Vài lời nhân đọc RU NHỮNG TRĂM NĂM - Tác giả: Nguyễn Đỗ Lưu (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nhà thơ Nguyễn Đỗ Lưu)
VÀI LỜI NHÂN ĐỌC:
RU NHỮNG TRĂM NĂM
*
Mỗi con người sinh ra rồi vào đời với những hành trang khác nhau. Có người thích nghiệp binh đao, có người mê quyền anh, đá bóng, có người mơ thâu tóm sơn hà xã tắc vào vạt áo hoàng bào mà cai trị, có người yêu say lẽ sống và chấp nhận con đường "lập thân tối hạ thi văn chương". Trong hàng ngũ ấy có hậu duệ nhiều đời của Chử Đồng Tử là Chử Văn Long. Cái gốc gác của miền quê: Trai thì sông nước đò giang, gái lo bãi bờ trồng dâu, cấy lúa, chân quê và mộc mạc đến dịu hiền.
Kể từ tập thơ "Nguồn yêu thương", "Tán bàng góc phố" đến "Bông hồng bỏ quên" và bây giờ là tập thơ "Ru những trăm năm". Chử Văn Long chuyên cần như người phơi ngô phơi thóc, chọn những hạt vàng, hạt mẩy của mùa màng mà nhân nên chữ nên trang. Trong mỗi hạt chát mặn mồ hôi của người thấm đất:
Ước gì sống đến trăm năm
Để ru mặt đất nhọc nhằn sớm khuya...
Điều ước ấy của Chử Văn Long thật là dung dị, anh đã hoà tan trăn trở của mình với người lao động trở trăn.
Ở sách nho học có cụm tam từ "Đắc nhân tâm" ý nói là người được cái tâm, thì sống có đạo. Người nào có tâm và đạo sẽ nhìn ra tối, sáng, khổ đau. Chử Văn Long dường như anh không chỉ có nhìn đời một cách sâu xa, mà còn đọc được cả cõi trần luân, khổ hạnh, vẫn sống, vẫn yêu, tin đời, hy vọng đời:
Đời người có, có không không
Bỗng như cơn gió qua lòng thoảng bay
Còn đây ông lão ăn mày
Ngửa vành nón đựng tháng ngày đi qua.
Bốn câu trên có thể liệt vào tuyệt bút của thi đàn thơ Việt. Mỗi chữ, mỗi dòng như nhói lên những thát cấu vào chốn phồn hoa nhung lụa và cũng là những mảnh vải vá cho những thân áo rách để bớt nỗi cơ hàn đầy vơi thế sự.
Bên mộ Hàn Mặc Tử anh nghĩ về trăng, hay anh nghĩ về Tử, một con người bất hạnh đến mức không còn chỗ để mà than mà đau nữa. Chỉ còn biết cầm bút khua vào trăng hét cười như điên dại. Chử Văn Long ngổn ngang giữa xót xa đứt nối, anh viết:
... Bao giờ cho hết buồn ơi
Trăng trên ghềnh Ráng còn soi đứt lòng
Người nằm dưới mộ biết không
Thơ người rải khắp buồn trong đất trời.
Đôi lúc Chử Văn Long cũng cho người đời thảng thốt những câu đùa, cười ngỡ nẫu nà gan ruột, của cái nghiệp kinh doanh:
Bạn tôi ngồi bán hoa tang
Hôm nay chẳng có khách hàng tới mua
Đường chiều nắng tắt, người thưa
Mấy vòng hoa ế ngẩn ngơ bên đường
Hoa không bán được bạn buồn
Tiền lưng thì hết, gạo hòm thì vơi
Nhưng ai mà dám mong trời
Bắt ai chết sớm, bạn tôi đắt hàng.
Thật là lãng mạn. Đôi lúc hồn thi sĩ cũng đáng tức cười. Nếu như kẻ vô công rồi nghề, hơi ốm đau một tí là đã rên như sấm dậy. Đằng này thi sĩ ốm lại nằm nghĩ vẩn vơ, thường người chân mây, góc bể. Có phải đây cũng là thang thuốc huyền diệu chăng?
Một mình nằm ốm ở nhà
Bỗng dưng thương nhớ rộng ra chân trời
Nhớ người mãi cõi xa xôi
Thương người từ những kiếp người lênh đênh...
Mà đâu họ có biết mình
Ốm đau nằm khểnh gửi tình bốn phương.
Đọc Chử Văn Long "Ru những trăm năm" tôi gấp sách lại, song cứ trĩu nặng một cảm giác u buồn của tầng trang nhân thế. Mỗi con chữ như có phần tóc bạc của anh xoà vào làm già dặn thêm ý thơ đã hằn sâu, lại hằn sâu hơn nữa cái bắp teo của người lao động, năm tháng gánh kiếp truân chuyên xiêu đổ nhọc nhằn, gồng cong số phận.
*.
Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 1997
NGUYỄN ĐỖ LƯU
Địa chỉ: Phòng 86 tổ 9, phố Vĩnh Hưng,
quận Hoàng  Mai, thành phố Hà Nội.














.
  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email thanhlam.tho@gmail.com ngày 05.08.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..  

0 comments:

Đăng nhận xét