KHÉT, CÓ KHI TA TỰ SINH RA MÌNH - Tác giả: Ngô Đức Hành (Hà Tĩnh)

Leave a Comment

 


KHÉT, CÓ KHI

TA TỰ SINH RA MÌNH

 

(Tác giả Ngô Đức Hành)

"giấc mơ da vàng" là phần 2 của "chín nhánh da vàng", gồm 19 bài, Khét (bút danh văn học của nhà thơ Trần Đức Tín, hội viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh) đày ải tâm hồn mình trên một bình diện phi địa lý. “tôi thấy mình thừa một cái cổng / khi lòng trống căm căm” (không có cổng).

Tư tưởng thơ trong chín nhánh da vàng vượt lên mọi không gian cụ thể, dành cho chúng sinh, chủng tộc da vàng, đang quần cư và mơ ước. Anh viết về cái phi lý “loài người / hồi hương giấc mơ /bằng cách / di cư nó”, (một ngày); về chiến tranh và hòa bình “khi ta viết chữ thì ngoài kia sung nổ / khi ta tiệc tùng nghiêng ngả thì những đứa bé khóc / trong hầm trú ẩn”, (khi ta viết chữ); hoặc ở các bài khác như không bao giờ là súng với tuyên ngôn “nhất quyết không bôi thêm vệt máu nào vào lịch sử”.

Khét là nhà thơ của chất vấn, tự phản biện. Có thể thấy qua “giống loài”, (bài này anh đặt ở trang 9, đầu tập thơ, thuộc phần 1); thấy rõ qua lờ lợ tổ tiên; những pho tượng An Nam; cầm màu da lên và đốt. Khét tự phản biện ám ảnh.

...

điều giỏi nhất của giống loài mình

là làm đau người khác

phải không tôi...

(giống loài)

tôi thấy người Việt

gọt chân cho vừa giày

gọt màu da cho lờ lợ tổ tiên

(lờ lợ tổ tiên)

...

đêm nay

ăn hết những giấc mơ có đốm

còn sót lại đôi mắt người Việt

nhìn chằm chằm vào tôi

(giấc mơ có đốm)

Không ai nghi ngờ về quá trình từ hang hốc ra đồng bằng, từ đồng bằng men theo các dòng sông men ra biển... của người Việt cổ. Theo huyền sử, dân tộc đã trải 4.000 năm, đã kịp tạo ra nền văn hiến lừng lẫy. Không ai nghi ngờ “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ).

Chính đờn ca tài tử, cải lương, với tư cách là hai loại hình nghệ thuật được khai sinh trong những ngày người Việt đi mở cõi, nhớ nhung da diết nguồn cội, nơi họ đã ra đi. Tuy nhiên, vấn đề trong lờ lợ tổ tiên lại được đặt ra ở góc độ khác. Đó chính là văn hóa, là nỗi lo chửa hoang, phi giới tính về văn hóa “tôi thấy người Việt / không ai gọt hơi thở cho chánh niệm da vàng”.

Đọc "chín nhánh da vàng", hẳn người yêu thơ đều nhớ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chính ông là người đầu tiên sử dụng hai từ “da vàng” trong tác phẩm văn học nghệ thuật, ở ca khúc Gia tài của mẹ, sau đó là tuyển tập các Ca khúc Da Vàng. Da vàng là người Việt, với tư cách cộng đồng dân tộc; có điều ẩn dụ trong chín nhánh da vàng đó là đất mang hồn người, sông chở hồn người, lắng lo nỗi người.

Nói như nhà thơ Trần Mạnh Hảo, con người là sản phẩm vừa của tạo hóa, vừa của tiến hóa, vừa mang hồn sông, hồn đất, hồn núi. Thế giới đang đa biến, đấu tranh, phân rã, chiến tranh, hòa bình vì lưỡng cực; điều đó đã bất ổn, nhưng có lẽ chưa lắng lo bằng sự biến thái trong tâm hồn, trong văn hóa dù bề ngoài vẫn một màu da?

Đọc "chín nhánh da vàng", nhớ đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh, vừa viên tịch cách đây không lâu. Chính Thiền sư Thích Nhất Hạnh khai sinh ra tư tưởng Chánh niệm. Bạn đọc của Khét dễ nhận diện ra ở bài thơ chánh niệm trong tập. Khét còn dùng thêm một lần trong bài lờ lợ tổ tiên.

...

không có tiếng kinh nào là chánh niệm

sót tiếng vịt đồng mổ quê hương

(chánh niệm)

Khét đã có những bước đi từ chân thực tới tinh thần tự do về cảm xúc trên đôi chân đổi mới thi pháp. Tất nhiên không phải chỉ ở hình thức thơ. Với Khét trong "chín nhánh da vàng" cho thấy biên độ của tinh thần tự do. Tức là cái nội dung quan trọng hơn hình thức câu chữ, thơ hay ở vỉa tầng cảm xúc tác giả cất dấu.

*

"chín nhánh khói bay", phần 1 của "chín nhánh da vàng" gồm 16 bài là những lúc tâm hồn víu lại với vùng đất nơi Khét sinh ra, đồng bằng sông Cửu Long hay còn gọi là “đất chín rồng”. Tiêu biểu dễ nhận diện là, phương Nam ngạo khúc; tôi với Cà Mau cùng nhịp thở long đong; ngủ hết đêm nay với vàm cỏ; trăng quê; đừng mang tôi về cố quận; nhánh nào dưới dấu chân.

Thơ Khét, đầm đìa mùi thơm phù sa châu thổ

Khét hiện sinh sống, lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Lặn lội từ Cà Mau lên “Hòn ngọc Viễn Đông”, hẳn Khét muốn tìm cái “áo” hợp hơn với độ tuổi bẻ gãy sừng trâu của tâm hồn mình. Ít nhất, không khí văn chương, tiếp xúc trao đổi học thuật cũng rộn ràng hơn ở quê hương mình.

Thế nhưng, ngay trong "chín nhánh da vàng" đã xác nhận, căn cước tâm hồn anh vẫn thuộc về Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có hệ sinh thái các dòng sông, trong đó có mảnh đất Cà Mau nơi Khét sinh ra và lớn lên. Đó là nơi chôn nhau – một phần của mình, quan trọng hơn nữa, là khoảng trời nuôi dưỡng ước mơ, dẫu ước mơ thời bi bô.

...

tôi nhớ tôi

ngày tháng rong chơi

ruộng đồng nứt nẻ

đầu trần chân đất

con diều giấy nở nụ cười

những trưa hè sung ướt cá thia lia

mỗi cọng rơm là một tia nắng mặt trời

(tôi với Cà Mau cùng nhịp thở long đong)

Đây là hiện thực trong ký ức, của tất thảy những ai sinh ra ở đồng đất quê nhà, và ai cũng viết ra được. Tuy nhiên, “sao mà cay mắt / sao mà mặn lòng / tôi với cà mau cùng nhịp thở long đong” thì mới là tinh thần thơ của Khét, cảm xúc của Khét, hoài vọng mãi con người và vùng đất không còn long đong như xưa (và cả trong thực tại nữa). Vì thế mà “mặn mắt”, “cay mắt”.

“.../ chúng con: bọn bỏ quê / quê trôi trên đầu / quê bạc theo tóc/ trong đau đớn kiệt cùng / trăng gọi mẹ / bằng một tiếng chuông hoang”, (trăng quê). Mỗi con người thuộc về một quê hương, dẫu làm ăn phiêu bạt tứ xứ. Trăng chỉ có một, nhưng ở nơi “đất khách” ai không nhớ “trăng quê”? Thực sự ám ảnh, anh cũng là một vầng trăng quê nhà, lạc lên chốn đô thành, “trăng gọi mẹ / bằng một tiếng chuông hoang”. Cảm thức xa xứ trong thi ca, có nguồn gốc từ những “câu hỏi thời đại” và ngược lại, làm nhức nhối hơn những câu hỏi đó.

...

em có thương tui thì về nhà mẹ mà trồng lấy cọng ngò

cơ cầu chi cho đau lòng con cúm na cúm núm

ngày chúng tui rạch trời rơi xuống

tay chỉ có cây dầm

môi chỉ có điệu hát

mà tim đập nhịp cửu long giang

(phương Nam ngạo khúc)

Đọc khổ thơ này, những người am hiểu văn hóa Nam Bộ sẽ nhận diện ra văn hóa bình dân, dân ca miệt vườn, tựa như đồng dao đã trở thành đại chúng. Và nữa, ngôn ngữ đời thường vào thơ, rặt Nam Bộ. Điều đó xác tín rằng, Khét thuộc về Nam Bộ, về sông nước, trái tim đập nhịp cùng Cửu Long giang.

Thi ca, nói cho “sát ván” thì điều dễ đạt được sự thống nhất giữa các xu hướng, đó là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn, một khi đã trở nên tự do, không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài. Nó hoàn toàn diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc của mỗi tác giả.

Khét không thoát ly ra khỏi đời sống, nhưng thời gian, những thay đổi bên ngoài dội vào tâm hồn, trở thành năng lượng của cảm xúc. Khét thường có giấc mơ, dẫu chỉ là giấc mơ “gần giống người”; nhưng “nó đã chết khi mầm chưa kịp này” (đi gặt giấc mơ).

Khét thương hết thảy, ngay cả “những bóng ma trên sông”. Nghe có vẻ phi lý, nhưng biết đâu bóng ma có một ẩn ức người chưa kịp siêu thoát. Chớ coi thường nhé, dẫu người sống lập đàn cầu siêu.

Khát trong "chín nhánh da vàng" có cách ngộ khác lạ, “có khi / ta ngừng thở để sống / có khi ta tự sinh ra mình” (ngủ hết đêm nay với vàm cỏ). Đúng không nào, nó vừa hiện sinh, vừa biện chứng.

Khét mới ngoài 30, tuổi “tam thập nhi lập”. Với con người Trần Đức Tín đã bước vào tự lập, nuôi sống bản thân; với người thơ có bút danh văn học Khét thì đó là xác lập một vị trí nhất định của mình trên thi đàn, ít nhất của người trẻ.

Trước "chín nhánh da vàng", Khét đã in "Rồi mình cũng xa lạ nhau", "Mình mắc cạn vào nhau", "Ở đậu trong nhau". Tên các tập thơ đều là những câu hỏi về thân phận con người. Con đường thơ, nói như cố thi sĩ Lê Đạt là con đường dài nhất. Chắc Khét không chồn chân mỏi gối, sải bước tới lâu đài, nơi có thánh đường của Nàng Thơ?

(Đọc “chín nhánh da vàng”, thơ Khét, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022)

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Thế thái nhân tình qua thơ Đặng Xuân Xuyếnl

- “Tưng tửng” 7 chuyện cùng Nguyễn Đăng Hànhl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệtl

- Vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn Thànhl

 

Mời nghe ca cổ YÊU LẮM CÀ MAU

của Lê Thanh Tịnh, qua giọng ca Hoa Phượng:

Vũ Thị Hương Mai giới thiệu

Tác giả: Ngô Đức Hành -

Nguồn: facebook Ngô Đức Hành

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét