NGUYÊN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIA ĐÌNH - Tác giả: Trần Tiến (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
NGUYÊN NHÂN CỦA
BẠO LỰC GIA ĐÌNH
                                                                               *
Đối với bạo lực dựa trên cơ sở giới, các nhà xã hội học gia đình cho rằng có bốn cách giải thích chính về nguyên nhân tại sao bạo lực lại xuất hiện trong hôn nhân - gia đình hiện nay. Đó là:
- Quyền sở hữu tình dục (nam giới coi phụ nữ như là một dạng tài sản của mình)
- Những căng thẳng về kinh tế
- Sự chuyển giao bạo lực qua các thế hệ
- Sự khiểm soát xã hội (R. Collins; 1988:310-11)
Cũng có giải thích về tính bạo lực theo quan điểm của tâm lý xã hội học cho rằng, hiện tượng “nam tính quá mức” là kết quả của sự biến dị gien di truyền, điều này khởi nguồn cho tính cách bạo lực trong gia đình.
Một nghiên cứu về bạo lực dựa trên cơ sở giới ở Việt Nam đã chỉ ra hai yếu tố quan trọng nhất góp phần gây ra bạo lực trong gia đình là sự “khó khăn về kinh tế và lạm dụng rượu. Trong nhiều trường hợp hai vấn đề này kết hợp với nhau một cách chặt chẽ” (Vũ Mạnh Lợi, Vũ Tuấn Huy… 1999).
Một số nghiên cứu khác lại cho thấy, nhiều người nghĩ rằng bạo lực có nguyên nhân bởi một số yếu tố sau:
- Uống rượu hoặc sử dụng chất gây nghiện
- Sự ghen tuông
- Căng thẳng trong cuộc sống hoặc lo lắng về tiền bạc
- Khi người phụ nữ thai nghén
Tuy nhiên, có thể đây chỉ là những yếu tố làm tăng thêm nguy cơ của bạo lực mà chưa phải là nguyên nhân cội rễ của bạo lực gia đình. Từ quan điểm nghiên cứu giới, chúng ta nhận thấy rằng bạo lực dựa trên cơ sở giới, một trong những nguyên nhân chính còn ảnh hưởng của hệ tư tưởng đề cao nam giới và coi thường nữ giới.
Theo các nhà nghiên cứu, bạo lực giới chỉ là một trong những biểu hiện của bất bình đẳng giới, nó là sản phẩm của chế độ gia trưởng. Các nhà xã hội học trước đây như Maine, Engels và Webes đã định nghĩa gia trưởng là một hệ thống của các tổ chức xã hội mà ở đó những người đàn ông cao tuổi nhất trong một gia đình thực thi quyền lực của mình đối với các thành viên khác trong gia đình. Về mối quan hệ gia trưởng trong xã hội hiện đại, các nhà nữ quyền cấp tiến định nghĩa gia trưởng là “thiết chế mà ở đó một nửa dân số là phụ nữ bị kiểm soát bởi một nửa dân số là nam giới” (R. Cohen & P. Kennedy; 2000:103), có lẽ vì lý do đó mà từ gia trưởng (patriarchy) được hiểu theo nghĩa rộng hơn là chế độ xã hội nam trị. Đây cũng chính là điều mà trong chương trình hành động của hội nghị phụ nữ toàn thế giới lẫn thứ tư tại Bắc Kinh đã cho rằng “Bạo lực chống lại phụ nữ là biểu hiện của những mối quan hệ quyền lực không bình đẳng về mặt lịch sử giữa nam giới và nữ giới. Điều này đã dãn đến sự thống trị và phân biệt đối xử của nam giới đối với phụ nữ và ngăn cản sự tiến bộ về mọi mặt của phụ nữ”.
Cũng chính vì thế, bạo lực gia đình không thể chấm dứt nếu không giải quyết được các nguyên nhân sâu xa của nó, đó là:
- Sự phân phối không công bằng về quyền lực trong gia đình và cộng đồng.
- Niềm tin rằng phụ nữ sẽ phải phụ thuộc kinh tế vào nam giới.
- Niềm tin rằng phụ nữ và trẻ em là thuộc quyền sở hữu của nam giới.
- Thiếu kỹ năng tuyên truyền, hòa giải và cách thức giải quyết các vấn đề mà không cần sử dụng bạo lực.
- Thiếu những hành động của cộng đồng, bạn bè, láng giềng để phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực.
Tuy nhiên, có thể rút ra một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình như sau:
(Tác giả, nhà báo Trần Tiến)
Thói gia trưởng của người chồng
Thói gia trưởng của người chồng bắt nguồn từ hệ tư tưởng Nho giáo. Hệ tư tưởng ấy ăn sâu vào cuộc sống văn hóa xã hội. Người phụ nữ ít được coi trọng, thân phận của họ hèn kém do tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” mang lại. Nếu trong gia đình mà sinh được mười người con gái thì vẫn coi là chưa có con, nhưng chỉ cần một người con trai thì được coi là có con. Với hệ tư tưởng ấy, người phụ nữ không được học hành, không được tham gia bàn luận công việc của cộng đồng, của dòng họ, của gia đình. Họ được coi là “nội tướng” với vai trò phục vụ các thành viên trong gia đình. Hệ tư tưởng phong kiến hà khắc còn trói buộc người phụ nữ trong luật “tam tòng tứ đức”, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Như vậy chúng ta có thể thấy, trong suốt cả cuộc đời, từ khi ở nhà cho đến lúc có gia đình người phụ nữ luôn phải phụ thuộc vào người nam giới.
Trong xã hội hiện đại, mặc dù tư tưởng ấy đã không còn nặng nề, người phụ nữ đang phấn đấu tiến lên bình đẳng với nam giới, nhưng ở một bộ phận dân cư, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, người phụ nữ vẫn phải chịu “lép vế” so với nam giới rất nhiều. Thói gia trưởng của người chồng khiến người phụ nữ vẫn chưa có tiếng nói, chưa có sự quyết định trong gia đình. Với nhiều người, chồng bảo gì vợ phải nghe đấy, chỉ biết làm mà không có quyền gì trong công việc gia đình. Thậm chí, nhiều người không dám hé nửa lời khi bị chồng mắng chửi, hành hạ thân xác.
Cũng vì thói gia trưởng mà nhiều người đàn ông coi mình là “ông tướng” trong gia đình, coi mình là bề trên không thể ngang hàng với vợ được. Nếu như một lúc nào đó có chuyện gì bực mình về vợ con, hoặc vợ không theo như ý mình là sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ngay lập tức. Họ chẳng cho việc “dạy vợ” như vậy là quá đáng, là sai mà như mọi điều đương nhiên khác. Họ nghĩ rằng câu nói “dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về” là phải dùng mắng chửi, dùng bạo lực… mới tạo cho mình cái uy, thì vợ mới sợ mình.
Với con cái thì người đàn ông gia trưởng cũng có cách “dạy dỗ” như vậy. Họ dạy con bằng hình phạt, đòn roi… khiến cho con cái ít khi dám gần gũi.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người đàn ông có thói gia trưởng đều có những hành vi bạo lực gia đình. Cũng là không phải, hành vi bạo lực không tồn tại trong các gia đình có tư tưởng bình đẳng. Nhưng chúng tôi muốn nói rằng, hành vi bạo lực gia đình cũng có nguyên nhân xuất phát từ người đàn ông gia trưởng.
Ảnh hưởng từ những thế hệ trước
Bạo lực gia đình thực chất cũng có một nguyên nhân sâu xa là bắt nguồn từ những thế hệ trước. Ở đâu đó chúng ta vẫn nghe người ta nói với nhau rằng “cái nhà ông ấy có thói vũ phu” hay “họ nhà ấy có gien vũ phu”… Một người ông, một người cha vũ phu, dùng bạo lực thường xuyên với người thân trong gia đình thì rất có thể sẽ là “tấm gương” để con, cháu “học” theo. Trước tiên là họ đã quen với bạo lực, coi đó là tiêu chí cho hành động cư xử. Họ lấy bạo lực để đáp trả lại những gì mà họ đã phải nhận, nhiều khi thừa biết là phi lý. Có thể họ hiểu rằng, bạo lực với người thân, với người yếu thế hơn mình là vô đạo, là tiểu nhân nhưng những hành vi ấy nhiều khi không kiểm soát được bởi vì nó đã ăn sâu vào máu rồi.
Bạo lực do mắc các tệ nạn xã hội
Tệ nạn xã hội khi mắc phải sẽ khiến cho người ta mất khôn, thậm chí hành xử như kẻ điên cuồng ngộ dại. Và nó được coi là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến bạo lực gia đình. Có thể nói là hiếm khi người đàn ông mắc các tệ nạn xã hội mà lại không có những hành vi bạo lực với những người thân trong gia đình.
Có tới hơn 50% số vụ bạo hành trong gia đình Việt Nam hiện nay là do rượu (con số này được đưa ra trong hội thảo “Bạo hành trong gia đình và quyền phụ nữ được pháp luật bảo vệ” của trung tâm tư vấn tâm lý - giáo dục và tình yêu - hôn nhân - gia đình). Con số ấy có thể còn cao hơn nữa. Nạn rượu chè của các đức ông chồng đã khiến biết bao nhiêu chị em phụ nữ phải lo ngại. Nhiều chị tâm sự “Cứ thấy ông ấy uống say về đến đầu ngõ là mấy mẹ con lại phải chạy sang nhà hàng xóm. Nếu cứ ở nhà là mấy mẹ con bị ông ấy đánh không tiếc tay”; “Mỗi khi anh ta uống rượu là tôi lại khổ. Đã nhiều lần anh ta bắt tôi trói lại rồi lấy roi quất vào người. Tôi chịu không nổi kêu hàng xóm sang cứu thì anh ta chửi luôn cả họ”… Lại có những ông bố uống rượu say lại về dốc ngược đầu thằng con trai xuống đất, chân ngược lên trời rồi đánh, khiến chúng cứ nhìn thấy bố là sợ vãi linh hồn. Ấy vậy mà vợ con không cung cấp đủ rượu cho họ uống là cũng có thể bị ăn đòn thậm tệ.
Thói nghiện rượu đã là khủng khiếp, nhưng nghiện ma túy còn đáng hãi hùng hơn nhiều. Cơn nghiện đến mà không có thuốc thì con nghiện dám làm tất cả, kể cả giết người thân của mình. Đã rất nhiều trường hợp chồng giết vợ, con giết cha mẹ vì những người này không lo cho họ tiền mua thuốc khi cơn nghiện đang lên. Lúc đó họ không còn đủ tỉnh táo, minh mẫn, cũng chẳng còn lý trí, tình cảm để nhận biết người thân mà chỉ còn trong mình toàn là thú tính.
Bên cạnh đó, nạn cờ bạc và bạo lực gia đình luôn tồn tại song trùng với nhau trong xã hội này. Người ta nói “cờ bạc là bác thằng Bần” hay “đánh đề ra đê mà ở”… là hoàn toàn có lý. Chẳng mấy ai giàu lên nhờ cờ bạc, hôm nay được một nhưng ngày mai có thể mất mười. Cái được duy nhất của việc cờ bạc đó là sự cắn xé nhau trong gia đình.
Thắng thì không sao, nhưng thua thì về hạch sách vợ con, như thể lỗi là tại họ vậy. Một quy luật tự nhiên, vợ làm chồng phá thì đương nhiên người vợ phải xót. Mà khi xót của thì gây nên xô xát vợ chồng. Hoặc đến khi mọi thứ trong nhà đều bị mang đi vào sòng bạc, gia đình túng quẫn, con cái nheo nhóc thiếu thốn thì người vợ phải vùng lên, phải nói lời hỗn láo… Mà tất cả những điều đó đều đụng chạm đến “lòng tự trọng” của người đàn ông, nhất là khi họ đang cay cú, đang quẫn chí. Lúc đó thì máu nóng trong cơ thể họ sẽ bùng lên và phải dập tắt nó bằng hành vi bạo lực. Chẳng ai khác mà chính vợ, con họ là người phải chịu điều đó.
Bạo lực do ngoại tình - ghen tuông
Ngoại tình là mỗi quan hệ tình ái ngoài hôn nhân của vợ hoặc chồng và ghen tuông là một hệ quả tất yếu. Mọi cuộc ngoại tình đều có ghen tuông nhưng lại có những cuộc ghen tuông mù quáng, thiếu căn cứ. Có những ông chồng thấy anh bạn đồng nghiệp của vợ đến thăm vợ mình ốm cũng lại sinh chuyện ghen tuông, cho rằng chắc hẳn có quan hệ bất chính, sau đó thường xuyên gây sự, viện cớ để đánh đập vợ. Thấy vợ mình ra ngoài được nhiều người khác giới ngưỡng mộ về nhà bắt vợ bỏ việc cơ quan, hàng ngày chỉ nội trợ, nếu vợ có phản ứng không nghe lời thì “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, đánh cho túi bụi, cho rằng ra ngoài chỉ để “đú đởn”.
Ngược lại, một khi chính người đàn ông ngoại tình cũng là nguyên nhân của bạo lực. Chán vợ, muốn tìm một hương vị mới cũng là bản tính của những kẻ “sớm nắng chiều mưa”, “thích mới ngại cũ”. Họ không cần quan tâm đến đạo đức, nhân cách con người mà hành động theo ý thích và “bản lĩnh dởm” của mình. Họ nghĩ rằng mình có quyền được hưởng những đặc ân đó và người khác không được phép ngăn cản.
Có những ông chồng coi thường đạo lý đến mức dắt cả nhân tình về nhà ngủ trước sự chứng kiến của vợ. Vợ có van xin anh ta thay đổi vì gia đình, con cái thì chỉ nhận được sự chửi bới và những cái tát nảy lửa. Thậm tệ hơn là có người đàn ông còn trói vợ ở cuối giường để chứng kiến cảnh mình làm tình với bồ nhí khiến vợ phải tự tử mà chết. Còn nhiều người có bồ nhí, chán vợ, nên đã dùng cách bạo lực với vợ để vợ phải chấp nhận ly hôn.
Có vấn đề về kinh tế gia đình
Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc hay không cũng có một phần khá lớn phụ thuộc vào kinh tế. Nói như vậy không có nghĩa là người ta quá coi trọng đồng tiền. Đồng tiền hay kinh tế gia đình nó là phương tiện của cuộc sống, khi phương tiện ấy bị trục trặc thì cuộc sống sao tránh khỏi những khó khăn.
Sự chi tiêu không hợp lý của một trong hai người sẽ làm cho kinh tế gia đình bấp bênh, thậm chí có lúc thiếu thốn túng quẫn. Sau đấy lại là những chuỗi ngày dằn vặt nhau, cắn xé nhau. Điều ấy diễn ra ở người vợ nhiều quá thì sẽ gây ức chế cho người chồng. Một khi ức chế lên đến đỉnh điểm nó có thể bùng nổ bằng cãi vã, đánh đấm lẫn nhau.
Trong những giai đoạn khó khăn về kinh tế của gia đình, người chồng làm ăn thua lỗ… người vợ chẳng những không thông cảm, động viên lại còn nhiếc móc chồng thì cũng rất dễ dẫn đến bạo lực vợ chồng. Bởi trong lúc quẫn chí, cay cú về sự khó khăn, làm ăn thua lỗ, người đàn ông rất dễ nổi khùng, muốn làm một điều gì đó để giải tỏa và rất có thể đó chính là bạo lực. Người chồng dù thế nào đi nữa họ cũng vẫn cần có người chia sẻ những khó khăn, chung lưng đấu cật những khi hoạn nạn. Người vợ nếu không hiểu được chân lý đó thì thật khó dung hòa trong cuộc sống vợ chồng. Vợ chồng đồng cam cộng khổ, khó cùng chịu, sướng cùng hưởng thì có lẽ sẽ chẳng có chuyện vợ chồng thô bạo với nhau.
Sự hỗn láo của người vợ
Có dâu hiền rể thảo đó là cái phúc đức của mỗi gia đình. Người đàn ông có thuộc dạng “phàm phu tục tử” thì cũng ước ao lấy được người vợ ngoan hiền, lấy được con dâu hiếu thảo cho gia đình. “Cái nết đánh chết cái đẹp”, câu nói được các cụ ta đúc rút từ hàng ngàn năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là cái đẹp nội dung của con người, cái đẹp người ta phải cảm nhận chỉ không chứ nhìn bằng mắt. Một người phụ nữ có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng miệng lưỡi gian giảo, hỗn láo, tâm địa độc ác… thì đó quả là sự chớ trêu của tạo hóa.
Nhiều phụ nữ khiến cho người khác phải ngạc nhiên là tại sao lại bị chồng đánh. Bởi ở bên ngoài, họ tỏ ra khôn khéo, hiền hòa, ít khi làm mất lòng người khác. Nhưng thực chất đối với gia đình, bố mẹ, chồng con lại hoàn toàn khác, coi trời bằng vung. Họ tưởng rằng ở bên ngoài họ được trọng vọng nên ở nhà có thể lên mặt, muốn gì cũng được. Họ không biết rằng, đó là một nghịch lý không thể chấp nhận được.
Chẳng một người chồng nào chấp nhận được sự hỗn láo của người vợ đối với bản thân mình và những người thân trong gia đình. Chính sự kỳ vọng về một người vợ ngoan hiền, người con hiếu thảo không được nên nhiều người đàn ông được coi là đứng đắn, tử tế cũng không tránh được những hành động thô bạo.
Sự nhu nhược của người chồng
Người đàn ông không thể quyết đoán một việc gì, luôn luôn núp dưới bóng người khác, nghe theo lời xúi bẩy của người khác… là một dạng thức của sự nhu nhược. Trong gia đình có bố mẹ, vợ con, nhưng nhiều người đàn ông lại luôn phụ thuộc vào cha mẹ, không cần biết mọi việc đúng hay sai rồi làm khổ vợ. Trong cuộc sống từ nhỏ đến lớn đã thiếu tính độc lập, cha mẹ bảo sao thì biết nghe vậy, người vợ của họ quả là sẽ rất khổ tâm.
Cũng chính bản tính nhu nhược mà nhiều kẻ đã nghe mẹ quay sang mắng nhiếc, vũ phu với vợ, chỉ vì mẹ mình không thích cô con dâu ấy. Đã có trường hợp mẹ chồng xui con trai đánh đuổi nàng dâu ra khỏi nhà mà không cho mang theo thứ gì. Nhìn chung, họ là những người đàn ông thiếu bản lĩnh, thiếu cái uy của đấng nam nhi, thậm chí có thể nói là hèn nhát.
Người vợ quá phụ thuộc vào chồng
Sự gắn kết của hai vợ chồng không phải ở chỗ phụ thuộc quá nhiều vào nhau mà đó là tình yêu và sự xẻ chia. Thế nhưng, một bên dù là nam giới hay nữ giới mà quá phụ thuộc vào bên kia thì sẽ tạo ra cảm giác coi thường nhau. Người vợ quá thua kém chồng, sống phụ thuộc gần như hoàn toàn về kinh tế quá lâu tự nhiên sẽ bị lép vế, tiếng nói của mình dường như không có trọng lượng. Trong khi chồng là người cầm trịch mọi thu nhập, mọi quyết định, anh ta dù sao cũng có tư tưởng ban ơn. Đã thế anh ta lại gặp gỡ, có những mối quan hệ với nhiều phụ nữ giỏi giang, sống độc lập, cảm thấy ngưỡng mộ họ, như vậy sẽ không tránh khỏi sự so sánh. Khi thấy vợ mình quá kém cỏi so với những người phụ nữ khác thì tâm lý chán nản, coi khinh rất dễ nảy sinh. Cũng chính vì thế mà vợ chồng bắt đầu xuất hiện khoảng cách, sau là mâu thuẫn, cãi vã, nếu không chịu được còn có thể có cả bạo lực. Ông chồng nào có sẵn tính vũ phu, cục cằn trong người thì chỉ cần cảm thấy bực bội vì một câu nói lại của vợ là có thể “ra đòn” ngay. Tâm lý người vợ khi phụ thuộc hoàn toàn vào chồng là cam chịu, dù chồng có vũ phu thì nhiều khi vẫn cắn răng chịu đựng, không dám chống đối quyết liệt. Nhưng chính sự cam chịu ấy lại càng khiến cho anh ta trở nên cố chấp và lấn tới. Anh ta nghĩ rằng mình có quyền như vậy, hay ít nhất là cũng đổ hết lỗi cho người vợ. Bạo lực mà người vợ phải gánh chịu cũng xuất phát từ đó.
Nguyên nhân của bạo lực từ tình dục
Có lẽ cũng cần phải xem xét đến vấn đề tâm sinh lý của người đàn ông khi phân tích những nguyên nhân của hành vi bạo lực ấy. Về mặt sinh lý phụ nữ có thể được thỏa mãn trong sinh hoạt tình dục nhưng người đàn ông phải xuất tinh mới có được điều ấy. Một khi nhu cầu nhục dục tăng, người đàn ông phải tìm cơ hội để xuất tinh. Ở người đàn ông, cái hưng phấn tình dục đến rất nhanh và cần phải được đáp ứng. Hơn nữa, đàn ông thường là người chủ động trong các hành vi tình dục.
Về mặt tâm lý của đàn ông thì nhu cầu cố chấp trong quá trình giao hợp phản ánh vết tích tiến hóa của văn minh tình dục của nhân loại được lưu lại trong ý thức của người đàn ông. Khi vợ chồng hòa hợp, vui vẻ thì cuộc sống tình dục bình đẳng, nhưng trong cuộc sống của đàn ông luôn biến thành chinh phục và tượng trưng chinh phục. Ở một ý nghĩa nào đó mà nói, cuộc sống tình dục của con người đã bị văn minh con người dị hóa mất rồi. Tuy nhiên, không thể so sánh với động vật hay con người cổ đại, nhưng để thể hiện cho tình dục đã lấy dục vọng chinh phục và chi phối tụ lại, khắc sâu vào ý thức của người đàn ông.
Trong tình huống tự giác và không tự giác, đàn ông sẽ coi công việc hoàn thành tình dục để chứng minh cho sức mạnh chi phối, xem trình độ chinh phục và chi phối là quan niệm đã bị dị hóa. Cho dù ở góc độ nào thì hành vi cưỡng ép, bạo lực trong sinh hoạt tình dục trong hôn nhân đều bộc lộ tính dã thú, nên tự mình bó buộc vào phạm vi đạo đức và xã hội. Hành vi bạo lực tình dục trong hôn nhân là kết quả xã hội hóa tình cảm bản thân, đem đến cho cuộc sống vợ chồng nhiều uy hiếp.
Đối với người chồng, cảm giác chinh phục và chi phối đem đến cho họ tâm lý căng thẳng, lo lắng và phiền muộn. Còn đối với người vợ thì là một nguyên nhân quan trọng trong tình cảnh cố gắng chịu đựng và nhân nhượng đã coi cuộc sống tình dục thành chuyện “làm theo lệ”. Đến một khi vượt quá sự nhẫn nại thì sẽ xuất hiện phản kháng, tiếp tục phát triển sẽ có nguy cơ phá vỡ hôn nhân.
Trong hôn nhân, phụ nữ chi phối thân thể mình thiếu quyền lợi có bản về mặt tình dục, thậm chí khó có quyền tự chủ. Hầu như họ giành quyền chủ động cho người đàn ông, thậm chí còn cho đó là quyền của người chồng. Biết được tâm lý ấy nên nhiều người đàn ông đã nảy sinh ra tính thô bạo trong quan hệ tình dục.
Bạo lực tình dục trong gia đình còn xuất phát từ việc người chồng và gia đình nhà chồng thúc ép người vợ sinh con một cách mù quáng. Một khi người phụ nữ không sinh con được như ý muốn của chồng thì cũng là lý do để anh thô bạo trong chuyện “chăn gối”.
Sự ghen tuông mù quáng của người chồng đã sinh ra tâm lý muốn trả thù, hành hạ vợ. Và một trong những cách họ làm là đối xử thô bạo “bức tường thành” của người phụ nữ. Họ cho rằng, bằng cách ấy bản thân mình sẽ được thỏa mãn lòng uất hận, đồng thời tránh được việc mình sẽ bị “mọc sừng”. Đặc biệt hơn cả là cách hành hạ ấy người ngoài sẽ không thể biết được vì đó là việc tế nhị, chẳng ai lại đi “vạch áo cho người xem lưng”. Tâm lý xấu hổ về một chuyện tế nhị thì chẳng mấy người phụ nữ lại đem ra trước mặt thiên hạ.
Người đàn ông có nhu cầu tình dục quá mạnh, đến mức bệnh hoạn hoặc là bị bất lực thì cũng là nguyên nhân dẫn đến thô bạo trong tình dục. Anh ta cần dùng sức lực, thậm chí là sự thô bạo để thỏa mãn nhu cầu của mình một cách tối đa. Còn khi anh ta bất lực, cái ham muốn mạnh mẽ nhưng lại không thể làm gì để thỏa mãn được, anh ta có thể phát điên lên mà hành hạ bạn tình.
Quái ác hơn là có người đàn ông lại chỉ có thể thỏa mãn tình dục bằng việc “hành xác” người phụ nữ. Họ cắn, xé, đấm đá, bấu véo… hết sức mình, mặc cho người phụ nữ đau đớn để được thỏa mãn.
Bạo lực gia đình từ người phụ nữ
Mô hình gia đình truyền thống đã tồn tại nhiều năm trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Đó là mẫu hình gồm nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau dưới một mái nhà (thường là ba thế hệ: Ông - bà, cha - mẹ, con - cái), trong đó mọi quan hệ giữa các thành viên được tuân theo những quy tắc cố định bằng lễ, nghĩa, tình với những chuẩn mực như người đàn ông làm chủ, người phụ nữ đủ tam tòng tứ đức, lo toan gánh vác công việc gia đình… Hiện nay mô hình gia đình này đang giảm dần. Người phụ nữ đang dần bước ra ngoài phạm vi gia đình và tham gia ngày càng nhiều trong các lĩnh vực xã hội. Cùng với sự phát triển của xã hội, các nhu cầu và mong muốn của con người ngày càng nhiều hơn và đương nhiên trách nhiệm trên vai mỗi thành viên trong gia đình nói chung và phụ nữ nói riêng cũng nặng hơn. Những đòi hỏi về mặt kinh tế và rất nhiều tác động khác từ những nguồn văn hóa ngoại lai như phim, ảnh, lối sống… luôn tác động đến mỗi cá nhân. Chính những sức ép đó đã làm cho các giá trị truyền thống bị cho là không hợp và bị lãng quên. Thậm chí nhiều người còn đả kích và gắn cho việc làm đó là sự giải phóng khỏi những ràng buộc gia đình. Nhiều phụ nữ đã hiểu không đúng khái niệm “bình đẳng giới”, giống như cô ta có thể cư xử thô bạo với chồng con và các thành viên trong gia đình chồng, coi đó là điều bình thường như bao người đàn ông vẫn làm. Người phụ nữ, họ muốn cố gắng gồng mình lên để được tương xứng với nam giới.
Một khi người phụ nữ bị đàn áp quá mức từ người chồng hay các thành viên trong gia đình chồng, họ nghĩ rằng mình cần phải vùng lên. Sức chịu đựng của bản thân mình có hạn “con giun xéo mãi cũng quằn”, quyết không để người khác đè đầu cưỡi cổ mình mãi, mình phải đứng lên để bảo vệ chính mình. Cách mà họ dùng để chống lại những thành viên trong gia đình và bản thân chồng cũng chính là bạo lực.
Có dạng bạo lực của người phụ nữ xuất phát từ việc “giận cá chém thớt”. Giận chồng, gia đình chồng, bị chồng hay các thành viên trong gia đình chồng đánh, mọi cay cú lại đổ lên đầu những đứa con của mình. Mặc dù chúng chẳng có tội lỗi gì nhưng vẫn phải chịu những trận đòn vô cớ từ người mẹ. Thực ra, người mẹ nào cũng thương xót con cái, đánh những đứa con mình dứt ruột đẻ ra chẳng khác gì đánh vào chính bản thân mình. Nhưng nhiều khi quá cùng quẫn, quá bất mãn với thói thô bạo, vũ phu của chồng mà trút nỗi cay đắng ấy vào con cái. Tình trạng ấy có, tuy nhiên không phải là nhiều, nó chỉ tồn tại ở những người phụ nữ không làm chủ được tình thế. Hơn hết, nó xuất phát từ sự cay đắng, tủi nhục về thân xác và sự đày đọa về tinh thần.
Thưa bạn!
Một gia đình có bạo lực thì không bao giờ tồn tại hai tiếng hạnh phúc. Cho dù bạo lực vì lý do gì và xảy ra giữa bất cứ ai trong gia đình thì nó vẫn để lại những hậu quả buồn và đáng tiếc. Có lẽ phải nhận thức được những hậu quả ấy thì những người trong cuộc mới tránh xa nó.
Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này vào những bài viết khác!
*.
Hà Nội, tháng 09 năm 2003
TRẦN TIẾN
Địa chỉ: Nhà 6, ngách 20, ngõ 107, phố Hồng Mai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Email: trantienkv20@gmail.com







........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 10.04.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét