NGƯỜI BẠN CỦA BA - Truyện ngắn Nguyễn Cẩm Hương (Thanh Hóa)

Leave a Comment
(Ảnh: Nguyễn Lê Đoàn)
NGƯỜI BẠN CỦA BA
*
Bà Tư đang múc dở chè cho khách bỗng tuột tay đánh rơi cái cốc đánh "choét" xuống nền gạch, mặt đờ như cái bánh đa nhúng nước khi cô Hằng ghé tai nói nhỏ: "Thằng Thẹo bị bắt".
Không kịp dọn cái cốc vỡ, cũng không cả một lời giải thích cho khách hiểu sự cố vừa rồi, bà vọt đứng dậy, xô chiếc ghế ra ngoài tong tả chạy. Cô Hằng nhìn theo trút một hơi thở dài nhè nhẹ rồi thế vào chỗ bà ngồi ban nãy nhoẻn miệng cười với đám khách đang trố mắt ngạc nhiên. "Dạ, không có gì đâu ạ, bà ấy về nhà có tí việc, em trông hàng giúp, các bác ăn thêm...".
Bà Tư chạy đến đầu ngõ đã thấy trước cửa nhà người xe lố nhố vây quanh. Nhưng mọi việc có lẽ đã xong. Anh cảnh sát khu vực đang xua tay giải tán đám người hiếu kỳ. Trông thấy bà, anh vội trao lại chiếc chìa khoá rồi bảo: "Có lệnh khám nhà khẩn cấp, bác thông cảm". "Con tôi đâu, nó có tội gì?". "Chuyện đâu có đó, bác cứ bình tĩnh". Chừng như không muốn giải thích gì thêm, anh nhìn bà với ánh mắt chia sẻ rồi vội vã quay gót.
Trong căn nhà cấp bốn ẩm ướt và lạnh như một nhà mồ, bà Tư ngồi bất động, mắt đăm đăm dõi ra phía cửa, cũng không hề nghĩ rằng, trời chiều đã buông, bóng tối đang ập xuống, cần phải bật đèn và thổi cơm chiều. Điều bà đang nghĩ lúc này là chờ một người chắc chắn sẽ đến.
Minh xách túi ni lông có hai chiếc bánh mì kẹp thịt bọc trong tờ báo, ngạc nhiên thấy căn nhà tối om, anh bước vào, cất tiếng gọi: "Cô Tư ơi, sao không bật đèn?".
Bà Tư vẫn ngồi thu lu bên mép giường trong bóng tối, không thay đổi tư thế chỉ buông giọng lạnh như hồn ma: "Anh đến vì chuyện thằng Thẹo bị bắt sáng nay?".
Minh không trả lời ngay. Anh trải tờ báo đặt hai chiếc bánh mì rồi nói
(Tác giả Nguyễn Cẩm Hương)
thủng thẳng: "Con biết cô cũng chưa cơm nước gì, con mua bánh mì, cô cháu mình cùng ăn rồi con đi trực luôn". "Chứ không phải chuyện thằng Thẹo?". Minh thấy nóng sau gáy như thể ánh mắt bà Tư đang thiêu đốt anh. "Con biết, nhưng em Thẹo đã đi quá xa rồi. Tang vật vẫn còn nằm sờ sờ trong nhà". "Cái gì vậy?". "Dạ. Hêrôin". "Trời!". Bà Tư giơ cả hai cánh tay lên trời gào lên rồi đổ vật xuống thành giường. Minh vội vàng chạy lại đỡ bà. Nhưng bà Tư gạt tay anh ra và ngẩng phắt lên: "Có phải chính anh đã ra lệnh bắt nó? Anh có biết nó chính là... là đứa con tôi yêu nhất trên đời này không?". Minh trót cắn dở miếng bánh mì và bỗng bị tắc nghẹn trong cuống họng. Anh biết nói thế nào cho bà Tư hiểu. Khi cái tên Thẹo bớt đỏ được hình thành trong chuyên án cũng là khi anh mắc bệnh mất ngủ từ đó đến nay.
Bà Tư bỗng sụp xuống chân anh, nước mắt trào lên đầy hai khoé mắt: "Con là công an, hãy cứu em, miễn sao nó được sống. Cô có thể nuôi nó ở tù chứ không thể mất nó". "Kìa, cô đừng làm thế, cô hãy bình tâm đi". Minh đỡ bà Tư đứng lên rồi vội vàng chạy ào ra cửa như chạy trốn.
Đã mấy năm nay bà Tư đối với anh như người ruột thịt. Đó là người đàn bà mà ba anh trước khi mất đã trối trăng lại rằng: "Ba có một người bạn gái cùng quê, cùng chiếu đấu thuở thiếu thời. Khi nào ba mất, con hãy báo cho bà ấy biết".
Sau khi gọi điện thông báo cho họ hàng nội ngoại, bạn bè gần xa, Minh mới sực nhớ đến người mà ba dặn. Anh đánh điện với ý nghĩ hững hờ: "Xa thế, chắc gì bà ấy sẽ đến." Thế nhưng người bạn của ba đến sớm nhất lại chính là bà Tư. Cùng đi với bà còn có cậu con trai mà bà bảo: "Nó trượt đại học rồi, đi với má cho khuây khoả". Bà thắp nén hương cho ba Minh, lầm rầm khấn rất lâu rồi quay lại bảo cậu con trai đứng nghệt mặt nhìn cỗ quan tài sơn đỏ: "Con vào thắp hương lạy bác đi con. Đây là bác Chính, bạn chiến đấu của má ngày xưa".
Một tuần ở lại giúp việc tang gia cho gia đình Minh như một người trong họ, trước khi ra về, bà nắm tay Minh nói nghẹn ngào: "Cô thương con mồ côi mẹ từ sớm, nay lại mất ba. Họ hàng bên nội cũng chẳng có ai. Nếu con ưng thuận, cho cô được làm người thân quê nội của con, hãy coi cô như em gái ba con".
Lẽ dĩ nhiên là Minh chẳng còn mong gì hơn. Có người thân với Minh lúc này quả là một báu vật. Suốt thời thơ ấu Minh đã nếm đủ nỗi cô đơn. Trong một trận oanh tạc của máy bay Mỹ, mẹ và em gái Minh đã vĩnh viễn tan vào lòng đất vì một quả bom rơi trúng hầm. Hôm đó Minh đi học nên thoát nạn. Ba Minh lúc đó vẫn đang lặn lội trên các cánh rừng miền biên giới để truy lùng bọn biệt kích luôn rình rập quấy nhiễu biên cương.
Minh đang học lớn 4 trường làng nơi cơ quan ba sơ tán, lúc ở nhờ nhà người này, lúc lại tạm trú nhà người kia. Cuộc sống của Minh là một túi quần áo và chiếc cặp sách. Minh chuyển chỗ ở theo sự gửi gắm của ba và tấm lòng cưu mang của bạn bè, đồng đội của ba. Hết đợt công tác từ một nơi nào đó ba lại về với Minh. Hai ba con quấn quýt bên nhau trong một căn hộ tập thể 16 mét vuông mà vẫn thấy rộng mênh mông đến đáng sợ. Đêm ngủ, Minh cứ ôm riết lấy ba, Minh ôm chặt làm ba không cựa quậy nổi. Còn ba cũng vậy. Có lần Minh mới chỉ ấm đầu bỏ bữa ăn có một lần mà ba đã hốt hoảng kêu cứu như cháy nhà, đến nỗi cô y tá trong đơn vị phải bật cười.
Năm tháng rồi cũng qua. Với chiếc bếp dầu cũ kỹ trong căn phòng 16 mét vuông ấy, Minh đã lớn lên trở thành một chàng thanh niên đầy bản lĩnh và bây giờ là trung tá Cảnh sát. Chỉ thương ba, khi Minh có thể đem lại niềm hạnh phúc tuổi già cho ba trong căn nhà mái bằng giữa một vườn cây nho nhỏ nơi ngoại ô thành phố, cùng với những đứa cháu xinh xắn thì ba phải đối đầu với một căn bệnh hiểm nghèo, và thời gian nghỉ ngơi của ba đã biến thành thời gian phải vật lộn với bệnh tật.
Những ngày ba không thể nhấc nổi người khỏi giường thì Minh cũng không thể rời ba nửa bước. Mặc dù vợ anh luôn giục để chị ngồi thay. Nhưng Minh biết chỉ anh mới có thể xoa dịu được cơn đau cho ba.
Cũng chính trong những ngày đó, Minh mới càng hiểu hơn tình cảm của ba với người mẹ quá cố của anh. Ông luôn để tấm ảnh mẹ và em gái Minh bên người. Tấm ảnh chụp kỷ niệm em Minh tròn 1 tuổi. Hôm đó có ông bạn nhà báo đến chơi, ba nhờ chụp cho hai mẹ con tấm ảnh. Nhưng mẹ anh không muốn cứ đòi chụp chung cả nhà. Ông bảo: "Để hai mẹ con chụp riêng cho đẹp". Tấm ảnh hồi đó được ông nhà báo chụp theo kiểu nghệ thuật, được in trên trang đầu tờ báo xuân của tỉnh.
Có một điều Minh cứ băn khoăn. Sao mỗi lần ngắm tấm ảnh ấy, ba lại khóc nhiều như thế. Và luôn lẩm nhẩm: "Tôi có lỗi với mình, tôi sắp đi gặp mình đây, liệu mình có tha thứ cho tôi". Ba thì có lỗi gì với mẹ cơ chứ? Có phải vì ba từ chối chụp ảnh chung với mẹ? Hay là ba không trọn tình chung thuỷ... Từng ấy năm, ngay cả khi mẹ đã về cõi vĩnh hằng mà ba chẳng để ý đến ai. Mặc dù Minh biết, có nhiều cô trong cơ quan đã thầm mến ba. Họ quan tâm chăm sóc Minh cũng một phần để lấy lòng ba. Minh luôn bị trêu, hết mẹ này đến mẹ kia. Nhưng ba thì chẳng hề để ý đến ai cả.
Cho đến bây giờ Minh cũng đã hiểu rằng ba chẳng chịu tái hôn vì ba rất yêu mẹ và thương Minh. Tình thương đó Minh đã được hưởng tròn đầy. Nhưng tại sao ba vẫn khắc khoải gọi Minh trong những cơn đâu: "Minh ơi, đừng ghét ba nghe con!". Lẽ nào Minh lại có thể ghét ba? Anh hét to lên: "Con yêu ba, yêu hơn tất cả mọi thứ trên thế gian này".
Ba đi, dù đã có một tổ ẩm nhưng Minh vẫn thấy lòng trống trải cô đơn hơn bao giờ hết. Quê nội không còn ai ruột thịt, nhưng ba mất đi như cắt đi của Minh một miền quê yêu dấu. Tự nhiên nay lại có người xin nhận làm người thân nơi quê nội của Minh quả là một niềm hạnh phúc mà Minh không ngờ tới. Minh biết bà Tư chỉ là bạn thân thuở thiếu thời của ba. Nhưng chắc họ phải có những kỷ niệm sâu sắc lắm. ý nghĩ đó làm Minh cảm thấy bà Tư thật gần gũi, như một phần máu thịt của ba để lại. Có điều cái khoảng cách xa xôi. Minh nghĩ cùng lắm vài ba năm ba mới có dịp trở ra hương khói cho ba và thăm gia đình Minh.
Nhưng thật không ngờ, chỉ vài tháng sau bà trở ra Bắc và nói với Minh rằng bà đã bán nhà trong quê và muốn cư trú ở thành phố này. Bà khẳng định sẽ kiếm sống được bằng nghề bán bánh và chè bột lọc nổi tiếng của mình. Minh giúp bà hoàn tất mọi thủ tục cư trú. Từ một ki ốt thuê bây giờ bà đã mua được hẳn một căn nhà xinh xắn trong hẻm và ổn định với nghề bán chè thập cẩm trên phố.
Bà Tư thực hiện đúng lời hứa của mình, trở thành như người ruột thịt của Minh. Bà chăm lo hương khói, giỗ chạp cho ba Minh, lại còn lo lắng đến từng miếng ăn, sức khoẻ của vợ chồng, con cái Minh. Các con Minh nghiêm nhiên gọi bà là bà nội. Tết nhất, cả hai gia đình sum họp quây quần bên nhau như trong tình ruột thịt.
Vậy mà, bỗng lại có cái sự cố này xảy ra.
Chuyển từ phó phòng cảnh sát điều tra, Minh được đề bạt làm trưởng phòng chống tội phạm ma tuý của Công an tỉnh mới được thành lập theo quyết định của Bộ mấy năm gần đây. Hôm đi làm về, Minh thấy Thẹo đang ngồi đợi trong nhà, miệng toe toét cười khi gặp anh. Hắn ta hồ hởi: "Xin chúc mừng anh lên sếp. Em đến để bắt anh khao đây". Anh chưa kịp trả lời, hắn đã tiếp: "Nói vậy thôi, anh lên sếp em cũng mừng hơn cả anh, nên hôm nay em đi khao anh trước. Đi anh, ta ra quán thịt chó ngay đầu phố thôi. Yên tâm đi, em không ép anh uống nhiều đâu, mà hôm nay xả hơi một chút có sao?".
Vợ Minh đã bưng mâm cơm lên, giục hai anh em cùng ăn. Nhưng Thẹo xua tay. Minh muốn từ chối nhưng không muốn để Thẹo nghĩ mình xa cách, Minh đành đi theo. Từ ngày bà Tư ở hẳn trên đất Bắc sinh sống. Minh đã thực sự coi bà Tư như ruột thịt, như người cô ruột của mình mà bà tự nhận. Song với cậu con trai bà thì điều đó chẳng hề xảy ra. Không thể coi Thẹo như một người thân trong gia đình. Bởi cậu ta hoàn toàn xa lạ với cách sống và nếp nghĩ của Minh. Đó là một thanh niên hư hỏng. Minh đã nhiều lần tìm cách khuyên can nhưng như nước đổ lá khoai, Thẹo chỉ cười nhạt mỗi khi nghe Minh nói. Còn bà Tư thì chẳng bao giờ nặng lời với con. Minh sợ rồi nó sẽ tuột khỏi tay bà bất cứ lúc nào. Anh tìm cách xin cho nó vào làm việc trong một Công ty trách nhiệm hữu hạn. Nhưng chỉ vài tháng ông giám đốc Công ty đã đến nói "khó" với Minh đành phải sa thải cậu vì thói vô tổ chức và lười biếng. Bà Tư gạt nước mắt thanh minh với Minh: "Em nó là nghiệp chướng của cô, con đừng bận tâm làm gì cho khổ, cô phải nuôi em để chịu sự trừng phạt của trời". Song, giá như nó chỉ ngồi nhà để bà Tư nuôi báo cô. Đằng này... phải chăng đó cũng chỉ là cái lỗi của Minh? Minh đã sai lầm khi bỏ mặc nó, và muốn lánh xa nó.
Bữa tiệc thịt chó mừng anh lên chức hôm ấy của Thẹo đã đánh lừa anh về cái ảo giác của một tình thân thiện giữa anh và Thẹo. Nó cũng giăng một màn sương mờ khiến anh lầm tưởng Thẹo đã biết thay đổi cách sống.
Từ khi nhận được nguồn tin có đường dây buôn bán ma tuý trong thành phố. Minh đã cho triển khai kế hoạch điều tra suốt 6 tháng ròng mà các đầu mối vẫn chưa khớp. Giống như người đi vào con đường cụt, không có lối rẽ, cũng không có đường tiến.
Một ông già ăn mặc xuềnh xoàng vẻ mặt ngây ngô như những ông khách nhà quê ra tỉnh, xách một túi du lịch nặng những gói đỗ và lạc giống hệt bố ở quê ra thăm con. Nhưng ông đã thăm hỏi nhiều lần và lần nào cũng mang đỗ và lạc. Cái điệp khúc sơ suất đó đã không qua được cặp mắt các chiến sĩ trinh sát. Và đúng như vậy, lẫn trong những gói đỗ và lạc là một cặp hêrôin chừng 0,5kg. Song ông già chỉ một mực khai có một người đàn ông ở quê thuê ông đưa xuống thành phố giao cho người nói đúng mật khẩu mà ông ta đã dặn. Địa điểm giao thường ở bến xe, cổng chợ, trong quán nước... Không có lần nào giống lần nào và người nhận cũng không ai giống ai. Tên đàn ông mà ông già khai khi công an tìm thì đã biệt vô âm tín. Còn kẻ để nhận gói đỗ theo kế hoạch thì đã bị sa lưới. Cô ta còn khá trẻ và cũng chỉ khai là lấy hộ cho người thanh niên ngồi trong quán nước với giá bồi dưỡng là 50.000 đồng.
Người thanh niên ấy là ai? Thì đã mất hút và thậm chí cô gái cũng không còn nhớ để tả lại, hàng loạt những mụ bán hàng rong, thuốc lá lẻ bị tóm, tất nhien người ta thu được vô khối những "tép" hêrôin bé tí tẹo được lồng trong những chiếc kẹo cao su. Tất cả đều khai mua của một thanh niên không rõ địa chỉ thương mang hàng đến rồi tiền trao cháo múc đi ngay. Bảo tả người thanh niên thì mỗi người tả một kiểu... Cuộc điều tra đã ráo riết hơn, nhưng như người đi trong rừng rậm.
Bận vậy, nhưng Minh vẫn không quên dành chút thời gian đến thăm hỏi bà Tư. Dạo này thấy cu Thẹo đã bớt lấc cấc, ăn nói chỉn chu. Minh thầm mừng, nhiều khi còn cảm động khi thấy Thẹo rất quan tâm hỏi han đến công việc của anh và chép miệng tiếc rẻ vì anh bận không đi uống với Thẹo một ly cà phê. Nó khoe đã kiếm được việc làm ở một cửa hàng sữa chữa xe máy, phụ cho thằng bạn, mỗi tháng cũng kiếm được dăm trăm. Minh an lòng khi rút điếu ba số từ tay Thẹo.
Một ổ đánh bạc gồm toàn những con nghiện bị sa lưới, chúng cãi cọ để đổ tội cho nhau. Một thằng đã nói hớ rằng tiền chúng có được là của Thẹo bớt đỏ thuê chúng đi giao hàng. Hỏi hàng gì thì chúng nhất loạt câm như hết, tra bao nhiêu cũng không thằng nào hở miệng. Thẹo là tên gọi thân mật của Thuỷ, con trai bà Tư. Bà thường kể, hồi nhỏ Thẹo nghịch lắm, năm lên 3 tuổi, một lần sang chơi bên nhà ông Năm. Thuỷ ngồi xem ông chẻ cật đan sọt, lúc ông đứng dậy đi đâu có việc Thuỷ bắt chước lấy dao chặt một đoạn tre không may cái mắt tre bắn lên mặt làm Thuỷ rách một bên má, may mà không vào mắt. Thế là để lại vên má trái Thuỷ một vết sẹo. Lạ kỳ là vết sẹo không cùng với màu da mà luôn tấy đỏ như miếng thịt sống. Cái tên Thẹo được gọi từ đó. Bà Tư bảo nó cũng là vết thẹo của đời bà. "Bớt đỏ" có lẽ là biệt danh của bọn xã hội đen gán thêm cho Thẹo để gây ấn tượng.
Khi cái tên "Thẹo bớt đỏ" đã được khoanh tròn trong chuyên án HR399 thì những đầu mối khác cũng lần lượt bị sa lưới. Vụ buôn bán ma tuý trong tỉnh đã kết thúc.
Những ngày phiên toà xử bọn buôn bán ma tuý. Minh hầu như không tài nào ngủ được. Nỗi day dứt vẫn luôn triền miên đeo đẳng anh. Anh không thể cứu Thẹo được nữa nhưng anh phải cứu bà Tư ra sao đây? Đôi mắt bà Tư luôn làm nhức nhối lòng anh. Đôi mắt khi đờ dại, khi chói lửa nhìn anh như cầu xin, như căm giận và đầy chua xót đến khó hiểu. Anh đã phải quay mặt đi nhiều lần khi đôi mắt ấy chiếu thẳng vào anh. Bà vẫn không tin rằng cái bản án tử hình có thể rơi xuống đầu con trai. Niềm hy vọng của bà còn bao nhiêu thì nó cũng cứa buốt lòng anh bấy nhiêu. Bà nói rằng bà có thể đổi cả tính mạng mình để Thẹo được sống. Thế mà anh, anh đành bó tay...
Hôm nay phiên toà xử buổi cuối cùng. Từng khắc thời gian trong phiên toà nặng nề trôi đi như chiếc đồng hồ hẹn giờ cho một ngòi nổ. Minh lo lắng nhìn về phía bà Tư, nom bà hôm nay như một thỏi thép, bé nhỏ khô đét. Vành môi khô khốc, hai hố mắt trũng sâu và đỏ đục như hai cục máu.
Tiếng của vị Chánh án phiên toà sang sảng đọc những lời cuối cùng của bản tuyên án. Cả phòng xử án đang lặng phắc bỗng vỡ oà ra khi phiên toà kết thúc. Đám người nhà kêu khóc, gào gọi nhau và lao về những phạm nhân đang chậm chạp lê bước ra những chiếc xe bịt bùng chờ sẵn ở cửa. Bà Tư vẫn đứng trân trân giữa phòng như một tượng gỗ bị bỏ quên. Thằng Thẹo không thèm nhìn mẹ trước lúc lên xe. Nó đảo mắt nhìn Minh và nhếch mép cười gằn.
Minh lao về phía bà Tư, anh quỳ xuống ngửa khuôn mặt đau đớn chờ bà Tư trút hận, nhưng có một bàn tay khô rám rờ rẫm trượt trên má anh: "Không sao đâu con, cô chịu được mà, cô còn phải sống để chịu tội với đời".
"Con đưa cô về?".
"Không, cho cô ta mộ ba con, cô muốn nói chuyện với ông ấy".
Bó hương nghi ngút cháy trên mộ. Lúc này những giọt nước mắt mới lăn trên gương mặt cằn khô của người đàn bà đã ở tuổi xế chiều. Chẳng thấy bà nói gì với ba Minh, chỉ thấy khóc hoài, khóc đến độ tưởng chừng như đang tưới ướt đẫm ngôi mộ mùa hanh khô.
"Minh ơi, hôm nay dì sẽ nói cho con biết một sự thật". Bà Tư bỗng lau nước mắt rồi cất giọng khàn khàn nhưng tỉnh táo: "Thẹo chính là em ruột con. Ba và di đã giấu con từng năm ấy vì thương con, vì muốn con yên ổn hạnh phúc bên ba con. Thực ra thì ba con cũng đã phải đau khổ vì giấu con điều đó. Ba đã nhiều lần muốn kể hết với con nhưng dì đã ngăn cản. Dì không muốn để tình cảm giữa hai ba con con bị tổn thương. Dì chịu đứng ngoài vì... bởi vì dì đã gây nên tội lỗi này.
Hồi đó ba con là bạn trong đội du kích với anh trai dì. Năm ấy dì mới 15 tuổi nhưng đã thầm yêu trộm nhớ ba con. Dì xin vào đội du kích để được gần ba con hơn. Nhưng chỉ được vài năm ba con đã phải tập kết ra Bắc. Lúc chia tay, ba con chẳng hứa hẹn gì, nhưng dì thì cứ chời hoài. Dì nghĩ, lúc nào gặp lại chắc ba sẽ hiểu và lúc đó cũng chưa muộn. Nhưng chiến tranh kéo dài quá, hết năm này qua năm khác. Dì chẳng thể yêu ai khác ngoài ba con. Thế là dì cứ mải lao vào phục vụ kháng chiến quên mình. Ngày thống nhất, ba con có trở lại quê hương. Người thân mất cả. Ba tìm di và cũng mới hiểu được tình cảm của dì trong bấy năm qua. Ba con thương dì lắm nhưng ba đã có con. Dì biết má và em con đã mất nhưng ba cũng chẳng có ý định tái hôn với ai. Dì thì cũng chẳng còn mong lập gia đình nữa, mặc dù lúc đó dì mới xấp xỉ tuổi 40. Nhưng, với ba con thì... ba không muốn mất con. Dì đã xin với ba con cho dì một đứa con để dì được làm má, được ôm ấp gần gũi với giọt máu của ba con. Ba con rất thương dì nhưng vẫn không ngớt bị dằn vặt vì phải lừa dối con... Ba đã phải đau khổ nhiều lắm con có biết không? Những ngày lâm bệnh ba đã viết thư cho dì và muốn dì sau khi ba mất hãy đến gặp con và nói rõ tất cả. Nhưng dì đã im lặng, ngay cả thằng Thẹo dì cũng không cho nó biết ba nó là ai, lúc nhủ nó chỉ biết có một người ba ở xa vẫn thỉnh thoảng viết thư về thăm và gửi quà cho nó. Nhưng khi lớn lên nó không hỏi nữa và hằn học khi biết mình không có ba. Dì biết thực ra nó cũng cô độc và đáng thương phải không con? Hãy tha lỗi cho em con, tại dì đã không biết dạy dỗ nó nên người".
Minh đứng như hoá đá bên nấm mộ người cha. Làn gió hanh heo buôit chiều tà thổi lào xào qua bên tai rồi len lỏi thốc vào tận não anh lạnh buốt. Lời và Tư như một vị chánh án đang luận tôi. Cái tội của anh, của một công chức quen sống nền nếp chỉn chu với những gì đã có sẵn, quen sống với những điều tốt đẹp, quen được hưởng thụ tình yêu thương của mọi người. Thực ra từ lâu anh vẫn chỉ yêu bản thân mình, chứ chưa quen yêu những gì khác mình. Bởi vậy anh mới không thể yêu Thẹo, dẫu biết nó là con trai bà Tư. Anh vẫn xa lánh nó, anh thực sự ghét nó. Trời ơi, đúng là quả báo. Đây mới chính là phiên toà xử anh, xử cái tội lỗi mà chỉ có anh mới nhận ra.
"Ba ơi con có tội với ba, với em con...".
Cuối cùng Minh cũng đã gào lên được như vậy và đổ gục xuống nấm mộ, mặt úp lên những túm cỏ đang bốc mùi hăng hắc bởi vừa được thấm ướt những giọt nước mắt của bà Tư.
Bỗng anh được một bàn tay cứng như thép nhấc bổng anh dậy và một giọng nói ấm khàn: "Ráng lên con. Phải giữ sức để tiếp tục công việc. Con phải cứu những kẻ đang sắp bước vào con đường lầm lỗi như em con".
*.
NGUYỄN CẨM HƯƠNG
Địa chỉ: 248 Trần Phú, phường Ba Đình
thành phố Thanh Hoá, Thanh Hóa
Điện thoại: 091.203.0414

.




…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 25.07.2015 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét