ĐỌC LẠI BÀI THƠ “CẢNH KHUYA” CỦA HỒ CHÍ MINH - Tác giả: Lê Thiên Minh Khoa (Vũng Tàu)

1 comment
(Lãnh tụ Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc ; Nguồn ảnh: internet)
ĐỌC LẠI BÀI THƠ CẢNH KHUYA
CỦA HỒ CHÍ MINH
*
Bài đã đăng trên các trang:
- Giáo Dục và Thời Đại
- Văn Nghệ Quảng Trị
- Đất Đứng
----------------------------------
Cảnh Khuya

Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
*.
                                   Việt Bắc 1947
HỒ CHÍ MINH
(Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa qua ký họa
của họa sỹ Huỳnh Phương Đông)
LỜI BÌNH:
Cảnh Khuya được sáng tác ở chiến khu Việt Bắc vào năm 1947, thời điểm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, lúc tình hình đất nước rất khó khăn, gian khổ, cam go.
Bài thơ nhiều năm nay được giảng dạy trong trường phổ thông, nên có rất nhiều bài phân tích, cảm nhận, bình giảng... về nó, phổ biến là chia bố cục bài thơ thành 2 phần: 2 câu đầu và 2 câu cuối để giảng. Ở đây, chúng tôi thử tiếp thụ bài thơ theo một hướng khác: men theo từng khúc đoạn trên con đường cảm xúc của nhân vật trữ tình mà tiếp nhận tác phẩm.
Về nghệ thuật, bài thơ có nhiều đặc sắc: ngôn ngữ bình dị, kết tứ bất ngờ, khác lạ mà tự nhiên..., nhưng có 2 mặt có thể coi là cách tân trong thơ tứ tuyệt hiện đại: tiết tấu (nhịp) thơ và kết cấu (bố cục) bài thơ. Không theo nhịp truyền thống (4/3), câu 1 theo nhịp 3/4: Tiếng suối trong/ như tiếng hát xa và câu cuối có nhịp 2/5: Chưa ngủ/  vì lo nỗi nước nhà...  để biểu hiện diễn biến tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Và so với bố cục thơ tứ tuyệt truyền thống: Khởi (khai) - Thừa - Chuyển - Hợp, bài thơ nầy có nét mới: Bài thơ có 2 phần: 2 câu đầu và nửa câu 3 (Cảnh khuya như vẽ): tả cảnh thiên nhiên; phần còn lại: biểu hiện tâm trạng. Cụ thể: Diển biến  bức tranh tâm trạng của nhân vật trữ tình: câu 1: nghe  âm thanh; câu 2: ngắm nhìn cảnh; nửa đầu câu 3: cảm nhận chung về cảnh vật; nửa sau câu 3:  thao thức chưa ngủ; nửa đầu câu 4: bồn chồn chưa ngủ; nửa sau câu 4: nguyên nhân chưa ngủ (nỗi lo nước).
Câu 1: Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Tác giả nghe "tiếng suối" mà liên tưởng đến "tiếng hát", nghe tiếng thiên nhiên như nghe tiếng con người, xem thiên nhiên cũng có sự sống như con người. "Tiếng suối trong": "Trong" là tính từ chỉ màu sắc (thị giác) lại được dùng để chỉ âm thanh (thính  giác) - Nhà thơ đã chuyển đổi cảm giác khi thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Chỉ câu thơ đầu đã thể hiện tâm hồn giàu cảm xúc và tình yêu thiên nhiên nồng nàn của nhà thơ.
Tác giả đã sử dụng nghệ thuật lấy động để tả tĩnh, nên câu thơ có âm thanh mà vắng lặng, tĩnh mịch, vừa có chiều rộng, chiều sâu thẳm của không gian (xa), vừa gợi lên thời gian im vắng của cảnh khuya. 
Câu 2:  Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Nhà thơ nhìn sự vật ở 3 tầng khối, vị trí khác nhau: trăng - cổ thụ - hoa - xa lớn - đồ sộ - bé nhỏ  hòa quyện vào nhau. Cái nhìn bao la như bao quát cả đất trời. Điệp từ "lồng" làm cho các sự vật vốn cách xa nhau ấy trở nên quấn quýt, lồng gắn vào nhau, tạo một cảm giác ấm áp. Câu thơ bộc lộ tâm hồn nồng ấm của nhà thơ khi nhìn ngắm thiên nhiên đất trời.
Cảnh khuya như vẽ...
Đây là một nhận xét trực tiếp, thiên về tư duy sau khi lắng nghe, ngắm nhìn thiên nhiên, nhưng là sự rung động sâu sắc trước vẻ đẹp thiên nhiên của một tâm hồn thi sĩ. 
Như vậy, Việt Bắc hiện lên huyền diệu, nên thơ, lung linh, huyền ảo mà không ghê rợn, tối tăm. Bức tranh khuya Việt Bắc biểu hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước vô cùng và tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm của nhà thơ.
Cảnh khuya như vẽ/ người chưa ngủ
Đọc đến câu 3, người đọc tưởng nhà thơ vì say đắm cảnh vật mà không ngủ được, nhưng đến câu 4:
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
Người đọc mới hay rằng 2 vế trong câu 3 không có quan hệ nhân quả (yêu thiên nhiên nhưng không phải vì say mê thiên nhiên mà chưa ngủ được). Câu nầy là điểm đỉnh của bài thơ, kết tứ một cách bất ngờ mà tự nhiên và có sức nặng. Từ tả cảnh tác giả chuyển sang biểu hiện tâm trạng: thao thức chưa ngủ (ở câu 3), bồn chồn chưa ngủ (câu 4), bài  thơ dừng lại ở "nỗi nước nhà". Qua từ "nỗi", người đọc liên tưởng đến tình hình kháng chiến khó khăn, gay go ở thời điểm 1947 và nỗi niềm day dứt non nước của nhà thơ - chiến sĩ, người lãnh tụ của cuộc kháng chiến chống Pháp trong hoàn cảnh đó.
Cảnh khuya là một bài thơ hay, xuất sắc trong thơ tứ tuyệt hiện đại Việt Nam. Bài thơ là tâm hồn giàu cảm xúc của một nghệ sĩ tài hoa, đồng thời là tấm lòng yêu nước thiết tha của một người chiến sĩ hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc.


        
Mời thư giãn với nhạc phẩm BÁC HỒ MỘT TÌNH YÊU BAO LA
của Thuận Yến, qua tiếng hát NSND Thu Hiền:
             
*.
LÊ THIÊN MINH KHOA
Địa chỉ: 117, Cách Mạng Tháng 8, phường Long Hương,
thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu.
Email: lethienminhkhoabr@gmail.com
Điện thoại: 0908.274.494



.





…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.04.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.    

1 nhận xét: