VỀ THĂM NHÀ (sau 30.04.1975) - Tùy bút Lưu Xuân Thanh (Bình Định)

Leave a Comment
(Tác giả Lưu Xuân Thanh)
VỀ THĂM NHÀ
(sau 30.04.1975)
- Tùy bút Lưu Xuân Thanh -
*
Như tất cả những người lính may mắn trở về sau 30-04- 1975. Tôi và đồng đội háo hức hành quân bằng các phương tiện xe quân sự, tầu lửa, tầu thủy để về quê thăm gia đình theo kế hoạch nghỉ phép của cấp trên. Mất hơn một tuần mới về tới trạm đón tiếp của tỉnh đội Hà Bắc ở thị xã Bắc Giang. Nghỉ tại đây hai ngày để làm các thủ tục giấy tờ như tem phiếu gạo, thực phẩm, giấy đi đường, một tháng lương,  tiền tầu xe về lại đơn vị ở trong Nam. Khi đi vào Nam, mất hơn ba tháng. Lúc về thời gian khoảng trên dưới 10 ngày mà tưởng dài cả năm.
Không biết người khác tâm trạng thế nào. Còn tôi nôn nao rất khó tả. Ngủ không ngon giấc, mộng mỵ lung tung. Đêm cuối cùng ở bên bờ sông Thương. Anh chàng đại úy Vĩnh, lính Qk6 (Bình Thuận) đêm chia tay về quê (dốc Sàn, Bắc Giang) đã cho cả nhà uống càfee hòa tan của Mỹ. Cả bác chủ nhà đêm đó cũng thức trắng ngắm dòng sông Thương. Tôi đãi cả nhà hút thuốc lá Cotaps, bác chủ nhà nói rất thật lòng “từ bé đến giờ, nay mới  được hút thuốc lá thơm ngon đến như thế”. Tôi nghĩ đêm nằm năm ở, nên đã  biếu bác chủ nhà nguyên một gói. Lòng tôi rộn ràng hình dung cảnh về nhà bố mẹ tôi sẽ vui mừng ra sao, bà con xóm làng thế nào. Tôi lau lại khẩu súng ngắn k59 cả vỏ bao da láng bóng, đẹp đẽ. Sáng ra tôi mặc quân phục chỉnh tề, đội mũ tai bèo, thắt lưng to bản có bao súng ngắn k59 xem ra có vẻ oách lắm. Từ Bắc Giang xuống ga Bắc Ninh. Tôi đi bộ ra phố Tiền An, nhiều ánh mắt nhìn thân thiện. Từ thị xã về nhà tôi là 12km. Còn sớm chán, tôi ghé vào quán bún riêu bên hè phố ăn một tô bún riêu cua với cọng rau muống chẻ nhỏ rất ngon. Đã hơn mười năm mới lại được ăn, tôi nghĩ chẳng có gì ngon hơn. Khi tính tiền bác chủ quán nhất định không lấy tiền. Đúng lúc đó anh chạy xe đạp thồ đến, anh ta nhanh nhẩu cảm ơn bác bán bún thay tôi và bảo tôi lên xe. Nhìn anh ta mặc đồ bộ đội, đội mũ cối, tay trái như cán rá hơi cong. Tôi ngần ngừ, anh ta nói: - Thủ trưởng về đâu, em cũng là lính xuất ngũ năm 1974, vì cánh tay 35 % thương tật này đây.  Một quan , một lính vừa đi vừa nói đủ thứ chuyện. Đến phố Và, tôi xuống xe vì thấy mồ hôi thấm qua chiếc áo lính bạc mầu của cậu ta. Tôi vừa đi vừa hỏi cậu cậu ta những chuyện về quê hương. Là dân xe thổ nên cậu ấy biết nhiều chuyện. Tôi hỏi:  - Đã có  vợ chưa ? Cậu ta im lặng năm mười giây rồi giọng buồn buồn: - Em vào Nam sau tết Mậu Thân. Cô ấy lấy chồng năm 1972. Thế còn thủ trưởng? Mải nghĩ chắc mình cũng như thế nên không nghe hết câu nói sau của cậu ta, đành hỏi lại: - Cậu vừa nói gì? Cậu ấy im lặng lảng sang chuyện khác. Đến bến phà Hồ chúng tôi ngồi nghỉ tại lô cốt bê tông từ thời Pháp còn sót lại. Cậu ấy bảo đây là làng em - Làng Tân Chi. Tôi nói với cậu ta: - Bên nam sông Đuống là quê nhà thơ Hoàng Cầm, bên này là quê của nhạc sỹ Hồ Bắc , Huy Du, Nguyễn Đức Toàn…
Qua phà sang bên kia sông Đuống. Cậu ấy cúi xuống lấy khăn lau sạch đôi giầy butloso cao cổ của tôi. Bắt tôi lên xe, đi 5km nũa là về nhà. Cả hai đều im lặng. Tôi quên mình đang đi xe đạp thồ cứ lơ lửng như ở trên mây, hình dung đủ mọi thứ về giây phút sắp tới. Đến đầu làng tôi xuống xe, hỏi tiền xe cậu ấy nói: - Cho em xin hai đồng. Tôi trả hai đồng và nói biếu thày u cậu ấy hai đồng nữa là bốn đồng. - Em cảm ơn thủ trưởng. Cậu ta nói vẻ xúc động. Khi cậu ta đã đạp xe, tôi vội hỏi: Trước đây cậu ở đơn vi nào? Cậu ấy ngoái đầu lại: - Em ở Sư đoàn 7. Đến bây giờ tôi vẫn ân hận sao không hỏi cậu ấy tên gì? Người thương binh đạp xe thồ là người duy nhất đón tôi về quê sau ngày 30.4 .1975!
Qua cổng làng, tôi vừa đi vừa ngắm ngía xung quanh. Đường làng lát gạch cong lên ở giữa vẫn như xưa. Cây si bên ao làng rễ tỏa xuống chạm mặt nước. Chính chỗ này bên gốc si mười năm trước, chàng thiếu úy đã vụng về khi cô bạn của em gái ôm hôn trong đêm trăng khuyết. Tai tôi nóng bừng, miệng nuốt nước bọt, khi nhớ lại tiếng thì thầm của Ngọc: - Anh ôm chặt quá, em đau. Suy nghĩ mông lung, tiếng chào cao vút: - Cháu chào chú bộ đội, cô gái đã đưa tôi về thực tại. Tôi hỏi cô con nhà ai? Cô cười: - Cháu là con bố Hải ạ.
Bước vào sân nhà, không một bóng người, cửa nhà mở toang. Trống vắng! Vẫn chiếc phản gỗ lim thầy tôi ngồi hút thuốc, uống chè. Nhìn kỹ nhà đã xây lại ba gian đẹp đẽ hơn lúc tôi về trước khi đi B. Tôi đang để đồ đạc lên phản, bác gái chạy tới vừa khóc vừa  nói: - Chú thím ơi, thằng Tài nó về …Tôi ngắt lời bác: - Thày u cháu đâu? Bác gái tôi khóc:  - Ở ngoài đồng cả rồi! Tôi hỏi: - Thế thầy u cháu làm gì ngoài đó?. Bác gái tôi: - Cha đẻ bố anh, mười năm biền biệt không tin tức. Bác trai, thày, u, anh đều chết hết rồi!. Tôi bàng hoàng thét to: - Trời ơi! Rồi ngồi bệt xuống nền nhà khóc nức nở. Tôi kéo áo ra khỏi quần, lấy vạt áo lau nước mắt.  Bà con họ hàng làng xóm đã đến chật nhà, đầy sân. Tất cả đều im lặng chỉ có tiếng khóc của tôi. Một bàn tay nhăn nheo vuốt tóc tôi rồi nói nhỏ như gió thoảng: - Thế thằng Thức nó không về cùng anh ư? Tôi đỡ thím đứng lên và đáp lời: - Có lẽ nó về sau thím ạ. Thật ra tôi đã biết Lưu Xuân Thức hy sinh từ năm 1967. Tôi gạt nước mắt, chào bà con. Vừa lúc đó em gái tôi từ cơ quan về dắt theo một cậu bé. Em gái tôi khóc ngất và mọi người khóc theo. Ông Lưu Minh Hải, chú họ tôi nói lớn: - Thằng Tài nó về là vui, khóc thế đủ rồi. Ông bảo tôi uống chè tươi. Không biết ai đã đem cả nồi to chè tươi để ngoài sân nhà. Cậu bé em gái tôi dẫn về chừng bảy tuổi nhìn tôi chằm chằm. Tôi hỏi: - Cháu là con ai? Cậu bé im lặng.  Em gái tôi nói: - Nó là con của bác sỹ Ngọc. Tôi lặng đi vài giây rồi kéo cậu lại gần. Cậu ta vùng ra chạy đi chỗ khác …
Tôi ra ngoài đồng, đến nghĩa địa làng. Anh họ tôi chỉ từng ngôi mộ, tôi đốt nhang cắm lên. Khi đến mộ song thân, tôi thì thầm: - Con về rồi, thày u không còn. Làm con không chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, không được nhìn cha mẹ lần cuối. Con “trung với Đảng hiếu với Dân” nhưng lại bất hiếu với cha mẹ ruột của mình! Ai hiểu nỗi lòng con! Cơn gió thoảng làm bó nhang trên tay tôi bừng cháy, tiếng gió rì rào như tiếng của thày u tôi. Khói hương theo gió  quấn quanh tôi, như hồn mẹ ôm tôi. Nước mắt tôi rơi xuống mộ!.
Tôi đi thăm bà con họ hàng, làng xóm. Thăm một vài nơi tôi đã có những kỷ niệm thời trai trẻ và cuộc đời binh nghiệp. Xuống Ân Thi, Hưng Yên, thăm gia đình đông đội Đặng Sỹ Lộc, Nguyễn Văn Lạng. Còn 12 ngày nữa mới hết phép. Qúa buồn, tôi vào lại trong Nam. Không về đơn vị mà vào Sài Gòn. Đang đi bộ trên đường Hồng Thập Tự  đến ngã tư Hàng Xanh  thì gặp một bà  đi bộ, hai tay hai túi xách nặng nề bước cùng chiều tôi đi. Tôi nói với bà để tôi xách dùm. Bà hơi ngần ngừ rồi cũng đưa tôi một túi. Cơn mưa rào bất chợt bà bảo tôi vào hiên nhà trú mưa. Tôi bỏ mũ tai bèo khỏi đầu. Bà nhìn thẳng vào mặt tôi vẻ sững sờ, rồi nói: - Xin lỗi anh giải phóng, nhìn cán bộ sao giống anh tôi quá. Đến lượt tôi ngơ ngác: - Anh bà ở đâu ạ? - Anh tôi là Lưu…ở làng Cũ – Cô ơi cháu là Tài con bố Lưu đây ạ. Phải chăng bố mẹ  đã linh thiêng dẫn lối, đưa đường để tôi gặp bà Lưu Thị Khanh di cư vào Nam 1954. Cô dẫn tôi về nhà, ở chơi vài ngày. Con của cô đưa tôi lên Đalat. Một bất ngờ diễn ra ở  Dalat … Cuộc đời tôi chuyển sang giai đoạn mới - Thời hậu chiến, với bao biến cố khôn lường !!!
*.
LƯU XUÂN THANH (cẩn bút giới thiệu)
(Tên thật: Lưu Quang Thái)
Địa chỉ: Phường Nhơn Phú, tp Quy Nhơn, Bình Định.
Email: luuquangthaibd@gmail.com
.
.



…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.04.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét