GIAI THOẠI VỀ TƯỚNG THUẬT - Tác giả: Đoàn Mạnh Thế (Hà Nội)

1 comment
(Tranh: 18 tầng địa ngục - Nguồn: Internet)
GIAI THOẠI VỀ
TƯỚNG THUẬT
*
Xin giới thiệu với quý vị vài mẩu giai thoại về tướng thuật để quý vị tham khảo. Tin hay không thì tùy ở mỗi người nhưng những lời khuyên về đạo lý qua các câu chuyện dưới đây chắc chắn sẽ ít nhiều được quý vị đồng thuận.
Người trồng cây cảnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời về sau.”
Phải không thưa quý vị?
*
Câu chuyện thứ 1:
CHẾT VÌ TÂM TÍNH KHINH BẠC
Theo tướng pháp, người tài hoa thông minh có 3 điều kị dễ làm yểu thọ:
- Anh hoa phát tiết
- Thân thể yếu đuối
- Tâm tính khinh bạc
Anh hoa phát tiết thì giống như thầy Nhan Hồi đệ tử giỏi nhất của Khổng Tử, thân thể yếu đuối thì giống Vương Bột. Ở đây ta chỉ nói về tâm tính khinh bạc.
Cuối đời nhà Minh đầu đời nhà Thanh, một trong bát đại tài tử là Kim Thánh Thán, đại phê bình gia của Trung Quốc nổi danh khắp thiên hạ về văn chương cũng như về tâm tính khinh bạc. Lời phê bình của ông như dao cắt vào da thịt khiến cho kẻ bị phê bình chết đi mà vẫn còn đau xót ân hận.
Văn ông làm rất nhanh, cầm bút viết thao thao đủ lối tục có thanh có nhưng tâm hồn ông sớm chán đời. Nguyên do bởi đâu thì không ai rõ chỉ theo truyền thuyết kể rằng :
Lúc Thánh Thán còn là học trò có tên là Trương Thái có đến Trung Tiêu Tự cầu mộng. Đêm ấy ông nằm mơ thấy một cái cây rất cao không có lá chỉ trơ cành, trên cành có con cú đậu đơn độc thê lương. Tỉnh dậy, ngẫm nghĩ tới điều mộng tương lai sẽ là một kẻ sĩ cố cùng chua chát và bất đắc dĩ mà thôi. Từ đấy ông bỏ tham vọng cầu quan tước và sống phóng đãng giang hồ. Cũng từ đấy tài hoa văn chương của ông mỗi ngày mỗi nảy nở để trở thành tên Thánh Thán.
Trên bước giang hồ, Thánh Thán có gặp một thầy tướng bảo ông rằng :
- Tướng tiên sinh có 3 độ loạn văn, ấn đường, mũi và địa các. Nay nhãn thần đã thoát nhân trung khí sắc xanh đen, nội trăm ngày nữa họa sẽ tới, xin tiên sinh cẩn thận.
Thánh Thán nghe lời về nhà đóng cửa đọc sách, ngâm thơ, uống trà. Được 98 ngày rồi vì buồn quá, ông mới mở cửa đứng xem phố xá thì chợt thấy đám đông kéo đến. Đám đông ấy toàn là nho sinh, họ trông thấy Thánh Thán liền tụ tập trước nhà ông. Thánh Thán hỏi nguyên do. Họ kể việc huyện lệnh họ Ngô cam kết với học quan bán bằng cấp trong khóa thi vừa qua, nay họ định đến học quan biểu tình tố cáo. Thán nói:
- Hãy đem tượng Khổng Tử ra khỏi Văn Miếu rối đem thần tài vào mà thờ.
Đám đông nghe nói làm y theo lời Thánh Thán. Tất cả kéo tới Văn Miếu. Viên huyện lệnh sợ phong trào lan rộng nên đem hết quan binh đàn áp. Bọn học trò chạy hết chỉ còn Thán đứng đấy rồi bị quan binh trói bắt.
Đễ che đậy tội tham nhũng, huyện lệnh lập kế vu khống cho Thánh Thán xúi dục dân chúng làm loạn. Cho có bằng chứng, huyện lệnh chép 2 câu thơ của Thánh Thán làm trong bữa tiệc để vịnh hoa mẫu đơn màu đen :
Đoạt chu phi chính sắc
Dị chủng dã xưng vương.
Nghĩa là: màu đen không phải là sắc chính của mẫu đơn, thế mà tuy giống khác cũng vẫn xưng vương.
Ý nói ông muốn chửi bọn Mãn Thanh khác giống vào mà xưng vương ở Trung Quốc
Triều đình kết tội Thánh Thán làm loạn bắt chết chém ngang lưng.
Cái chết của ông cũng giống như cái chết của thi sĩ Cao Bá Quát, chết vì tâm tính khinh bạc.
*
Câu chuyện thứ 2:
ĐẠI THỌ VÌ TÂM TÍNH NHÂN HẬU
Tại Hương Cảng (Trung Quốc) có một vị phú ông tên là Phó Lão Dung rất nổi tiếng về tiền bạc và tốt bụng. Lão Dung vào đời rất vất vả nghèo khổ, sau nhờ thông minh kiên nhẫn nên chẳng bao lâu trở thành đại phú thương. Nhưng dân cảng không chỉ nể ông vể tiền mà còn kính trọng về đức. Ông là người khinh tài trọng nghĩa, được giúp ai việc gì ông cũng vui vẻ. Giàu thiên ức vạn tải nhưng trên mặt chẳng bao giờ lộ ra vẻ khinh khi.
Có lần ông bị bọn cướp bắt cóc. Chúng bịt mắt ông mang xuống thuyền đẩy ra giữa dòng sông để tra khảo. Trước hết chúng cắt một miếng tai của ông, ông vẫn bình thản. Hôm sau chúng mang đến một bát thuốc độc để trước mặt ông và bắt ông phải chọn một trong hai điều hoặc uống hết bát thuốc hoặc viết thư về nhà lấy tiền chuộc mạng. Ông thản nhiên cầm bát thuốc độc uống một hơi. Bọn cướp ngạc nhiên hết sức, mặc dầu bát thuốc độc bọn chúng mang lại chỉ là bát chè “bát bảo lường xà”. Sau cùng bọn chúng chịu thua.
Tại sao Phó Lão Dung lại hành động như vậy? Ông là người bần tiện coi tiền hơn sinh mạng chăng?
Chuyện này người ta bàn tán xôn xao, nhưng khi còn sống chẳng ai tìm ra giải đáp. Mãi tới lúc ông chết câu chuyện mới vỡ lẽ. Hấp hối trên giường, ông bắt người nhà mang tới tờ giấy hoa tiên ông cất dấu trong chiếc hộp bằng ngọc thạch cẩn kim cương. Đó là tờ giấy đoán, ông đọc xong mỉm cười rồi chết.
Người nhà đọc tờ giấy kia thì thấy dòng chữ sau: “Tướng mũi người này tất phát đại phú vì nó đầy đặn lại còn nhiều khí lực, thêm vào đấy là hai gò má rất phối hợp với mũi. Đến trung vận thì như rồng gặp mây. Hiềm đôi mắt hơi có chút phá cách bởi tại ác nhãn. Nhưng nếu biết tâm tướng mà chữa phần tướng, khi nào giàu biết làm việc nghĩa thì giàu có mới bền vững bằng không e chết không toàn mạng”.
*
Câu chuyện thứ 3:
CHẾT VÌ TÂM TÍNH ÁC ĐỘC
Cách đây hơn 50 năm (khoảng 1900 – 19010), tỉnh Quảng Đông trộm cướp nổi lên như chấu, nhất là vùng Chu Giang Tam Giốc Châu. Những tên cướp khét tiếng lúc ấy là La Kê Hồng, La Bố, Bộc Nho, Đàm Lục, Trương Định Cơ. Chúng nhiều bè đảng hoành hành giết chóc. Quan quân mất biết bao nhiêu công sức mới giết hết.
Tướng cách bọn đó diện mục hung hãn, thô tục không bút nào tả xiết.
Báo chí Trung Quốc có đăng lời các thầy tướng đoán La Kê Hồng quyền cao, mũi nhỏ, trán hẹp, hàm chắp loại sát nhân, bất đắc kì tử và Trương Định Cơ mi thô (lông mày chổi xể), mắt lớn mũi gẫy gồ, thân thể mập thô bỉ loại hung tử mạng vong.
Thời kì kháng Nhật, những tên cướp nhảy lên làm Hán gian quyền thế nhất phương tự phong làm hoàng đế, tiền của vàng bạc nhiều vô số, điển hình là hai tên Thị Kiều hoàng đế Lý Lãng Kê ở Phiên Ngung và Phật Sơn hoàng đế Trúc Thăng Bính ở Nam Hải.
Tại sao cũng một phường trộm cướp mà bọn La Kê Hồng, Trương Định Cơ sống lẩn sống lút trong khi bọn Lý Lãng Kê và Trúc Thăng Bính lại tự xưng hoàng đế cực thịnh m ột thời?
Tại thời thế và số mệnh.
Lãng Kê chỉ là cái hiệu vì họ Lý vốn không tên, cha mẹ nghèo hèn, thất học, kiếm ăn lấm lưỡi còn thì giờ đâu mà đặt tên, nên lấy họ để gọi.
Lý theo bọn du thủ du thực nay làm ma cô, mai gác sòng bạc, tập thói xấu thành người hút sách đổ bác.
Đánh bạc thua hết tiền ăn tiền hút, Lý chìa tay vay tiền người được. Bao giờ hắn cũng vay lưỡng nguyên (hai đồng), vì hắn nói ngọng nên tiếng lưỡng nguyên thành ra lãng kê. Lần lần, dân bài bạc đặt cho hắn là Lý Lãng Kê.
Một hôm, ở trong tiệm hút, Lãng Kê gặp ông thầy tướng rong khá giỏi tên Ngưỡng Sơn đạo sĩ thường đến xem tướng cho khách tại các trà thất, tiệm hút. Thầy Ngưỡng Sơn thấy đa số trong tiệm có vẻ khinh thị Lý Lãng Kê, cần gì thì sai bảo Lý, làm xong cho một vài xu. Ông mới chú ý xem tướng mạo cho, không lấy tiền và bảo Lý Lãng Kê rằng :
- Tướng chú thuộc kim, thủy hình, lưỡng quyền và mũi có uy, đôi mắt quang ánh nhưng vì thần tán nên hữu dũng vô mưu. Hai bàn tay chú mềm mại, đỏ hồng như cánh hoa đào. Chỉ chừng vài bốn năm nữa vận tốt sẽ đến. Quá khứ chẳng nói làm chi, tương lai thì thành tựu khá giả lắm. Chú phải vào đất chết để tìm cái sống, cơ hội ở trong chổ nguy hiểm ra.
Lý Lãng Kê bán tín bán nghi nói :
- Nếu quả vài bốn năm nữa tôi mà khá tôi sẽ tìm thầy đến báo đáp ơn nghĩa.
Vài năm sau, Lý Lãng Kê gia nhập một nhóm ăn cướp. Nhờ gan dạ và cũng có đôi chút nghĩa khí, lại quen thung quen thổ nên bọn cướp tôn hắn lên làm đại ca.
Quân Nhật vào chiếm Quảng Đông, Uông Tinh Vệ thành lập chính phủ, Lý Lãng Kê đem bộ hạ gia nhập quân đội của Uông Tinh Vệ đóng tại Thị Kiều. Từ đấy Thị Kiều trở thành giang sơn của Lý. Lại được Trần Bích Quân, vợ Uông Tinh Vệ giao phó nhiệm vụ kinh tài, Lý như hổ mọc thêm cánh, muốn làm trời làm đất sao thì làm. Lý mở sòng bạc kiếm tiền và xây một tòa nhà lớn cho hắn đặt tên là Quần Viên, đồ đạc trang hoàng chẳng kém gì cung điện.
Đắc thời đắc thế, Lý Lãng Kê đã cho người đi mời Ngưỡng sơn đạo sĩ từ Hương cảng về Thị Kiều về làm quân sư cho hắn.
Ngưỡng Sơn đạo sĩ tới Thị Kiều thấy Lý Lãng Kê bây giờ mập mạp, mắt hung trông hệt một con heo tướng thuộc Chư hình thế nào cũng gặp họa lớn nên ở với Lý vài ngày rồi kiếm cớ thoái thác trở lại Hương Cảng.
Không bao lâu, Uông Tinh Vệ chết, kháng chiến thắng lợi, bao nhiêu tài sản của Lý bị tịch thu, còn Lý thì bị xử bắn.
*
Câu chuyện thứ 4:
TƯỚNG DO TÂM SINH, TƯỚNG DO TÂM DIỆT
Sách xưa kể :
Cao Hiếu Toàn và Cao Hiếu Tích là hai anh em sinh đôi ra đời cùng một giờ khắc. Lớn lên cả hai tướng mạo giống hệt nhau từ cử chỉ đến ngũ quan lục phủ như  hai giọt nước. Cùng học một thầy văn chương tinh thông chẳng kém ai hết. Cùng đỗ cử nhân, cùng lấy vợ, cha mẹ sợ không phân biệt nổi nên bắt hai anh em ở riêng và mặc quần áo khác màu.
Một hôm, hai anh em gặp tướng sư Trần Hi Di tiên sinh nói :
- Tướng hai anh phong thần tú dị, mi thanh mục tú, mũi thẳng môi hồng, tai trắng tất nhiên sau này sẽ đỗ cao, đồng vận, đồng tướng, đồng mệnh thật lạ
Đến mùa thu, hai anh em vào kinh ứng thí ở trọ nhà họ bên ngoại. Cạnh nhà có người đàn bà góa chồng trông thấy hai anh em Toàn và Tích tướng mạo tốt đẹp nên động lòng dục tìm cách quyến rũ. Tâm tính Toàn thích học hơn khoái tình nên kế hoạch người góa phụ kia bất thành. Trở qua Hiếu Tích thì Tích bị ngay với góa phụ hãy còn mơn mởn kia. Chuyện thông gian có người biết mách cho nhà chồng hay, góa phụ xấu hổ gieo mình xuống sông chết.
Thi xong, hai anh em về lại gặp Trần Hi Di tiên sinh coi xem liệu có đỗ không.
Hi Di quan sát cẩn thận, ngạc nhiên nói :
- Lạ thật, hai anh em tướng mạo đại biến, anh tốt em xấu, tương lai sẽ khác nhau như mây với bùn. Hiếu Toàn sắc mặt hồng hào, mắt sáng tựa như sao nhất định đỗ cao. Hiều Tích đôi mày ám hãm, môi thâm, mũi có sắc đen sắc đỏ, tai ám, thần sắc khô hoại chẳng những không đậu mà còn yểu thọ nữa.
Ngày coi bảng, quả nhiên Hiếu Toàn đậu tiến sĩ còn Hiếu Tích không có tên, buồn phiền uất ức mà chết.
Toàn sau làm quan to, nhân ngày ăn thượng thọ 70 nhớ tới người em mới gọi con cháu kể nghe về chuyện Hiếu Tích
Ghi chép việc Hiếu Tích, Trần Hi Di tiên sinh nói: Tướng con người ta dễ thấy, nói mệnh lại rất khó. Mệnh do trời tướng ở người. Ứng với thiên thời hợp việc người , đời đời sung sướng. Tinh thần con người ta chợt tụ chợt tán, chí khí lúc kiên lúc lỏng. Có bên trong tất thành hình ra bên ngoài không thể che dấu được. Tạo vật mang cái đại công vô tư, phúc sẽ mất đi bởi gây ác nghiệp, tội có thể giảm nhờ vun xới thiện căn, sinh ở trong tâm tất phát ra ngoài mặt. Cho nên phúc họa trên đời hoàn toàn do con người gọi đến.
*.
ĐOÀN MẠNH THẾ cẩn bút giới thiệu
Địa chỉ: Số nhà 12 Ngách 32 Ngõ 133 phố Hồng Mai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0169.627.9729

.








…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 29.08.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.    

1 nhận xét:

  1. Chào bac. C muốn mua quyển sách Giai thoại về tướng thuật. Không biết bác có thể giúp con được không anh. Cảm ơn bác

    Trả lờiXóa