(Nhà thơ Lâm Huy Nhuận - Nguồn ảnh: Internet) |
Đọc CHIỀU CÓ THẬT
nghĩ về thơ Lâm Huy Nhuận
----------------------------------------------------
Lời dẫn: Lâm
Huy Nhuận thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ thời kỳ cả nước chống Mỹ. Anh đã đạt
giải cao trong cuộc thi thơ 1972 - 1973 của Tuần báo Văn nghệ. Tập thơ “Chiều
có thật” (Nxb Văn học, 1999) đánh dấu một bước tiến mới trong hành trình sáng
tạo nghệ thuật của Lâm Huy Nhuận. Bài viết này đi vào đánh giá giá trị nội dung
và nghệ thuật của tập thơ nói trên, đồng thời nêu lên những suy nghĩ về sự
nghiệp thơ của Lâm Huy Nhuận, khẳng định những đóng góp riêng của nhà thơ cho
nền thi ca Việt Nam
hiện đại.
(Tác giả Trần Thanh Phương) |
1. Tôi thuộc thơ Lâm Huy Nhuận khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngày ấy
đám trẻ chúng tôi say mê thơ lắm, thích thần tượng các văn nghệ sỹ, mà Lâm Huy
Nhuận đã từng đạt giải cao trong cuộc thi thơ 1972-1973 của Tuần báo Văn nghệ.
Tôi nhớ đó là cuộc thi có nhiều người tham dự nhất và cũng có nhiều giải thưởng
nhất so với các cuộc thi trước. Chùm thơ giải nhì của anh nằm trong mạch cảm
hứng chung ca ngợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn
của người chiến sỹ giải phóng, nhưng vẫn có nét riêng. Cũng tìm kiếm chất liệu
thơ từ cuộc sống chiến đấu, sinh hoạt của bộ đội, nhưng cảm xúc của anh không
hướng đến những vẻ đẹp hoành tráng chói lọi, mà luôn hướng về những cái bình
dị, bình thường ít người để ý. Hàng ngàn hàng vạn chiến sỹ ta ra trận ai chả
mang bao gạo vắt chéo qua lưng, khi ngủ dùng nó gối đầu là tiện nhất, nhưng có
ai nghĩ nó lại có thể trở thành bài thơ chứ chưa nói là thơ hay:
Gối êm hơn cả gối mây
Gối êm hơn cả bông cây gạo làng
Là đêm ghé ngủ đỉnh ngàn
Gối lên bao gạo vừa choàng trên lưng…
(Bao gạo)
Một anh lính pháo phòng không đi kiếm rau rừng bị lạc đường không sao tìm
được lối về, lay hoay mãi bỗng chợt phát hiện:
Ai bảo lạc rừng đêm khó tìm đường?
Chỉ hướng trong đêm ở giữa chiến trường
Là đạn ta bay muôn ngàn ánh đỏ
(Lạc đường)
Bài “Thung lũng tiếng chim” kết hợp được những cảm xúc dạt dào, tươi trẻ
với những liên tưởng phong phú, bất ngờ tạo thành một tứ thơ mới lạ: Từ những
tếng ma-níp của máy thông tin vô tuyến điện anh liên tưởng những tiếng chim
hót:
Tiếng “tạch tè” của con chim chích
Cắn chắt hạt vàng suốt mùa chiến dịch
Tiếng”tút, tút”của con tu hú gọi hè
Rắc hoa gạo rừng đỏ khắp lòng khe…
Đấy chính là nét riêng của thơ Lâm Huy Nhuận và cũng có thể vì thế mà anh
bị phê “tính tư tưởng trong các bài thơ còn chưa thật cao” (Lời giới thiệu tập
Thơ giải thưởng báo Văn nghệ 1972-1973- NxbVăn học, Hà Nội, 1974). Tôi hiểu đây
là nói tư tưởng chính trị chứ không phải tư tưởng riêng của người làm thơ.
Bẵng đi một thời gian dài tôi không được đọc thơ Lâm Huy Nhuận nữa. Có thể
anh đã “rửa tay gác kiếm” để lao vào cuộc mưu sinh hoặc cũng có thể anh đang âm
thầm tìm kiếm một hướng đi mới cho thơ mình. Thế rồi tôi cũng đã nhận được tập
thơ mới của anh với nhan đề Chiều có thật (Nxb Văn học, Hà Nội, 1999). Thì vẫn tính
cách của anh không quen nói đại ngôn, cũng không thích nhập vai vào người khác
mà chỉ nói những gì mình đã trải nghiệm, đã đúc rút ra được từ cuộc sống bản
thân có cả ngọt ngào lẫn cay đắng. Trong tập này những bài thơ trữ tình công
dân anh viết từ những năm chiến tranh và ngay sau hoà bình vẫn theo hướng tìm
tòi đã được mở ra ngay từ đầu, nghĩa là vẫn hướng về những cái bình thường giản
dị ít người để ý. Nhưng bình thường mà có khi đọc lên thấy rùng mình, rớm nước
mắt: “Bạn tìm bới những nắm cơm/ Vừa vùi
lấp dưới lửa bom ban chiều/…Nắm cơm như trái bưởi vàng/ Gọt xong lớp vỏ mịn
màng trên tay”. Thế rồi đang ăn ngon lành bỗng: “Nhai
như có hột bên trong/ Lưỡi lừa ra - đỏ mảnh bom ban chiều” (Nắm cơm-quả
bưởi). Một bài thơ khác viết trong chiến tranh, ngay thời điểm ác liệt nhất
(1972) mà không thấy máu lửa chết chóc, chỉ thấy tiếng ếch kêu đến nao lòng:
Xe nối đoàn xe lên tận tuyến đầu
Tháng ba còn buốt đá ngầm sâu
Nghĩ thương chú ếch kêu khan tiếng
Bom nổ liên hồi phải sấm đâu!
(Tiếng ếch)
Có khi anh thác lời nghĩa trang để nhắc nhở mình và mọi người phải sống sao
cho xứng đáng với những đồng đội đã hy sinh (Lời nghĩa trang). Viết về đất nước
anh cũng chỉ hướng cảm xúc tới sự đói nghèo: “Mảnh đất nghèo lấy câu hát nuôi nhau” (Một điều giản dị về đất
nước) v.v…Có lẽ cái tạng của anh là như thế chăng?
2. Thế nhưng phần đọng lại nhất trong tập thơ Chiều có
thật không phải là những bài thơ trữ tình công dân mà là ở những bài thơ trữ
tình tâm trạng. Anh vật vã kiếm sống và luôn trăn trở đi tìm mình. Thơ đã nâng
anh vượt lên những giây phút nản lòng và những mất mát riêng: “Ngày sấp với chợ đời/ Đêm nằm lưng lạnh
ngắt/ Rờ mãi không thấy mặt/ Của mình/ Nơi đâu” (Tựa). Cảm hứng đi tìm
gương mặt bên trong của chính mình ở anh tuy không quyết liệt như Hoàng Hưng: “Ta đói mặt người/ Ta khát mặt ta/ Đi tạc mặt
vào đêm/ Hun hút” (Người đi tìm mặt), nhưng cũng không kém phần dữ dội. Bài
thơ “Tự
xông đất”diễn tả nỗi cô đơn rợn ngợp đọc xong cứ thấy rờn rợn:
“Tự mình xông đất cho mình
Căn phòng vắng
ngắt lặng thinh suốt mùa
Tự đốt
pháo, tự giao thừa
Bắt tay chúc
tết như vừa thấy nhau
Giật
mình hai mắt trũng sâu
Người trong
gương ấy còn đau hơn mình”
Thơ ca Việt Nam
đã từng nói nhiều đến hai chữ giật mình. Có cái giật mình của Thuý Kiều thương
cho nhân phẩm của mình bị chà đạp: “Khi
tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa” (Truyện
Kiều). Có cái giật mình phản tỉnh của Nguyễn Duy trước một vầng trăng tình
nghĩa: “Trăng cứ tròn vành vạnh/ Kể chi
người vô tình/ Ánh trăng im phăng phắc/ Đủ cho ta giật mình” (Ánh trăng).
Hoàng Hưng lại “giật mình một cái vỗ vai”
(Người về) và còn nhiều cái giật mình kiểu khác nữa thường thấy ở một số nhà
thơ trẻ. Song cái sự giật mình của Lâm Huy Nhuận không hề giống ai. Câu thơ lục
bát Việt Nam
tạc hình một người vừa phát hiện ra bóng mình trong gương với “hai mắt trũng
sâu” gợi nhớ thơ Huy Cận: “Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt” (Các vị La Hán
chùa Tây Phương) v.v... Nhưng không dừng lại ở gợi tả nữa mà là cảm, là thấu hiểu: “Người trong gương ấy còn đau hơn mình”.
Bóng của mình là một con người khác vừa là mình vừa không phải là mình. Sự phân
thân kiểu này quả là đắc địa. Nỗi đau đời, nỗi đau nhân thế của kẻ sĩ đâu phải
của một thời mà là quy luật của muôn đời. Xưa kia Ức Trai tiên sinh từng chiêm
nghiệm đau xót: “Nhân sinh thức tự đa ưu
hoạn/ Pha lão tằng vân ngã diệc vân”. Còn Nguyễn Du tự hỏi lòng mình: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà
nhân khấp Tố Như?” (Độc Tiểu Thanh ký)… Phép thắng lợi tinh thần của kẻ sĩ
không gì khác hơn là tự an ủi mình đã khổ còn nhiều người khác khổ hơn mình.
Không thế sao sống nổi qua những thăng trầm thế sự? Thơ hướng vào nội tâm,
trình bày tâm cảm thường tìm đến không gian đêm - Thì nỗi lòng, sự sáng tạo
thường nổi hứng vào ban đêm, có gì lạ đâu. Có phải thế chăng mà nhà thơ say mê
đêm (Đêm; Đêm lặng; Bóng đêm), thậm chí anh còn muốn “Cưới đêm” nữa! Anh hoảng
hốt khi đêm hết: “Tôi cố nhổ nước bọt/
Vào bóng đêm đang sáng/ Bóng đêm ơi/ Ta lỡ nghiện ngươi rồi” (Bóng đêm).
Ban đêm anh nhìn thấy mắt con anh phát sáng: “Con tôi mở mắt nhìn/ Một thế giới/ Đang đến gần/ Thiện - Ác”
(Đêm). Khi con mắt thường nhắm lại thì
con mắt thơ lại mở ra để nhìn thấy “Mầm trăng”, thấy “Trăng bấy” và thấy cả
“Chớp đá”, chấp nhận mọi thua thiệt để được là chính mình: “Tôi chịu sự đoạ đầy/ Cho tôi vẫn là tôi”
(Chớp đá). Anh thương một kiếp ve: “Mày
vừa lột xác/ Biết rồi/ Khoe làm gì kêu mãi/ Phồng rát cả trưa hè/ Kìa rỗng một
thân ve” (Con ve). Anh sục vào đời thường để tìm ra những quy luật nhân
sinh và ý thức về những giới hạn: “Sự
sáng tạo/ Sẽ tiếp nối không ngừng/ Bởi nó biết/ Nhường đường/ Cho kẻ khác”
(Thơ ngày thường). Anh suy ngẫm về người cha ruột mình - Cố nhà thơ Yến Lan: “Tuổi cha ngoài sáu mươi/ Mang trái tim nghìn
tuổi/ Đôi mắt mới lên mười/ Cái nhìn nêu câu hỏi” (Sợi tóc bạc nhà thơ).
Anh triết lý về chiếc đồng hồ để bàn: “Trước
một đống băng nhạc/ Trước một đống sách/ Có một chiếc đồng hồ/ Lặng lẽ kêu/
Tích tắc/ Tích tắc/ Sao?/ Suốt một đời/ Mày không tiếng khác” (Chiếc đồng
hồ) v.v…Các cụ bảo người hay suy nghĩ thì suốt đời khổ không biết có đúng
chăng? Tôi thấy Lâm Huy Nhuận khác người vì anh dám “Cưới đêm”, dám mơ “Chiều
có thật”, không thích kiếm nhiều tiền mà chỉ lo “cầm nhớ giữ mong” (Se nắng)
như cố thi sĩ Yến Lan vẫn thích “Cầm chân em cầm chân hoa”- Giữa hai cha con có
sự nối tiếp gien di truyền là như thế chăng?...
3. Câu thơ: “Tôi nằm giữa thực và mơ/
Mà nghe tay buốt hai bờ thương đau” (Bài kệ 1) có thể lấy làm đề từ cho
nghệ thuật tập thơ Chiều có thật. Thơ anh không thiếu những hình ảnh ảo là sản
phẩm của trí tưởng tượng như: “Mây thắt tang trăng gầy” (Không đề 3); “Đêm chạm
ngõ ngửi trăng nhạt thếch” (Đêm lặng); Hoặc: “Tôi nằm trong đốt mưa rơi/ Mà nghe trăng nói ma cười xốn xang/ Tôi nằm
ngoài những hỗn mang/ Mà nghe lưng ráo sắc vàng cuối thu” (Bài kệ 1) v.v… Thơ anh cũng không ít những so sánh lạ, độc
đáo:
-- “Đêm
Mưa sấm
Như cá quẫy trong thùng
Để lại nhớt bên thềm”
(Đêm)
-- “Vệt trăng lên
Dịu dàng
Như máu chảy”
(Trái mìn)
-- “Môi anh mảnh kính vỡ
Xiết êm da ngực em”
(Môi anh)
.…
Anh có nhiều bài thơ hay ở một số thể loại thơ khác nhau nhưng theo tôi
nghĩ anh có sở trường ở thể thơ lục bát và thơ tứ tuyệt hơn cả. Trong tập có
17/62 bài tứ tuyệt và nhiều bài để lại ấn tượng khó quên (Tiếng ếch; Phù dung;
Từ căn nhà đơn độc; Thanh khiết; Vườn xưa; Ga xép; Đêm lặng; Mầm trăng; Trăng
bấy; Say; Lẫn…)
Chẳng hạn như bài “Lẫn” đọc xong cứ thấy lòng bâng khuâng xao xuyến nhưng
không muốn biết rõ ràng mình bâng khuâng vì cái gì - Tôi có một chiêm nghiệm là
nếu đem bài thơ ra phân tích nhìn thấy rõ ràng hết rồi thì lại chán, thà cứ để
mập mờ có khi lại thích hơn:
“Aó lẫn nhoà cây em lẫn anh
Chim thôi rũ nắng động run cành
Những mong trở lại vườn yêu ấy
Chỉ sợ đôi
mình hoá búp xanh”
Có lẽ anh muốn tiếp nối dòng thơ tứ tuyệt Bình Định của nhóm thơ Bàn thành
tứ hữu với những tên tuổi lẫy lừng: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan
Viên chăng? Tuy nhiên trong thơ anh có những hình ảnh rất hay nhưng hình như ta
cũng đã bắt gặp ở đâu đó rồi như câu thơ “Họ rước em rồi anh cưới đêm” làm ta
sực nhớ câu thơ của Xuân Diệu: “Lòng anh thôi đã cưới lòng em”. Hoặc như câu
“Lòng người lính nước mắt già hơn tuổi” đoc lên tôi lại thấy thấp thoáng câu
thơ Nguyễn Duy: “Giọt nước mắt cũng đã già như tuổi” v.v…Thì đúng là nhà thơ
vẫn đang trên đường đi tìm mình. Cuộc tìm kiếm bản lai diện mục của mình đầy
nhọc nhằn khổ ải và Lâm Huy Nhuận vẫn không muốn bỏ cuộc: “Vó câu - cửa sổ ghìm cương lại/ Lưu chút buồn riêng nốt tối nay”
(Mầm trăng). Người đọc vẫn đang đợi chờ anh như chờ đợi một Chiều có thật và kính mong nhà thơ sẽ có thêm nhiều “Vương
miện” mới cho thơ của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Long – Lã Nhâm Thìn (Đồng chủ biên): “Văn học
Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và
giảng dạy”, NXB Giáo dục, 2006, Hà Nội.
2. Lâm Huy Nhuận: “Thơ giải thưởng báo Văn nghệ 1972 - 1973”,
NXB Văn học, 1974, Hà Nội.
3. Lâm Huy Nhuận: “Chiều có thật”, NXB Văn học, 1999, Hà
Nội.
4. Lâm Huy Nhuận: Những bài viết về thơ Lâm Huy Nhuận theo tên tác
giả trên Internet.
5. Nhiều tác giả: “Tác phẩm chọn lọc”, NXB Văn học, 1995,
Hà Nội.
--------------------------------------------------------------------
SUMMARY
Things about poetry of Lam Huy Nhuan when
read poem “Chieu co that”. Tran
Thanh Phuong. Lam Huy Nhuan
belongs to generation young poets at the period against American. He had a high
prize in poem competition in 1972 - 1973 of weekly letters. The collection of
poems “The trueafternoon” (Literature
publising house, 1999) marked a new step forward in itinerary of his created
art. This article has evaluated the content and artistic value of above
collection of poems, at the same time is has been stated the thought about his
career in poem, affirmed his individual contribution to modern Vietnam poetry.
*.
TRẦN THANH PHƯƠNG
Giảng viên Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Quy Nhơn
Địa
chỉ: 170 An Dương Vương, Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Email: rolanphuongnd@gmail.com
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.05.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại..
0 comments:
Đăng nhận xét