CHUYỆN KỂ VỀ CUỘC ĐỜI TU HÀNH THÀNH CHÍNH QUẢ CỦA ĐỨC PHẬT - Tác giả: Đỗ Anh Tuyến (Thái Bình)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
CHUYỆN KỂ VỀ CUỘC ĐỜI TU HÀNH
THÀNH CHÍNH QUẢ CỦA ĐỨC PHẬT
*
Chuyện kể rằng:
Quốc vương Suddhodana (Tịnh Phạn) và hoàng hậu Maya (Ma Da). Thuộc dòng dõi Sakya (Thích Ca). Ông trị vì một vương quốc nằm ở ven sườn dãy núi cao ngất trời Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) nằm ở phía đông bắc nước Ấn Độ, thủ phủ là Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ), nay là thành phố Nepal, nhưng mãi đến năm ông đã 50 tuổi mà vẫn chưa có một người con.
Một đêm, hoàng hậu Ma Da nằm mộng thấy một con bạch tượng từ trên không trung bay xuống và đem đến cho bà 1 đoá sen. Hoàng hậu bèn đem điềm chiêm bao này thuật lại cho vua Tịnh Phạn nghe. Vừa nghe xong, nhà vua lấy làm lạ bèn cho mời các nhà tiên tri lỗi lạc đến để đoán mộng. Các nhà tiên tri đoán rằng: “Hoàng hậu sẽ sanh ra một quý tử có tài đức song toàn”.
Thời gian trôi qua, hoàng hậu đã gần đến kỳ sinh nở.
Theo tục lệ của Ấn Độ thì người phụ nữ phải trở về nhà của cha mẹ ruột để họ chăm sóc. Nhưng trên đường trở về nhà, đến vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), ngay tại nơi đây, Hoàng hậu đã hạ sinh Thái tử trong sự hoan hỷ của các hàng Chư Thiên từ các tầng Trời đến đón mừng giây phút thiêng liêng này. Đó là ngày Mùng 8 tháng 4 Âm Lịch năm 624 Trước Công Nguyên theo Bắc Tông (hoặc rằm tháng 4 Âm Lịch theo Nam Tông) là ngày đánh dấu sự ra đời của Đức Thế Tôn.
Thái tử được đặt tên là Siddartha Gautama (Tất Đạt Đa Cồ Đàm), Ngài sinh ra với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Tịnh Phạn vương xiết đỗi vui mừng và cho mời tất cả các nhà tiên tri cũng như các hàng đạo sĩ đến để tiên đoán cho cuộc đời Thái tử Tất Đạt Đa.
Sau khi sinh Thái tử được 7 ngày hoàng hậu Ma Da qua đời vì thế người dì là Mahaprajapati (Ma Ha Ba Xà Ba Đề) trở thành hoàng hậu thay chị mình chăm sóc cho Thái tử.
Từ đỉnh núi cao Himalaya, nghe tin Thái tử ra đời, Đạo sĩ Asita (A Tư Đà) - người được kính nể nhất vì đạo hạnh đã vội vã đi đến thành Ca Tỳ La Vệ, đến nơi vừa ngắm nhìn Thái tử, đạo sĩ sụp lạy Thái tử rồi khóc nức nở.
Vua và hoàng hậu kinh hãi hỏi:
- Tại sao đạo sĩ lại khóc? Có chuyện gì không may cho hoàng gia hoặc điều bất hạnh cho Thái tử chăng?  
Đạo sĩ Asita đáp:
- Muôn tâu hoàng thượng và hoàng hậu, hạ thần khóc là khóc cho nỗi tiếc nuối của hạ thần, vì hạ thần không còn sống được bao lâu nữa để được thọ giáo Thái tử, đây là Bậc Giác Ngộ, Ngài sẽ cứu cho nhân loại ra khỏi bể trầm luân. Nếu xuất gia ngài sẽ trở thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, còn nếu làm vua Ngài sẽ là Bậc Chuyển Luân Thánh Vương.
Tịnh Phạn vương lo sợ con mình sẽ xuất gia tìm đạo để thành một vị Thánh, nên ngài truyền lệnh không ai được phép để cho Thái tử thấy những chuyện đau khổ, chết chóc.
Khi lên bảy tuổi, Thái tử được nuôi nấng và dạy dỗ một cách toàn diện cả hai lĩnh vực văn chương và võ thuật. Những thầy giáo giỏi nhất trong nước được mời đến hoàng cung để dạy cho Thái tử các môn học đương đại với những phương pháp đặc biệt. Thái tử đã làm cho hai danh sư nổi tiếng về võ thuật và văn học là Ksantidiva (Sàn Đề Đề Bà) và Visvamistra (Tỳ Sa Mật Đa La) đều phải cúi đầu thán phục.
Nhờ có sức khỏe phi thường, Thái tử học môn gì cũng giỏi, về bắn cung, trong một cuộc hội thi, Thái tử đã bắn một mũi tên xuyên 7 lớp trống đồng, trong khi người giỏi nhất tại cuộc thi chỉ bắn xuyên được ba lớp trống đồng.
Một lần Thái tử theo phụ vương ra dự lễ canh điền, Ngài nhìn thấy con trâu cày vật vã trên đồng lúa, con giun đất quằn quại dười lưỡi cày, con chim sà xuống gắp con giun bay đi. Tất cả đều trong vòng sinh tử. Ngay tại nơi đây, Ngài tham thiền lần thứ nhất trong kiếp làm Thái tử Tất Đạt Đa.
Để ràng buộc Thái tử ở lại ngôi báu, Vua cha Tịnh Phạn đã làm lễ thành hôn cho Thái tử và công chúa Yasodhara (Da Du Đà La) - một công chúa tuyệt đẹp và đức hạnh vô cùng. Ít lâu sau nàng hạ sinh một người con tên là Rafhula (La Hầu La).
Kể từ đó trở đi Thái tử sống một cuộc sống hạnh phúc, vô tư bên gia đình và không biết gì tới mọi nỗi khổ và bất hạnh ở đời.
Một ngày nọ, Thái tử đi ra ngoài thành dạo chơi và lần đầu tiên trong đời được tiếp xúc với những sự thật đen tối và đáng sợ: Thái tử lần lượt gặp một người già yếu, một người bệnh tật, một xác chết và cuối cùng là một vị tu sĩ bà la môn với tướng mạo nghiêm trang, khoan thai đi trên đường. Ngài nghiệm thấy mình tuy là Thái tử con vua, cũng không thể thoát khỏi tuổi già, ốm đau và cái chết, nhưng hình ảnh của vị tu sĩ đã giúp Thái tử sớm thấy được con đường dẫn đến giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi khổ đau và bất hạnh của đời người.
Về cung, Thái tử nhìn thấy dáng vẻ mệt mỏi rã rời của những vũ nữ lúc tiệc tàn và nhận ra sự phù phiếm, trụy lạc của cuộc sống xa hoa. Thái tử thấy rằng lạc thú thế gian thật vô ích. Lòng suy tư càng trĩu nặng. Ngài càng nung nấu ý chí và quyết định xin phép vua cha cho mình được xuất gia tìm cách giúp chúng sinh thoát khổ.
Dù không được sự đồng ý của phụ vương nhưng đã từ lâu cung điện này, lâu đài này không còn là nơi ở thích hợp cho Thái tử nữa, lòng nặng trĩu tình thương chúng sinh chìm đắm trong bể khổ làm cho Thái tử càng thêm quyết tâm xuất gia cầu đạo, tìm con đường cứu khổ cho muôn loài. Ngài để lại lá thư rồi lẳng lặng từ biệt người vợ hiền và con thơ yêu dấu: "Em ơi! Hạnh phúc này rồi cũng sẽ vơi. Tất cả rồi sẽ tàn phai theo năm tháng. Đôi tay ngọc ngà kia rồi sẽ cằn cỗi như một cành khô. Đôi mắt long lanh ngày nào rồi cũng mờ dần theo thời gian.. Ta không vì hạnh phúc của riêng Ta mà quên đi nhân loại… Em ơi! Ta ra đi vì hạnh phúc của chúng sinh”.
Thái tử quay lại nhìn vợ và con lần cuối rồi ra đi.
Ngài lặng lẽ thắng ngựa Kantaka (Kiền Trắc) rồi cùng người hầu Channa (Sa Nặc) phi nhanh trong im vắng. Đêm đến đã lâu rồi, ngài đã chọn đường đi - đường từ bi. Nguyện từ nay dấn thân trong cát bụi vì đạo thiêng. Ra đi, Thái tử từ bỏ tất cả, phụ vương, ngai vàng, vợ con, cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc của một chàng Hoàng tử trẻ. Không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già, đau ốm, một người nghèo, bệnh tật, ngán ngẫm cuộc đời, mà là sự hy sinh từ bỏ của một vị Hoàng tử đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý giàu sang. Quả thật đó là một sự từ bỏ, hy sinh vĩ đại, có một không hai trong lịch sử loài người. Ngài ra đi tìm đạo lúc giữa đêm mồng 8 tháng 2 Âm Lịch năm 605 Trước Công Nguyên. Lúc đó Ngài 19 tuổi.
Khi tới bờ sông Anoma, Thái tử dừng lại, bỏ ngựa, cạo râu, tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Sa Nặc, lệnh cho Sa Nặc trở về. Tại nơi đây Thái tử đã xuất gia, Ngài một mình ra đi, với bộ áo màu vàng đơn giản của người tu sĩ, từ nay cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Ngài không nơi ở cố định. Khi thì ngồi dưới bóng cây, khi thì nằm nghỉ qua đêm trong một hang đá. Chân không và đầu để trần, Ngài đi bình thản giữa nắng nóng cũng như trong sương đêm lạnh, tất cả mọi năng lực và ý chí của Ngài đều hướng tới lý tưởng cao cả tìm ra sự thật tối hậu, lý lẽ của sống và chết, ý nghĩa của nhân sinh, của cuộc đời, con đường dẫn tới giải thoát - con đường dẫn đến Niết Bàn bất tử.
Trong 5 năm Ngài đi tìm đạo, Ngài đi hết chổ này đến chổ khác, ở đâu nghe có một vị tu hành đắc đạo thì Ngài tìm đến học, nhưng đi đến đâu thì Ngài cũng thấy pháp môn của họ vẫn còn hẹp hòi, thấp thỏi. Sau đó, Ngài mất thêm 6 năm hành trì pháp tu cực kỳ khổ hạnh với năm người bạn đồng tu, thế nhưng Ngài đã nhận ra rằng tu khổ hạnh cũng không thể đem lại kết quả mà chỉ hành hạ thân xác và khiến cho sức khỏe ngày một sa sút, cơ thể ngày một tiều tụy hơn.
11 năm trôi qua, Ngài đã không thể tìm thấy một con đường nào có thể dẫn con người ra khỏi vòng luân hồi sinh tử, không thể tìm thấy một pháp môn nào có thể giúp con người đạt đến giải thoát thật sự. Dưới cội cây Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) cạnh dòng sông Nairanjana (Ni Liên Thiền), Ngài chấm dứt 6 năm tu khổ hạnh của mình bằng việc thọ nhận bát sữa cúng dường đầu tiên của nàng Sujata (Tu Già Đa). Ngài nhận ra rằng: “Mặc dù tấm thân tứ đại này là Vô thường, nhưng Ta vẫn cần nó như là chiếc thuyền để đưa Ta đến bên kia bến bờ Giác ngộ”.
Ngài thả bát xuống sông rồi ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây Bồ Đề trên một nắm cỏ khô, tham thiền và thề rằng: 
- Nếu Ta không thành đạo thì dù cho thịt nát sương tan, Ta cũng quyết không rời khỏi chỗ này.
Bỗng mây đen vần vũ kéo đến, sấm chớp liên hồi, những cơn giông ồ ạt trút xuống nơi Ngài đang tọa thiền. Bị cảm hóa trước lời thề nguyện rung động đất trời, Đại Thần Long Vương hiện thân thành một con rắn khổng lồ che chở cho Ngài khỏi cơn giông tố ấy.
Trong 49 ngày đêm, ma vương tham ái hiện lên cám dỗ và quyến rũ Ngài bằng mọi cách nhưng tất cả đều vô hiệu.
Không dừng ở thế, ma vương còn cho những bọn quỷ sứ, răng nanh, sừng nhọn, đầu trâu, mặt ngựa, đến bao vây để cố tìm mọi cách hãm hại không cho Ngài chứng đạo. Thế nhưng ngay lúc đó Kiên Lao Địa Thần Hộ Pháp hiện lên đánh tan lũ thiên ma ấy.
Bằng sự tinh tấn ba la mật, nhờ năng lực an trụ của tham thiền nhập định, như một bình nước đã được lắng trong không còn chút bẩn nhơ Ngài đã chiến thắng cả giặc nội tâm lẫn ngoại cảnh, tâm trí được khai thông, Ngài hốt nhiên đại ngộ.
Ngài nhập Sơ thiền rồi đi qua Nhị thiền, đến Tam thiền và cuối cùng đến Tứ thiền.
Trong đêm thứ 49, vào canh hai, Ngài chứng được quả Túc Mạnh Minh (Pubbe Nivasanusita nana) thấy được rõ ràng chi tiết tất cả những đời quá khứ của mình trong Tam giới - Lục đạo.
Ðến nửa đêm, Ngài chứng được quả Thiên Nhãn Minh (Catupapata nana), thấy được tất cả bản thể của vũ trụ bao la và nguyên nhân cấu tạo của nó. Ngài biết về việc sinh tử của chúng sinh dựa trên cái Nghiệp (Karma) mà chính họ đã tạo ra. Do đó Ngài cũng nhận ra rằng tùy theo các hành động thiện hay bất thiện của chúng sinh mà họ sẽ phải luân hồi như thế nào trong Tam giới - Lục đạo. Đó chính là cái màng rối răm của sự tương quan giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai. Là một vòng luân hồi vô tận không có hồi kết.
Và sau cùng khi đến canh tư, Ngài chứng được quả Lậu Tận Minh (Asavakkaya nana). Đây là quả cuối cùng đã giúp cho Ngài thấu hiểu nguồn gốc của sự đau khổ và phương pháp diệt trừ những nỗi khổ đau này để được giải thoát ra khỏi cảnh sinh tử luân hồi.
Rạng sáng mùng 8 tháng 12 Âm Lịch năm 594 Trước Công Nguyên, Thái tử Tất Đạt Đa đã thành đạo, Ngài chứng ngộ Giải thoát, đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và trở thành Phật với hiệu là Thích Ca. Năm ấy Ngài 30 tuổi.
Thế rồi bình minh vừa ló dạng, bầu trời thật đẹp và trong sáng, chim muôn líu lo trên cành, thật là một bồng lai tại thế. Bởi vì từ đây nhân loại đã có được một Đấng Giác Ngộ, Người đã dám hy sinh, từ bỏ tiền tài danh vọng để đổi lấy cuộc sống tu hành khắc khổ, cố tâm tìm đạo để cứu giúp chúng sinh, cứu giùp những con người còn đang lặn hụp trong dòng chảy sinh tử luân hồi bất tận.
Sau khi đắc quả Phật, Ngài quán sát căn tính chúng sinh nơi cõi trần gian này và nhận thấy rằng chúng sinh thấy khổ nhưng không muốn thoát khổ, căn lành ít, bướng bỉnh nhiều. Ngài trâm tư ngần ngại giữa một bên là giáo lý giác ngộ quá cao siêu, một bên căn tính chúng sinh quá thấp kém, sợ đem giáo pháp ấy nói cho chúng sinh sẽ có hại nhiều hơn có lợi. Trong lúc Phật đang quán xét phải thuyết pháp cách nào mới đưa đến nhiều lợi ích thì Phạm Vương - Vua của Trời Đại Phạm đến dâng hoa cúng dường và thưa thỉnh mong cầu Đức Phật thuyết pháp giáo độ chúng sinh. Đức Thế Tôn từ bi hứa khả.
Ngài liền tìm đến Mrgadava (Vườn Lộc Uyển) để thuyết bài Pháp đầu tiên là Tứ Diệu Đế cho năm anh em Kiều Trần Như là năm người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài trước kia. Lần thuyết Pháp đầu tiên đó đã đánh dấu cho sự khởi đầu con đường hoằng Pháp độ sanh của Đức Phật.
Ngày rằm tháng 6 tại Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên, Đức Phật truyền giới cho 1250 vị Thiện Lai Tỳ kheo. Từ khi ngôi Tam Bảo được hình thành, ánh sáng Chánh Pháp từ lời dạy của Đức Phật đã được các hàng đệ tử của Ngài truyền bá, lan tỏa khắp mọi nơi. Ngài luôn dạy đệ tử sống một cuộc sống đơn giản, du hóa khắp nơi, tùy duyên mà giáo độ chúng sinh.
Tại thành Ca Tỳ La Vệ, Tịnh Phạn Vương nghe tin Thái tử đã tìm được đạo giải thoát, chứng nên Phật quả, hiện đang du hóa khắp nới để giáo độ chúng sanh. Vua liền cho sứ giả đến tìm và thỉnh Đức Phật, mong Ngài trở về quê hương để dân chúng và hoàng gia có cơ duyên được thọ giáo. Vì muốn báo đáp ân hiếu sinh thành Ngài nhận lời thỉnh cầu. Sau bao nhiêu năm, Đức Phật trở về thành xưa thăm lại vua cha và hoàng tộc.
Sau khi thọ thực từ bữa cúng dường trai tăng xong. Ngài gặp lại công chúa Da Du Đà La - người vợ năm xưa khi Ngài còn là Thái tử. Đức Phật ngồi trên ghế kê sẵn và nói: “Hãy để công chúa đảnh lễ Ta theo như ý nàng muốn”. Công chúa tiến lên đến gần Đức Phật, chụm hai chân, quỳ xuống đặt đầu lên chân Ngài mà khóc. Vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề kể hết đức hạnh của con dâu cho Đức Phật nghe: “Khi con dâu ta nghe thấy Ngài chỉ khoác tấm y vàng đơn giản thì nàng bỏ hết đồ trang sức và y phục sang trọng mà chỉ đắp y vàng. Khi nàng nghe thấy Ngài chỉ dùng một bữa mỗi ngày thì nàng cũng theo như thế. Khi nàng nghe thấy Ngài nằm giường thấp gỗ cứng thì nàng bỏ hết giường chiếu sang trọng trong cung. Khi nàng nghe thấy Ngài bỏ hết tràng hoa và hương thơm thì nàng cũng làm như vậy. Một số vương tôn công tử ngỏ ý muốn cầu hôn nhưng nàng đều gạt bỏ hết”.
Đức Phật bèn nói cho mọi người biết rằng Ngài và công chúa đã có cơ duyên vợ chồng từ tiền kiếp, Ngài nói công chúa đã từng là người vợ quý của Ngài và cả 2 đã từng sống chung thủy, đã từng thương yêu nhau hết lòng và đã từng thệ nguyện sống chết có nhau.
Mặc dầu Đức Phật chỉ ở lại có bảy ngày, nhưng Ngài đã cảm hóa tất cả những người trong dòng họ Thích Ca, và ai ai cũng muốn xin xuất gia theo Phật. Hơn thế nữa Da Du Đà La đã nhiều lần được nghe và thấm nhuần giáo Pháp từ Đức Phật, ngay trong lần đó, tuy vẫn thương con thơ đứt ruột nhưng chính bà đã cho La Hầu La xuất gia theo Ngài. La Hầu La trở thành vị Sa Di đầu tiên trong Tăng đoàn.
Tôn giả Ananda (A Nan) là em họ của Đức Phật. Tâm trí ông vẫn còn tham ái, luyến dục, háo sắc với những thứ giả tạm của trần tục mà không trọn thành đạo xuất gia. Vì muốn hóa độ cho ông, Đức Phật đã dùng thần lực hiện ra vô số các tiên nữ xinh đẹp, kiều diễm làm cho A Nan thổn thức. Rồi sau đó Phật cùng A Nan đi xuống địa ngục cho ông thấy những quả báo và hình phạt dành cho những kẻ tham đắm sắc dục, đam mê bụi trần. Hành động đó của Đức Phật khiến cho A Nan tỉnh ngộ, ông đã tự sám hối tội lỗi của mình và nương theo giáo Pháp của Đức Phật mà tu tập, trở thành một Thị giả thân cận của Ngài.
Một thời gian sau, khi nghe tin vua Tịnh Phạn bị bệnh nặng sắp băng hà, Đức Phật tức tốc về thăm cha lần cuối để trọn thành đạo nghĩa. Thấy phụ vương buồn rầu trên giường bệnh, Ngài giảng giải về lẽ Vô Thường, nguồn căn của ni khổ và luật Vô Ngã cho phụ vương nghe. Nghe xong, Tịnh Phạn vương liền dứt hết phiền não, chứng đắc Thánh quả A La Hán, giải thoát hoàn toàn khỏi vòng sinh tử luân hồi. Giờ đây gương mặt đức vua bỗng vui tươi rồi băng hà một cách êm ái.
Sau khi Tịnh Phạn vương qua đời, hoàng hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề kết hợp một nhóm mệnh phu quý tộc khoảng 500 người trong đó có cả công chúa Da Du Đà La. Bà yêu cầu mọi người cạo đầu, từ bỏ những áo quần cao sang lòe loẹt, vứt bỏ hết những nữ trang và thay vào đó bằng những chiếc áo cà sa. Họ đi bộ từ kinh thành Ca Tỳ La Vệ đến chỗ Đức Phật đang truyền đạo (Versali), để thỉnh cầu Phật cho họ được phép xuất gia. Đức Phật chấp nhận và thành lập Ni đoàn, ban hành các giới luật dành cho họ. Đây chính là những Ni Sư đầu tiên trong Ni đoàn của Đức Phật.
Trong mùa an cư lần thứ bảy tại làng Samkassa, thuộc thượng lưu sông Ganga. Thế Tôn dùng thần thông lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho thân mẫu của mình. Hoàng hậu Ma Da sau khi qua đời đã tái sinh làm vị tiên trên cõi trời Đao Lợi. Thiên nữ Ma Da cùng với các Chư Thiên được nghe Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) và Kinh Địa Tạng từ Kim khẩu của Thế Tôn mà thành tựu giải thoát.
Dù rằng, Thế Tôn không chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ cùng thân quyến như những gì ở thế tục thường làm, nhưng Ngài đã tận tình chăm dưỡng đời sống tinh thần, khiến cho họ thăng hoa về mặt tâm linh, chứng đắc Thánh quả, giải thoát an vui khỏi vòng sinh tử. Đây mới chính là đỉnh cao của sự hiếu đạo, đây mới chính là Đại Hiếu.
Trong cuộc đời hành đạo 49 năm của Đức Phật, Ngài đã không ngần ngại đi khắp mọi nơi từ đông qua tây, từ bắc xuống nam, hết nước này đến nước khác để hoằng dương giáo Pháp. Hễ nơi nào có bước chân Ngài đến là ánh đạo vàng bừng tỏa huy hoàng. Khi giác hạnh của Phật đã viên mãn thì Ngài đã 80 tuổi. Ngài nói với A Nan: “Cũng giống như mọi người trên thế gian này, tấm thân tứ đại của Ta cũng theo luật Vô Thường mà biến đổi, Ta đã mượn nó để chở giáo Pháp lan khắp mọi nơi, vậy Ta còn luyến tiếc làm gì ở cái thân tiều tụy này nữa? A Nan? Trong ba tháng nữa Ta sẽ nhập Niết Bàn”. Tin đức Phật sắp vào Niết Bàn, lan ra như một tiếng sét. Các đệ tử Ngài đi truyền giáo ở các nơi xa, tức tốc trở về để cùng Đức Thế Tôn chia ly lần cuối.
Gần đến ngày nhập Niết Bàn, một ngày nọ trên đường đi thuyết pháp, Ngài gặp một người làm nghề thợ rèn tên là Cunda (Thuần Đà) thỉnh Ngài về nhà để cúng dường cháo nấm. Sau khi thọ trai xong, Phật gọi ông Thuần Đà đến bảo: “Này ông, món cháo nấm này còn lại bao nhiêu ông nên đào đất mà chôn đi, không nên để cho người khác ăn”. Thuần Đà vâng dạ làm theo lời Đức Phật mà không biết tại sao.
Sau bữa thọ trai đó, sức khỏe của Phật đã yếu đi nhưng Ngài vẫn thuyết pháp cho mọi người nghe, rồi trở về khu lâm viên nghỉ ngơi. Nằm nghỉ một lát, Phật gọi A Nan đến bảo: “Này A Nan, bữa thọ trai tại nhà cư sĩ Thuần Đà là bữa ăn cuối cùng của Như Lai. Khi nhìn sơ qua Ta đã biết bát cháo nấm đó là nấm độc nhưng Thuần Đà không hề biết. Việc Ta thọ nhận bữa trai đó sẽ giúp ông ta được vô số phước báu to lớn và đó cũng chính là việc Ta nên làm. Đừng trách ông ấy”.
Hành trình 49 năm hoằng Pháp độ sinh, giờ đã đến lúc kết thúc.
Dừng chân tại Kusinara (Câu Thi Na) Đức Phật khai thị cho các đệ tử lần cuối:
- Này! Các ngươi phải tự thắp đuốc lên mà đi! Các ngươi hãy lấy Pháp của Ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của Ta mà tu giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các ngươi.
Rồi Phật lại dạy tiếp:
- Này! Các ngươi đừng vì dục vọng mà quên lời Ta dặn. Mọi vật ở đời đều không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có đạo Ta là quý báu. Chỉ có chân lý của đạo Ta là bất di, bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát.
Sau khi dặn dò cặn kẽ xong, Ngài tắm rửa lần cuối cùng trên dòng sông Kakuttha, rồi bảo A Nan làm một chiếc giường. Như Lai nằm kiết tường, đầu Ngài hướng về phía bắc mặt hướng về phía tây. Ngài lặng lẽ nhập định, tuần tự trải qua các tầng thiền định từ thấp đến cao và cuối cùng dưới tàng cây Sa La Song Thọ tỏa hương thơm ngát, Đức Thế Tôn chủ động nhập vào Niết Bàn Đại Định, bên cạnh sự tiếc thương của hàng vạn đệ tử, chấm dứt 80 năm trụ thế tại cõi Ta Bà. Lúc bấy giờ là nửa đêm ngày rằm tháng 2 Âm Lịch năm 544 Trước Công Nguyên. Kể từ thời điểm này trở đi Phật Lịch bắt đầu được tính.
Tuy Đức Thế Tôn - Bậc Thiên Nhân Chi Đạo Sư đã nhập vào Vô Dư Niết Bàn. Tuy Mặt Trời Chân Lý đã vụt tắt, thế nhưng Ánh Sáng Chính Pháp vẫn mãi còn đó, vẫn mãi chiếu sáng mọi lúc, vẫn mãi chiếu sáng mọi nơi - nơi mà sự đau khổ vẫn còn tồn tại.... Người có duyên ắt sẽ gặp được ánh sáng ấy
*.
ĐỖ ANH TUYẾN (Tổng hợp và giới thiệu)
Địa chỉ: Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,
huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
Email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn





..............................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 13.05.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét