DOANH NGHIỆP VỚI THỊ TRƯỜNG - MỘT CUỐN SÁCH ĐÁNG ĐỌC - Tác giả: Giáp Kiều Hưng (Bắc Giang)

Leave a Comment

“DOANH NGHIỆP VỚI THỊ TRƯỜNG”

- MỘT CUỐN SÁCH ĐÁNG ĐỌC!

*

- Tác giả Giáp Kiều Hưng, làm việc ở Ban Biên tập - Biên dịch Công ty Văn hóa Bảo Thắng từ tháng 12 năm 1999, đến tháng 12 năm 2003, anh xin thôi việc ở Công ty Văn hóa Bảo Thắng về làm Biên kịch cho Hãng phim Đông A của Nghệ sỹ Ưu tú, Đạo diễn Trần Lực.

- Ảnh từ phải sang trái: Trần Thị Thái Loan, Nguyễn Đắc Quân, Giáp Kiều Hưng, Bùi Thanh Hà, Đặng Xuân Xuyến, Lê Huy Hảo, Trần Văn Sáu tại Ban Biên tập-Biên dịch Công ty Văn hóa Bảo Thắng 344 Đường Láng, Đống Đa, Hà Nội ngày 07/01/2002. -

 

Để tìm một cuốn sách về kinh nghiệm làm giàu thật hay thực sự không phải là một điều dễ dàng, mặc dù trong tủ trưng bày ở các nhà sách loại sách này chất cả đống với những cái tên đầy “kích thích”. Nhưng, ở đây, chúng tôi muốn giới thiệu một cuốn sách mà theo cảm nhận của chúng tôi, mỗi một dòng, một chữ đều bật ra trong tâm huyết, từ máu thịt của người viết như những lời “tâm sự” “gan ruột”.

Cuốn sách bao gồm hai phần. Phần thứ nhất, tác giả hệ thống cho bạn đọc những kiến thức rất cơ bản của một nhà kinh doanh về thị trường. Đối với những ai đã từng qua các “cua” đào tạo về quản lý kinh tế hay đã từng đeo “mác” sinh viên các trường kinh tế thì những kiến thức như thế này không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên để nghĩ cho sâu, hiểu cho kỹ thì không phải ai cũng làm được vì sự phong phú của thị trường. Chính người viết cũng rất khiêm tốn khi viết: “Người viết không có tham vọng trình bầy hết những vấn đề của thị trường hoặc liên quan đến thị trường bởi tính muôn màu muôn vẻ của thị trường, bởi tính biến đổi (nhu cầu và thị hiếu) không ngừng của thị trường”. Ở đây, tác giả “xoáy” váo ba vấn đề chính:

- Tìm hiểu thị trường

- Chiếm lĩnh thị trường

- Các chiến thuật chiếm lĩnh thị trường

Đây là những nguyên tắc, những điều nên làm và thật cần đối với các doanh nghiệp. Cái “được” mà tác giả xây dựng được trong phần này của cuốn sách là đã “mềm hoá” được những kiến thức kinh tế vốn không mấy “dễ tiêu” đối với người đọc. Vì lẽ đó mà nhiều bạn đọc đánh giá sách của Đặng Xuân Xuyến không nặng về lý thuyết. Nhưng theo chúng tôi, có lẽ đó là cảm nhận của cả hai phần vì ở phần thứ hai của cuốn sách có rất nhiều lời khuyên hữu ích đối với các doanh nhân trẻ mà những lời khuyên này xuất phát từ những điều tâm huyết của người viết khi chiêm nghiệm cuộc sống, chiêm nghiệm quá trình kinh doanh của bản thân cũng như của những doanh nghiệp thành đạt trên thương trường. Điều đáng ghi nhận là Đặng Xuân Xuyến đã không truyền đạt những lời khuyên ấy theo lối “dội” từ trên xuống mà lời lẽ rất chân tình, giản dị nhưng không kém phần mãnh liệt, thổi vào người đọc một luồng cảm hứng cháy bỏng về khát vọng làm giàu. Hãy nghe: “Tôi thành thật mong bạn đừng bao giờ chấp nhận cuộc sống an phận thủ thường, đừng bao giờ bằng lòng với những gì đã có vì cái chất người như vậy không bao giờ giúp bạn trở thành ông chủ được đâu” (Khát vọng làm giàu). Và “hãy mạnh dạn xắn tay áo lên mà miệt mài công việc! Hãy trau dồi kiến thức và mở rộng các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội!” (Thời cơ). Đọc những dòng này, người đọc sẽ rất có cảm tình về khát vọng làm giàu, khát vọng xây dựng cuộc sống, sự nghiệp của chính bản thân người viết. Không trăn trở, không “đau đớn” về cái khát vọng làm giàu của mình thì Đặng Xuân Xuyến không thể bật lên khẩu hiệu đầy lôi cuốn như thế. Cứ cho rằng bạn là người bàng quan với của cải, vật chất nhưng tôi tin bạn là người trọng danh dự và bạn sẽ cảm thấy mình bị thua kém khi đứng cạnh những người bạn thành công trong kinh doanh. Và khi ấy bạn có chắc chắn rằng mình sẽ không có một chút tị hiềm nào trong lòng? Ở đây, Đặng Xuân Xuyến khuyên chúng ta rằng: “đừng nhìn vào cách tiêu tiền của họ mà hãy nhìn vào cách kiếm tiền của họ”. Nhìn để mà học, mà học thì chắc chắn để làm việc rồi. Có nghĩa, bạn phải là con người của hành động!

Với 10 đề mục trong phần hai của cuốn sách, bên cạnh việc thôi thúc, kích thích khát vọng làm giàu của bạn, Đặng Xuân Xuyến còn truyền đạt rất nhiều những kinh nghiệm trong thực tiễn kinh doanh. Điều này thể hiện chủ yếu ở ba đề mục:

- Chính sách dùng người.

- Đánh giá khách hàng.

- Giao dịch - tiền đề của thành công.

Tất nhiên, tác giả không quên nhắc đến “kẽ hổng trong quản lý vốn” – một trong những tiền đề cơ bản khiến cho doanh nghiệp… phá sản! Đọc những mục này, tất cả những chiêu thức quan trọng của các nhà lãnh đạo trong việc quản lý nhân sự, đánh giá khách hàng và giao dịch với đối tác, tác giả đã phân tích từng chi tiết nhỏ giúp cho người đọc dễ hình dung ra “chiến trường” của mình hơn. Ở đây, tác giả đã giúp đọc giả làm công việc gian khổ, khó khăn nhưng cũng thú vị nhất đó là hiểu rõ cả “địch” và “ta”. Bạn có thể hiểu mình nhưng bạn đâu biết hết được tâm lý của mọi đối tác. Không phải là quá khen nhưng công lao nghiên cứu của tác giả trong lĩnh vực tâm lý kinh doanh quả là không thể phủ nhận. Tất nhiên, khi đã khẳng định được danh tiếng của bạn thì không thể không tính chuyện khuếch trương danh tiếng ấy lên và Đặng Xuân Xuyến cũng không quên gởi đến độc giả những kiến thức trong vấn đề quảng cáo rất cần thiết cho các doanh nghiệp trong thực tiễn.

Bên cạnh phần chính của cuốn sách, hai phụ bản là “Vài lời về bốn tể tướng đại tài trong lịch sử Trung Quốc” và “Đôi điều về bốn danh tướng vang bóng một thời trong lịch sử Trung Hoa” của cùng tác giả Đặng Xuân Xuyến là một món quà khá thú vị. Đây có lẽ chính là điểm nhấn để chúng ta tin sự uyên thâm của Đặng Xuân Xuyến là… Đặng Xuân Xuyến. 

Bạn có thể không tâm đắc với những điều mà cuốn sách này đặt ra, thậm chí bạn còn hiểu ngược lại vì mỗi người có một quan điểm riêng, thủ pháp riêng trong kinh doanh. Chính tác giả cuốn sách này cũng chỉ khiêm tốn mong muốn: “Cuốn sách sẽ giúp bạn có một khái niệm cụ thể về thị trường và doanh nghiệp; có thể bạn là người đang chuẩn bị bước vào công cuộc kinh doanh thì Doanh nghiệp với thị trường sẽ làm tốt khâu “chuẩn bị” nắm bắt được một số nguyên lý cơ bản để an tâm bước vào nghiệp chủ; còn nếu bạn đã là một doanh nghiệp thực thụ và tài ba thì với hai trăm trang sách này, chí ít sẽ trút bỏ được một số sai lầm đáng tiếc sẽ xảy ra trong cuộc đời kinh doanh của bạn”. Vâng! Tư tưởng đặt ra rất lớn cho tác phẩm - tư tưởng ấy là dành cho bạn đọc - nhưng mong muốn của tác giả thì lại giản đơn như vậy.

Dẫu sao, sau khi đọc xong hai trăm trang sách của Đặng Xuân Xuyến, tôi biết mình đã phần nào chịu ảnh hưởng tư tưởng của anh chàng quá nhiều tham vọng này.

Chẳng biết sự ảnh hưởng ấy có… hại không?

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

Hà nội, ngày 15 tháng 10 năm 1999

GIÁP KIỀU HƯNG

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.

- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét