(Nguồn ảnh: Internet)
|
CÕI TRẦN
(Nhà văn Nguyễn Cẩm Hương) |
Tiếng mõ choảng vào đêm những âm thanh khô khốc, thật tẻ nhạt, thật lạc
lõng với đêm ẩm ướt, đêm miền sơn cước dạt dào hơi thở sinh sôi.
Sư Đàm Lân run rẩy lần từng viên tràng hạt. Mắt thầy đăm đăm dõi vào bức
tượng Phật Tổ Như Lai như đắm chìm trong cõi bồng lai tiên cảnh, nhưng tận
sâu trong tâm tưởng nhà sư lại cứ luẩn quẩn mãi với hình ảnh người đàn bà
ấy. Cái người mới sáng nay đến lễ và xin quy hồn cho một người thân vào chùa.
Cô ta đi với một người đàn ông. Họ cùng nhau xăm xắn sửa lễ dâng
hương,
cùng tỏ ra thành tâm mộ đạo. Chắc là chồng cô ấy. Đàm Lân chợt thất yên tâm,
thấy mừng. Nhưng một cảm giác dằn vặt như phạm tội cứ len lỏi mãi trong lòng
sư thầy.
"Nam mô
A di đà Phật đại từ bi cứu khổ cứu nạn mở lòng giải thoát cho con khỏi cơn ám
ảnh của tội lỗi. Con đã một lần gây nên tội lớn với đấng sinh thành, đi ngược
lại quy luật của tạo hoá, đã phạm vào luân thường đạo lý... A di đà Phật".
Tại sao cô ấy lại xuất hiện vào đúng lúc này? Khi mà sư thầy đã thanh thản
trong trốn tu hành.
Tiếng nguyện cầu trong lòng sư thầy còn thống thiết hơn cả những âm thanh
ngoài cửa miệng.
U già mệt mỏi đi loanh quanh rồi thổi tắt mấy ngọn nến ở các bàn thờ khác,
chỉ để lại mỗi ngọn nến ở bàn tam bảo rồi U đóng cửa xuống bếp đi ngủ. Đàm Lân
vẫn một mình chống chọi với đêm...
* *
*
"U ơi, để đó con quét cho. Hôm nay thầy mệt hay sao mà giờ
còn...".
"Xuỵt, cái con bé này, mồm cứ leo lẻo như chích choè sớm mai. Đêm qua
thầy tụng kinh khuya lắm".
"Lạy Phật Tổ, con có tội. À, có quả đu đủ chín cây mẹ con bảo mang lên
chùa để thầy thắp hương".
"Ừ, rửa đi rồi đem vào trong kia"..
Sư Đàm Lân nằm trong buồng, thực ra thầy đâu có ngủ. Thầy đã thức trắng
đêm qua, nên bây giờ thấy mệt mỏi. Ngoài sân nắng vàng đã lé lói. Cái nắng mai
ở rừng thật lạ, trong như thuỷ tinh, lại sắc tựa như kiếm, chọc thủng làn sương
mù đậm đặc trong đêm, để lại trên nhành cây những giọt sương tròn vo từ từ lăn
xuống đất.
Con bé Na sáng nào cũng lên chùa sớm. Nó không phải là tín chủ mộ đạo nhưng
theo mẹ đi chùa từ nhỏ nên thân thuộc với nhà chùa như nhà mình.
Sau chùa có vườn cây ăn quả, chả biết được trồng từ độ nào nhưng bây giờ
cây nào cũng thành cổ thụ. Cái Na thích lên chùa bởi khu vườn này. Khu vườn
đẹp như một cung điện cổ, lại thoang thoảng mùi hương. Cành cây nọ đan xen
với cành cây kia tạo nên những vòm cung thơ mộng.
Qua khe cửa buồng khá rộng, sư thầy nhìn thấy cái Na đang quẩy đôi thùng
đi gánh nươc, đôi chân trần bước thoăn thoắt. Lúc nhỏ nó lên chùa để chơi,
bây giờ nó giúp nhà chùa được khối việc. Mẹ nó là người mộ đạo nên rất hài
lòng thấy con quấn quýt nơi cửa Phật.
Na đã mười sáu tuổi, người tròn lằn nh cá
trắm cỏ. Gánh nước kìn kìn từ hồ về leo ba mươi chín bậc đá đổ đầy bể nước
to bằng giường một, mà vẫn tỉnh như không. Lắm hôm còn phởn chí doạ đổ cả
thùng nước tắm to cho u, làm u sợ chết khiếp chỉ lo nó đổ thật thì phí quá.
Đàm Lân rất quý cái Na. Nó hồn nhiên như chim rừng, cũng bởi nó là hình
ảnh xa xa của sư thầy.
Na học hành chẳng đến đầu đến đũa, nhưng được cái cũng ham hiểu biết. Đám
sách của thầy nó lôi ra đọc đến nát nhàu rồi hỏi thầy liên miên. Sư thầy đành
trở thành thầy giáo bất đắc dĩ của Na.
Hôm nay sư thầy đang xem cuốn tử vi, Na sà vào ngồi cạnh rồi xoà tay ra:
"Thầy xem cho con với, xem đời con thế nào?". Đàm Lân gạt tay nó ra:
"Tử vi là phải tính chứ đâu có xem, con sinh ngày tháng năm nào để ta
tính". "Dạ ngày 20 tháng 9 năm 1980 ạ". "Năm Thân à, ta cha
thể lập ngay lá số nhưng xem ra đời con cũng nhàn hạ, có điều sẽ vất vả
về đường chồng con".
"Cũng như thầy ấy ạ?".
"Bậy nào, ta khác, căn ta phải nương nhờ cửa Phật mới thành đạt. Ta
tuổi Dần hiếm đường con cái nhưng lại giàu các con nhang đệ tử".
"Bạch thầy, thầy thứ lỗi cho con. Con nghe mẹ con bảo trước kia thầy
là Thanh niên xung phong, thầy buồn đường tình duyên mà tìm đến cửa Phật".
Đàm Lân nuốt khan cái miệng khô đắng cúi xuống cuốn tử vi chẳng biết trả
lời ra sao. Biết nói như thế nào cho nó hiểu. Chiến tranh tàn khốc lắm. Ngày xưa
ta cũng như nó, cũng thân hình nở nang, cặp mắt trong trẻo... và ta ỷ vào tuổi
trẻ. Cũng như cái Na, nó chẳng bận tâm về hậu vận không sáng sủa cho lắm. Thậm
chí nó cũng không cần biết nó đang là một cô gái đẹp, đang là nỗi khát khao của
bao kẻ khác giới.
Ngay hôm trước đây thôi, cái hôm Na ở trần gánh nước từ hồ về. U già đã
líu cả lưỡi xua nó như xua tà, nó vẫn thản nhiên cười. Còn ta thì bảo:
"Sao con liều thế?". Nó bảo: "Con tắm xong vẫn nóng quá, gánh
vài gánh nước cho xong rồi mặc áo luôn thể khỏi ra mồ hôi. Ở đây chỉ có thầy,
u với con chứ có ai đâu mà sợ".
Ta lén nhìn vào bầu ngực căng tròn hồng hồng của nó mà tiếc nuối, mà xót xa
và thèm khát nữa. Và ta gặp lại cái cảm giác ấy, cảm giác đã chôn chặt từ cách
đây hơn 20 năm.
Đàm Lân trở mình quay mặt vào tường, miệng lại lầm rầm tụng kinh niệm
Phật. Mặc dù bài kinh buổi sáng thầy đã tụng xong từ lâu. Mọi khi gặp sự bất ổn
trong tâm tưởng, thầy đều niệm Phật là tâm thần lại thư thái, thể xác lại
sảng khoái. Thế mà giờ đây những lời kinh cứ truội đi đâu. Hay ta đang ở vào
tuổi thanh xuân? Không, tuổi hồi xuân cũng đã qua mất rồi còn đâu? "Bạch
thầy, ổi chín rụng nhiều lắm, con lượm được một rổ đầy. Hay con đem xuống xóm
bán cho bọn trẻ con?". Đàm Lân giật mình quay lại. Cái Na đứng ngay cạnh
thầy, mặt nó đỏ bừng vì mồ hôi, mùi mồ hôi thơm hương quả chín.
"Ấy đừng, hoa quả của chùa là phải qua nhang đèn, con thắp hương rồi
đem cho bọn trẻ chứ đừng bán". Na áp sát cặp má mát như cái bánh đúc vào
trán sư thầy: "Thầy không sốt, sao trông thầy mệt mỏi thế. Hay con nấu
cho thầy bát cháo đậu xanh ăn với đường là khoẻ liền".
Đàm Lân xua tay, cảm giác tức thở vì hơi nóng hầm hập từ thân thể trẻ trung
của Na toát ra.
Ngời đàn bà ấy hẹn dăm hôm nữa là mang lẽ đến xin quy hồn, hôm đó khoá lễ
dài thầy phải ngồi tụng kinh lâu. Không biết người ấy có nhận ra thầy không
nhỉ?
Đúng hẹn, mới sáng tinh mơ. Sư thầy đã nghe tiếng xe máy rú ầm ầm dưới
chân đồi. Người đàn bà xách một làn nặng những hoa quả, vàng hương, bánh kẹo.
Theo sau không phải là ông chồng tóc hoa râm mà là cậu con trai cao lớn khôi
ngô, trẻ trung trong tấm áo phông và chiếc quần bò màu chàm. Là nó đấy ? Lớn
bằng này rồi. Nó có bao giờ hiểu được rằng chính ta đã cứu mạng sống của nó
khi nó còn là một bào thai.
Cái Na và u già sửa soạn mâm lễ rồi lên hương. Xong xuôi, thầy mới khoác
áo, đeo tràng hạt lại trước bàn tam bảo thực hiện buổi lễ.
Hai mẹ con phủ phục phía sau thầy, mỗi lần thầy ngừng tụng gióng một hồi
chuông họ lại quỳ mọp bái lễ theo thầy. Khoá lễ kéo dài nhưng thầy không
ngoảnh lại đằng sau một lần nào, chỉ dừng lại mỗi khi cần hỏi: "Tên
hồn?". "Dạ Khắc ạ". "Họ gì?". "Dạ...".
"Thôi được". Thằng bé con có biết nó còn có một ngời
"cha" nữa không? Người cha danh chính ngôn thuận của nó. Những ngón
tay lần tràng hạt của sư thầy sao cứ tê đi như vậy.
*
*
*
Cô thanh niên xung phong Nguyễn Thị Lân có vóc dáng cao to hơn các cô gái
bình thường, cộng mấy năm ở rừng ăn uống kham khổ. Lân gày đét càng tôn thêm
bộ khung xương to cứng thô tháp. Đám con gái trong đơn vị cứ trêu Lân gọi bằng
"anh" bảo gọi thế cho đỡ nhớ bọn đàn ông.
Lân được cử làm nhiệm vụ đưa Bình về quê để chờ ngày "khai hoa mãn
nguyệt". Thực ra Bình phải nhận một kỷ luật. Khi tiễn Bình, các cô gái
khóc sưng cả mắt, chẳng biết cho kẻ đi ngay người ở, chỉ biết có cô lại nức
nở: "Bao giờ chúng tao mới được làm mẹ như mày...".
Cả hai ra tới đất Bắc cũng mất non tháng, hết đi nhờ xe tải quân sự lại đến
xe bò, xe trâu... đủ cả.
Khi về được đến gần làng Bình, bỗng tự nhiên Bình ôm mặt ngồi thụp xuống
nhất định không đi nữa. Lân lo lắng hỏi. Bình chỉ khóc rồi bất ngờ ôm lấy chân
Lân: "Chị ơi! Em không thể trở về nhà trong tình trạng như thế này được
đâu, lệ làng em khắt khe lắm. Dầu em không bị 'gọt đầu bôi vôi' thì cũng như
người mắc bệnh hủi. Em không muốn thầy u em khổ".
"Thế bây giờ mày định tính sao?".
"Về nhà không được, trở lại đơn vị cũng không, em biết đi đâu hả chị?
Ôi giá như em được hy sinh cho cái Hồng, nó đang có người yêu học bên Liên
xô".
"Thôi đừng nói dớ dẩn, mày có đứa con trong bụng, còn nặng nợ với đời
đấy.".
"Thôi chị cứ trở về đơn vị đi, đừng lo cho em, em tự xoay xở được
mà".
"Mày nói lăng nhăng cái gì thế, tao biết ăn nói thế nào với đơn vị.
Dẫu mày có đi đến đâu tao cũng phải đưa mày đến nơi về đến chốn an toàn".
"Chị, chị... hay là...". Bình đang gục đầu bỗng ngẩng phắt lên,
mắt long lanh ngấn lễ.
"Gì cơ?". "Chị đóng giả đàn ông rồi cưới em vậy, có thế em
mới sống yên mà sinh con được".
"Tao... tao mà..."
"Vâng!". Đôi mắt Bình van lơn cầu cứu như con nai sập bẫy nhìn
một kẻ qua đường.
"Nhưng tao làm sao đóng giả đàn ông được?".
"Được, nếu chị thương em, chị cứ cắt tóc đi là giống thôi, còn bộ
ngực thì không đáng ngại".
Lân chợt giật mình sờ tay lên ngực. Lâu nay cô đâu cần phải mặc áo nịt
ngực. Cặp vú tròn căng thuở nào giờ chỉ còn bèn bẹt như cái bánh đúc một hào
chợ quê.
Hai người rẽ vào một hiệu cắt tóc ven đường. Ông thợ già nhìn Lân khó
hiểu khi cô yêu cầu cắt theo kiểu đầu đàn ông: "Ở chiến trường để tóc dài
cũng khổ nhưng cái răng cái tóc là góc con người đấy các cô ạ!". Lân vẫn
mím môi ngồi lặng im trên ghế không một lời giải thích.
Đám cưới thời chiến tranh cũng gọn, mọi việc đều suôn sẻ, ai nấy đều vui
như Tết. Đêm tân hôn "cô dâu, chú rể" leo lên chiếc giờng cưới,
chỉ có mỗi chiếc chiếu hoa là mới. Hai đứa ôm nhau rúc rích cười cả đêm:
"Ai ngờ thế mà thành công nhỉ?". Bình bảo "giọng chị khàn nên
cũng không ai ngờ, mà họ toàn khen chú rể đẹp trai lại hiền như con gái mới
chết chứ".
Sáng ra, bà mẹ Bình gọi con gái lại mắng yêu:
"Vừa vừa thôi con ạ, phải giữ sức cho nó còn quay vào chiến trường
nữa chứ. Tao thấy chúng mày chả ngủ gì cả".
Đêm thứ hai. Lân mỏi mệt vừa chợp mắt được một lúc bỗng nghe tiếng thút
thít của Bình. Lân quay lại an ủi bạn. Bình rúc vào nách Lân nức nở: "Đời
em sao lại trớ trêu vậy. Đêm tân hôn lại nằm với một người đàn bà?".
"Thì chính mày muốn thế cơ mà".
"Em còn biết làm sao được chị? Nhng em sẽ chẳng còn được gặp một
người đàn ông nào nữa, em là gái đã có chồng rồi, trừ phi...".
"Hiểu rồi, tao sẽ là liệt sĩ để giải thoát cho mày chứ gì?".
Bình bịt mồm Lân: "Đừng nói thế chị, em không bao giờ muốn thế".
"Đùa vậy thôi, bao giờ anh lái xe về tao sẽ trả nguyên vẹn mày lại cho
hắn ta".
"Chị ơi, anh ấy không quay về nữa đâu. Một anh cùng đơn vị với anh ấy
hôm quay trở ra đã nói đoàn xe hôm ấy đi đến dốc Eo Trăn thì bị vấp mìn của bọn
thám báo, cháy mất máy xe, trong đó có cả xe của anh Khắc".
"Rồi mày sẽ lấy chồng khác, đời còn dài. Dẫu sao mày còn biết... chứ
tao thì gần 'băm' rồi mà đã biết gì đâu".
"Chị", Bình hôn tới tấp lên má Lân "Em thương chị, chị tốt
quá".
Bỗng Bình cởi phăng chiếc áo lót phơi bộ ngực trắng ngần căng phồng trong
đêm "Chị xem này". Bình cầm lấy tay Lân đặt lên một bên vú.
"Ngực em có đẹp không? Thế mà nó chẳng để cho ai cả, phí thật".
Lật rụt tay lại nhận ra cái đầu vú Bình cứng như hòn bi ve và nóng hôi
hổi. Lân chợt nhớ có một lần đầu vú cô cũng cứng như vậy. Đó là cái lần Lân
tiễn cu Mừng đi bộ đội. Cu Mừng là bạn giữ trâu với Lân từ thuở nhỏ, hai đứa
chuyên đánh truồng đưa trâu xuống tắm sông, chẳng biết xấu hổ là gì. Thế mà
khi lớn lên mỗi lần gặp nhau lại thẹn đến chết. Cu Mừng hiền như trâu đất
chẳng biết tán tỉnh gì, chỉ mỗi cái hay "mua đường" rẽ qua ngõ nhà
Lân mỗi bận đi đánh dậm về. Nếu thấy Lân lại đánh tiếng: "Có ăn tép riu
lấy rổ ra san cho ít". Vậy mà đêm trước hôm đi bộ đội, Mừng dám rủ Lân ra
chân cây rơm để chia tay rồi bất ngờ ôm chầm lấy Lân. Lân hết hồn xô Mừng ngã
chổng kềnh ra đống rơm rồi bỏ chạy. Về đến nhà Lân trằn trọc mãi không ngủ được
cứ thấy hai đầu vú nong nóng và cứng như đá. Mặc dù hôm đó Lân đã mặc chiếc
coóc xê mới mua. Coóc xê chần bằng vải ka ki dày có đến 5 lớp thế mà Lân vẫn
nhận ra làn da thịt nóng ấm của Mừng chạm vào hai đầu vú. Hồi đó ngực Lân cũng
hồng hào, phồng căng như ngực của Bình thế này.
"Chị Lân, ôm em đi!" Bình thì thào.
"Thôi ngủ đi", Lân thở dài: "Mai tao còn phải trở về đơn
vị".
Bình xiết bộ ngực căng nây nẩy vào người Lân, giọng như khóc:
"Chẳng lẽ anh nỡ để em cô đơn như thế nào sao?".
"Con nỡm, để yên cho tao ngủ".
Bình giật ngược chiếc áo lót dệt kim Đông Xuân trên người Lân rồi áp cả
bộ ngực căng tròn lên ngực Lân. Lân nhận ra trái tim Bình đập dồn dập như
trống làng, bỗng thấy thương Bình muốn khóc. Giọng Bình đứt quãng.
"Chị, em nhớ... nhớ anh Khắc quá...".
* *
*
... "Nam mô A di đà Phật...". Sư thầy bỗng nóng
bừng hai má trong khi mấy đầu ngón tay lại tê lạnh "Con lạy Phật Tổ soi đường
dẫn bước, con xin thành tâm sám hối, con có tội, con chỉ muốn xoa dịu cơn khát
tình của bạn con, con thương cô ấy quá... Nam mô Tây phương cực lạc thế giới đại từ đại bi
A di đà Phật...".
Nhưng cảm giác của sự cọ sát da thịt sao cứ ám ảnh con mãi thế này?
Xong buổi lễ, sư thầy lui vào buồng tối rồi cáo mệt không ra nữa. Mọi việc
đã có Na và u già lo chu đáo.
Chiều hôm sau sư thầy lại nghe tiếng xe máy rù rù dới chân dốc:
"Quái, ta đã dặn là chỉ ngày rằm, mồng một mới đến thắp hương thôi
mà".
Chưa kịp dặn u già ra tiếp thì ngoài sân đã oang oang tiếng đàn ông: "Nam mô A di đà mệt, à quên, A di đà Phật".
Sư thầy cau mày ngó ra, té ra cậu thanh niên hôm qua: "Cháu chào sư
ạ".
"Mô Phật, anh đến thắp hương cho ông thân sinh?".
"Không hôm nay cháu đến chỉ để vãng cảnh chùa thôi, còn việc của mẹ
cháu cứ để mẹ cháu lo".
"A di đà Phật, đã vào chùa là phải thắp một nén nhang".
"Ôi thật là rách việc!"...
Tiếng u già lãng tai nói như người quát trong bếp: "Cái Na ấy à, nó
về rồi, buổi chiều thỉnh thoảng nó mới lên chùa thôi". Sư thầy giật mình:
"Nó tìm cái Na ?" Chết rồi. Không thể được. Thầy chợt nhớ đến đôi
mắt trong như nước hồ của Na. Chưa một hạt bụi nào rơi vào cái "nước
hồ" ấy.
"Na ơi, dạo này con bận gì mà chiều mới đến".
Sư thầy nhìn đăm đăm vào cặp má tròn căng đang ửng đỏ của Na.
"Dạ, buổi sáng con phải đi tới ngô giúp mẹ con ạ".
"Hình như cậu thanh niên hôm nọ đến lễ muốn tìm con. Con đã gặp chưa?".
"Dạ... Bạch thầy, con có gặp đôi ba lần, nhng chỉ dưới bến khi con
gánh nước thôi ạ". "Ừ, cẩn thận con ạ. Đàn ông bây giờ cũng ba bảy
loại, con nên giữ gìn vẫn hơn".
"Lạy Phật Tổ, thầy dạy gì con cũng xin nghe".
"A di đà Phật, ta cũng chỉ dặn con thế thôi".
Đêm cuối hè tức mưa, nóng ngột ngạt. Sư thầy mặc có mỗi cái áo lót nằm
trằn trọc trên chiếc giường tre, không ngủ được. Mặc dù chùa ở ít trên đỉnh
đồi cao, bốn bề chỉ có thiên nhiên vây bọc. Thế mà không gian vẫn tịnh không
một ngọn gió. Chỉ có tiếng lao xao ngoài vườn, rồi tiếng rên khe khẽ như
tiếng mèo hoang gặp bạn tình.
"Giá hồi đó ta cứ để yên cho cu Mừng nhỉ? Ngày hòa bình trở về làng ta
đã khát khao mong gặp Mừng biết chừng nào, đã thế nếu Mừng lại rủ ra cây rơm
nữa ta sẽ dâng chọn cho Mừng. Nhưng Mừng không trở lại. Mừng đã nằm lại đâu đó
nơi đất rừng phương Nam với một nỗi khát khao còn trong tưởng tượng".
Sư thầy Đàm Lân trút một tiếng thở dài như đầy lùi cả vụ trụ. Đêm ngột
ngạt, lại đồng loã với cơn đam mê khao khát đang dâng lên ào ạt trong người
thầy. Phải rồi, thầy nhớ đến phiến đá đặt ở ngoài vườn. Phiến đá rộng bằng người,
dài cũng bằng người kê giữa hai cây nhãn lớn. Nghe nói phiến đá có từ thời sư
tổ trụ trì chùa này. Ngài dùng để làm nơi hành xác. Những đêm như đêm nay, các
nhà sư đã bao đời ra cái phiến đá ấy nằm ép chặt người xuống để đá lạnh hút
hết nhiệt khí trong người. Sư Đàm Lân ngồi dậy rón rén ra mở cửa, mặc dù biết
u già lãng tai lại đang ngáy như sấm dưới nhà. Thầy vẫn run run lo sợ, thầy
sợ u biết được thầy định ra phiến đá ấy. Khoác trên người bộ áo nâu sồng,
thầy vẫn thấy cơ thể như đang còn lỏng lẻo. Bước chân thầy đi như lướt ra vườn.
Trăng hạ tuần chưa tỏ, khu vườn vẫn tối đen, thế mà thấy không va vấp một gốc
cây nào. Bỗng từ chỗ phiến đá có tiếng nức lên như tiếng người. Thầy dừng lại,
cố gắng căng mắt ra nhìn, và thầy nghe rõ tiếng thì thào, rồi đúng tiếng cái Na
hét lên khe khẽ. Thầy bước lại gần hơn và nép vào một thân cây mít già. Trên
tấm đá là hai thân thể trắng nhờ nhờ. Khuôn ngực cái Na bẹp dí dới tấm thân cường
tráng của thằng con trai.
Một ngày đầu đông, nắng hanh vàng se sắt, chùa vắng teo. Sư thầy đang mải
lau chùi mấy cái lư hương chuẩn bị cho ngày lễ sắp tới, bỗng giật mình với
tiếng người đàn bà vào từ lúc nào mà thầy không biết.
"A di đà Phật. Con đến mong đức Phật từ bi rộng lòng xá tôi cho con.
Mong thầy tha thứ cho con...".
"Mô Phật, cửa Phật luôn rộng mở. Tín chủ có việc gì kêu cầu xin cứ
dâng hương nơi cửa Phật đài rồi tôi sẽ tụng kinh cho".
"Dạ, hôm nay con đến để xin thầy bỏ đi bát hương mà con quy chùa cách
đây gần 3 tháng".
"A di đà Phật có chuyện gì vậy?".
"Bạch thầy, con đã gặp người ấy, người ấy vẫn còn sống".
"Thế thì mừng chứ sao thân chủ lại buồn rời rợi thế kia".
"Nhưng con chỉ gặp anh ấy trên ti vi thôi, và anh ấy đang là bị cáo
trong một phiên toà xử án kinh tế."
Cả hai người đàn bà đứng lặng như trời trồng, tưởng như họ có thể hoá
đá được.
Bỗng người đàn bà ôm chầm lấy sư Đàm Lân: "Chị Lân, đừng giấu em
nữa. Em nhận ra chị ngay từ lần đầu tiên rồi nhưng thấy chị cứ lẩn tránh nên
em cũng không muốn quấy rầy sự bình yên của chị. Hôm nay em bỗng thấy mình cô
đơn quá".
"A di đà Phật. Cõi trần gian là nơi để thử thách con người, nếu ai vợt
qua mọi gian truân khổ ải nơi trần thế thì mới thanh thản bước lên cõi Niết
Bàn".
Hai người đàn bà lại ngồi bên nhau như cái thuở nào. Chỉ khác một người
nhìn đi xa xăm, một người cúi nhìn xuống đất.
"Em đi tìm chị khắp nơi sau ngày giải phóng. Biết chị đã đi tu nhưng
không nghĩ chị lại tu ở cái chùa heo hút tận miền rừng này. Chồng em cũng quê
vùng này nhưng nay về hưu, anh ấy mới có dịp về thăm quê. À, dạo cháu nó nghỉ
hè, em có bảo cháu nó lên đây thắp hương cho bố, không biết nó có lên đây lần
nào không chị?".
Sư thầy im lặng nhìn ra ngoài sân. Mùa thu đã qua, những chiếc lá vàng đậu
hờ hững trên những cành cây khô khan, chỉ cần một làn gió nhẹ cũng đủ đứt lìa
khỏi cành, bay tơi tả xuống chân đồi.
Chín tháng mười ngày cái Na sinh thằng con trai bụ bẫm. Sự thầy ngồi tụng
kinh cho nó suốt đêm trong khi bà đỡ đang sửa soạn cho một sinh linh sắp ra
đời. Sau khi gã trai lơ đẹp mã mất hút để lại cho cái Na làn da xanh xao và ánh
nhìn ngơ ngác. Nó khóc lóc quỳ mọp xuống chân sư thầy mong thầy cưu mang nó,
cho nó tá túc trong chùa không thì thầy mẹ nó đánh chết. Thực ra thầy còn đau
hơn cha mẹ nó, thầy như một lần nữa chứng kiến sự tàn lụi của chính bản thân
mình. Thằng bé chưa kịp ngồi vững, cái Na đã giật núm vú khỏi miệng nó để nịt
chặt đôi vú đang căng như hai quả dừa rồi nó nói với sư thầy:
"Bạch thầy, lạy thầy, xin thầy hãy dang tay cưu mang con một lần nữa.
Con phải đi, con đi tìm việc làm ở dưới thành phố. Hôm nọ có đứa bạn lên thăm
con nó bảo giới thiệu con cho một nhà hàng. Làm ở đó được lắm. Nó cũng thế,
bây giờ có vàng đeo đầy người. Thầy nuôi giúp thằng bé hộ con, bao giờ con có
nơi có chốn, con sẽ về đón cháu và tạ ơn thầy".
Cái Na nói hôm trước, hôm sau đi từ mờ sương. Thằng bé khát sữa khóc ngằn
ngặt. Sư thầy ôm nó vào trong lòng, nó vẫư giãy giụa đạp ra. U già bón nước
cháo cho nó, nó phun ra phì phì. Sư thầy bèn ôm nó vào lòng, cởi chiếc áo dài
nâu vạch cả bộ ngực ra trước mặt thằng bé. Nó nín khóc ngước mắt nhìn rồi đưa
tay mân mê cái đầu vú chỉ nhỏ bằng hạt cam. Một lát nó ghé miệng lại và mút
chùn chụt. Không có sữa, cả thầy và nó đều biết như thế nhưng nó không gào
khóc nữa và sư Đàm Lân thì như được uống một liều thuốc tiên... Cái cảm giác
lâng lâng mơn man chạy khắp cơ thể dạt dào một sự mãn nguyện mà chưa bao giờ
sư Đàm Lân có được. "Ta vẫn còn là một phụ nữ?".
Đêm đêm, thầy ôm riết lấy thằng bé vào lòng như sợ nó biến mất, thả cửa
hôn lên đôi má bầu bĩnh mịn mát của nó. Cho nó thả cửa ngậm mút, nghịch ngợm
đôi vú teo của mình.
Rồi một hôm sư thầy bỗng nhận ra hai cái đầu vú của mình nhô lên, những
lớp mỡ đầu tiên bắt đầu đọng lại ở xung quanh núm vú nom đã gần như cái bánh
dì. Và cảm giác của thời thiếu nữ bỗng tràn về y như cái đêm cô chia tay với
cu Mừng.
*.
NGUYỄN CẨM HƯƠNG
Địa chỉ: 248 Trần Phú, phường Ba Đình
thành phố Thanh Hoá, Thanh Hóa
Điện thoại: 091.203.0414
.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 12.08.2015
0 comments:
Đăng nhận xét