THỜ THỔ CÔNG
NHƯ THẾ NÀO?
*
Song song với việc
thờ phụng tổ tiên, các gia đình người Việt thường có tập tục thờ phụng Thổ
Công, được coi là vị thần trông coi gia cư, định đoạt hoạ phúc cho các gia
đình.
a. Bàn thờ Thổ Công:
Người Việt thường
đặt bàn thờ Thổ Công ở gian bên, cạnh bàn thờ tổ tiên. Nếu gia đình nào không
có bàn thờ tổ tiên thì bàn thờ Thổ Công được đặt ở gian chính giữa nhà.
Bàn thờ Thổ Công
bao gồm hương án kê liền với hậu tường gian nhà.
Trên hương án có
chiếc mâm nhỏ tương tự như trên bàn thờ gia tiên. Đằng sau chiếc mâm này là bài
vị Thổ Công hoặc được thay bài vị bằng ba chiếc mũ, hai mũ đàn ông ở hai bên,
còn mũ đàn bà đặt ở chính giữa.
Nhưng cũng có nơi,
có gia đình lại đặt bàn thờ Thổ Công trong bếp vì suy luận là thể hiện tín
ngưỡng của dân gian với mong muốn vị thần cai quản chuyện bếp núc sẽ phù hộ cho
bếp lửa gia đình luôn được ấm cúng, nhà cửa được êm đẹp, gia đạo được thuận
hòa, sung túc.
Việc thờ cúng Táo
Quân ở mỗi gia đình cũng khác nhau, có gia đình chỉ đặt ngay bên cạnh bếp
một lư hương nhỏ (thờ ông Táo) để thắp nhang mỗi ngày là đủ, nhưng có gia đình
đặt bàn thờ ông Táo bằng cách làm một bệ thờ đơn giản, tiện dụng, cao hơn so
với mặt bếp, tại góc ít sử dụng để tránh va chạm. Có gia đình cẩn thận hơn còn
gắn phía dưới đáy tủ treo một tấm kính để ngăn khói nhang không làm ố vàng, khi
cần tháo ra lau chùi dễ dàng.
Dù đặt ban thờ ông
Táo ([1]) ở đâu thì hướng của bàn thờ cũng nên trùng với hướng của
bếp (hoặc song song với hướng của bếp) và không quá xa bếp nấu, cũng không
được nằm trên bồn rửa vì bồn rửa thuộc hành Thủy khắc với ông Táo thuộc
hành Hỏa.
Nếu phía trên bếp
nấu ăn không đủ chỗ để đặt ban thờ các vị thần (Táo Quân) thì đặt ở góc nhà bếp
phía Nam, vì ngũ hành Táo quân thuộc "Hoả", nên ban thờ Táo quân cần
được đặt ở phía Nam "Hỏa" vượng.
Còn các phương vị
thuộc Thủy, nhất là hướng Bắc, tuyệt đối kiêng kỵ đặt ban thờ ông Táo ở đó, vì
nếu đặt ban thờ Táo Quân ở vị trí đó sẽ bất lợi cho gia chủ do xung khắc ngũ
hành (Thủy khắc Hỏa) gây ra.
b. Bài vị Thổ Công:
Tại bàn thờ Thổ
Công người ta không chỉ thờ một vị thần mà ở đây là ba vị thần với ba danh hiệu
khác nhau: Thổ Công trông nom việc trong bếp, Thổ Địa trông nom việc trong nhà,
Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa hoặc việc vườn đất, cây cối.
c. Mũ Thổ Công:
Cỗ mũ Thổ Công gồm
ba chiếc (một mũ đàn bà, hai mũ đàn ông) hoặc một chiếc mũ đàn ông. Cỗ mũ được
đặt trên chiếc kệ bằng giấy. Mỗi chiếc mũ có kèm theo chiếc áo và một đôi đũa
dính vào kệ giấy. Dưới mỗi chiếc mũ thường kê một vài trăm vàng thoi.
Mũ, áo và lụa Thổ
Công mỗi năm một màu, theo ngũ hành:
Năm hành Kim mũ màu
vàng.
Năm hành Mộc, mũ
màu trắng.
Năm hành Thuỷ, mũ
màu xanh.
Năm hành Hoả, mũ
màu đỏ.
Năm hành Thổ, mũ
màu đen.
Tương tự như bài vị
thổ công, hằng năm mũ được đem hoả thiêu vào ngày tết táo quân và được thay thế
bằng cỗ mũ khác và được thờ cho đến 23 tháng chạp năm sau.
d. Cúng Thổ Công:
Người Việt ta cúng
Thổ Công vào những ngày tết, sóc, vọng… Thường là trong ngày sóc, vọng người ta
cúng đồ chay, đồ cúng chỉ có giấy vàng, giấy bạc, trầu nước, hoa quả. Chỉ những
ngày giỗ hoặc lễ tết quan trọng người ta mới cúng lễ mặn. Cúng lễ mặn phải có
rượu, đồ lễ và xôi, gà hoặc chân giò ....
Lễ cúng Thổ Công
hằng năm quan trọng nhất là tết Ông Công vào ngày 23 tháng chạp âm lịch.
Theo quan niệm của
người Việt, ngày 23 tháng chạp là bộ ba Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ lên trời để
trình báo với Ngọc Hoàng mọi sự việc trong gia đình (do bộ 3 Thổ Công cai quản)
năm qua. Người ta quan niệm rằng Thổ Công có nhiệm vụ ghi chép những sự kiện
xảy ra trong gia đình kể cả tốt lẫn xấu một cách khách quan. Đến ngày tết ông
Công, Thổ Công lên chầu thượng đế để báo cáo những sự việc mà mình đã ghi chép.
Chính vì vậy, trong ngày 23 tháng chạp người ta dâng cúng ông Công một con cá
chép. Khi cúng xong, con cá được thả ra sông hoặc ao, khi đó con cá sẽ hoá rồng
rồi đưa ông Công lên trời.
Khi cúng Ông Công
(ngày 23 tháng Chạp) người ta đồng thời hoá vàng cả cỗ mũ năm trước, gồm có mũ,
áo, hia và vàng, cùng với tiền (âm phủ) vừa dâng lễ.
[1] Theo truyền thuyết người Việt, Táo quân là chức Ngọc
Hoàng thượng đế trao cho ba ngươi có mối tình thâm nghĩa nặng: nàng Thị Nhi và
hai chàng Trọng Cao, Phạm Lang.
Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn
nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Trọng Cao hay
kiếm chuyện xô xát dằn vặt vợ.
Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Trọng Cao gây
thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Thị Nhi bỏ nhà, lang thang đến một
xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng.
Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân
hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Ray rứt và nhớ quay quắt, Trọng Cao lên đường
tìm kiếm vợ.
Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết
tiền, Trọng Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, may cho Trọng Cao,
tình cờ tìm xin ăn đúng nhà của Thị Nhi, nhằm lúc Phạm Lang đi vắng. Thị Nhi
sớm nhận ra người hành khất thân tàn ma dại đúng là người chồng cũ của mình.
Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Trọng Cao. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Thị Nhi
sợ chồng nghi oan, nên giấu Trọng Cao dưới đống rạ sau vườn.
Chẳng may, đêm hôm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt
đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, biết Trọng Cao ở trong đó, Thị Nhi
lao mình vào tính cứu Trọng Cao ra. Thấy Thị Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang
thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.
Trên thiên đình, Ngọc Hoàng thượng đế, biết cả
ba người đều thật lòng thương nhau, mới cho họ ở cùng một chỗ và làm Táo quân,
quấn quýt bên bếp hồng.
Mỗi năm vào cuối ngày 23 tháng chạp, Táo phải
về trời tâu việc lành dữ của thế gian và chiều 30 tháng chạp lại từ cõi trời
trở lại thế gian lo công việc cũ.
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
khoa Phong Thủy0
- Các bài viết về
khoa Tướng thuật0
.
Mời thư giãn với
nhạc phẩm NẮNG CÓ CÒN XUÂN
của Đức Trí, qua tiếng hát nhóm V.Music:
(Trích từ: TÌM HIỂU VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG TRONG DÂN GIAN của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà Xuất bản Thanh Hóa 2007)
0 comments:
Đăng nhận xét