NGƯỜI QUÂN TỬ GẶP 'SẮC DỤC' MÀ TÂM KHÔNG BỊ NHIỄU LOẠN - Tác giả: Tạ Hồng Trường (Hưng Yên)

Leave a Comment

 


NGƯỜI QUÂN TỬ GẶP "SẮC DỤC"

MÀ TÂM KHÔNG BỊ NHIỄU LOẠN

 

Thời cổ đại, bậc thánh nhân và những người quân tử có đạo đức cao thượng đều lấy đức làm trọng. Rất nhiều người trong số họ khi gặp “sắc dục” đều vô cùng nghiêm khắc giữ mình, thủ giữ tiết tháo, đức hạnh.

Về chuyện đối xử với nữ sắc, người xưa có câu: “Tọa hoài bất loạn”, ý chỉ người đàn ông chính trực, dù trong hoàn cảnh bị thử thách, ở trước cám dỗ của người phụ nữ mà tâm không nảy sinh ý đồ xấu. Câu thành ngữ này có liên quan đến một điển cố được ghi chép trong sách “Thuần chính mông cầu” như sau:

Liễu Hạ Huệ là một người sống ở nước Lỗ vào thời Xuân Thu. Một hôm vào đêm đông giá rét, có một người phụ nữ vô gia cư đến nhà ông tìm nơi trú ẩn nhờ. Liễu Hạ Huệ lo ngại rằng cô gái này có thể sẽ chết vì lạnh, nên ông đã để cô vào trong nhà mình

Hơn nữa, do tình trạng sức khỏe của cô gái ấy, ông đã để cô ngồi trên đùi, quấn áo mình quanh người của cô và áp cơ thể của cô vào mình để cô gái đỡ lạnh. Họ đã ngồi như vậy suốt đêm và ông đã không làm bất kỳ điều gì không đứng đắn.

Từ câu chuyện này mà có câu thành ngữ “Tọa hoài bất loạn”.

Theo sử sách ghi chép, Liễu Hạ Huệ vừa có tài an bang lại có đủ đạo đức của một chính nhân quân tử. Ông được Khổng Tử, Mạnh Tử xưng là hiền nhân, thánh nhân, người có đạo đức cao thượng. Điển cố “Tọa hoài bất loạn” cũng được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

Cổ ngữ có câu: “Vạn ác dâm vi thủ”, trong vạn cái ác thì dâm đứng đầu. Nếu một người quá ham mê phóng túng dâm dục, không thể coi nhẹ chuyện này được thì sẽ là ác nhân. Người đạo đức cao thời xưa đều coi vấn đề sắc dục rất nghiêm trọng. Cho nên, bất luận người nào muốn nâng cao đạo đức của bản thân thì nhất định phải coi nhẹ, ức chế ham muốn sắc dục. Các bậc cổ thánh tiên hiền thời xưa yêu cầu về quan hệ nam nữ là nghiêm ngặt vô cùng.

 

Tư Mã Quang cự tuyệt nạp thê thiếp

Thời Bắc Tống, Tư Mã Quang từng làm quan cho bốn đời hoàng đế. Ông lấy vợ hơn 15 năm nhưng vẫn chưa có con. Mặc dù Tư Mã Quang không hề để ý đến việc phải có con nối dõi tông đường, nhưng vợ ông lại một mực muốn nạp thê thiếp cho ông. Tư Mã Quang biết được tâm ý của vợ nhưng luôn không đồng ý.

Một lần vợ Tư Mã Quang dẫn một cô gái còn trẻ tuổi, xinh đẹp đến thư phòng của Tư Mã Quang nhân lúc ông đang nghỉ ngơi. Nhưng Tư Mã Quang một mực không để ý đến cô gái trẻ tuổi này. Cô gái này vì muốn Tư Mã Quang để ý đến mình, đã cố ý cầm một quyển sách lên và hỏi: “Xin hỏi đại nhân, đây là quyển sách gì?”

Tư Mã Quang trang trọng chắp tay trả lời: “Đây là cuốn Thượng thư.” Sau đó ông lại tiếp tục làm việc của mình mà không hề để ý đến cô gái ấy. Cuối cùng, vì không lay động được ông, cô gái đành phải lui ra ngoài.

Vợ ông vẫn kiên nhẫn tìm một cô gái khác, với hy vọng ông có thêm một người vợ để sinh con nối dõi. Một hôm, bà gọi một cô gái đến rồi nói: “Sau khi ta ra ngoài, cô hãy đến thư phòng của lão gia nhà ta!”

Buổi chiều, cô gái bê trà vào thư phòng của Tư Mã Quang. Tư Mã Quang thấy cô gái bước vào phòng của mình liền nghiêm nghị nói: “Phu nhân tôi không có ở nhà, cô tới có việc gì? Hãy mau rời đi!” Giọng nói và vẻ mặt nghiêm nghị của Tư Mã Quang đã khiến cô gái lập tức phải thoái lùi.

Đức hạnh của Tư Mã Quang không chỉ được Quân thần đương thời kính trọng mà còn được người đời ca ngợi, tán dương là bậc quân tử.

 

Địch Nhân Kiệt khuyên bảo mỹ nhân

Tuổi thanh niên Địch Nhân Kiệt có tướng mạo cao lớn, khôi ngô, tuấn tú. Một lần đến kinh thành dự thi, ông trú lại một quán trọ giữa đường. Khi Địch Nhân Kiệt đang đọc sách dưới ánh đèn trong đêm yên tĩnh thì bất ngờ có một thiếu phụ xinh đẹp bước vào. Thiếu phụ này là con dâu của gia chủ quán trọ.

Cô gái này sau khi kết hôn thì chồng sớm qua đời, vào lúc ban ngày đã trông thấy Địch Nhân Kiệt tướng mạo tuấn tú phi phàm nên trong lòng đã không kìm nén được. Thiếu phụ chờ đến tối mới lấy lý do xin lửa đến phòng Địch Nhân Kiệt để quyến rũ.

Địch Nhân Kiệt biết rõ ý đồ của thiếu phụ nhưng không chút động lòng. Hơn nữa, ông còn nói lời chân thành:

Cô xưa nay có đủ ý chí giữ mình như thế thật vô cùng đáng quý, chớ vì chút xao động nhất thời mà hủy hoại thanh danh bao công giữ gìn. Huống hồ trên cô còn có cha mẹ chồng tuổi già, dưới có con thơ dại, ai cũng cần cô quan tâm chăm sóc. Nếu thông gian với ta, bỏ đi theo ta thì cha mẹ chồng già yếu và con thơ không còn chỗ nương tựa.

Những nàng dâu thời xưa biết giữ lễ tiết luôn được người đời tôn vinh. Hàn Cửu Anh vì sợ bị bọn sắc tặc cưỡng hiếp đã tự hủy làm xấu đi cái mũi của mình. Phu nhân Cao Trọng Cử gặp tên dâm đãng đã dùng cán gương chọc mù hai mắt, hủy dung mạo để giữ lễ tiết. Còn có rất nhiều tấm gương kiên trung, một lòng giữ gìn phẩm giá…

Thiếu phụ sau khi nghe Địch Nhân Kiệt nói thì trong tâm cảm động, nước mắt trào ra, lên tiếng cảm tạ:

Cảm tạ ân công đại đức, không những bảo toàn tiết tháo cho tôi mà còn dạy tôi một bài học. Từ nay về sau tôi kiên quyết giữ lòng như nước đọng, băng thanh ngọc khiết, giữ trọn tiết tháo, đền đáp lời dạy của ân công hôm nay.

Nói xong thiếu phụ liên tục bái tạ rồi xin cáo từ. Về sau, người thiếu phụ này đã làm đúng như lời hứa, kiên thủ phụ tiết, hiển danh trong vùng và được người đời ca ngợi.

Ông Trời không phụ lòng người quân tử có thiện đức. Địch Nhân Kiệt sau đó thi đỗ, được bổ làm quan. Sau này ông lại làm đến chức tể tướng, giúp đỡ triều đình an bang định quốc, được lưu danh sử sách.

 

Dùng cách của mình mà học tập người xưa

Trong sách “Kinh Thi – Tiểu Nhã – Hạng Bá” của Mao Hanh thời Hán lại chép một câu chuyện thú vị liên quan đến điển cố “Tọa hoài bất loạn” như sau:

Ở nước Lỗ có một người nam sống độc thân trong một ngôi nhà. Hàng xóm của anh ta là một quả phụ, cũng sống trong nhà một mình.

Vào một đêm mưa to gió lớn làm sập mất ngôi nhà, người quả phụ vội chạy đến nương nhờ nhà của anh kia, nhưng anh ta lại đóng cửa không cho vào.

Người quả phụ đứng ngoài cửa sổ hỏi anh ta: “Sao anh không cho tôi vào?”

Người nam đáp: “Tôi nghe nói rằng, nam nữ chưa quá 60 tuổi thì không thể ở cùng một chỗ; bây giờ cô còn trẻ, tôi cũng còn trẻ; tôi không thể để cho cô vào được.”

Người phụ nữ nói tiếp: “Sao anh không thể giống Liễu Hạ Huệ, dùng thân mình sưởi ấm cho cô gái không kịp vào thành tránh rét, cả nước không ai dám nói ông ấy làm bậy.”

Người nam đáp lời: “Liễu Hạ Huệ có thể mở cửa, nhưng tôi thì không thể, vậy nên tôi muốn dùng cách của mình mà học tập Liễu Hạ Huệ”.

Từ câu chuyện trên có thể thấy rằng ức chế ham muốn sắc dục là bản lĩnh cần có nhất của bậc thánh hiền từ xưa tới nay. Tuy vậy, nếu không tự tin có thể ức chế được ham muốn, thì người ta cũng có thể nhân lúc bản thân còn tỉnh táo mà tự ước thúc lấy hành vi của mình, tránh để chuyện xấu ác xảy ra.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ CẠN LÒNG:

TẠ HỒNG TRƯỜNG

Địa chỉ: Khu đô thị mới, thị xã Phố Nối, Hưng Yên.

Email: tahongtruong@yahoo.com.vn

 

 

 

 

..............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 12.09.2019.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét