(Nguồn ảnh: Internet) |
10
ĐIỀU TÂM NIỆM
KHI GIẢI ĐOÁN SỐ TỬ VI
*
(Tác giả Lê Trung Hưng) |
Khoa học Tử Vi theo truyền thuyết thì phát sinh từ đời
nhà Tống (Trung Hoa) và do Trần Đoàn hiền triết phát huy thành hệ thống lý học,
để rồi sau đó được các thế hệ nối tiếp vừa đóng góp nghiên cứu, vừa quảng bá nhân
gian như một khuynh hướng tiên tri các hoạt động của mỗi con người. Xã hội Á
Đông xưa trọng kẻ sĩ hơn hết thảy:
- Dân hữu tử, sĩ vi chi tiên
Mẫu người đại nhân phải hội đủ các yếu tố hơn đời và hơn
người qua sự tinh thông nho, y, lý số. Trong khi đại đa số quần chúng lo sinh
nhai bằng cách sinh hoạt trên căn bản nông nghiệp, thì giới sĩ phu miệt mài
bằng các suy tư nhân linh của đạo học Đông Phương, lấy tĩnh trạng làm căn bản
biện chứng cho các động trạng. Hai chiều hướng trái ngược:
- Đa số: Động trạng - Tĩnh trạng
- Thiểu số: Tĩnh trạng - Động trạng
Làm cho khoa lý học Tử Vi trở thành huyền học và tệ hơn
nữa là thành đạo thuật mưu sinh của của những " bậc đại nhân nửa chừng
xuân " vì tham vọng cho cá nhân. Nhãn quan chung của nhân gian, xưa đến
nay một phần bị mê hoặc bởi các thuật sĩ, một phần chịu ảnh hưởng triết lý nhị
nguyên của Tây Phương (qua cố gắng nhiệt thành của các quan Tây Phương cai trị
thời pháp thuộc), nhìn môn Tử Vi như một kiến thức của óc mê tín, chỉ một vài
năm gần đây, giới trí thức mới đang kiếm các phục hồi cho khoa Tử Vi bằng những
nổ lực của luận lý, là đem kỹ thuật của Tây Phương giải thích sáng tỏ một phần
góc cạnh " áo bí " của khoa học nhân văn này. Trong tinh thần mới ấy,
khoa Tử Vi không thể chỉ nghiên cứu bằng những mẫu chuyện truyền khẩu, bằng
những câu phú thực nghiệm trải qua thời gian đã bị tam sao thất bổn : mà phải
vận dụng tinh thần tinh tế của lý học hiện đại đồng thời vẫn lấy căn bản "
dịch lý " của Đông Phương làm nền tảng phán đoán. Nếu ai cũng biết cái
tinh hoa của quan niệm " ý tại ngôn ngoại " " của " lời vô
ngôn " đẻ ra cung cách của Thuật Zen (Thiền) thì cái tinh túy mềm dẻo và
thích nghi của Yoga càng phải nên áp dụng vào khoa Tử Vi để linh động biện
chứng những tương quan của các dữ kiện (tạm gọi là sao trên lá số Tử Vi) chi
phối đời người.
Trong phạm vi bài tham luận này, bỏ ra ngoài những giai
đoạn lập lá số Tử -Vi mà tạm coi như việc hoàn thành lá số có đầy đủ. Người có
bản số hãy theo theo dõi các dữ kiện " sao " sau đây:
1- Dữ kiện nghị lực: Sao Thiên Mã.
2 - Dữ kiện sinh tồn: các sao vòng Tràng Sinh.
3 - Dữ kiện hưng thịnh: các sao vòng Lộc-Tồn.
4 - Dữ kiện tính khí: các sao vòng Thái Tuế.
5 - Dữ kiện thời vận: các sao Tuần và Triệt.
6 - Dữ kiện bẩm chất: các sao Thiên Không, Đào Hoa, Hồng
Loan.
7 - Dữ kiện hoạt động: các sao Vòng Mệnh và vòng Thân.
8 - Dữ kiện thú tính: các sao Địa Không, Địa Kiếp, Đà La,
Kình Dương, Hỏa-Tinh, Linh-Tinh.
9 - Dữ kiện phù trợ: các sao Tả-Phù, Hữu-Bật, Lực Sĩ,
Bác-Sĩ, Hóa Quyền, Hóa Khoa.
10- Dữ kiện ma thuật: Mệnh vô chính diệu.
Ngoài các dữ kiện sao vừa nói, ta hãy nói sơ lược lại nền
tảng phối hợp ngũ hành, để thích nghi luận lý:
a - Tương sinh: Mộc-Hỏa-Thổ-Kim-Thủy-Mộc.
b - Tương khắc: Mộc-Thổ-Thủy-Hỏa-Kim-Mộc.
c - Bình Hòa: Thổ gặp Thổ (dù là loại Thổ gì cũng vậy)
d - Bất cập: Hỏa gặp Hỏa (dù là loại Hỏa gì cũng vậy)
e - Thái quá: Thủy gặp Thủy (dù là loại Thủy gì cũng vậy)
f - Phát triển: Kim gặp Kim và Mộc gặp Mộc.
Có nhiều sách ghi thêm tính chất của nhiều loại Thổ,
nhiều loại Hỏa để cố gắng phân tích sự tiết giảm xung đột hay tăng thêm hòa
hợp; điều này có phần biện bác để an ủi cho những người gặp cảnh ngộ xấu hoặc
là tâng bốc những người ưa nghe điều tốt mà thôi. Vì đã ở thế cùng hành tất
phải ở tình trạng ngưng đọng hơn là ảnh hưởng với nhau (lý thuyết nhất nguyên
tính trạng) Do đó, chủ ý của bài viết này là nhằm cái biến dịch của ngũ hành
trên 12 cung số của bản số Tử Vi mà luận giải.
01 - SAO THIÊN MÃ
Người Đông Phương ưa cảm thông sự vật hơn phát biểu sự
vật nên việc dùng từ ngữ chỉ có ý nghĩa tượng trưng (chứ không có tính cách mô
tả chủ quan như Tây Phương) cho nên dữ kiện được gọi là " sao Thiên Mã
" chỉ nên hiểu là cái nghị lực của con người trong bản số Tử Vi. Tùy theo
vị trí của 4 cung: Dần, Tỵ, Thân, Hợi mà sao Thiên Mã đóng, ta hiểu như sau :
a - Thiên Mã ở cung Dần: đứng ở cung Mộc rất hợp với
người mạng Mộc bạc nhược với người mạng Kim, vất vả với người mạng Thủy, làm
hại người mạng Thổ, làm lợi người mạng Hỏa.
b - Thiên Mã ở cung Tỵ: đứng ở cung Hỏa rất hợp với người
mạng Hỏa, làm lợi người mạng Thổ, vất vả người mạng Mộc, làm hại người mạng
Kim, bạc nhược với người mạng Thủy.
c - Thiên Mã ở cung Thân: đứng ở cung Kim rất hợp với
người mạng Kim, làm lợi người mạng Thủy, vất vả người mạng Thổ, làm hại người
mạng Mộc, bạc nhược với người mạng Hỏa.
d - Thiên Mã ở cung Hợi: đứng ở cung Thủy rất hợp với
người mạng Thủy, làm lợi cho người mạng Mộc, vất vả với người mạng Kim, làm hại
người mạng Thổ.
02 - VÒNG TRÀNG SINH
Vòng Tràng sinh có 12 sao đóng đủ trên 12 cung Tử Vi, ý
nghĩa của vòng sao này ta nên coi là dữ kiện sinh tồn của đương số, do đó, khi
cung an Mệnh, cung Phước đức (tiền kiếp) và cung Tật Ách (hậu kiếp) có những
sao cùng hành với bản mệnh thì luận ra tính cách thọ, yểu, mạnh, khỏe, hay đau
yếu:
a - Đối với saoTràng Sinh (là Thủy) Cung Mệnh sinh sao,
sao sinh bản Mệnh là đắc cách. Thí dụ: Người hành Mộc, mệnh an tại Dậu (Tuổi Âm
Nam, Dương Nữ) thuộc Kim có các Sao Trường Sinh là Thủy (Kim-Thủy) sao Trường
sinh sinh ra hành Mộc. Cung Mệnh sinh sao, sao khắc bản mệnh là sống không khỏe
mạnh. Cung Mệnh khắc sao, sao sinh bản Mệnh bất đắc kỳ tử. Cung Mệnh khắc sao,
sao khắc bản mệnh: chết non.
b - Đối với sao Thai (Thổ) thì cần phải đóng ở cung Phúc
Đức để chứng tỏ tiền kiếp đã kết tụ tinh anh, phát kết ra kiếp hiện tại, thì lý
tự nhiên cuộc sống phải bền, để ý nghĩa của " Thai " hiện hữu như một
căn bản không phản hồi được. Trường hợp này, cung Mệnh có sao Mộ, cung Quan có
Trường Sinh, Cung Tài có Đế Vượng, (ngu si hưởng thái bình!?)
c - Đối với sao Đế Vượng (là Kim) cần phải tụ hội ở cung
Tật ách (hậu kiếp) để minh chứng ngày ra đi sang kiếp sau được tiếp đón như một
thành tích vẻ vang tuyệt đỉnh (vì trong chu kỳ sinh thái của Vòng Tràng-Sinh,
thì giai đoạn Đế Vượng coi như điểm cực đại của hàm số Parabole, biểu diễn vòng
luân hồi của con người). Trường hợp này là người có sao Tuyệt ở cung Mệnh (khôn
ngoan ở đời)
03 - VÒNG LỘC TỒN
Sống ở đời, người ta ai cũng cần có phương tiện thuận lợi
tối đa để hưởng hạnh phúc (dù là hạnh phúc tạm), nên trong khoa Tử-Vi có vòng
sao Lộc Tồn được coi là những dữ kiện của sự hưng thịnh. Vòng Lộc Tồn cũng có
12 sao an đủ 12 cung trên bản số. Tuy nhiên ta lưu ý 4 cung : Dần, Mão, Thân,
Dậu nhiều nhất :
a - Tuổi Giáp: Lộc tồn ở Dần.
b - Tuổi Ất: Lộc tồn ở Mão
c - Tuổi Canh: Lộc tồn ở Thân.
d - Tuổi Tân: Lộc tồn ở Dậu.
Cho nên, những người sanh năm Dần-Ngọ-Tuất mà tuổi Giáp
(Giáp Dần, Giáp Ngọ, Giáp Tuất) thì hưởng cái lộc này lâu dài (đúng nghĩa Lộc
tồn) những người tuổi Ất Mão, Ất Hợi và Ất Mùi; Canh Thân, Canh Tý và Canh
Thìn; Tân Tỵ, Tân Dậu, và Tân Sửu cũng được hưởng may mắn nói trên. Kỳ dư các
tuổi khác nếu, cung Mệnh, cung Quan hoặc cung Tài mà có Lộc tồn, thì Lộc tuy có
nhưng không tồn được (hưởng trong giai đoạn ngắn mà thôi !?)
04 - VÒNG THÁI TUẾ
Có lẽ đây vòng sao hệ trọng nhất đối với người nghiên cứu
khoa tử vi lý học . Bởi vòng này diễn tả cái tính khí, phẩm hạnh của đương số
cũng như nó cho biết cái chu kỳ thăng trầm của cuộc đời. Cho nên ta phân 12 sao
của ngũ hành là:
- Dần Ngọ Tuất: Hành Hỏa
- Tỵ Dậu Sửu: Hành Kim
- Hợi Mão Mùi: Hành Mộc
- Thân Tý Thìn: Hành Thủy
Thành ra 4 nhóm mệnh danh như sau :
a - Nhóm chánh phái: Thái tuế, Quan Phù, Bạch Hổ.
b - Nhóm tả phái: Tuế Phá, Điếu Khách, Tang Môn.
c - Nhóm thiên hữu: Long Đức, Thiếu Âm, Trực Phù.
d - Nhóm thiên tả: Thiếu dương, Tử Phù, Phúc Đức.
Cung An Mệnh thuộc nhóm nào, thì giúp ta nhìn thấy cái cá
tính chung của đương số ngay, Ví dụ như :
- Những người tuổi Dần, Ngọ, Tuất, cung Mệnh, cung Quan
Lộc và Tài Bạch cũng đóng ở 3 cung Dần, Ngọ, Tuất (có nhóm chánh phái đóng) thì
là những người đảm lược, lương hảo, anh hùng.
- Những người tuổi Tỵ, Dậu, Sửu có 3 cung Mệnh, Quan và
Tài đóng ở 3 cung Tỵ, Dậu, Sửu (có nhóm chánh phái đóng) thì hiển hách hơn
người, được kính nể;
- Ta tiếp tục lý luận như trên cho các người tuổi Thân,
Tý, Thìn. Mệnh, Quan và Tài cũng đóng Thân, Tý, Thìn. Những người tuổi Hợi, Mão
Mùi mà 3 cung Hợi, Mão, Mùi đều là chánh phái cả. Cộng thêm các dữ liệu sao có
trong bản số của đương số thì kết luận thêm cho chính xác.
Giai đoạn tuổi ở 1 trong 3 cung của nhóm: Thái Tuế-Quan
Phù-Bạch Hổ, đều là thời vận tốt nhất cho người có lá số tử vi. Khi cung Mệnh
của của bản số tử-vi thuộc nhóm tả phái đó là người bất mãn, lang bạt và đau
khổ. Cung Mệnh thuộc nhóm thiên hữu là người bẩm chất hiền lành nhưng nhu
nhược, cung Mệnh thuộc nhóm thiên tả, là người khôn vặt, lanh lợi những chuyện
tầm thường.
05 - LUẬT CỦA SAO TUẦN & TRIỆT
Kiếp nhân sinh ví như cái xe lăn trên đường đời, Sao
Triệt được coi như cái Thắng đầu của xe, còn sao Tuần coi như bộ thắng sau của
xe. Thắng đầu cần mới nguyên, rất hữu hiệu trong việc cản bánh xe lăn (đôi khi
còn tạo ra nguy hiểm ! làm cho xe lật) nên dưới 30 tuổi ảnh hưởng của sao Triệt
thật đậm đà. Sao Tuần ít bộc phát ảnh hưởng rõ rệt, nhưng lại bền vững suốt đời
người (thắng của bánh xe sau tác dụng điều hòa tốc độ của xe chạy). Luật hóa
giải TUẦN-TRIỆT được đặc biệt cho những ai có bản số Tử vi mà cung Mệnh bị một
trong hai sao Triệt và Tuần trấn đóng, thì đi đến giai đoạn cung có sao còn lại
đóng, là vận hên đã tới.
Thí dụ: Mệnh đóng tại Tỵ có sao Triệt, cung Phúc đức có
sao Tuần , vậy đi đến giai đoạn cung Phúc đức thì phát huy được danh phận (dù
không thuộc vòng Thái Tuế-Quan Phù-Bạch Hổ). Lý giải điều này cũng tự nhiên. Vi
khi xe chạy mà người tài xế điều hành được hai bộ thắng thì tất nhiên phải an
toàn bảo đảm như ý muốn.
06 - BỘ BA ĐÀO HOA, HỒNG LOAN, THIÊN KHÔNG
Người biết coi Tử vi, ai cũng biết: Thiên Không (Hành
Hỏa), Đào Hoa (Hành Mộc) và Hồng Loan (thuộc hành Thủy). Bản chất của Hỏa Tinh
là tàn phá, là gieo rắc tai ương (Thần chiến tranh): cho nên khi ba cung Mệnh,
Quan và Tài của bản số tử vi có:
a - Thiên Không, Đào Hoa nghĩa là Mộc dưỡng hỏa, để Hỏa
tàn phá thêm mạnh dạn, thêm khốc liệt, ý tượng trưng cho sự khôn ngoan quá quắt
của đương số. Người có cách này là mẫu người muốn chiếm đọat, muốn lấn tới để
ăn người.
b - Thiên Không Hồng Loan: Nghĩa là lửa đã bị Thủy trấn
áp, bó tay qui hàng, nên cung Mệnh có cách này là mẫu người thoát tục, thích
cảnh tịnh hơn cảnh động.
c - Thiên Không độc thủ (ở Thìn-Tuất-Sửu-Mùi có Hồng Đào
chiếu) bụng dạ thất thường người Âm Nam, Âm Nữ là lửa ngầm, người Dương Nam,
Dương Nữ là lửa bùng : tất cả đều thủ đoạn vặt hoặc không bộc lộ hoặc phát tiết
ra ngòai.
07 - VÒNG MỆNH VÀ VÒNG THÂN
Căn cứ của Luật Tam hạp:
- Dần Ngọ Tuất là Hỏa.
- Thân Tý Thìn là Thủy.
- Hợi Mão Mùi là Mộc.
- Tỵ Dậu Sửu là Kim.
Thì khi cung an Mệnh đứng ở vị trí nào so với vòng Thái
Tuế, ta phải nhìn thế tam hợp của cung an Mệnh như Vòng tha nhân đối với Vòng
bẩm tính đương số là vòng Thái Tuế tam hợp của cung an Thân là Vòng hành động
của đương số. Biện chứng qua Luật ngũ hành tiêu-trưởng, ta vạch trần được tác
phong đường số một các dễ dàng.
Ví dụ: Người tuổi Tỵ (Vòng Thái Tuế là Tỵ-Dậu-Sửu: Kim),
cung an Mệnh đóng ở Tuất (Vòng tha nhân là Dần-Ngọ-Tuất: Hỏa), cung an Thân ở
Tý (Vòng hành động là Thân-Tý-Thìn: Thủy). Ta lý giải ngay: số người này là mẫu
người ra đời bị người ta chèn ép (do Hỏa khắc Kim), chịu nhiều thua thiệt, vất
vả (vì Kim sinh Thủy)
08 - NHÓM HUNG TINH CHIẾN LƯỢC
Ta gọi là hung tinh chiến lược, vì các sao Địa không, Địa
Kiếp, Đà La, Kình Dương, Hỏa Tinh, Linh Tinh, có những bộ mặt thú tính man dã
nhưng hóa giải được khi điều hướng đúng chỗ.
a - Hai sao Địa Kiếp, Địa Không khi đứng trong nhóm tam
hợp của vòng Thái Tuế, Quan Phù, Bạch Hổ, thì dù đắc địa (Tỵ, Hợi) hay hãm địa,
cũng vẫn mất hiệu lực phá hại của nó, để trở nên ý nghĩa của người có tài mà
không có thời. Mặt khác, nếu đương số thuộc hành Thổ thì đã làm cho tính chất
Hỏa của Không Kiếp bị tiết khí: nên vẫy vùng yếu kém hẳn.
b - Hai sao Đà La đóng ở Dần Thân Tỵ Hợi và Kình Dương
đóng ở tứ mộ (Thìn Tuất Sửu Mùi ) lại có Vòng Thái Tuế ở đây thì không còn là
sao tác họa mà trở thành bộ " hồi chánh tinh " đới công chuộc tội,
phát võ hiển vinh, vượng phu ích tử.
C - Hai sao Hỏa tinh, Linh Tinh cũng là bộ Hỏa-Linh. Nếu
đứng trong vòng Thái Tuế thì tạo thành những cái thất bại anh dũng của đương
số. Người có cách này, dù "khí thiêng đã về thần" cũng được người đời
kính nể khâm phục. Nói cách khác: Đấy là cách của người "Sinh thọ tử bất
ninh thọ nhục".
09 - BỘ SAO PHÒ TRỢ
Quan niệm "phù thịnh không phù suy" là ý nghĩa
của các nhóm sao phù trợ: Tả Phù, Hữu Bật, Lực Sĩ, Bác Sĩ, Hóa Quyền... Nếu các
vòng sao này
lọt vào trong vòng Thái Tuế, thì đúng là những
"lương đống công thần" giúp cho đương số thăng tiến thành đạt ở đường
đời, bằng trái lại, chúng nhảy sang vòng Tuế Phá, Điếu Khách, Tang Môn (nhóm tả
phái), thì chẳng khác nào thả cọp về rừng, sức tán hại càng phát triển, làm cho
đương số trăm chiều vất vả (Đặc biệt nếu cung Mệnh có cách này, mà vòng Thái
Tuế không tam hợp với cung Mệnh, thì rõ ràng là loại Hoàng Sào thảo khấu, ác bá
côn đồ). Nhớ đây chỉ là cái chung nhất cần phải kết hợp thêm các dữ liệu sao
trong bản số Tử-vi để mà diễn giải thì mới có kết luận thêm chính xác tới mức
độ nào.
10 - MỆNH VÔ CHÍNH DIỆU: CÁCH SỐ CỦA MA THUẬT
Nói chung những người có cung Mệnh vô chính diệu, thường
là mẫu người sắc sảo, quyền biến có nhiều cảm ứng bén nhạy hơn người có chính
diệu thủ cung Mệnh. Xem số Tử-vi những người Mệnh vô chính diệu rất khó, vì độ
chuyển biến của các dữ kiện "sao" rất "Sensible" nghĩa là
có cách số ma thuật huyền hoặc nhất. Càng nhiều hung tinh, bại tinh đắc địa tọa
thủ Mệnh, càng có lợi cho đương số. Tuy nhiên vẫn cần vòng Thái Tuế tam hợp với
cung an Mệnh hoặc cung an Thân để có thể hướng cái chánh nghĩa về cho nhóm ác
tinh này, bằng không thì đương số sẽ trở thành những hồ ly tinh tu luyện thành
người, bản tính dã thú ... khó phân biệt (!?) sẽ tạo ra những nghiệp ác để rồi
đền tội một cách mau chóng (chết yểu).
TỔNG LUẬN
Nếu nắm vững mười dữ kiện căn bản nêu trên, lẽ tất nhiên
khoa Tử-Vi không còn là bí truyền ân sủng cho một riêng ai; tất cả chỉ còn là
toàn những tương quan ngũ hành sinh khắc hoặc chế hóa, chỉ còn là những lý giải
minh bạch cho các dữ kiện được gọi là "sao" của bản số Tử-vi mà nhãn
quan của con người nghiên cứu luôn luôn phải khách quan một cách thành khẩn.
Khoa lý học này sẽ có một ngày cởi bỏ cái "áo
bí" của nó, để trở thành một khoa nhân văn chứa đựng tính thiện ác và thái
độ vô cầu của người thâm cứu./.
Mời thư giãn với nhạc
phẩm SÓNG GIÓ
của Jack, qua tiếng hát Jack:
*
LÊ TRUNG HƯNG (con trai cụ Thiên Lương)
Địa chỉ: Thầy thuốc Lê Hưng VKD, phường Chánh
Nghĩa,
thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Điện thoại: 083.804.17.42
…………………………………………………………………………
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 07.12.2015.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét