“Nghiệp nợ kết dày, chướng tội thêm thẳm”.
(Lời tựa quyển Thiền uyển tập anh)
Hay dân gian ta có câu: “Dù xây chín đợt phù đồ/
Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Câu nói trên không có từ nào chỉ nghiệp
cả nhưng cả câu hàm ý về nghiệp, nghiệp quả của người làm ra là như thế
nào.
Những dẫn chứng sơ bộ trên đây về nghiệp, nghiệp
báo cho thấy thuyết nghiệp của đạo Phật ảnh hưởng rất sâu rộng trong tâm thức
của người dân Việt Nam. Người Việt dù ít hay nhiều cũng ý thức được nghiệp báo
luân hồi, ý thức được cái mình đang làm, đang nói hay đang suy nghĩ có ảnh
hưởng như thế nào đến bản thân mình, bà con, người thân hay mọi người xung
quanh mình nên nghiệp có tác dụng giáo dục nhất định.
Một vài nhận xét về thuyết Nghiệp
Điều gì giải thích được muôn vàn sai biệt của thế
giới này? Chỉ có thuyết nghiệp mới giải thích được. Thật sự, trên thế gian này
không có hai người giống hệt như nhau, thậm chí những cặp sinh đôi có hình
tướng giống hệt nhau nhưng tính cách, sự suy nghĩ cũng có cái khác biệt không
ít thì nhiều. Đó là do nghiệp của họ tạo ra không giống nhau. Mỗi suy nghĩ,
hành động nho nhỏ hơi khác nhau thì đã tạo ra những nghiệp khác nhau rồi. Cũng
nhờ vào thuyết nghiệp mà chúng ta có thể giải thích được những trường hợp mà
khoa học hiện nay chưa làm được.
Thuyết nghiệp của đạo Phật không mang tính quyết
định luận như các tôn giáo và triết thuyết Ấn giáo chính thống; cũng không có
tính cơ giới, máy móc như đạo Jain, mà trái lại, thuyết nghiệp của đạo Phật rất
năng động, tích cực. Nó còn có chỗ cho ý chí tự do của con người. Đề cao con
người. Con người chỉ có thể tạo nghiệp khi có dụng tâm. Thuyết nghiệp của đạo
Phật cho ta những bài học quý giá và sâu sắc như sau (theo tổng kết của GS.Minh
Chi):
Một là, thuyết nghiệp của đạo Phật dạy cho chúng
ta bài học nhẫn nại và bình thản. Một việc gì không may xảy ra cho chúng ta ở
đời sống này đều chỉ là một sự trả giá công bằng cho một nghiệp bất thiện của
quá khứ mà chúng ta đã làm từ trước. Ngược lại, nếu gặp may, chúng ta cũng
không quá vui mừng mà mất hết tỉnh táo.
Hai là, nghiệp là niềm tin và nỗ lực tối đa. Niềm
tin vào thuyết nghiệp của đạo Phật thúc đẩy chúng ta làm việc hết mình, sống
hết mình vì lý tưởng cao cả đó.
Ba là, thuyết nghiệp giúp ta sống tỉnh táo và có
tinh thần trách nhiệm. Người tin vào thuyết nghiệp biết rằng mỗi phút giây mình
sống đều tạo ra nghiệp qua suy nghĩ, lời nói và việc làm. Chúng đều có tác động
đến bản thân, gia đình và xã hội trong hiện tại và tương lai5.
Hiểu biết như vậy, chúng ta sống đầy tinh thần
trách nhiệm với những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình dù là cái nhỏ nhất,
chúng cũng giúp chúng ta cải tạo bản thân, cải tạo gia đình và xã hội, đem lại
lợi ích thiết thực cho mọi người.
Nói tóm lại, thuyết nghiệp của đạo Phật nếu được
phổ biến rộng rãi sẽ có tác dụng giáo dục quần chúng rộng rãi. Người tin theo
thuyết nghiệp của đạo Phật sẽ hạn chế được những hành vi, lời nói, ý nghĩ sai
trái hại người, hại chính bản thân mình; thuyết nghiệp khuyến khích con người
làm việc thiện, nói lời tốt đẹp, tích cực, nghĩ thiện… sẽ có tác dụng cải tạo
xã hội rất lớn. Ngoài ra, thuyết nghiệp của đạo Phật còn rất gần gũi, thậm chí
giải thích được những ưu tư mà khoa học hiện đại không thể cung cấp một sự giải
thích thỏa đáng được.
______________________
(1) Walpola Rahula, What the Buddha
Taught, 1962, p.32.
(2) Xem thêm Minh Chi, Quan niệm của
đạo Phật về Sống-Chết, 2007, tr.25- 44.
(3) Xem thêm ý kiến của GS.Minh Chi
trong bài “Phật giáo đời Trần hay là nguyên nhân sâu xa của cuộc kháng chiến
thắng lợi đối với quân Nguyên-Mông” in trong Thiền học đời Trần, NXB
Tôn Giáo 2003.
(4) Xem bản Kinh Dịch của Ngô Tất
Tố, tr.121, NXB TP.Hồ Chí Minh tái bản lần 2, 1995.
(5) Minh Chi 1996: Thuyết Bốn
đế (bản in nội bộ của Trường Cao cấp Phật học).
............................................
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB
Khoa Học Xã Hội, 1974.
2- Kinh Dịch (Ngô Tất Tố dịch), NXB TP.Hồ
Chí Minh tái bản lần 2, 1995.
3- Kinh Pháp Cú (Thích Minh Châu dịch), NXB
Tôn Giáo, 2000.
4- Minh Chi, Thuyết Bốn đế, Trường Cao cấp
Phật học (lưu hành nội bộ), 1996.
5- Minh Chi, Quan niệm của đạo Phật đối với
Sống-Chết, NXB TP.HCM, 2002.
6- Nhiều tác giả, Thiền học đời Trần, NXB
Tôn Giáo, 2003.
7- Walpola Rahula, What the Buddha Taught, Grove
Press, Inc New York, 1962.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Các bài viết về
khoa Phong Thủy0
- Các bài viết về
khoa Tướng thuật0
- Các bài viết về
Kiến thức cuộc sống0
THÍCH CHÂN QUANG - TÊN THẦY CHÙA PHẢN QUỐC:
Đặng Tuấn Anh giới thiệu
Tác giả: Võ Văn Thành - nguồn: chuaadida
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét