MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2024

TÁC PHONG HỒ CHÍ MINH - Tác giả: Dương Đình Giao ; Trần Chí Cường giới thiệu

 

TÁC PHONG HỒ CHÍ MINH

*

Với Ông Hồ Chí Minh, cho tới nay, tôi vẫn giữ lòng kính trọng. Tình cảm này được nảy sinh từ khi còn ở tuổi niên thiếu, dần được phát triển tới lúc trưởng thành. Cho dù từ khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã đọc không ít những tài liệu có tính chất “phản biện” như Hoa xuyên tuyết,  Mặt thật của Bùi Tín, Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên, Bên thắng cuộc của Huy Đức hay gần đây là 2 tập Đèn cù của Trần Đĩnh, … cùng với vô vàn những câu chuyện truyền miệng khác nhưng lòng kính trọng của tôi không có nhiều thay đổi.

Tất nhiên, tôi không kính trọng theo kiểu coi “Nguời là Cha già dân tộc” hay kiểu “Bác bảo đi là đi, Bác bảo thắng là thắng”. Niềm kính trọng của tôi xuất phát từ những suy nghĩ của riêng mình. Trước hết, với tôi, Hồ Chí Minh là một con người quả cảm. Chẳng phải dễ dàng khi một chàng trai ở lứa tuổi đôi mươi,  từ hơn một thế kỷ trước, khi những hiểu biết về nước Pháp, nguời Pháp và thế giới phương Tây còn vô cùng hạn hẹp, với hai bàn tay trắng dám bỏ nước ra đi để lập thân lập nghiệp (tôi khâm phục ông về việc này mà không cần phải nói ông “ra đi tìm đường cứu nước”). Thêm nữa, ông là một nguời yêu nước bền bỉ, đã trải qua bao gian khổ, bôn ba khắp năm châu để thực hiện lý tưởng hoài bão của đời mình dù trong suốt cuộc đời, không tránh khỏi những sai lầm. Về điều này, đã có quá nhiều nguời nói tới. Cuối cùng, tôi thêm kính trọng Ông vì mặc dù trên đỉnh cao quyền lực suốt hơn hai mươi năm, Ông vẫn giữ được nếp sống khiêm nhường, thanh đạm trong khi không ít những đồng chí cùng thế hệ với Ông ở khắp nơi đã trở thành những bạo chúa.

Mặc dù đã biết nhiều chuyện “lề trái” về ông nhưng tôi vẫn giữ niềm kính trọng không phải vì “mù quáng”, “ngộ nhận”, không phải vì sợ “sụp đổ thần tượng”. Trước hết, tôi hiểu Ông dù sao cũng chỉ là một con người với tất cả những tốt xấu, dở hay,  … mà con nguời vốn có. Chính vì luôn coi ông là bậc Thánh nên nhiều nguời mới bị thất vọng khi không ít  sự thật về cuộc đời ông được hé lộ, và trớ trêu thay, cũng chính vì họ tôn ông là Thánh nhân nên ngày càng có thêm nhiều chuyện về ông theo chiều ngược lại được đưa ra làm đối trọng. Không biết nguời xưa có phải đã bảo “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”? Thứ hai, ông là một chính khách, một nguời làm chính trị, mà theo tôi được biết, những nguời làm nghề khá đặc biệt này, chẳng ai tránh được phải có những thủ đoạn, kể cả những nhà cầm quyền từ thời cổ xưa như vua Nghiêu, vua Thuấn, … ở Tàu, Giu-li-ut Xê-da,  Ô-guýt-xtuyt, … bên Tây. Tôi nhớ đã đọc được ở đâu đó câu này “Chính trị xưa và nay đều được tiến hành bằng sức mạnh và mưu mẹo”. Muốn sống chân thật như những con nguời từ thuở nguyên sơ, hồn nhiên giữa trời mây, cây cỏ chẳng có cách nào khác, trước hết phải xa lánh chính trị. Có lẽ chính vì thế, nhiều danh nhân xưa, sau một thời gian tham chính để thỏa chí bình sinh, có chút ít đóng góp với đời, họ đều lui về nơi thôn dã xa lánh chốn phồn hoa để sống cho riêng mình.

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Nguời khôn nguời đến chốn lao xao.”

(Nguyễn  Bỉnh Khiêm)

Hơn nữa, rất nhiều việc làm xưa nay của Ông, nhất là vào những năm cuối đời và sau khi Ông mất, thực ra đâu có phải do ý muốn chủ quan. Có việc Ông buộc phải làm (một khi đã “cưỡi trên lưng hổ”), có việc nguời khác làm nhưng lấy Ông làm bình phong. Ông trở thành cái vỏ bọc mà giấu sau đó là những bộ mặt của nhóm lợi ích với mục đích không mấy trong sạch. Rõ nhất là việc thực hiện những nguyện vọng  về lễ tang sau khi Ông mất. Cho nên, theo tôi, dù nhìn nhận, đánh giá Ông dưới góc độ nào cũng cần sự công bằng.

Khi Ông mới qua đời, có một phong trào đã được phát động rầm rộ trong cả nước: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Trong hoàn cảnh chiến tranh và những năm đất nước mới thống nhất, khi nhiệt tình cách mạng của đông đảo quần chúng còn có độ nóng cần thiết, phong trào đã có những thành công nhất định. Nhưng từ nhiều năm nay, từ khi đạo đức bắt đầu có những biểu hiện “xuống cấp”, các cơ quan tuyên giáo  phát động và ra sức tuyên truyền cho phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì kết quả thực sự đáng buồn.  Năm nào cũng có hội nghị sơ kết, tổng kết, trao phần thưởng, …rồi không thiếu những cuộc thi  khá rình rang tốn kém, đáng tiếc phong trào có “phát” mà không “động”. Những biểu hiện tiêu cực, thoái hóa biến chất ban đầu chỉ ở “một bộ phận nhỏ” đã chuyển thành “một bộ phận không nhỏ”. “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp,…”.  (Văn kiện Đại hội đảng lần thứ 11). Cần phải hiểu “diễn biến phức tạp” là một mỹ từ để ngầm nói sự phát triển không thể kiểm soát nổi. Thậm chí, “thoái hóa biến chất” không chỉ là chuyện  của cấp thấp, nó đã biểu hiện ngay ở những nguời thuộc tầng lớp trên. Thật là bi hài kịch khi một trong ba tấm gương được khen thưởng trong phong trào này của năm 2010 chính là một “anh hùng nhất khoảnh” có được danh hiệu Nhà nước phong tặng do man khai thành tích, còn dân chúng thì tôn   là “vua”. Mỗi lần “vua” đi săn, nguời dân phải lánh xa vì đã có nguời bị trọng thương do đạn lạc; và “nhà vua” trong những cuộc ăn nhậu cùng cận thần đã hành xử bất chấp đạo lý: “Đoạn cao trào, “vua” ghì đầu cô gái (tiếp viên) hôn vào má trước mặt nhiều người. Cô gái vừa chửi “đồ mất dạy” vừa tát vào mặt “vua”. “Vua” liền hô hào nói chủ nhà hàng đuổi ngay cô tiếp viên.” Nguời được giải, được khen  trong phong trào, lại là “quan đầu tỉnh” mà như vậy thì cái phong trào ấy ra sao, chẳng cần nói ai cũng biết.

Vì sao một phong trào được đầu tư nhiều tiền bạc và công sức nhưng qua bao nhiêu năm vẫn chẳng mấy hiệu quả, chưa kể còn mang nhiều tiếng cười chê? Với tầm nhìn không tránh khỏi hạn hẹp, theo tôi, có thể kể ra ba nguyên nhân sau:

Nguyên nhân đầu tiên là, những nguời cần học tập trước hết là những cán bộ đảng viên, nhất là những nguời có chức có quyền vì khi đạo đức phẩm chất sa sút, họ chính là những nguời làm hại đất nước, làm hại nhân dân nhiều nhất. Phong trào được phát động chính do trong hoàn cảnh hiện nay, không ít nguời trong số họ đã tha hóa, mất chất, không còn xứng đáng là những nguời “đầy tớ trung thành của nhân dân”, nhưng chính họ lại là những nguời thờ ơ nhất. Coi đây chỉ là việc của đám quần chúng nhận thức hạn hẹp, họ tự cho mình là những nguời có đặc quyền đặc lợi, thuộc đẳng cấp  các “đỉnh cao trí tuệ”, trách nhiệm của họ chỉ  là rao giảng cho cái đám quần chúng kia biết thế nào “là đạo đức, là văn minh”. Chưa kể, là “những nguời trong chăn”, họ đều biết đây cũng là một việc “nói vậy mà không phải vậy” vốn đã là câu chuyện muôn thuở trong công tác tuyên giáo.

Từ điển tiếng Việt giải thích đạo đức là “1. Những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội (nói tổng quát)…2. Phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức của một giai cấp nhất định mà có.” (Từ điển tiếng Việt. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội – 1988, tr.311).

Còn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Đạo đức là một hiện tượng xã hội phản ánh các mối quan hệ hiện thực bắt nguồn từ bản thân cuộc sống của con người. Đạo đức là tập hợp những quan điểm của một xã hội, của một tầng lớp xã hội, của một tập hợp người nhất định về thế giới, về cách sống. Nhờ đó con người điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội.”

Cứ theo những cách hiểu ấy, “đạo đức” là một khái niệm khá trừu tượng, nguời ta khó cảm nhận được bằng trực giác. Vì trừu tượng nên có thể mỗi nguời hiểu một cách. Hãy thử đọc một đoạn trong Tài liệu “Những phẩm chất đạo đức cơ bản theo tư tưởng Hồ Chí Minh”:  “Nguời đã từng nói: Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Nguời cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người đã là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức thì còn làm nổi việc gì”.

Còn giải thích về “đạo đức Hồ Chí Minh”, Tài liệu viết: “Đạo đức cách mạng do Hồ Chí Minh đề xướng về lý luận là đạo đức mang bản chất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động kết hợp nhuần nhuyễn và sinh động với những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa đạo đức của loài người. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân mà vì lợi ích chung của dân tộc, của đảng, của loài nguời.”

Tất cả đều rất “trống chiêng rổn rảng”, toàn ở tầm vĩ mô “dân tộc”, “loài người,” nhưng thiếu những biểu hiện cụ thể, để noi theo, để nhắc nhở uốn nắn. Cho nên dù có kiểm điểm, phê và tự phê cũng không tránh khỏi tình trạng “hòa cả làng”. Đó là nguyên nhân thứ hai.

Vả lại, cũng phải nói cho công bằng, vì nhiều lý do khác nhau, Hồ Chí Minh trong cuộc đời mình đã có những biểu hiện đạo đức mà đông đảo mọi người không thể và không nên học tập. Thông cảm, bao dung, độ lượng khi đánh giá, nhìn nhận con người là một chuyện, còn lấy đó là tấm gương để noi theo lại là việc khác hẳn. Cũng như đặt tượng Hồ Chí Minh ở một số nơi công cộng là việc có thể nhưng đặt tượng khắp nơi, thậm chí đưa tượng Ông vào đền chùa chỉ tạo những phản cảm cho nguời biết suy nghĩ.

Ở ta, không thiếu gì việc, nguời ta cứ đi quá cái “ngưỡng” của nó. Nói nghề dạy học là nghề đáng quý là đủ, lại nói đó là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” thì lại thành ra trò lừa trẻ con; nói cán bộ phải phụng sự dân là đủ, lại nói cán bộ là đầy tớ của dân thì là mị, là xạo, … Trong trường hợp này cũng vậy, sao chúng ta không phát động phong trào học tập và noi theo những tấm gương “tác phong” của Hồ Chí Minh vì theo tôi, về tác phong, đúng là Hồ Chí Minh có rất nhiều điều để chúng ta học tập, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay.

Theo Từ điển tiếng Việt, tác phong là “lối làm việc, sinh hoạt  hằng ngày của mỗi nguời.” (Sđd. tr. 913). Nghe xem chừng không “oai” bằng đạo đức nhưng nó là những biểu hiện hết sức cụ thể trong đời sống. Nguời ít học cũng có thể noi theo, nguời không muốn học cũng không thể né tránh vì tất cả những biểu hiện cụ thể ấy, ai cũng có thể nhận biết bằng những giác quan thông thường. Tác phong của anh có giống tác phong của Hồ Chí Minh hay không, đến một học sinh trung học cũng có thể nhận ra.

Học tập tác phong Hồ Chí Minh, theo tôi  trước hết nên học ba biểu hiện:

Điều đầu tiên cần học tập ở tác phong Hồ Chí Minh là thái độ gần gũi với dân chúng vì “tác phong quần chúng là nội dung nổi bật nhất trong tác phong của Hồ Chí Minh”. Ông là nguời có giáo dục, trong cuộc đời hoạt động đã từng được nhân dân chở che, đùm bọc nên gần gũi với dân đã trở thành điều không thể thiếu trong con người Ông. Từ khi làm Chủ tịch nước, Ông nhiều lần thăm viếng mọi tầng lớp nhân dân ngay trong môi trường hoạt động của họ. Ông thăm những gia đình nông dân trên cánh đồng khi họ đang gặt lúa, Ông vào xưởng máy khi công nhân đang làm việc, Ông thăm bộ đội trên trận địa pháo cao xạ, thăm học sinh khi các cháu đang học trên lớp, thăm một lớp bình dân học vụ khi bà con dân nghèo đang học buổi tối trong các xóm lao động dưới ánh đèn dầu, …Cây Ông trồng vào mùa xuân là những cây non, cao chưa quá đầu nguời. Tuổi đã cao, sức lại yếu, thời gian hạn hẹp, cái hố đã được chuẩn bị trước, nhưng ông đã trồng, đã tưới tắm cho cái cây thực sự…  Chắc chắn những cuộc thăm viếng này đều có sự chuẩn bị để đảm bảo an toàn, nhưng ngay nguời đứng đầu cấp Tỉnh nhiều khi cũng chỉ được báo trước có “đồng chí Trung ương” về thăm. Cán bộ cấp thấp và quần chúng nhân dân hoàn toàn không biết trước cho nên những cuộc tiếp xúc diễn ra rất tự nhiên như cuộc sống vốn có, không ai có thời gian để  “bài binh bố trận”. Vị Chủ tịch nước “đột kích” kiểm tra nhà bếp, nhà vệ sinh, … ngay từ khi mới xuống xe để biết được một phần thực trạng nơi mình tới. Ông sẵn sàng xắn quần lội xuống ruộng lúa, cùng nông dân tát nước chống hạn. Năm 1969, về trồng cây trên đồi thôn Yên Bồ ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì (khi ấy thuộc Hà Tây), cán bộ địa phương trải một tấm chiếu trên sườn đồi để Ông ngồi nghỉ. Trước khi ngồi, Ông vén góc tấm chiếu, ngồi ngay trên bãi cỏ khiến những cán bộ đi cùng cũng phải ngồi theo dù không ít nguời quần áo khá tề chỉnh.Thấy lãnh đạo ngày nay “diễn” quá nhiều, đã không ít nguời trẻ tuổi nghi ngờ sự hòa mình với quần chúng của Ông, thật oan uổng cho nguời có tấm lòng thành! (Hóa ra, chính những nguời nhận là học trò, là nguời kế thừa, noi gương Ông lại  chính là những kẻ vô tình làm cho Ông phải “xấu mặt”). Tôi nghe nhà thơ Thanh Tịnh nói, khoảng cuối những năm 50, Ông về thăm tỉnh Thanh Hóa. Sau giờ làm việc  Tỉnh mời ăn cơm trưa, Ông bảo cần vụ mang cơm nắm cùng  thức ăn đã chuẩn bị sẵn và giải thích làm như thế để khỏi làm phiền cho “gia chủ” và cũng để tránh việc các chủ nhân “mượn gió bẻ măng”, lấy cớ tiếp khách trung ương mà “quên tiết kiệm chỉ nhớ tiết canh”.

Học tập tác phong của Ông, chúng ta sẽ bớt đi bao cuộc thăm viếng ồn ào và tốn kém: cả đoàn xe của bộ sậu hàng chục chiếc tới tận ranh giới giữa tỉnh nhà với tỉnh bạn để đón cấp trên. Rồi sau đó là băng cờ khẩu hiệu, là tiệc tùng chiêu đãi. Cấp trên tới đâu, cấp dưới đã chuẩn bị đón rước thật nồng nhiệt, quần chúng nhân dân váy áo xúng xính, cờ hoa rực rỡ vẫy chào. Mấy cháu bé bụ bẫm xinh xắn được chọn lựa do  mẹ hay bà bế đứng hàng trên với  áo quần đẹp đẽ để cấp trên tỏ vẻ trìu mến cho cả trăm cái ống kính đủ loại chụp ảnh, ghi hình chờ đến buổi tối quảng bá cho khắp bàn dân thiên hạ. Những chuyến thăm viếng như thế, các cấp trên sẽ  biết được những gì về đời sống của nhân dân ngoài những màn trình diễn được xếp đặt công phu? Cấp trên có hay chăng bao nguời dân, kể cả các Bà mẹ Việt Nam anh hùng vẫn sống trong những túp lều tranh xơ xác, bao em thơ còn khát sữa, bao đứa trẻ phải đu dây qua sông suối để tới trường?

Chúng ta sẽ bớt đi bao cuộc trình diễn “trồng cây” hàng năm ở khắp nơi với những gốc cây cổ thụ được di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, đến những cái xẻng cũng được trang sức cầu kỳ. Có lẽ điều được  nguời trồng cây quan tâm không phải là cái cây mà là tấm biển ghi tên tuổi, chức vụ, học hàm học vị được gắn ngay tắp lự nơi gốc cây và bao ống kính ghi lại chân thực những cái giả dối ấy.

Lối sống tiết kiệm, giản dị là điều cần học thứ hai khi đất nước chúng ta dù đã qua bốn mươi năm thống nhất nhưng vẫn là một nước nghèo lại đang là con nợ nần đầm đìa. Đó là cách sống của những nguời được thừa hưởng phẩm chất tốt đẹp của gia đình có giáo dục trong truyền thống dân tộc. Đó là lối sống của những nguời không quên những tháng năm vất vả để kiếm được đồng tiền hạt gạo. Cho nên, ngay khi làm Chủ tịch nước, khi đã sống ở Hà Nội, mọi đòi hỏi đều sẵn sàng được đáp ứng, Ông vẫn sống trong một ngôi nhà cũ kỹ, ngủ trên chiếc giường gỗ quen thuộc. Cái bàn làm việc, bộ ghế bằng song mây ngồi đọc báo, tiếp khách ngoài vườn đều không có gì xa lạ với mỗi nguời dân Việt Nam. Cái cốc cắm vài ba bông hồng hái trong vườn vẫn không kém vẻ lãng mạn, thư thái mà gần như chẳng tốn kém. Ngay cái nhà sàn, một thú chơi tao nhã của ông cũng thân thuộc ẩn mình trong cỏ cây, hồ nước. Cách mặc của Ông cũng rất quen thuộc với mỗi nguời bình thường không cần chăm chút đặc biệt, đôi dép cao su chẳng xa lạ với mỗi nguời dân Việt Nam thời ấy (cũng xin nói thêm: tôi không tin đôi dép bày trong hộp kính ở các bảo tàng là đôi dép của Ông. Một người tầm thước, lại có những thú vui rất tao nhã không thể dùng một đôi dép vừa thô kệch vừa nặng nề xấu xí như vậy). Lối sống giản dị và tiết kiệm của  Ông không phải vì trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn trong kháng chiến, hay vì đất nước còn nghèo. Như trên đã nói, đó là lối sống của nguời tử tế, mọi hành xử đều được đặt trong mối tương quan với đồng bào, với đồng loại. Nhìn những cảnh Tổng thống các nước giàu có, văn minh tiếp khách, trồng cây hay đánh “gôn”, …  cảnh các tỷ phú như Bill Gate loanh quanh đi tìm một chỗ đỗ xe nhằm tiết kiệm 10 đô-la dành tiền cho nguời nghèo ta có thể thấy rõ điều ấy.

Học tập lối sống giản dị tiết kiệm của Ông, chúng ta sẽ không phải “choáng” khi thấy cảnh các vị đã từng là “nguyên thủ” đang tìm cách khoe nhà cửa sang trọng chẳng khác gì những cung điện của vua chúa thời Trung cổ; ngân sách quốc gia chắc sẽ đỡ đi rất nhiều nợ công vì ngay những tỉnh nghèo cũng xây nhà khách mất nhiều trăm tỷ đồng, những cái ghế ngồi ở khắp nơi từ trung ương tới cấp quận huyện, chiếc nào cũng sang trọng và tốn kém hơn nhiều lần ngai vàng của nhà vua thời xưa; các cuộc đại hội, họp hành, hội nghị, hội thảo khắp nơi tràn ngập những hoa hình như để thể hiện cái rực rỡ của sự thành công từ khi sự kiện còn đang chuẩn bị.

Vào buổi tối, mỗi khi xem tivi, những tin tức đầu tiên đập vào mắt mọi người là cảnh các vị lãnh đạo thăm viếng các nơi trong và ngoài nước, dự các cuộc gặp mặt, phát biểu trước đông đảo quần chúng. Thật vô cùng thất vọng khi nguời xem được chứng kiến các vị “phương diện quốc gia” “ề à” đọc bài viết sẵn của thư ký chuẩn bị trước. Không chỉ thất vọng mà còn xấu hổ khi các vị “diễn” trò ấy ngay khi gặp gỡ các chính khách nước ngoài. Đôi khi, các vị ứng khẩu, thì lại được nghe những câu như của mấy bà nhà quê “ngồi lê đôi mách” dưới lũy tre buổi trưa hè, hay lời tự nhận hợm hĩnh của nguời thiểu năng. Cái gì đã khiến các “đỉnh cao trí tuệ” “ăn không nên đọi nói không nên lời như thế?

Nếu chú ý học tập cách nói năng diễn đạt của Hồ Chí Minh, chắc chắn chương trình Thời sự của VTV1 hàng ngày sẽ có thể tăng gấp đôi lượng nguời theo dõi. Đó là cách nói năng mạch lạc, khúc chiết thể hiện những ý tứ sâu sắc trong lối diễn đạt giản dị giàu chất dân gian. Tôi không nói tới Tuyên ngôn độc lập hay Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, những áng văn kiệt xuất mà tới nay có lẽ bậc “quốc sư” cũng bó tay. Cứ xem những lần gặp gỡ quần chúng, tùy nơi, tùy lúc, tùy đối tượng, Ông đều có những lời dặn dò, nhắc nhở tâm huyết, dễ hiểu dễ nhớ. Những bức thư gửi cho thiếu niên nhi đồng, các cháu học sinh, các chiến sĩ ngoài tiền tuyến, thanh niên phụ nữ khắp nơi,… đều do Ông tự tay viết. Bức thư nào cũng ngắn gọn, thể hiện đầy đủ nhiệm vụ chính trị nhưng đồng thời cũng bộc lộ tình cảm chân thành. Tất cả đều xuất phát từ đáy lòng nên những lời của Ông giàu sức thuyết phục. Tôi không tin khi có nguời “hót” rằng Ông biết tới 29 thứ tiếng nhưng rõ ràng, vốn học vấn vững vàng được trau dồi qua nhiều năm tháng do tự học khiến mọi điều cần nói, Ông không cần chuẩn bị ra giấy. Những lời nói “vo” không cần sửa chữa nhiều cũng  có thể trở thành những câu văn chuẩn mực.

Các vị có hay chăng, nói năng chính là một trong những điều được quan tâm vào loại hàng đầu với các chính khách và chính nhờ khả năng này họ có thể thuyết phục,  giành được sự hâm mộ của công chúng.

Học tập tác phong Hồ Chí Minh, chẳng cần nói “lấy dân làm gốc”, chúng ta vẫn sẽ có những  cán bộ gần dân, am hiểu cuộc sống của nhân dân, được quần chúng nhân dân mến mộ. Nhìn những con người ấy, ai cũng cảm thấy họ xuất thân từ quần chúng và dù ở cương vị nào, họ cũng đang một lòng một dạ vì những con người từ nơi mình đã sinh ra.


Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Đọc lại bài thơ “Cảnh Khuya” của Hồ Chí Minhl

- Đêm Nay Bác Không Ngủ” và 10 bài cảm nhận mẫul

- Phân tích một số bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minhl

- Về một quãng thời gian trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minhl

- Bài thơ “Vấn Thoại” của Hồ Chí Minh và quan hệ giữa tòa và bị canl

- Hồ Chí Minh và người Mỹ trong cách mạng tháng 8l

- Hồ Chí Minh, Hồ Tập Chương và còn gì nữa?l

- Lời Cụ Hồ ca ngợi vua Gia Long bị cắt bỏl

- Đọc thơ Bác Hồl

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

Trần Chí Cường giới thiệu - Nguồn: onggiaolang

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

1 nhận xét: