THỬ TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN MẤT
CHẤT THANH LỊCH CỦA NGƯỜI HÀ NỘI
*
Phong cách văn minh, lịch sự, thanh lịch của
người Hà Nội ngày nay không còn nguyên vẹn chắc chắn do nhiều nguyên nhân, mà
có một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất là do sự nhập cư ồ ạt từ nhiều địa
phương, đã du nhập lối sống tự do, tùy tiện vào Hà Nội. Từ năm 1954 khi Trung
ương về lại Thủ đô, Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế của
cả nước. Thời kỳ này dân số Hà Nội tăng lên một cách đáng kể. Tuy vậy dân số Hà
Nội vào thập niên 50- 60 của thế kỷ trước cũng chỉ dừng lại ở con số và chục
vạn, tình hình xã hội Hà Nội vẫn giữ được nếp xưa. Người Hà Nội và người ở các
nơi khác đến lập nghiệp ở Hà Nội thời gian này đều giữ được phong thái người
Tràng An.
Khi chiến tranh leo thang của Mỹ ra miền Bắc kết
thúc, thì số người nhập cư vào thủ đô để học tập, tìm việc làm, buôn bán tăng
lên đáng kể. Đặc biệt là sau năm 1975 khi đất nước đã hoàn toàn độc lập thống
nhất, dân số thủ đô tăng nhanh. Nhưng sau chiến tranh, kinh tế gặp nhiều khó
khăn, người Hà Nội phải lo cuộc sống thường nhật rất vất vả, công việc quản lý
trật tự xã hội giai đoạn này có phần lơi lỏng. Nếp sống Hà Nội sau chiến tranh
ít nhiều cũng đã bị xáo trộn, trật tự xã hội cũng không còn được như xưa đã ảnh
hưởng đến văn hoá Hà Nội.
Cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, cùng với công
cuộc đổi mới, kinh tế Hà Nội phát triển, dân số Hà Nội tăng nhanh. Con số từ
vài chục vạn đã tăng lên vài triệu. Trong số những người đến Hà Nội làm ăn sinh
sống, nhiều người đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội
của Hà Nội. Nhưng họ cũng đem đến không ít những lối sống tự do thỏa mái của
những vùng quê nơi họ sinh sống. Có thể nói đây là giai đoạn trật tự xã hội của
Hà Nội bị xáo trộn nhiều nhất trong qua trình phát triển của lịch sử Thủ đô.
Theo kết quả điều tra xã hội học, năm 2000 tại phường hàng Đào là phường được
coi là “hạt nhân” của Hà Nội thì số người Hà Nội ở mười đời trở lên không quá
9%. Còn trên địa bàn toàn bộ Hà Nội thì dân Thanh Hóa ở Hà Nội chiếm 26%, dân
Nghệ An và Hà Tĩnh chiếm 27%, Còn lại các tỉnh thành khác ở Hà Nội bao nhiêu
phần trăm nữa thì cũng chưa có văn bản nào chính thức công bố.
Những dân cư mới đến có nhiều mặt tích cực, song
cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Một số người chưa kịp giũ bỏ nếp sống nông thôn,
khi ra sống và làm việc tại Hà Nội: coi đường nhựa của thành phố như đường
làng, coi đài phun nước giữa thủ đô như một cái ao làng, đi giữa phố như đi
giữa cánh đồng. Trong khi chúng ta lại chưa tạo ra được một nếp sống thị dân
tương ứng với tốc độ đô thị hóa phát triển rất nhanh tại Hà Nội.
Do đó, có lúc người ta cảm giác là Hà Nội có tình
trạng nông thôn hóa thành thị bởi dân số Hà Nội tăng cơ học quá lớn mà cơ cấu
của sự tăng nhanh này không đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Hà Nội mà
lại kéo theo nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Ví dụ như sự mở rộng của các
khu công nghiệp, khu dân cư ở các quận huyện tạo ra tiền đề cho sự phát triển
của Hà Nội thì cũng làm nảy sinh những mặt trái của xã hội mà lĩnh vự văn hoá
-xã hội thường gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Khi xây dựng các khu kinh tế
mới, do quả chú trọng đến lợi ích kinh tế mà người ta thường xem nhẹ hoặc không
đánh giá một cách nghiêm túc sự tác động của những dự án ấy đến vấn đề môi
trường sinh thái nhân văn, đến việc đảm bảo tối thiểu những yêu cầu về cơ sở
văn hoá như câu lạc bộ, nhà văn hoá, khu vui chơi...cũng bị lãng quên hoặc cắt
xén tới mức tối đa. Còn khía cạnh thẩm mỹ của các công trình kiến trúc, tính
đồng bộ của cả hệ thống thì bị xem nhẹ. Quản lý nhà nước về văn hoá ở đây như
bị “buông” hoàn toàn.
Như vậy, ở Hà Nội sự phát triển về kinh tế đang
có sự chênh lệch với sự phát triển văn hoá. Một nền kinh tế cao không thể tự
động đẻ ra một nền văn hoá cao. Để phát triển kinh tế, để làm giàu, một con
người chỉ mất vài ba năm, nhưng để trở thành người có văn hoá thì có thể phải
mất vài chục năm, có khi cả cuộc đời. Một dân tộc có thể trở nên giàu có trong
vài thập kỷ, nhưng để trở thành một dân tộc văn hoá thì phải mất hàng thế kỷ
hoặc thiên niên kỷ. Do đó việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch- văn minh
rất được chú trọng, để nếp sống của người dân không ngừng được hoàn thiện và
nâng cao. Qua đó mà củng cố truyền thống văn hiến của dân tộc.
Nếp sống của Hà Nội thay đổi còn một phần do tác
động của kinh tế thị trường. Cuộc sống tuy khá hơn nhưng đồng tiền đã chi phối
nếp nghĩ và lối sống của những người không vững vàng trước cám dỗ. So sánh Hà
Nội xưa và nay, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã nói: “Hà Nội bây giờ lớn hơn
xưa nhiều, nhà cửa lộng lẫy hơn, to hơn, các công trinh văn hoá phong phú, cuộc
sống dồi dào hơn. Người ta mặc đẹp hơn, vui chơi nhã hơn, làm ăn giỏi hơn.
Nhưng hiện nay mặt trái của kinh tế thị trường cũng tác động không nhỏ đến văn
hoá Thủ đô. Một điều tôi muốn nhấn mạnh là nếp sống Hà Nội bây giờ có nhiều
biến động (Báo Sài Gòn giải phóng, tháng 10-2000).
Có những biến động này bởi trong lĩnh vực văn hoá
tư tưởng đang diễn ra những thách thức lớn. Toàn cầu hóa đang dẫn đến “nguy cơ
đồng hóa các chuẩn mực, các hệ thống giá trị, đe dọa làm tê liệt khả năng sáng
tạo của các nền văn hoá- nhân tố hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền
vững của nhân loại (Thập kỷ thế giới phát triển văn hoá). Toàn cầu hóa làm cho
nhiều làn sóng văn hoá tràn vào Hà Nội, mang theo lối sống cá nhân, cực đoan,
quá sùng ngoại, thực dụng, quá trọng đồng tiền, coi nhẹ văn hoá dân tộc. Tất cả
những điều đó đi ngược lại truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc ta.
Ngoài ra do kinh tế phát triển nhanh, tại Hà Nội
đã nảy sinh ra một số những “cậu ấm, cô chiêu” được cha mẹ chiều chuộng hết
mực, sống chỉ biết hưởng thụ, lại bắt gặp lối sống phương Tây tràn vào nên nảy
sinh tư tưởng sống gấp, không chịu rèn luyện. Điều này rất đáng lo ngại vì họ
là những chủ nhân của Hà Nội trong tương lai.
Đặt đồng tiền lên trên hết, nhiều bậc cha mẹ lao
vào kiếm tiền, chỉ cung phụng con đầy đủ về mặt vật chất mà quên mất nhiệm vụ
giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho con, rồi những gia đình không hạnh
phúc, đổ vỡ chia lìa, đã làm cho những tâm hồn trẻ bị tổn thương rồi bị chai
sạn, khiến cho các em chỉ còn biết lao vào ăn chơi, mà mất đi ý chí phấn đấu vươn
lên.
Tất cả những nguyên nhân từ tác động của nhập cư
ồ ạt, của kinh tế thị trường và tác động của toàn cầu hóa đã có những ảnh hưởng
rất tiêu cực đến lối sống, phong cách sống của người Hà Nội. Nó đặt ra một yêu
cầu cấp thiết là phải có những giải pháp thiết thực để gạn đục khơi trong nhằm
giữ lại vẻ đẹp truyền thống của người Hà Nội, kết hợp với vẻ đẹp hiện đại do
thời đại đem lại nhằm xây dựng phẩm cách của người Hà Nội thật toàn diện, xứng
đáng là chủ nhân của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài phê
bình, cảm nhận thơ0
- Các bài viết về
Kiến thức cuộc sống0
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
Mời
thư giãn với nhạc phẩm CÓ PHẢI EM MÙA THU HÀ NỘI
của Trần Quang Lộc,
qua tiếng hát Hồng Nhung:
*.
Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2015
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
quận Long Biên,
thành phố Hà Nội.
Email:
huongmai8081@yahoo.com.vn
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả
gửi qua email ngày 29.08.2015.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết
được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét