CHUYỆN VỀ SẾP THIẾU TÁC PHONG CỦA MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO - Tác giả: Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
Chuyện về sếp 
THIẾU TÁC PHONG LÃNH ĐẠO
*
Có rất nhiều cách để thể hiện tư thế của một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp. Thế mà…Sếp của Vân thì lại chẳng hề có một chút phong cách lãnh đạo nào cả. Trong mắt nhân viên, Sếp là một người ít quyết đoán, hay cả nể và rất thích bàn công việc…trên bàn nhậu.
Buổi sáng, Sếp có thói quen gọi điện cho vài nhân viên thân tín ra
(Tác giả Nguyễn Thị Hồng)
quán cà phê tán gẫu với mình. Lúc cao hứng, Sếp có thể bàn luận chuyện thời sự, chính trị đến tận 9 - 10 giờ sáng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi cần đưa ra những quyết định quan trọng thì Sếp rất hay trù trừ và thiếu quyết đoán. Đặc biệt, đối tác nào hiểu ý Sếp thì chỉ cần mời Sếp một cuộc nhậu ra trò là y như rằng hôm ấy, muốn ký hợp đồng gì thì Sếp cũng “ôkê” hết, đề đạt nguyện vọng gì Sếp cũng đồng ý hết. Cũng chính vì như thế mà công ty của Vân có lần suýt phá sản chỉ vì Sếp đồng ý bán giúp công ty bạn một lô hàng đã quá hạn sử dụng và bị đội quản lý thị trường phát hiện. Bị phạt đã đành nhưng sau lần ấy, uy tín của công ty cũng bị giảm sút đáng kể.
Dần dần, mọi người trong công ty Vân tỏ ra coi thường Sếp và hay túm năm tụm ba nói xấu Sếp. Có người chán phong cách làm việc của Sếp thì đâm đơn xin nghỉ việc để tìm chỗ làm mới tốt hơn. Có lần, công ty có ý định bổ xung nhân sự mới sau khi hết hạn nộp hồ sơ, Vân đem chồng hồ sơ dày cộp lên trình Sếp duyệt thì ngay lập tức, Sếp xua tay và nói: “Nhiều thế này tôi đọc bao giờ cho hết? Có bao nhiêu việc đây này. Cô cứ xem qua xem cậu nào khỏe mạnh, nhanh nhẹn là nhận vào được. Không phải qua phỏng vấn, phỏng viếc gì cho mất thời gian”.
Vân nghĩ: “Kỳ lạ thật, Việc tuyển nhân sự là việc hệ trọng, liên quan đến sự hưng vong của công ty, vậy mà Sếp lại không hề chú trọng. Chỉ xem hồ sơ rồi tuyển mà không hề phỏng vấn thì dễ để lọt nhân tài lắm chứ? Có khi người giỏi không tuyển lại tuyển toàn người vớ vẩn thì nguy…” Đợt ấy, tuy Sếp nói chỉ cần lọc hồ sơ nhưng mọi người trong công ty vẫn lén tổ chức phỏng vấn đàng hoàng nên mới chọn được hai người giỏi thực sự vào làm việc.
Càng ngày, Vân càng thấy không thể hiểu nổi tại sao Sếp cô lại không hề có một chút tác phong của nhà lãnh đạo như vậy? Ra các công ty khác hay nghe các bạn cô kể về Sếp của họ, sao mà cô thấy toàn những người lịch lãm, giỏi giang, khôn khéo và quyết đoán đến thế. Họ lúc nào cũng đặt lợi ích chung của công ty lên hàng đầu và tỉnh táo trước mọi lời dụ dỗ, xu nịnh… Thảo nào công ty người ta ngày càng phát triển trong khi công ty cô mãi dậm chân tại chỗ, không phát triển được mà Sếp vẫn tỏ ra rất hài lòng về bản thân (!) Nhìn những nhân viên khác lần lượt rời bỏ công ty ra đi, cô vẫn thầm ước sao Sếp tự nhận ra và biết cách làm mới mình, nếu không một ngày nào đó, cô cũng phải làm cái việc bất đắc dĩ ấy: Xin nghỉ việc.
- Lời bàn
Với một ông chủ như vậy thì việc nhân viên không phục và muốn nghỉ việc là điều rất dễ hiểu. Vì một chén rượu mà Sếp có thể phóng tay ký các hợp đồng mà không cần suy xét cái lợi, cái hại đối với công ty ra sao thì thật là đáng sợ. Người lao động làm sao dám tin tưởng giao tương lai lâu dài của họ cho một người lãnh đạo như thế được?
Hơn nữa, Sếp tỏ ra chểnh mảng và vô trách nhiệm ngay cả trong việc tuyển người, tuyển những “hạt nhân” cho công ty mà bạ ai “khỏe mạnh, nhanh nhẹn” là được thì còn những tiêu chí khác như: trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm làm việc, tư cách, tác phong… thì sao? Ngay cả những điều sơ đẳng ấy mà người lãnh đạo cũng không làm được thì làm sao tạo dựng nên uy tín và hình ảnh đẹp trong lòng nhân viên đây?
Nghiêm trọng hơn nữa, ông chủ này còn không hiểu biết gì về pháp luật nên mới dám bán lô hàng đã quá hạn sử dụng hộ công ty bạn mà không cần biết đến mối nguy hại tự mình chuốc lấy sau này. Và hậu quả là công ty vừa phải nộp phạt mà uy tín lâu nay cũng vì một chút bốc đồng của Sếp mà tan thành mây khói. Tương lai của các nhân viên và vận mệnh của cả công ty, nếu giao vào tay những người như vậy thì làm sao mà có thể yên tâm được? Thế nên, cũng thật dễ hiểu khi mọi người lần lượt, không ai bảo ai, tự mình quyết định tìm một môi trường làm việc mới. Đó là một quyết định hoàn toàn sáng suốt và hợp lý nên không thể trách họ được
Để tìm lại được những nhân viên tận tụy và giỏi giang thì Sếp của công ty Vân phải tự thay đổi mình, phải học cách trở thành một nhà lãnh đạo vững vàng, chín chắn và biết điều hành công ty phát triển ngày một tốt hơn. Vì thế, muốn trở thành Sếp cũng cần phải có bản lĩnh.
Lời góp ý
+ Đối với nhân viên
Khi đi làm, bạn luôn mong muốn làm việc dưới sự dẫn dắt của một ông chủ giỏi giang, biết cách quản lý và điều hành công việc. Có như vậy, bạn mới trau dồi được nhiều kinh nghiệm, học hỏi được nhiều điều và có khả năng thể hiện năng lực của bản thân. Thế nhưng, nếu không may phải làm việc cho một ông chủ thiếu tác phong của nhà lãnh đạo (như trường hợp của Vân) thì bạn phải làm sao? Gặp tình huống như vậy, nhân viên thường giải quyết theo 3 cách
+ Lập tức rời bỏ công ty?
Bạn muốn tìm một cơ hội mới tốt hơn cho mình trong một môi trường mới và ông chủ mới tốt hơn, điều đó là hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng, đừng vội vàng ra đi nếu chưa tìm được công việc mới thay thế. Thà làm việc cho một ông chủ tồi còn hơn thất nghiệp. Bạn hãy nên nhớ kỹ điều này và chỉ nên ra đi khi đã chắc chắn có một chỗ làm mới.
+ Ở lại làm việc và mặc kệ Sếp muốn làm gì thì làm
Đây cũng không phải là cách hay. Nếu bạn đã quyết tâm ở lại làm việc, tức là bạn phải luôn tâm niệm rằng: làm việc cho công ty cũng chính là làm giàu cho bản thân. Vậy nên, nếu cứ để Sếp muốn làm gì thì làm thì trong tương lai, hy vọng công ty phát triển hơn của bạn là điều không tưởng. Nếu bạn cứ để “nước chảy bèo trôi”, không tham gia góp ý với Sếp thì cho dù hôm nay hay ngày mai, Sếp bạn vẫn sẽ không thay đổi gì đâu. Và đến lúc ấy, bạn đừng có hối tiếc đấy nhé?
+ Ở lại làm việc và nỗ lực hết mình vì lợi ích công ty
Bạn quyết định ở lại và giúp Sếp chấn chỉnh bản thân để công ty đi lên? Đó là một ý định rất tốt đẹp và đáng hoan nghênh nhưng cũng đòi hỏi bạn phải có đủ tự tin, bản lĩnh cũng như thời gian. Việc thay đổi suy nghĩ, tính cách của một người không phải có thể một sớm một chiều là làm được. Bạn nên kiên trì mỗi ngày góp ý với Sếp một ít và phải biết cách nói khéo để Sếp hiểu ra nhưng lại không phật ý, Một khi Sếp đã trở thành một con người mới thì sợ gì công ty không phát triển phải không bạn?
Tuy nhiên, đối với ông chủ biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân viên thì bạn còn có hy vọng làm được điều này. Còn nếu Sếp là người không chỉ thiếu tác phong của nhà lãnh đạo mà còn bảo thủ thì sao? Thế thì đương nhiên, lúc này bạn nên quay về với cách thứ nhất: Dời bỏ công ty ngay khi còn chưa muộn.
+ Đối với Sếp
Bạn có phải là một ông chủ có nhiều nét tính cách như Sếp của Vân trong câu chuyện vừa rồi không? Nếu có thì bạn chưa thể là một nhà lãnh đạo giỏi được. Muốn trở thành ông chủ thì trước tiên bạn phải rèn luyện được tác phong, tư thế, phẩm chất của người “đứng mũi chịu sào” của công ty. Bởi vì bạn chính là người đại diện cho “bộ mặt” của công ty, là người đứng ra chịu trách nhiệm giao dịch, đàm phán, ngoại giao… với các công ty đối tác. Người ta sẽ nhìn vào bạn để đánh giá về toàn công ty, về khả năng tài chính, độ tin cậy, uy tín và đội ngũ nhân viên của bạn. Vậy nên, để trở thành một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp bạn nên chú ý những điểm cơ bản sau:
+ Duy trì và làm cho hình ảnh của công ty ngày càng đẹp lên trong mắt đối tác.
+ Biết cách đối xử, ngoại giao với từng đối tượng cụ thể.
+ Biết tạo nên phong cách riêng, giữ cho mình luôn vững vàng, thông minh, sáng tạo và khôn khéo trong khi xử lý công việc
+ Luôn đặt lợi ích công ty lên hàng đầu khi đàm phán với đối tác.
+ Quản lý, sử dụng nhân viên vào các vị trí thích hợp, đồng thời chú trọng việc tuyển chọn nhân viên mới, không quên quy định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm đối với từng người
+ Không nên tùy tiện quyết định những việc hệ trọng của công ty mà không đem ra bàn bạc để lấy ý kiến của tập thể.
+ Biết nói không với những yêu cầu giúp đỡ của công ty khác vượt quá khả năng của công ty bạn hay ảnh hưởng đến lợi ích chung của công ty
Không ai có thể giúp bạn được mà phải tự chính bạn nỗ lực hết mình để hoàn thiện bản thân. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, nếu bạn quyết tâm rèn luyện mình trở thành nhà lãnh đạo chuyên nghiệp thì chắc chắn một ngày không xa, ban sẽ làm được điều ấy. Và cũng chỉ có cách này mới giúp bạn lấy lại uy tín trong công ty cũng như lấy lại hình ảnh đẹp của bạn trong mắt cấp dưới. Hãy chứng tỏ mình là một người có tố chất của nhà lãnh đạo và có thể “chèo lái con thuyền” công ty vượt qua mọi sóng gió thì nhân viên mới nể phục bạn và quyết tâm làm việc lâu dài với bạn. Hãy luôn nhớ tới bí quyết thành công của các nhà lãnh đạo tài ba để tự đúc rút ra bài học cho riêng mình.
*.                                      
NGUYỄN THỊ HỒNG          
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

0 comments:

Đăng nhận xét