NHÂN THÁNG CÔ HỒN: NÓI CHUYỆN VỀ MA! - Tản văn Trần Tiến (Hà Nội)

Leave a Comment
(Tác giả, nhà báo: Trần Tiến)
NHÂN THÁNG CÔ HỒN
NÓI CHUYỆN VỀ MA
*

Từ rất lâu rồi, con người đã đi tìm và lý giải xung quanh câu chuyện bí ẩn của cuộc đời về "ma có thật hay không?". Kết cục, hầu như câu trả lời dường như đều dừng lại ở vế: Ma chỉ có trong tưởng tượng và trong nỗi sợ hãi của con người. Tuy nhiên, cho đến nay, không ít người vẫn tin rằng có ma quỷ, thậm chí họ còn cho rằng mình đã nhìn thấy "ma"...Còn với tôi: "ma" vừa có vừa không.
Có, vì theo sách đã định nghĩa có từ "ma":
dt 1. Sự hiện hình của người chết, theo mê tín.
2.Lễ chôn người chết
(Từ điển tiếng Việt thông dụng, nxb Thanh Niên).
Không, vì chỉ nghe nói: người chết hóa/biến thành ma; "hồn ma, bóng quỷ", "ma nhập", "quỷ tha, ma bắt", "ma cây gạo, cú cáo cây đề", "ma ăn cỗ";... Nhưng vì sao "ma" vẫn không ngừng hiện diện trong cuộc sống của chúng ta? Đó là bởi chúng ta thường quen với những từ ngữ vốn được sử dụng hằng ngày như: đám ma, bãi tha ma, ngôi nhà ma, tang ma...Và khi ví von, so sánh tính khí nghịch ngợm, trêu đùa, quấy nhiễu nào đó, người ta còn xếp hạng "ma" đứng hàng thứ hai trong câu: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Như thế, vô hình chung, có rất nhiều cái trong đời sống được gắn mác chữ "ma". Từ đó, với trí tưởng tượng phong phú của con người, đã thêu dệt ra cả những loài ma khác ma loài người, như: "ma cây", "ma bướm", "ma cà rồng", "ma xó"...
Tôi khẳng định, từ bé đến giờ, chưa một lần gặp một thứ "ma" nào, ngoài những con người đang sống hoặc đã chết. Cái chữ "ma" chỉ là nghe qua lời nói/ kể, hoặc nhìn thấy trên phim, ảnh, trong sách báo, người ta vẽ ra và dựng lên hình ảnh những "con ma". Đó là những hình thù kỳ quái, dị thường, chứa đựng trong đó trí tưởng tượng đầy hoang tưởng về một thứ "siêu nhiên", "siêu hình" bí hiểm song hành cùng với thế giới của loài người đang hiện hữu. Trong tiềm thức con người luôn tồn tại một thực thể phức hợp hỗn tạp, trong đó trạng thái cảm xúc gây ra cho người ta những cảm giác không nhất quán, ổn định: khi vui, lúc buồn, nhớ và quên, khóc và cười, mừng rỡ và lo sợ, nóng và lạnh...Những cảm giác đó nếu được đặt trong hoàn cảnh, tình huống nào đó thì nó sẽ được bộc phát ra để thích ứng. Ví dụ: Trên đường đi nghe tiếng sét đánh, sẽ giật mình, nhắm mắt, bịt tai, có khi thét lên sợ hãi. Hay đi một mình trong bóng tối qua nghĩa trang, khu vườn cây cối rậm rạp hoặc ngôi nhà bỏ hoang bỗng thấy lạnh lẽo, rờn rợn, đầu óc mơ màng, chờn vờn như có bóng dáng, bước chân ai đang chuyển động theo...
Sự ám ảnh tâm trí con người cũng là nguyên nhân khiến "ma" thường trực ngự trị trong ta. Bởi những câu chuyện, những lời nói và hình ảnh về "ma", dù ta có không tin, song mỗi khi ở hay đi qua đâu đó mà có gắn với sự tích "ma" đã trú ngụ ở đó sẽ dễ làm cho ta liên tưởng đến nó. Chẳng hạn, đã có nhiều lời đồn đoán, nhiều bài báo viết về những "ngôi nhà ma ám" ở Đà Lạt, Hà Nội... Nghe và đọc xong, ta chẳng thấy "ma thật" đâu cả, ngoài những câu chữ đậm chất "Liêu trai", đến phát hãi của người viết, người kể...Cứ thế, những chuyện "ma giả" với "ma thật" cứ hư hư thực thực sống chung trong cuộc sống chúng ta từ bao đời nay, như cái "bóng" luôn theo hình ta đến cuối cuộc đời. 
Các cụ nhà ta thường có câu: Trần sao âm vậy. Trong đời sống con người có thuyết âm dương, lịch âm dương, y học cổ truyền cũng nghiên cứu việc chữa bệnh theo thuộc tính âm dương...Tâm linh nhắc đến cõi /phần âm, cõi /phần dương thường để chỉ người chết chôn dưới đất (cõi âm-âm phần), người sống trên trần gian (cõi dương-dương trần). Xưa nay, hay nói đến âm ty, địa ngục, nơi giam giữ những âm hồn người đã chết. Địa ngục, tức nhà tù dưới lòng đất. Nơi giam giữ những người sống ở các nhà tù thời Pháp thuộc, Mỹ chiếm đóng ở VN theo chế độ rất hà khắc, tàn bạo còn được ví như những địa ngục của trần gian...
Quay lại chuyện "ma". Rõ ràng, "ma" chỉ những hình bóng của người đã chết, thuộc về cõi âm. Và trong tâm thức, tình cảm của con người, khi có người thân, hay ai đó qua đời, họ luôn tâm niệm người chết được "mồ yên, mả đẹp", hồn thiêng sớm được siêu thoát! Tuy nhiên, thực tế, có nhiều cái chết oan ức, oan uổng nên linh hồn ấy chưa thể siêu thoát còn lảng vảng, lang thang đây đó...Từ đó, mới có chuyện "ma hiện hình" về báo mộng...Thực hư không rõ? Chỉ biết, khi có sự đồn thổi, thêu dệt từ ngoài đời thực đến trong mộng mị, thì khiến cho ai nghe cũng tưởng thật hay bán tín bán nghi, tùy vào tâm trạng lúc đó thôi...Nói đến "ma", song có mấy ai biết "ma" có hình thù như thế nào, là "người thật" hay đã hóa thân vào các vật khác, như con bướm, con đom đóm, con chim, con mèo...Xem phim, ảnh thấy "ma" đa phần là hình thù quái gở đáng sợ.
Có lẽ, vì vậy nên mọi người thường sợ ghét "ma" hơn là thích yêu "ma"! Người ta hay la mắng, chỉ trích người nào đó bằng câu nhận xét: Xấu như ma hoặc Đồ ma chê, quỷ hờn; Đồ quỷ tha, ma bắt...Song, trong thế giới "ma" không chỉ toàn "đầu trâu, mặt ngựa" mà còn có cả những "tuyệt thế giai nhân". Những "chàng" và "nàng" mặc những bộ áo váy trắng toát, thân hình mỹ miều, chỉ có điều khuôn mặt luôn bất động, trơ trơ đôi mắt đen hoắm, sâu thẳm toát lên vẻ đẹp lạnh lùng, cô quạnh, kỳ bí vốn dĩ của ma quái...
Ổ các nước phương Tây, nhất là ở Anh quốc, đất nước có nhiều nhà quý tộc với những lâu đài tráng lệ, nhưng cũng là nơi truyền tụng nhiều sự tích về "ma" nhất, Những lâu đài thường đứng độc lập, nằm trên những quả đồi hoặc trong rừng cây vắng vẻ...Và có lẽ, vì thế mà nó thường phủ bóng những câu chuyện ly kỳ về "ma" chăng? Mọi người đọc bài :Kể chuyện "ma" này sẽ hỏi: sao tôi không kể truyện ma, mà cứ "vòng vo Tam quốc" thế. Xin thưa, bởi tôi chưa bao giờ gặp "ma" cả, và tôi cũng không giỏi bịa truyện "ma" được, chỉ nghe kể lại hoặc đọc truyện thôi, không lẽ đem ra đây làm "trò mếu" cho thiên hạ, thực là tôi không muốn chút nào. Vả lại, nếu bạn nào đã xem phim, đọc truyện "Tây du ký", thì sẽ thấy yêu ma, quỷ quái đầy rẫy rồi đấy, nên không cần thiết tôi dãi bày ra đây làm gì để "nhát" mọi người cả.
Cuối cùng, để kết thúc câu chuyện về "ma" tại đây, tôi hằng tâm niệm rằng, trên đời này chẳng có "ma" nào hết. Nếu có, chỉ là ta hay nghĩ đến sự lạ rồi tưởng tượng ra nó và tô vẽ cường điệu nó lên mà thôi. "Ma" hay "quỷ" thì chỉ có lòng ta cùng với lòng mọi người mới tỏ tường. Và, "ma chơi" hay "ma xó", "ma gì" đi chăng nữa cũng không đáng sợ bằng "thói mưu ma, quỷ quyệt" của những kẻ đang sống sờ sờ luôn nghĩ đến việc hãm hại người tốt, mà người đời vẫn gọi chúng là "ác ma", "tà ma, ngoại đạo", "kẻ đội lốt ma quỷ"...Những kẻ như thế, mới chính là "ma thật" trong đời., chắc chắn kết cục sẽ chả bao giờ tốt đẹp, bởi như Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều:
Phụ người, chẳng bõ khi người phụ ta
Mấy kẻ bạc ác, tinh ma
Mình làm mình chịu kêu mà ai thương.
*.
Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2015
TRẦN TIẾN
Địa chỉ: Nhà 6, ngách 20, ngõ 107, phố Hồng Mai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Email: trantienkv20@gmail.com










       ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 15.08.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.    

.

0 comments:

Đăng nhận xét