NGÀY XUÂN TẢN MẠN TRUYỆN KIỀU - Tác giả: Trương Hoàng Minh ; Nguyễn Việt giới thiệu

Leave a Comment

 


NGÀY XUÂN TẢN MẠN TRUYỆN KIỀU

 

Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, được nhiều học giả xưa nay dịch sang Quốc ngữ, hiệu đính và chú thích. Trong toàn bộ tác phẩm, Tiên sinh đã dùng rất nhiều từ ngữ cổ và khoảng trên 500 đến gần 1.000 điển tích

Một mùa xuân nữa lại về, mang luồn sinh khí mới cho vạn vật, mang niềm tin và hy vọng mới cho con người. Trăm hoa đua nở khoe sắc khoe hương, cỏ cây sung mãn, đâm chồi non, trổ lộc biếc, tạo nên một tấm thảm xanh liền với chân trời. Thiên nhiên là vậy còn mình thì xuân đến lại già thêm một tuổi, mái tóc có thêm nhiều cọng bạc, sức khỏe cùng niềm tin và hy vọng vơi dần. Thời gian thật vô tình, mình không van xin cầu khẩn mà nó vẫn cứ qua mau như đại thi hào Nguyễn Du diễn tả:

Diễn tả một năm trôi qua bằng hai câu thơ lục bát không thừa không thiếu thì chỉ có Tiên sinh chứ không có ai tài tình như vậy. Thông thường, khi tả một mùa Tiên sinh dùng đến hai câu như “Dưới trăng quyên đã gọi hè. Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông” để chỉ mùa hạ và “Long lanh đáy nước in trời. Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng” để chỉ mùa thu. Cái tài và cái hay của Tiên sinh còn thể hiện ở chỗ mỗi lần tả đều khác nhau, mùa hạ thì “Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua” , mùa thu thì “Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô” .

 Tôi mê truyện Kiều từ hồi còn đi học, chẳng những thuộc lòng liên tục từ câu đầu đến vài trăm câu tiếp theo mà còn thuộc nhiều câu hay lẻ tẻ và nhiều đoạn xuất sắc khác. Tôi cũng có thể lấy Kiều theo từng bối cảnh trước mắt và thỉnh thoảng tổ chức cho bạn bè bói Kiều để xem “tương lai hậu vận”. Cách làm khá đơn giản. Chúng tôi ngồi thành vòng tròn, đặt quyển truyện Kiều chính giữa. Bạn nào bói phải nhắm mắt, chắp tay, thành tâm khấn nguyện nàng Kiều hiển linh, cảm ứng chứng minh. Khấn nguyện xong bạn ấy tự tay lật quyển truyện ra rồi lấy hai câu đầu hoặc hai câu cuối của trang phải hoặc trang trái, tùy theo qui ước trước, xem “lời phán” của người cõi trên tốt hay xấu.

Dĩ nhiên đây là trò vui chơi giải trí của tuổi học trò cho tâm hồn khuây khỏa sau những ngày học hành miệt mài, căng thẳng. Dù không tin tưởng vào chuyện bói toán tầm phào nhưng các bạn vẫn biểu lộ tình cảm xúc cảm của mình khá sôi nổi, nhiệt tình, hào hứng. Gặp những câu không tốt không xấu thì chẳng có phản ứng gì nhưng gặp những câu nói về Tú Bà, Hoạn Thư, Thúy Kiều (đã bán mình) cùng Mã Giám Sinh, Sở Khanh…thì la oai oải, lắc đầu nguầy nguậy, bảo “quẻ” không linh, bói lại. Còn lật trúng những câu nói về Thúy Vân, Thúy Kiều (chưa bán mình) cùng Kim Trọng, Từ Hải thì vui mừng hớn hở và cho đó là tương lai hậu vận của mình! Một lần, một bạn gái mắc cỡ đỏ mặt, bỏ cuộc chơi ngay tức khắc sau khi gặp câu “Tiếc thay một đóa trà mi. Con ong đã tỏ đường đi lối về”! Những kỷ niệm vui buồn từ thời học trò cho đến bây giờ tôi vẫn không quên.

 Niềm đam mê của tôi trải dài theo từng cung bậc cảm xúc từ trẻ đến già. Lúc trẻ tôi mê truyện Kiều vì văn chương và tài năng sáng tạo của cụ Nguyễn Du. Dựa vào tác phẩm văn xuôi tầm thường mà Tiên sinh đã biến nó thành một tuyệt phẩm với 3.254 câu thơ lục bát thanh thoát, nhẹ nhàng như sương như khói. Tài miêu tả của Tiên sinh cũng thuộc hàng tuyệt kỹ. Từng cảnh sắc thiên nhiên, từng loại âm thanh cùng hình ảnh và tâm lý tình cảm của từng nhân vật đã được Tiên sinh khắc họa sắc nét, sinh động đến từng chi tiết, đào sâu đến tận cùng những góc khuất trong lòng người.

Là kẻ hậu sinh bất tài, tôi không dám bình phẩm tuyệt tác của Tiên sinh nên mượn lời trong bài tựa truyện Kiều của cụ Nguyễn Đăng Tuyển (Mộng Liên đường chủ nhân) nói thay: “Trong tập thỉ chung lấy bốn chữ “Tạo vật đố tài” tóm cả một đời Thúy Kiều…Vui buồn tan hợp mười mấy năm trời trong cuốn văn tả ra như hệt, không khác gì một bức tranh vậy…Ta lúc nhàn đọc hết cả một lượt mới lấy làm lạ rằng: Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”. (Trần Trọng Kim dịch). Tôi chỉ dám so sánh Tiên sinh như người thợ kim hoàn bậc thầy, tay nghề lão luyện đã mài giũa viên đá thô ráp rẻ tiền thành viên ngọc long lanh quí giá.

Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, được nhiều học giả xưa nay dịch sang Quốc ngữ, hiệu đính và chú thích. Trong toàn bộ tác phẩm, Tiên sinh đã dùng rất nhiều từ ngữ cổ và khoảng trên 500 đến gần 1.000 điển tích, điển cố xuất phát từ những bộ kinh truyện, sách sử, tình sử, văn thơ của Trung Hoa qua nhiều triều đại. Mặc dù vay mượn nhưng Tiên sinh không hề sao y bản chánh nguyên tác mà tinh gọn bằng những từ thuần Việt thông dụng dễ hiểu như các từ “lá thắm”,”chỉ hồng”,  “nghiêng nước nghiêng thành”  mà ai cũng biết chúng chỉ việc hôn nhân và nhan sắc của người phụ nữ đẹp lộng lẫy.

Cái tài dịch thuật văn thơ của Tiên sinh cũng đã đạt mức thượng thừa. Chỉ có người tinh thông Hán văn lẫn Việt văn, giàu óc tưởng tượng, hư cấu mới sáng tạo hoặc tái tạo được những lời văn câu thơ bóng bẩy, mượt mà, thanh thoát mà vẫn giữ được nội dung nguyên tác. Trong truyện Kiều có nhiều câu thơ dịch từ văn thơ cổ Trung Hoa nên tôi chỉ xin trích vài câu tiêu biểu. Tả sắc đẹp Thúy Vân thì “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, Thúy Kiều thì “Làn thu thủy, nét xuân sơn”. So với các câu trong Tướng thư“Diện như mãn nguyệt, mi nhược ngọa tàm” và Tình sử “Nhỡn như thu thủy, my tự xuân sơn” thì thơ của Tiên sinh thanh  bai tao nhã và tinh tế hơn. Tả cảnh mùa xuân thì “Cỏ non xanh tận chân trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. So với hai câu thơ cổ “Phương thảo liên thiên bích. Lê chi sổ điểm hoa”thì bức tranh xuân của Tiên sinh tươi đẹp và nổi bật hơn nhờ thêm chữ “trắng” vào màu hoa lê. Tả tiếng đàn của Kiều gãy cho Kim Trong nghe lần đầu, Tiên sinh viết “Trong như tiếng hạc bay qua. Đục như nước suối mới sa nửa vời. Tiếng khoan như gió thoảng ngoài. Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”. So với bài Đường thi mà Tiên sinh đã dịch“Sơ nghi táp táp lương phong động. Hựu tự tiêu tiêu mộ vũ linh. Cận nhược lưu tuyền lai bích chướng. Viễn như huyền hạc hạ thanh minh”  thì thơ của Tiên sinh nghe nhẹ nhàng, êm ái, thấm thía, dễ đi vào lòng người hơn nhiều.

Tóm lại, việc cụ Nguyễn Du sử dụng nhiều từ ngữ cổ cùng điển tích, điển cố và văn thơ của Trung Hoa qua nhiều triều đại khi sáng tác truyện Kiều nói lên cái tài học cao biết rộng, kiến thức uyên bác và cái nghệ thuật dịch văn thơ tuyệt vời của Tiên sinh. Đồng thời làm phong phú thêm kho tàng ngôn ngữ, văn chương nước ta và nâng cao giá trị truyện Kiều, tên tuổi cụ Nguyễn Du cùng nền văn học Việt Nam lên đến đỉnh điểm vinh quang, đỉnh cao nghệ thuật (Cụ Nguyễn Du được Unesco công nhận “Danh nhân văn hóa thế giới” và truyện Kiều đã được dịch ra trên 30 thứ tiếng).

 Khi sức khỏe cùng niềm tin và hy vọng vào tương lai vơi dần theo thời gian, tôi tìm nguồn vui trong giáo lý Phật giáo. Sự chuyển đổi đó kéo theo niềm đam mê truyện Kiều của tôi về cùng một hướng.

Truyện Kiều lấy thuyết “tài mệnh tương đố” (tài và mệnh ghét nhau) làm triết lý sống “Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Kiều là nạn nhân chính của cái thuyết đó, bị hết kiếp nạn nầy đến kiếp nạn khác phải tự kết liễu đời mình ở sông Tiền Đường. Nếu câu chuyện kết thúc tại đây thì nó đã hoàn thành nhiệm vụ cho người ta biết rằng: “Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần” . Tuy nhiên, nó vẫn tiếp diễn với những tình tiết mới, Kiều được ni sư Giác Duyên cứu sống và sau đó được đoàn tụ với gia đình, sum hợp với Kim Trọng. Một triết thuyết mới cũng xuất hiện, đó là triết thuyết về “nghiệp” và “nhân quả” của đạo Phật.

Kiều là người con hiếu thảo, thông minh, tài sắc vẹn toàn, biết điều nhân nghĩa, sống trong gia đình nền nếp lễ giáo sao lại bị nỗi đoạn trường suốt mười lăm năm, chịu nhiều đắng cay tủi nhục đến phải tự sát ở sông Tiền Đường? Bởi vì:

Sư rằng: Phúc họa đạo trời

Cội nguồn cũng tại lòng người mà ra

Đạo trời là đạo gì? Theo quan niệm của Nho giáo và Lão giáo thì ngoài thế giới này còn có một đấng siêu nhiên mang nhân trạng, thống trị muôn loài gọi là ông Trời hay Ngọc hoàng. Ông Trời, cũng như Thượng đế của các tôn giáo khác, có quyền năng tối thượng, ban phước cho người tốt, giáng họa cho kẻ xấu. Đạo Phật là tôn giáo không có ông Trời và Thượng đế cho nên hình ảnh của hai nhân vật này tương đương với Nghiệp trong giáo lý của Đức Phật Thích Ca.

Nghiệp là ý nghĩ, lời nói và hành động của con người, do con người tạo ra và chịu trách nhiệm. Xem qua cuộc đời Kiều chúng ta thấy nàng than khóc thân phận Đạm Tiên, hẹn hò đính ước với Kim Trọng, bán mình chuộc cha, nghe lời Sở Khanh, lấy Thúc Sinh, Từ Hải v.v…đều do nàng tự làm chứ không có người nào, trời nào xúi biểu, bắt buộc. Nàng tự làm thì nàng tự gánh lấy hậu quả chứ không ai gánh thay cho nàng. Cội nguồn là ở chỗ đó nên cụ Nguyễn Du khẳng định:

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Nghiệp có tốt có xấu và là cốt lõi của nhân quả, nó tạo ra nhân, nhân sinh ra quả. Nghiệp tốt nhân quả tốt, nghiệp xấu nhân quả xấu. Mặc dù cụ Nguyễn Du không nói Kiều đã tạo nghiệp gì nhưng căn cứ vào câu“Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị, dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị” thì biết Kiều đã tạo ra nhiều nghiệp xấu ở kiếp trước nên kiếp này mới bị đoạn trường. Tuy nhiên, cái hồi kết có hậu của câu chuyện là do Kiều đã tạo nhiều nghiệp tốt trong hiện tại:

Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm

Lấy tình thâm, trả tình thâm

Bán mình đã động hiếu tâm đến trời

Hại một người, cứu muôn người

Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng

. . . . . . .

Bán mình là hiếu, cứu người là nhân

Một lòng vì nước vì dân

Kiều còn bao dung rộng lượng, tha thứ cho Thúc Sinh, Hoạn Thư và lấy nhân nghĩa đền đáp công ơn của Mụ quản gia, ni sư Giác Duyên khiến cho:

Âm công cất một đồng cân đã già

Đoạn trường sổ, rút tên ra

Đoạn trường thơ, phải đưa mà trả nhau

Còn nhiều hưởng thụ dài lâu

Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào.

Luật nhân quả rất công bằng, có công thì thưởng có tội thì trừng. Cụ Nguyễn Du đã diễn tả khá dài cảnh bọn Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh…bị trừng phạt nhằm răn đe, cảnh cáo mọi người:

Những người bạc ác tinh ma

 Mình làm mình chịu kêu mà ai thương.

Ngoài cái nghiệp và luật nhân quả, cụ Nguyễn Du còn nói đến cái Tâm khi kết thúc truyện Kiều:

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Liên hệ đến triết thuyết về “nghiệp” và “nhân quả” ở trên, lúc đầu tôi nghĩ đây là cái Tâm của nhà Phật. Hơn nữa, trong đoạn Kiều than khóc thân phận Đạm Tiên có câu:

Kiều rằng: những đấng tài hoa

Thác là thể phách, còn là tinh anh

Giải thích theo Phật giáo thì thể phách là hình hài, tinh anh là cái tâm. Hình hài vô thường nay còn mai mất, cái tâm bất sinh bất diệt, thường còn. Tuy nhiên, sau khi nghĩ lại thì không phải thế mà đó là cái tâm của Nho giáo theo quan điểm “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Còn cái tâm của Phật giáo trong sáng thanh tịnh, vô ký, không thiện không ác. Mặc dù vậy, cả hai đều tốt, đều là nơi trú ngụ, nương tựa lý tưởng, giúp con người đi đúng hướng, không sợ lầm đường lạc lối trong cuộc sống.

 Người già thường sống với quá khứ, lấy điển xưa tích cũ làm vui. Vui đến đây đã đủ nên tôi xin mượn hai câu kết trong truyện Kiều để kết thúc bài viết nầy “Lời quê chắp nhặt dông dài. Mua vui cũng được một vài trống canh”./

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

 

Mời nghe ca khúc MÙA XUÂN CỦA MẸ

của Trần Lâm Ngân, qua tiếng hát Chế Linh:

Nguyễn Việt giới thiệu

Tác giả: Trương Hoàng Minh - nguồn: daophatngaynay

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét