(Tác giả Nguyễn Như Mây) |
THƠ NGẮN NGỌT NGÀO
NGUYỄN NHƯ MÂY
Thật tình tôi không biết Nguyễn Như Mây là ai và tôi đã kết bạn với người
ấy trên Facebook khi nào. Tình cờ tôi lọt vào dòng thơi gian của trang Facebook
Nguyễn Như Mây và đọc được những bài thơ dài của tác giả với rất nhiều cuốn
hút. Thế rồi tôi lần đến những bài thơ ngắn và nhiều cảm nhận thú vị đến với
tôi một cách ngọt ngào.
Tôi có cái tật phải viết lời bình cho những bài thơ mà tôi yêu mến, vì
không viết thì tôi ăn không ngon và ngủ chẳng yên. Vậy nên nếu Nguyễn Như Mây
là một nhà thơ có tên tuổi thì tôi xin mạo muội chạm vào chéo áo của ông, còn
nếu Nguyễn Như Mây là một cây bút vườn thì tôi xin kết nghĩa vườn cùng tác giả
vì, tôi vốn là một ông lão nhà quê làm vườn,
chuyên hái hoa thơ bán cho đời với giá không một đồng xu. Tôi đã một lần viết
bài “Thơ ngắn lạ đời Lê Thiên Minh Khoa” là một cây bút ngông thượng thừa tại
Bà Rịa Vũng Tàu. Nay tôi xin viết “Thơ ngắn ngọt ngào Nguyễn Như Mây” để thổ lộ một phần những cảm xúc mà thơ
ngắn của một nhà thơ người dưng đem đến cho tôi.
(Tác giả Châu Thạch) |
Trước hết hãy cùng nhau uống một ly
chanh đường. Chanh là sự mơ mộng của nhà thơ. Chanh là một vài ước muốn “nếu
là…” của nhà thơ và đường là sự lãng mạn nếu thi nhân đạt được điều mình mong
muốn:
Nếu
- tặng Nguyễn
Thanh, Bình Thạnh, Sài Gòn -
*
nếu
làm chiếc lá đời
ta sẽ
xanh đầy núi
nếu
làm mây, làm khói
ta về
quán lưng đèo
nếu
làm dòng suối reo
ta đổ
đầy bình rượu
nếu
làm đôi cánh bướm
xin
ngủ vùi tay Em…
Đọc bài thơ nầy tôi nhớ đến bài thơ Tự Nguyện:
Nếu là chim, tôi
sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương/ Nếu là mây,
tôi sẽ là một vầng mây ấm/ Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương.
“Nếu” của Nguyễn Như Mây không có
cái mơ ước cao thượng như thế. Nếu trong Tự Nguyện tác giả làm chim. làm hoa, làm mây chỉ là để bày tỏ cái ước nguyện chính của mình là làm người để “sẽ chết cho quê
hương” thì Nguyễn Như Mây có một ước
nguyện khác hơn: làm lá, làm mây, làm suối, cũng chỉ để bày tỏ
cái ước vọng lớn nhất của mình là làm bướm để “xin ngủ vùi trong tay em”. Trong
một khía cạnh nào đó tôi nghĩ rằng cái “nếu…” của Nguyễn Như Mây thích hợp cho
tất cả đàn ông hơn cái “nếu” trong “Tự Nguyện”, vì “ngủ vùi trong tay em” thì
có ai mà không muốn. “Nếu…” của Nguyễn Như Mây là ước ao chân thật, không giả
dối, không cường điệu, không khoác lác bao giờ. Cả bài thơ có tám câu. Ba cặp
thơ đầu là những ước vọng rất cao rộng. Ước vọng cao rộng như xanh đồi núi, như
khói lưng đèo, như dòng suối reo thành rượu, để cuối nhưng cái cao rộng đó lẩn
khuất sau đôi cánh bướm ngủ trên bàn tay em. Vậy bàn tay em là chân lý, là thần
tượng, là đích đam mê, là trên cả mọi cái mà tâm hồn anh muốn tôn vinh. Bướm
thì thích đậu trên hoa. Vậy bàn tay em chính là đoá hoa đẹp nhất để sau bao
nhiêuước nguyện anh muốn thành bướm, không mơ tiên mà để chỉ mơ đậu trên tay em
một đoá hoa nhan sắc. Nếu có người phổ nhạc cho bài thơ nầy thì chắc tiếng nhạc
không vi vu như tiếng than van mà nó êm như tiếng gió ru, mang hương vị ngọt
ngào.
Và bây giờ xin mời hãy uống một ly rượu trăng tức là ly rượu nguyệt:
Rượu
* tặng anh Lại quảng nam.
nửa
đêm, thèm uống rượu
quán
lại hết rượu rồi
phải
chi ánh trăng rơi
có
chút men trong ấy!
Thèm rượu lúc nửa đêm rồi mơ ước ánh trăng có rượu phải chăng là một ý thơ vô cùng lãng mạn? Phải, rất lãng mạn vì đó là một ước mơ vượt
trên thực tiển và sự tưởng tượng như con sóng tràn bờ, phóng khoáng, tự do, ở
trên mọi ràng buộc. Bốn câu thơ ngắn bày tỏ ước mơ nhỏ nhoi, ý thơ không có ẩn
dụ gì nhưng đó là một ước mơ không
tưởng. Cũng chính sự không tưởng đó đã biến cơn thèm bình thường trở nên một
ước ao thi vị , biến tâm hồn trần tục trở nên thoát tục vì ao ước men trăng,
một thứ men mà có lẽ chỉ có tiên hoạ may có được. Bài thơ trở nên ngọt ngào vì
người đọc thơ liên nghĩ đến ánh trăng bàng bạc lúc nửa đêm, nghĩ đến những giọt
trăng và nghĩ đến bầu trời thanh tịnh, đến gió đến mây, cũng như liên nghĩ đến
chất rượu trăng thanh tao làm tê mê trên đầu lưỡi.
Ánh trăng có chút men chắc là không phải rượu mà người đời ưa thích vì nó
sẽ không cay không nồng. Hương vị trong men trăng chắc
chắn chỉ là hương
giải thoát của đạo, của thiền, của tiên ông thấm vào trong tinh thần chớ không
thấm vào trong da thịt, làm thanh bai thuộc linh chớ
không làm cho say sưa thuộc thể. Vậy thì người mơ cái men rượu đó phải là người
phải có một tâm hồn thanh khiết, một vị giác tuyệt vời
mới thưởng thức được thứ rượu trăng là một thứ rượu ướp bằng men của đất trời,
của ngàn sao, của mây nước.
Đây là một bài thơ có thể cho là tác
giả không sáng tác mà chỉ nói ra thơ, nghĩa là đột
nhiên xuất khẩu thành thơ. Xuất khẩu thường là thành thơ gượng gạo, nhưng xuất
khẩu mà thành thơ trác tuyệt thì người
làm thơ phải có một linh hồn vô vi trong thơ, như một người tu Lão giáo
hoà nhập với Trời. “ Rượu” là một bài thơ ngắn gọn, nhưng câu chót đã làm cho
bài thơ trở thành trác tuyệt, và cái tâm hồn rượu ấy đã hoà nhập với đêm, với
ánh trăng và nói chung với cả thiên nhiên, chứa
đựng trong ý thơ rất bình dị một tứ thơ siêu thoát vượt trên ham muốn trần
gian.
Và bây giờ là một tâm hồn cao thượng:
Cỏ dại
nếu
được làm cỏ dại
mọc
dưới bước chân người
ta sẽ
không ngần ngại
nở
thêm vài cánh hoa
để
chân người êm ái
quên
nỗi mệt đường xa ...
Không có ai muốn làm cỏ dại và không có ai nếu làm cỏ dại mà không bi ai
cho số phận của mình. Con người bị đày làm cỏ dại mọc dưới gót chân người, lại
ao ước nở thêm hoa để làm cho chân người êm ái quên nỗi mệt đường xa là một
mong muốn cao thượng. Cái tư duy cao thượng đó đầy tính thơ vì nó không mong
muốn mọc thêm cho dày lên để làm cho bàn chân người đi êm ái mà nó mong muốn
“nở thêm vài cánh hoa”. Hoa là vẽ đẹp, hoa là hương thơm sẽ làm thư giản tâm
hồn người đi trên cỏ. Bài thơ không mong muốn những
điều cao xa, không
chết cho quê hương, không ngủ vùi trên tay em nhưng chỉ muốn thành bông hoa cỏ
lung linh. Cái hoa cỏ lung linh đẹp bình
dị, đẹp tự nhiên và ước muốn của hoa đầy tính Người. Bài thơ cho ta cái huyền
nhiệm của bông hoa cỏ, làm cho những cánh hoa bé tí không những chỉ xoa bóp dịu
dàng bước chân người lữ khách mà còn làm cho tâm thần con người êm ái, lắng
xuống mọi điều của thế gian nhiễu sự. Đọc thơ ta bổng cảm nhận một khung trời
dịu mát, một đường quê thanh vắng, một tâm trạng bình an nhờ vào cái ước mơ rất bình dị mà tác giả đã phổ vào thơ. Cỏ đã làm lắng đọng
mọi xao động trong hồn và hoa đã làm thăng hoa cuộc sống trong êm ái, bình an
của bước chân người lữ khách và của người ngồi đọc bài thơ.
Nguyễn Như Mây còn nhiều bài thơ ngắn ngọt ngào như thế, nó mang tâm hồn của
thiên nhiên vào tâm hồn người, nó mang tình yêu cá nhân vào cõi thiên
nhiên và nó ban cho người dọc nhưng xúc
cảm bất chợt, đến mau nhưng sự ngọt ngào lắng lại, chìm xuống
và có thể trở thành trầm tích trong hồn khi ta yêu nó.
Trong khuôn khổ một bài đăng trên web phải ngắn và gọn tôi không thể viết
nhiều. Xin giới thiệu dưới đây một vài bài thơ khác. Mong bạn đọc dành thêm
thời gian thưởng thức./.
Không
đề
ta
tìm gì trong núi
khói
sương hay lòng mình?
sương
khói thì bồng bềnh
tìm
chẳng bao giờ gặp!
lòng
mình thì phơ phất
như
lau trắng đầy rừng ...
Không
đề
ta
giống như chiếc thuyền
gập
ghềnh trăm ngọn sóng
ta
giống như hy vọng
lênh
đênh mãi biển đời
và,
ta giống mọi người
không
nhìn ra hạnh phúc!
Không
đề
thấy
đường bay của chim trời
nhẹ
như một vệt khói trôi qua rừng
lòng
ta nghĩ: khói trên sông
chẳng
qua chỉ gợn nhẹ hồn mình thôi!
để
khi chợt đứng giữa trời
ngắm
chim bay, thấy cuộc đời nhẹ tênh ...
Không
đề
* tặng Nhà thơ Phương Tấn.
ngả
lưng tìm giấc ngủ
giữa
núi rừng lặng im
không
ngờ suối và chim
róc
rách hoài trong lá
và
không ngờ - thật lạ!
mình
cũng chảy tràn lan
cả
một trời thu vàng
gập
ghềnh bao xác lá ...
Không
đề
chợt
nghe giọt nắng vỡ tan
khi con
chim hót trên cành sớm mai
sao
lòng ta cứ tiếc hoài
nắng
trong veo đậu xuống tay của mình?
ước
gì nắng cứ long lanh
cho
ta soi thấy hồn mình sáng trưng!
nhưng
kìa, chim đã lên không
mang
theo nhữg giọt nắng còn mới tinh ...
Cảm
ơn cát bụi
cảm
ơn cát bụi vô danh
một
ngày nào đã kết thành cõi ta
cảm
ơn thân xác đã già
một
ngày nào sẽ vì ta lìa đời
cảm
ơn ta vẫn mỉm cười
gánh
bao cát bụi để rồi về không!..
Không
đề
Em bỏ
quên đồi cát
vết
rong rêu phiêu bồng
làm
sao biết mênh mông
giấu
trong từng hạt cát
làm
sao nghe sóng hát
dội
hết vào nhớ thương
trong
khi cả đại dương
giấu
vào anh hạt cát?
đồi
cát hồng mũi-ne
Thơ
về Huế
1.
đi
trong đêm Thành - nội
chỉ
mình tôi và trăng
tôi
nghe lòng cây cối
nghiêng
bao nỗi thăng trầm ...
(với Võ Quê)
2.
tôi
ngồi lặng ngắm sông Hương
đêm
vàng ánh trăng buồn cố đô
chợt
nghe đâu có tiếng hò
hình
như Em mới xuống đò chèo đi.
*
CHÂU THẠCH
(Tên thật Trương Văn Trạn)
Địa
chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0914102309
Email:
truongvantran@hotmail.com
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên
bản của tác giả gửi qua email ngày 21.04.2016
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét