Chuyện
về danh nhân xứ Tàu:
KIM
THÁNH THÁN
Kim
Thánh Thán 金聖歎 (1608-1661) tên thật Trương Vị, sau đổi thành Kim Nhân Thụy, tự
là Thánh Thán, hiệu Côn Bằng Tán Sĩ. Ông sinh vào cuối Minh đầu Thanh, quê quán
Ngô huyện thuộc Tô Châu. Là nhà văn, nhà phê bình trứ danh của Trung Hoa.
Kim
Thánh Thán sinh năm 1608, tuổi thơ sống trong sự sung túc, sau khi cha mẹ mất
sớm thì gia cảnh đi xuống. Tính tình ông cuồng phóng vô cương. Sau khi đổi tên
thành Kim Nhân Thụy đã đỗ đầu khoa thi, nhưng vì lúc ấy nhà Minh bị diệt nên
ông bỏ không ra làm quan, lui về lấy việc đọc và viết sách làm thú.
Năm
Thuận Trị thứ 18 (1661), Thanh triều ra chiếu đến Giang Tô, lệnh các quan từ
tuần phủ trở xuống đều phải tới phủ trị. Nhân dịp này hơn trăm tú tài tụ họp để
tố cáo những việc thu lương nhũng lạm của viên lệnh huyện Nhậm Duy Sơ. Tuần phủ
Châu Quốc Trị cấu kết với Nhậm, bắt giam luôn 18 người cầm đầu bọn thư sinh.
Hôm sau các tú tài đến Văn miếu kêu khóc, bị bắt thêm 30 người, trong đó có Kim
Thánh Thán. Nhân lúc Giang Nam đang có nạn giặc cướp hoành hành, các tú
tài này đều bị khép tội đồng lõa thổ phĩ, lệnh tịch biên gia sản và trảm lập
quyết cả bọn. Khi ấy, Kim Thánh Thán 53 tuổi.
Công trình:
Kim
Thánh Thán sở học tinh thâm quảng bác. Thạo Dịch lý lại thông kinh Phật, ông
thường dùng Phật học để chú thích Nho, Lão; khi bình văn hay chen thêm Thiền lý
vào để luận. Thánh Thán phê bình nhiều cổ thư, đề cao Sử ký, Trang Tử,
Ly Tao, Đỗ thi, Thủy Hử và Tây Sương là “Lục tài tử thư” (nhưng
chỉ mới phê bình được hai tác phẩm sau và một phần thơ Đỗ Phủ). Ngoài ra, ông
còn bình chú Tả truyện, Đường tài tử thư và nhiều
tác phẩm kinh điển khác.
Thành
tựu lớn của Thánh Thán là phê bình văn học, ông tập trung làm sáng tỏ nội dung
tư tưởng của tác phẩm, nhân đó bàn rộng ra chính sự, nêu quan điểm xã hội của
mình. Ông chỉ trích “tội phản loạn”, cho Thủy hử là có tính
ác; nhưng cũng đồng cảm với những tai ách của dân lành, căm ghét tham quan ô
lại kéo bè kết đảng hủy hoại triều cương, khiến 108 hảo hán kia phải bất đắc dĩ
tìm vào thủy bạc, trở thành anh hùng phản kháng. Bình Thủy hử, ông
bài bác ngu trung; phê Tây sương, ông đề cao tự do luyến ái, cho đó
là “thiên địa diệu văn”. Ông tiếp thu tư tưởng hư vô của Phật giáo, xem vạn sự
chỉ là huyễn mộng; tuy nhiên, ông lại đối mặt với thực tế, và siêng năng trứ
tác. Trong ông là cả bầu mâu thuẫn đối chọi xâu xé.
Lối
phê bình văn học, phân tích tác phẩm của ông độc đáo. Bình thơ Đường, ông bác
bỏ lối kết cấu khai thừa chuyển hợp, đề xướng lối phân bài thơ làm hai “giải”
để thưởng thức. Theo lối này, bài bát cú sẽ bị tách thành 2 bài tứ tuyệt độc
lập, và tiêu chí ông đưa ra là nếu 2 bài tách ra đó có thể đứng riêng và vẫn
liên quan mật thiết nhau mới xứng là thơ hay [1]. Bình Thủy hử, ông
có nhiều phát hiện ý tại ngôn ngoại của tác giả, như vạch ra Tống Giang là kẻ
gian hùng bá đạo. Bình Tây sương, ông chỉ ra những thủ pháp như
“vén mây nẩy trăng”, “lựa khớp lắp mộng”, v.v… Từ đó, ông đề xuất và đúc kết
kinh nghiệm trong nghề; người thích viết lách, nếu chịu khó đọc phần bình Tây
sương của Thánh Thán có thể thu được nhiều kinh nghiệm quý.
Không
chỉ bình luận, ông còn hiệu đính, cải sửa nguyên tác, biên tập câu cú, khiến
tác phẩm trở nên hoàn thiện. Thủy Hử có nhiều chỗ đã được ông biên tập nâng cao
như thế. Như ở hồi 22, trong nguyên tác, Võ Tòng khi lên đồi Cảnh Dương uống 5
lượt rượu, mỗi lượt 3 chén, tổng cộng 15 chén rượu. Cho rằng vẫn chưa đủ “đô”,
Côn Bằng tán sĩ bèn khui thêm hũ rượu, đãi Võ đô đầu thêm lượt nữa, thành
18 chén. Hoặc ở hồi thứ 25, nhờ ngòi bút nhuận sắc của ông mà cuộc tình vụng trộm
của Phan Kim Liên với Tây Môn Khánh trở nên sinh động và kỳ thú hơn hẳn bản
gốc. Ông xác định 50 hồi sau của Thủy hử là đâm bang vớ vẩn,
bèn thẳng tay cắt bỏ, rồi viết thêm một hồi về giấc mộng kinh hoàng của Lư Tuấn
Nghĩa (mơ thấy 108 anh hùng đều bị giết, và giữa trời xuất hiện 4 chữ “thiên hạ
thái bình”), lấy đó làm hồi kết [2]. Với Tây sương ký, cho rằng
quyển 5 của kịch này là ngụy tác, không phải bút pháp của Vương Thực Phủ, ông
cũng cắt nốt và lấy chương “Tan mộng” làm hồi kết cho kịch [3].
Về
thơ, ông có tập bản thảo Trầm Ngâm Lâu thi tuyển còn được lưu
truyền.
Ảnh hưởng:
Tài
bình văn của ông được người đời ngưỡng mộ và truyền tụng. Một bông hoa dại, qua
lời bình của Thụy Nhân tiên sinh bỗng như được phun sương giữa nắng, cũng tỏa
bảy sắc cầu vồng. Các hiệu sách do đó vay mượn tên ông đề vào sách để nâng tác
phẩm thành “tài tử thư”, và bọn phê bình gia cũng đua nhau mô phỏng bút pháp
của thiên tài. Nền phê bình văn học ở Trung Hoa được Lý Trập khai phá, đến Kim
Thánh Thán được phát triển, lan tỏa, thành khuôn mẫu mãi tới đầu thế kỷ XX. Mai
Thinh Sơn bình Tỳ bà ký, xưng đó là “Đệ thất tài tử thư”; Mao Tôn
Cương cũng mạo danh Thánh Thán để bình Tam quốc diễn nghĩa và
gọi đó là “Đệ nhất tài tử thư”; Chi Nghiễn Trai bình Hồng lâu mộng cũng
mô phỏng theo lối Thánh Thán bình Tây sương…
Không
chỉ trong nước, ảnh hưởng của Kim Thánh Thán còn lan rộng ra cả ngoài nước.
Giữa thế kỷ XVIII, bản Thủy hử và Tây sương của
Kim Thánh Thán truyền sang Triều Tiên, được phổ biến rộng rãi. Trước đó, Triều
Tiên chưa từng có bình luận tiểu thuyết, thì sang đầu thế kỷ XIX đã có hàng
loạt nhà phê bình lẫy lừng: Thạch Tuyền chủ nhân, Phác Thái Tích, Thủy Sơn tiên
sinh… Họ đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của Kim, từ phong cách, kỹ thuật cho đến ý
tưởng, từ đó mà thể loại phê bình văn học ở Triều Tiên thực sự hình thành.
Truyền sang Nhật Bản, Thủy hử và Tây sương do
Thánh Thán bình chú đã tạo nguồn cảm hứng cho Lương Điền Thuế Nham, Giai Xuyên
Kỳ Viên, Thanh Điền Đam Tẩu… xuất đầu lộ diện, và trở thành những phê bình gia
danh tiếng.
Địa vị:
Kim
Thánh Thán là người đầu tiên khai thác văn bạch thoại Trung Hoa [4], ông đề cao
giá trị hiện thực của thể văn thông tục này. Nhờ văn tài của ông, nền văn học
bạch thoại ngày càng lớn mạnh và trở nên thông dụng.
Trong
văn học sử Trung Hoa, ông là đệ nhất phê bình gia. Ông bác nghệ đa tài, kiến
thức siêu trác. Ngay từ lúc sanh tiền, năm 1659, ông đã được hoàng đế Thuận Trị
thán phục, tôn làm cổ văn cao thủ. Trong cuộc vận động “Tân văn học” (một phong
trào cách tân, đã đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Hoa), Kim Thánh Thán
được Hồ Thích tôn làm “Đại quái kiệt” có tầm nhìn trước thời đại. Lâm Ngữ
Đường, vốn cũng là một “U Mặc đại sư”, đánh giá Kim là nhà phê bình vĩ đại nhất
thế kỷ XVII của chủ nghĩa ấn tượng. Nhưng vì khi phê bình Thủy hử,
Thánh Thán cũng không ngần ngại công kích cái ác của bọn hảo hán Lương Sơn, nên
bị các học giả đại lục cho là phản động, là “người phát ngôn của giai cấp thống
trị trong xã hội phong kiến”.
Giai thoại:
Kim
Thánh Thán tình tình cuồng ngạo quái đản, lại hài hước vô song, vẫn được mệnh
danh là U mặc đại sư. Hãy thử đọc đôi câu đối của ông:
–
Đề kinh Phật:
流水今日 Lưu
thủy kim nhật
明月前身 Minh
nguyệt tiền thân
(Ngày
nay nước chảy; Kiếp trước trăng soi).
–
Đề thư phòng:
真讀書人天下少 Chân
độc thư nhân thiên hạ thiểu
不如意事古今多 Bất
như ý sự cổ kim đa
(Thiên
hạ người thật biết đọc sách rất hiếm;
Xưa
nay việc không vừa ý lại nhiều)
Kim
chiếm một chiếu ngồi riêng chót vót trong văn học sử, nên có nhiều giai thoại
về ông. Những giai thoại này tất nhiên đều là hư cấu, nhưng phần nào khắc họa
tính cách ngất ngưỡng của thiên tài.
–
Tương truyền Kim Thánh Thán viếng cảnh Báo Quốc tự ở núi Nga My. Đang đêm, ông
bỗng nảy hứng, hỏi trụ trì cho mượn vài quyển kinh đặng ông… bình chơi đỡ buồn.
phương trượng bèn ra vế đối, giao hẹn đối được sẽ cho Kim phê kinh. Vế ra rằng:
半夜二更半 Bán
dạ nhị canh bán
(Nửa
đêm hai canh rưỡi)
Hóc
búa ở chỗ nửa đêm cũng là lúc quá canh hai (hai canh rưỡi), và 2 chữ “bán” lặp
lại ở đầu và cuối vế. Kim đành chịu phép không đối được, phải đi nghỉ sớm.
Ba
năm sau, khi bị án trảm lập quyết nhằm tiết Trung Thu. Phút lâm hình, ông bỗng
nghĩ ra, ngửa cổ cười sằng sặc, gọi con trai đến dặn dò, là mau báo trụ trì
chùa Báo Quốc, ông đã nghĩ ra vế đối lại, là:
中秋八月中 Trung
thu bát nguyệt trung
(Trung
Thu giữa tháng Tám)
Vừa
chỉnh cả ý lẫn lời: Trung Thu cũng là giữa tháng Tám!
Chuyện
lại kể tiếp rằng, khi thủ cấp ông rơi ra, đao phủ thấy hai bên tai có nhét hai
mẩu giấy. Giở ra thì thấy một mẩu đề chữ Hảo 好 (Tốt), mẩu kia
là chữ Đông 疼 (Đau), ghép lại thành câu thì là tiếng suýt xoa:
“Ui da, đau quá!”, he he!
Vẫn
chưa hết, rằng sau khi ông mất, thấy có di thư để lại cho con. Quan tuần phủ
ngờ rằng trong đó thể nào cũng buông lời phỉ báng mai mỉa triều đình, dè đâu
khi giở ra chỉ thấy vỏn vẹn đôi dòng ngắn ngủi: “Gửi con: Dưa muối mà
ăn với đậu vàng thì có vị như là hồ đào, nếu phép này mà được lưu truyền thì ta
chẳng còn hận chi nữa”.
-----------
[1]
Lạ một điều, Thánh Thán phê bình 180 bài thơ của Đỗ Phủ, nhưng lại làm lơ bỏ
qua, không hề nhắc tới Lý Bạch nửa lời. Phải chăng Kim xem thường thơ Lý? Hay
do lẽ đồng thanh tương khắc mà người cuồng ngạo phóng túng khó lòng dung nạp kẻ
khác cũng phóng túng cuồng ngạo như mình?
[2] Thủy hử có
nhiều dị bản, nhưng 300 năm nay, bản có 71 hồi do Thánh Thán nhuận sắc vẫn được
xem là bản chính, có giá trị hơn cả. Ở ta, bản dịch Thủy hử do
Thánh Thán phê bình được Á Nam Trần Tuấn Khải dịch là bản dịch tài tình nhất.
Còn phần 50 hồi bị cắt kia, sau người ta lại cho in thành bộ riêng, gọi
là “Hậu thủy hử”, đọc thấy quả thực vô duyên chán ngắt.
[3]
Muốn đọc Tây sương do Thánh Thán bình, thì phải chọn bản dịch của nhà thơ
Nhượng Tống.
[4]
“Bạch thoại” là dạng văn viết dựa trên phương ngôn, khác với “văn ngôn” là dạng
văn viết theo lối từ chương. Từ thập niên 1920 trở đi, phương ngôn được công
nhận là văn phong tiêu chuẩn cho tất cả những người sử dụng Hoa ngữ.
_________
Tài liệu tham khảo (Hoa ngữ):
– Kim
Thánh Thán – Cuộc đời và sự nghiệp phê bình văn học《金聖歎的生平及其文學批評》của Vương
Tịnh Vũ 王靖宇. Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 2004.
– Thanh
đại danh nhân truyện lược《清代名人傳略》, của Trương Quảng Đạt 張廣達. Thanh Hải Nhân
dân xuất bản xã.
– Kim
Thánh Thán – Chỉ tiếc trong lòng dăm quyển sách〈金聖漢“只惜胸前幾本書”〉//《詩情史意》của
Uông Vinh Tổ 汪榮祖. Nxn Giáo Dục tỉnh Giang Tô, 2006.
– Trung
quốc tiểu thuyết sử lược《中國小說史略》của Lỗ Tấn 魯迅. Nxb Văn Học, Bắc Kinh, 1952.
– Tuyển
tập nghiên cứu văn học cổ điển《胡適古典文學研究論集》của Hồ Thích 胡適. Thượng Hải cổ
tịch xuất bản xã, 1988.
*
* * * * * *
Văn
Kim Thánh Thán, ngoài bài “Lưu tặng hậu nhân” nổi tiếng (tìm
đọc bản dịch của Trần Trọng San), thì bài 33 lúc khoái tiêu biểu cho
“Chủ nghĩa Duy khoái” được nhiều người nhắc đến. Nguyên bài này là lời bình
chương “Khảo hoa” trong Tây sương ký của
Vương Thực Phủ (Chương 2, quyển 4), đây cũng là bài tản văn lừng danh kim cổ,
xin chép lại đây để cùng thưởng thức những cái khoái với bậc kỳ tài.
33 lúc khoái- Kim Thánh Thán (Bản dịch của
Nhượng Tống)
[Hồi
xưa cùng Trác Sơn, cùng ở trọ đất khách, mưa dầm mười ngày, nằm nhìn nhau buồn
rứt. Nhân thi nhau nói những chuyện sướng để cho lòng đỡ bạo bực. Đến nay đã
cách hai mươi năm cũng không còn nhớ nữa. Nhân đọc chương “Khảo hoa” ở Mái Tây,
thấy miệng con Hồng nói ra bao nhiêu câu sướng miệng, nghĩ lại tiếc bấy giờ sao
không lục ra cùng đọc thì buồn đến đâu mà chả phải tan. Vì thế bèn cố nhớ lại,
còn ghi được mấy điều phụ chép dưới đây, cũng không còn phân biệt được câu nào
là của Trác Sơn, câu nào là của Thánh Thán nữa].
1.
Mùa hè qua tháng bảy, mặt trời đỏ ngang trời. Gió cũng không. Mây cũng không.
Sân trước, sân sau, nắng chói như lò lửa. Không một con chim nào dám bay. Bồ
hôi ra khắp mình, ngang dọc thành rãnh nước. Cơm để trước mặt không sao nuốt
được. Gọi chiếu muốn nằm xuống thì đất ướt như mỡ. Ruồi xanh lại xúm đến, leo
lên cổ, đậu lên mũi, đuổi chẳng buồn đi. Đương lúc không biết làm thế nào được,
bỗng mây đen kéo kín, tiếng rầm rầm rộ rộ nghe như có trăm vạn chiêng trống.
Mái tranh chảy như thác. Bồ hôi trên mình biến mất. Đất ráo như lau. Ruồi bay
hết. Cơm ăn thấy ngon miệng. Chẳng cũng sướng sao?
2.
Người bạn xa mười năm, thình lình đến vào chiều hôm. Mở cửa chào nhau xong,
chẳng kịp hỏi đi thuyền hay đi bộ, cũng chẳng kịp mời ngồi ghế hay ngồi giường.
Hàn huyên qua loa, liền chạy mau vào nhà trong, sẽ hỏi mẹ đĩ: “Mình có được như
là Đông Pha, sẵn có rượu để dành không?” Mẹ đĩ tươi cười, rút cành trâm vàng đưa
cho. Tính ra có thể thết khách được ba ngày. Chẳng cũng sướng sao?
3.
Phòng không ngồi một mình, đương đêm nghe qua tiếng chuột bực quá. Không biết
nó sồn sột gặm nát cái gì của mình? Soàn soạt xé rách sách nào của mình? Trong
lòng bồi hồi, chưa nghĩ ra sao. Bỗng thấy con mãn đẹp, chú mắt, vẫy đuôi, như
đã trông thấy vật gì. Nín tiếng nín hơi, đợi chờ chốc lát, thì thấy nó chồm
nhanh như gió, “chí” một tiếng, con vật đó đã chết rồi. Chẳng cũng sướng sao?
4.
Trước phòng sách, nhổ những cây tử kinh, cây thuỳ ty hải đường đi, trồng thêm
vài chục gốc chuối. Chẳng cũng sướng sao!
5.
Đêm xuân cùng các tay hào uống đã nửa say, thôi đã khó thôi, thêm cũng khó
thêm. Bên cạnh bỗng có đứa trẻ hiểu ý, đưa vào hơn chục pháo chuột. Liền đứng
dậy ra ngoài tiệc, lấy lửa đốt chơi. Mùi lưu hoàng xông từ mũi vào tận óc, khắp
người khoan khoái, chẳng cũng sướng sao!
6.
Qua phố thấy hai bác đồ gàn, cãi nhau về một chuyện. Cả hai đều đỏ mặt tía tai,
tưởng chừng không đội trời chung. Vậy mà còn chắp tay lên, khom lưng xuống, đầy
mồm “chi, hồ, dã, giả”… Câu chuyện kéo dài, có thể mấy năm không xong. Bỗng có
tay tráng sĩ vung tay đi lại, ra oai quát một tiếng, thế là nín thít. Chẳng
cũng sướng sao?
7.
Nghe học trò đọc bài, thuộc trơn như dốc nước ở bình ra, chẳng cũng sướng sao!
8.
Cơm xong vô sự, đi rong vào chợ. Thấy có món đồ vặt, nghịch lại mua chơi. Mua
xong rồi, tiền đưa chẳng thiếu là bao, mà chú lái kỳ kèo, nhất định không chịu.
Nhân móc trong túi, lấy một cục bạc cũng suýt soát bằng cục đưa trả trước, ném
đưa cho cả. Chú lái bỗng đổi ra vẻ tươi cười, chắp tay “không dám” luôn mãi.
Chẳng cũng sướng sao!
9.
Cơm xong vô sự, lục lọi hòm bát, thấy các văn tự nợ mới cũ, có đến mấy trăn
bức. Những người thiếu nợ đó, hoặc chết rồi, hoặc còn sống, tóm lại đều không
sao trả nổi. Vắng người liền lấy lửa, trộn lộn đốt sạch. Ngẩng nhìn trời cao,
vắng ngắt không mây. Chẳng cũng sướng sao!
10.
Ngày hè đầu trần, chân trần, tự cầm chiếc ô che nắng, xem bọn lực điền vừa hát
ngao, vừa đạp guồng nước. Nước nhất thời cuồn cuộn tuôn lên như tuyết tan, bạc
lộn. Chẳng cũng sướng sao!
11.
Ngủ sớm vừa dậy, hình như nghe tiếng người nhà than thở, nói chàng nọ chết đêm
qua. Vội gọi hỏi xem, thì là một tay khôn vặt nhất trong cả một thành. Chẳng
cũng sướng sao!
12.
Tháng hè dậy sớm, xem người ta ở dưới gốc thông, cưa ống bương để làm thùng
chứa nước, chẳng cũng sướng sao!
13.
Trời râm suốt tháng, thấy mình như người say, người ốm. Bỗng nghe các giống
chim đua hót ra vẻ mừng nắng. Vội đưa tay vén màn, dun cửa sổ trông ra thì thấy
ánh mặt trời sáng quắc, cây rừng sạch như rửa, chẳng cũng sướng sao!
14.
Đêm nghe nói người nọ là người khá, sáng ngày thử sang chơi. Bước qua cổng,
nhìn vào nhà, thì thấy người ấy đương tựa bàn quỳ tựa về phía Nam, xem một cuốn
văn. Thấy khách vào, lẳng lặng chào xong, liền kéo áo mời ngồi mà rằng: “Bác đã
đến đây, cũng nên coi thử cuốn sách này”. Cùng nhau vui cười, đến mãi khi ánh
nắng hết. Chủ nhà đói bụng liền thong thả hỏi khách: “Bác cũng đói rồi chứ!”
Chẳng cũng sướng sao!
15.
Vốn không muốn làm nhà, chợt có món tiền để rỗi, liền làm thử mấy gian. Bắt đầu
từ hôm ấy, cần gỗ, cần đá, cần ngói, cần gạch, cần vôi, cần đanh, không kể sớm
chiều, những chuyện ấy lúc nào cũng nhang nhác ở bên tai. Rồi đến bắt sẻ, hun
chuột, cái gì cũng tính toán vì nhà, mà nào đã được nhà ở. Đành yên chịu như là
số mệnh vậy. Bỗng dưng một ngày kia, nhà đã lạc thành. Nạo tường, quét đất, dán
song, treo tranh, nhất thiết thợ thuyền ra cửa về hết. Bạn hữu đã tới, chia ghế
ngồi xuống. Chẳng cũng sướng sao!
16.
Đêm đông uống rượu, lại thấy lạnh thêm. Mở song thử nhìn, tuyết lớn bằng bàn
tay đã xuống dày đến ba, bốn tấc. Chẳng cũng sướng sao!
17.
Ngày hè trong mâm sơn son, rút dao sắc bổ quả dưa hấu xanh vỏ, chẳng cũng sướng
sao!
18.
Lâu vẫn muốn đi tu, khốn nỗi không được công khai ăn thịt. Ví cho được làm sư, lại
được công khai ăn thịt, thì ngày hè lấy nước nóng, dao sắc, gọt sạch tóc đầu.
Chẳng cũng sướng sao!
19.
Còn ba bốn mụn lở ở chỗ hiểm, thời thường gọi nước nóng, đóng cửa mà rửa, chẳng
cũng sướng sao!
20.
Trong tráp bất ngờ soạn được bức thư của người cũ, chẳng cũng sướng sao!
21.
Học trò nghèo đi vay tiền, không dám rỉ răng, lại lần chần nói ra việc khác.
Mình xét biết nỗi khổ tâm, kéo ra chỗ vắng người, hỏi cần dùng nhiều ít? Vội
vào trong nhà, như số đưa cho. Rồi đó mới hỏi: “Cần về ngay để thu xếp việc ấy,
hay có thể ở lại đánh chén đã?” Chẳng cũng sướng sao!
22.
Ngồi thuyền nhỏ, gặp gió thuận, khổ nỗi không căng được buồm. Bỗng gặp chiếc
thuyền đinh, đi nhanh như gió. Thử đưa câu liêm ra quặc chơi. Không ngờ quặc
liền mắc ngay, liền lấy sợi dây, ràng thuyền mình vào đuôi thuyền họ. Miệng
ngâm to câu thơ của cụ Đỗ: “Non xanh sườn vàng biết quít chín”, rồi khúc khích
cười vang, chẳng cũng sướng sao!
23.
Lâu vẫn muốn tìm ở chỗ khác, để cùng ở với người bạn, nhưng khổ không được đất
lành. Bỗng có người đồn rằng: Có cái nhà chỉ độ hơn mười gian, nhưng cửa quay
ra sông cái, chung quanh cây tốt xanh om. Liền cùng người ấy cùng ăn cơm xong,
thử chạy thăm xem sao, chưa biết nhà như thế nào, nhưng vào cửa đã thấy một
khoảng đất không, rộng đến sáu, bảy mẫu. Mai ngày rau, dưa, không cần phải lo
nữa, chẳng cũng sướng sao!
24.
Đi vắng lâu mới về, xa trông thấy cửa thành, đàn bà, trẻ con hai bên đường, đều
nói tiếng quê nhà, chẳng cũng sướng sao!
25.
Món đồ sứ đẹp đã sứt mẻ, chả còn cách gì hàn gắn, xem đi ngắm lại chỉ thêm rối
ruột. Nhân giao cho nhà bếp dùng làm đồ đựng vặt không bao giờ lại qua mắt nữa,
chẳng cũng sướng sao!
26.
Mình không phải là thánh sao cho khỏi có lỗi. Đêm qua lén làm một việc, sớm dậy
áy náy trong lòng không yên. Chợt nhớ nhà Phật có phép Bá tát: không hề giấu
diếm, tức là sám hối. Nhân tự đem lỗi mình nói phăng cho tất cả khách quen
khách lạ đều biết, chẳng cũng sướng sao!
27.
Xem người viết đại tự, chẳng cũng sướng sao!
28.
Mở cánh song giấy, thả cho con ong ra, chẳng cũng sướng sao!
29.
Làm quan huyện, hàng ngày vào lúc đánh trống tan hầu, chẳng cũng sướng sao!
30.
Xem người ta thả diều đứt dây, chẳng cũng sướng sao!
31.
Xem ma trơi, chẳng cũng sướng sao!
32.
Trả nợ xong, chẳng cũng sướng sao.
33.
Đọc truyện “Khách râu quăn” (*), chẳng cũng sướng sao.
-----------------
(*)
Tức Cầu Nhiêm khách, một truyện ngắn trích trong Thái Bình
quảng ký của Đỗ Quang Đình (850-933). Cầu Nhiêm khách rất
được người Trung Hoa tán thưởng. Nhà văn Kim Dung cũng viết một thiên tiểu luận
về truyện này, và cho đây là truyện võ hiệp đầu tiên của người Trung Hoa.
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 2l
- Các bài phê bình,
cảm nhận thơ0
- Các bài viết về
chuyện số phận, nhân quả trên trang Đặng Xuân Xuyếnl
- Các bài viết về ma
quỷ, bùa ngải trên trang Đặng Xuân Xuyếnl
- Chuyện ma quỷ và
truyện liêu trai chí dị trên trang Đặng Xuân Xuyếnl
- Các bài viết về
đồng tính luyến ái trên trang Đặng Xuân Xuyếnl
*.
ĐOÀN
MẠNH THẾ
Địa chỉ: Số nhà 12 Ngách 32 Ngõ 133 phố Hồng Mai
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 039.627.97.29
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email
ngày 15.08.2015.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét