CHUYỆN SẾP YẾU KÉM VỀ QUẢN LÝ - Tác giả: Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
Chuyện về sếp 
YẾU KÉM VỀ QUẢN LÝ
*
Đó là trường hợp Sếp của chị gái tôi. Từ lâu, trong nội bộ công ty chị, mọi người vẫn hay thì thầm với nhau: “Sếp mình dễ tính không ai bằng”. Tuy nhiên, dù biết rõ mười mươi nhưng chẳng ai “dại” gì mà góp ý với Sếp cả. Sếp sửa đổi thì tốt cho công việc nhưng chẳng ai được lợi gì. Vậy tội gì mà nói ra để người khác ghét cho?
Sếp thì cho rằng để nhân viên cảm thấy tự do, thoải mái trong công
(Tác giả Nguyễn Thị Hồng)
việc, không bị gò bó hay thúc ép gì thì trong lòng họ sẽ không cảm thấy áp lực và có thể phát huy hết khả năng của mình. Vì thế, Sếp của chị tôi chưa bao giờ để ý xem nhân viên có đi làm đủ hay không, vắng mặt vì lý do gì, hay làm gì trong giờ làm việc… Trong khi đó, thấy Sếp dễ dàng quá thì mọi người lại bắt đầu bê trễ công việc và tranh thủ giờ làm việc để làm việc riêng. Chẳng lẽ mình lại làm việc say sưa trong khi người khác chơi? Tám giờ vàng ngọc ở công ty thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng thì thầm như:
- Ra chợ một tý nhá!
- Đi uống cà phê đi, buồn ngủ quá!
- Tao vừa mua được cái áo mới đẹp và rẻ lắm! Xem không?
- Chơi cái trò Pikachu này thế nào ấy nhỉ? Dạy tôi với để hai ta thi đấu xem sao…
Nhưng cứ thấy bóng Sếp từ xa là y như rằng, ai nấy mắt chăm chú nhìn lên màn hình máy vi tính, hai tay gõ bàn phím và làm ra vẻ như đang làm việc hăng say lắm.
Có lẽ mọi việc vẫn cứ tiếp diễn như vậy nếu không có một hôm…
Chị tôi kể lại rằng: Hôm ấy, Sếp có công việc phải đi trong buổi sáng. Vừa thấy Sếp lên xe là nhân viên bắt đầu tự do “hoạt động” người đi chợ, người tranh thủ chợp mắt, vài ba người rủ nhau đi uống cà phê. Vậy là trong công ty chỉ còn lại một nhân viên trực điện thoại đang ngủ gà gật và một cậu mới đang dán mắt vào màn hình vi tính để chơi điện tử. Đột nhiên, Sếp xuất hiện ở cửa… Hóa ra do quên tập tài liệu nên Sếp phải quay về lấy.
Nhìn thấy cảnh ấy, nếu là Giám đốc công ty đó, bạn sẽ nghĩ gì?
- Lời bàn
Vừa mới vắng mặt có một lúc mà nhân viên đã mỗi người một ngả, văn phòng vắng hoe thì thử hỏi, làm sao Sếp lại có thể không tức giận khi nhìn thấy cảnh ấy cho được. Nhất là chẳng may lúc ấy lại có người bên công ty đối tác hoặc khách hàng đến làm việc thì không hiểu họ sẽ nghĩ gì về công ty. Liệu một công ty có cung cách làm việc như vậy có thể tin cậy được không? Chắc chắn người ta sẽ hồ nghi và e dè hơn khi làm việc với công ty bạn.
Các nhân viên, khi thấy Sếp không nói gì thì người nọ bắt chước người kia, tạo nên một môi trường làm việc rời rạc, uể oải và thiếu tinh thần trách nhiệm chung. Không ai chịu sửa đổi, chẳng ai chịu cố gắng và làm gương cho những người khác. và nếu Giám đốc cứ tiếp tục duy trì cách thức quản lý dễ dãi, không thiết lập quy định, điều lệ công ty và giám sát việc thực thi của các nhân viên thì chắc chắn việc kinh doanh của công ty sẽ gặp nhiều bê bối và trì trệ. Tự do nghỉ việc, dành thời gian làm việc riêng… mà không bị Sếp mắng, lại vẫn được nhận lương đầy đủ thì thử hỏi trong số chúng ta đây, ai còn muốn phấn đấu nữa làm gì phải không các bạn?
- Lời gợi ý:
+ Đối với cấp dưới
Sếp lơi lỏng quản lý, bạn cảm thấy mình thật là may mắn, chứ gặp mấy ông Sếp khó tính thì… Thế nhưng, đừng vội mừng! Sếp dễ tính bạn có nhiều cái lợi nhưng cũng không ít cái hại đâu
- Cái lợi
+ Bạn có thể đi làm muộn một chút, về sớm một chút hoặc trong giờ làm ra ngoài mà Sếp không hề hay biết.
+ Khi mệt mỏi hay công việc căng thẳng quá: bạn chơi điện tử, chát trên mạng, nghe nhạc, đi uống cà phê một lúc cũng chẳng sao. Sếp đâu có dò xét gì!
+ Bạn thoát khỏi áp lực trong công việc nên tâm lý làm việc cũng thoải mái hơn.
+ Đôi khi, ngồi tâm sự tào lao với bạn đồng nghiệp để giải tỏa căng thẳng, buồn phiền trong cuộc sống khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm, mà tình cảm đồng nghiệp lại càng thêm khăng khít.
Nói tóm lại, bạn cảm thấy thực sự thỏa mái vì được làm việc trong môi trường như vậy. Bạn thấy yêu mến đồng nghiệp và quý trọng Sếp hơn.
- Và… cái hại
+ Lâu dần, bạn sẽ trở thành một nhân viên không có giờ giấc, không tuân theo những khuôn khổ trong công việc. Nếu phải chuyển một môi trường làm việc mới, nghiêm túc và chặt chẽ về giờ giấc hơn, bạn sẽ cảm thấy gò bó, căng thẳng và chỉ muốn thoát ra.
+ Bạn mất dần khả năng tập trung vào công việc, mất đi nỗ lực phấn đấu, niềm đam mê công việc và mong muốn được thăng tiến. Gặp phải công việc áp lực cao, bạn sẽ dễ mất tinh thần và hay cảm thấy chán nản.
+ Còn nữa, thói “buôn dưa lê” sẽ dần trở thành thói xấu của bạn. Bạn có thể buôn chuyện bất cứ ở đâu, về bất cứ vấn đề gì: công việc, tình yêu, gia đình, thời trang, bạn bè… và rồi, ai dám đảm bảo rằng nhưng câu chuyện mà bạn tâm sự với đồng nghiệp không được thông tin đi khắp công ty?
Tự mỗi người không cố gắng tận dụng thời gian để làm giàu cho công ty thì làm sao có được lợi nhuận cao để có cơ hội lên lương? Con người trì trệ, công ty trì trệ thì chắc chắn bạn chẳng còn mong Sếp mình mãi dễ dãi nữa đâu.
+ Đối với cấp trên
Lơi lỏng quản lý đối với nhân viên là một điều tối kỵ của các nhà lãnh đạo giỏi, bởi họ hiểu hơn ai hết rằng làm như vậy cũng đồng nghĩa với việc tạo thói quen xấu cho nhân viên, ảnh hưởng xấu tới hiệu quả công việc và uy tín của nhà lãnh đạo.
Bởi vậy, nếu là một nhà lãnh đạo quá lơi lỏng trong quản lý thì bạn nên xem xét lại. Có thể vốn dĩ bạn là người dễ tính, có thể bạn cho rằng làm như vậy nhân viên sẽ không bị gây áp lực mà yên tâm làm việc và phát huy khả năng sáng tạo… Nhưng như vậy thật là sai lầm! Điều này chỉ khiến nhân viên coi nhẹ công việc, tranh thủ làm việc riêng và xem nhẹ lời nói của bạn. Tuy nhiên, quản lý chặt chẽ cũng không có nghĩa là suốt ngày giám sát, để ý từng hành động, lời nói, cử chỉ của họ, cũng không có nghĩa động tí thì mắng mỏ, quát tháo, hoặc trừ tiền lương… làm họ khiếp sợ nhưng không phục. Nghệ thuật quản lý nhân viên, vì thế, không phải Sếp nào cũng có thể làm được.
Thời xưa, nhà tư tưởng Trung Quốc - Lão tử đã đưa ra một phương pháp quản lý cao cấp gọi là “vô vị nhi trị”. Phương pháp này thực chất thì có vẻ như không làm gì nhưng hóa ra lại có làm. Nhà lãnh đạo áp dụng phương pháp này có vẻ như rất thoải mái với nhân viên nhưng lại khiến họ ý thức được rằng mình đang bị lãnh đạo, đang bị quản lý. Phương pháp này cũng đòi hỏi bạn là nhà quản lý có tầm nhìn bao quát và khả năng lãnh đạo từ trên xuống dưới. Nhân viên rõ ràng bị hạn chế về ý thức tự do - tự do trong khuôn khổ nhưng họ hầu như không cảm nhận được điều này. Đó mới là cái tài của Sếp, giúp hình thành nên mối quan hệ hài hòa giữa Sếp với nhân viên, từ đó khiến cho mọi người cùng phấn đấu nỗ lực làm việc và cùng có ý thức hướng về một mục tiêu đã đề ra. Nguyên tắc quản lý “vô vi nhi trị” này vẫn được coi trọng và vận dụng nhiều trong thời đại chúng ta. Khi đã lĩnh hội được tư tưởng của Lão Tử bạn sẽ có khả năng quản lý cấp dưới một cách tốt nhất.
Đặc biệt, việc quản lý những nhân viên có tài năng giỏi chuyên môn trong công ty lại càng khó khăn hơn nữa với Sếp. Những người này đúng là lực lượng chủ chốt của công ty, họ thực sự có tài. Bởi vậy, ý thức được điều này, họ cũng ra sức “làm mình, làm mẩy”, cậy có tài mà tự cao và kiêu ngạo. Hơn nữa, trong khi làm việc ở công ty bạn thì họ cũng có thêm một vài lời mời hấp dẫn từ các công ty khác. Nếu tỏ ra quá nuông chiều họ thì sẽ khiến uy quyền của bạn bị hạ thấp trong mắt họ, còn nếu xử lý không thích đáng hoặc quá gay gắt với mục đích “hù dọa” thì có thể sẽ khiến họ bỏ công ty mà ra đi thật. Vậy Sếp nên làm thế nào?
Họ có tài năng, có chủ kiến riêng lại không bị quản lý. Sếp phải thật sự sáng suốt trong cách nhìn nhận và quản lý đối với họ. Trước hết, bạn phải đặc biệt coi trọng việc thu nạp và giữ nhân viên tài làm việc trong công ty lâu dài, bởi điều này góp phần quan trọng vào sự phát triển của công ty trong tương lai. Bạn nên quản lý họ bằng cách giúp họ tu dưỡng nhân cách, sửa chữa khuyết điểm, hoàn thiện bản thân và luôn tâm niệm: “Phải coi cách nhìn nhận của nhân viên là cách nhìn của Sếp, thành công của nhân viên cũng chính là thành công của Sếp”. Bạn hãy coi những lời khuyên nhủ, chỉ bảo chân tình, lắng nghe ý kiến và nghiêm khắc phê bình khi họ mắc lỗi, làm cho các nhân viên giỏi nể phục mình và biết cách thưởng lương khuyến khích tinh thần làm việc của họ kịp thời chính là cách quản lý hiệu quả nhất.
Bạn cũng nên đưa ra các quy định, điều lệ riêng của công ty về giờ giấc, công việc, nghỉ phép… và buộc nhân viên phải tuyệt đối tuân thủ. Nếu quá bận rộn, bạn có thể giao trách nhiệm giám sát việc thực thi cho riêng một nhân viên. Ai mắc lỗi thì không kể đó là ai, hãy nghiêm khắc xử phạt để làm gương cho nhân viên khác. Sau đó, ngoài giờ làm, bạn nên dành thời gian trò chuyện với nhân viên cho gần gũi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và chia sẻ tâm sự với họ như những người thân trong gia đình. Cách quản lý theo kiểu “cương - nhu phối hợp” này sẽ làm cho nhân viên dưới quyền vừa nể phục vừa yêu mến bạn và hiệu quả công việc sẽ tăng rõ rệt. Ngoài ra, bạn cũng có cơ hội hiểu rõ nhân viên do mình quản lý về tính cách, con người, suy nghĩ và cuộc sống riêng của họ, từ đó mà có cách cư xử phù hợp với từng người.
Như bạn thấy đấy, không phải cứ quản lý lỏng lẻo, để nhân viên tự do, thoải mái là một cách hay. Để họ “tự do trong khuôn khổ” mới là cách quản lý hay nhất mà bạn nên học tập để tạo nên hình ảnh công ty “mạnh” thực sự cả về nhân lực, trí lực và điều kiện vật chất cũng như cơ sở hạ tầng. Đôi khi cũng phải tỏ rõ uy quyền của nhà lãnh đạo để họ luôn cảm thấy nể sợ Sếp, để họ phải có trách nhiệm với công việc được giao. Người lãnh đạo giỏi phải là người không bao giờ để nhân viên nắm được “gót chân A-sin” của mình. Bởi nếu biết được điểm yếu của Sếp, họ sẽ có cách thoát khỏi sự quản lý của bạn theo cách riêng của họ. Người lãnh đạo hãy “thả” mà vẫn giữ chắc tay “sợi dây” kỷ luật đối với cấp dưới nếu không muốn nhân viên lãng phí thời gian làm việc vào những chuyện riêng tư.
Mong bạn luôn là ông chủ tuyệt vời trong mắt cấp dưới!
*.                                      
NGUYỄN THỊ HỒNG
               …………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét