Điểm yếu của
NGƯỜI ĐÀN ÔNG HIỆN ĐẠI
Tác giả: Đặng Xuân Xuyến - Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin
Xuất bản lần đầu: Quý IV năm 2006
*


ĐÔI LỜI ĐẦU SÁCH
Thưa bạn!
Trải qua suốt thời gian dài dằng dặc của lịch sử, với các hình thái chế độ xã hội, hình ảnh người đàn ông vẫn luôn được khắc họa bằng những đường nét bất di bất dịch: Cứng rắn, lạnh lùng, tàn nhẫn, sáng tạo và thống trị. Biết bao tác phẩm nghệ thuật đề cao và nhấn mạnh tính cứng rắn của người đàn ông để hình ảnh người đàn ông được củng cố vững chắc hơn trong “ý thức hệ” của toàn nhân loại, mặc cho những thiên niên kỷ qua đã có đôi lần, hình ảnh người đàn ông truyền thống, người đàn ông cứng rắn và thống trị bị chao đảo bởi những cuộc “nổi loạn” đòi bình quyền của phái nữ. Nhưng đó là ở những thế kỷ trước, những thiên niên kỷ trước, còn ở thế kỷ XXI này thì sao? Hình ảnh người đàn ông truyền thống sẽ ra sao khi “sự công nghiệp hóa được đẩy mạnh”, sự bình quyền giữa nam và nữ ngày càng được nới rộng?
Xã hội càng phát triển, sự bình quyền giữa hai giới càng được khẳng định thì vai trò “thống trị” của người đàn ông trong xã hội cũng bắt đầu bị lung lay, dần tiến tới sự rạn nứt, sụp đổ. Hình ảnh người đàn ông truyền thống đứng khá vững qua bao thăng trầm của lịch sử thì nay, ở thế kỷ XXI này đang bị rệu rạo, có nguy cơ bị tan rã, tráo đổi. Không ít những công trình nghiên cứu về “hình ảnh người đàn ông truyền thống” trong những thập kỷ gần đây của các nhà khoa học thế giới như: A.Levant, S.Freud, P.Thuillier, S.F.Morin, Cooper Thompson, G.Herek, John Moreland, D.J.Levinson, Erik Erikson... đã cất lên những hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại hãy nhìn nhận lại nhân dạng người nam, chấp nhận những gì nằm trong bản chất thực của người nam, để xây dựng một hình ảnh người đàn ông mới, với đích thực những gì thuộc về người đàn ông mà tạo hóa đã tạo ra.
Ai trong chúng ta cũng biết rằng: Để tạo ra người đàn bà, nhiễm sắc thể phải là XX, còn tạo ra người đàn ông thì nhiễm sắc thể phải là XY. Nhưng Alfred Jost, nhà sinh lý học, thư ký vĩnh viễn của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, bằng thực nghiệm khoa học đã khẳng định: Giới tính nữ là giới tính cơ bản của con người. “Vì giới tính nữ là giới tính cơ bản nên trong người đàn ông vừa có tính nam và vừa có tính nữ. Song qua hàng ngàn năm chế độ phụ hệ, người đàn ông quên mất tính nữ của mình” - (Nguyễn Xuân Khánh - Nhân dạng nam); hoặc cố tình phủ nhận tính nữ trong cơ thể người đàn ông của mình vì hình ảnh người đàn ông đã được bao thế hệ cố công gọt rũa, khắc họa bằng những đường nét đối lập hoàn toàn với hình ảnh của phái nữ.
Nguyên lý phổ quát và vĩnh hằng về tính nam đã chi phối con người mà không để ý, thậm chí còn phủ nhận quan điểm của Rousseau: “Con đực chỉ đực ở vài thời điểm, con cái thì cái trong toàn bộ thời thanh xuân”. Sự thừa nhận tính nữ nguyên sơ ở trong cơ thể người đàn ông là một việc cực kỳ khó khăn, vì nếu thừa nhận điều đó sẽ xảy ra sự khủng hoảng trầm trọng về nhân dạng nam, về tính nam (tính đực) tưởng như là vĩnh hằng, bất biến qua không gian, thời gian và tuổi tác của đời người. Sự thừa nhận tính nữ trong cơ thể người đàn ông là để tạo ra một người đàn ông hòa giải (theo E.Badinter), làm tròn bổn phận người nam của mình với gia đình, với xã hội trong điều kiện của cuộc sống văn minh, hiện đại chứ không phải để nữ hóa người nam, làm mất đi tính nam (tính đực) của người đàn ông và càng không phải để cổ súy những khuynh hướng tình dục thiểu số như: Đồng tính, lưỡng tính hoặc cận tình dục... Nhưng sự thừa nhận “tính nữ nguyên sơ trong cơ thể người nam” luôn gặp phải sự cản trở mạnh mẽ của hình mẫu người đàn ông truyền thống đang ngự trị trong nghĩ suy của bao thế hệ, mặc dù nhìn vào thực tế những năm cuối thế kỷ XX, hình ảnh người đàn ông truyền thống đã dần dần bị rạn vỡ để vạch ra những nét phác họa ban đầu về khuôn mẫu người đàn ông hòa giải ở tương lai.
Hình ảnh người đàn ông truyền thống với những nét vẽ cương cường, nhiều khi cứng rắn đến mức tàn nhẫn có tác dụng rất lớn trong việc duy trì tính nam (tính đực) để thúc đẩy xã hội phát triển nhưng chính hình mẫu người đàn ông truyền thống ấy ở thế kỷ XXI này e rằng sẽ không còn là khuôn mẫu bất di bất dịch, bởi nhiều người đàn ông ở thế kỷ XXI, với sức ép của cuộc sống hiện đại, đặc biệt là sức ép từ chính phái nữ buộc phải nhìn nhận lại chính mình, tiến hành nhân dạng nam của chính mình, nhằm thích ứng với nhu cầu thiết thực của gia đình, của xã hội trong việc chăm sóc, giữ gìn hạnh phúc gia đình trong bối cảnh xã hội đang có nhiều những biến đổi.
ĐIỂM YẾU CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG HIỆN ĐẠI nằm trong đề tài TÌM HIỂU TÍNH NAM CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRONG THẾ KỶ XXI, không phân tích tính nữ nguyên sơ ở trong cơ thế người đàn ông để lý giải tại sao lại như vậy? tại sao lại như thế?... mà chỉ đề cập đến một phần nhỏ những điểm yếu của người đàn ông trong cuộc sống hiện đại.
Thực hiện đề tài này, chúng tôi không có tham vọng đi vào phân tích những điểm yếu của người đàn ông, càng không nghĩ đến sẽ đưa ra, dù chỉ một vài nét chấm phá về hình ảnh người đàn ông ở thế kỷ XXI sẽ như thế nào, vì điều đó là quá sức, vượt quá khả năng, trình độ của người viết. Chúng tôi chỉ có mong muốn nho nhỏ là cùng bạn đọc tìm hiểu một phần nhỏ trong đời sống tình cảm của người nam với những gì đích thực của họ, để hiểu thêm về phái mạnh, để trả lời được một số câu hỏi về người đàn ông mà văn hóa truyền thống không chấp nhận nên khó lý giải.
*
Hà Nội, những ngày cuối năm 2002
Hoàn chỉnh lại lần cuối tháng 10 năm 2006
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
ĐÔNG - JUAN THỜI HIỆN ĐẠI
 
Đông-Juan là một nhân vật trong tác phẩm văn học của nhà văn Stendal. Đó là một mẫu đàn ông gợi tình, mạnh mẽ, táo bạo và có số “đào hoa”. Chính vẻ đẹp đầy nam tính, gợi tình và tham vọng chinh phục phụ nữ đã giúp anh ta giành được nhiều “chiến công” trong đời sống tình ái của mình. Stendal đã viết:Đông-Juan luôn rũ bỏ mọi trách nhiệm trong các mối quan hệ tình cảm của anh ta. Trên “chiến trường” bao la rộng lớn, anh ta luôn luôn là kẻ đào hoa, luôn luôn chiến thắng mà không bao giờ chịu nếm mùi thất bại”. Như vậy, anh ta quả là tay săn lùng phụ nữ lạnh lùng, trơ trẽn và “hiệu quả”. Stendal đã xây dựng rất thành công nhân vật Đông-Juan để từ nhân vật Đông-Juan trong tác phẩm văn học, bước ra với cuộc đời, đại diện cho những gã Đông-Juan của đời thường: Lạnh lùng đến tàn nhẫn, trơ trẽn đến bỉ ổi.
Điểm chung cơ bản đầu tiên ở những gã Đông-Juan là sự đa tình, có mới nới cũ. Bản chất đa tình, háo sắc, lấy thú vui xác thịt làm lẽ sống đã khiến những gã Đông-Juan trở thành kẻ “săn tình” siêu hạng. Trong các cuộc phiêu lưu tình ái, các gã Đông-Juan không quan tâm tới tình cảm, nhân cách của người phụ nữ mà anh ta sẽ (đang hoặc đã) chiếm đoạt. Anh ta cũng không cần quan tâm cuộc chơi tình ái ấy kéo dài được mấy ngày, mấy tháng. Điều quan tâm duy nhất của anh ta là được thỏa mãn nhu cầu sinh lý đến mức bệnh hoạn của mình.
Tìm kiếm sự thủy chung ở những gã Đông-Juan thật không khác việc xuống đáy biển mò kim. Trong đời sống tình cảm của mình, những gã Đông-Juan luôn đề cao sự tận hưởng của thú vui xác thịt, coi đó là mục đích sống, là chiến công cần đạt được. Gã luôn thay đổi bạn tình kiểu như người ta thay áo. Đồng thời, gã biết dùng những mánh khóe đầy nghệ thuật, bằng sự thiên biến của mình và bằng sự sắp xếp những “ứng phó” rất tiểu xảo nhưng cũng rất nghệ thuật để tránh con mắt dò xét của thiên hạ. Theo các nhà tâm lý học, nguyên nhân khiến cho những người đàn ông này hành động như vậy là do họ thường cảm thấy bất an, yếu đuối và bất ổn về con người của họ nếu không tạo được mối quan hệ với nhiều phụ nữ.
Một điểm chung nữa thường thấy ở những gã Đông-Juan, là tính hiếu thắng, muốn chinh phục được bất kỳ người phụ nữ nào mà họ thích. Có hay không tình cảm thật sự với những người phụ nữ này, đối với họ điều đó không quan trọng, điều quan trọng với họ là bản danh sách những người phụ nữ đã bị họ, những gã trai lơ đĩ bợm, chinh phục là bao nhiêu?
Thông thường, cánh đàn ông coi việc chiếm đoạt trái tim phụ nữ như những cái mốc trong cuộc đời. Họ gán sự ham muốn tình dục của mình là do bẩm sinh, là nhu cầu chính đáng nên xã hội không có lý do gì để cấm kỵ. Như con thiêu thân, họ lao vào những cuộc tình chớp nhoáng, không đếm xỉa đến cảm xúc, không nghĩ đến hậu quả và không bận tâm đến dư luận nhìn nhận, đánh giá thế nào. Trong những cuộc “hội họp” của các gã Đông-Juan, những chuyện mà người khác nghe thấy thường là những cuộc phiêu lưu tình ái, mà ở đó, các chàng Đông-Juan luôn là người sắm vai chính, đảm đương vị trí của kẻ săn lùng.
Các nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu làm cho sự xung động tình dục của các gã Đông-Juan - hay còn gọi là những gã trai lơ, đàng điếm - luôn mạnh mẽ là bởi sự mất cân bằng của nội tiết tố. Hệ thống thùy não dưới - tuyến yên - tuyến tình dục trong cơ thể chi phối toàn bộ hoạt động sinh sản và đời sống tình dục của con người. Nếu một khâu nào đó trong hệ thống này trục trặc, sẽ dẫn tới bất thường về đời sống tình dục, mà cơ bản, sự bất thường đó làm gia tăng ham muốn tình dục.
Qua giải phẫu và kết quả của nhiều công trình nghiên cứu, các nhà tâm sinh lý tình dục cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác dẫn tới sự ham muốn tình dục gia tăng mạnh mẽ: Một khối u nào đó trong đầu, một bệnh nhân thần kinh do tâm lý khác thường, một người thích xem tranh ảnh khiêu dâm,... đều có thể làm cho hưng phấn tình dục quá mức bình thường, dẫn tới sự ham muốn tình dục gia tăng mạnh mẽ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến người đàn ông hào hoa, phong nhã của chúng ta trở nên trăng hoa, đĩ điếm.
Một điểm chung nữa mà các chàng Đông-Juan thường có, đó là càng khao khát tình yêu thì họ càng cố buộc người khác phải phục tùng, thậm chí còn áp đặt người khác phải nghe theo và làm theo sở thích bệnh hoạn song hành cùng tính hiếu thắng của mình.
Tham vọng quyền lực của các chàng Đông-Juan nằm sau ham muốn tình dục. Mỗi thành công mới trên bước đường chinh phục mỹ nhân là mỗi lần thỏa mãn tính hiếu thắng của anh ta, và là cách các chàng Đông-Juan cho rằng để khẳng định về sức mạnh đàn ông và ý nghĩa giá trị (tính đực) của con người mình.
Chúng ta, chắc khá nhiều người biết nam ca sỹ Nguyễn Ngọc là người bị tai tiếng về tình ái như thế nào. Với vẻ đẹp đàn ông rất phong trần, hoang dại và giọng ca mượt mà, truyền cảm, Nguyễn Ngọc là thần tượng của nhiều cô gái trẻ. Lợi dụng tình cảm khán giả nữ dành cho mình, Nguyễn Ngọc luôn tạo mọi cơ hội để chinh phục những cô bé “nhẹ dạ” sau những đêm lưu diễn. Mới 10 năm vào nghề nhưng số “nạn nhân” bởi đặc tính Đông-Juan của Nguyễn Ngọc thì không thống kê nổi. Gần đây, sau cái tát “trời giáng” của một “bé con Hà Nội” khi Nguyễn Ngọc định giở trò Đông-Juan, phần nào đã làm anh thức tỉnh. Không biết cái tát ấy có làm cho Nguyễn Ngọc từ bỏ hẳn câu “châm ngôn” cửa miệng: “Tình dục là nhu cầu chính đáng của mỗi người nên xã hội không có lý do gì để khoanh vùng cấm kỵ” hay không, nhưng những lần xuất hiện gần đây, người ta thấy Nguyễn Ngọc trầm hẳn.
Nghiên cứu về tâm sinh lý người đàn ông, người ta thấy sự “gồng mình đến khổ sở” của đấng mày râu khi buộc phải trả lời các câu hỏi: Người đàn ông là gì? Tính nam là gì? Thế nào mới được gọi là người đàn ông đích thực?.... Giáo sư Elisabeth Badinter đã viết: Khi đề cao hình ảnh không thể với tới được về tính nam, người ta gây ra một ý thức đau đớn: Ý thức là một người đàn ông không hoàn tất. Để đấu tranh chống lại tình cảm bất an thường trực, một số đàn ông nghĩ rằng đã tìm thấy phương thuốc trong việc đề cao một tính siêu đực. Thực ra, họ lại bị cầm tù bởi một tính nam ám ảnh và xung năng, nó không bao giờ để họ được yên ổn. Trái lại, nó là nguồn gốc của sự tự hủy hoại và hung hăng tấn công chống lại tất cả những ai đe dọa làm rơi tấm mặt nạ. (Nhân dạng nam, trang 271, Nhà xuất bản Phụ Nữ, 1999, Nguyễn Xuân Khánh dịch). Đây cũng chính là một trong những căn nguyên khiến người đàn ông phong độ, hào hoa, coi sự “chiếm đoạt và thống trị phụ nữ” là tố chất của người đàn ông trở nên đàng điếm.
Trên thực tế, sự ham muốn tình dục thường tăng lên khi chịu ảnh hưởng của sự lo lắng vì sự bất ổn nào đó về tâm sinh lý trong sâu thẳm con người. Và với những chàng Đông-Juan thì nỗi hãi sợ sự cô đơn và sợ thằng đàn ông yếu đuối trong chính con người mình đã bật dậy nổi loạn bằng những cuộc tình chóng vánh và nhạt thếch, vô vị. Lydia Flem thật xác đáng khi nhận xét: Về mặt cơ bản người nam là hoang sơ và cô đơn, dù có sự đánh giá cao cái tượng dương, anh ta là và vẫn còn là một kẻ bất lực về tình cảm.
Một điểm chung nữa thường thấy ở các chàng Đông-Juan là sự trau chuốt về trang phục và hình thể. Không giống sự “trau chuốt” của người đàn ông đỏm dáng (thường cầu kỳ nhưng lại tùy tiện trong chọn lựa trang phục nên nhiều khi trở thành lố bịch), sự đỏm dáng của các chàng Đông-Juan lại thiên về trang phục thể hiện sự mạnh mẽ, phóng khoáng của người đàn ông và “tôn vinh” vẻ đẹp rất đàn ông, rất gợi tình của mình (gần giống gu ăn mặc của các chàng đồng tính). Công bằng mà nói, các chàng Đông-Juan rất có khiếu về ăn mặc. Lợi thế về hình thể đẹp, cộng thêm cách ăn mặc rất đặc trưng giống đực và khả năng tán gái hơn người, các chàng Đông-Juan thực sự trở thành “tiêu điểm” để phụ nữ ngước nhìn. Đây cũng là một điểm chung cơ bản của những chàng Đông-Juan thời hiện đại: Khéo léo và biết cách chinh phục lòng người.
Giống như người đàn ông đỏm dáng, các gã Đông-Juan hiện đại cũng rất quan tâm tới việc chăm sóc hình thể. Anh ta sẵn sàng bỏ ra cả ngày để đến các Salon làm đẹp, nhưng anh ta không chấp nhận kiểu làm đẹp nhờ “son phấn” như người đàn ông đỏm dáng hoặc người đàn ông đồng tính... Đây có thể coi là ưu điểm của các chàng Đông-Juan vì anh ta đã đề cao sự nam tính của người đàn ông, dù chỉ trong nhận thức hay ở vẻ bề ngoài.
Mặc dù đề cao tính nam nhưng trong thực tế, hình ảnh người đàn ông hào hoa của chúng ta những năm gần đây đã mềm yếu đi khá nhiều. Những người bảo lưu khuôn mẫu người đàn ông truyền thống không thể tìm thấy hình ảnh người đàn ông phong trần, đậm đặc chất đực, liền quay sang đổ lỗi cho các hãng thời trang đã làm “mềm yếu tính nam của người đàn ông” khi đưa những siêu sao như David Beckam, Richard Gere, Takuya.... trong chiến lược quảng cáo sản phẩm của mình. Người ta lo lắng, giận dữ và phán quyết quá lời rằng: Chính hình ảnh thần tượng của giới trẻ đang “trau chuốt làm đẹp” trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo nên cuộc cách mạng về khuôn mẫu người đàn ông của thế kỷ XXI - trong đó có cả các gã trai lơ, đĩ bơm - làm biến dạng người đàn ông cương cường, dũng mãnh thành kẻ lập dị, nữ tính đến mềm oặt.
Thực ra chúng ta đều rõ, trong bất kỳ người đàn ông nào cũng tồn tại “chất nữ nguyên thủy”. Hơn nữa, chuẩn mực về người đàn ông trong xã hội hiện đại đã có những biến đổi quan trọng: Sự thành đạt và bản chất “hiền lành”, tử tế là ưu tiên số 1 dành cho người đàn ông hiện đại. Đó chính là căn nguyên “buộc” người đàn ông luôn có ý thức đề cao tính đực phải “nghiêm túc” thay đổi phong cách để thể hiện mình.
Với vẻ đẹp ngang tàng, đầy nam tính đã giúp các Đông-Juan thực hiện được các cuộc nổi loạn mà các chuyên gia tâm lý gọi đó là cuộc nổi loạn chống lại chính mình, bằng những cuộc tình vô vị, tẻ nhạt, bằng những ham muốn giả tạo, bệnh hoạn. Văn học (và cả phim ảnh) Mỹ những năm đầu thế kỷ XX đã làm ngây ngất hàng triệu trái tim thiếu nữ khi xây dựng nhân vật chính là những chàng cao bồi miền Tây, cũng với hình thể và tính cách như những chàng Đông-Juan mà Stendal đã xây dựng. Những gã cao bồi miền Tây, trên bước đường chinh phục phái đẹp, trái tim của họ luôn luôn vô cảm. Họ “là hiện thân của mọi kiểu người rập khuôn nam giới (...) về một cuộc săn đuổi không ngừng của những người đàn ông đi tìm tính đực của mình. Khẩu súng côn, rượu và ngựa là những thứ phụ tùng bắt buộc của hắn, và những người đàn bà chỉ đóng những vai trò phụ” (Nhân dạng nam, trang 268). Hình ảnh gã cao bồi ngang tàng, đầy nam tính với thanh kiếm (hoặc khẩu súng côn) trên tay, rong ruổi trên lưng ngựa, bất chấp sự khắc nghiệt của ngoại cảnh đã thách thức nhân loại bằng câu hỏi: Phải chăng đó là biểu tượng cho sự mạnh mẽ của người đàn ông đích thực? Hay chính là vũ khí cần thiết buộc phải có để bảo vệ tố chất người đàn ông đang bị xâm phạm trầm trọng? Rong ruổi trên cao nguyên rộng lớn với trái tim không cảm xúc, không mục đích, không lý tưởng và không hiểu mình đi đâu, làm gì và vì cái gì của các chàng cao bồi như lời cảnh báo của các nhà văn hóa về sự khủng hoảng nhân dạng người đàn ông hiện đại.
Nghiên cứu về đời sống tình dục của các gã Đông-Juan, các nhà tâm lý tình dục cho rằng: Ham muốn tình dục của người đàn ông Đông-Juan luôn mạnh mẽ và hưng vượng. Sự xung động tình dục của anh ta mạnh tới mức không kể thân sơ, không chọn đối tượng, không cần giữ thể diện, miễn sao anh ta được thỏa mãn cơn ghiền xác thịt. Đông y gọi anh ta là kẻ “dâm loạn”, còn Tây y gọi anh ta là người ham muốn tình dục quá mức. Sự hưng phấn tình dục quá mạnh và bản chất lấy thú vui xác thịt làm lẽ sống đã biến anh ta thành kẻ lưỡng tính luyến ái, có nghĩa anh ta thèm muốn thỏa mãn sinh lý với cả đàn ông và đàn bà. Trong các cuộc phiêu lưu tình ái đồng giới, anh ta luôn là người giữ thế “chủ động”. Đây là trường hợp rất hiếm sảy ra với những chàng Đông-Juan dị tính nhưng lại thường xuyên với những gã Đông-Juan lưỡng tính. Trớ trêu thay, theo kết quả điều tra xã hội học của các nhà tâm lý, tình dục (ở các nước phương Tây) thì trong số các chàng Đông-Juan - thường rơi vào các chàng Đông-Juan có ngoại hình “hoàn hảo”- có khá nhiều người là dân đồng tính.
Chúng ta, những người được “mệnh danh là phái mạnh”, không ít người “đã giật mình” rồi tỏ ra tức giận khi nghe lời tuyên bố “xanh rờn” của cô người mẫu “đỏng đảnh” Hồ Ngọc Hà về hình ảnh và tính cách người đàn ông hiện đại. Chúng ta thể hiện sự bất bình đó bằng những lời ác cảm, “thóa mạ” nhân cách của cô vì không thể chấp nhận được lời nhận xét “hết sức phiến diện và cực đoan” của cô:Đàn ông giàu có thường hay đem tiền ra mua chuộc phụ nữ đẹp. Còn đàn ông đẹp trai quá thì chắc gì anh ta đã là một người đàn ông thực sự, có khi là đồng tính đấy.(theo VnEXpress thø 1/4/2004: Tôi hơi coi thường đàn ông). Nhưng công bằng mà nói, ở chừng mực nào đó lời nhận xét của cô không hẳn là không có căn cứ.
Như chúng tôi đã trình bày, những gã Đông-Juan lưỡng tính, hay gọi đúng tên là những gã Đông-Juan đồng tính, sau những cuộc tình chớp nhoáng với những người phụ nữ nhẹ dạ lại thích tìm đến những người đàn ông khác để được yêu thương, chở che như tình chồng vợ. Trong các cuộc tình đồng giới ấy, những gã Đông-Juan thực sự đóng các vai trò là các “thím”, các “mợ” với đầy đủ đức tính của những “bà chằn”. Trong thế giới người mẫu, không ít chàng bảnh chọe, đầy nam tính và gợi cảm đã tự biến mình thành điếm đực của cả quý ông và quý bà. Họ chụp ảnh “khoe thân thể 100%” rồi tung lên mạng với lời quảng cáo “kết bạn” để săn lùng những kẻ háo sắc, bệnh hoạn. Kè kè bên họ trước công chúng là những tiểu thư xinh đẹp đài các, nay một nàng, mai một nàng với những biểu hiện thật tình tứ, lãng mạn nhưng khi đêm về họ lại cung cúc chiều chuộng những gã trai còn hơn những bà vợ yêu chiều chồng nhất. Những gã Đông-Juan kiểu này tạo ra muôn vàn lý do để ngụy biện cho hành động khác thường và được người đời chấp nhận, coi đó là bình thường vì cho rằng nhu cầu “chuyện ấy” quá cao của chàng “quá đẹp trai” nên mới có chuyện tình “oái oăm” như thế (hoặc không nhận thấy những chuyện khác người bởi sự che chắn rất giỏi của các gã Đông-Juan), mà không nhận ra rằng: Thực ra những chàng Đông-Juan lại là những người đàn ông yếu đuối và rất nữ tính.
Một dạo dư luận bàn tán ầm ĩ về chuyện tình giữa nam ca sỹ Trần Minh và nam người mẫu Vũ Bình với nhiều thông tin trái ngược. Người thì bảo Trần Minh là “con gà trống” thực thụ bị Vũ Binh làm cho thân tàn danh bại vì lòng trắc ẩn, người lại bảo Vũ Bình là nạn nhận trong vụ tai tiếng về giới tính này. Những người hiểu rõ thì chỉ chép miệng lắc đầu. Họ không biết nên lý giải thế nào về chuyện hai người đàn ông rất nam tính lại vướng vào chuyện cấm kỵ, khinh khi của xã hội. Cả hai chàng trai đều còn rất trẻ, đều từng có những cuộc tình trai gái làm tốn bao giấy mực của những người cầm bút. Và cũng mới đó không lâu, ca sỹ Trần Minh phải lẳng lặng đưa bạn gái đi “giải quyết” hậu quả làm rùm beng dư luận nhưng những cử chỉ nũng nịu, trìu mến hai người dành cho nhau và cảnh hai người sống với nhau như vợ như chồng thì chỉ có tạo hóa mới hiểu nổi...
Tệ hơn nữa, có những gã Đông-Juan còn coi quan hệ “xác thịt” với cả 2 giới là mốt của giới quý tộc, không phải ai cũng “vinh dự” có được. Nhà đạo diễn tài ba nọ, sau vài phim “nổi đình nổi đám” đã ỡm ờ chia sẻ với công chúng mình là người “đa hệ”, là “bóng”, là thích sưu tầm “màu tím”, kẹo socola, búp bê... Không cải chính, không phản đối những bài viết về thói đỏng đảnh, cong cớn của mình, nhà đạo diễn tài ba nọ cứ nhẩn nha tung ra những hé lộ “tin tức” làm “chao đảo” dư luận về con người thực của mình và những cuộc tình “cực kỳ hấp dẫn, cực kỳ lãng mạn” mà người bình thường không thể có được. Lật lại những trang tình sử của nhà đạo diễn, người ta giật mình vì số nhân tình cả 2 giới của nhà đạo diễn lên tới vài trăm. Có thế dư luận mới bàn tán: Muốn nhận vai diễn trong phim (của đạo diễn này) chỉ cần ngoại hình đẹp và chịu “tay trong tay, chân trong chân” với đạo diễn là được.
Hay như câu chuyện về nam diễn viên K. T là một ví dụ cho sự băng hoại về đạo đức trong con người các gã Đông-Juan thời hiện đại.
Là một diễn viên tài sắc vẹn toàn, K.T là gương mặt “sáng giá” của điện ảnh nước nhà. Không ít thiếu nữ dù biết anh đã có gia đình nhưng vẫn thầm yêu trộm nhớ, thậm chí có khán giả vì mến mộ anh, tìm mọi cách tiếp cận để được “gần gũi một lần” với anh làm “kỷ niệm”. T.T - vợ anh - không ít lần nuốt lệ vì thói trăng hoa, đàng điếm của chồng, nhưng vì yêu chồng, muốn giữ thanh danh cho chồng, chị âm thầm chịu đựng. Như kẻ bệnh hoạn, anh cặp bồ với bất cứ phụ nữ nào coi anh là “thần tượng”. Tệ hơn, K.T còn đón nhận nồng nhiệt tình cảm của những khán giả nam và coi đó là “chiến tích đặc biệt” của mình. Ban đầu chứng kiến cảnh khán giả nam ôm hôn say đắm chồng mình, T.T choáng váng nhưng rồi chị tin vào sự rõ ràng về giới tính của chồng bởi những cuộc tình “chóng đến nhanh đi” của anh với khán giả nữ, nhất là lời phân trần của K.T khi chị căn vặn: “Anh chỉ cho họ ôm hôn vì “thương hại” họ và anh không muốn mất khán giả của mình nên em đừng nghĩ ngợi gì.”. Nhưng một lần do quên đồ, nữ nghệ sỹ T.T quay về nhà, vừa bước chân vào phòng ngủ, chị sững người khi thấy chồng cùng một bạn diễn nam đang làm cái chuyện mà chỉ có hai người khác giới mới làm. Chị vội vàng khăn gói nữ trang, hành lý dời khỏi ngôi nhà đã gần mười năm mặn nồng tình chồng vợ. Trước tòa chị lạnh lùng: “Tôi không thể sống chung với anh ta được. Thật là kinh tởm. Tôi không thể hiểu nổi tại sao hai thằng đàn ông rất nam tính ấy, cũng rất yêu vợ thương con như thế lại làm những việc bẩn thỉu hết chỗ nói. Thì ra lũ họ chỉ đóng kịch để lừa dối chị em phụ nữ chúng tôi.”. Từ đó đến nay, nữ nghệ sỹ T.T đã 2 lần “lên xe hoa” nhưng vẫn “lặng lẽ một mình” vì chị không còn tin vào tình yêu của người khác giới. (Còn nam nghệ sỹ K.T, sau đó một thời gian, anh lên “xe hoa” với một khán giả yêu anh, chấp nhận con người thực của anh, đến giờ hạnh phúc của họ không hiểu có được viên mãn hay không nhưng chuyện tình kiểu “thời thượng” của K.T không làm dư luận ầm ĩ thêm nữa.).
Với đặc tính của những kẻ đa tình, háo sắc, các chàng Đông-Juan cho dù đã có vợ trẻ đẹp, tháo vát, yêu chồng thương con hết mực vẫn “hăm hở” kiếm tìm những cô gái trẻ người non dạ để tạo dựng mối quan hệ sặc mùi xác thịt. Không ít gã đàn ông kiểu này đã làm khổ vợ khổ con vì tính trăng hoa, đàng điếm của mình. Thực tế cuộc sống cho thấy 90% những bà vợ có chồng thuộc nhóm các chàng Đông-Juan đều bất mãn với tính đĩ điếm của chồng và cuộc sống gia đình của họ luôn rơi vào cảnh hoặc “cơm không lành canh không không ngọt”, hoặc phải đưa nhau ra tòa. Thường thì trong những gia đình như vậy, người bố không có được sự kính trọng của con cái, nếu phải đưa nhau ra tòa thì phần đông con cái không chịu sống cùng người bố. Trong suy nghĩ của những đứa con, hình ảnh người bố không mấy tốt đẹp ấy là nguyên nhân dẫn đến những thua thiệt, khổ cực mà chúng phải gánh chịu.
Trái ngược với những gã Đông-Juan như vậy, trong cuộc sống, không ít gã Đông-Juan mặc dù là người thành đạt, rất yêu vợ yêu con nhưng trước tình yêu “mù quáng” của một số phụ nữ đã lợi dụng “diễn kịch” là kẻ bất hạnh trong cuộc sống gia đình, để biến những người phụ nữ đáng thương đó trở thành “nô lệ tự nguyện”, phục vụ vô điều kiện không chỉ cho riêng gã mà còn cả vợ con gã bằng thái độ tận tụy, bằng niềm trung thành tuyệt đối.
Quay trở lại câu chuyện của nữ nghệ sỹ T.T để bạn đọc hiểu thêm về tính đĩ điếm của các gã Đông-Juan đã gây ra hậu quả tai hại cho người thân như thế nào.
Sau khi chia tay K.T, nữ nghệ sỹ T.T nhận lời cầu hôn của một nghệ sỹ cùng đoàn. Cuộc hôn nhân kết thúc cũng nhanh như thời gian hai người tìm hiểu. Chừng năm sau, chị lần nữa “gá nghĩa” cùng một doanh nhân với niềm tin đây sẽ là bến đậu bình an của đời chị. Thật oái oăm, cuộc hôn nhân này cũng chỉ tồn tại tám, chín tháng. Chị tâm sự với mọi người: Tôi yêu anh K (tên nhà doanh nghiệp) nhưng lại sợ phải làm “chuyện ấy” với chồng. Tôi thật sự không còn hứng thú. Chồng tôi là nhà kinh doanh, anh ấy rất hiểu vì sao tôi lại thế nên rất tâm lý an ủi, động viên nhưng tôi vẫn không thể. Cứ mỗi lần anh ấy muốn “gần gũi” là hình ảnh nhớp nháp của K.T với bạn diễn nam lại làm tôi hãi sợ. Chồng tôi là người đáng kính, anh ấy rất tuyệt vời nên tôi chủ động chia tay, giải phóng cho anh ấy. Tôi không thể để anh ấy vì tôi mà khổ sở.
Hậu quả từ việc trăng hoa, đàng điếm của những gã Đông-Juan không chỉ để lại “di chứng” trầm kha cho người vợ mà còn làm bất hạnh cho cuộc sống lứa đôi của con cái sau này. Câu chuyện của Trà Mi là một ví dụ.
Năm lên mười tuổi, bố mẹ chia tay, Trà Mi ở với mẹ. Sau đó, mẹ đi bước nữa, Trà Mi phải chứng kiến những trận đòn vô cớ mẹ phải gánh chịu từ người bố dượng. Không chỉ vậy, hắn còn lôi người tình về nhà, bắt mẹ con cô đứng xem hắn làm trò thú vật. Khốn nạn hơn, tên bố dượng còn chiếm đoạt cô khi cô vừa bước sang tuổi mười bốn. Căm hận, mẹ Trà Mi làm đơn ly dị và kiện hắn về tội cưỡng hiếp trẻ vị thành niên. Hắn đã phải trả giá trước pháp luật nhưng vết thương lòng của Trà Mi không có thuốc nào chữa lành được. Trở thành thiếu nữ, dù khá xinh đẹp, lại chăm chỉ, ngoan ngoãn, được nhiều người theo đuổi nhưng cô vẫn dửng dưng với chuyện xây dựng gia đình. Trước thúc ép của người mẹ, ngoài ba mươi tuổi cô mới chấp nhận lấy chồng. Đêm tân hôn, khi chồng háo hức “yêu đương”, cô lạnh lùng như một khúc gỗ. Những ám ảnh của quá khứ làm cô ghê tởm “chuyện ấy” với cả chồng mình. Nhìn vẻ mặt sợ hãi của Trà Mi, chồng cô rã rời dời phòng ngủ. Cô yêu và thương chồng nhưng cô không thể làm được bổn phận của người vợ. Ban ngày cô vui vẻ với chồng bao nhiêu thì đếm đến cô lại lo sợ khi nằm cạnh chồng bấy nhiêu. Anh càng gần gũi, cô càng kiếm cớ xa lánh để khỏi phải làm “chuyện ấy”. Chồng thắc mắc, thậm chí cáu gắt cô cũng chỉ im lặng ngồi khóc. Cô không thể nói rõ cho chồng nỗi hãi sợ của mình. Cô càng không đủ can đảm để nói cho chồng biết nỗi đau mà cô và mẹ cô phải chịu đựng. Cứ như vậy, sau một năm “làm vợ người ta”, Trà Mi lặng lẽ quay trở về sống âm thầm bên mẹ.
Như vậy, các chàng Đông-Juan của chúng ta còn là những kẻ thất bại trên con đường kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc.
Thương thay hỡi các chàng Đông-Juan thời hiện đại. Các chàng nghĩ sao khi đọc xong điểm yếu này?
NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỒNG TÍNH

Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, những bé trai đã được bố mẹ và gia đình rèn rũa, dạy bảo theo khuôn mẫu văn hóa truyền thống: Cương cường, dũng mãnh, lạnh lùng và quyết đoán. Có nghĩa, là đàn ông thì không được “bám váy” mẹ, không được “yếu đuối”, không được khuất phục trước bất kỳ khó khăn, trở ngại nào. Văn hóa truyền thống không chấp nhận quan điểm của các nhà tâm lý học hiện đại, như Elisabeth Badinter chẳng hạn, thừa nhận:Giới tính nữ là giới tính cơ bản. Người nam được hình thành bằng sự đấu tranh với tính nữ nguyên thủy ngay từ khi còn trong bào thai. Vì giới tính nữ là giới tính cơ bản nên trong người đàn ông vừa có tính nam vừa có tính nữ. Muốn phát triển thành người đàn ông là một cuộc đấu tranh không ngừng ở mọi lúc.”. Trong những tác phẩm của mình, (đúng hơn là những công trình nghiên cứu khoa học) bà đã đưa ra những phác thảo về khuôn mẫu người đàn ông trong thế kỷ XXI đối lập khá nhiều với những gì mà văn hóa truyền thống đã khắc họa.
Trong lời giới thiệu tác phẩm NHÂN DẠNG NAM của Giáo sư Elisabeth Badiner, dịch giả Nguyễn Xuân Khánh viết:Xã hội hiện đại dựa trên cơ sở bình đẳng nam và nữ, nó nhất thiết dẫn tới chỗ tạo ra sự giống nhau giữa hai giới. Mục đích công bằng chính trị ấy xuất sinh từ quyền con người. Chính từ sự bình đẳng ấy, trên thực tiễn ta nhận thấy bản chất con người gồm cả tính nam và tính nữ. Người đàn bà đã xâm nhập vào mọi lĩnh vực trước kia chỉ dành cho người nam, họ trở nên lưỡng tính và giống người nam. Đảo lại người nam cũng lưỡng tính như vậy.”. Có lẽ vì thế mà không ít quý ông rất sợ phải sống với chính con người giới tính thật của mình. Họ sợ những phút giây mềm yếu trong con người: Sợ tính nữ nguyên thủy biến họ thành người yếu đuối, đồng tính, nhu nhược, hèn kém trong bất kỳ thời điểm nào. Mà điều đó, gia đình, xã hội và chính bản thân người đàn ông, bằng lý trí không cho phép được sảy ra.
Nghiên cứu về người đồng tính, các nhà tâm lý kết luận: Đời sống tình cảm của người đồng tính nam thường chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người mẹ và mang nhiều tính nữ. Còn người đồng tính nữ thường chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người bố và mang nhiều tính nam. Đây chính là điểm cơ bản đầu tiên của người đàn ông đồng tính.
Chúng ta đều biết, sự hình thành và phát triển tính nam của người đàn ông không chỉ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa truyền thống với những chuẩn tắc khắc nghiệt mà còn chịu sự chi phối sâu sắc của huyền thoại tình mẫu tử. Sự đối đầu giữa khuôn mẫu người đàn ông truyền thống với huyền thoại tình mẫu tử, trong nhiều trường hợp đã làm méo mó, biến dạng tâm sinh lý và giới tính của người đàn ông khi trưởng thành. Thuyết bản năng mẫu tử, hay còn gọi huyền thoại tình mẫu tử, đã “hợp thức hóa việc loại trừ người cha”, “tăng cường sự cộng sinh giữa mẹ và con trai”, làm cho tính nữ nguyên sơ trong bé trai bị kéo dài, dẫn tới sự phát triển lệch lạc về tâm sinh lý và giới tính, cản trở và triệt tiêu tính nam của người đàn ông đang hình thành trong đứa trẻ. Chính vì vậy mà người Anh, một thời gian khá dài đã phản đối gay gắt sự “độc nhất” của người mẹ trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng bé trai. Elisabeth Badinter, giảng viên triết học trường Polytenchnique (Pháp) nhấn mạnh: Lý thuyết bản năng mẫu tử đã gây tha hóa và tội lỗi đối với phụ nữ và tỏ ra tàn hại đối với trẻ nhỏ, đặc biệt đối với trẻ em trai. Qua nghiên cứu nhiều công trình khoa học và các tác phẩm văn học (trên 3.000 tác phẩm văn học và thân thế các danh nhân nổi tiếng), bà đưa ra kết luận: Trong số những người đàn ông đồng tính, rất nhiều người sống gần gũi với mẹ và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người mẹ. Bà khuyến cáo: Hãy để bé trai thường xuyên gần gũi và chịu ảnh hưởng từ người bố, sẽ giúp bé trai thuận lợi cho việc phát triển tâm sinh lý người đàn ông của đứa trẻ.
Trong các công trình nghiên cứu về tính nam của người đàn ông, Giáo sư Elisabeth Badinter đều cảnh báo sự thái quá trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bé trai của các bà mẹ sẽ ảnh hưởng xấu đến sự hình thành và phát triển tính cách người đàn ông của bé trai sau này. Tất nhiên, sự “độc chiếm yêu thương” bé trai của các bà mẹ - như chúng tôi đã trình bày trong mục NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRẺ CON - không thể hoán đổi bé trai từ người dị tính sang là người đồng tính mà chỉ là một trong những căn nguyên “mở đường” cho sự phát triển từ khuynh hướng tình dục đồng tính sang hành động đồng tính ở các bé trai. Đây là điều mà các bà mẹ cần lưu tâm khi chăm sóc và nuôi dưỡng bé trai yêu quý của mình.
Kensey, bác sỹ người Mỹ, qua những cuộc điều tra xã hội học cho rằng: Cứ 3 người đàn ông Mỹ thì ít nhất 1 người đã từng có “trải nghiệm” quan hệ luyến ái đồng giới. Còn người Anh thì “rất nhiều” người là dân đồng tính.
Luận điểm của Kensey khá gần với kết luận của Giáo sư Elisabeth Badinter về lý do tại sao người Anh lên án thuyết bản năng mẫu tử, nhưng tỷ lệ người đồng tính và quan điểm khuyến khích “phát triển đồng tính” mà bác sỹ Kensey đưa ra thì không thể chấp nhận. Tuy nhiên, kết quả Kensey đưa ra đáng để chúng ta suy ngẫm về hiện tượng những chú “gà cồ” không thể cất tiếng gáy đang có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại.
Theo thống kê của các nhà khoa học thì trên thế giới thì tỷ lệ người đồng tính chiếm khoảng 3 - 5 % dân số nhưng số liệu đó chưa hẳn đã chính xác. Kết quả phát hiện điều tra uy quyền của Mỹ lại cho con số hoàn toàn khác về đồng tính nam: 35% thuần khiết yêu người khác giới, 55% đã trải nghiệm đồng tính luyến ái, số còn lại hoặc là đồng tính luyến ái hoàn toàn hoặc là lưỡng tính luyến ái. (Tâm sinh lý nam nữ; trang 296; Ma Xlao Lian; Nhà xuất bản Hà Nội; 2004; Thùy Liên dịch). Còn giới nữ thì sao? Kết quả điều tra của Kinxi và Hăngri cho biết: “- Có khoảng 12% phụ nữ thực sự đồng tính luyến ái hoặc tỏ rõ mong muốn được đồng tính luyến ái.” (Tâm sinh nữ phụ nữ; trang 488; Vương Quốc Vượng; Nhà xuất bản Hải Phòng; 2003; Hà Kim Sinh dịch.).
Gần đây, các nhà khoa học về tâm lý và tình dục trên thế giới đã công bố kết quả điều tra (độ tuổi từ 15 tuổi trở lên) ở thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) thì người đồng tính nam ở đây có tỷ lệ cao nhất thế giới, khoảng 20% dân số (nam giới) của thành phố. (Theo báo Thanh Niên số 100 (3761), ra ngày 10/04/2006 và báo Công an thành phố Hồ Chí Minh số 1422, ra ngày 11/04/2006). Như vậy, tỷ lệ người đồng tính (nam) đang gia tăng ở mức báo động.
Các nhà tâm lý tình dục học nhấn mạnh: Điểm chung của người đồng tính là sự “mặc cảm tội lỗi”, tâm lý hoảng loạn, dễ bị tổn thương. Do “không giống ai” trong việc lựa chọn “đối tượng tình dục” và tình yêu của họ không được xã hội chấp nhận nên người đồng tính luôn sống trong tâm trạng mặc cảm, sợ sệt. Với người dị tính (tình yêu thuần khiết với người khác giới), sự thể hiện tình cảm của mình với “đối tượng” thường công khai, được xã hội chấp nhận (trong một chừng mực, hoàn cảnh nhất định), còn người đồng tính thì ngược lại: Âm thầm, lén lút vì sự kỳ thị của xã hội. Đây chính là lý do làm người đồng tính dễ bị tổn thương, luôn sống trong tâm trạng hoảng loạn và “mặc cảm tội lỗi”.
Một điểm chung nữa thường thấy ở người đồng tính là: Không ai dám “tự thú” mình là người đồng tính, trừ phi họ là người đồng tính ở cấp độ “nặng” không thể giấu được, hoặc họ dũng cảm công bố khuynh hướng tình dục của mình để được sống thanh thản, thoải mái hơn. Ngay cả những người đồng tính với nhau, nhất là những người thuộc diện đồng tính kín, còn gọi là đồng tính “ẩn”, dù “đọc” ra “chất” của nhau cũng khó khăn trong việc họ thừa nhận mình là người đồng tính. Văn hóa truyền thống, nhất là nền văn hóa Á Đông đã gây áp lực rất lớn, buộc người đồng tính ở mọi cấp độ phải giấu đi giới tính thực của mình, để đáp ứng những “chuẩn mực” của xã hội: Xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái...
Văn hóa truyền thống, cộng với sức ép của cuộc sống cũng gây áp lực rất lớn tới những người thân của người đồng tính. Khi được hỏi về giới tính của bố, mẹ, con, em, chồng, vợ, bạn hữu... dù biết rõ người thân của mình thuộc diện “lửng lơ 8 vía” thì họ vẫn dứt khoát phủ nhận, cố chứng minh cho bằng được sự rõ ràng về giới tính của người thân, để “bảo vệ danh dự” cho người thân của mình.
Trong cuộc sống, có những người bỗng dưng thay đổi đối tượng tình dục, từ dị tính sang đồng tính với lời bao biện do tiếp xúc nhiều với người đồng tính vì công việc, vì stress hoặc vì bất hạnh trong cuộc sống vợ chồng nên đã “vô tình chuyển hệ”... Họ đưa ra những lý lẽ, rằng đã từng yêu rất nhiều người khác giới, rằng đã xây dựng gia đình từ khi còn rất trẻ, thậm chí đã hai, ba lần xây dựng gia đình và “chuyện ấy” luôn được bạn đời “tấm tắc” không chê vào đâu được... Tóm lại họ không thừa nhận mình là người đồng tính mà đổ lỗi cho hoàn cảnh. Họ không biết hoặc có thể họ biết nhưng cố tình phủ nhận những “xung năng tình dục đồng giới” tồn tại trong cơ thể họ đang ở dạng tiềm ẩn nên việc thừa nhận sự mập mờ về giới tính của họ (bấy lâu) là điều không tưởng. Thực chất, nếu là người có giới tính rõ ràng thì họ không thể “bị” người khác lôi kéo vào các mối tình đồng giới, trừ phi vì mục đích kinh tế, vụ lợi.
Cũng có người “bị” đồng tính nhưng không biết mình là đồng tính, bởi họ vừa lớn lên là xây dựng gia đình, rồi sinh con đẻ cái, có cuộc sống “bình thường” như bao gia đình dị tính, có khác chăng là trong con người họ luôn có cảm giác bị bức bối, hụt hẫng và thiếu thiếu... một “thứ gì đó” rất quan trọng nhưng cũng rất mơ hồ về lĩnh vực tình cảm, nên cuộc sống gia đình của họ không được suôn sẻ. Giáo sư Elisabeth Badinter giải thích: Thông thường những người đàn ông này cưới vợ hoàn toàn thực tâm, không biết những xung năng đồng tính luyến ái của mình. Cưới vợ và có con dưới mắt họ là một giấy chứng nhận về sự bình thường. Phần lớn họ chỉ nhận ra sự đồng tính luyến ái của mình khi đã cưới vợ và làm bố. Sự có ý thức đến dần dần, đau đớn và tạo mặc cảm tội lỗi một cách khủng khiếp (Nhân dạng nam, trang 352). Báo cáo điều tra của ông Frader Green cho chúng ta biết rõ hơn về nưgời đồng tính: “Trong số người đồng tính, có 20% thuộc dạng tinh thần, chưa từng có quan hệ tình dục (có nghĩa chỉ “yêu thích” người cùng giới trong suy nghĩ, tình cảm), có 35% thỉnh thoảng có quan hệ tình dục đồng giới và 15% thường xuyên có quan hệ tình dục đồng giới (...) Những khúc mắc tâm lý giới tính của những “người vợ”là đàn ông và những “người chồng” là đàn bà càng nghiêm trọng hơn. Họ thường rơi vào thế làm chủ trong dạng đồng tính luyến ái.” (Tâm sinh lý nam nữ, Ma Xlao Lian; trang 200). Với nhóm người này, khi gặp “đối tượng đặc biệt” trong hoàn cảnh cũng “đặc biệt” sẽ lao vào cuộc tình đồng giới rất mãnh liệt. Ngôn ngữ dân gian gọi họ là kẻ “đa hệ”, còn thuật ngữ của các nhà tâm sinh lý tình dục học gọi họ là người “lưỡng tính luyến ái”, có nghĩa họ là người có nhu cầu quan hệ sinh lý với cả 2 giới.
Điểm chung nữa thường thấy ở người đồng tính là sợ sự đồng tính. Không ít người cho rằng sở dĩ bị đồng tính là do những người đồng tính thích như vậy. Thực ra, người đồng tính không thích như vậy và họ không có quyền lựa chọn khuynh hướng tính dục. Với người dị tính, chuyện đồng tính chỉ thực sự “ghê sợ” khi có sự “tiếp xúc thân mật” hoặc “thể hiện tình cảm” từ đối tượng cùng giới nhưng với người đồng tính, sự “ghê tởm” đó luôn thường trực trong suy nghĩ, hành động.
Mặc dù ghê sợ sự đồng tính nhưng người đồng tính không thể “triệt tiêu” được ham muốn quan hệ sinh lý với người đồng giới. Họ lập hàng rào ngăn cản “tình yêu đồng giới” nảy nở nhưng chính họ lại tự động phá bỏ vì ý chí không thắng được tình cảm. Bằng lý trí, họ lẩn tránh những gì liên quan tới chuyện đồng tính, thậm chí trốn chạy người họ say đắm nhưng những xung năng tình dục đồng tính thúc giục, đến chừng mực nào đó khiến họ bị khuất phục, gục ngã thật thảm hại. Đó chính là mâu thuẫn, là nỗi đau không thể vượt qua của người đồng tính. Và đây cũng là điểm chung nữa của người đồng tính.
Trong cuộc sống, có người biết rõ mình có khuynh hướng tình dục đồng tính, hoặc mơ hồ thấy những “bất ổn” về nhu cầu tình cảm và sinh lý đang tồn tại trong con người, nên “cố gắng” hoàn thiện tố chất đàn ông của mình theo chuẩn mực của văn hóa truyền thống nhưng lại quay sang miệt thị, tấn công những người đồng tính khác. Trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, khi có cơ hội, họ sẽ lôi người đồng tính hoặc chuyện của người đồng tính ra để gây cười, để khẳng định mình “rõ ràng” về giới tính. Tại sao họ làm vậy? Giáo sư Elisabeth Badinter giải thích: Thực ra, sự sợ đồng tính liên quan tới nỗi sợ thầm kín của những ham muốn đồng tính luyến ái của chính riêng bản thân họ (...). Nỗi sợ đồng tính luyến ái vạch trần ra điều mà nó tìm cách che đậy.”. (Nhân dạng nam, trang 240). Giáo sư Elisabeth Badinter cũng khẳng định: Những người đàn ông thực thụ thường không có thái độ ác cảm khi giao tiếp với người đồng tính vì họ tự tin vào tố chất đàn ông của họ, không sợ tính nam của mình bị đe dọa. (Bà cũng không quên chua rằng, người có tư tưởng “bài người đồng tính” mạnh mẽ thường là người thuộc dạng “dân trí thấp”, chỉ số thông minh không cao.). Tuy nhiên, theo thiển ý của người viết, “bản năng tự vệ” trong con người họ - người đàn ông dị tính - vẫn có những biểu hiện để tạo ra “khoảng cách” nhất định khi tiếp xúc với người đồng tính.
Nguyên nhân dẫn đến đồng tính từng được các nhà khoa học cho rằng do gen, hooc môn hoặc nhiễm sắc thể trong cơ thể bị xáo trộn, biến đổi. Nhưng qua các thực nghiệm khoa học, các cuộc điều tra và thăm dò dư luận thì lời khẳng định đó bị sụp đổ.
Khi giải phẫu kiểm tra gen của người đồng tính, người ta thấy nhiễm sắc thể không thay đổi mà chỉ có sự biến đổi rất nhỏ về gen. Còn hooc môn chỉ có sự thay đổi về ngưỡng cảm thụ nội tiết tố tình dục vào tuổi dậy thì. Đấy chưa phải là căn nguyên cho hành động đồng tính phát triển.
Đi xa hơn, các nhà tâm sinh lý tình dục đã tiến hành các cuộc khảo sát, điều tra xã hội học về đồng tính luyến ái. Người ta thấy có những gia đình, qua mấy thế hệ không có ai là người đồng tính nhưng bỗng dưng xuất hiện một chú “gà cồ” lạ hoắc không chịu cất tiếng gáy. Người ta cũng thấy có gia đình hoặc vợ hoặc chồng là người đồng tính nhưng con cái của họ sinh ra giới tính lại rất rõ ràng.
Qua các cuộc thử nghiệm tự nguyện, người ta tiêm hooc môn nam cho người đồng tính nam, hooc môn nữ cho người đồng tính nữ thì kết quả trái với mong muốn: Họ (người đồng tính) không thay đổi khuynh hướng tính dục, trái lại càng kích thích sự “thèm khát gần gũi” với người đồng giới nhiều hơn, mạnh hơn. (theo Elisabeth Badinter).  Điều đó khẳng định gen, hooc môn không phải là nguyên nhân gây ra đồng tính luyến ái ở con người. Điều đó cũng khẳng định: Đồng tính luyến ái không mang tính di truyền.
Vậy nguyên nhân nào dẫn tới chuyện người đàn ông yêu người đàn ông, người đàn bà yêu người đàn bà? Câu trả lời vẫn lửng lơ, bỏ ngỏ vì cho đến tận giờ này các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời thống nhất. Chúng ta tạm bằng lòng với cách giải thích của bác sỹ Kensey, người Mỹ, mặc dù cách giải thích của ông vẫn còn khá chung chung: Có sự biến đổi nhỏ nào đó ở bán cầu đại não đã ảnh hưởng tới thiên hướng tình dục. Ông cho rằng, đa số nhân loại có khuynh hướng tình dục đồng tính nhưng để thành người có hành động đồng tính, tức người đồng tính, phụ thuộc vào hai yếu tố: Khuynh hướng tình dục đồng tính nặng hay nhẹ và tác động của môi trường gia đình, xã hội tới cá thể đó như thế nào. Quan điểm của ông khá gần với quan điểm của  Peopper Schwartz và Dominic Cappello trong tác phẩm MƯỜI CUỘC NÓI CHUYỆN (Nguyễn Thị Hương Giang dịch - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2006):Trên thực tế, có một số lượng lớn đàn ông và đàn bà phát hiện ra rằng mình bị những người đồng giới thu hút, họ có thể là bạn bè hoặc là những người quen chứ không phải là người khác giới. Họ chẳng bao giờ hé miệng cho bạn bè hay ngay cả cho bản thân họ biết đâu.” (trang 235). Như vậy, khuynh hướng đồng tính mặc dù ở con số khá cao nhưng may thay, nhờ có văn hóa truyền thống, với những chuẩn tắc khắt khe về giới tính và đạo đức mà hành động đồng tính không trở nên phổ biến.
Đồng tính luyến ái tồn tại từ xa xưa và có ở mọi tầng lớp trong xã hội, nhưng người ta thường thấy tỷ lệ người đồng tính cao ở giới nghệ sỹ, kinh doanh, chính trị... Thực ra, tỷ lệ người đồng tính ở các giới như nhau, nhưng nhóm người trên do họ là những người hoặc thành đạt, hoặc là người của công chúng nên đời tư của họ dễ bị để ý, “khai thác”, chính vì thế mà mọi người mới ngộ nhận về nhóm người này có tỷ lệ đồng tính cao hơn các nhóm khác.
Câu chuyện về nam ca sỹ Quang Dũng chúng tôi trích dẫn dưới đây không ám chỉ anh là người đồng tính mà chỉ lưu ý điều: Người thành đạt, nhất là khi lại là người của công chúng, thường “được” dư luận “quan tâm thái quá” đến cuộc sống riêng tư, mà sự “quan tâm” ấy, đôi khi vô tình đã hủy hoại tương lai của một con người:
Ca sỹ Quang Dũng nổi tiếng nhờ hát nhạc Trịnh đã làm dư luận “rối tung rối mù” về lối sống “lạ hoắc” của mình. Người ta không chỉ “chửi” anh là “chảnh bà cố nội”, là “bon chen”, là “tàn nhẫn” mà còn xì xèo, bàn tán về khuynh hướng tình dục của anh rất “lập dị”, “khác người”.... Không ít chuyện “đồn thổi” ác ý làm Quang Dũng mất niềm tin vào cuộc sống và luôn trong tâm trạng chán nản. Khi được hỏi: “- Gần đây có lời đồn anh liên quan đến một vụ scandal về giới tính với một cậu bé ở Hải Phòng không phải là chuyện tiếu lâm chứ? Tất nhiên anh có thể không nhận!”. Quang Dũng thốt lên cay đắng: “- Sao cuộc sống lại nặng nề đến vậy? Có lúc tôi không biết giải quyết mọi việc thế nào, tôi đều tự hỏi mình đó có phải là sự trả giá khi tôi theo nghiệp ca hát hay không nữa? Trong thời gian đấy bạn bè thân họ cũng hiểu sai về tôi, đồng nghiệp thì nhìn tôi với ánh mắt ngồ ngộ, tôi chẳng biết phải giải thích với họ thế nào, đành im lặng! (Nghĩa Lương - Người đẹp Việt Nam số 158 ngày 15/10/2005). Là người của công chúng nên “lời đồn” ác ý ấy dù đúng hay sai cũng làm cho hình ảnh của Quang Dũng bị hoen mờ.
Trong tác phẩm MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ, nhà văn Bùi Anh Tấn miêu tả khá thành công tâm lý nhân vật Nguyễn Thành Trung khi phát hiện mình là người đồng tính. Là một sĩ quan trẻ, đẹp trai, tài giỏi, được nhiều người yêu mến, lại sinh trưởng trong một gia đình gia giáo nên anh rất ghê tởm những “gã pê đê bệnh hoạn”, luôn tìm cơ hội để mạt sát, thẳng tay đánh đập những “gã pê đê bệnh hoạn” không thương tiếc. Tại sao Nguyễn Thành Trung làm vậy khi trong anh có “thứ tình cảm khác lạ” đó từ thủa học trò? Nguyễn Thành Trung làm vậy để trốn chạy con người thực của mình, để khẳng định mình là thằng đàn ông đích thực. Nguyễn Thành Trung sẽ làm được điều đó nếu không có buổi tối định mệnh ở quán cafe của những “gã pê đê bệnh hoạn”: Khuôn mặt đẹp trai, ga lăng nhưng đậm đặc chất đàn ông và giọng nói du dương, trầm bổng của Hoàng “hoàng tử” đã làm anh chao đảo... Sau những dằn vặt, những “đấu tranh tư tưởng”, anh đã tự tìm đến với Hoàng “hoàng tử” và lao vào cuộc tình đồng giới với tất cả sự khao khát bị dồn nén lâu ngày. Những giằng xé, những đấu tranh tư tưởng của Nguyễn Thành Trung được Bùi Anh Tấn mổ xẻ, phân tích và dẫn giải khá sâu sắc, và có lẽ với những kiến giải của mình, nhà văn (đồng tính) Bùi Anh Tấn đã giúp đọc giả nhìn nhận vấn đề đồng tính luyến ái bằng ánh nhìn nhân văn và con người hơn.
Công bằng mà nói, người đồng tính là những người chịu nhiều thua thiệt, đau khổ trong cuộc sống. Trong con mắt mọi người, dù người đồng tính có tài giỏi, tử tế đến đâu, có ích cho gia đình và xã hội thế nào thì họ vẫn cứ là “kẻ biến thái”, “lập dị”, bị tránh xa vì “kinh tởm”. Một ông tổng thống, một nhà bác học hoặc một nhà thơ, một nhạc sỹ thiên tài... nếu đã “bị” là người đồng tính thì dù có vắt kiệt tài năng, trí tuệ để cống hiến cho nhân loại vẫn cứ phải đương đầu với sự ghẻ lạnh, “khinh rẻ” của người đời. Một kẻ giết người, một tên ăn trộm, một gã lừa đảo... nhiều khi lại được “xã hội” “tôn trọng” hơn nhiều những người đồng tính. Đấy chính là sự nghịch lý, là bất công của xã hội dành cho người đồng tính mà người đồng tính khó đủ sức để vượt qua.
Thực ra người đồng tính không bao giờ muốn họ là người như vậy. Họ rất đau khổ vì sự “chẳng giống ai” của mình. Họ cố gắng chống lại sự trớ trêu của tạo hóa nhưng họ càng cố thì hình như họ càng bất lực. Sự kỳ thị của gia đình, xã hội không giúp họ sửa đổi được sự “sai lệch” về khuynh hướng tình dục (dù ít dù nhiều), mà còn làm cho họ có thái độ bất cần đời, “hăng hái” hơn trong việc thể hiện bản thân và lôi kéo những người đồng cảnh.
Khi được hỏi: Nếu phát hiện ra người thân của mình là người đồng tính bạn sẽ làm gì? Đa số trả lời sẽ khuyên giải để người thân có đời sống tình dục bình thường. Nếu khuyên giải không được sẽ “cưỡng chế” bằng nhiều hình thức, miễn sao người thân của mình thoát khỏi sự “căn bệnh nhơ nhuốc” đó.
Các nhà khoa học khuyến cáo: Muốn người thân của mình điều chỉnh được sự sai lệch về đối tượng tình dục, trước hết phải bình tĩnh, tìm hiểu xem người thân của mình “bị” đồng tính ở mức độ nào để có biện pháp cụ thể. Dù người thân “bị" đồng tính "nhẹ" hay "nặng" thì đều phải mềm mỏng, tâm lý và thật sự kiên trì. Không nên biểu hiện sự lo lắng, đau khổ cho người thân của mình biết. Tuyệt đối không làm tổn thương tới lòng tự trọng của họ, ví như: Nói cho người khác biết, sỉ nhục, đánh đập,... càng làm cho họ có những phản ứng tiêu cực: Công khai khuynh hướng tình dục của mình, bỏ nhà ra đi, tìm đến với cái chết...
Khi thực hiện đề tài này, chúng tôi hỏi những người đồng tính 3 câu hỏi:
1. Gia đình phản ứng thế nào khi biết bạn là người đồng tính?
2. Sự lo lắng của người thân ảnh hưởng thế nào tới khuynh hướng tình dục của bạn?
3. Tỷ lệ người đồng tính từ bỏ được quan hệ đồng tính là bao nhiêu sau khi được sự “quan tâm” của gia đình?
Chúng tôi hy vọng những câu trả lời của họ sẽ giúp ích cho bạn trong việc “khuyên giải” người thân của mình, nếu chẳng may người thân là người đồng tính, có tác dụng tích cực hơn.
Với câu hỏi 1: 10 % trả lời người thân của họ không có phản ứng gì. 20% trả lời người thân của họ đau khổ nhưng khuyên họ phải từ bỏ “căn bệnh đua đòi” vì danh dự bản thân và gia đình. 70% trả lời người thân của họ rất bực tức, kinh tởm khi biết họ là người đồng tính nên đã cấm đoán, miệt thị, đánh đập họ... bắt họ phải “từ bỏ bệnh xấu hổ” nếu không sẽ “từ mặt”, đuổi ra khỏi nhà.
Với câu hỏi 2: 80% trả lời cảm thấy xấu hổ, “nhục nhã”, quyết tâm “thay đổi” khuynh hướng tình dục của mình nhưng rất tiếc không làm được. 10% không trả lời. 10% còn lại thì lao vào các mối quan hệ đồng tính công khai hơn, mạnh mẽ hơn.
Với câu hỏi 3: 15% trả lời không biết vì chưa gặp những trường hợp như thế. 35% trả lời đã gặp nhưng số lượng không nhiều nên không thể biết được tỷ lệ là bao nhiêu. 50% còn lại thì không tin người đồng tính sẽ quay sang quan hệ dị tính được vì họ đã từng gặp những người quyết tâm từ bỏ tình dục đồng tính nhưng thời gian gian quay lại quan hệ đồng tính cũng không lâu.
Chúng ta thừa nhận, xã hội hiện đại tuy có thay đổi đôi chút khi nhìn nhận về vấn đề đồng tính nhưng thái độ “kinh tởm” sự đồng tính có lẽ sẽ bất biến theo thời gian. Người đồng tính vẫn cứ mãi là số đơn lẻ “lạc loài” trong sự kỳ thị của số đông nhân loại. Xét về mặt tích cực, sự “sợ hãi và kinh tởm” chuyện đồng tính có giá trị rất lớn trong việc củng cố và bảo vệ tính nam của người đàn ông, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực.
Ngoại trừ những người đồng tính sống sa đọa, bất cần đời; ngoại trừ những kẻ lợi dụng chuyện đồng tính làm băng hoại văn hóa truyền thống và nền tảng đạo đức thì những người đồng tính đều cần nhận được sự cảm thông từ gia đình, xã hội bằng thái độ khách quan, độ lượng. Sự kỳ thị của xã hội với người đồng tính không giúp họ “thay đổi” được khuynh hướng tính dục, trái lại càng làm cho họ bất mãn, mặc cảm và nảy sinh tư tưởng “nổi loạn”, dẫn đến những hệ lụy đau lòng.
Bất luận người đồng tính là ai? Mức độ đồng tính như thế nào? Thì người đồng tính đương nhiên phải chấp nhận: Chừng nào xã hội hiện đại chưa thật sự nghiêm túc tiến hành nhân dạng người đàn ông thì chừng đó, người đồng tính nam nói riêng, người đồng tính nói chung còn bị coi là “quái vật”, “lập dị”, “cản trở” sự phát triển của loài người. Đấy là thách thức lớn mà người đồng tính khó có thể vượt qua.
Hỡi chàng trai của thế kỷ XXI!
Nếu chẳng may chàng là người đồng tính, xin đừng bi quan, chán nản. Hãy tâm niệm nằm lòng: “Muốn phát triển thành người đàn ông là một cuộc đấu tranh không ngừng ở mọi lúc.”. Hãy quyết tâm sửa chữa những “trục trặc” do tạo hóa gây ra để “ngạo nghễ” khẳng định tố chất đàn ông đích thực của mình. Nếu mọi cố gắng vẫn vô vọng thì lúc bấy giờ hãy nhìn thẳng vào sự thật con người mình mà điều chỉnh lối sống sao cho phù hợp, tốt cho mình nhất.
Cuộc sống chỉ tốt đẹp, hữu ích và đáng yêu hơn khi ta sống lành mạnh, lạc quan và trân trọng giá trị của cuộc đời.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG BẤT LỰC
David Reuben, bác sỹ tâm lý ở California đã viết: “Hơn bất cứ sự cố gắng nào khác của con người, tình dục ở nam giới là một trò chơi của sự tự tin.”. Hay hiểu nôm na thì “chất lượng” của hoạt động tình dục là “chứng chỉ” về sức mạnh của người đàn ông. Vì thế mà không ít đấng mày râu luôn trăn trở một câu hỏi: Làm thế nào để chứng tỏ được nam tính của mình khi cuộc sống hiện đại với vòng quay hối hả, gấp gáp, với những cạnh tranh, toan tính.... đã làm không ít người đàn ông luôn trong tình trạng bị stress, dẫn đến những rối loạn trong hoạt động tình dục, mà trong số đó là sự rối loạn về sự cương dương, tức bất lực trong quan hệ vợ chồng.
Vậy bất lực là gì?
Là sự rối loạn cương dương, khiến người đàn ông khó đạt được sự cương cứng hoặc mất (một phần hoặc hoàn toàn) khả năng duy trì dương vật trong trạng thái cương cứng để có thể tiến hành hoạt động tình dục bình thường.
Qua các cuộc thăm dò dư luận và những nghiên cứu của các nhà khoa học tình dục trên thế giới, người ta đưa ra kết luận: “Gần 40% đàn ông luôn ám ảnh sợ bất lực trong quan hệ vợ chồng. Trong các cuộc tào lao, tán gẫu của các đấng mày râu, “chuyện ấy” được đưa ra bàn luận nhiều nhất, và thành tích được phóng đại lên gấp nhiều lần. Người đàn ông có thể chấp nhận bị người khác chê cười vì yếu kém trong công việc, chậm hiểu trong tiếp thu nhưng họ không chấp nhận bị người khác chê cười về khả năng “truyền giống” của mình. Tố chất của người đàn ông, theo họ quan trọng là phải mạnh mẽ về “chuyện ấy”, nếu không thì khác gì chú gà tồ công nghiệp.
Các nhà khoa học tình dục khẳng định: Bất kỳ người đàn ông nào cũng có thể lâm vào tình trạng khó khăn trong quan hệ tình dục. Một số gặp phải lúc còn trẻ, một số gặp phải khi ở tuổi tứ tuần, còn số khác thì có khi cả đời. Nguyên nhân chính dẫn đến sự “trục trặc” trong đa số các trường hợp là do “rối loạn” trong hệ xung động thần kinh, xuất phát từ bộ não, được gọi là vấn đề về chức năng hay gọi nôm na là “rối loạn tình dục”.
Căng thẳng, bồn chồn và thiếu tự tin vào sức mạnh “đàn ông” của chính mình khi “xung trận” là kẻ thù số một tạo nên chứng bệnh rối loạn tình dục ở đấng mày râu. Bên cạnh đó, sự chai lỳ trong cảm xúc, sự rạn nứt trong tình cảm vợ chồng cũng là nguyên nhân dẫn đến chuyện “trên bảo dưới không nghe” của người đàn ông. Một ví dụ được dẫn chứng dưới đây sẽ minh chứng cho lời kết luận vừa rồi.
Đức Minh, một chàng trai hoàn toàn khỏe mạnh. Anh yêu Hoa Vinh và cưới nàng từ một tình yêu chân thật. Ban đầu, Đức Minh nghĩ chỉ yêu cho đời thêm hương vị nhưng rồi anh đã bị Hoa Vinh chinh phục. Từ quen biết đến hôn nhân chỉ một quãng thời gian rất ngắn, họ chưa có điều kiện để thật sự hiểu về nhau nên cuộc sống gia đình sớm rạn nứt.
Ban đầu, Đức Minh nghĩ, sống với nhau những khiếm khuyết của hai người sẽ được khắc phục và anh tin sự ràng buộc của “tình chồng nghĩa vợ” chắc hẳn cuộc hôn nhân sẽ không đổ vỡ. Nhưng cuộc đời biết bao điều bất ngờ, Hoa Vinh còn quá trẻ, trong khi tuổi tác của Đức Minh sắp bước vào tuổi tứ tuần nên hai người không thể có tiếng nói chung về sở thích, nhu cầu và bao điều khác.
Vốn dĩ là cô gái hư hỏng, ham vui trong các cuộc chơi tình ái nên nhu cầu “chuyện ấy” của Hoa Vinh khác hẳn mọi người. Dù mới lấy chồng, được chồng nâng niu chiều chuộng nhưng Hoa Vinh vẫn “rong ruổi” cùng dăm bảy tình nhân trong các cuộc chơi thác loạn. Tiếng xấu về Hoa Vinh trước và sau ngày cưới đến tai Đức Minh ngày thêm nhiều, khiến anh không thể yêu Hoa Vinh được nữa.
Trong một lần quan hệ, Đức Minh không thể làm được, Hoa Vinh nhìn anh như nhìn kẻ xa lạ. Dướn đôi mắt mỏng như sợi chỉ, Hoa Vinh buông lời giễu cợt: “Đức Minh à! Anh có phải là thằng đàn ông không đấy? Anh bị pêdê à?” Đức Minh cảm thấy mình bị xúc phạm. Anh hận Hoa Vinh. Anh căm thù cuộc hôn nhân không xứng tầm mà anh đã ngu muội để thiên hạ xỏ mũi dắt vào. Một thằng đàn ông tài hoa, tử tế như anh mà lấy phải người vợ nhem nhuốc về nhân cách đã là sự trả giá không đáng có, giờ lại phải nghe những lời hỗn hào của Hoa Vinh làm anh suy sụp.
Bẵng đi chừng sáu tháng, trong một lần bị ma men quấy nhiễu, anh đã nghe bạn xấu tìm đến chốn đèn mờ. Trước lúc “xung trận”, anh rất tin tưởng vào sức mạnh nam nhi của mình nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt bì bì, câng câng và đôi mắt ti hí hệt giống mắt Hoa Vinh, Đức Minh phát hoảng.... Tiếng cười khinh bỉ, nhạo báng của gái lầu xanh như nhát dao cắm ngập vào tim. Minh cắm đầu chạy trốn. Minh đau đớn tin rằng anh là kẻ có “vấn đề rất nặng về sinh lý” nên đã về nhà nằng nặc làm đơn ly dị vợ.
Chúng tôi xin trích dẫn thêm một trường hợp dưới đây để bạn đọc tham khảo, lưu ý rằng: Một trong những nguyên nhân phá vỡ chức năng tình dục của đàn ông còn do tính khiếm nhã, bất lịch sự của bạn tình.
Phương Gia, 34 tuổi, than phiền với bác sỹ tâm lý về chứng “trên bảo dưới không nghe” của mình. Trước năm 26 tuổi, anh không có vấn đề gì về tình dục. Năm 26 tuổi, lần đầu anh quan hệ với phụ nữ và người bạn tình đó không hài lòng về khả năng “chinh chiến” của anh... Vào một buổi sáng, khi cô gái nằng nặc đòi “chuyện ấy”, vì mệt nên anh không thể đáp ứng được, cô gái liền mắng anh là đồ đàn ông mặc váy... Anh hốt hoảng, bắt đầu tìm đọc những cuốn sách y học về giới tính và tình dục. Trong mười năm qua, anh có “gần” hai phụ nữ và những lần quan hệ ấy anh chẳng làm được “cơm cháo” gì... Bác sỹ đã trấn an, cam đoan “chuyện ấy” của anh hoàn toàn bình thường và giải thích những trường hợp như anh là hiếm thấy trong cuộc sống tình dục đối với lứa tuổi này.
Bác sỹ chỉ ra nguyên nhân thất bại của Phương Gia chính là tình trạng về tâm lý thần kinh: Mỗi lần thất bại khi quan hệ vợ chồng, sự lo âu và suy sụp tinh thần của người đàn ông lại tăng thêm, điều này sẽ dẫn đến thất bại cho lần sau. Khi người đàn ông tin rằng họ bị bệnh thì nỗi sợ hãi về tính nam (tính đực) của mình càng tăng lên, khả năng tình dục vì thế càng trở nên kém cỏi. Họ sợ hãi thời khắc sẽ bị bạn tình chế nhạo, và trong thâm tâm cảm thấy lòng tự trọng của người đàn ông bị tổn thương, họ run run không tin vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ “truyền giống” của mình. Lúc đó, sẽ xuất hiện một nghịch lý: Khi người đàn ông càng ham muốn “chiếm đoạt” bằng được bạn tình thì càng có nhiều khả năng trong khoảnh khắc quan trọng nhất họ lại không thể làm tròn “bổn phận” của người đàn ông.
Chúng ta đọc lại quan điểm của bác sỹ Hồ Đắc Duy (Thái độ của vợ đối với chồng bị bất lực) để hiểu rõ hơn về những nguyên nhân bất lực trong chuyện “chăn gối” của người đàn ông:
“- Y học đã khám phá 75% bệnh nhân bị liệt dương đều có một nguyên nhân thực thể như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, xương khớp, do stress, lão hóa, rượu, thuốc lá hay thuốc men...
- Nguyên nhân tâm lý thuần túy chỉ chiếm 25%. Tuy nhiên vấn đề tâm lý luôn là yếu tố quan trọng trong tất cả mọi nguyên nhân gây ra tình trạng bất lực tạm thời hay bất lực tuyệt đối. Thực tế cho thấy trong mọi nguyên nhân bất lực luôn luôn có đi kèm nguyên nhân tâm lý.”
Đi tìm căn nguyên sự bất lực của người đàn ông trong sinh hoạt vợ chồng, các nhà khoa học tình dục còn liệt kê một loạt nguyên nhân khác:
- Anh ta từng thất bại trong chuyện ân ái nên lo sợ sẽ tái diễn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.
- Anh ta e ngại sẽ không làm cho vợ đạt tới cực khoái.
- Anh ta quá mệt mỏi vì công việc, vì stress trong cuộc sống nên không còn hứng thú với chuyện “vợ chồng”.
- Anh ta thất vọng về cách ứng xử hoặc khiếm khuyết về hình thức của bạn tình.
- Anh ta mặc cảm về những lỗi lầm trong quá khứ, về những khiếm khuyết trên cơ thể mình...
Tóm lại, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất lực của người đàn ông trong “chuyện vợ chồng”. Để “khôi phục” sức mạnh đàn ông không phải một sớm một chiều mà là cả một thời gian dài, với sự phối hợp tận tình, bền bỉ của người vợ, bạn tình.
Bàn về thái độ của người vợ đối với chồng bị bất lực, bác sỹ Hồ Đắc Duy viết: “Chia xẻ ước muốn tình dục với người hôn phối của mình là chuyện tự nhiên, cũng là sự tôn trọng lẫn nhau. Trao đổi để biết bạn tình của mình muốn hay không muốn điều gì trong quan hệ tình dục, còn hơn là thái độ chịu đựng lẫn nhau để dần dần xa lánh vì hiểu lầm, định kiến hay bất đồng quan niệm trong vấn đề chăn gối.”
Các chuyên gia còn khẳng định: Trong số 100 người bị liệt dương, trên thực tế có đến 99 người hoàn toàn khỏe mạnh. Nguyên nhân đẫn đến sự “trục trặc” là vì lo sợ thất bại và không thú thật với bạn tình về sự căng thẳng xuất hiện trước khi “vào trận”, hoặc quá đơn điệu trong mỗi lần “sinh hoạt” vợ chồng, dẫn đến sự nhàm chán, từ đấy nảy sinh sự cáu bẳn, miễn cưỡng của người “lâm trận”, gây nên chứng rối loạn tình dục (bất lực) ở người đàn ông.
Bên cạnh sự bất lực thông thường (dương vật không thể cương cứng khi sinh hoạt vợ chồng) thì bệnh xuất tinh sớm (là hiện tượng phóng tinh ở dương vật trước khi đưa vào âm đạo hoặc vừa đưa vào trong thời gian ngắn) cũng làm khổ không ít đấng mày râu trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình. Những người mắc chứng xuất tinh sớm dù dùng kỹ thuật nào cũng không thể thực hiện được một cuộc sinh hoạt tình dục đến đích, làm cho cả hai không được thỏa mãn tình dục..
Xin trích dẫn hai câu chuyện về sự “bất lực nửa vời” trong “chuyện ấy” của người đàn ông đã ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình như thế nào?
Trung Hiếu là một doanh nghiệp trẻ, thành đạt. Anh cưới vợ khi tuổi gần 40 nên rất yêu chiều vợ. Nhìn vào anh, không ít thiếu nữ mơ ước sau này đức lang quân của mình được như vậy. Trong những cuộc chuyện trò, họ thường ca ngợi Kiều Trang là người may mắn, hạnh phúc vì lấy được ông chồng đẹp trai, tài giỏi, lại hết mực yêu chiều vợ. Họ đinh ninh rằng, đôi vợ chồng Trung Hiếu - Kiều Trang sẽ hạnh phúc viên mãn nhưng họ không thể ngờ sau một năm, đôi “trai tài gái sắc” ấy lại đưa nhau ra tòa với lý do không hợp nhau trong cuộc sống. Tất cả mọi người đều trách Kiều Trang là “lú lẫn”, “có voi đòi tiên”... Họ đâu biết rằng, Trung Hiếu “chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền”. Dù cố gắng rất nhiều, trấn an và động viên nhau rất nhiều nhưng chàng Hiếu vẫn “không chịu tiến bộ”. Rốt cuộc Kiều Trang buộc nói lời chia tay, chấp nhận lời thị phi, chê trách của mọi người.
Mạnh Hùng cũng vậy. Anh là người đàn ông đầy sung mãn về sức lực nhưng trong chuyện “vợ chồng” anh lại là kẻ “thiếu vốn trầm trọng”. Mỗi lần hưng phấn, anh không làm chủ được mình nên tất cả mọi “yêu thương” anh không thể làm cho vợ toại nguyện. Dù rất yêu chồng nhưng Hoài Thu cũng không thể kéo dài cuộc sống gia đình với Mạnh Hùng. Ban đầu, Thu cố trấn an Hùng, động viên và mua sách báo về cho chồng tham khảo nhưng Hùng vẫn “vung vãi vốn liếng khi chưa vào đến chợ”. Cô thất vọng, buồn bực rồi luôn bẳn gắt với chồng. Cô càng ngày càng đau khổ và chán ghét cuộc sống vợ chồng. Một bận, cơ quan Thu tổ chức đi du lịch, tình cờ Thu gặp lại người bạn trai thời đại học.... Người vừa bỏ vợ, kẻ đang chán chồng, chỉ sau một hồi hàn huyên về kỷ niệm thời sinh viên, họ đã quấn quýt lấy nhau như là định mệnh. Sau chuyến du lịch đó, Thu làm đơn ly dị.
Bên cạnh các nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn tình dục nêu trên, một nguyên nhân nữa dẫn đến sự bất lực “chuyện ấy” của cánh mày râu là sự thay đổi kích thích tố nam và kích thích tố nữ trong cơ thể người đàn ông. Các bác sỹ chỉ ra rằng: Khi người đàn ông bước vào ngưỡng tuổi 40 - 45, sự thay đổi về tâm sinh lý sẽ làm không ít người đàn ông “mạnh mẽ” phải giật mình lo sợ vì khả năng “chuyện ấy” của mình bị suy giảm trầm trọng.
Trong những nguyên nhân dẫn đến chứng bất lực của người đàn ông, các nhà tâm lý tình dục cũng liệt kê tới thủ phạm là rượu, thuốc lá và các loại chất kích thích khác như café, trà... Thậm chí, quá khứ từ người hôn phối cũng tác động làm cho “chuyện ấy” của người đàn ông trở nên có “vấn đề”.
Câu chuyện trục trặc về “chuyện ấy” của Khôi Nguyên là một ví dụ cho nguyên nhân mới nghe qua tưởng rất buồn cười này.
Khôi nguyên dọn đến ở chung với Lệ Quyên, bất chấp sự phản đối quyết liệt của gia đình. Vì tình yêu, anh chấp nhận tất cả, miễn sao được sống cùng người anh yêu. Khi Lệ Quyên có thai, anh rất vui vì tình yêu của anh đã đơm trái ngọt, nhưng thật buồn, vì không chịu được cuộc sống thiếu thốn, vất vả, Lệ Quyên đã bỏ anh theo người đàn ông khác. Anh đau khổ, mất niềm tin vào tình yêu từ đấy.
Năm tháng trôi đi, đến cái tuổi mà anh không thể “lừng khừng” chuyện hôn nhân được nữa, vết thương lòng cũng đã nguôi ngoai, anh mới tạm gác chuyện làm giàu để tìm người đắp xây hạnh phúc. Qua mai mối, anh lên “xe hoa” với người phụ nữ kém anh mười tuổi. Trước ngày cưới, anh nhận được vô khối lời “nhỏ to” của thiên hạ về tư cách vợ mình nhưng anh vẫn tin người vợ tương lai của mình sẽ không như vậy, mà nếu có đúng vậy thì anh tin với tấm chân tình của mình, vợ anh sẽ thay đổi nên anh vẫn y án theo kế hoạch của “bên nhà”. Lấy nhau được vài tháng, cô ta đã trổ hết thói hư tật xấu của mình: Coi tiền quan trọng hơn tất cả, hồn láo với chồng, chị chồng, bố chồng... Khôi Nguyên đau đớn nhận ra anh là nạn nhân của cuộc hôn nhân đầy toan tính.
Khi mang bầu đứa con đầu lòng, cô ta bỏ nhà đi đêm với gã nhân tình nghiện ngập. Khôi Nguyên cay đắng ngộ ra tình yêu của anh đã trao nhầm đối tượng. Ngu muội lấy nhầm người vợ không xứng với mình về hình thức, nhân phẩm vậy mà anh còn nghe lời đe dọa từ cô ta: “Anh dám cư xử với tôi như vậy à? Rồi anh sẽ phải ân hận!” .... Nhiều lúc anh đã cố ngụy biện cho lỗi lầm của vợ nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy khuôn mặt câng câng, cùng giọng nói ken két của vợ và nhất là khi nghĩ tới bản chất coi đồng tiền là trên hết của vợ làm anh hoảng loạn. Anh đã cố gắng quên đi những chuyện quá khứ của vợ, nhưng mọi cố gắng của anh đều trở thành vô vọng: Anh vẫn “hãi sợ” khi nhìn thấy vợ, thậm chí còn hoảng hốt khi vô tình nghe mọi người bàn luận về chuyện vợ chồng con cái của họ đằm thắm yêu thương. Miệt mài kiếm tiền, cung cúc lo lắng cho cuộc sống của vợ con được no đủ, Khôi Nguyên đã thực sự trở thành người đàn ông tàn phế.
Tìm hiểu về nghề nghiệp của những NGƯỜI ĐÀN ÔNG BẤT LỰC, người ta thấy đầy đủ các tầng lớp, độ tuổi (nhưng phần nhiều ở lứa tuổi sau 40) trong xã hội nhưng trớ trêu một điều là những người “lao động trí óc”, những người làm công tác văn phòng, những doanh nhân... lại chiếm tỷ lệ mắc chứng bất lực khá cao. Sự nhạy cảm, tính quyết đóan, lòng tự tin trong công việc của những người đàn ông này không giúp “sức mạnh nam nhi” của họ vượt trội, trái lại còn tiềm ẩn những nguy cơ làm giảm hưng phấn khi “gần gũi” bạn tình, dẫn đến sự bất lực tạm thời, hoặc bất lực tuyệt đối về “chuyện ấy” khá trầm trọng so với những người đàn ông ít phải dùng đến “trí óc” trong công việc.
Công bằng mà nói, những người lao động trí óc, nhất là những doanh nhân thường được xã hội quan tâm, trân trọng bởi những cống hiến của họ cho xã hội, thế nhưng do làm việc trong môi trường mang tính cạnh tranh cao nên họ dễ rơi vào tình trạng tinh thần căng thẳng kéo dài. Quan niệm về một người khỏe mạnh phải được hiểu là người không bệnh tật, không âu lo, phiền muộn (stress) nhưng những người thuộc nhóm đối tượng này đâu có được sự thoải mái về tinh thần?
Chính những âu lo, trầm cảm, mà y học gọi chung là yếu tố tâm lý, đã chi phối, ảnh hưởng mạnh tới “chất lượng” của người đàn ông trong sinh hoạt vợ chồng. Hơn nữa, với đặc tính của công việc, họ cũng rất dễ rơi vào tình trạng: Mải miết với công việc mà sao nhãng việc chăm lo sức khỏe của mình; lạm dụng các chất kích thích như thuốc lá, bia rượu... để giải quyết những căng thẳng của công việc nên dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, cao huyết áp... Tất cả những yếu tố đó đều là nguyên nhân gây nên sự sụt giảm ham muốn, dẫn đến việc “sinh hoạt vợ chồng” bị thất bại.....
Hỡi người đàn ông hiện đại, nếu chẳng may lúc nào đó trong cuộc đời, xuất hiện sự trục trặc về “chuyện ấy”, xin đừng bi quan, căng thẳng, mà hãy lẳng lặng tìm hiểu nguyên nhân để tự chữa trị điều sợ nói ra của bản thân mình. Hơn ai hết, chàng phải thật sự là người khỏe mạnh mới đem lại hạnh phúc cho chàng và cho chính những người thân yêu của chàng!
Hỡi người đàn ông hiện đại, chàng có làm được điều đó không?
TẢN MẠN CHUYỆN GIỚI TÍNH CỦA SAO
Để chiêm nghiệm câu: "Lắm tài nhiều tật" đúng bao nhiêu phần trăm trong xã hội thì quả thật không dễ, nhưng nếu nhìn vào lối sống của một số “ngôi sao” trẻ hiện nay thì lời đúc kết của cổ nhân rất dễ đưa ra câu trả lời mà người trong cuộc khó có thể bác bỏ.

*. CHUYỆN SAO XỨ NGƯỜI
Thông tin của báo chí Hồng Kông về Kim Thành Vũ, ngôi sao tài năng trong "Thập diện mai phục", là người "đồng tính luyến ái" đã làm thất vọng các fan hâm mộ và ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp của anh. Năm nay (2006) Kim Thành Vũ đã 30 tuổi, nhưng anh không hề có "nhu cầu" yêu đương với người khác giới. Cũng giống Cổ Thiên Lạc, anh cũng có một vài mối tình trai gái mấy năm (với một vài cô diễn viên, người mẫu) nhưng nhìn vào mối quan hệ ấy người ta cố bới lông tìm vết cũng không thể tìm thấy dấu ấn của tình yêu. Cả hai chàng điển trai và rất nổi tiếng này - người đã tuổi 35, người cũng tới tuổi 30 - đều chưa biết gì tới cảm giác thật sự của tình yêu trai gái.
Theo tiết lộ của báo chí, khi ở Cannes và lúc công tác ở Hồng Kông, Kim Thành Vũ được người đồng sự tên là "A quân" khoảng 30 tuổi, quốc tịch Nhật chăm sóc thật “đặc biệt”. Chẳng những họ ở cùng phòng khách sạn, mà còn cùng ngủ chung trên một chiếc giường. Tất nhiên, Kim Thành Vũ và người quản lý của anh đều đưa ra những bằng chứng để khẳng định anh là người rõ ràng về giới tính, như mối tình ba năm của anh với cô người mẫu Cát Thôn Mỹ Kỷ và thói quen thích ở một mình và thích ngủ trên chiếc giường đôi rộng thênh thang của Kim Thành Vũ. Do đó "A quân" chỉ ở trong phòng cùng Kim Thành Vũ bàn bạc công việc rồi về phòng riêng, chứ không ngủ cùng giường như dư luận đồn đại. Thế nhưng, dư luận vẫn cho rằng, mối tình ba năm của anh với cô người mẫu Cát Thôn Mỹ Kỷ và sở thích ngủ một mình trên giường đôi rộng thênh thang chỉ là bức bình phong để ngôi sao tài năng này che đậy giới tính thực của mình.
Gần đây, báo chí Đài Loan cũng "bóc trần" sự thật về giới tính của Ngôn Thừa Húc khi đưa tin anh ôm hôn nồng thắm “môi chạm môi” một người cùng giới tính trong sinh nhật của mình. Giật gân hơn nữa, báo giới Đài Loan còn kể lại câu chuyện Ngôn Thừa Húc đưa một người bạn trai có diện mạo rất giống Kim Thành Vũ vào một nhà hàng Karaoke ở Đài Loan. Tại đây, họ say sưa ca hát và uống rất nhiều rượu, với những biểu hiện thật thân mật. Khi ra xe,"phiên bản Kim Thành Vũ" còn trìu mến vuốt má Ngôn Thừa Húc rất tình tứ. Không những không kháng cự lại mà "chàng" Ngôn Thừa Húc còn cười rất sung sướng, hạnh phúc.

*. CÒN CHUYỆN CỦA "SAO" TA
Gần đây, một loạt “nghi vấn về giới tính” của một số ca sĩ trẻ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng làm bạn đọc giật mình hãi sợ. Nào là chuyện chàng ca sỹ lãng tử Nguyên Vũ đang “khoe hàng” khi chát sex trên Webcam bằng nick boymenly rất đặc trưng của dân Gay chính hiệu. Tất nhiên trước thông tin này, phía Nguyên Vũ phải có phản hồi. Trên một tờ báo, anh thừa nhận “chỉ có chụp hình gương mặt” chứ không “khoe hàng”. Phản ứng về “đính chính” của Nguyên Vũ, rất nhiều ý kiến trái ngược, nhưng hãy nghe ý kiến của Ngọc Diệp - người vừa chuyển đổi giới tính trả lời trên một trang báo: - “Chẳng cần biết vô tình hay cố ý, chẳng cần biết ai hại ai, nhưng nếu đây là scandal do Nguyên Vũ tạo ra mong được nổi tiếng thì bây giờ với tốc độ truyền của internet, anh chàng đang dẫn đầu về độ hot. Còn nếu cho rằng đây là một sự gán ghép, chọc phá mình thì xem ra anh chàng nghệ sĩ đa năng, duyên dáng này hơi bị mệt trong việc tìm cách đính chính sự có mặt của hai bức hình đang chat bằng webcam cùng lời giải thích về cái nick đầy “ẩn ý” boymenly?” (Nguồn: Theo Dân Trí) thì quả thực, đây là chuyện đáng tiếc của Nguyên Vũ và lời “cải chính” của anh không đủ sức để xóa đi những dấu hỏi.
Hay như ca sỹ Lâm Chí Khanh, sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, anh trở lại với album “Trái tim không bình thường” bằng dấu ấn khá đặc biệt: Tìm sự đồng cảm từ những người đồng tính. Khi được hỏi Album "Trái tim không bình thường" có phải là giãi bày tâm sự của chính anh về tình cảm đặc biệt của người đồng tính? Chàng ca sỹ cũng khá nổi đình nổi đám về chuyện “còn nhiều nghi vấn về giới tính” này trả lời theo cách mở, muốn hiểu sao thì hiểu: “Rộng hơn là của cả những người bạn của tôi. Bài hát “Trái tim không bình thường” do một người bạn của tôi, là người đồng tính sáng tác. Tôi trân trọng những cảm xúc của tác giả.”. Sau những “pha tiếp thị ồn ào” cho Album “Trái tim không bình thường”, Lâm ca sỹ tiếp tục làm show diễn cùng tên tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP HCM) vào tối ngày 2 tháng 12 năm 2006 thật “hoành tráng, dữ dội”. Trong chương trình chưa đến 2 tiếng đồng hồ, ca sỹ chính phải vào ra đến 12 lần để đổi trang phục. Xem chàng Lâm biểu diễn, “Khán giả chưa hết kinh ngạc, chẳng hiểu "áo mão cân đai" trên người nhân vật chính có liên quan gì đến những bài hát yêu đương thảm thiết, thì anh "bồi" bằng hàng loạt trang phục lấp lánh khác (...). Trong khi những khúc ca rên xiết chuyện tình yêu dang dở ru ngủ khán giả, thì càng về sau, độ lấp lánh trên trang phục ca sĩ càng tăng, các tiết mục múa càng hoành tráng. Lâm Chí Khanh chạy ra, chạy vào thay đồ đến mệt phờ, mồ hôi vã cả người, đôi khi ca sĩ ra sân khấu mà quên cả... nhép miệng.” - (theo Nguyễn Duy). Thật tội cho ca sỹ, đã cố gắng trình diễn hết mình sự duyên dáng “trời cho” trong những trang phục “khác lạ”, mà khán giả vẫn cười ầm rằng: Đúng là “Trái tim không bình thường” thật!
Rồi đến chuyện nam ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố chỉ cưới vợ khi nào cô dâu là nữ ca sỹ Mỹ Tâm, làm dư luận phải phì cười đặt câu hỏi: “Yêu đương gì giữa Đàm Vĩnh Hưng - Mỹ Tâm?!” (Nguồn: Theo Thanh Niên Tuần San). Và anh đã thật sự mất bình tĩnh, nổi nóng khi nghe hỏi về giới tính thực của mình: “Hỏi vì mục đích gì? Biết? Biết để làm gì? Nếu trả lời được và câu trả lời khiến tôi hài lòng thì chắc chắn tôi sẽ có đáp án để người hỏi hài lòng.”. Đọc những câu trả lời phỏng vấn của anh, không ít độc giả thương anh mà tặc lưỡi: “Thà cứ như nam ca sỹ Hoàng Hiệp chất vấn lại người hỏi: “Đồng tính thì đã sao nào?”. Người nghe và người đọc đều cảm thấy nhẹ nhõm, vẫn dành cho ca sỹ nguyên vẹn sự mến mộ của mình. Còn nếu dũng cảm được như nhạc sỹ Thái Thịnh, chuyên gia trang điểm Nguyễn Hùng thừa nhận mình là người đồng tính thì có sao đâu! Đồng tính đâu có gì là xấu xa, bệnh hoạn, dại gì phải cáu gắt ầm ĩ lên như thế?!”. Đúng! Dù giới tính của Đàm Vĩnh Hưng có rõ ràng hay không, khán giả vẫn sẽ tiếp tục yêu và ủng hộ tiếng hát của anh khi anh hết lòng vì nghệ thuật và khẳng định được nhân cách tốt đẹp của mình.
Gần đây, Quang Linh lại tiếp tục làm “ầm ĩ” dư luận khi anh tuyên bố sẽ viết hồi ký về tình yêu của mình. Chẳng biết Quang Linh đã yêu bao mối tình và những mối tình ấy có làm ca sỹ phải bi lụy giữa tình và tiền như chuyện năm nào? Khán giả cứ chờ đấy, chắc chắn hồi ký của anh (nếu quả thật anh sẽ viết) chưa biết chừng sẽ tạo nên “cơn sốt”? Hãy nghe anh trả lời khi được hỏi “anh mơ tưởng tới “bóng hồng” nào” khi hát “ngày xưa em như chim sáo...”, chàng ca sỹ của chúng ta rất hồn nhiên trả lời: Liên tưởng về con chim (sáo). Sợ mọi người không tin, hoặc không hiểu điều mình nói, ca sỹ tiếp tục nhấn: “Mọi người thử nghe lại ca khúc ấy xem có đúng không?”.
Người ta đồn "Chim sáo ngày xưa" có vấn đề về giới tính. Không bình luận về những lời đồn thổi ấy, nhưng chàng ca sĩ gốc Huế này bật mí anh có những cuộc tình nghiêm chỉnh và kỷ niệm về nó thì "nhiều đến mức có thể viết thành hồi ký". (Nguồn: Theo Tiền phong) Nối tiếp Đàm Vĩnh Hưng, chàng ca sỹ một thời làm tốn mực của báo giới về những mối tình làm điếng nụ cười dư luận cũng chọn ý trung nhân là người trong nghề. Mr Đam chọn “phu nhân” là nữ ca sỹ Mỹ Tâm thì Quang Linh “nhăm nhe” rước “nàng” Phương Uyên về chung xây tổ ấm. Chẳng biết nữ nhạc sỹ Phương Uyên có “hồ hởi” cùng Quang Linh “góp gạo thổi cơm chung” hay không nhưng nghe những lời tuyên bố của anh, làng giải trí lại một phen được cười nghiêng ngả.
Hay như chàng ca sỹ Quang Dũng, người thể hiện khá thành công những ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng “được” dư luận “quan tâm” về vụ scandanl giới tính với một cậu bé ở Hải Phòng.... Theo quy luật muôn thủa, Quang Dũng buộc phải tìm cách xóa bỏ dư luận trái chiều ấy. Anh trả lời: "Sao cuộc sống lại nặng nề đến vậy? Có lúc tôi không biết giải quyết mọi việc thế nào, tôi đều tự hỏi mình đó có phải là sự trả giá khi tôi theo nghiệp ca hát hay không nữa? Trong thời gian đấy bạn bè thân họ cũng hiểu sai về tôi, đồng nghiệp thì nhìn tôi với ánh mắt ngồ ngộ, tôi chẳng biết giải thích với họ thế nào, đành im lặng". (Theo Nghĩa Lương; Người đẹp Việt Nam số 158 ngày 15/10/2005). Mặc dù chàng ca sỹ này vừa mới cưới vợ, nhưng dân cư trên mạng vẫn không thôi bàn tán về chuyện tình có một không hai này.
Nói tới anh, hẳn dư luận không thể quên nhắc tới nữ ca sỹ Thanh Thảo, bởi không ít người cầm bút đã phải “nhọc lòng tốn mực” về mối tình “nam thanh nữ tú” này bằng tất cả sự trìu mến, mong đợi. Nhưng sau vụ scandanl giới tính của anh và những chuyến “lỡ đò” của Thanh Thảo, khán giả của đôi “trai tài gái sắc” này lại một phen “hồi hộp” khi nữ nhạc sỹ Phương Uyên trả lời báo giới về mối quan hệ mà mọi người cho rằng “trên mức tình bạn” của chị với Thanh Thảo: - “Tôi làm nghề này đã hơn 20 năm, dù biết cách bình tĩnh trước những tin đồn nhưng tôi vẫn thấy buồn cười. Và vì thế tôi nghĩ thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất.
Ca sỹ Anh Tú cũng “được” dư luận săm soi khá kỹ “cuộc sống riêng tư” với những tật xấu “không biết của ai gán vào”. Mặc dù không bận tâm, không muốn lên tiếng nhưng rồi anh cũng phải thốt lên cay đắng: “- Tôi “dính” tin đồn không ít. Nào là Anh Tú nghiện, là dân “gay” (cặp đôi với Tuấn Hưng), nhà tôi giàu nên Hiền mới lấy… Ngày xưa tôi phản ứng dữ dội lắm, nhiều lúc tôi suýt đánh nhau khi nghe những tiếng xì xầm về cuộc sống riêng tư ngay trước mặt mình. Có người ngồi ngay trước mặt tôi nhưng không biết tôi là người yêu Thúy Hiền nên cứ bô bô: “Thúy Hiền à? Tao lạ gì, đi Đức từ lâu rồi! Nhà tao gần nhà nó có gì mà chẳng biết?”. Còn bây giờ thấy Thúy Hiền dắt tay con bé lớn đi cạnh tôi, người ta lại chỉ trỏ “Con riêng của Thúy Hiền đấy!”…”
Để kết thúc bài viết này, người viết lần nữa khẳng định: Chuyện thực hư về giới tính của các “sao” được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa hẳn đã là đúng sự thật mà có thể chỉ là những nghi vấn, những tin đồn, xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau ... nhưng những bài báo như vậy càng làm cho dư luận gay gắt hơn về chuyện đồng tính đang “lan tràn” ở giới ca sỹ trẻ.






















-----------------------------------
Đang cập nhật
Bản thảo lưu trong máy tính bị virut xâm nhập nên việc cập nhật ấn phẩm này sẽ mất nhiều thời gian. Mong bạn đọc thông cảm.



..

0 comments:

Đăng nhận xét