TẦM QUAN TRONG CỦA DÀN BÀI DÀN Ý - Tác giả: Phan Huy Đông (Hà Tây)

Leave a Comment
- Nguồn ảnh: Internet -
TẦM QUAN TRỌNG
CỦA DÀN Ý, DÀN BÀI
*
Dàn bài - dàn ý là cái khung của một ngôi nhà, là bộ xương của thân con người. Nếu ngôi nhà có khung thấp thì nhà ắt thấp, nếu bộ xương người cao thì ắt là con người sẽ cao. Nhưng nếu người cao hay thấp thì có thể gầy hay béo. Vậy cái chất tạo nên béo gầy do nhiều thịt mỡ hay ít đó chính là lời văn, ý văn chứ không do dàn ý - dàn bài.
Vậy dàn ý - dàn bài là cái khung đảm bảo đủ ý hay không. Ví như cái khung nhà có đủ gian nhà mái nóc ra sao. Ví như bộ xương một khi bị cong xương sống thì người đó ắt bị gù.
Người ta thường chỉ nhìn thấy cả cái nhà rồi khen đẹp hay xấu, nhìn con người đó rồi khen hay chê rằng cao hay lùn, chứ đâu biết cái khung nhà, cái bộ xương ra sao.
Đa số yếu kém, lười nhác trong học sinh thường không biết tác dụng của dàn bài - dàn ý còn tỷ số chăm chỉ, khá giỏi thì rất trọng giá trị của dàn bài - dàn ý. Vì thế, nếu quan sát học sinh làm bài thì đa số không làm dàn bài - dàn ý và nếu hỏi họ về dàn bài - dàn ý thì họ không có khái niệm gì ngoài cái "phao cứu sinh photocopy chữ nhỏ xíu". Còn các học sinh khá giỏi, kể cả các học sinh học chuyên các ban Tự Nhiên (Toán Lý Hoá...) thì họ rất chịu khó làm dàn ý - dàn bài. Vì họ là học sinh quen có một phương pháp làm bài khoa học. Tác giả quyển sách này đã từng dạy Văn ở lớp chuyên toán và rất đỗi ngạc nhiên về ban đầu tưởng là học sinh chuyên toán, một môn học mang tính chất tự nhiên thì có lẽ sẽ coi thường môn học xã hội, nhưng không phải như thế. Học sinh chuyên toán khi được hướng dẫn cách làm bài tập làm văn theo một phương thức khoa học thì họ chấp hành khá nghiêm túc, khá thông minh, không bê trễ lười nhác tuỳ tiện như đa số học sinh lớp đại trà. Dạy văn ở lớp chuyên toán nhiều lúc khoái hơn là dạy văn ở lớp đại trà, ở nhiều lớp đại trà nhiều khi tức anh ách vì thói bảo thủ lười biếng, quen lối cũ không theo một phương thức gì mang tính khoa học, chỉ thích hỏi nhau nhìn nhau, photocopy là chính. Bảo cách làm dàn bài nhiều khi còn lẩm bẩm vùng vằng. Chỉ muốn làm bài văn tuỳ tiện, theo cách cũ kỹ vô tổ chức, thiếu khoa học đã tiêm nhiễm.Nhưng lại muốn... điểm cao!
Vậy nói dài dòng hình tượng như vậy để thuyết phục đa số học sinh cần hiểu rõ giá trị của dàn ý - dàn bài mà thôi.
Ngay cả cụm từ dàn ý - dàn bài cũng là để nói rõ vấn đề (vì có nhiều học sinh cứ lầm lẫn không hiểu dàn bài có khác dàn ý gì không (?!), không quan niệm được dàn bài - dàn ý như thế nào). Thực ra chỉ cần dùng một từ dàn bài là đủ nhưng vì thực trạng hiện nay trong giới học sinh nên tác giả đành phải cẩn thận dùng cả cụm từ này.
Vậy dàn bài - dàn ý là sự bố trí xếp đặt các phần, các ý của một bài tập làm văn.
Dàn bài - dàn ý là sự tập hợp đủ các yêu cầu chấm điểm chủ yếu trong biểu chấm điểm của giám khảo. Nếu thí sinh muốn đạt điểm theo yêu cầu của đề bài đễ đỗ đạt thì phải đáp ứng đủ và đúng.
Không có một dàn bài - dàn ý đúng thì thí sinh sẽ khó lòng đễ đạt bài thi Văn đó.
Thí sinh sau khi thi xong một bài thi môn tự nhiên như Toán, Lý, Hoá thí sau khi ra đến ngoài sân trường đều có khả năng biết mình trúng đỗ hay hỏng trượt bài thi đó. Còn bài thi Văn thì... mù mờ hay mù tịt, chẳng biết bài mình làm ra sao mà phán quyết. Lý do chủ yếu là các bài toán, lý, hoá vốn có một cơ sở giải bài rất trình tự khoa học. Còn bài văn thì vì không có ý thức làm dàn bài - dàn ý nên chẳng phán đoán nổi vấn đề. ý thức làm dàn bài - dàn ý rất non kém trong những năm gần đây.
Đã thế khi giảng dạy về cách làm dàn bài thì có những học sinh hỏi: "Thưa thầy, thế ban giám khảo có chấm dàn bài không ạ? " Và nếu được trả lời là "chỉ chấm bài văn chính thức còn dàn bài là để tự thí sinh thiết kế bài chính thức cho tốt "thì các học sinh đó tỏ ra chán nản vì làm dàn bài là... vô ích. Thật là suy nghĩ nông cạn và nguy hiểm. Chính vì thế bài văn đều đa số là dập khuôn các bài soạn trong sách tham khảo, chẳng biết kết cấu của nó ra sao. Gặp bài có in sẵn trong số đề ra ở sách tham khảo hướng dẫn đề thi tuyển sinh, vào những năm trước thì may ra còn làm được. Nếu gặp một đề lạ, chưa có sự gia công nhồi nhét của "lò luyện thi " thì chẳng biết sẽ xoay xở ra sao!
Muốn biết tác dụng của dàn bài - dàn ý ra sao xin tham khảo một biểu điểm chấm thi. Học sinh cần thấy rõ các phần ý tiêu chuẩn cho điểm vào bài thi của mình là có ở ngay trong dàn bài. cái điều có thể giáo dục cho một số học sinh đã nghĩ rằng "làm dàn bài không được chấm thì làm để có tác dụng gì" hay "làm dàn bài làm gì cho mệt".
*.
PHAN HUY ĐÔNG
.










…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét